Thuyền nghiêng – Tiểu thuyết của Dương Thị Nhụn

Hãn ghé sát vào mặt Vớ. Nó cảm nhận được mùi hương nồng nàn khó tả từ mái tóc, da thịt của chị. Vớ ngồi trên đê hết ngày này sang ngày khác để hít thở hương vị của đồng đất suốt bao năm nay và nhận ra Hãn có  làn hương ấy. Nó vẫn thấy nhiều người trên ti vi khi ghé vào nhà ai đó xem chạc. Những người đàn bà mặc váy áo mềm như ngọn gió lay đồng lúa, những cô gái chỉ mặc miếng vải bé tí. Da thịt họ trắng như bẹ chuối hột, mịn và thơm phức qua sự tưởng tượng của nó. Chị Hãn giống họ, chỉ cần nghĩ đến đã thấy rạo rực. Nhưng sự thực rõ ràng là nó được tận hưởng một thân hình từ trên trời rơi xuống. Ngọt ngào. Mềm mại. Thật khó tả!

Không ai biết rõ lai lịch của Hãn. Người như thế càng làm cho người làng Đông Phong khinh miệt. Cách đây vài chục năm một người đàn bà bụng mang dạ chửa chèo con đò nát ghé bến sông làng. Bà vừa bò được lên bờ thì nằm vật ra. Bến sông hôm ấy tấp nập vì đúng vào ngày nước rươi. Người làng mang vợt ra bãi vớt rươi được chứng kiến một ca đẻ ngay trên đê. Đứa con gái mình đầy máu me chui ra từ háng người đàn bà cũng bê bết máu. Người xúm đen xúm đỏ mỗi lúc một đông nhưng chẳng ai biết làm gì. Họ sợ và chỉ biết đứng nhìn rồi nhốn nháo hỏi nhau phải làm sao? Người đàn bà nằm mê mệt cạnh đứa trẻ mất một lúc lâu. Chị ta nguột đi vì mất nhiều máu. Hình như có người chạy đi gọi ông Sáo hoạn lợn. Ông Sáo đang vớt rươi ở thửa ruộng cuối bãi chạy tới, gạt mọi người ra, giật vội cái liềm của ai đó xông vào. Không mấy khó khăn ông đỡ đứa bé, dùng liềm cắt gọn cái dây nhau loằng ngoằng nối mẹ với con. Ông dốc ngược đứa trẻ và vung nhẹ. Tức thì tiếng khóc của con bé vang lên trên bờ đê. Lúc ấy mọi người mới xúm vào. Người cho chiếc áo mặc ngoài, người cho tấm vải màn chưa kịp trở thành vợt vớt rươi. Đứa trẻ mắt mở thao láo như cảm nhận được tình người. Nó cứ nằm im trong tay mấy bà truyền nhau đòi bế.

Xong việc đứa trẻ ông Sáo quay qua người mẹ. Máu vẫn chảy. Lúc này máu loang cả ra xung quanh. Ông hoảng hốt gọi mọi người. Nào có ai biết làm gì? Chắc phải khiêng về trạm xá thôi. Nhưng nhìn quanh toàn đàn bà con nít. Ông sai một đứa trẻ chạy xuống thuyền xem có tấm gỗ nào không? Thằng bé chỉ một loáng đã chạy lại. Chẳng có gì trên thuyền.

Người phụ nữ nguột đi, mắt nhắm nghiền. Chị không nói được, chỉ thều thào điều gì nghe không rõ. Chắc chị đã trải qua thời gian dài đau đớn một mình nên bị mất sức. Ông Sáo biết nếu không cấp cứu kịp chị sẽ không sống được. Dù là ai cũng phải cứu thôi. Vậy là ông cúi xuống xốc người phụ nữ lên vai chạy như bay trên đê. Chiếc áo đang mặc ông cởi phăng ấn vào cửa mình người phụ nữ giờ sũng máu rỏ tong tong trên đường. Chưa từng có ai nhiều máu đến thế. Bờ đê cách trạm xá xã gần cây số nhưng càng gần trạm xá máu càng ít dần và ngừng hẳn. Khi ông Sáo lảo đảo bế người phụ nữ vào tới giường thì ông cũng lả đi.

Chị y tá đang trồng rau ngoài vườn hốt hoảng chạy vào. Khổ nỗi trạm xá thời ấy làm gì có thuốc dự phòng. Hôm trước chị đã dùng nốt ống thuốc cầm máu cho một ca băng huyết. Phải chuyển lên bệnh viện huyện. Nhưng có ai đâu ngoài chị và ông Sáo đang thở hồng hộc? Ông Sáo lảo đảo chạy ra đường tìm người. Cuối cùng cũng có người giúp. Nhưng người phụ nữ xấu số không chờ được tới bệnh viện. Đoàn người đi được nửa đường lại phải quay về.

Nhưng quay về đâu bây giờ? Ai biết tìm người nhà chị ấy ở đâu? Về làng Đông Phong chắc chắn không được vì khênh người chết về làng đã khó, người phụ nữ này chắc chắn khó hơn. Càng không thể để trên đê. Nghe tin người phụ nữ chết, người làng Đông Phong xúm lại bàn ra tán vào ở sân kho bị bỏ hoang. Nếu xã cố tình đưa chị về cả làng sẽ ra tay. Từ xa xưa đại kị đưa người chết qua làng, nói gì đến chôn cất. Bao nhiêu điều xúi quẩy sẽ xảy ra. Ai cũng sợ tai hoạ giáng xuống đầu nhà mình.

Các họ trong làng lập tức tập trung nhau tìm mưu kế. Những người đứng đầu là đại diện các dòng họ. Mọi người hả hê đưa ra hàng mớ tuyên bố hùng hồn rằng làng nhất quyết không thể hứng một cái xác vô gia cư như thế. Cả làng sẽ chống đối tới cùng. Đám đông bàn mưu tính kế như một thể thống nhất. Ai bảo làng Đông Phong có tất cả gần ba chục dòng họ? Ai bảo làng mất đoàn kết, rằng con thuyền làng Đông Phong đang nghiêng? Một người phụ nữ chết đi đã làm cán cân tình cảm thay đổi hẳn. Họ hỉ hả nâng chén rượu mời nhau, cùng giơ tay hô quyết tâm ngăn chặn thói áp đặt của cán bộ xã. Khí thế bừng bừng trên từng ấy khuôn mặt tưởng không gì ngăn nổi. Cứ như cả làng sẵn sàng lao vào một cuộc chiến, chấp nhận đầu rơi máu chảy, chấp nhận mất mát hi sinh. Đây là một cuộc chiến mang lại quyền lợi sát sườn nên ai nấy tự nguyện không một lời kêu ca.

Đứa trẻ trên đê cũng đang là đề tài bàn tán. Ai nuôi nó bây giờ? Sao làng mình khổ thế, chịu hết tai hoạ này đến tai ương khác. Đến chuyện đẻ đái cũng phải hứng. Xúi quẩy.

  • Phép vua thua lệ làng. Không thể để họ đưa một các xác không rõ danh tính về làng.
  • Các ông các bà gọi thanh niên tập trung sẵn sàng ra tay nhé!

Tiếng cốc chén va nhau, tiếng hô hào hỗn độn. Mọi sự bàn tán và khí thế hừng hực đang hiện rõ trên từng gương mặt thì một người chạy tới thông báo:

– Người làng mình toàn thắng. Không có chuyện chôn ở nghĩa địa làng nữa.

Từng ấy cái miệng mở ra cùng lúc nhao nhao hỏi han. Khi mọi thông tin được thoả mãn thì không khí tự nhiên chùng xuống. Chỉ một loáng làng quê yên ắng trở lại. Lẳng lặng ai về nhà nấy. Lửa đang phừng phừng bỗng nhiên có vòi nước xả mạnh nhanh chóng tắt ngấm. Nhưng dù sao vẫn còn lại khói và tro. Khói thường làm cay mắt và tro thì đen sì. Không ít người nhận ra điều ấy.

Người phụ nữ xấu số được khiêng về trạm xá xã. Nghe có vẻ thuận tình hợp lí. Từ trước tới nay trạm xá vẫn có đám đất dự phòng cho những đứa bé bị sảy thai  hoặc trẻ xấu số gia đình không muốn đem về nghĩa trang làng. Trạm trưởng y tế xin kinh phí mua được cái quan tài, còn hương khói tuỳ lòng. Thế mà đám ma đông ra phết. Người làng Đông Phong chứng kiến việc vượt cạn của người phụ nữ giữa ngày đồng bãi mênh mông nước không ai bảo ai đến rất đông. Bà Sáo bế đứa bé còn đỏ hỏn đến cạnh người mẹ. Người ta đội cho nó chiếc khăn tang trắng toát. Bà Sáo cầm tay đứa bé xoa nhẹ lên mặt, lên khắp người phụ nữ. Đứa bé đang ngủ trong chiếc chăn dạ cũ bỗng bừng tỉnh. Mắt nó mở thao láo nhìn quanh quất. Rồi nó khóc thét lên. Âm thanh phát ra không phải từ một đứa trẻ sơ sinh mà như của một người đã trải qua những thăng trầm của cuộc đời. Chiếc khăn tang buộc không chặt cái đầu non nớt cứ chuồi ra ngoài. Nhìn cảnh ấy dẫu là người vô tình cũng phải khóc nấc lên. Đám tang của một người xa lạ mà nước mắt rơi rất nhiều. Ai bảo lòng người bây giờ vô cảm? Có điều lòng nhân được đánh thức bằng cách nào mà thôi.

Đứa bé được ông bà Sáo đem về nuôi là Hãn bây giờ. Nuôi chị được vài năm thì ông Sáo lăn đùng ra chết. Ông chỉ nằm võng nghỉ trưa mà không bao giờ dậy nữa. Tuyệt nhiên không một tiếng rên. Bà Sáo bế con bé Hãn trong buồng cũng ngủ mê mệt. Mãi tới lúc con bé khóc thét bà mới choàng tỉnh. Bà thấy lạ là mọi hôm con bé ngoan lắm, dậy sớm thì tha thẩn chơi trong nhà cơ mà. Bà mắt nhắm mắt mở chạy ra ngoài. Con bé đang day day đầu bố. Bà tưởng hai bố con đùa nhau liền càu nhàu:

– Ông này buồn cười nhỉ? Thích để con nó khóc cho vui à?

Không thấy ông nói gì còn con bé cứ nấc lên, bà chột dạ chạy lại. Người ông đã lạnh ngắt. Lúc ấy bà mới xỉu đi.

Không biết bà lặng đi bao lâu, chỉ biết khi tỉnh dậy trong nhà đầy người.

Hai mẹ con Hãn rau cháo nuôi nhau không được bao lâu thì bà Sáo cũng theo ông về trời. Một đứa trẻ tám tuổi bơ vơ giữa đồng bãi mênh mông ngày ngày tha thẩn vớ gì ăn nấy. Không biết có ai nói chuyện mà Hãn rất hay lẩn quẩn nơi cô bé sinh ra gần chục năm về trước. Hình như hồn của người mẹ trẻ vẫn quanh quẩn đâu đấy coi giữ cho kiếp làm người của con. Hãn không bị rơi xuống nước mặc dù ngay dưới chân đê là những vũng nước sâu, cái nọ cách cái kia chỉ một con bờ. Người ta đào đất đắp bờ nuôi tôm.

Hãn lớn lên như một cây dại. Thời buổi khốn khó chẳng ai làm phúc nuôi thêm một miệng ăn trong nhà. Một vài người tốt thỉnh thoảng cho bát cơm nguội. Đoàn thể phụ nữ cũng vài lần cứu tế khi có đợt. Nhưng Hãn là cây dại thì cứ tự lớn lên mà không kể có được chăm sóc hay không. Chỉ cần bộ quần áo cũ của ai đó thương tình, Hãn vẫn cứ rực lên. Đôi mắt to mơ màng với hàng lông mi dài nhìn mọi thứ thật trong sáng. Đôi bồng đào săn chắc vồng lên tròn như trái lê như trêu những người đàn ông khi giáp mặt. Hãn vẫn tung tăng trên đê mỗi buổi chiều. Ngôi nhà nhỏ không có bất cứ vật dụng nào cần thiết cho một cô gái đến tuổi dậy thì. Đi bắt cáy xong, vứt cái giỏ trên bờ, Hãn lội ào xuống sông. Lội rồi mới cởi quần áo. Đứng dưới sông Hãn vò luôn quần áo, giặt xong thì đem phơi lên cành cây trên bờ. Mọi công đoạn không phải nhanh. Mà nhanh làm gì khi chẳng có ai mong ngóng. Chờ khô quần áo, Hãn đùa nghịch một mình dưới nước. Cô chậm rãi kì cọ cơ thể thật sạch, ngắm nghía sự thay đổi trên chính cơ thể mình. Đôi nhũ hoa mới hôm nào nhỉnh hơn quả cau chỉ vài tháng đã căng tròn. Đầu tiên cô thấy lo lo. Không biết làm sao mà nó ngày một to ra, và ngưa ngứa. Cô cố gắng nắn bóp và mân mê bất cứ lúc nào vắng người. Hình như sự kích thích ấy không chỉ làm thay đổi bộ ngực. Hãn lo sợ vô cùng khi lần đầu tiên thấy máu chảy ra từ phía dưới. Đũng quần đỏ tươi ướt đẫm. Hãn lờ mờ hiểu rằng máu chảy thì phải lấy cái gì đó bịt lại. Thế là mấy cái quần áo rách được xé ra. Tự mình mày mò mọi thứ, lâu lâu lại thay. Cô khóc thút thít trong đêm khuya. Nếu cô chết một mình thì sao? Thịt da sẽ thối rữa ra làm mồi cho chuột bọ. Máu chảy nhiều thế chẳng mấy lúc người cạn khô. Lớn lên Hãn được nghe nhiều về cái chết của mẹ. Thế nên nghĩ đến máu là cô lại liên tưởng đến mẹ. Cô cũng sẽ chết khi máu trong người đã hết.

Hôm ấy Hãn nằm trên giường cả ngày chờ chết. Nằm chán thấy người toãi ra, máu lại ướt đẫm miếng giẻ, đành phải dậy. Cô thấy mình vẫn thở được, vẫn có cảm giác đói. Hãn lại lồm cồm bò dậy, có điều phải chậm chạp vì miếng giẻ cứ định chuồi ra ngoài. Cứ như thế, vài ngày sau cô thấy cơ thể lại bình thường nhưng chẳng dám hỏi ai. Cô bắt đầu để ý đến mấy đứa trẻ cùng làng. Chúng nó cũng giống mình, có điều đứa thì ngực nhỏ hơn, đứa thì trứng cá mọc dày hơn. Mỗi khi đi đến chỗ đông người Hãn đã biết cúi đầu che cái phần cố tình giương ra, hai má đỏ lựng vì xấu hổ. Cô thấy bộ ngực của mình cứ nhảy lên nhảy xuống mà ghét. Cô thích cơ thể mình cứ phẳng dẹt như trước.

Hãn có khác nào cây dừa cạnh bờ ao. Mấy năm trước nó còi cọc táp đi mỗi khi có bão gió. Bỗng một ngày nó lớn vổng lên và giữa các tàu dừa nhú lên một chùm hoa to. Chẳng mấy chốc hoa nở xoè ra, vàng nhạt và thơm ngát. Cô Hoa phụ nữ nói Hãn dậy thì. Cô cho Hãn một ít vải màn và dạy cách chăm sóc bản thân. Hãn không tin cơ thể mình lại phức tạp đến vậy. Cô Hoa bảo khi cơ thể dậy thì cũng là lúc chức năng người phụ nữ hình thành. Hãn không được để đàn ông sờ mó cơ thể mình. Càng không được để họ cởi quần áo mình ra rồi ngủ với họ. Hãn nhìn cô ngơ ngác. Sao họ lại ngủ với cháu? Cháu chưa ngủ với ai ngoài bố mẹ cháu. Cô Hoa bảo cha bố mày, rồi có người muốn ngủ với cháu đấy. Họ thấy cháu xinh đẹp lại không có ai trông nom nên họ sẽ thích lắm. Ngủ với đàn ông là bụng sẽ to ễnh ra. Hãn ngạc nhiên. Tại sao chỉ có ngủ thôi mà bụng lại to. Mà đàn ông sao lại làm cho Hãn bụng to được cơ chứ?

Đôi môi Hãn cong lên như mảnh trăng đầu tháng không phải vì làm duyên con gái mà tự nhiên nó đã như thế. Và không ai phủ nhận được cái gì thuộc về tự nhiên cũng đều có nét đẹp riêng. Hình như đất đồng bãi màu mỡ tưới cho Hãn một lớp da màu ô liu tuyệt đẹp. Chiều chiều thân thể thiếu nữ như  một con rắn lao giữa dòng sông trong vắt thách thức bao con mắt si tình. Người ta thấy vào các buổi chiều đàn ông trên bờ đê nhiều hơn. Có thể vô tình song cố ý thì nhiều. Họ muốn chiêm ngưỡng một cơ thể ngồn ngộn sức trẻ đang ra sức vùng vẫy cùng thiên nhiên.

Có một người đàn ông kéo được Hãn ra khỏi đồng bãi.

Anh ta tình cờ đi qua khúc đê Hãn đang tắm. Nhìn người thiếu nữ nô đùa một mình dưới làn nước trong vắt khiến bước chân anh díu lại. Từ xa anh vẫn thấy từng đường nét trên cơ thể thiếu nữ, đầy quyến rũ và trong sáng. Sao lại phí của giời thế chứ! Người thế kia chắc chưa thuộc về ai. Từng động tác đầy khoáng đạt và tự do và bản năng. Anh tự nhủ và cố tình nán lại quan sát. Đám hoa li ti lô xô theo từng cơn gió đưa hương thơm dịu nhẹ. Anh hít thật sâu thứ không khí trong lành, mắt mơ màng ngắm nhìn cô gái vùng vẫy phía dưới. Ngồi chờ đến khi cô vào bờ thì trời đã tối sẫm. Đợi Hãn đến gần anh mới lên tiếng:

– Chào em! Anh bị đau chân. Em có thể giúp anh vài việc được không?
D.T.N

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder