Thuyền nghiêng – Tiểu thuyết của Dương Thị Nhụn

 

“Thuyền nghiêng” là cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Dương Thị Nhụn (Dương Hà Dương) do nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành năm 2012. Năm 2020 Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn đã tái bản tác phẩm này. Đây là cuốn tiểu thuyết viết về nông thôn. Từ sau năm 1975, không nhiều tác phẩm văn học viết về nông thôn, nên ngay từ khi xuất hiện, “Thuyền nghiêng” đã được dư luận chú ý. Từ những năm 90 thế kỷ trước, Dương Thị Nhụn chuyên viết truyện ngắn, nhưng chưa được sự quan tâm thích đáng từ phía độc giả. Chỉ sau khi cuốn tiểu thuyết “Thuyền nghiêng” ra đời người ta mới nhìn thấy tài năng của cây bút nữ này.

Như nhận xét của nhà văn Đặng Văn Sinh:

…”Là tiểu thuyết đầu tay, nhưng “Thuyền nghiêng” của Dương Thị Nhụn được xem như một tác phẩm văn xuôi viết khá chuyên nghiệp. Tính chuyên nghiệp ở đây không chỉ dừng lại ở nội dung phản ánh hoặc hình thức biểu hiện mà nó dường như đã đạt đến độ cân đối khi tác giả xác lập được một tiêu chí thẩm mỹ của riêng mình…”

Và ý kiến của nhà phê bình văn học Lương Kim Phương:

Hình ảnh làng Đông Phong “như con thuyền nghiêng nằm chơi vơi giữa bốn bề là nước” lặp đi lặp lại nhiều lần như một ám ảnh nghệ thuật. Những câu hỏi không lời đáp vang lên phần cuối truyện: “Làm thế nào để làng tránh khỏi mọi tai ương; làm thế nào để các dòng họ đoàn kết muôn người như một; làm thế nào người ta sống bằng chính những điều tốt đẹp làm nên bản chất người thôn quê? Đình chùa có cân bằng phong thuỷ được hay không, một thủ lĩnh có thể đứng ra để giải quyết các mối bất hoà hay không? Hay cơn bão đi qua, vạn vật sẽ yên bình mà không cần sự tác động của con người?”. Đó là gì nếu như không phải chất giọng hoài nghi, “hoài nghi với những giá trị đã quá ổn định để đi tìm những giá trị mới” (**), nếu không phải là sự mất niềm tin của con người hiện đại. Không biết tin vào cái gì hết: lí tưởng, công danh, học vấn, tiền bạc, tôn giáo. Tất cả không cứu rỗi được con người. Con người cần được nhận thức lại. Đưa ra được cái nhìn về cuộc đời và con người như thế cũng là điều đáng ghi nhận ở Dương Thị Nhụn. Nếu không có ý thức dân chủ cao và tinh thần phản tỉnh để thể hiện thái độ bất tín, chị đã không làm được như vậy.

Cùng năm xuất bản, “Thuyền nghiêng” được Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao giải thưởng. Đó là một phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của một tác giả nữ..

Với sự tổng hợp và giới thiệu của nhà văn Bão Vũ, bắt đầu từ số này, Vanhaiphong. com xin trân trọng đăng tải tác phẩm “Thuyền nghiêng”.

Vanhaiphong.com

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chương I

Làng Đông Phong có tới hàng chục dòng họ, trong đó họ Hoàng lớn nhất. Gần năm trăm nhân khẩu mang họ Hoàng làm không ít các dòng họ khác phải ghen tị. Vào thời buổi phải có vây có cánh mới có quyền hành lợi lộc, từ trước tới nay, ai muốn làm cán bộ qua hình thức bầu bán đều phải luỵ họ Hoàng. Vì thế người họ Hoàng có cái thế riêng mà các họ khác không có.

Thằng Vớ là một ngoại lệ. Nó to như võ sĩ sumô, bước đi kềnh càng dang gần hết con đường làng trải ximăng. Thế nhưng đầu nó không nghĩ ngợi nhiều. Ai xui gì làm nấy, kể cả việc xấu, kể cả người ngoài họ. Vài bò gạo, mươi nghìn bạc đủ cho một ngày. Thì họ Hoàng cũng phải có cái gì để người họ khác có thêm sự tự tin đem so sánh mà sống chứ. Chẳng nhẽ cái hay cái tốt họ Hoàng giành hết. Thế có khác gì quân ăn cướp. Ấy là mọi người nghĩ trong bụng thế. Mỗi khi Vớ gây ra vụ gì đó để họ Hoàng phải xấu hổ, người họ khác đắc ý lắm.

Mới sáng tinh mơ Vớ đã đói. Bụng đói đầu gối phải bò, nó đi tìm ông Hình. Ông Hình thuê nó đổ thuốc sâu xuống ao nhà bà Cần. Ông Hình là người lớn, già rồi còn ăn quỵt đứa cháu không nhà không cửa không cha không mẹ. Cá nhà bà Cần chết hết, ao tát cạn mấy ngày rồi mà tiền không trả. Đã thế nó phải gào lên để cả làng Đông Phong này biết.

– Chuyện lạ bà con ơi… Có người nói dối, có người nuốt lời..

– Xui người ta rồi giở mặt…Bà con ơi…

– Người lớn ăn quỵt….ơi…ơi….ông Hình….

Miệng gào chân bước, âm thanh buổi sớm vang vọng khắp làng trên xóm dưới. Ông Hình lập cập chạy ra:

– Vớ! Ai cho mày nói năng linh tinh. Tao vả tan mồm bây giờ. Đi về mau! Chỉ giỏi nói láo.

– Ông bảo cho cháu năm chục sao không đưa? Cháu không có gì ăn từ hôm qua rồi. Cháu đang đói đây!

Thời buổi này mà còn có người kêu đói. Tiên sư nó chứ. Ăn như hà mã ở nhà ông còn giở thói ăn vạ. Mặt ông Hình tím lại. Ông đưa tay giắt cạp quần. Phút chốc ống quần cao gần đầu gối để lộ hai chiếc ống đồng thẳng tuột:

– Thằng này không biết điều. Mày ăn vạ ông hử? Ông cho hết cái này đến cái khác quen mồm rồi phải không? Mày là người họ nào mà ăn nói ngu thế hử? Cút xéo đi đâu thì cút. Ông không bố thí cho gì nữa….

Vớ định gào lên. Mồm nó ngoác ra nhưng vội chợp ngay lại. Đằng sau ông Hình là hai thằng con như ma hiện hình chắc như cây chuối hột giơ tay lên, răng trên răng dưới cắn vào nhau phập phồng trên má. Vớ lủi nhanh vào vườn chuối. Ông Hình được thể mắng té tát:

– Từ nay còn vu oan giá hoạ cho người khác sẽ có người chặt tay chặt chân rồi khâu mồm lại. Đồ mách qué!

Vớ nép sâu vào đống rơm không dám ló đầu ra. Ba bố con ông Hình nghênh ngang trên đường. Thằng Bằng Anh còn cố tình vung vài vòng kiếm  trên con đường làng buổi sớm. Lá chuối, lá tre còn đẫm hơi sương bay ướt mặt đường. Cành lá qua một đêm đang tươi mới thế mà nó nỡ. Nhẫn tâm quá!

Không ai có mặt nhưng vô số con mắt đang hướng về phía bố con ông Hình. Họ không muốn cá nổi trắng mặt ao hoặc đàn lợn đang béo tốt bỗng lăn quay. Họ Hoàng có thêm bố con ông Hình cũng là một nỗi nhục lớn. Nhà ai trong làng làm ông mếch lòng mà xem, thế nào cũng thiệt hại. Mọi người đều biết không ai ngoài bố con ông nhưng đành im thin thít. Làng quê người như thế không nhiều. Âu cũng là nghiệp chướng của một dòng họ lúc nào cũng dương dương tự đắc nhìn thiên hạ bằng nửa con mắt. Biết đâu có ngày nào đó tên ba bố con Hoàng Văn Hình, Hoàng Văn Bằng Anh, Hoàng Văn Bằng Em được nêu trên loa truyền thanh của xã. Ai cũng mong ngày ấy xảy ra.

Kể ra họ Hoàng cũng đáng mặt anh hào. Cụ tiến sĩ Hoàng Sang của triều đại phong kiến, hai tiến sĩ của thời đại mới, sau đó là dăm bảy thạc sĩ, vài chục kĩ sư, bác sĩ, giáo viên nữa, hỏi họ nào trong huyện nói gì trong xã sánh bằng. Chẳng thế mà ngày lễ Tết hoặc hội hè của làng người xe rợp đường. Xe to xe bé, xe máy đời mới không thiếu, mà người họ Hoàng chiếm phần lớn. Anh nào lèng phèng không bằng cấp nhưng cứ thoát khỏi làng trông đã khác. Thông thường lẽ đời, không ai muốn thua anh kém em. Nhà nào có người đỗ đạt, nhà nào có người phát về đường công danh đều cố giương oai. Một chút tự cao tự đại trong chính dòng họ nhà mình, điều ấy cũng chỉ người trong họ Hoàng biết. Họ giấu kĩ lắm. Nỗi hậm hực dồn nén thành sự quyết tâm cho thế hệ sau cố gắng công thành danh toại.

Ông trưởng họ Hoàng không may bị tai biến mạch máu não khi mới hơn bốn chục. Ông có mỗi mụn con gái không được bình thường, người rảnh rớt như cái tăm. Mọi việc trong họ do ông Vấn điều hành. Ông Vấn nguyên là sĩ quan quân đội cao cấp. Ông được nhà nước phân cho ngôi biệt thự ở thành phố nhưng ông từ chối. Mấy thằng cháu thấy của giời cho bỗng tuột mất về bảo ông là người cuối cùng còn sót lại của thời đại này. Người ta đang tranh giành cắn xé nhau để được hưởng lợi lộc mà họ nhà mình lại có người khước từ sự ưu đãi nghiễm nhiên được hưởng. Ngôi biệt thự có đáng gì với những năm tháng gian khổ nơi đầu tên mũi đạn? Nhưng ông lại nghĩ khác, nếu ông không được hưởng phúc lộc tổ tiên có lẽ thân ông đã mỗi nơi một mảnh từ đời nảo đời nào. Ông nhường ngôi biệt thự cho người bạn cùng chiến trường để về với căn nhà cổ nằm khiêm nhường cuối xóm. Ông phải về ngay nơi chôn rau cắt rốn để điều hoà những mâu thuẫn trong làng xã và chính trong họ nhà ông. Nhìn yên bình thế thôi chứ chả ngày nào làng không có chuyện.

Làng Đông Phong như con thuyền chơi vơi giữa phong ba bão táp. Hai đầu thoắt lại, giữa phình to được bao bọc bốn bề bằng nước. Các cụ bảo làng như thế phải trải qua nhiều mâu thuẫn sóng gió là điều tất nhiên. Từ vài trăm năm trước làng xây ba ngôi chùa và một ngôi đình ở bốn góc để cân bằng phong thuỷ. Có thờ có thiêng có kiêng có lành, các cụ nói chớ có sai. Trong gia phả các dòng họ, thời có đình chùa, dân tình trong làng thuận hoà như một. Người họ này kết duyên với người họ kia, trai tài gái sắc không lọt được ra bên ngoài. Chả thế vì mối quan hệ họ hàng lằng nhằng nên khi gặp không biết gọi nhau kiểu gì.

Mâu thuẫn chỉ xảy ra khi đội quân kéo nhau đi phá tan tành đình chùa. Phải phá bỏ mê tín dị đoan, xây dựng đời sống mới. Phương Tây có đình chùa gì đâu mà người ta có máy bay tàu hoả kết nối khắp thế giới, vèo một cái đến nơi cần đến. Người ta ăn sung mặc sướng, cửa cao nhà rộng, thích gì được nấy. Đất nước mình phải phấn đấu như thế.

Đội quân phá đình chùa được tuyên truyền loá mắt trước viễn cảnh huy hoàng trở nên say máu không kìm chế được. Dữ dằn và ngang ngược. Những tay lực điền bất chấp ánh mắt căm hờn của người già trong làng lao vào bê các ông tượng La Hán, Di Lặc, Hộ Pháp, Bồ Tát, Đức Ông … to lớn như người thật vứt xuống cái hố nhầy nhụa bùn nước. Đồ thờ và bia đá dùng được thì mạnh ai nấy cướp. Chỉ trong vòng hai ngày, đình làng và hai ngôi chùa bị phá tan tành chỉ còn trơ lại đống gạch vụn. Tượng những chú tiểu gãy đầu gãy tay vứt lăn lóc. Đã nhỏ nhoi lại thấp bé bao giờ cũng bị coi thường. Tượng chú tiểu bị đám dân quân khinh thường không cho chôn cùng các vị mũ cao áo dài. Mấy đứa trẻ chăn trâu nhặt thành đống đốt lửa nướng chuột ăn với nhau. Đứa nào đứa nấy mồm lấm lem nhưng mắt ánh lên sự no nê. Lần đầu tiên trong đời chúng ăn chuột nướng được hun bằng thứ gỗ nhuốm thần linh đời này truyền đời khác. Ngon. Bùi. Ngậy. Thơm. Đủ cả.

Còn ngôi chùa phía Tây nhỏ thôi vẫn khiêm nhường tồn tại đến ngày hôm nay nhưng không phải được để lại theo chỉ đạo. Khi đội quân phá chùa tập trung ở nhà đội trưởng dân quân chờ giải quyết nốt cái còn lại thì nghe tin thằng cu Bảy con anh cả Thêm chết bất đắc kì tử. Hôm qua nó ăn thịt chuột nướng với ba đứa trẻ khác. Ba đứa còn lại cũng đang ngấp ngoải. Mắt chúng trợn trừng như nát ma trẻ con. Ai nấy tá hoả chạy đi. Họ phải đến xem sự thể thế nào. Anh Thính không hiểu mải chạy làm sao mà đến chỗ rẽ húc luôn vào anh Hỗ. Hai cái đầu toé máu ròng ròng ướt hết mặt. Anh Thính bị anh Hỗ húc thêm cho một cái thật mạnh bật ngửa lại ngã vật vào bức tường lửng đầy gạch phồng. Hai người cùng lăn ra bất tỉnh sau bụi tre dày. Không ai biết cuộc đụng độ của hai dân quân. Khi anh Thính lê được về nhà thì đột nhiên mắt trợn ngược rồi tắt thở. Vợ anh tru tréo như người lên cơn điên. Chị khóc lóc thảm thiết rằng sao anh để bảy mẹ con chị bơ vơ. Tượng Phật có tội tình gì mà các ông các bà chôn người ta xuống? Đình chùa là để cả làng được hưởng yên bình chứ đã làm hại ai đâu mà đập mà phá?

Cả làng lúc ấy mới ngộ ra. Các cụ già lắc đầu “Trời Phật phạt!”.

Sau vụ mấy mạng người xuống chầu Diêm Vương không thấy ai thúc nhau đi phá đình chùa nữa. Nhưng không khí trong làng đổi khác. Những gia đình không có trong thành phần đập phá thì yên lành và được thể xì xào rằng làm điều ác sẽ bị quả báo. Xì xào thế thôi chứ nói công khai thế nào cũng bị lôi cổ ra chốn công đường. Người dân thấp cổ bé họng chỉ cần nghe nói bị gọi lên xã gặp chính quyền là ai nấy sợ vãi đái. Tịt ngòi luôn.

Nhưng không hiểu có trời Phật thật không mà đến mấy chục năm sau, tức là tận bây giờ cuộc sống những người phá đình chùa chả ra sao. Người làng Đông Phong đỗ đạt là thế mà chả ai làm quan to được lâu. Ngay như ông tiến sĩ Húng em ông Vấn ở một viện nghiên cứu nào đó tận trung ương là người đầu tiên của làng mới lên viện trưởng được hơn năm đã bị hạ bệ. Là người có học vị cao song ông không quen làm quản lí. Trong viện ít người có lí lịch trích ngang đẹp bằng ông. Rời chiến trường khi chiến tranh chưa kết thúc, ông được chọn đi đào tạo ở nước ngoài. Khi ông nằm bò ra tìm hiểu văn hóa phương Đông bên trời Tây thì đồng nghiệp của ông vừa ăn cơm độn vừa học. Họ trưởng thành trong môi trường hỗn tạp nên tinh thần và tình cảm chẳng thể nguyên vẹn. Vậy mới xảy ra chuyện trên bảo dưới không nghe. Đồng nghiệp còn mạnh hơn, nghĩa là họ có vòi bạch tuộc để vô hiệu hóa những yêu cầu không thực tế của ông. Ông biết họ không mạnh về tài chính nhưng mạnh về thế lực.

Khi tiếp nhận vị trí của người tiền nhiệm, ông Húng hình dung ra hàng đống dự định. Ông phải thay đổi lề lối làm việc, ông phải đưa cuộc sống hỗn tạp về những giá trị sống đích thực. Cái cần giữ lại để xã hội ngày càng tốt đẹp là văn hóa, mà văn hóa thì không thể phát triển theo quy luật của kinh tế thị trường. Vậy nên đề tài nghiên cứu của Viện toàn những vấn đề ở tận đâu đâu, tốn tiền, chẳng mang lại lợi ích thực tế. Đồng nghiệp xô vào xâu xé, báo chí lên án, cho là ông viện trưởng tham ô lãng phí, từ vật chất đến thời gian. Lại nữa, ông không hiểu đồng nghiệp vẽ đâu ra đề án này nọ với khoản tiền kếch xù nhưng hợp lí buộc ông phải kí. Đổ vỡ là tất yếu khi cấp dưới lợi dụng những sơ hở và non nớt của cấp trên. Cũng còn may không bị bóc lịch trong nhà đá.

Kể ra ông cũng có tí tham lam và sai sót. Chỉ là con chó đá ở đình làng nào đấy người ta vứt chỏng chơ ở lối đi, cái đĩa cũ ở một phòng trưng bày dưới địa phương hay dở hơi một tí là nguyệt san do ông là Tổng biên tập in sai mấy lỗi chính tả nghiêm trọng.  Những lí do lãng xẹt. Người hiểu chuyện chép miệng.

Bất lực trước cuộc đời, buồn chán lâu ngày ông bị một chứng bệnh thần kinh rất khó chữa. Người ông cứ đơ đơ, mắt nhìn đâu đâu, thỉnh thoảng cười hơ hơ trông dở hơi như bị ma làm. Ông luôn tự hào là người con của làng Đông Phong. Ông bảo phải về làng đánh trống hội để nói cho cả tổng biết Đông Phong là đất ngàn năm văn hiến, làng ông là vùng đất địa linh nhân kiệt.

Ông Vấn xót lắm nhưng chả biết cách nào, giấu mọi người tích cực đưa em đến bệnh viện thần kinh chữa chạy. Nhưng bệnh vẫn hoàn bệnh. Ông Thìn thì thào mách có ông thầy cao tay tận Hoà Bình bắt ma rất tài, nên đưa ông Húng lên để thầy giải cho. Chưa nghe hết câu ông đã gắt: “Sao ông mù quáng thế? Khoa học người ta còn bó tay nói gì đến mấy ông thầy vườn. Xem bói ra ma, quét nhà ra rác. Tôi không nghe đâu. Mà chú ấy vẫn bình thường, có lên cơn thường xuyên đâu. Em tôi tôi hiểu”. Thỉnh thoảng ông để em ở quê nhưng không được lâu. Đang đêm ông Húng la hét vang làng hô đội quân tập hợp để còn lên chùa Đông. Ông ấy lên cơn thì la thế chứ chùa Đông chỉ còn trong kí ức người già. Có điều nguyên nhân sâu xa thế nào chỉ anh em ông giấu kín trong lòng. Tâm bệnh có giời chữa.

(còn tiếp)
D.T.N

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder