Tiếng gõ cửa đem – Truyện cho thiếu nhi của Nguyễn Thị Mây

A Lành thở phào nhẹ nhõm. Nỗi bực bội tan biến. Cô đã quen rồi. Trong số những người đàn ông thích ăn khuya , có người sỗ sàng như thế. Họ bỏ ra ít tiền nhưng muốn được nhiều thứ cùng lúc..

A Lành thở phào nhẹ nhõm. Nỗi bực bội tan biến. Cô đã quen rồi. Trong số những người đàn ông thích ăn khuya , có người sỗ sàng như thế. Họ bỏ ra ít tiền nhưng muốn được nhiều thứ cùng lúc

Phố khuya vắng ngắt. Mưa tí tách gõ vào lòng đêm những giọt buồn thê thiết. Mặt đường loang loáng nước, ướt át, in bóng chùm đèn hoa dọc lối đi. Những vệt sáng choi chói màu mặt trời chiều. Thảng hoặc, một chiếc xe máy lướt qua, buông rơi tiếng nổ phì phạch, nặng nhọc, kéo dài sau đuôi.

A Lành dừng lại, lấy chiếc ghế xếp căng ra và ngồi lên. Cô rút hai thanh gỗ nhỏ, nhẵn bóng và bắt đầu nhịp:”Cắc cắc cụp, cắc cắc cụp…” Trong sự yên tĩnh của đêm, âm thanh trầm bổng ấy rõ mồn một, xoáy vào không gian. A Lành đảo mắt một vòng . Những cánh cửa vẫn đóng im ỉm, lạnh lùng. Bếp lửa hừng hực đỏ. Nồi súp sôi lục bục. Khói ấm lan tỏa, phả mùi thơm vào má A Lành. Hai thanh gỗ nhún nhẩy, thảng thốt tiếng gọi mời “cắc cắc cụp, cắc cắc cụp….”quen thuộc và đơn điệu!

Từ dãy phố cổ, một cánh cửa chợt rên lên, xịch mở. Một bóng trắng lách ra đi về hướng xe phở. A Lành mừng rỡ, đứng bật dậy, hai tay luýnh quýnh gõ hối hả hai thanh gỗ vào nhau như thúc giục. Gã đàn ông nhe răng cười. Hàng ria mép dồn sát mũi thành một vạch đen xì. Hai mắt him híp nheo nheo, giễu cợt, khó ưa. A Lành gắng gượng cười, hỏi:” Ăn phở gì, hia?” Cười cười,  hắn nhìn chằm chằm vào khuôn mặt bừng đỏ của cô:” Có gì ăn nấy”. ”Phở tái nghen!” , “Ừ!” A Lành đẩy cái ghế xếp  về phía gã đàn ông:” Ngồi đi, chờ một chút!” Không chần chừ, gã ngồi xuống sát bên cô. Bàn tay phải đưa ra định vỗ vào mông cô gái. Nhưng A Lành đã kịp né tránh. Cô chụp vội cán  xe, xoay nhẹ. Lập tức chiếc xe phở  quay đầu về phía khách. Gã đàn ông bật cười khùng khục. Đứng lên, đi vòng qua chỗ A Lành, gã nhăn nhăn nhó nhó:”Sợ hả? “. A Lành trừng mắt:”Còn lâu!” Rồi cô bầm mạnh cây dao xuống thớt. Mấy tép hành đứt lìa, đều tăm tắp. Trái ớt cũng bị xén thành những khoanh hình  thuẩn, mỏng dính bốc mùi cay nồng. Lành hất chúng lên lưỡi dao, trút lên tô phở rồi quay lại chỗ chiếc ghế xếp.

A Lành thở phào nhẹ nhõm. Nỗi bực bội tan biến. Cô đã quen rồi. Trong số những người đàn ông thích ăn khuya , có người sỗ sàng như thế. Họ bỏ ra ít tiền nhưng muốn được nhiều thứ cùng lúc . Khi má cô ngã bệnh và ngày càng nặng dần, bà không thể tiếp tục đội sương, dầm gió được nữa. A Lành phải thay thế.

Mấy ngày đầu, A Lành nơm nớp lo sợ. Một mình cô giữa phố khuya, sự vắng vẻ, yên tĩnh bao trùm những đe dọa bất trắc. Những vùng tối đáng sợ. Những  khoảng sáng nhức nhối tiếng cười cợt khiếm nhã, đồi bại. Tất cả như một cái bẫy giăng ra, chờ đợi A Lành sơ hở, sập bẫy. Cô không hiểu vì sao má cô chọn nghề nầy? Đêm đêm, khi mọi người quây quần trong căn phòng ấm cúng để xem ti vi hoặc cuộn người trong chăn ấm nệm êm thì má cô phải lê chân dọc hè phố. Chốc chốc, má dừng xe lại, gõ những tiếng cắc cắc cụp. cắc cắc cụp…thay cho tiếng gõ cửa mời khách. Những đêm trời trong, gió mát, má lại không thích bằng những đêm mưa dầm lạnh buốt. Thời điểm đó, má bán đắt hơn. Giá rét làm cho người ta chóng đói, thèm một bát phở nóng bốc khói. Những đêm như thế, má về nhà sớm hơn. Tay chân run lẩy bẩy nhưng ánh mắt má ngời lên những tia sáng ấm áp, tin yêu. Má líu ríu:”Lạy trời phù hộ cho con được như thế nầy mãi”. Bà tất tả nghiêng nồi súp, vớt những cụt xương bò ra đĩa , gọi lũ trẻ đến phân phát. Tiếng húp tủy sồn sột của bọn trẻ khiến má bật cười sung sướng. A Lành cũng cười nhưng lòng cứ bồi hồi, rất lạ. Cô quay mặt đi để giấu những giọt nước mắt chỉ chực trào xuống má.

Không như má, A Lành sợ những đêm mưa dai dẳng lúc đó. Cô chợt thấy đời héo hắt, lầm than hơn. Nhưng biết làm sao! Có lần má bảo :”Mình kiếm một chỗ bán trong chợ đâu có dễ. Làm gì có tiền mua sắm dù, lộng để che mưa, che nắng. Phải có bàn ghế cho khách ngồi. Rồi phải bán tranh với người ta. Bán phở đêm vậy mà đỡ phải cạnh tranh”.A Lành buột miệng :”Nhưng vất vả cực khổ bội phần”. Má liếc nhìn đàn em của cô, giọng trầm buồn:”Muốn kiếm tiền đâu phải dễ. Nhất là những đồng tiền lương thiện. Phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, con ơi!”

Thương má bao nhiêu, A Lành lại căm ghét tía bấy nhiêu. Người đàn ông  có một bầy con rơi. Tía cô là một tài công của một chiếc đò máy đưa rước khách. Cứ mỗi bến sông, nơi đò ghé lại tía quan hệ lăng nhăng với một người đàn bà. Tía gọi đó là “tình lẻ” . Mỗi mối tình lẻ cho ra đời một đứa con và lần lượt chúng được tía gom lại đem về giao cho “Mối tình lớn” nuôi nấng. Thằng A Chẩy, con A Muối, con A Duồn và bé Xung Xung, chúng tụ về làm con má. Tía lại theo đò trôi nổi trên sông, năm thì muời họa mới quay về. Ở nhà ăn ngủ dăm ba hôm rồi lại đi. Chưa bao giờ A Lành thấy tía đưa tiền cho má . Cũng không hề hỏi:”Đận nầy, má con mầy sống ra sao?” Ông thản nhiên ngủ đến trưa trời trưa trật mới dậy. Rửa mặt xong, ông diện quần áo bảnh tỏn mới ra phố. Đến tối mịt mới về nhà. Chẳng biết mắc mớ gì mà má vẫn lăng xăng, vui vẻ hỏi:” Hia đói chưa? Để tui làm cho tô phở nghen!” Má chọn cái tô to nhất rồi vội vội vàng vàng trụng giá , trụng bánh. Thoáng cái, một tô phở đầy ắp, bốc khói thơm lừng được đưa lên tận miệng tía.Chờ ông ăn xong, má đi lấy tăm xỉa răng, rót sẵn ly nước trà mang đến cho ông rồi bà mới chịu đẩy xe đi bán. Nếu chỉ như vậy cô cũng chưa tức bằng lâu lâu tía lại ẳm về nhà một đứa trẻ sơ sinh. Thoạt đầu, má khóc bù lu bù loa, kể lể suốt ngày. Được vài hôm, A Lành thấy má ru đứa nhỏ ngủ. Tất tả lo nấu cháo hay khuấy bột cho nó ăn. Bà tróc lưỡi làm trò cho đứa bé nhướng mắt nhìn. Mỉm cười và mắng yêu:”Tổ cha nó, lấy chồng bà còn bắt bà nuôi con. Chặc, chặc…thằng nhỏ cũng dễ thương quá ! A Lành bực tức, giẫy nẫy:”Đừng thèm nuôi, má! Chung quanh người ta ngạo mình mẹ gà, con vịt, nào là quà quạ nuôi tu hú”. Má thở dài:”Nhưng biết bỏ tụi nó cho ai đây? Dù sao, chúng cũng là con của tía con, em một cha với con”.

Mấy lúc gần đây, A Lành thấy má thường ho khan, dáng người gầy rạc  đi. Thỉnh thoảng, cô bắt gặp má gục mặt vào lòng bàn tay, đôi vai run lên theo tiếng nấc. Má về muộn hơn mọi khi . Chiếc xe phở nặng nhọc bò vào nhà. Nồi súp còn quá nửa. Những lát thịt bò thâm tím nằm xếp lớp, cong queo trên đĩa . Lũ em của cô ngủ say như chết. Chẳng có đứa nào chịu ngồi dậy ăn phở ế, dù má và A Lành có phát đùi đụi  vào mông chúng. Vậy mà sáng hôm sau chúng lại tranh nhau những miếng dưa mắm mặn đắng, hôi rình. Chúng thi nhau vét sồn sột  những hạt cơm dính ở đáy nồi. Cho đến một hôm, má bị sốt liên miên, không dậy nổi, cảnh nhà càng thêm túng quẩn. Lũ nhỏ thường phải chịu đói. Cái đói khiến chúng mơ tưởng đến chén cơm, mẩu bánh hơn là bài học ở trường. Bé Xung Xung lại bị sưng phổi. Bé thở khò khè như người ta kéo bể. Bé khóc như ri. Túng cùng, A Lành phải nghỉ học, đi bán phở  đêm thay má.

Đêm đầu, A Lành bỡ ngỡ, lúng túng trong thao tác. Chỉ làm có mấy bát phở mà trông cô thật khó khăn, mồ hôi nhễ nhại. Đã vậy, mấy bà khách khó tính còn khen chê đủ điều. Khách đàn ông dễ dãi hơn. Nhưng bọn họ  lại hay trêu chọc, bẹo má, nắm tay, vuốt tóc…Có kẽ sàm sỡ , thừa lúc cô đang múc phở, bọn họ vỗ vào mông cô. Đêm ấy, bán hết, cô đẩy xe về, vừa thấy cổng rào, A Lành đã òa lên khóc. Cảm thấy buồn tủi cho thân phận mình. A Lành muốn chết quách cho xong. Nhưng cô thương má lắm! Mới đi bán một buổi mà cảm thấy biết bao ê chề. So với má bao năm dài đăng đẳng lặn lội giữa trời đêm thì cô đâu có nghĩa lý gì. Lành cũng nghĩ thương lũ em khờ. Những đứa em khác mẹ nhưng chỉ có một mình má bảo dưỡng. Bây giờ , chúng trông đợi ở Lành. Cô tự an ủi. Kể từ nay, mình là chỗ dựa của cả nhà. Nếu phải hy sinh tương lai của mình cho gia đình thì cuộc sống cũng có ý nghĩa lắm rồi. Và, A Lành cảm thấy hạnh phúc vô cùng.

Đêm nay, trời trở lạnh bất ngờ. Mưa bay lất phất trên những dãy phố vắng. Có được một người khách ăn khuya dù hắn có bất nhã đôi chút cũng không làm A Lành thấy giận dỗi. Cô nhìn gã đàn ông  đang hì hụp húp cạn nước súp còn lại trong tô với ánh mắt thông cảm, thích thú. Ông khách vừa thè lưỡi liếm mép vừa xuýt xoa :”Tuyệt quá!” Trả tiền xong , gã không quên với tay vả nhẹ vào má cô gái:”Thôi, tui vô nhà nghen cưng!”. Lành lùi lại, xoa nhẹ gò má. Gã đàn ông bật cười, băng qua màng mưa mỏng, vào nhà. Lành lật đật đẩy xe đi. Một chốc lại dừng. Tiếng cắc cắc cụp lại vang lên đều đặn.

Trái với lệ thường, hôm nay trong nhà A Lành đèn điện sáng choang. Đêm đã khuya mà lũ trẻ vẫn còn thức. Chúng cười nói líu ríu, vui vẻ. A Lành đẩy xe nhanh hơn. Tới ngạch cửa cô ngạc nhiên reo lên:”Tía, tía mới về hả tía!” Nổi vui bị chặn đứng  bởi tiếng khóc tu oa của trẻ từ mớ chăn gối vang lên chỗ má nằm nghỉ. A Lành chạy đến bên giường. Má bỗng quay mặt vào vách. Có lẽ bà đang nuốt cay đắng vào lòng, giấu đôi mắt sũng nước. Lành lớn tiếng hỏi:”Tại sao lại thế nầy hả tía?”Tía cô thản nhiên đáp:” Ờ, em mầy đó. Mẹ nó không chịu nuôi, giao cho tao, tao đem về đây.” A Lành kêu lên:” Trời ơi! Má bệnh không tiền thang thuốc. Tía không giúp thì thôi, còn nỡ đem của nợ về giao cho má”. A Lành bật khóc. Chẳng biết bao giờ má mới được yên. Bất ngờ trước phản ứng của Lành, nhưng ông vẫn điềm tĩnh :”Má mầy không đẻ được, tao đem con về cho nhờ lúc về già , đòi gì nữa. Phải bỏ công mới được hưởng chứ. Đó, chưa gì bà ấy đã nhờ mầy rồi. Con nuôi như vậy thôi chứ. Còn muốn gì nữa”

Má Lành ngồi bật dậy, hốt hoảng nhìn Lành. Cô lặng đi giây lâu rồi chợt hiểu. Lành nao nao xúc động. Cô gọi :”Má, má của con!” Ngoài sân, gió đông bỗng ấm. Có phải mùa xuân về đâu đây?

N.T.M

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder