Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn – chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị làm nên bản sắc văn chương nước nhà, mới đây Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản Tuyển tập văn xuôi và Tuyển tập thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Kỳ này vanhaiphong.com xin được giới thiệu cùng bạn đọc truyện ngắn “Tia chớp giữa bầu trời” của nhà văn Lê Thành Chơn in trong Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn – chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị làm nên bản sắc văn chương nước nhà, mới đây Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản Tuyển tập văn xuôi và Tuyển tập thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Kỳ này vanhaiphong.com xin được giới thiệu cùng bạn đọc truyện ngắn Tia chớp giữa bầu trời của nhà văn Lê Thành Chơn in trong Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Nhà văn Lê Thành Chơn
HỌ VÀ TÊN KHAI SINH: LÊ THÀNH CHƠN. SINH NGÀY 23 THÁNG 33NĂM 1938. QUÊ QUÁN: XÃ TÂN MỸ, HUYỆN CHỢ MỚI, TỈNH AN GIANG. DÂN TỘC: KINH. TỪNG LÀ BỘ ĐỘI, BINH CHỦNG KHÔNG QUÂN SUỐT NHỮNG NĂM TUỔI TRẺ. NĂM 1983: CHUYỂN NGÀNH, CÔNG TÁC Ở BAN TỔ CHỨC THÀNH ỦY THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH. TỪ 1989 LÀ GIÁM ĐỐC KHÁCH SẠN SÀI GÒN. NGOÀI TIẾNG VIỆT CÒN VIẾT TRUYỆN (BẰNG TIẾNG HOA) IN Ở BÁO QUÂN GIẢI PHÓNG TRUNG QUỐC TỪ 1961.
TIA CHỚP GIỮA BẦU TRỜI
Người dân miền Nam, đặc biệt là ở Bến Tre, truyền tụng một câu chuyện về phi công Đồng Văn Đe, rằng từ miền Bắc, Đe lái chiếc Mig-21 vượt vĩ tuyến 17, bất chấp máy bay Mỹ, tiêm kích nguỵ cản trở, hùng dũng bay về tận Bến Tre, đảo mấy vòng, chào bà con thị xã, rồi bay trở ra miền Bắc an toàn… Một chuyện khác có thật về Đồng Văn Đe, một phi công tuyệt vời trong một trận không chiến, bằng hai quả tên lửa, bắn rơi tại chỗ hai chiếc F-105 của Mỹ, thời đó là một kỳ tích. Từ chuyện có thật, người ta tưởng tượng ra một Đồng Văn Đe cao to, mắt sáng như sao, nhìn thấu màn đêm, bọn phi công Mỹ chỉ nghe đến Đồng Văn Đe là rúm ró, hoảng loạn… Đồng Văn Đe bay lên trời chờn vờn, không chiến mà như đùa giỡn trêu trọc bọn Mỹ, làm cho chúng tức ứa máu mà không làm gì được… Thực ra, Đe cũng như các phi công khác, anh hiền lành, dễ thương. Anh là con của tướng Đồng Văn Cống, người một thời giặc Pháp và tay sai đặt tên là con “hùm xám” miền Đông. Bọn giặc nghe tên Đồng Văn Cống là hồn xiêu phách lạc. Thế rồi, từ cha, người ta phác hoạ ra con. Công bằng mà nói, Đe giống cha cả về vóc dáng, ý chí và câu chuyện về Đồng Văn Đe, quả thật đáng yêu.
Có một người khác thực sự lái chiếc Mig-21 đến thị xã Bến Tre, lượn hai vòng rồi bay về hạ cánh an toàn tại sân bay Biên Hoà. Người đó là đại tá Nguyễn Văn Nghĩa, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, hiện là hiệu trưởng trường Hàng không Việt Nam. Anh là bạn chiến đấu của lớp phi công Nguyễn Tiến Sâm, Nguyễn Đức Soát; là đồng đội của lớp phi công đàn anh: Đồng Văn Đe, Nguyễn Hồng Nhị, Phạm Thanh Ngân.
Tôi đến thăm anh vào một ngày hè, trời vừa ngưng mưa, nước trên hệ thống thoát từ mái nhà vẫn còn chảy róc rách. Tôi dẫn hai cháu gái đến gặp anh, với một ý định rất rõ ràng, nhờ anh giúp, cho người săn sóc một người trên máy bay. Mẹ của hai cháu là vợ một liệt sĩ – đại tá Nguyễn Thế Truyện, Sư trưởng Sư đoàn 5, hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân, đến Pháp chữa bệnh. Thú thật, tôi cứ nghĩ anh sẽ từ chối vì bây giờ việc giúp nhau vô tư, không có quà cáp, không có lợi cho mình, nhiều người sẽ thẳng thừng từ chối hoặc nể nang thì viện một lý do kheo khéo nào dó để không phiền đến mình… Không ngờ, Nguyễn Văn Nghĩa không những nhiệt tình đón tiếp chúng tôi, mà còn cử cán bộ, giúp chúng tôi tại ga hàng không, lại vừa xem như một việc đương nhiên, bởi anh thực sự là anh, là “Nghĩa cáp”, “Nghĩa tình”, “Nghĩa quỳnh”, “Nghĩa dũng”, “Nghĩa hiền”…
Đại loại là anh có rất nhiều tên, mỗi tên đều nhắc đến một tính cách, đặc điểm của riêng anh. Anh thuộc tạng người, nếu thầy tướng số đoán đều sai hết, người tầm thước, gầy, mặt vuông chữ điền, khoẻ, đánh nhau trên không thuộc vào dạng lì. Nhưng tính tình điềm đạm, ăn nói nhỏ nhẹ, hiền lành, chân thật, không thích khoe khoang, cho nên, là anh hùng, chiến công lừng lẫy nhưng anh lúc nào cũng khiêm nhường, ít xuất hiện nơi đông người, không thích nổi bật.
*
Lâu lắm rồi, tôi và anh mới có dịp chuyện trò. Nghĩa vẫn cái dáng rắn rỏi, “mình đây”, đôi môi đỏ thắm, nói nói, cười cười, nhưng thoáng chút bẽn lẽn, đôi mắt mở rộng nhìn thẳng, chân thành. Tôi hỏi:
– Sao? Bà Quỳnh có khoẻ không?
– Bả? Vẫn vậy, thỉnh thoảng ốm vặt, cũng như cái bệnh đau bụng của tôi, lâu lâu nó lại hành…
“Chà, hay quá”. Trong đầu tôi chộp ngay cái bệnh này, bệnh kinh niên của Nghĩa, một phi công chiến đấu đau đại tràng và cô y sĩ Viện quân y 108…
Năm 1969, cuối mùa thu, lá trên hàng cây cuối đường Trần Hưng Đạo – Hà Nội trở vàng hàng loạt. Nó bắt đầu rụng xuống mặt đường, gặp gió, lá cây cuộn theo mặt đường, chấp chới như những cánh bướm vàng. Hàng cây cổ thụ ở Viện quân y những chiếc lá cũng rơi, đôi khi chiếc lá vô tình rơi cả trên đầu người bệnh ngồi trên hàng ghế đá, nó rơi trên vai cô y sĩ trẻ của bệnh viện.
– Ơ…, chiếc lá…
Cô y tá giật mình hỏi lại:
– Lá? Ở đâu?
– Đây nè… nó ở trên vai nè…
– Kệ nó!
Cô gái trẻ trả lời rồi lẳng lặng bỏ đi, chàng trai ngồi ngẩn người nhìn theo. Cô có nét mặt xinh xắn, có duyên, chiếc răng khểnh, đặc biệt là đôi mắt rất đẹp, sâu thẳm. Cô gái đi một đoạn, đột ngột dừng lại, ngắm chàng trai trẻ mặc bộ quần áo của bệnh viện, một ánh nhìn lạ lẫm… Hôm sau, rồi hôm sau nữa, ngày nào cô gái cũng đi qua nơi chàng trai hay ngồi, họ chào nhau và nói vài câu bâng quơ.
Một hôm, sau giờ cấp thuốc buổi chiều, cô gái trẻ vẫn đi qua hàng ghế đá, đột ngột xuất hiện ở phòng bệnh nhân:
– Chào các anh.
Cô y sĩ cất tiếng chào. Căn phòng rộn lên. Nghĩa mau miệng:
– Chào cô.
Chàng rất vui mừng. Cô gái cười nụ:
– Ở đây ai là Nghĩa hả anh?
– Tôi đây. Có chuyện gì không cô?
Nghĩa bất ngờ vì sự xuất hiện của cô gái vẫn đi qua hàng ghế đá, lại hỏi tên anh. Anh rộn lòng, hình như cô gái cũng biết sự xúc động của Nghĩa. Cô đến bên giường bệnh của anh, ngồi trên chiếc ghế để dành cho người đến thăm bệnh:
– Anh Nghĩa quê ở đâu?
– Tôi ở Quảng Ngãi nhưng sinh ở Sài Gòn.
– Thích quá nhỉ, Sài Gòn chắc là đẹp lắm phải không anh?
Nghĩa thật thà:
– Tôi có biết gì đâu, hồi đó tôi còn bé tí.
Nghĩa giơ ngón tay út ra để chỉ mình còn rất nhỏ. Mải nói chuyện, Nghĩa quên hỏi tên cô y sĩ trẻ, sực nhớ anh vội vàng:
– Xin lỗi, cô tên gì?
– Em tên Quỳnh. Bố mẹ anh đang ở đâu?
Câu hỏi như chạm đến nỗi đau nhớ mẹ. Hoà bình lập lại 1954, anh theo ba tập kết ở miền Bắc, mẹ ở lại với ba đứa em, đứa út mới tròn một tháng tuổi. Anh được đưa vào học ở trường học sinh miền Nam, dịp nghỉ anh về thăm ba, hai cha con ôm nhau khóc vì thương mẹ. Những năm tháng miền Nam rên xiết dưới Luật 10/59, tố cộng, diệt cộng của Mỹ – Diệm, không biết mẹ và các em bây giờ ra sao. Anh nhớ mãi hình ảnh mẹ ban ngày làm lụng vất vả mới có đủ cái ăn, ban đêm bên ngọn đèn, ngồi vá chiếc quần xà-lỏn của anh trong bóng tối tù mù. Rồi đến ngày anh chuẩn bị cùng ba ra đi, mẹ ôm anh vào lòng, hai dòng nước mắt chảy tràn trên vai, trên cổ anh. Những hình ảnh đó theo anh suốt cuộc đời học tập và chiến đấu. Anh nén xúc động:
– Ba tôi đang làm việc ở gần đây, còn mẹ và các em ở lại trong quê… không có tin tức.
Quỳnh liếc nhanh Nghĩa, cô nhận ra nét xúc động mỗi khi anh nhắc đến mẹ và em. Nỗi đau không biết tin tức của mẹ có lẽ là nỗi đau lớn nhất của người con. Bây giờ cô nhận ra một điều mà từ lâu cô mơ hồ cảm nhận, tình yêu của người con gái thường dành cho mẹ nhiều hơn con trai, nhưng ở Nghĩa hình như không phải như cô nghĩ… Cô chuyển câu chuyện sang hướng khác.
– Anh Nghĩa, anh có luôn nhận thư của người yêu không?
Quỳnh cười. Nghĩa trả lời thản nhiên:
– Không! Chỉ có thư của ba tôi, chỉ có ba gởi thư cho tôi, thư của bạn bè, chỉ có thư của bạn bè!
– Anh có người yêu chưa? – Quỳnh e dè hỏi:
– Chưa!
Quỳnh nhìn sâu vào mắt Nghĩa, cô đọc được nét chân thật ở anh, anh không phải là loại người giả dối… Buổi gặp ấy đã dẫn đến tình yêu và họ cùng nhau chia sẻ những gian truân, những lo lắng, họ dành cho nhau tất cả và họ cũng thật sự vì nhau trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh. Người lính bay biết rõ hơn ai hết, cái sống và cái chết đến với mình chỉ là một làn ranh giới rất mỏng manh, trong chớp mắt. Nó nhanh hơn tất cả mọi cái chết sinh học ở trên đời và sự cảm nhận lây lan mãnh liệt đối với người chồng phi công của người vợ là rõ ràng và sâu thẳm – Họ chịu đựng có lẽ hơn tất cả mọi sự chịu đựng. Tôi muốn kể về những năm tháng oanh liệt, đáng ghi nhớ của những người lính không quân mà chiến công của họ gắn liền với bầu trời và mặt đất.
*
“Vùng cán xoong phải được khống chế hoàn toàn, hải quân Mỹ phải làm chủ bầu trời ngày cũng như đêm, được phép đánh tự do trên tất cả các con đường dẫn vào miền Nam Việt Nam, tất cả các căn cứ quân sự, các cầu…”. Đó là mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng Mỹ theo lệnh của Tổng thống Mỹ (UPI ngày 20 tháng 6 năm 1965).
Mệnh lệnh đó ban hành từ giữa năm 1965, đến năm 1972 mệnh lệnh đó chưa được bãi bỏ, nghĩa là toàn bộ vùng trời thuộc các tỉnh nam Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và khu Vĩnh Linh (chúng ta gọi là khu A2) được hải quân Mỹ “canh gác” cẩn mật. Ban ngày trên bầu trời khu Bốn, không lúc nào vắng hai chiếc máy bay cất cánh từ hàng không mẫu hạm tuần tiễu, làm nhiệm vụ ngăn chặn tất cả các xe chạy vào miền Nam. Theo tài liệu của người Mỹ, mỗi tháng bình quân hải quân Mỹ xuất kích 3.500 lần chiếc, đánh 120 trận vào 3.000 mục tiêu. Những chiếc khu trục hạm, dùng pháo tầm xa bắn vào các tuyến đường và các tên lửa hạm sẵn sàng nhả đạn, bắn tên lửa vào máy bay ta. Đã có những chiếc Mig-21 bị tên lửa hạm bắn rơi, dù chiếc Mig-21 bay cách bờ trên trên 20 kilômét và cách hạm tên lửa trên 30 kilômét… Và hai chiếc Mig-17 vừa hạ cánh xuống sân bay Vinh, chuẩn bị làm một trận phục kích đánh bọn cường kích mang bom của hải quân Mỹ, chưa nạp dầu xong, được tới hai trung đoàn pháo cao xạ và bốn tiểu đoàn tên lửa bảo vệ, đã bị hơn 100 lần chiếc máy bay Mỹ liên tục đánh phá suốt ngày, cho đến khi hai chiếc Mig, hoàn toàn hư hỏng, chúng ta phải tháo lấy phụ tùng và dùng ô tô chở ra Hà Nội… mới yên.
Khu 4 – đất của ta, trời của ta, nhưng ta không được tự do bay, không được tự do đi và đến. Bầu trời bọn Mỹ làm chủ, mặt biển hải quân Mỹ làm chủ. Những chiếc máy bay EC-121 liên tục “canh gác” bầu trời của chúng ta, những chiếc tàu tuần dương, tàu khu trục luôn dòm ngó đất của ta, theo dõi bầu trời của ta. Mọi cử động của không quân ta đều không thoát khỏi những “đôi mắt quỷ thần” của bọn Mỹ săm soi. Còn ta, muốn bay vào, phải bay lén, phải bay thật thấp để tránh rađa Mỹ phát hiện, ta còn không được liên lạc giữa trên không và mặt đất, để tránh Mỹ nghe trộm và biết hành động của ta… Những năm tháng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, những phi công và sĩ quan chỉ huy chúng tôi thấm thía đến quặn đau, nỗi đau của chủ quyền quốc gia bị xâm phạm và bị mất quyền làm chủ bầu trời. Ta bay trên đất của ta, trên bầu trời của ta mà không được đàng hoàng, thậm chí ta sợ phải bay vào vùng đất, vùng trời của ta chỉ vì kẻ trộm hùng mạnh có thể giết chúng ta, làm hại chúng ta… Điều kỳ lạ đó còn mãi, đọng mãi cho đến hôm nay.
Nguyễn Văn Nghĩa, mỗi lần nhắc đến trận chiến đấu đầu tiên của anh trên vùng trời khu Bốn, dù đã 26 năm vẫn như mới ngày nào.
Hôm đó, ngày 15 tháng 4 năm 1972, từ sân bay Thọ Xuân, biên đội của anh có nhiệm vụ hiệp đồng chiến đấu với một biên đội Mig-17, cũng cất cánh xuất kích đi cùng một hướng, đến khu vực chiến đấu cùng một lúc, ở hai độ cao khác nhau nhằm đánh vào một đợt tấn công của địch trên tuyến đường 15, phía tây tỉnh Nghệ An. Đây là một ý tưởng chiến thuật, về một trận hiệp đồng chiến đấu, trên một khu vực của hai loại máy bay, có tính năng khác nhau, lần đầu tiên được thực hiện trên vùng trời khu Bốn. Mig-17 cơ động ngang tốt hơn, buộc địch đánh lượn vòng, phát huy ưu thế không chiến ở độ cao thấp. Còn Mig-21 tốc độ lớn, phóng tên lửa từ xa, sẽ áp đảo những tốp ở độ cao cao, chúng ta sẽ bắt địch cùng một lúc đối phó với hai loại chiến thuật không chiến ở hai tầng độ cao…
Nhưng, địch vào quá đông và dường như bọn Mỹ biết trước chiến thuật của chúng ta. Ở vùng cán xoong này, chúng ta chỉ có hai trạm ra đa dẫn đường cho không quân, lại phải che giấu, chỉ cần máy bay trinh sát hay vệ tinh trinh sát nhìn thấy là lập tức bị oanh tạc, hai trạm ở cách xa nhau không quan sát hết, nhất là những tốp bay thấp. Trạm rađa lại nằm trên địa hình rừng núi, tầm phát hiện bị trở ngại. Còn bọn Mỹ, có lợi thế về dẫn đường, các tàu rađa tiến sát bờ, mặt biển không có vật chướng ngại, nên cự ly phát hiện rất xa và thế là Mig đi tới đâu, rađa hạm biết và thông báo tới đó. Những chiếc tiêm kích của hạm đội xông lên phía trước đội hình bọn mang bom, bọn tiêm kích Mỹ được lệnh: “lập tức chia đôi chiến thuật”. Bọn F-8 “thập tự chinh” tính năng cơ động gần giống Mig-17, lao xuống không chiến với Mig-17, còn bọn F4B bao vây, khống chế và không chiến với Mig-21. Trong tình hình không có chỉ huy từ mặt đất, số lượng máy bay chiến đấu của ta lại quá ít, lợi thế về không gian không có, chỉ một vòng lượn là ra đến biển, không thể xuống quá thấp vì núi cao, bay trên núi là nằm trên tầm bắn của tên lửa Tomahaw – luôn nhằm bắn vào tất cả các loại máy bay trong tầm bắn của nó. Nghĩa là, nếu không có yếu tố bất ngờ thì rất khó khăn cho tạo tư thế không chiến.
Quả thật, khi biên đội của Nghĩa vào đến mục tiêu thì Mig-17 đã bị tấn công, bọn F8 đã hình thành được thế bao vây. Nghĩa quan sát thấy rõ, Mig-17 đang bị động chống đỡ, chưa có khả năng chuyển sang tấn công và rất có thể bị bắn rơi, anh liên tục nhắc nhở, cảnh giới cho Mig-17, trong khi bọn F4-B đã phát hiện thấy biên đội của anh ở trên cao hơn Mig-17 và bốn chiếc F4 đã thọc ngang sườn, dùng tên lửa có điều khiển tấn công “số 2” của anh. Nghĩa nhanh chóng phát hiện vệt lửa xanh lè đang đến rất gần, anh ra lệnh cho số 2 cơ động tránh đuợc, thì anh lại bị bốn quả tên lửa hồng ngoại tấn công… Nhìn thế trận anh biết, nếu lùng nhùng, chẳng những không yểm hộ được cho Mig-17, mà chính biên đội của anh cũng không thể đánh được địch. Nghĩa quyết định chuyển sang tấn công. Về sau này, anh mới hiểu rõ, tấn công địch mới thực sự là cách tốt nhất để bảo vệ cho đồng đội và cho mình. Lợi dụng ưu thế của Mig-21 với tốc độ lên cao hơn hẳn bọn F4, Nghĩa kéo chiếc Mig của anh và biên đội vút lên cao hơn hẳn bọn Mỹ, bất ngờ anh dùng kỹ thuật bổ nhào tấn công bọn Mỹ từ phía trước. Đúng lúc đó, anh nhìn thấy một chiếc Mig-17 đang bốc cháy. Lợi dụng đông hơn, bọn chúng bắn tên lửa có điều khiển vào góc chết của chiếc Mig-17 và quả tên lửa đã bắn trúng. Biên đội Mig-17, sau khi bị bắn rơi tình thế rất hiểm nghèo, nếu không chi viện, rất có thể biên đội bạn bị bắn rơi toàn bộ. Nghĩa quyết định tấn công vào bọn F-8U, bất chấp bọn F4 lựa thế bao vây. Nghĩa bổ nhào trực diện xuyên qua lớp tiêm kích có tốc độ cao của hạm đội, đánh trực tiếp vào bọn F8 ở dưới thấp. Đòn bất ngờ của Mig-21 bằng một quả tên lửa đối đầu của Nghĩa làm cho bọn F8 bị vỡ đội hình, chiếc Mig-17 nhân cơ hội hạ thấp độ cao, thoát ly khỏi khu vực chiến đấu….
“Vùng trời khu Bốn”, anh biết đó là khu vực mà “quyền làm chủ” bầu trời thuộc về lực lượng không quân Mỹ. Chẳng phải bọn chúng nhiều máy bay chiến đấu mà cái chính chúng có ưu thế về hệ thống ra đa, là kỹ thuật nghe trộm, hệ thống các máy trinh sát điện tử, máy bay trinh sát chiến lược SR-71 (loại máy bay này, có tốc độ gấp ba lần tốc độ âm thanh, bay ở độ cao trên 20 kilômét, chỉ cần 10 phút bay, chiều dài của miền Bắc từ Vĩnh Linh ra đến Hà Giang bọn chúng đã vượt qua, tất cả mọi vật thể đều được chụp ảnh rõ đến mức có thể phân biệt được người đi trên đường là đàn ông hay phụ nữ). Bọn Mỹ còn làm chủ vùng biển, những chiếc khu trục hạm luân phiên tuần tiễu dọc bờ biển, chẳng có gì có thể lọt qua mắt người và “mắt thần” của chúng.
*
Ngày 16 tháng 4 năm 1972, Mỹ mở đợt tấn công ồ ạt miền Bắc bằng các trận tập kích Hà Nội và thả thuỷ lôi vùng biển Hải Phòng, cuộc chiến đấu trở nên rất ác liệt. Không quân Mỹ được tăng cường các loại vũ khí hiện đại nhất. Hàng loạt mục tiêu mà suốt sáu năm qua chúng không sao phá được thì bây giờ chỉ một lần đánh là dứt điểm. Kèm theo đó, là bọn tiêm kích được trang bị loại máy bay hiện đại, tầm phát hiện của rađa trên máy bay tới trên 60 kilômét và cự ly xạ kích cũng xa hơn, nghĩa là vào thời điểm mùa hè 1972 tất cả các phương tiện hiện đại, vũ khí hiện đại nhất của Mỹ đã tung vào chiến trường mà trung tâm là bầu trời Hà Nội.
Mùa hè năm 1972, đối với chúng tôi là một mùa hè nảy lửa, các trận không chiến liên tục diễn ra trên bầu trời. Bây giờ chúng ta đã đủ sức để đương đầu với không quân Mỹ, dù số lượng máy bay của chúng ta ít hơn nhiều. Chúng ta đã biết chiến thuật không chiến của Mỹ, thủ đoạn của tiêm kích Mỹ. Chúng ta cũng đã quen và cái mà chúng ta có, là cách đánh, chúng ta đã biết đánh như thế nào để ít tổn thất và giành được thắng lợi. Nhưng, chiến tranh, cuộc chiến đấu, ngoài yếu tố con người, đôi khi còn có sự may mắn hay rủi ro, và người cầm quân bao giờ cũng phải biết tính toán hết mọi tình huống, để cái rủi đến ít nhất. Trong không chiến, chỉ chậm một giây, hay sớm một giây, là thua hay thắng đảo ngược ngay lập tức. Chúng tôi tập trung mọi sức lực, để có được lợi thế trên bầu trời cho phi công… Vậy mà, chúng ta không sao tránh được những tổn thất dù chúng ta đã biết trước. Còn bọn Mỹ, với sự trợ giúp của khoa học kỹ thuật của máy tính đã làm cho cuộc chiến đấu ở trên không trở nên quyết liệt. Những cuộc đấu trí, đấu sức diễn ra nhiều khi phần thắng không thuộc về chúng ta. Chúng ta đã mất khá nhiều máy bay và phi công. Trong một phi đội, số giường không có người nằm ngày một nhiều, những chiếc ghế ở nhà ăn để trống, số phi công còn lại sau những trận không chiến đẫm máu chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Những chiếc máy bay như F111A, biết tự động bay lên, bay xuống theo đội hình, ban đêm, đánh lén vào sân bay như một hiểm hoạ thường xuyên đe doạ chúng ta. Những cuộc truy kích, khống chế sân bay của địch đã trở nên thường xuyên, ác liệt, ngăn không cho máy bay ta bay về hạ cánh khi sắp hết dầu, là đòn hiểm gây không ít lo ngại cho phi công ta. Nhưng trên hết, là thế trận bố trí lực lượng, yểm hộ cho máy bay mang bom nhiều hơn, bất ngờ hơn, ở tất cả các hướng, buộc Mig phải đánh nhau với tiêm kích Mỹ trước khi có thể đột nhập vào bọn mang bom là đối tượng chính gây nguy hại cho mục tiêu mà chúng ta phải bảo vệ. Vào giữa năm 1972, Bộ chỉ huy Mỹ liên tiếp tổ chức các trận không chiến, khiêu chiến nhằm tiêu diệt phi công ta ở trên trời và bắn bằng súng 20 ly khi máy bay ta chuẩn bị bay về hạ cánh, là lúc yếu nhất của chúng ta… Bọn Mỹ được lệnh tiêu diệt phi công Bắc Việt Nam bằng mọi biện pháp, trong mọi điều kiện… Thời điểm đó, chúng tôi ngày chiến đấu, đêm rút kinh nghiệm, đầu óc lúc nào cũng căng thẳng, đã có, tuy không nhiều những biểu hiện của dao động, ngại xuất kích, sợ phải ra sân bay của cả phi công và người phục vụ ở mặt đất.
Cuộc chiến đấu ở trên không và cả ở mặt đất vô cùng ác liệt và căng thẳng, cường độ xuất kích ngày càng cao. Bọn Mỹ cũng bị chúng ta đánh cho những trận nhừ tử, pháo cao xạ, tên lửa và súng máy của dân quân tự vệ đã liên tiếp bắn rơi máy bay Mỹ. Gần như bọn Mỹ giở thủ đoạn nào, dù bước đầu gây cho chúng ta những bối rối và tổn thất, nhưng liền sau đó, bọn chúng lập tức bị giáng trả. Đòn bay thấp của F-111A đánh lén vào các sân bay, gây cho không quân ta những khó khăn và tổn thất thì ngay sau đó, bọn chúng bị dân quân tự vệ bắn rơi. Chiếc F-111A bị hạ ở Suối Hai gần như còn nguyên vẹn. Tinh thần bọn phi công Mỹ theo lời bọn bị bắt sống đã khai: “do bị bắn rơi nhiều, chúng tôi hoảng sợ mỗi khi đi vào vùng hoả lực của các ông”. Đối với với chúng ta, đến thời điểm giữa năm 1972, mặc dù phương châm chiến đấu của Không quân nhân dân Việt Nam vẫn là “vừa chiến đấu, vừa xây dựng và bảo toàn lực lượng để càng chiến đấu càng lớn mạnh”, chúng ta đã chấp nhận đương đầu và chủ động tổ chức những trận không chiến với quy mô ngày càng lớn và những hình thức chiến thuật ngày càng mới mẻ, làm cho bọn Mỹ đối phó khá chật vật. Trong 15 ngày đầu tháng 6, Mig-21 liên tục hạ nhiều máy bay. Có ngày Mig-21 bắn rơi hai chiếc, trong khi chúng ta không bị bắn rơi chiếc nào. Tư lệnh tập đoàn không quân số 7 của Mỹ tức tối, tổ chức nhiều trận không chiến. Tư lệnh không quân ta biết rõ bọn tiêm kích, chúng ta không xuất kích, bọn Mỹ quần đảo, gầm ghè chán rồi bay về, chúng cũng không dám vào vành đai hoả lực. Không thể cứ tiêu hao trên 500 tấn dầu cho gần trăm chiếc tiêm kích mỗi ngày mà không lừa được ta, mục tiêu không đánh phá, ý đồ chiến lược thất bại, bọn Mỹ phải tổ chức lực lượng mang bom tiếp tục oanh tạc mục tiêu…
Ngày 24 tháng 6 năm 1972, bọn Mỹ lại tổ chức khiêu chiến bằng tiêm kích ở các khu vực chờ Mig và cấu tạo đường bay như của bọn cường kích mang bom, cố ý để không quân ta cất cánh. Chúng tôi đã có kinh nghiệm, theo dõi chặt chẽ và tất cả những chiếc Mig đều nằm im, chỉ khẩu chiến. Chúng tôi dùng ra đi ô phát lên trời ở hai sở chỉ huy đóng giả một bên là Mig, một bên là mặt đất, la ầm lên như là một trận xuất kích. Lúc đầu bọn Mỹ cũng có vẻ hoảng loạn, triển khai đội hình chiến đấu, rốt cuộc chẳng thấy máy bay ta đâu, bọn chúng lại bay về.
15 giờ, bọn Mỹ từ Thái Lan lại cất cánh. Nếu như những ngày vừa qua có lẽ chúng tôi sẽ đề nghị với Tư lệnh cho Mig-21 tiếp tục nghỉ ngơi, những chẳng hiểu sao chúng tôi lại có cảm giác rằng đó là tốp mang bom. Thú thật, nhiều khi giác quan thứ sáu lại vô cùng quan trọng, hoàn toàn không phải chuyện hú hoạ, mà là một cuộc so sánh, những ý kiến trao đổi thẳng thắn và gần như tất cả Sở chỉ huy không quân đều nhất trí với nhau một cách kỳ lạ. Tư lệnh không quân Đào Đình Luyện vốn rất thận trọng, ông là người vận dụng phương châm chiến đấu một cách nhuần nhuyễn, ít khi ông phiêu lưu trong chỉ huy, dù trong chiến đấu ông rất táo bạo. Ông cũng nhất trí với chúng tôi một cách mau lẹ. Thế là, guồng máy cho một trận không chiến hoạt động khẩn trương, chưa bao giờ kíp trực ban lại gia tốc và thông suốt nhanh chóng đến như vậy… Ba biên đội đã sẵn sàng cất cánh…
Bọn Mỹ lợi dụng buổi chiều, hướng tiến công cũng có ý đồ lợi dụng mặt trời, bọn chúng cấu tạo một hành trình hoàn toàn dựa vào những đỉnh núi cao từ phía bắc Viêng Chăn – Sơn La vào đánh phá Thái Nguyên và một chiếc cầu phía bắc Phủ Lạng Thương… Bầu trời dày đặc máy bay Mỹ, chúng tôi đếm được một đội hình lớn 24 chiếc mang bom, 12 chiếc F105 gây nhiễu điện tử, chiếc tiêm kích yểm hộ trong đội hình, phía trước, phía sau và hai bên; còn rải rác 10 tốp 20 chiếc yểm hộ ở các khu vực có khả năng Mig xuất hiện ở Phú Thọ, Yên Bái, Hoà Bình, Chợ Bến, Sơn Dương….
Trên tấm bản đồ chiến đấu của Sở chỉ huy không quân, nhìn thế trận bố trí của bọn Mỹ, chúng tôi thấy rõ chiến thuật chốt chặt và cơ động, nhằm làm cho không quân ta khó mà lọt vào đội hình mang bom của bọn Mỹ, chỉ có cách…
– Báo cáo Tư lệnh, tốp đi đầu là tốp tiêm kích, chúng ta dự định cho Bùi Đức Nhu và Hà Vĩnh Thành chặn đánh, nhưng thế chiến thuật kín kẽ của bọn Mỹ đánh không chắc ăn. Đề nghị cho biên đội chuyển sang nghi binh.
Tư lệnh trả lời ngay:
– Đồng ý, dẫn áp sát, dùng tốc độ lớn kéo tiêm kích đuổi theo. Cho biên đội Nguyễn Đức Soát[1] và Ngô Duy Thư[2] cất cánh bay theo phương án 1, giữ độ cao vừa phải.
Chúng tôi hiểu rất rõ ý đồ của Tư lệnh không quân, sử dụng biên đội Bùi Đức Nhu kéo tiêm kích tạo kẽ hở cho Soát – Thư tấn công. Lập tức, chúng tôi thông báo cho Nhu và Thành biết ý định của Tư lệnh. Tốp tiêm kích địch đầu tiên vừa vượt qua thị xã Hoà Bình, chúng tôi cho biên đội Nhu – Thành tăng dần tốc độ lên cao mà độ cao đó, tốc độ của Mig-21 vượt xa phi cơ của bọn Mỹ…
Sở chỉ huy Đoàn Lam Sơn cho biên đội Soát – Thư bay dọc theo tuyến đường số 1 nam ngang qua thị xã Phủ Lý. Thời cơ đã chín, chúng tôi lệnh cho biên đội Nhu – Thành tăng tốc độ lao về hướng địch rồi bất ngờ kéo lên 8.000m ngay trước mũi bọn tiêm kích Mỹ…
Trên màn hiện sóng, sĩ quan dẫn đường Lê Thiết Hùng phát hiện địch nhốn nháo và trạm thông tin kỹ thuật cho chúng tôi biết bọn Mỹ đã có báo động có Mig. Lập tức chúng tôi cho Nhu – Thành vòng phải bay về hướng Phú Thọ, cố tình ở ngay phía trước bọn Mỹ. Thấy ngon ăn, những chiếc F4 ào ào tăng tốc độ, khói đen phía sau đuôi cuồn cuộn như những con rắn hổ đen ngoằn ngoèo… Bọn tiêm kích Mỹ như say thuốc súng, tám chiếc F4 đuổi theo, cuộc đuổi bắt rầm trời diễn ra thật tuyệt diệu. Bọn Mỹ đều hướng về biên đội Mig-21 nghi binh, thế chiến thuật sơ hở, ta không chủ trương vượt quá xa, làm cho bọn Mỹ tập trung vào Mig ở phía trước và hy vọng đuổi kịp. Thế là kế “điệu hổ ly sơn” đã thành công, bọn Mỹ hở sườn. Sở chỉ huy Đoàn Lam Sơn dẫn biên đội Soát – Thư vào chính nơi bọn tiêm kích Mỹ rầm rộ đuổi theo biên đội Mig-21 nghi binh. Hai anh đã phát hiện đúng đối tượng là bọn cường kích mang bom. Trong chớp mắt, Soát bắn rơi tại chỗ một chiếc, liền sau đó Thư bắn rơi chiếc thứ hai… Cuộc chiến đấu trở nên sôi động. Những tình huống tiếp theo đều được Tư lệnh không quân dự kiến và xử lý khôn ngoan. Ông cho rằng, “bọn Mỹ cay cú vừa bị mất hai chiếc máy bay, trên bầu trời phi cơ ta vẫn còn hai chiếc Mig-21 sắp hết dầu và không còn tên lửa, bọn Mỹ sẽ cho tiêm kích khống chế, không cho phi công hạ cánh. Như vậy, máy bay hết dầu phải nhảy dù hoặc bị tiêu diệt khi Mig chuẩn bị vào vòng lượn hạ cánh”.
Để bảo vệ cho hai chiếc Mig-21 hiện đang còn ở khu vực chiến đấu, hai chiếc đang trên đường bay về, anh quyết định cho biên đội thứ ba do Nguyễn Văn Nghĩa và Nguyễn Văn Toàn điều khiển bay lên phía bắc tạo thế để yểm hộ cho hai biên đội đang trên đường bay về hạ cánh.
*
Nguyễn Văn Nghĩa và Nguyễn Văn Toàn – một phi công trẻ, một biên đội trẻ, hai anh là những phi công chiến đấu thuộc thế hệ thứ ba, tuổi mới ngoài hai mươi, nhưng thừa hưởng những kinh nghiệm chiến đấu của lớp phi công đàn anh. Mới hôm qua, hai anh đã xuất kích và Nguyễn Văn Nghĩa đã bắn rơi một chiếc F4 ở khu vực Hoà Bình. Nhìn Nghĩa báo cáo trong đêm giảng bình rút kinh nghiệm trận chiến đấu ngày 23 tháng 6 năm 1972, tôi biết anh đang ngập tràn hạnh phúc. Đời người lính bay, có gì sung sướng bằng mình được bay đơn – bay một mình, trên chiếc phi cơ mà không có người bay kèm, một mình trên chiếc máy bay vi vu trên bầu trời ngắm nhìn đất nước bao la lướt mình trong không trung. Thật là tuyệt vời ngồi trong buồng, tay tái là tay ga, tay phải cầm chiếc cần lái chỉ cần nhích một chút, nhờ bộ phận trợ lực nó trở nên nhẹ nhàng, ép cần lái qua bên trái hay bên phải máy bay nghiêng qua bên trái hoặc bên phải, đẩy cần lái về phía trước máy bay sẽ chúi xuống và kéo ngược vào trong lòng chiếc máy bay sẽ vọt lên không trung. Người ta chế tạo cần điều khiển, cho máy bay cơ động theo chiều cơ thể của con người, làm cho việc điều khiển trở nên thuận lợi. Và, khi một mình cất cánh, rời khỏi mặt đất vút lên không trung, mặt đất nhỏ dần, những đám mây trôi qua sát bên cạnh, người phi công lần đầu tiên điều khiển chiếc máy bay, bay lượn, lòng tràn ngập sung sướng, chẳng có gì có thể so sánh được. Nhưng, đời người phi công chiến đấu không có gì chua xót khi xuất kích nhiều lần mà không bắn rơi được chiếc nào… Ngày hôm qua, đối với Nghĩa, nó được đánh dấu như một ngày tràn ngập hạnh phúc, nó choáng ngộp, lấn át tất cả mọi cái trong cuộc sống. Khi bị 16 chiếc F4H của địch vòng trong, vòng ngoài bao vây, anh đã bình tĩnh chọn thời cơ thích hợp phóng một quả tên lửa, chiếc máy bay bốc cháy cắm đầu xuống đất ngay dưới cánh của anh và khi anh kéo vọt máy bay lên cao, để trở về, anh còn kịp nhìn thấy 15 chiếc máy bay Mỹ hoảng loạn, rút lui rời rạc, như những chiếc lá gặp gió lượn lờ chẳng còn sinh khí…
Tôi bóp micrô thông báo khẩn cấp cho biên đội:
– 42 chuẩn bị đánh tiêm kích, giữ biên độ cho tốt.
Nghĩa phấn chấn:
– 42 nghe rất rõ.
Thông thường, chúng tôi trao đổi về ý định chiến thuật và phương pháp dẫn đường với phi công bằng điện thoại, nhiều lần sĩ quan dẫn đường và phi công không nhất trí được với nhau. Khi đó, chúng tôi phải giải thích lý do về địch, về hiệp đồng với cao xạ, tên lửa, về ý định chiến đấu của tư lệnh… Cho đến khi biên đội hiểu và thống nhất với ý định của sở chỉ huy. Sau đó, chúng tôi trao đổi với nhau trong những trường hợp như thế nào, phi công phải xử lý ra sao… Trong trận này, trước đó, biên đội Nguyễn Tiến Sâm[3] đã xuất kích ba lần trong ngày, Nguyễn Văn Nghĩa vừa được thay, chúng tôi chưa kịp hiệp đồng, biên đội đã được lệnh cất cánh…
Không quân Mỹ cay cú vì bị bắn rơi hai chiếc F4H mang bom và tất cả những chiếc máy bay mang bom khác đều vứt bom tháo chạy. Chỉ với bốn chiếc Mig, ta đã khuynh đảo cản phá hoàn toàn một đội hình “tiền hô hậu ủng” của trên 60 chiếc máy bay đủ loại, cả một liên đoàn không hoàn thành nhiệm vụ đánh phá mục tiêu… tên chỉ huy liên đoàn tiêm kích, làm nhiệm vụ hộ tống hôm nay tức giận. Hắn quyết định cho tất cả lực lượng tiêm kích thọc sâu vào hoả lực dày đặc của Hà Nội, bằng một lực lượng tinh nhuệ 12 chiếc F4E khống chế hai đầu sân bay Nội Bài và 16 chiếc chặn tất cả các hướng bay về của 4 chiếc Mig-21.
Tư lệnh không quân đã phán đoán chính xác. Anh ra lệnh chúng tôi dẫn biên đội của Nghĩa phát huy ưu thế của Mig-21 trấn áp, làm tan rã đội hình khống chế sân bay để hai biên đội Mig-21 trở về hạ cánh. Tôi đã nói rõ ý định đó cho Nghĩa. Bây giờ, Nghĩa – Toàn đang ở phía đông sân bay, còn bọn Mỹ đã hoàn toàn khống chế phía tây, và một phần đầu đông sân bay. Tình hình hết sức căng thẳng. Chúng tôi có ý định dẫn hai biên đội đã hết dầu về sân bay Kép hoặc Gia Lâm, nhưng bọn Mỹ đều có những tốp khống chế, chỉ một vòng lượn những chiếc F4 của Mỹ có thể dòm ngó được nhiều sân bay. Ở sân bay Kép, hoả lực phòng không không mạnh, hạ cánh sẽ nguy hiểm. Tư lệnh không quân quyết định hạ cánh ở sân bay Nội Bài, với sự chi viện của hoả lực cao xạ, theo loa hoả lực, trực tiếp của pháo cao xạ 37 ly và biên đội của Nghĩa.
Chúng tôi dẫn biên đội của Nghĩa đi về hướng bắc Hà Nội, tránh tiêm kích rất đông đang ở hướng tây. Bọn Mỹ lao vào hai đầu sân bay, bị pháo cao xạ bắn, làm cho đội hình bị băm nát, xô dạt. Lợi dụng địch lúng túng, chúng tôi dẫn biên đội Nghĩa – Toàn xung trận. Bọn Mỹ ỷ đông, lì lợm khống chế đầu tây, còn ở đầu đông sân bay, chúng lảng vảng ở phía xa, nếu thấy Mig sẽ lao vào. Bốn chiếc Mig-21 sắp hết dầu, đã bay về hướng đông Hà Nội, biên đội Nhu – Thành chuẩn bị hạ cánh, biên đội Soát – Thư đang ở phía đông Hưng Yên. Nghĩa – Toàn đã được giữ bí mật hoàn toàn. Bọn Mỹ không ngờ chúng ta lại cho một biên đội cất cánh được trong lúc này và đang chuẩn bị thọc lưỡi gươm vào chiếc xương sườn cuối cùng của bọn tiêm kích Mỹ.
Tôi bóp ống nói:
– 42, độ cao 6.000mét, vứt thùng dầu phụ.
Nghĩa trả lời:
– 42 nghe rất rõ.
Tôi nói tiếp:
– 42 hướng bay 190o, tốc độ 950 kilômét/giờ, địch bên trái phía trước 30 kilômét.
Tôi thấy cần chỉ rõ hơn hướng khống chế của bọn Mỹ và cách tiếp cận mục tiêu của biên đội:
– Mục tiêu đi từ trái qua phải, mỗi tốp cách nhau 10 kilômét, chú ý quan sát.
– Nghe rất rõ, 43 sang bên phải tôi.
Nghĩa ra lệnh cho Toàn chuyển sang đội hình chiến đấu. Ở vị trí như vậy việc quan sát bảo vệ cho nhau và quan sát địch tốt hơn.
– 42, địch khống chế đầu tây, tấn công mau lẹ, sử dụng ưu thế kéo cao, mục tiêu cách 20 kilômét.
Nghĩa reo lên:
– 42 phát hiện 6 chiếc, xin phép công kích.
– Kiên quyết công kích, 42, tấn công theo mặt phẳng đứng.
Trong tình hình địch đông, tất cả các độ cao từ 2.000 mét trở xuống đều dày đặc, bọn tiêm kích quyết khống chế không cho Mig hạ cánh. Chúng tôi chọn cách tấn công từ trên cao xuống và kéo ngược lên cao. Tôi biết Nguyễn Văn Nghĩa rất giỏi trong chiến thuật không chiến độc đáo này. Bọn Mỹ vốn chủ quan, khi phát hiện Mig hùng dũng lao tới, bọn chúng đã hoảng loạn, phóng tên lửa loạn xạ, chẳng có địa chỉ. Nghĩa nhìn rất rõ, anh phán đoán rất nhanh và lập tức bổ nhào nhằm vào một tốp bốn chiếc tiêm kích Mỹ. Nguyễn Văn Toàn chớp thời cơ phóng một quả tên lửa vào giữa đội hình buộc bốn chiếc F4 phải tách đôi phân tốp, cơ động tránh tên lửa của ta… Và lần đầu tiên chúng ta chủ động tấn công, làm cho bọn tiêm kích Mỹ ở phía đầu đông và các khu vực đều dồn lại khu vực thành phố Việt Trì và Yên Bái để đối phó với biên đội của Nghĩa. Chớp thời cơ, hai biên đội bốn chiếc Mig-21 đã nhẹ nhàng hạ cánh an toàn… Chúng tôi như trút được gánh nặng, lòng vui khôn tả. Chỉ với một đòn đầu tiên chúng ta đã phá vỡ hoàn toàn thế bao vây của không quân Mý ở tất cả các sân bay mà Mig có thể hạ cánh. Trong thế bị động, bọn Mỹ buộc phải cơ động, một số tốp vội vã phóng tên lửa, Nghĩa nhìn rất rõ quả tên lửa của Mỹ lao về phía anh không đủ tốc độ, vệt bay ngoằn ngoèo, như một quả pháo thăng thiên bị xịt, trông rất thảm hại. Biên đội của anh đã ở tít trên cao, bọn Mỹ đã có vẻ tháo chạy. Từ trên cao, anh nhìn thấy bọn chúng rối loạn, cơ động đan chéo để quan sát, bảo vệ cho nhau, mũi máy bay đều hướng ra biên giới. Rõ ràng, bọn tiêm kích Mỹ tháo chạy với tốc độ rất lớn, sau đuôi những chiếc F4 tuôn ra những cột khói đen kéo dài. Nghĩa nhắc Toàn:
– Tăng lực toàn phần, bám theo tôi, 43!
– 43 nghe rõ.
Nghĩa đã sử dụng bộ phận tạo gia tốc, máy bay đạt tốc độ rất nhanh, phải nhanh chóng diệt bọn F4 khi chúng còn trong đất nước ta, không để chúng bay qua biên giới. Nghĩa biết rõ, chiều ngang nước ta rất hẹp, từ khu vực chiến đấu ở phía Tây Hà Nội, cho đến biên giới Việt – Lào chỉ có bảy phút bay, phải nhanh chóng…
Hai chiếc Mig-21, đã vượt tốc độ âm thanh, xa xa là biên giới, dãy núi chắn ngang hai nước đã hiện ra ngày một rõ. Bọn Mỹ đã leo dần độ cao để vượt núi. Thời cơ đã đến, Nghĩa lao đến chiếc F4 gần nhất, đưa nó vào vòng ngắm, rất tỉnh táo. Chiếc F4 vừa bay bằng, để đảo tư thế rồng rắn, thì quả tên lửa của Nghĩa đã phóng ra rất chính xác, nó bùng cháy như một bó đuốc khổng lồ.
*
Cuối tháng 12 năm 1972, đã sáu ngày, Không quân nhân dân Việt Nam chỉ cản phá, buộc địch vứt bom ngoài trận địa tên lửa vào ban ngày, còn ban đêm bọn Mỹ ngày càng lấn sâu vào nội thành Hà Nội. Ngày 22 tháng 12, mất hết nhân tính, bọn Mỹ huỷ diệt bệnh viện Bạch Mai, giết hàng chục người bệnh và bác sĩ. Trước đó, đêm 20 tháng 12, sáu chiếc B52 thả bom huỷ diệt làng Thanh Nhàn thuộc huyện Kim Anh, ngay gần nơi sơ tán của phi đội. Bàng hoàng, xúc động trước hàng trăm người bị giết hại, trong đó có cả các cụ già, những em bé và cả những phụ nữ có thai, Nghĩa và các bạn của anh lao đến, anh đứng lặng trước những thi thể không còn nhận dạng được và hàng trăm người khóc, tìm bới người thân. Lòng quặn đau, căm giận, suốt cả ngày hôm đó, cho đến lúc đặt mình lên giường, hình ảnh đau thương đó choáng ngộp cả đầu óc anh.
Phải làm một cái gì đó để trả thù cho nhân dân. Nghĩa và các chiến sĩ Không quân nhân dân Việt Nam trong thời điểm đầy sóng gió này có rất ít lời nói, chẳng thấy ai nói to, không khí trong phi đội chìm hẳn… Tôi nhìn những chàng trai dễ thương thường ngày, dường như đang chất chứa khối căm giận đến tột đỉnh, chỉ chờ có dịp là vung gươm, xọc lưỡi kiếm nhọn vào yết hầu của kẻ thù…
Mỗi ngày, tội ác của bọn Mỹ đối với Hà Nội cứ tăng dần. Cuộc chiến đấu đã trở nên quyết liệt, tất cả các sân bay đều bị đánh ngay đêm 18 tháng 12 và liên tục bị đánh bồi, đánh nhồi làm cho không quân ta không còn nơi cất cánh. Ở mặt trận trên không, bọn Mỹ tăng cường tối đa lực lượng tiêm kích ban đêm bảo vệ cho được B52. Ban ngày, lực lượng tiêm kích dày đặc để bảo vệ cho bọn mang bom tìm đánh trận địa tên lửa. Không quân nhân dân Việt Nam không còn sự lựa chọn “đánh” hoặc “không đánh”, mà vấn đề cốt lõi là đánh như thế nào, để bảo vệ các trận địa tên lửa. Chúng tôi, gần như thức trắng, ban đêm đánh B52, ban ngày đánh nhau với bọn cường kích. Nhưng, chúng tôi chỉ “xua” chúng, ban đêm thì làm cho bọn tiêm kích nhốn nháo, đuổi theo Mig “xấc bấc xan ban”, làm rúng rính con chủ bài B.52. Chẳng biết, có phải do tác động của Mig hay không, nhiều loạt bom của bọn pháo đài bay đã ném dạt ra mép làng hoặc trên cánh đồng (chúng ta hy vọng những phi công Mỹ sẽ có dịp nói rõ vấn đề này). Còn ban ngày, việc xua đuổi của không quân ta đã có kết quả rõ ràng. Chúng tôi đã bảo vệ được những trận địa tên lửa mà cấp trên giao. Bọn Mỹ đã phải ném bom cách rất xa trận địa tên lửa. Cho đến ngày 23 tháng 12 năm 1972, chúng tôi vẫn bảo vệ được các trận địa tên lửa và còn bắn rơi được máy bay Mỹ. Trận đó như sau:
4 giờ sáng, B52 sau đợt cuối cùng đánh bom Hà Nội vừa ra khỏi biên giới, biên đội Nguyễn Văn Nghĩa và Lê Kiền đã ra sân bay tiếp thu máy bay, trực ban chiến đấu ban ngày. Tôi đã đuối sức, mệt mỏi, buồn ngủ khủng khiếp, ngồi ở đâu cũng ngủ. Năm đêm liền thức trắng, tôi lăn ra ngủ vùi, cho đến khi chuông điện thoại reo, ở đầu dây bên kia là Nghĩa:
– Tôi đã nhận máy bay xong, tất cả đều tốt, đề nghị anh phổ biến nhiệm vụ, để tôi hiệp đồng biên đội.
Tôi tỉnh hẳn, cơn buồn ngủ biến mất. Tôi như nhìn thấy rõ khuôn mặt nhỏ nhắn dễ thương của Nghĩa. Anh có đôi mắt rất sáng nhưng hiền, nội lực to lớn, nhưng không thích chơi trội với ai, cho nên anh được cả phi đội yêu mến. Tôi nhớ mãi buổi tối ngày 6 tháng 10 năm 1972, trong một cuộc rút kinh nghiệm trận chiến đấu, Nghĩa bắn rơi một chiếc F4 vào buổi trưa hôm đó. Tôi còn lưu giữ đoạn nhật ký của tôi về những lời của Nghĩa ngày 6 tháng 12, rất đễ thương: Mới 3 giờ 30 sáng, chúng tôi đã ra sân bay. Tiếp thu máy bay xong chúng tôi hiệp đồng trong biên đội, với dẫn đường sở chỉ huy và chờ đợi… 9 giờ 15 phút có lệnh bổ sung trực ban thêm một biên đội. Anh Lê Thanh Đạo tăng cường trực chiến cấp hai, 10 giờ 30 biên đội anh Đạo được lệnh vào cấp một và sau đó ít phút biên đội xuất kích. Tôi ấm ức gọi điện cho trung đoàn trưởng – anh Nguyễn Hồng Nhị rằng, tại sao chúng tôi chầu chực từ sớm không được đi đánh mà anh Đạo mới bổ sung trực đã xuất kích? Anh Nhị trả lời tôi bằng giọng không gay gắt nhưng đầy bí ẩn: “Lại cay cú! Chờ đó!”. Anh cúp máy… Sau đó 15 phút, chúng tôi được lệnh cất cánh. Thì ra, sở chỉ huy cho biên đội anh Đạo cất cánh nghi binh địch. Máy bay của chúng tôi vừa rời khỏi sân bay lấy hướng bay về Thái Nguyên, chưa kịp lấy độ cao thì dẫn đường sở chỉ huy đã thông báo máy bay địch. Tôi phát hiện hai tốp tám chiếc ở phía trước cao hơn chúng tôi. Lập tức tôi hỏi về sở chỉ huy: “Tốp nào là cường kích?” và được biết, hướng của các tốp cường kích bay từ Tam Đảo, qua Bắc Cạn, vào đánh Thái Nguyên. Tôi ra lệnh cho số 2 tăng tốc, vứt thùng dầu phụ, để vượt qua các tốp tiêm kích bảo vệ đội hình. Trong tai tôi bỗng vang lên trong máy: “Chú ý bên trái phía trên một tốp bốn chiếc tiêm kích”. Tôi đã nhìn thấy thêm một tốp, tôi hơi do dự “không biết chúng đã phát hiện ta chưa?”, “có nên tấn công chúng không?”. Nếu tấn công vào đội hình tiêm kích, có nghĩa là ta bỏ đội hình cường kích và dĩ nhiên bom vẫn rơi xuống thành phố Thái Nguyên. Tôi quyết định vượt qua chúng và lao về đội hình cường kích… Số 2 của tôi – anh “Năm đen”, kêu lên trong máy: “Tôi xa anh”. Tôi trả lời: “Đang tăng lực nhỏ phần”[4]. Một phút sau lại nghe số 2 kêu lên: “Tôi xa anh!” tôi không còn cách nào khác hơn, vì tình thế đang cần tốc độ, không thể chờ nhau. Tôi trả lời: “Xa thì cố lên!”. Mãi sau, tôi mới biết anh Năm chưa vứt thùng dầu phụ… Vượt qua tốp tiêm kích, tôi bắt đầu nhận được các thông báo khác nhau về địch, nào là trên, dưới, đằng trước, đằng sau,… Nơi nào cũng có tiêm kích, còn cường kích ở đâu? Tôi thầm nghĩ: Chắc sở chỉ huy đang chọn đánh tốp nào đây? Tiếng anh Lê Thiết Hùng dẫn đường vang lên dõng dạc: “Quạ đen bốn tốp bên trái 45o, 20 kilômét”. Tôi hiểu đó là đối tượng mà chúng tôi cần đánh. Tôi tập trung tinh lực vừa cơ động vừa quan sát tìm địch… Và rồi tôi đã thấy đầu tiên bốn chiếc sau đó tám chiếc… Tôi hô cho số 2 chuẩn bị vào trận. Máy bay của chúng tôi dũng mãnh như những mũi tên sắt, xé không gian lao tới máy bay địch… Chúng đã phát hiện máy bay ta và cắt bom bừa bãi để tháo chạy – khi đã bỏ bom chúng trở thành những tiêm kích thực thụ. Trong tình huống hỗn loạn như vậy, hai chúng tôi dùng các “thế võ gia truyền” để đưa máy bay địch vào vòng ngắm. Tôi làm các động tác kỹ thuật mà trên máy bay Mig-21 cho phép và đã chiếm được bán cầu phía sau của bốn chiếc “con ma”. Tôi lật cò, chuẩn bị vào đường ngắm chuẩn. Máy bay địch bắt đầu tránh đạn. Những kinh nghiệm của các trận đánh trước đó, đã cho tôi cách bắn máy bay đối phương cử động. Giây lát quan trọng nhất đã đến. Tôi bóp cò, máy bay rung lên, tên lửa bay vút đi, tôi nhìn theo quả đạn bay tới quân thù. Tôi nhìn theo thất vọng… quả đạn hết điểm lửa. “Trật rồi!” – tôi thoáng nghĩ, ngay lập tức tôi chỉnh lại đường ngắm và phóng quả đạn thứ hai. Chưa kịp nhả cò súng thì quả đạn thứ nhất đã trúng ngay vào “con ma”. Chiếc F4 bốc cháy như một bó đuốc. Số 2 của tôi hô vang “cháy rồi!”. Tôi lệnh cho Năm xông lên, tôi yểm hộ phía sau (nói là yểm hộ chứ tôi đâu có đạn). Anh Năm hăng hái lao vào các tốp máy bay đang tan rã, bám theo một con ma đang tan bầy. Tôi động viên: “Bình tĩnh ngắm! Bắn chính xác!” Năm trả lời “Nghe rõ, bình tĩnh!”. Tôi bật cười trong mặt nạ dưỡng khí. Quả đạn từ máy bay của Năm phóng ra lao về phía máy bay F4. Tôi hô “Cháy rồi! Giỏi lắm”…
*
Như một sự trùng hợp trong năm 1972 này, tháng 6, hai ngày liền anh bắn rơi hai chiếc F4. Tháng 10 cũng hai ngày liền anh bắn rơi hai chiếc nữa. Và hôm nay, ngày 23 tháng 12 năm 1972, đã năm ngày vào chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, bầu trời Hà Nội đã cày những vệt bay của ta, của Mỹ, cày nát bởi những đường đạn tên lửa của ta và bom Mỹ, cho đến hôm nay… Trả lời Nguyễn Văn Nghĩa qua điện thoại, tôi đã tỉnh ngủ:
– Nhiệm vụ của phi đội, Tư lệnh giao là cản phá, bảo vệ trận địa tên lửa ở phía tây nam Hà Nội, tôi đã đánh dấu ba tiểu đoàn tên lửa ở A1, B2 và B6. Chú ý tiêm kích địch rất đông, đội hình của anh linh hoạt theo phương án P20, đối không rãnh số 2, dự bị rãnh số 4.
Nghĩa dừng nói một chút rồi đề nghị:
Chuẩn bị tiếp cận, anh cho tôi sử dụng tốc độ lớn, lướt qua tiêm kích đánh vào đội hình mang bom.
Tôi băn khoăn hỏi lại:
– Anh định lướt như thế nào?
– Cắt ngang, góc vào lớn, bọn nó không bắn trúng được.
Tôi hỏi thêm:
– Trường hợp không vào được bọn mang bom, phải đánh tiêm kích, anh đánh như thế nào?
– Chúng tôi đã hiệp đồng trong biên đội, ai có điều kiện thì xạ kích, người kia quan sát, yểm hộ, không cứng nhắc phải số 1 công kích, số 2 yểm hộ, và… không đánh quần, không sa vào thế bị bao vây, đánh nhanh, rút nhanh.
Tôi trả lời:
– Tôi nhất trí với anh, trong mấy ngày qua, tiêm kích yểm hộ trong đội hình rất mạnh cả phía trước, phía sau và hai bên. Anh và biên đội lưu ý khi công kích xong kéo lên cao với công suất lớn nhất. Tiêm kích Mỹ ở các khu vực chờ Mig nhiều hơn, lại phân tán ở diện khá rộng, nhưng không ngại, chúng tôi sẽ dẫn tránh, yêu cầu anh hết sức chú ý quan sát…
Tôi và Nguyễn Văn Nghĩa đã trao đổi những vấn đề cốt lõi, chúng tôi hoàn toàn hiểu nhau. Thông thường những đề nghị của phi công là những bức xúc, mang trong đó cả ý chí và sinh mạng của mình, chúng tôi chỉ không đồng ý một khi nó trái với cách đánh, có thể gây tổn thất, hoặc trái với chỉ thị của tư lệnh…
Tôi biết Nghĩa là một phi công có đầy đủ phẩm chất cao quý và một ý chí còn hơn thép. Trong tình hình mà tất cả các sân bay đều bị đánh, phải cất cánh bằng đường lăn, mà đường lăn người ta làm chỉ để lăn, nó nhỏ như một sợi chỉ[5], mà sợi chỉ đó còn bị bom chặt đứt từng đoạn, vá chằng vá đụp, còn tiêm kích thì dày đặc, cất cánh lên trời là đương đầu với nguy hiểm. Tất cả những chuyện đó cũng không bằng hàng ngày đồng đội của anh vừa nói chuyện với nhau đã không trở về trong khoảnh khắc. Người ta đối mặt với cái chết còn dễ dàng hơn là biết mình cũng sẽ chết mà vẫn phải sống và phải hàng ngày cọ xát với cái chết rình rập, không biết đến với mình lúc nào. Chỉ có ý chí vững, một bộ thần kinh thép, còn hơn thép, mới có thể đối mặt với cái chết mà vẫn bình tĩnh và chiến thắng.
*
Gần 11 giờ trưa, vừa ăn cơm xong, biên đội Nghĩa – Kiền cất cánh đúng như dự kiến trong kế hoạch chiến đấu. Tiêm kích Mỹ dày đặc ở phía tây nơi bọn mang bom sẽ xuất hiện, đánh những trận địa tên lửa mới hôm qua đã quật tan xác ba pháo đài bay B52… những giàn rađa của tên nửa nằm im được nguỵ trang cẩn thận, không phát sóng. Vậy mà, bọn tiêm kích đã bay vòng tròn định vị cho bom lade[6], cho bọn mang bom chỉ 15 phút nữa sẽ bay đến mục tiêu… Hoá ra, bọn Mỹ đã định vị khá chính xác lúc rađa của tên lửa phát sóng đêm qua.
Chúng tôi cho biên đội của Nghĩa bay ra phía đông thị xã Phủ Lý, tạo thành một đường vòng khá xa để tránh bọn tiêm kích ở khu vực Lương Sơn – cầu Giẽ và thọc ngang sườn bọn mang bom… cú thọc sườn ngoạn mục làm cho bọn cường kích phải vứt hết bom ngoài mục tiêu. Cũng chính cú thọc sườn hiệu quả này làm cho biên đội lọt thỏm vào vòng xoáy của bọn tiêm kích… Không còn sự lựa chọn, Nghĩa và Kiền phải đánh nhau với bọn tiêm kích Mỹ. Bọn chúng đông như kiến cỏ, các anh phải cơ động liên tục, máy bay liên tiếp bị tên lửa Mỹ bắn, nổ gần, chấn động. Mặt Nghĩa nóng ran, người bắt đầu có triệu trứng của mệt mỏi, đôi chỗ của phần mềm không có quần áo kháng đã phù lên do liên tục chịu áp lực đè lên người khi kéo mạnh máy bay. Bọn Mỹ đã chủ động bắt Mig -21 phải sa vào quần nhau với chúng, buộc chúng ta bị động né tránh tên lửa, đến một lúc nào đó sẽ lỏng tay lái là bị bắn rơi ngay lập tức. Nghĩa đã thấm mệt, Kiền vẫn ở bên anh. Anh quan sát và chọn thời cơ nhưng cả Mig-21 và bọn F4 đều đang ở thế giằng co, anh ở bên này vòng tròn, còn ở phía trước, phía sau và bên kia vòng trong là bọn Mỹ. Những cái đầu trắng bên trong chiếc F4 cựa quậy, anh phán đoán bọn chúng cũng chọn thời cơ hoặc cố đưa anh và Kiền vào thế để bọn ở bên ngoài tấn công ngang sườn bằng tên lửa có điều khiển. Nếu như vậy, trước sau gì cũng bị bắn rơi. Anh quyết định chọn kỹ thuật không chiến mà anh đã rèn luyện thành thạo. Nghĩa giả vờ rơi tay lái, anh biết ở phía sau sẽ phóng tên lửa, như vậy bọn Mỹ ở đối diện với anh sẽ phải chuyển trạng thái để tránh tên lửa của chúng bắn trúng. Quả nhiên, anh vừa kéo gấp, bốn quả tên lửa vụt qua trên đầu, Nghĩa phát hiện bên trái bốn chiếc F4 đang ở thế chuẩn bị ổn định, anh sửa đầu máy bay, đón một góc và tung ra một quả tên lửa rất kịp thời, chiếc máy bay Mỹ định cơ động nhưng quả tên lửa của anh đã chui vào động cơ và nó bùng cháy như một bó đuốc khổng lồ. Kiền mừng quá reo lên “Hoan hô 42”, “hoan hô”,… và đó cũng là thời cơ, hai chiếc Mig-21 kéo vút lên cao thoát ra được khỏi khu vực chiến đấu bay về….
Chúng tôi vui mừng về chiến thắng ngoạn mục của một trận không chiến rất ác liệt và vui hơn khi biên đội đã thoát ra khỏi thế bao vây và bay về nguyên vẹn… Nhưng ngay sau đó trên mặt hiện sóng, chúng tôi liên tục nhận được tín hiệu báo về, bọn Mỹ không chạy, không rút lui như những trận không chiến trước đó mà hình như tất cả những chiếc F4 còn lại, rẽ về các hướng của sân bay ta. Điều khác thường này được Tư lệnh không quân dự kiến, anh ra lệnh cho sĩ quan tác chiến yêu cầu pháo cao xạ chi viện cho biên đội hạ cánh… Bây giờ, trên tai tôi, có tiếng nói của Kiền xin hạ cánh nhỏ dần. Ngay sau đó, sân bay Gia Lâm báo cáo một chiếc Mig-21 đã hạ cánh an toàn.
Sở chỉ huy không quân vốn náo nhiệt, lúc này dường như im lặng đến tuyệt đối, chỉ còn tiếng thông thoại của đài chỉ huy sân bay Nội Bài và Nghĩa. Tôi nghe tiếng của Nghĩa: “Không thể hạ cánh ở sân bay Gia Lâm vì đường băng vừa bị đánh bom, khói bom che kín cả đường băng”. Rất rõ ràng, bọn Mỹ bịt đường về của biên đội. Tôi nghe tiếng của đài chỉ huy sân bay Nội Bài: “Địch vừa đánh đường băng ở đầu đông”, rồi giọng nói ấy lại vang lên “Anh chuẩn bị nhảy dù”. Nghĩa nài nỉ “cho tôi hạ cánh, tôi có thể hạ cánh ở đường lăn, đường lăn còn lại ở đầu tây, tôi hạ cánh được”. Tiếng đài chỉ huy: “Chỉ có 1000 mét, hạ cánh không an toàn, chuẩn bị nhảy dù”. Tiếng của Nghĩa: “42 xin phép hạ cánh, tôi hạ cánh được…”. Liền sau đó, chúng tôi nghe một giọng hốt hoảng: “42 thả dù đuôi, thắng gấp…, địch,….”. Chúng tôi chưa biết chuyện gì xảy ra, tác chiến sân bay báo cáo cho Sở chỉ huy không quân: “bọn Mỹ lao theo bắn súng vào chiếc máy bay của Nghĩa”. Tôi thấy sĩ quan tác chiến một tay cầm điện thoại, một tay cầm bút ghi chép liên tục, vẻ căng thẳng anh lại báo cáo “Nghĩa hạ cánh an toàn, đang lăn vào nhưng bọn F4 vẫn bắn theo dữ dội… Nhưng trưa trúng… chưa trúng máy bay ta”. Sĩ quan tác chiến nói với sở chỉ huy trung đoàn: yêu cầu cao xạ bắn chi viện, và được trả lời “cao xạ bắn rất mạnh nhưng bọn Mỹ cay cú lao theo bắn chiếc máy bay của Nghĩa đang lăn vào ụ”. Một lúc sau tiếng thở hắt ra của sĩ quan tác chiến “xong rồi”. Chúng tôi hỏi lại: “cái gì xong rồi?”. “Chúng nó chạy rồi, Nghĩa đã vào ụ an toàn”…
Chúng tôi như cùng thở ra. Một trận đánh kỳ lạ, một cuộc hạ cánh kỳ lạ, một cuộc trả thù của bọn Mỹ cũng rất kỳ lạ… Có lẽ đến nay, nhiều người chưa biết đến trận không chiến này, người ta chỉ biết biên đội Nghĩa – Kiền của Không quân nhân dân Việt Nam đã bắn rơi một chiếc F4 đầu tiên trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, trên bầu trời Hà Nội…
Ngày 3 tháng 9 năm 1973, Nguyễn Văn Nghĩa được Đảng và Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
*
Chuyện chiến đấu của anh hùng Nguyễn Văn Nghĩa, nếu kết thúc ở đây cũng được, vì đó là kết quả cho danh hiệu Anh hùng của anh. Nhưng thật là thiếu sót nếu không kể về hành động anh hùng của anh sau này…
Cuộc diễu binh vĩ đại mừng ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng ngày 15 tháng 5 năm 1975 tại Sài gòn, có Bác Tôn và các đồng chí lãnh đạo, trên lễ đài bằng gỗ trước dinh Thống Nhất… Cùng đoàn quân trùng điệp diễu qua lễ đài, lần đầu tiên người dân thành phố được nhìn thấy ba biên đội Mig-21 bay dọc đại lộ Công Lý, ào ào lướt qua, người dẫn đầu là anh hùng Nguyễn Văn Nghĩa. Tiếng người thuyết minh “Đây là những phi công đã từng quật ngã thần sấm, con ma, pháo đài bay B52 của Mỹ, làm nên chiến công lẫy lừng trên bầu trời Hà Nội trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không…”. Tôi được phân công bố trí một trạm chỉ huy duyệt binh trên nóc bộ ngoại giao nguỵ (nay là Sở Ngoại vụ thành phố), lòng rộn lên niềm vui. Tôi nhớ cách đó 10 ngày, đã diễn ra một cuộc chuyển quân trên không dài nhất trong lịch sử không quân…
Hôm đó, từ sân bay Kép, một phi đội 12 chiếc Mig-21 loại F96 hạ cánh xuống sân bay Nội Bài để lắp ba thùng dầu phụ ở dưới bụng và hai bên cánh và một máy bay Mig-21 hai chỗ ngồi để bay kèm. Vậy là 13 chiếc bay liền một mạch, hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng lấy dầu thêm cho đầy rồi ven theo bờ biển vào hạ cánh ở sân bay Biên Hoà, một đội hình dài tới trên 2 kilômét, do Nghĩa dẫn đầu, anh điều khiển chiếc Mig-21 mang số hiệu 5033. Mỗi biên đội hai chiếc, lần đầu tiên họ bay suốt dải đất miền Trung mà một thời bọn Mỹ khống chế, làm chủ bầu trời. Họ bay thật cao, thả sức nhìn trời đất bao la của Tổ quốc Việt Nam, mà trong cuộc đời người lính bay, ít có ai được dịp thưởng ngoạn, một cuộc hành quân dài trên ngàn cây số mà không có bất kỳ một phương tiện nào định chuẩn cho một cuộc bay xa như vậy. Tôi biết, dòng thác chiến thắng của Quân giải phóng, nỗi nhớ miền Nam, nỗi nhớ mẹ của Nguyễn Văn Nghĩa đã hối thúc anh cùng với trung đoàn không quân tiêm kích đầu tiên đã có mặt ở thành phố để tham gia cuộc diễu binh vĩ đại và trụ chân bảo vệ sự yên bình của thành phố thân yêu này.
Một tháng sau, ngày 20 tháng 6 năm 1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi đến thăm Trung đoàn 935 ở sân bay Biên Hoà chỉ thị “phải làm chủ máy bay F5 của Mỹ, chiến trường của các đồng chí tới đây là ở phía Tây Nam”. Quả thật chúng tôi chỉ nghe vậy, không hiểu. Nhưng bằng tinh thần trách nhiệm người lính, Nguyễn Văn Nghĩa đã xắn tay cùng với tập thể, anh đã thành công trong việc nắm vững lý thuyết máy bay F5. Nhưng bay? Quy định của hàng không muốn bay một loại máy bay mới, phải có giáo viên bay kèm. Ai làm giáo viên? Phẩm chất người anh hùng đã chắp cánh cho anh.
Ngày 28 tháng 7 năm 1975, sau khi nắm chắc lý thuyết, anh bắt đầu leo lên máy bay. Chiếc F5 nhỏ nhắn, đôi càng sau và bánh trước mong manh khác hẳn với những chiếc càng của chiếc Mig-21… Nhìn những chiếc Mig-21 đang đậu ở sân bay Biên Hoà, nó đã từng cất cánh trên những đường băng bị đánh bom, vá víu, lồi lõm. Nếu không là chiếc Mig-21 thì trong những năm tháng chiến tranh chúng ta khó lòng mà cất cánh và hạ cánh ở những sân bay dã chiến, sân bay bằng đất. Lòng tôi chộn rộn khôn tả, nhìn chiếc càng, bánh xe của chiếc F5, tôi càng thương cho chiếc Mig-21 dặm trường, từng trải, xông pha, ăn chắc, mặc bền…
Tôi đứng bên chiếc máy thổi, người Mỹ đặt tên cho nó là MD-3, thực ra đó là chiếc xe điện. Nhưng với Mig-21 là một chiếc xe điện có công suất rất cao, chỉ cần ấn công tắc, động cơ Mig-21 nổ dễ dàng. Chiếc F-5 của người Mỹ chế tạo cũng là chiếc xe điện. Nhưng có một bộ phận tạo luồng khí thổi mạnh làm xoay những chiếc tuốc bin và chỉ cần một điện áp nhỏ… Tôi thấy hồi hộp, nhìn người leo lên chiếc máy bay, mặc bộ quần áo kháng áp của Không quân nhân dân Việt Nam. Nhưng, trên đầu anh đội chiếc mũ bay có hệ thống nghe liên lạc do Mỹ chế tạo. Nghĩa vốn thận trọng và trầm tĩnh, anh thực hiện gần 60 động tác khác nhau, nét mặt thật dễ thương của Nghĩa vừa ngẩng lên, máy bay nổ giòn. Tôi thấy đôi mắt anh giãn ra, hài lòng… Phương án luyện tập cất cánh đã được thông qua, Nghĩa phải tập lăn, dọc theo đường lăn rồi lăn về, lăn ra đường băng, tăng tốc độ tối đa chạy lấy đà, đến tốc độ rời đất bánh xe đã lướt nhẹ nhàng trên đường băng, máy bay chuẩn bị rời khỏi đường băng thì lập tức thu cửa cầu, thắng máy bay từ từ để giảm dần tốc độ rồi lăn về, làm nhiều lần thật thuần thục rồi…. Nghĩa được phép cất cánh… Đó là thời điểm tôi nhớ mãi… Trời không mây, đường băng bị mặt trời chiếu đã đốt nóng mọi vật ở xung quanh. Không khí hừng hực, tôi chọn cho mình một chỗ đứng trên đài chỉ huy. Chiếc máy bay F5, sơn loang lổ màu ghi pha lẫn màu nâu đang trong khu vực tập kết, tiếng máy nổ rất to. Tôi bước ra phía cửa trên đài chỉ huy. Tiếng thông thoại từ đài chỉ huy của sân bay và của Nghĩa, tôi nghe rất rõ:
– 42 xin phép lăn ra.
Đài chỉ huy cho phép:
– Lăn ra, 42.
Chiếc F5 đầu nhọn, giống như con cào cào lửa, từ từ lăn ra, hai bên cỏ non vừa mọc xanh rờn. Mọi người ở khu để máy bay và tuyến trực ban tại sân bay nhốn nháo, nhiều xe cứu hoả, xe cấp cứu, thường trực tại tuyến trực ban nổ máy sẵn sàng. Rõ ràng đây là một cuộc bay thử, chẳng khác gì bay thí nghiệm ở các nước có nền công nghiệp hàng không trước khi cho ra lò hàng loạt máy bay… mà nghề bay thí nghiệm thì nguy hiểm và rủi ro là điều khó tránh. Ở Mỹ, ở Pháp, ở Nga, những phi công ưu tú nhất đã chết trong khi bay thí nghiệm vẫn thường xảy ra… Nghĩa đã lăn ra đến đầu đông sân bay, chiếc F5 đã đậu chính xác ngay lằn vạch dòng đường băng, tôi nghe tiếng Nghĩa.
– 42 xin phép cất cánh.
Đài chỉ huy trả lời ngay:
– Kiểm tra khóa bánh mũi, chuẩn bị tốt cất cánh.
– Nghe rõ.
Tôi bước hẳn ra ngoài đài chỉ huy. Dù lớp kính trong suốt, tôi muốn nhìn thật rõ. Chiếc F5 đã mở hết ga, làn lửa đỏ ở phía sau đuôi như cái lưỡi liếm mép đường băng, chiếc máy bay vẫn đứng yên. Tôi biết Nghĩa đang đè thắng buộc máy bay không chạy, để cho đủ vòng quay:
– 42 cất cánh.
Nghĩa báo cáo sau khi kiểm tra và nhả thắng. Tôi có cảm giác đầu chiếc F5 gục xuống một chút, nó chồm lên lao vút trên đường băng, rồi vọt lên không trung. Ôi! Thật là tuyệt vời, chiếc F5 bay vun vút, nó bay qua đầu chúng tôi. Tiếng Nghĩa trẻ trung:
– Máy bay điều khiển rất tốt, nhẹ nhàng, hệ thống đồng hồ hoạt động bình thường.
Rồi anh hạ cánh, chiếc F5 ngoan ngoãn theo sự điều khiển của anh… Những ngày sau, Nghĩa như một thiên thần của bầu trời, chiếc F5 chiến lợi phẩm của Mỹ đã trở thành quen thuộc, tất cả những dòng chữ tiếng Anh trên bảng đồng hồ anh đã thuộc, và những bài bay chiến đấu cuối cùng trên chiếc máy bay của Mỹ đã kết thúc. Nghĩa vừa là trung đoàn trưởng, vừa là giáo viên bay cho tất cả phi công chiến đầu từ Mig-21, A37 chuyển sang. Chỉ trong một năm, trung đoàn mang trên 935, vũ khí là gần trăm chiếc F5 với vô số bom, đạn. Trung đoàn của anh đã trở thành đơn vị tiêm kích – bom đầu tiên của không quân ta…. Nó vừa ra đời đã lao vào cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, tấn công các căn cứ của bọn Pôn Pốt, góp phần giải phóng Campuchia. Điều tôi muốn nói là ngày 6 tháng 1 năm 1979, 10 giờ, một phi đội F5 tấn công sân bay Pôchengtông làm cho tất cả máy bay của bọn Pôn Pốt bị khoá chân. Buổi chiều, ngày 7 tháng 1 năm 1979, chúng tôi đã có mặt ở căn cứ không quân lớn nhất của bọn diệt chủng. Chúng tôi sung sướng đến bàng hoàng khi biết bọn Pôn Pốt có khá nhiều máy bay oanh tạc IL-28 đã lắp đầy bom nằm kẹt trên sân bay trước đòn tấn công của trung đoàn. Trên bản đồ giao nhiệm vụ ném bom bằng phấn màu của địch, tôi đọc được một đường bay được kẻ từ Pôchentông, lấy điểm kiểm tra là thị xã Svayriêng, vòng trái và đích của nó là thành phố Hồ Chí Minh… Ôi, nếu chúng ta không kịp thời khoá chân địch bằng trận tập kích đó, nếu những chiếc máy bay kia ném những quả bom xuống thành phố của chúng ta thì… và trung đoàn của anh trở thành trung đoàn anh hùng trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Nam…
Tôi đến thăm anh ở trường. Phòng hiệu trưởng tràn ngập ánh sáng, bên ngoài nhộn nhịp học sinh. Thú thật, tôi cũng không ngờ, từ một phi công chiến đấu anh lại trở thành hiệu trưởng một trường hàng không duy nhất của Việt Nam đào tạo đủ tất cả những ngành nghề cho bay, phục vụ bay làm chủ bầu trời.
Hàng ngày tôi vẫn đi làm qua đây, ngôi nhà số 104 Nguyễn Văn Trỗi. Vậy mà, sau 23 năm tôi mới có dịp vào thăm lại. Hồi đó, ngày 30 tháng 4 năm 1975, trên đường từ Dinh Độc Lập, chúng tôi vào sân bay Tân Sơn Nhất, thấy bảng hiệu “Nha Hàng không dân sự Sài Gòn”. Tôi cho xe vào, khu trường chỉ có vài người “coi nhà”, còn lại là cảnh hoang tàn. Bọn hôi của được dịp lục soát, lấy sạch những gì có giá, giấy tờ bay ngổn ngang. Chúng tôi đi khắp tất cả các dãy nhà, trừ những thứ quá nặng và bàn ghế, không có thứ gì còn nguyên vẹn. Ngôi nhà nhếch nhác, tiêu điều. Sau giải phóng, ngôi trường này làm đủ thứ nghề chẳng dính gì đến nhiệm vụ của nó, họ đào ao thả cá, chăn nuôi bò, heo, làm mắm, làm muối… đảm bảo cuộc sống, để họ đứng vững trong thời kỳ khốc liệt của nghèo, đói.
Bây giờ, trường Hàng không Việt Nam khang trang, nhộn nhịp, tôi như đi lạc và bước chân của tôi bước những bước thật lạ. Khó mà tưởng tượng nổi “ngôi nhà” này lại chứa trong đó tất cả những nhân tố cho bước phát triển của Hàng không Việt Nam. Họ là những chàng trai, cô gái đẹp như mơ. Họ hăm hở, họ miệt mài, họ lao vào làm chủ bầu trời, làm giàu cho Tổ quốc. Ít có ai nghĩ rằng, ngay bây giờ và tương lai, nơi đây là cái nôi, là nơi đào tạo tất cả những ngành nghề, từ đào tạo ngoại ngữ, các lĩnh vực phục vụ cho bay như khí tượng, thông tin kỹ thuật máy bay, thợ máy, chỉ huy điều hành bay, cho đến dịch vụ vận chuyển thương mại và chúng ta biết bề nổi của bay đó là những tà áo hồng của tiếp viên hàng không, những người đeo trên vai nhiều vạch vàng, họ là những phi công, những bác tài ở trên không…
Từ 1991, tại đây đã đào tạo gần 400 kiểm soát viên không lưu, 2.000 nhân viên vận chuyển thương mại, gần 1.400 nhân viên thuộc các ngành phục vụ bay, hơn 50.000 học viên ngoại ngữ với các chứng chỉ A, B, C. Cũng tại đây đã đào tạo cho hai nước bạn Lào và Campuchia 200 học viên, thuộc các ngành vận chuyển thương mại, tiếp viên và kiểm soát không lưu.
Nhiều học viên qua cái nôi này đã trở thành những cán bộ chủ chốt như giám đốc sân bay, giám đốc trung tâm điều hành bay, cán bộ cho tất cả các ngành thuộc Hàng không dân dụng Việt Nam.
Trường Hàng không dân dụng Việt Nam có mối quan hệ hợp tác quốc tế với trung tâm huấn luyện SEFA, công ty cung ứng dịch vụ SOFREAVIA SERVICE thuộc Tổng cục Hàng không dân dụng Pháp, với JAL của Nhật Bản, của New Zealand, Canađa, Thuỷ Điển, Ốxtrâylia… tiếp cận với khoa học hàng không, cọ xát với trình độ tiên tiến của các quốc gia có ngành hàng không phát triển. Nhờ đó, việc dạy và học của trung tâm huấn luyện hàng không Việt Nam thật sự là niềm mơ ước của bao thế hệ trước đó.
Tôi được biết, Nguyễn Văn Nghĩa cùng với tập thể đang đầu tư công sức, trí tuệ để đến năm 2000 nâng cấp về chất lượng, bổ sung đủ về số lượng để nâng cấp độ đào tạo khoá cơ bản cho những phi công và thợ máy lên cao đẳng hoặc đại học hàng không. Đến giữa năm 2000, trường Hàng không dân dụng Việt Nam sẽ có lực lượng giáo viên các loại, kể cả giáo viên bay đào tạo phi công đủ trình độ theo tiêu chuẩn mà tổ chức hàng không dân dụng quốc tế quy định.
Điều mà có lẽ tôi và các đồng đội của tôi mơ ước đến cháy bỏng thời chiến tranh, chính là thiết bị thực hành và thực nghiệm hiện đại. Ở đây sẽ có những thiết bị giả định y như buồng lái máy bay. Những cuộc cất cánh, hạ cánh bay trong phòng thực nghiệm, những tình huống để phi công xử lý y như thật ở không gian sẽ có tại trường này, và… sẽ có một cơ sở hạ tầng, có sân bay riêng để huấn luyện phi công và thợ máy.
Nguyễn Văn Nghĩa, người anh hùng trên bầu trời năm nào, vẻ suy tư rất dễ thương, anh tâm sự: “Xu thế cạnh tranh của hàng không quốc tế sẽ diễn ra ngày càng gay gắt. Chúng tôi hiểu rằng, yếu tố để Hàng không dân dụng Việt Nam đủ sức cạnh tranh với hàng không các nước trên thế giới chính là con người.
Trường Hàng không Việt Nam phấn đấu để sản sinh ra những phi công, những cán bộ quản lý, cán bộ khai thác và những nhân viên phục vụ không những giỏi về nghiệp vụ mà còn phải có bản lĩnh, tác phong và phương pháp làm việc của ngành Hàng không Việt Nam văn minh, mang bản sắc dân tộc độc đáo của dân tộc Việt Nam”.
Tôi tin, anh sẽ thực hiện được ước mơ đó, cũng như những năm tháng đọ cánh với phi công Mỹ trên bầu trời. Ý chí chiến đấu của anh đã làm đảo lộn thế trận, buộc những cánh bay già đời của Mỹ phải ngã gục. Tôi tin, với đôi cánh mới, với tư duy sáng tạo, nhạy bén của một hiệu trưởng ở một trường hàng không, anh sẽ cùng với tập thể ở đó, thực sự góp phần chắp cánh cho Hàng không Việt Nam – một ngành kinh tế mũi nhọn bay vào thế kỷ XXI.
[1] Nguyễn Đức Soát – Trung tướng Tư lệnh không quân, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân
[2] Ngô Duy Thư – Liệt sĩ
[3] Nguyễn Tiến Sâm – đại tá – Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân – Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam
[4] Bộ phận tạo gia tốc phụ có hai nấc: nhỏ và lớn.
tốc độ xấp xỉ vượt âm thanh.
[5] Đường lăn nhìn từ 1.000 mét nhỏ như sợi chỉ
[6] Bom lade được điều khiển rất chính xác băng chùm tia lade do một chiếc máy bay khác chiếu thẳng xuống mục tiêu, chiếc máy bay ném bom chỉ ngắm mục tiêu và cắt bom, bom sẽ theo chùm tia lade bay đến mục tiêu.