Tiền không phải thước đo tính chuyên nghiệp của nhà văn – Nguyễn Quang Thiều

Với cá nhân tôi, cũng như theo dõi trên báo chí, tôi cũng thấy năm 2013 không có cuốn sách nào gây dư luận nhiều, tranh cãi nhiều. Tuy nhiên, đó cũng là điều bình thường thôi, không có gì ghê gớm cả vì nó chỉ là sách của một năm.

 

Khái quát về văn học 2013, nhận định về văn học năm tới cùng những chia sẻ, quan niệm về chuyện cơm áo gạo tiền của người cầm bút là nội dung cuộc trò chuyện thú vị mà nhà thơ Nguyễn Quang Thiều dành cho báo điện tử Tổ Quốc nhân dịp năm mới Giáp Ngọ.

PV: Là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, lại kiêm Trưởng ban Sáng tác, chuyên theo dõi sát sao sáng tác văn học trong nước, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có thể chia sẻ nhìn nhận của mình về văn chương năm 2013?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi cho rằng văn học năm 2013 không có nhiều biến động cho dù các nhà xuất bản, như Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Nhà xuất bản Trẻ… đã nỗ lực kiếm tìm các cuốn sách hay. Trong đó Nhà xuất bản Trẻ có nhóm làm sách là Giáo sư Ngô Bảo Châu và nhà văn Phan Việt với một tủ sách tốt, dù đó là sách dịch. Nói chung các cuốn sách trong năm 2013 vẫn phát triển nhưng không nổi trội lắm so với năm 2012.

Ngay như kết quả Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam không được vui lắm bởi Hội đồng Lý luận phê bình không có cuốn nào. Mà đây là mảng quan trọng của văn học. Điều này đã cho thấy sự nỗ lực của các nhà văn, các nhà xuất bản, các tổ chức liên quan… nhưng văn học (như tôi từng nói) không phải như việc trồng khoai tây mà năm nào cũng có vụ thu hoạch. Văn học đôi khi phải mất một thời gian rất dài để có “điểm rơi” như trong thể thao. Văn học cũng có những vận chuyển của nó. Có thể có người nói rằng, văn học năm nay chưa có gì, nhưng đó là cái chúng ta nhìn thấy, đọc được. Cũng có thể có những cuốn sách nào nằm đâu đó chưa đọc được hoặc có cuốn mà năm nay tác giả mới hoàn thành xong bản thảo.

Ở Hội Nhà văn Việt Nam có một quy chế là các Uỷ viên trong Ban chấp hành Hội Nhà văn có quyền đề cử những cuốn sách. Những cuốn sách này chưa qua các hội đồng, không thuộc nguồn đề cử sách từ các nhà xuất bản, báo chí, các nhà văn… để có thể phát hiện các cuốn sách còn nằm ở đâu đó. Đây là nhiệm vụ cũng như chức năng của các Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Vì thế, có thể sẽ có thêm những cuốn sách được đề cử như vậy. Tất nhiên sau khi được giới thiệu thì các Hội đồng cũng phải đọc rất kỹ. Hi vọng sẽ có thể kiếm tìm những cuốn sách hay.

Với cá nhân tôi, cũng như theo dõi trên báo chí, tôi cũng thấy năm 2013 không có cuốn sách nào gây dư luận nhiều, tranh cãi nhiều. Tuy nhiên, đó cũng là điều bình thường thôi, không có gì ghê gớm cả vì nó chỉ là sách của một năm.

PV: Năm 2013 đã đi qua, theo như nhận định của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thì có thể coi là năm không có tác phẩm nổi trội. Nhưng, cũng có thể trong số các tác phẩm đình đám, có cái mới được đặt bút từ năm 2013, cái còn dang dở… Hoặc là, ta cứ lạc quan cho rằng, qua đêm tối thì trời lại sáng… Theo nhà văn thì đó có phải là cái cớ đáng được hi vọng cho văn chương năm 2014 không?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Khi chúng ta nói năm 2014 hay 2015 thì chỉ là một con số ước lệ trong tương lai.

Bây giờ các thế hệ nhà văn mới đang xuất hiện, từ thế hệ các nhà văn chống Mỹ đang quyết liệt đổi mới và có những dấu hiệu rất tốt cho sáng tạo cá nhân họ đến các thế hệ sau 1975 hay các thế hệ trẻ hơn nữa… Và họ đang luôn luôn suy nghĩ về một điều gì đó, không thoả mãn với những gì họ đã có… Chính sự không thoả mãn đó, sự làm việc đầy nỗ lực của nhà văn khiến chúng ta hoàn toàn có quyền hi vọng một ngày nào đó. Còn nói năm nay không có mà năm sau, năm 2014 sẽ có thì rất khó và cũng chỉ là một cách nói..

Năm 2014 hay 2015 chỉ là một ước lệ, mà chỉ có thể thấy được chúng ta hi vọng về điều tốt đẹp trong tương lai. Bởi vì bây giờ có rất nhiều điều tác động, như các vấn đề xã hội, mở cửa, tự do sáng tạo, những vấn đề đang dội vào đời sống tinh thần của con người; đa dạng hơn, phức tạp hơn, tạo nên suy nghĩ có chiều sâu hơn cho nhà văn… Đó là cơ sở để nhà văn thai nghén những sáng tác hay.

PV: Là một “quan chức” trong Hội Nhà văn Việt Nam, ông có thể cho biết, rằng năm 2014 Hội Nhà văn sẽ có những hoạt động gì ít nhiều tác động, hỗ trợ  hoặc thúc đẩy cho các nhà văn trong công việc sáng tác?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Theo tôi định nghĩa Hội Nhà văn là nơi quần tụ những người cùng chí hướng, cùng làm công việc sáng tạo văn học nghệ thuật bằng chữ, hướng về những điều tốt đẹp, khám phá những vẻ đẹp, hiện thực các sự thật của đời sống… Hai là, đó là nơi họ cùng chia sẻ, thúc đẩy… tác dụng như một chất xúc tác để làm sao cho sáng tác tốt hơn. Ba là, nơi để tìm cách tạo điều kiện cho nhà văn sáng tạo và tôn vinh những tác phẩm của họ. Còn trong căn buồng lặng lẽ của mỗi nhà văn thì Hội Nhà văn không “thò tay” vào được.

Ban chấp hành thay mặt các Hội viên của mình ứng xử với các tác phẩm văn học hay, có giá trị mọi thế hệ, đặc biệt chú trọng thế hệ trẻ và những người có đổi mới để làm mới văn học trong một giai đoạn. Nói cách khác, Hội Nhà văn chỉ là một tác động khách quan, tác động phụ. Còn số phận một nền văn học vẫn do cá nhân các nhà văn quyết định.

Vừa rồi tôi có tham dự một toạ đàm trên truyền hình, có cả lãnh đạo, người làm công tác quản lý các nơi như Hội hoạ, Cục Nghệ thuật biểu diễn… họ cho rằng bây giờ ít có tác phẩm đỉnh cao bởi chế độ đãi ngộ, trợ giúp của nhà nước, của việc đầu tư, nhuận bút ít… Tôi phát biểu ngược lại, rằng một tác phẩm hay thì 99% là do nhà văn quyết định còn 1% là do tác động của xã hội. Và tôi tin điều tôi nói là chính xác.

Xét về mặt đầu tư cho nhà văn thì trên thế giới tôi đi: Anh, Nga, Nhật, Úc, Na Uy, Tây Ban Nha… thì chưa ở đâu nhà nước tài trợ cho các nhà văn sáng tác như ở Việt Nam. Các nước trên hầu như họ tự túc hết. Có thể cá nhân họ nhận được trợ giúp từ các quỹ văn học, văn hoá chứ không phải của nhà nước. Vậy mà chúng ta lại không có tác phẩm hay bằng các nước đó. Có lẽ nên hiểu việc nhà nước trợ giúp, đầu tư cho các nhà văn hiện nay là bày tỏ sự tôn trọng và quan tâm đến phát triển văn học nghệ thuật trong nước. Chứ còn số phận mỗi tác phẩm phải do nhà văn quyết định lấy.

PV: Nhà thơ thử dự đoán, trong số bốn chuyên ngành của văn học: Thơ, Văn xuôi, Lý luận phê bình và Văn học dịch thì chuyên ngành nào có nhiều khả năng khởi sắc trong năm 2014 nhất?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi chỉ đoán mò rằng, trong giai đoạn khoảng từ 4-5 năm nữa thể loại văn xuôi, đặc biệt là tiểu thuyết sẽ có đột phá, có nổi trội gây nên những dư luận.

Thơ ca đã qua giai đoạn của một sự đổi mới và giờ nó chờ đợi một đổi mới tiếp thì đoạn đường này tôi cho là hơi bị dài. Còn dài thế nào và tại sao đôi khi lại phải ngồi bàn kỹ lưỡng hơn.

Dịch thuật thì phụ thuộc vào nhiều vấn đề. Chúng ta có rất nhiều sách hay trên thế giới, chỉ có điều người ta quan tâm thế nào thôi.

Lý luận phê bình đang có những lúng túng của nó. Mà để đi qua lúng túng này phải mất một giai đoạn rất dài. Theo tôi, ít nhất trong 5, 10 năm nữa mới có thể đi qua một vài lúng túng.

PV: Tại sao ông lại tin tưởng ở văn xuôi với thể loại tiểu thuyết chứ không phải truyện ngắn? Trong khi nhiều người khác lại dự đoán tương lai truyện ngắn sẽ khởi sắc hơn tiểu thuyết bởi ưu thế về thời gian đọc ngắn, phù hợp với cuộc sống gấp gáp hiện nay?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Lâu nay các tác giả vẫn viết truyện ngắn, nhưng xu hướng viết tiểu thuyết mỗi ngày nhiều hơn. Bởi tiểu thuyết dung chứa được nhiều vấn đề hơn. Và bởi những vấn đề của xã hội Việt Nam đang thực sự chứa đựng những cuốn tiểu thuyết lớn.

PV: Thế còn về bản thân mình, nhà văn mong muốn điều gì sẽ đến trên con đường văn chương năm 2014 của mình?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Trong kế hoạch năm 2014 của tôi là sẽ xuất bản 3 cuốn sách. Một là trường ca tôi đã viết khá lâu. Hai là cuốn ghi chép tiểu luận, tôi cho là khá thú vị. Ba là cuốn gồm các bài luận về văn hoá.

Năm 2014 tôi cũng sẽ trở lại một cái thú phụ mà vài năm nay đã bỏ là vẽ tranh. Chưa bao giờ tôi lại hứng khởi như bây giờ khi đã mua một góc phòng đầy toan và màu. Và tên của seri tranh này tạm đặt là: Người thổi sáo. Tôi sẽ vẽ những gì đậm chất thơ ca, liên quan đến cây sáo. Bởi trong các câu chuyện, trong các lịch sử văn hoá cây sáo là thứ rất riêng. Nơi đó có thể sinh ra những thần khúc. Kẻ mục đồng có thể thổi sáo, thiền sư cũng có thể thổi sáo. Hơn nữa tôi cũng là người hay chơi nhạc cụ này.

PV: Năm 2014 kinh tế được dự đoán còn nhiều khó khăn, theo đó, báo chí văn chương cũng không ngoại lệ, phải chăng điều đó sẽ khiến cho giới nhà văn càng khó sống được bằng ngòi bút?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Nói chung là lâu nay các nhà văn vẫn khó sống bằng ngòi bút. Nhưng tôi nghĩ, sự khó khăn chỉ đến dưới mức tồi tệ thì mới ảnh hưởng lớn, trực tiếp đến sáng tạo. Còn khó khăn mà chúng ta đang trải qua thì đôi khi ở một mặt nào đó nó cũng có tác động và tạo ra những cảm hứng. Cảm hứng đó không phải là sự vui vẻ mà là sự dày vò, suy nghĩa, tạo cho người ta những thăng trầm bên trong tâm hồn. Điều đó rất lợi cho sáng tạo. Tất nhiên như thế không có nghĩa là để có tác phẩm hay thì nhà văn phải “sáng tạo” ra một đời sống khó khăn cho mình. Không ai nói; hãy cho tôi khó khăn, nghèo đói để tôi sáng tạo. Nhưng cái tự nhiên nó đến, những biến động của đời sống văn hoá, xã hội, thiên nhiên… luôn luôn tác động đến sự sáng tạo, cho cảm hứng sáng tạo, cho sự gợi mở…

PV: Bàn thêm về chuyện nhà văn sống được bằng ngòi bút hay không liên quan đến cụm từ lâu nay hay được nhắc tới: “Nhà văn chuyên nghiệp”. Có ý kiến cho rằng, nhà văn chuyên nghiệp thì phải sống được bằng ngòi bút của mình. Có ý kiến khác lại cho rằng, nhà văn chuyên nghiệp là nhà văn chỉ chuyên tâm viết văn mà không phải bận tâm làm việc khác kiếm kế sinh nhai. Nhưng, hình như trong bối cảnh hiện nay, việc nhà văn không sống được bằng ngòi bút và phải làm nghề khác để sống cũng có cái hay. Bởi nghề tay trái sẽ cho nhà văn một vốn sống chân tơ kẽ tóc về nó, để khi viết sẽ có độ sâu. Chẳng hạn, nhà văn A làm nghề thợ hàn thì sẽ có tác phẩm đi sâu về hàn xì, nhà văn B làm anh đào vàng thì sẽ biết về đào vàng. Nhà văn C làm giáo viên sẽ có cái nhìn thấu đáo về giáo dục… Ý kiến của nhà văn về vấn đề này thế nào?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tại sao chúng ta lại bàn đến một vấn đề có vẻ không quan trọng lắm là nhà văn chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp?

Tôi quan niệm, nhà văn chuyên nghiệp là người theo đuổi nghề văn như một sự nghiệp, và đẩy tác phẩm của mình lên để có dư luận, tạo ra dấu vết sáng tạo trong đời sống văn học, hay đời sống xã hội. Một cuốn sách có ảnh hưởng lớn đến đồng nghiệp và bạn đọc là tác phẩm của một nhà văn chuyên nghiệp. 100 cuốn sách dở không làm nhà văn thành chuyên nghiệp.

Ở các nước khác, như Mỹ chẳng hạn, những nhà thơ, nhà văn họ vẫn làm nghề khác như làm giảng dạy. Họ là giáo sư trong các trường đại học hoặc là giáo sư thỉnh giảng… mà lương sống chủ yếu bằng giảng dạy. Một nhà thơ thì vài ba năm mới in một tập thơ. Mà thơ ở đâu in cũng khó, kể cả nhà thơ được giải Nobel chứ không riêng gì thơ ở Việt Nam… Nghề nghiệp khác ngoài văn chương không ảnh hưởng gì đến tính chuyên nghiệp trong văn chương. Tính chuyên nghiệp là tính nghề nghiệp với sự bề bỉ sáng tạo và với một nghệ thuật cao chứ không phải là do người đó kiếm được bao nhiêu tiền, có đủ sống bằng văn chương hay không. Người nào coi văn chương là sự nghiệp sáng tạo, đi theo suốt cuộc đời, đi sâu vào thể loại mình theo đuổi thì sẽ là nhà văn chuyên nghiệp.

Còn ngược lại với Nhà văn chuyên nghiệp là Nhà văn nghiệp dư chứ gì? Nếu quan niệm một người đi làm nghề khác và tối về viết văn là nghiệp dư thì sai lầm. Và lâu nay chúng ta cứ luẩn quẩn việc đó. Không quan trọng. Cuối cùng, khi đọc tác phẩm chúng ta không cần biết lịch sử của tác giả, giáo sư, tiến sĩ, lái xe, bác sĩ, công nhân… có quan trọng gì đâu. Tác phẩm sẽ chứng minh nhà văn có chuyên nghiệp hay không.

PV: Thế bản thân nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, công việc khác đã mang lại cho văn chương – cụ thể là cho tác phẩm điều gì, ngoài ý nghĩa về tiền bạc?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi nghĩ cụ thể nhất với văn xuôi. Khi anh làm bất cứ việc gì, từ chăn bò, làm trang trại, đi chợ, lái tàu hoả… tất cả các nghề đó đều mang lại hiện thực sống, kinh nghiệm sống và rất cần thiết. Một nhà văn làm bất cứ cái gì, chú ý bất cứ cái gì cũng có lợi, cũng tích luỹ cho những trang viết của mình. Cái gì mà một nhà văn biết được một cách kỹ lưỡng cũng có ích cho sáng tác của mình.

PV: Nghĩa là, nhà văn Việt Nam nên bằng lòng, thậm chí vui vẻ đón nhận khi mình có thêm một nghề khác ngoài văn chương?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi xin thưa, tôi cũng nhà văn trung bình, chưa bao giờ tôi kêu ca cái gì hợp hay không hợp, thế nào tôi cũng thấy hay. Lỡ một chuyến tàu cũng thấy hay, người ta quên không lên lương của mình cũng có cái hay… Với tôi, cái gì cũng có thể trở thành năng lượng, nguồn lượng cho nhà văn.

PV: Vâng, nghe ông nói, có cảm giác mọi người cần phải sống lạc quan hơn, bớt kêu ca hơn, hi vọng hơn cho dù hoàn cảnh như thế nào. Và xin hỏi ông câu cuối, một vấn đề mà tôi nghĩ nhiều người quan tâm sau một năm cầm bút, là tiêu chí trao giải của Hội Nhà văn Việt Nam là gì? Bởi có nhiều người nói rằng, họ muốn biết tiêu chí giải thưởng danh giá của Hội nghề nghiệp để phấn đấu, ứng cử hoặc giới thiệu chính tác phẩm của mình hay đồng nghiệp?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tiêu chí giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam là nếu tác giả viết theo lối truyền thống thì phải làm dày thêm những giá trị đã có. Còn nếu viết theo lối mới thì phải mở ra giá trị mới cho văn chương. Tất nhiên, trong hai tiêu chí này thì sự đổi mới thường dễ gây tranh luận.

* Cảm ơn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Chúc ông năm mới sẽ đạt được những dự định của mình!

Nguồn VHQN

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder