Nền văn học Việt Nam 1945 – 1975 là một nền văn học sử thi. Cảm hứng anh hùng ca (sử thi) xuất hiện trong hầu hết các sáng tác văn xuôi thuộc giai đoạn này. Nhưng có lẽ, tác phẩm thể hiện đầy đủ nhất và sinh động nhất tính chất sử thi của nền văn xuôi cách mạng là truyện ngắn “Rừng xà nu” của Nguyên Ngọc.
Nền văn học Việt Nam 1945 – 1975 là một nền văn học sử thi. Cảm hứng anh hùng ca (sử thi) xuất hiện trong hầu hết các sáng tác văn xuôi thuộc giai đoạn này. Nhưng có lẽ, tác phẩm thể hiện đầy đủ nhất và sinh động nhất tính chất sử thi của nền văn xuôi cách mạng là truyện ngắn “Rừng xà nu” của Nguyên Ngọc.
Trong bối cảnh năm 1965, Mỹ đổ quân vào Việt Nam, phần lớn các nhà văn đều hướng ngòi bút phản ánh sự kiện trọng đại này. Họ muốn tác phẩm của mình là một “hịch tướng sĩ” để cổ vũ chiến đấu. Lúc bấy giờ, ở Trung Trung Bộ, Nguyên Ngọc cũng hun đúc nên bản anh hùng ca cách mạng “Rừng xà nu”. Bối cảnh câu chuyện lùi về trước đó một chút, là thời điểm mang tính bước ngoặc trong việc lựa chọn giữa hai con đường “chết vinh hay sống nhục”. Dân làng Xôman ủng hộ cách mạng. Địch tàn sát dã man, treo cổ anh Xút, chặt đầu bà Nhan, dùng “trận mưa cây sắt” để giết Mai và đứa trẻ sơ sinh, đốt mười ngón tay Tnú… “Tức nước” ắt phải “vỡ bờ”, dưới sự lãnh đạo của “tù trưởng”, các dũng sĩ của dân tộc Strá cầm giáo mác lao vào chém giặc. “Tiếng chiêng nổi lên (…) Suốt đêm nghe cả rừng Xôman ào ào rung động. Và lửa cháy khắp rừng”. Thông qua nỗi đau ghê gớm của Tnú và dân làng Xôman, tác giả muốn khẳng định con đường tất yếu của họ là đến với cách mạng. Ngoài ra, cũng giống như chủ đề của nhiều sử thi khác, tác phẩm này có mục đích ôn lại truyền thống hào hùng, khẳng định, ngợi ca vẻ đẹp và lòng dũng cảm của những anh hùng đại diện cho lợi ích dân tộc và kêu gọi nhân dân sẵn sàng vùng lên đánh đuổi quân thù.
Nhân vật chính của sử thi là những anh hùng có phẩm chất cao cả hiện thân cho lợi ích cộng đồng. Tnú là người có đầy đủ những phẩm chất đẹp đẽ của dân làng và cách mạng. Đức tính nổi bật nhất là lòng dũng cảm, tham gia cách mạng từ nhỏ, bị bắt, vượt ngục, lại đến với cách mạng. Nhờ sự mưu trí và gan dạ mà anh hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Ngọn lửa bốc cháy trên mười đầu ngón tay Tnú là một bằng chứng thiết thực nhất về lòng trung kiên với cách mạng. Anh còn có tình yêu thương sâu sắc. Vì thương vợ con mà phải liều mình cứu vợ con, vì thương dân làng mà phải đi đánh giặc để dân làng được bình yên. Đi chiến đấu, “nỗi nhớ day dứt lòng anh” là “tiếng chày chuyên cần, rộn rã” của dân làng. Và cũng vì vậy, dân làng rất yêu mến anh, họ hết đỗi vui mừng khi anh về thăm làng. Có thể nói, Tnú là người anh hùng thuộc về quần chúng. Nói như Biêlinxki “Nhân vật của anh hùng ca phải là người đại diện xứng đáng của tinh thần dân tộc”.
Văn học cách mạng rất chú trọng đến vai trò của tập thể quần chúng. Trong “Rừng xà nu”, nói đến sự thành công của cách mạng là phải kể đến vai trò của dân làng, mà đứng đầu là cụ Mết. Tất cả họ đều “muôn người như một”, chung một lý tưởng, chung một căn nhà ưng, cùng tự hào về truyền thống vẻ vang của buôn làng. Cụ Mết là người hiện thân cho truyền thống bất khuất đó. Qua các hoạt động và lời ăn tiếng nói của họ, ta thấy phảng phất hình ảnh của thời Đam San, Xinh Nhã. Khi cộng đồng đã quyết làm chuyện gì thì không ai đứng ngoài. Nguyên Ngọc đã rất tài tình khi thể hiện được bản sắc riêng độc đáo của đồng bào dân tộc miền núi. Ông không chỉ chú ý đến cái chung mà còn khắc họa được cả nét riêng sinh động của một cộng đồng hoặc cá nhân. Cụ Mết có những nét khác người. Thân hình quắc thước, râu dài tới ngực, mắt sáng xếch ngược, vết sẹo bên má láng bóng, bàn tay nặng trịch như cái kìm sắt. Giọng nói cũng “ồ ồ”, “vang vang”, và chỉ nói “được” những lúc cho là tốt nhất. Tnú có một số phận cũng chẳng giống ai trong buôn làng. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, vợ con chết, bị cụt mười đầu ngón tay. Tác giả còn miêu tả cả nhược điểm của anh: học chữ thua kém Mai, vì cố nhét chữ vào đầu không vô nên đã nổi nóng đập bể bảng nứa và “đòi đánh Mai”. Rồi “nó cầm một hòn đá, tự đập vào đầu, chảy máu ròng ròng”. Đưa ra chi tiết gân guốc này, tác giả muốn cho nhân vật có sức thuyết phục bạn đọc.
Ngôn ngữ của “Rừng xà nu” cũng mang đậm tính sử thi. Đó là giọng điệu ngợi ca, thành kính trước vẻ đẹp của những anh hùng (Tnú, cụ Mết…). Tác giả dùng những lời trang trọng nhất để nói về họ. Với mục đích kêu gọi chiến đấu, ngôn ngữ của người kể chuyện mang âm hưởng sôi nổi hào hùng: “Thế nào bắt đầu rồi. Đốt lửa lên! Tất cả người già, người trẻ, người đàn ông, người đàn bà, mỗi người phải tìm lấy một cây dáo, một cây mác, một cây dụ, một cây rựa. Ai không có thì vót chông, năm trăm cây chông. Đốt lửa lên!”. Lời kêu gọi của cụ Mết thể hiện rất rõ lối điệp từ ngữ quen thuộc của sử thi. Vì ngày xưa, sử thi tồn tại ở dạng nói, nên người kể phải thường xuyên lặp lại những chi tiết quan trọng để khắc sâu vào tâm trí người nghe. “Rừng xà nu” thể hiện rất rõ âm hưởng trùng điệp, hùng tráng của sử thi. Tác giả lặp lại ít nhất 20 lần hình tượng cây xà nu dưới nhiều góc độ khác nhau. Điều đó cho thấy tác giả đặt niềm tin vào sự lớn mạnh, đông đảo của cách mạng. Mỗi chiến sĩ là một cây xà nu trong khu rừng bạt ngàn đó. Cây xà nu tượng trưng cho sức sống bền bỉ quật khởi của dân làng Xôman. Cây cũng như con người, biết thể hiện khí thế tiến công ngay từ lúc còn nhỏ “Có những cây con mới nhú khỏi mặt đất đã nhọn hoắt như mũi lê”. Cây cũng biết bảo vệ con người: “Rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra che chở cho làng”. Nếu tác giả sử thi “Đăm San” tin rằng cây Smuk là cây thần thì các nhà sử thi cách mạng dùng yếu tố kỳ ảo chỉ là để thể hiện ý tưởng “Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây”.
Có thể nói, “Rừng xà nu” là một thành tựu xuất sắc của văn xuôi Việt Nam hiện đại. Cùng với tiểu thuyết “Đất nước đứng lên”, nó đã khái quát được hiện thực đau khổ nhưng vĩ đại của dân tộc. Nguyên Ngọc đã thành công trong việc chạm khắc tượng đài kỳ vĩ của các anh hùng: Núp (chống Pháp), Tnú (chống Mỹ)… “Có thể coi đây là những bản anh hùng ca mang đậm tính sử thi và cảm hứng lãng mạn về cuộc chiến đấu của nhân dân Tây Nguyên, nói rộng ra là về hai cuộc chiến tranh nhân dân kỳ diệu của dân tộc ta”.
P.T.N.H
Nguồn: tạp chí Văn