Đêm nay ngủ lại quê nhà, nằm thao thức nghe tiếng gà gáy trong đêm vọng lại. Canh một, canh hai, rồi canh ba… nước mắt ướt đầm mặt gối. Bao nỗi buồn vui, cay đắng của cuộc đời hiện ra như một cuốn phim quay chậm, thấm thoát trôi nhanh như một giấc mộng…
VHP trân trọng giới thiệu Bút kí “Tìm về dĩ vãng” của nhà thơ Nguyễn Thị Thuý Ngoan.
Đêm nay ngủ lại quê nhà, nằm thao thức nghe tiếng gà gáy trong đêm vọng lại. Canh một, canh hai, rồi canh ba… nước mắt ướt đầm mặt gối. Bao nỗi buồn vui, cay đắng của cuộc đời hiện ra như một cuốn phim quay chậm, thấm thoát trôi nhanh như một giấc mộng…
VHP trân trọng giới thiệu Bút kí “Tìm về dĩ vãng” của nhà thơ Nguyễn Thị Thuý Ngoan.
Ảnh minh hoạ (nguồn internet)
Vĩnh Bảo quê tôi, một huyện thuần nông, cách xa thành phố Hải Phòng chừng 40 km về phía Nam.
Làng tôi thanh bình, yên ả, nằm thiêm thiếp bên dòng sông Hóa hiền hòa và con đê xanh mướt bao bọc như vòng tay dịu dàng của mẹ, chở che suốt bốn mùa mưa nắng. Con sông thơ mộng chất chứa bao nỗi vui buồn. Tôi và bầu bạn cùng trang lứa, tuổi thơ tắm gội, ngụp lặn trong dòng sữa thiên nhiên ấy. Nó thấm đẫm màu nước phù sa đặc quánh, xanh mướt ước mơ ở một vùng quê ngào ngạt hương cau, hương bưởi, với cánh đồng lúa xanh bát ngát chạy dài suốt triền đê. Tôi như ngọn cỏ loi thoi nép bên sông mà lớn dần lên theo năm tháng.
Những chiều thả trâu ven đê, có lúc tư lự một mình nhìn sang bên kia sông là cánh đồng lúa Thái Bình chín vàng mênh mông như dải lụa, cò bay từng đàn, những đôi cánh mềm như bàn tay của bạn chăn trâu bên sông vẫy gọi.
Những ngày hè, cả bọn thả trâu trên đê, tất cả lội xuống sông; bọn con trai dạy con gái tập bơi, cứ bị chìm là túm chặt lấy nhau. Tôi tập mãi mà vẫn tha hồ uống nước. Cả bọn lặn ngụp trốn tìm, bắt được nhau túm thật chặt, cười sặc sụa, hét toáng cả khúc sông. Con trai, con gái ngày ấy sao mà hồn nhiên, ngây thơ đến thế!
Trên bầu trời cao xanh lồng lộng văng vẳng đêm ngày, lúc gần, lúc xa, tiếng sáo diều vi vu, vi vu tưởng như không bao giờ dứt. Đó là khúc nhạc của đồng quê, là tiếng vọng muôn đời của quê hương yêu dấu…
Cùng lứa tuổi mười một – mười hai, tôi là cô bé loắt choắt nhất. Đi chăn trâu đứa nào cũng mang theo cái giỏ bắt cua, tôi cũng lặn mò bì bõm mà bao giờ cũng được ít nhất; có lần xọc tay vào lỗ rắn, tôi hét toáng cả cánh đồng. Đội bạn cuống cuồng chạy đến tưởng bị cua càng cắp, chúng nó bảo không sợ, rắn nước cắn chỉ ngứa thôi. Tôi ngồi lên cái giỏ bẹp dí, tuột cả hom; lũ cua như tù nhân trốn trại cuống cuồng lao xuống ruộng, tất cả bổ vây bắt lại.
Trong bọn, thằng Thường là hay trêu bạn nhất, nhiều lúc tôi tức đến phát khóc. Có lần nó bị cua càng cắp ngang ngón tay đau quá, cũng hét toáng. Tôi được bữa “trả thù”, cười rũ rượi. Cái Thoa nhanh ý lấy bao diêm mang theo, nó xòe diêm đốt, con cua bị nóng quá, vội buông càng ra. Diêm mang theo để nhóm lửa nướng ngô trộm và nướng cua. Mùi cua nướng phảng phất theo tôi thơm mãi đến bây giờ…
Mặt trời đã ngả sang trưa, tất cả gọi nhau tập trung sốc lại cái giỏ xem được nhiều ít thế nào. Bao giờ tôi cũng được ít nhất. Thế là chúng nó lại cho thêm đủ nấu bữa canh, sợ về mẹ mắng. Mẹ bảo: Đi suốt cả buổi, lấm lem bùn đất thế kia, mà chỉ được vài con cua “chưa biết gọi mẹ”!
Những chiều nước rút, tất cả lội bì bõm trong đám cói cao ngập đầu người, đứng rón rén vẩy nhẹ cái cần câu, nhấc bổng lên những con cáy, con còng gọng đỏ thích mê li.
Vào cữ tháng tư, tháng năm, đồng chiêm trũng nước ngập bờ, thỉnh thoảng còn sót lại vài mô rạ nổi lềnh bềnh, gió đưa mặt nước gợn lăn tăn tràn bờ. Mấy con cò đói buồn bã bay từ lũy tre làng ra đồng kiếm ăn.
Tôi không thể nào quên được tiếng riết trâu vặt vào, vặt ra… của bố. Gần cuối buổi, con trâu đói hóp bụng, nó bước từng bước lảo đảo, và cái roi luôn quất vào đít. Ông chủ gần trưa cũng bước chậm chạp, mắt hoa đom đóm, vì mấy củ khoai luộc lót dạ ban sáng đã vơi.
Hoàng hôn buông xuống, nhà nhà đỏ lửa, cái mái bếp lợp rạ lâu ngày chịu đựng những mùa mưa nắng, cũ kĩ, nhấp nhô lồi lõm như làn sóng. Chiều chạng vạng dắt trâu về sân đình ngồi nghỉ, tôi tìm cái rễ cây gạo mọc cong, to bằng cột nhà, luồn dây thừng rồi buộc trâu vào, nhặt hoa gạo xâu thành chuỗi đeo vào cổ như đeo cườm.
Cây gạo làng không biết có tự bao giờ? Tuổi đời của nó có lẽ gấp mấy mươi lần tuổi chúng tôi. Cây to, mấy người vòng tay ôm không xuể. Các loài chim thường bay về làm tổ trên những cành cao, nhiều nhất là chim sáo, chim quạ. Những ngày mưa bão là bọn trẻ chúng tôi mang ống bơ ra nhặt lũ chim non rơi xuống.
Đêm mùa hè trải chiếu ra sân hóng gió, xem ông Thần Nông bên dòng sông Ngân. Tiếng võng kẽo kẹt nhịp đều với tiếng mẹ ru em. Mẹ ru bằng những câu ca dao buồn: “Gió đưa cây cải về trời/Rau răm ở lại một đời đắng cay” hay “ Con cò lặn lội bờ sông/Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non”… Rồi mẹ lại ru bằng những câu Kiều của cụ Nguyễn Du: “Đầu lòng hai ả Tố Nga / Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân” … “Đau đớn thay phận đàn bà / Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”…
Lời ru buồn da diết của mẹ cứ văng vẳng, ám ảnh, đeo đẳng mãi vào tâm khảm tôi… Ngẫm như nó vận vào cuộc đời như một định mệnh, báo trước cho số phận cay đắng của mình.
Thời gian cứ vùn vụt trôi đi, đã quá nửa đời người. Có lần về quê, tôi âm thầm lặng lẽ lên bờ đê ngồi, nhìn sang bên kia sông. Vẫn lũ trẻ bằng tuổi chúng tôi ngày xưa câu cáy, vẫn tiếng cười vô tư trong sáng. Bọn chúng cũng lấm láp cái nón rách, cái mũ nan lụp xụp, lẫn vào những bãi cói mọc ven sông, dập dềnh túm tụm như đám lục bình từ cơn lũ thượng nguồn đổ về. Rồi thủy triều dâng lên, những đám lục bình khổng lồ ấy lại bị sóng và gió xô đẩy đến “sẻ nghé tan đàn”, rồi bấu víu vào đám lau sậy, vạt cói mà vất vưởng thoi thóp sống nơi đầu sông cuối bãi.
Tôi nghĩ đến mấy thằng bạn mà nước mắt ứa tràn mi. Chúng nó đi đâu cả rồi: thằng Trượng, thằng Riệp, thằng Cương, cái Ngoan…? Các bạn tôi tuổi trăng tròn đã từ biệt quê nhà, lên đường đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.
Thằng Riệp da trắng mịn, e thẹn như con gái, cứ nghe chúng nó chế với tôi là mặt nó đỏ bừng, chỉ tủm tỉm cười, rồi lỉnh đi chỗ khác. Tính nó thế nhưng lại hay nghịch ngầm.
Trưa hè ra bờ ao, ngắm cây khế nhà bác hàng xóm quả sai trĩu cành, chín vàng rủ xuống. Nhìn không có ai, tôi lặng lẽ xuống tắm. Đang lay hoay vin cành khế vặt trộm, bỗng thấy chân mình có ai khèo một cái, giật nẩy mình buông mấy quả khế trên tay ngơ ngác, tim đập loạn xạ. Bình tĩnh trở lại, quan sát xung quanh, bờ ao bên kia Riệp đang ngồi trên cái cầu tre kì cọ. Nó lặn giỏi lắm. Tức quá, tôi đánh tiếng: “Đừng có mà giả vờ nhé!”. Nó chỉ tủm tỉm cười…
Rồi Mỹ tăng cường leo thang chiến tranh, đánh phá ra miền Bắc, cuộc chiến vào giai đoạn ngày càng ác liệt. Tất cả xông ra tiền tuyến. Tất cả để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến tranh như cơn bão khốc liệt. Thế hệ tuổi hai mươi nối tiếp nhau vào chiến trường như đi hội: “Có những ngày vui sao, cả nước lên đường, xao xuyến bờ tre từng hồi trống dục…”( Chính Hữu). Họ ra đi với niềm tin chiến thắng, với tình yêu đất nước chân thành “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”(Tố Hữu). Và lớp lớp những thanh niên ưu tú ấy đã ngã xuống vì sự nghiệp phóng dân tộc, vì sự bình yên của Tổ quốc hôm nay. Ngậm ngùi thương nhớ những người bạn quê nhà thân thiết của tôi.
Mười tám tuổi, Riệp cùng đoàn quân ấy khoác ba lô lên đường, rồi không bao giờ trở lại… Cả thằng Trượng, thằng Cương, cái Ngoan… chúng nó đều hy sinh ở chiến trường miền Nam. Chiến tranh kết thúc đã bốn mươi năm, mà các bạn tôi vẫn còn lưu lạc nơi nào? Tôi ngậm ngùi nhớ đến nao lòng. Thương quá đi thôi! Giá không có chiến tranh, không có hy sinh mất mát, thì chúng nó bây giờ cũng có cháu nội, cháu ngoại cả rồi, cũng có ngôi nhà hạnh phúc đơn sơ như bao mái ấm gia đình!
Riệp là con trai độc nhất, nhà còn lại cô em gái. Riệp hy sinh, không còn người hương khói, nối dõi tông đường, thế là bố Riệp lấy vợ hai. Từ đó chỉ còn cô em gái bệnh tật ở với mẹ già lầm lụi sớm khuya. Đôi mắt mẹ mờ đi vì khóc con những chiều chạng vạng.
Lâu lắm, tôi mới có dịp về quê, sang thăm bà, nom bà già đi nhanh quá, lưng còng trước tuổi, da nhăn nheo sạm nắng. Thấy tôi, bà mừng chảy nước mắt. Vẫn căn nhà tường đất ngày Riệp còn ở nhà, qua bao mùa mưa nắng đã dột nát; mấy cái vì kèo cũ kĩ, mấy con xỏ xiêu vẹo. Vẫn cái giường tre, chõng tre và cái tủ đóng bằng gỗ xoan đào, tiếng mọt cọt kẹt da diết như nghiến vào xương tủy mẹ.
Trên mặt tủ là bàn thờ Riệp, di ảnh lồng trong khung kính cũ kĩ, bằng “Tổ quốc ghi công” đã ố vàng, chỉ còn đôi mắt trong sáng nhìn xoáy vào tôi như có điều gì trách móc. Cùng thắp nén hương, nước mắt nhòa đi, bà ôm tôi khóc tức tưởi. Tôi bỗng thấy lòng mình đau thắt lại, xót xa thương cảm cho gia cảnh bà mẹ liệt sĩ này!
Lại nhớ hôm tiễn bộ đội lên đường, cả làng đi đông lắm, mọi người rưng rưng đứng nhìn đến khi đoàn quân khuất dần vào con đường xa tít tắp… Nón huơ trên đầu lấp lóa bên sông/ Anh hành quân về nơi lửa cháy (thơ Thúy Ngoan). Họ đã đi. Rồi đi mãi không về…!
Còn lại bà và cô con gái sống trong nghèo khổ. Những năm sau ngày giải phóng, toàn dân thắt lưng buộc bụng xây dựng đất nước trong cơ chế bao cấp đầy rẫy khó khăn. Nhiều năm sau mới có chế độ phong tặng “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, nhưng bà mẹ Riệp không được, vì lí do gì không biết nữa. Em gái Riệp mắc bệnh thấp khớp biến chứng vào tim, sinh con rồi chết ngay trên bàn mổ. Một lần nữa bà lại nén đau thương lầm lụi nuôi cháu ngoại mồ côi, vì cháu không có bố.
Cuối thu, ngoài trời mưa rả rích, những chiếc lá vàng rơi lã chã trong mưa. Chào từ biệt bà, tôi tưởng như không đứng vững, hai chân muốn qụy xuống, nước mắt lăn dài trên đôi gò má đã quá tuổi hồi xuân, tôi ôm lấy bà mà khóc tức tưởi…
Dẫu xa quê, lăn lóc chốn thị thành vì sự mưu sinh, chẳng ai dễ quên đi mảnh đất quê hương máu thịt của mình. Có người ví hương cau, hương lúa là hương trinh nữ, không thể nào định nghĩa nổi, nó tinh khiết, dịu dàng, mộc mạc, duyên dáng như cô thôn nữ quê nhà.
Mùa hoa cau đố ai mà quên được cái mùi hương dìu dịu ướp vào đêm, thấm tận vào chân tóc, cứ phảng phất ngọt lịm, hiền dịu, đằm thắm như hương lúa tháng năm, tháng mười vậy!
Tôi ngồi mãi trên con đê với những dòng suy nghĩ miên man… Các bạn của tôi ơi, chúng mày đâu cả rồi? Lòng tôi dào lên như câu hát trong ca khúc “Mơ ước kỉ niệm xưa” của nhạc sĩ Xuân Phương: “Gíá có ước muốn trong cuộc đời này… Xin ước muốn cho thời gian trở lại…”. Phải chi còn đủ bạn bè, ta lại về đây, cùng sống lại tuổi thơ đã trôi vào dĩ vãng: vẫn bên dòng sông và con đê này, ta lại đào hầm ngoài bãi, ăn trộm chuối mà rấm, lại bì bõm câu cáy, mò cua, nướng khoai, nướng bắp. Lại con trai, con gái bơi lội, đuổi bắt nhau lặn ngụp trốn tìm, lại hò hét được gọi mày tao, ôm chặt lấy nhau mỗi khi tập bơi bị chìm dưới nước mà cười sặc sụa…!
Vẫn con đê này đây! Bờ bãi này đây, dòng sông chở tuổi thơ tôi đi mãi không bao giờ trở lại. Tất cả, tất cả ùa về, tưởng mới hôm qua mà đã chìm sâu vào tâm thức…
Những cơn gió heo may đầu mùa se lạnh ngai ngái thổi từ đồng bãi táp vào mặt làm tôi bừng tỉnh!
Đêm nay ngủ lại quê nhà, nằm thao thức nghe tiếng gà gáy trong đêm vọng lại. Canh một, canh hai, rồi canh ba…. Nước mắt ướt đầm mặt gối. Bao nỗi buồn, vui, cay đắng của cuộc đời hiện ra như một cuốn phim quay chậm, thấm thoát trôi nhanh như một giấc mộng. Những kỉ niệm của miền quê êm đềm ngày xưa đâu cả rồi? Cứ miên man, miên man…, hồi tưởng, suy tưởng không sao dứt ra được. “Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người”(*)
Tháng 5/2015
N.T.T.N