Vanhaiphong.com giới thiệu bài viết của Nhà giáo, Nhà văn Nguyễn Đình Minh:.
Tiến sĩ Randall Collins, (sinh 1941) là Giáo sư Xã hội học tại Đại học Pennsylvania Hoa Kỳ. Thuyết “xã hội bằng cấp” của ông đã phản ánh hiện thực nguy hiểm của một xã hội vị bằng cấp…Vanhaiphong.com giới thiệu bài viết của Nhà giáo,, Nhà văn Nguyễn Đình Minh:.
Tiến sĩ Randall Collins, (sinh 1941) là Giáo sư Xã hội học tại Đại học Pennsylvania Hoa Kỳ. Thuyết “xã hội bằng cấp” của ông đã phản ánh hiện thực nguy hiểm của một xã hội vị bằng cấp.
Thuyết “xã hội bằng cấp” nhấn mạnh mặt trái của xã hội học tập
Thuyết xã hội bằng cấp (Degree of Social Theory) là tập hợp các vấn đề mặt trái của giáo. Ông đưa ra khái niệm “Xã hội bằng cấp” để chỉ ra một xã hội trong đó mọi người quá coi trọng bằng cấp giáo dục và dựa chủ yếu vào bằng cấp để tuyển dụng lao động mà coi nhẹ năng lực thực sự của cá nhân. Collins cho rằng các văn bằng chứng chỉ chỉ là những biểu tượng giống như nhãn hiệu hàng hoá, chứ không phải là những chỉ báo tri thức và năng lực nghề nghiệp của một con người.
Trong xã hội bằng cấp, xuất hiện xu hướng đến trường chỉ đề giành lấy một tấm bằng nhất định nào đó chứ không phải để phát triển năng lực, bởi một lẽ rất đơn giản phải có bằng mới đáp ứng được nhu cầu của người tuyển dụng. Chính bằng cấp sinh ra từ giáo dục đã tự tạo lên sự cạnh tranh của các nhóm vị thế về tài sản, quyền lực…
Chủ nghĩa bằng cấp là biểu hiện của sự sùng bái bằng cấp giáo dục; ở đó con người được đánh giá giá trị bản thân, giá trị của sức lao động phụ thuộc vào bằng cấp mà họ đạt được cao hay thấp… Một biểu hiện khác của chủ nghĩa bằng cấp là không ít người sau khi đã giành được vị thế xã hội rồi mới bắt đầu đi học lấy bằng cấp. Việc này, rõ ràng là không làm tăng trình độ chuyên môn của con người ấy mà chỉ là công cụ phương tiện để hợp lý hoá và hợp thức hoá những vị thế xã hội.
Thực tế này làm sai lệch ý nghĩa tốt đẹp và giá trị đích thực của giáo dục đối với xã hội và tạo ra xã hội bằng cấp. Tệ sùng bái bằng cấp tạo ra tâm lý học vì kiếm tiền, vì lợi nhuận kinh tế là trên hết. Kết quả nghiên cứu xã hội học về mối quan hệ giữa giáo dục và thu nhập đã phát hiện ra quy luật về sự phụ thuộc của thu nhập vào học vấn: Trình độ học vấn càng cao thì thu nhập càng lớn. Điều này giải thích tại sao các gia đình và các cá nhân sẵn sàng đầu tư vào giáo dục và học lên cao tới bậc đại học.
Sự sùng bái bằng cấp tạo ra mối tương quan tỉ lệ thuận giữa học vấn và thu nhập khi nó đánh đồng bằng cấp là thước đo trình độ học vấn và năng lực của cá nhân. Nhưng trên thực tế mối quan hệ giữa bằng cấp và năng lực nghề nghiệp không phải với bất kỳ đối tượng nào cũng có tỷ lệ thuận.
Randall Collins với thuyết “Xã hội bằng cấp” đã nêu lên quan niệm giải thích tại sao trong xã hội mọi người quá đề cao bằng cấp giáo dục và cảnh báo nguy cơ sùng bái hình thức của bằng cấp giáo dục mà coi nhẹ nội dung, chất lượng giáo dục. Với nghĩa như vậy xã hội bằng cấp là một mặt trái của xã hội học tập.
Ý nghĩa thực tiễn của thuyết soi chiếu tại Việt Nam
Randall Collins viết thuyết này vào những năm 90 của thế kỷ XX, nhưng hiện thực của nó lại hiện hình rất rõ tại Việt Nam hiện nay. Quá nhiều loại hình bằng cấp, chứng chỉ, bậc học đào tạo, trên 500 trường cao đẳng đại học (chưa tính hệ trung cấp các trung tâm nghề và các loại hình không chính quy khác đến tận 659 đơn vị hành chính cấp huyện) đã trở thành bộ máy sản xuất bằng cấp khổng lồ một thứ “dịch vụ” đáp ứng nhu cầu của xã hội đang trong thời kỳ mở cửa. Sự hình thành tự nhiên theo quy luật cung cầu này bắt nguồn từ hai nguyên nhân cơ bản.
Thứ nhất là tâm lý người Việt chuộng văn bằng, hiện tại, người người đều mong mỏi bản thân và người thân có mảnh bằng đại học trong tay, thậm chí nó còn được cụ thể hóa trong chỉ tiêu giao khoán chất lượng của các cơ quan quản lý nhà nước và ngành giáo dục cấp tỉnh. Người ta lấy tỷ lệ vào đại học làm một chỉ số thi đua, phân hạng các trường. Và bản thân các bậc CMHS cũng lựa chọn những trường có tỷ lệ vào đại học cao cho con em mình, nhiều khi bằng mọi giá. Trên thực tế, phần lớn các học sinh trong khoá đào tạo THPT chỉ chăm chắm học 3 môn thi đại học, và người dạy cũng chỉ cố dùng các thủ pháp nhà nghề để nhét kiến thức vào đầu trò tương thích với kiểu thi đã lỗi thời tại Việt Nam. Nếu tính kỹ, một học sinh sẽ học 3 ca trên/ngày, bởi vậy khoá đào tạo THPT thực chất là 9 năm. Con số thời gian đào tạo như vậy cho thấy học sinh của ta liệu có phải là giỏi hay không kể cả trúng tuyển đại học. Thực chất là một kiểu bệnh thành tích tràn lan toàn xã hội dẫn đến hậu họa thừa thầy thiếu thợ, đến thất nghiệp và nguy hiểm hơn là căn bệnh “bằng thật, người giả” tạo ra một lực lượng lao động mà năng lực nghề nghiệp không phản ánh đúng yêu cầu nội hàm của tấm văn bằng phải có.
Thứ hai là cơ chế tuyển dụng, đề bạt chức vụ nhân lực, được xác lập dựa quá nhiều vào văn bằng mà bỏ qua quy trình tuyển dụng khoa học. Chính vì vậy nhiều tỉnh thành lên tiếng “nói không với bằng tại chức” vẫn chưa phải là đáp số đúng của việc tuyển nhân lực. Một tấm bằng chính quy chưa nói lên tất cả phẩm chất năng lực đích thực của người tuyển dụng.
Bài học của chúng ta trước hết phải là trang bị con mắt xã hội, sao cho mọi người nhận thức rõ mặt trái của xã hội bằng cấp, và giáo dục trước hết phải là cơ quan đầu tiên chịu trách nhiệm “sản xuất” đúng quy trình khoa học và chịu trách nhiệm về sản phẩm bằng cấp của mình đáp ứng nhu cầu đích thực của xã hội.
Quy luật về tác động tỷ lệ thuận của trình độ học vấn đối với thu nhập sẽ bị triệt tiêu nếu xã hội có cách thức tổ chức quá trình lao động. Nếu cách quản lý lao động dựa vào trình độ chuyên môn, năng lực thực sự để tuyển dụng; cách bố trí việc làm nhằm thực hiện mục tiêu thực tế và cách phân phối, trả công lao động dựa vào năng suất, chất lượng và hiệu quả lao động thì rõ ràng là vấn đề vị bằng cấp khó có thể phát huy tác dụng. Bởi con người không dại gì đầu tư vào bằng cấp để khi không làm được việc sẽ bị thải loại.
Tất nhiên vấn đề đánh giá giá trị sản phẩm của một số ngành nghề đòi hỏi các nhà quản lý, các nhà khoa học phải nghiên cứu và đưa ra được những xác định cụ thể trên cơ sở xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng cống hiến tương thích với lợi ích nói chung và lợi ích kinh tế nói riêng mà người lao động được thụ hưởng.
N. Đ.M