Thuyền trưởng tài ba trong hành trình đi tìm tri thức

GS.TS,NGƯT TRẦN HỮU NGHỊ

– Sinh năm: 1938

– Quê quán: Quảng Ngãi

– Nơi ở hiện nay: Hải Phòng

– Chức vụ đã và đang đảm nhiệm: Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học Dân lập Hải Phòng; UVBTV Hội khoa học phát triển nguồn nhân lực nhân tài Hải Phòng, UVBTV Hội VHDN Hải Phòng.

– Phần thưởng cao quý: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng nhất…

Sinh ra ở mảnh đất nghèo tại miền quê Bình Sơn, Quảng Ngãi, nhưng nhà giáo Trần Hữu Nghị lại có cơ duyên gắn bó và làm việc tại thành phố Cảng Hải Phòng hơn 50 năm. Tập kết ra Bắc năm 1954, thầy Nghị tham gia lao động trên công trường xây dựng đường sắt Hà Nội – Thanh Hóa. Sau mỗi buổi làm việc, tối tối thầy lại giúp các bạn xóa nạn mù chữ, đồng thời tự học văn hóa cho mình. Nhờ những thành tích học tập xuất sắc tại trường Trung cấp giao thông công chính (tiền thân của Trường Đại học Giao thông vận tải), thầy được Nhà nước cử đi học Đại học tại Liên Xô (cũ), ngành Đóng tàu. Sao bao năm miệt mài đèn sách, năm 1968, thầy bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ) và trở về nước, bắt đầu công tác tại Trường Đại học Hàng hải hơn 25 năm, từ một giảng viên, thầy đã nỗ lực khẳng định khả năng khi đảm nhiệm nhiều cương vị khác nhau: Chủ nhiệm bộ môn, trưởng khoa, phó hiệu trưởng. Ở cương vị nào, thầy cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đặc biệt là đã có nhiều đóng góp quan trọng cho ngành máy tàu thủy. Không chỉ tham gia giảng dạy và quản lý, Trần Hữu Nghị còn là một nhà khoa học say mê nghiên cứu với nhiều công trình có giá trị thực tiễn được đánh giá cao. Thầy đã làm chủ nhiệm và tham gia trên 44 đề tài/ công trình khoa học cấp trường, cấp Bộ và cấp Nhà nước (8 công trình khoa học cấp Bộ được Bộ Giao thông Vận tải nghiệm thu và đưa kết quả áp dụng vào các Công ty Vận tải biển Việt Nam mang lại hiệu quả kinh tế cao, đóng góp vào sự thành công của ngành tàu biển và đổi mới mục tiêu, chương trình đào tạo của trường Đại học Hàng Hải, góp phần đổi mới sự nghiệp giáo dục (thày có hơn 60 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí trong nước và nước ngoài). Ngoài ra, thầy còn dịch, biên soạn và chủ biên các sách làm giáo trình, tài liệu phục vụ cho công tác giảng dạy và công tác nghiên cứu khoa học của đồng nghiệp và các sinh viên trong nhà trường. Số sách thầy đã in và phát hành là 17 đầu sách, trong đó có 4 đầu sách viết chung cùng giáo sư Phoomin – Liên Xô. Với những cống hiến to lớn đó, thầy Nghị được vinh danh là tiến sĩ đầu ngành máy tàu thủy của Việt Nam, đồng thời là một trong những nhà giáo được phong hàm Giáo sư đầu tiên tại Hải Phòng (năm 1991).

Năm 1997, sau khi nghỉ hưu ở Trường Đại học Hàng Hải, thầy quyết tâm thành lập ngôi trường của chính mình, giúp học trò nghèo của mình và hi vọng về một mặt bằng dân trí Hải Phòng có thể sánh ngang với những thành phố lớn. Từ đề án trình Bộ Giáo dục và Đài tạo cho tới quyết định chính thức thành lập trường Đại học Dân lập Hải Phòng (24-9-1997) chỉ vẻn vẹn chưa đầy 5 tháng nhưng đó là tâm huyết, là tinh hoa đúc kết sau mấy chục năm công tác và mang tầm nhìn chiến lược của nhà lãnh đạo của người thầy nặng lòng với nghiệp “gieo chữ”. Đại học Dân lập Hải Phòng không chỉ là nơi ươm mầm tri thức mà còn là ngôi nhà chung, giáo dục nhân cách, định hướng tương lai cho các bạn trẻ.

Trải qua gần 18 năm hoạt động, Trường Đại học Dân lập Hải Phòng gặp rất nhiều khó khăn, sóng gió nhưng với tầm nhìn của một người thuyền trưởng tài ba, Giáo sư, Tiến sỹ, Nhà giáo ưu tú Trần Hữu Nghị đã chèo lái “con thuyền” ấy vượt qua sóng gió để cập bến thành công như ngày hôm nay. Từ những căn nhà cấp bốn lụp xụp của công ty dệt bị phá sản, đến nay nó trở thành ngôi trường có đầy đủ cơ sở vật chất khá hiện đại cho công tác dạy và học: hơn 140 phòng học hầu hết được trang bị camera, projectorm, điều hòa nhiệt độ với hàng chục phòng thí nghiệm, hội thảo; hơn 695 máy tính nối mạng Internet, wifi miễn phí; Khu Khách sạn sinh viên được trang bị 1.500 giường đầy đủ tiện ghi; nhà tập đa năng sức chứa 2.500 người; sân vận động cỏ nhân tạo; bể bơi thông minh; nhà ăn sinh viên hiện đại 500 chỗ/ca.

Mỗi ý tưởng, phương pháp Giáo sư Trần Hữu Nghị đề ra đều mang trong mình một bài học sâu sắc, nuôi dưỡng nhân cách con người. Khách sạn sinh viên mang đến cho sinh viên học tập trong trường không gian sinh hoạt thoải mái, tiện nghi nhưng ẩn sâu trong đó là bài học về cách làm người. Nội quy nghiêm ngặt, khoa học do thầy quy định đã giúp sinh viên hình thành nếp sống quy củ – điều cần thiết trong thời kì công nghiệp hóa hiện nay, đồng thời xóa bỏ đi tư tưởng kì thị phân biệt giàu nghèo: những em gia đình khó khăn được học tập – sinh hoạt trong điều kiện tốt còn những em gia đình khá giả thì sẽ tạo được nếp sống hòa đồng, thân thiện với mọi người. Và ý tưởng táo bạo lắp Camera trong phòng học, quay ngược bàn khi tổ chức thi, triển khai tích cực phong trào “học tập thì nghiêm túc” với khẩu hiệu “Học thật, thi thật để ra đời làm thật” cũng là một bài học lớn về sự trung thực. Tỉ lệ sinh viên vi phạm quy chế thi hàng năm của trường giảm dân và năm học 2013-2014 chỉ còn 0,17%.

Những sáng kiến, cải tiến trong Khoa học Công nghệ, những giải pháp của cá nhân thầy và của đồng nghiệp trong suốt thời gian qua đa đưa Trường Đại học Dân lập Hải Phòng trở thành trường ngoài công lập có uy tín trong cả nước. Cho đến nay, trường đã đào tạo được gần 18.000 kỹ sư, cử nhân cho đất nước, hiện đang đào tạo gần 4.500 kỹ sư, cử nhân. Năm 2009, trường được công nhận là một trong 20 trường đại học đầu tiên của cả nước đạt chuẩn giáo dục Quốc gia và được bình chọn là một trong 100 thương hiệu hàng đầu Việt Nam. Theo khảo sát của dự án Mê Kông của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường nằm trong top 25 trường dẫn đầu cả nước về tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao, chiếm 93,46%.

Trong tâm niệm của thầy Nghị, “Chất lượng đào tạo là sự sống còn của nhà trường” vì vậy, thầy luôn đòi hỏi và đưa ra những yêu cầu cao cho cả người dạy và người học. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, thầy giáo Trần Hữu Nghị đã đổi mới nhiều phương pháp đào tạo: đưa tin học ICDL và chuẩn ngoại ngữ áp dụng cho giáo viên và sinh viên; áp dụng theo tiêu chuẩn của mạng lưới các trường đại học khối ASEAN (AUN-QA) để đánh giá chất lượng giảng viên; tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên được tham gia các khóa đào tạo trên, sau đại học trong và ngoài nước. Trong 5 năm qua (2010-2015), trường đã có 12 cán bộ giảng viên bảo vệ thành công luấn án tiến sỹ, trên 60 giảng viên bảo vệ luận văn thạc sỹ, hiện có 18 người đang học nghiên cứu sinh ở trong và ngoài nước, số cán bộ quản lý và giảng viên có trình độ giáo sư, phó giáo sư, giảng viên chính, tiến sỹ, thạc sỹ chiếm tỷ lệ trên 82%. Trong câu chuyện của các sinh viên về tấm lòng nhân ái của thầy hiệu trưởng, có những chuyện đã trở thành giai thoại. Câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất là về cô giáo Đồng Thị Nga – cựu sinh viên nhà trường, bị nhiễm chất độc da cam. Thầy hiểu sâu sắc nỗi buồn của những con người “khát chữ”, nhưng không thể theo học, thầy đã và tạo điều kiện hết mức để cô sinh viên Đồng Thị Nga được học tập và trở thành thạc sỹ, giảng viên của trường, được nhiều sinh viên yêu mến, ngưỡng mộ. Đó còn là câu chuyện về cô giáo tiếng Anh xinh đẹp bị bại liệt không thể theo đuổi giấc mơ đại học ở trường khác, nhưng đã được dang rộng vòng tay chào đón tại nơi đây. Bất chấp bệnh tật, Quỳnh Hoa được nhận học bổng suốt 4 năm sinh viên và được giữ lại làm giảng viên tại khoa tiếng Anh. Hiện nay, Hoa đã hoàn thành khóa học thạc sỹ tiếng Anh và đang là thủ lĩnh của hàng loạt Câu lạc bộ, phong trào thanh niên nhà trường và cộng đồng.

Thầy Nghị tâm sự: “Gần 50 năm cống hiến cho ngành giáo dục, chuyện nghề có những lúc vui, lúc buồn, nhưng tôi luôn thấy tự hào vì mỗi một tuổi nghề lại có một lứa học trò tốt nghiệp ra trường. Có những em hiện nay đã trở thành bí thư, phó bí thư thành ủy các tỉnh thành trong cả nước, hiệu trưởng của Trường Đại học Hàng Hải, giám đốc, phó giám đốc doanh nghiệp, hàng trăm, hàng ngàn em đã tiếp tục học lên thạc sĩ, tiến sĩ và tiếp tục sự nghiệp giáo dục”.

Bài học lớn nhất mà các học trì của thầy được học không phải là kiến thức sách vở giáo điều mà là tâm hồn hướng thiện, muốn trở thành những công dân có ích cho xã hội. Không chỉ dạy cho học trò kiến thức lập nghiệp, đạo lý làm người, thầy Nghị luôn quan tâm giáo dục tính nhân văn và trách nhiệm với xã hội cho sinh viên. Chính vì vậy, ngay sau khi Trường Đại học Dân lập Hải Phòng ra đời, thầy quyết định thành lập “Quỹ chữ thập đỏ” và làm chủ tịch quỹ từ đó cho đến nay. Nỗi nhớ vùng quê nghèo quanh năm bị ảnh hưởng bởi thiên tai của mình, suốt 18 năm liền, thầy vận động cán bộ giáo viên nhà trường hàng tháng dành 1 bữa ăn sáng đóng góp cho quỹ chữ thập đỏ cứu trợ đồng bào bị thiên tai, bão lũ. Thấu hiểu tầm quan trọng của máu đối với bệnh nhân, thầy đã tổ chức hiến máu nhân đạo, trung bình mỗi năm vận động hơn 500 đơn vị máu cho các bệnh viện tại Hải Phòng và đưa Trường Đại học Dân lập Hải Phòng trở thành ngân hàng máu sống của thành phố. Từ năm 2005, Quỹ học bổng Hữu Nghị được thành lập đã giúp hàng trăm học sinh, sinh viên nghèo học giỏi, con em diện chính sách trong các trường học của thành phố Hải Phòng có cơ hội tiếp tục học tập.

Ngoài công tác chuyên môn, thầy giáo Trần Hữu Nghị còn tích cực tham gia nhiều công tác xã hội và đảm nhiệm nhiều chức vụ trong các cơ quan đoàn thể như: Phó Chủ tịch phụ trách đào tạo Hội Khoa học Phát triển nguồn nhân lực nhân tài Hải Phòng, Phó Chủ tịch Hội Môi trường Hải Phòng, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục, Ủy viên thường vụ Hội khuyến học thành phố Hải Phòng. Năm 2014, thầy được bầy vào Ban Thường vụ Hội lao động sáng tạo, tháng 12/2014, được Đại hội Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam tín nhiệm bầu chức danh Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam. Dù ở cương vị nào, thầy Nghị cũng nỗ lực làm tròn trách nhiệm của mình, tận tâm vì sự phát triển chung của cộng đồng.

Với những đóng góp to lớn trong sự nghiệp Giáo dục – Đào tạo và nghiên cứu khoa học, Giáo sư, Tiến sỹ, Nhà giáo ưu tú Trần Hữu Nghị đã vinh dự được tặng thưởng nhiều bằng khen, huân, huy chương cao quý của Nhà nước.

Minh Hương

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder