“Tình khúc 2000” của Trần Hòa Bình, một bài thơ bị lạc giữa đời – Nguyễn Đình Minh

Trần Hoà Bình không nguôi sôi sục bền bỉ giữa cõi đời để đi tìm cái đẹp nguyên mẫu lung linh về người phụ nữ được trái tim anh dựng dậy và tạo thành lối riêng cho thơ tình của anh.

Tôi quen và chơi thân với nhà thơ Trần Hòa Bình từ năm 1979 đến năm 1983, sau này do công tác nên thỉnh thoảng mới gặp nhau. Thực ra ban đầu Trần Hòa Bình rất có ý thức giữ gìn các sáng tác của mình. Tôi nhớ rất rõ, các buổi sinh hoạt thơ của sinh viên, anh thường cầm theo một quyển sổ trong đó có các bài thơ anh được đăng trên báo cắt dán trên trang giấy cùng với các bài mới viết. Trần Hòa Bình thường đưa tôi cầm hộ những lúc anh diễn thuyết, hoặc đọc thơ. Ngày ấy, chỉ cần có một bài thơ đăng trên báo (bất cứ báo nào) cũng đã là vô cùng ghê gớm, nhất là trong con mắt các cô gái sinh viên khoa văn. Và ngày ấy, chàng thi sỹ lãng tử này như một viên nam châm cực mạnh làm ngả nghiêng vô số trái tim phái đẹp…

Tháng giêng năm 1983, tôi lên Tây Bắc công tác, Trần Hoà Bình đưa tôi ra tận bến xe, anh nói “ Hôm nay đưa tiễn Kinh Kha lên đường, mà chẳng có gì tặng cả ”. Tôi cười: ”Tặng em cái quyển sổ dán thơ đã đăng cắt ở trên báo ấy!”. Trần Hoà Bình lúng túng. Mãi lâu sau vào năm 1987, tôi nhắc lại, anh bảo: “nói thật, lúc mày hỏi, tao đã vứt béng đâu lâu rồi…”. Và có lẽ nhà thơ đã “vứt béng” rất nhiều bài thơ hay của mình như vậy…

Ngày 16-7-2014, tôi có dịp hội ngộ với ba thày giáo cũ và là bạn chí thiết của nhà thơ Trần Hoà Bình, đó là TS Lê Hữu Tỉnh (nguyên PGĐ Nxb Giáo dục), TS Lê Di (Giảng viên khoa Ngữ văn ĐHSP Hà Nội) và PGS.TS Bùi Quang Thanh (Nguyên Chủ tịch Hội NVVN Tại Liên bang Nga), hiện là chuyên gia của Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam. Chúng tôi cùng hành hương qua Sơn Tây thắp nén nhang tưởng niệm nhân ngày giỗ lần thứ 6 của nhà thơ. Và lẽ đương nhiên, có một chủ đề về thơ Trần Hoà Bình xuất hiện. Tại đây, nhân nói về  “Tuyển tập thơ Trần Hoà Bình”, tập thơ do các đàn em của thi sỹ gom nhặt biên tập và xuất bản sau khi Trần Hoà bình qua đời, tiến sỹ Lê Di nói: “Tập thơ các em làm về Trần Hòa Bình còn thiếu rất nhiều, có lẽ phải mở cuộc sưu tầm bổ sung”. Quả vậy, cho đến khi mất, nhà thơ Trần Hoà Bình chưa cho ra đời một tập thơ nào (trừ mấy tập truyện thơ thiếu nhi in chung). Và trong cái không khí lúc ấy ông đã đọc bài thơ “Tình khúc 2000”, bài thơ chưa có mặt trong tuyển tập này.

Tình khúc 2000

Trần Hoà Bình

Tôi đi tìm vợ

Tôi đi khắp biển nam, biển bắc, biển đông, biển tây

Toàn gặp những cô gái mắt xanh mỏ đỏ

Khoe kiến thức

Khổ quá!

Tôi tìm vợ chứ đâu phải tìm tôi.

 

Buồn!

 

Về với mẹ

Mẹ khóc

Tôi quay mặt đi.

 

Về với nhà thơ Kinh Bắc

Tôi buồn

Ông khóc

Diêu bông ơi, Diêu bông hời…

(Ghi lại, theo TS.Lê Di)

Theo TS Lê Di, ông đã đọc bài này trong một cuốn sổ của một cô sinh viên nào đó. Đọc xong, ông điện mắng Trần Hòa Bình vì cái tội có tác phẩm hay mà không báo “đại ca” và cái thói ngông nhưng đầy ám ảnh của sự tìm kiếm chấp chới vô vọng trên con đường tình của một thằng em tài ba. Trần Hoà Bình cười: Thơ hay, là nhờ nhà lý luận giỏi bình! với lại thơ em bác sao không hay? (TS Lê Dy dạy môn Lý luận văn học – NĐM). Thằng em “chạy tội” thông minh thật, thế là cười huề.

Trong đời thực, Trần Hoà Bình là kẻ đào hoa, thi sỹ gặp gỡ biết bao nhiêu những bóng hồng. Tôi đã từng nghe tâm sự não lòng của một cô giáo vùng cuối trời Tây bắc thương nhớ Trần Hòa Bình. Ngay ở quê tôi, có một nữ phóng viên đã thề không lấy chồng chỉ vì trái tim tơ vương với thi sỹ.  Giời chẳng cho không ai một cái gì. Những cuộc tình trôi qua đều làm trái tim đa tình, đa mang của anh rỉ máu. Nhưng lại có cảm giác anh không bao giờ cảm thấy yên lòng, và như con thuyền cứ kiếm tìm bến mới với một mẫu hình hoàn hảo theo cách hình dung của riêng mình. Tôi nhớ có lần trả lời báo chí anh đã nói rõ cái hình dung ấy: đó là cô gái có nét đẹp và tính cách thuần hậu Việt, nhưng lại phải rất hiện đại trong thích nghi đời sống. Và điều này hằn in trong mỗi câu thơ anh viết. TS, Nhà văn Ngô Văn Giá ( Một người bạn của thi sỹ) viết:  Đi. Cứ đi. Và chỉ gặp niềm “đơn lẻ”. Thơ Trần Hoà Bình là điệu hồn bơ vơ của kẻ khát tình. Hàng loạt những bài thơ tình ra đời sau 1986 trong cái tâm thế ấy.

Nói lan man vậy là để nói về “Tình khúc 2000”. Mở đầu, đúng là cuộc kiếm tìm hình mẫu người đẹp kiểu Trần Hòa Bình. Cuộc điền giã kiếm tìm của anh có quy mô rộng, một cuộc kiếm tìm gay go, sóng gió như vượt biển. Nhưng tất cả bến cập đều là những hình mẫu hiện đại với cái ngoài phù du. Cái trong, nếu có thì lại là sự hợm hĩnh: Toàn gặp những cô gái mắt xanh mỏ đỏ/ Khoe kiến thức. Và ở chặng thứ nhất cuộc hành trình tự mình thất bại: Khổ quá/ Tôi đi tìm vợ chứ đâu phải tìm tôi. TS Lê Di đã “mắng chú em mình” ở đoạn này. Thi sỹ hơi kiêu một chút, cũng dễ hiểu, lúc bấy giờ, Trần Hòa Bình đang là “Người của công chúng” mà! Nhưng tôi nghĩ, sở dĩ vì thế mà nhà thơ mới buột thốt lên: Khổ quá! Quả vậy, tất cả những gì của người nổi tiếng có trong anh vẫn chỉ là con thuyền tình vẫn trôi trong cô đơn không lối.

Như tất cả những kẻ bất lực, anh quay về với mẹ. Nỗi đau  của người mẹ về con trai trắc trở nhân duyên cũng là một đề tài hiếm biệt trong thi ca Việt. Diễn tả nó, thi sỹ chỉ dùng những câu thơ như nói, nhưng ta hình dung được cả diễn biến tâm trạng của hai nhân vật. Giữa họ là nước mắt. Dẫu người mẹ là nơi chở che, yêu dấu ta, nhưng để vỗ về, chỉ dạy cái con thuyền tình quá đỗi mộng mơ của riêng nhà thơ thì người mẹ bất lực. Hình ảnh người mẹ khóc rõ ràng là chất chứa biết bao nhiêu niềm thương xót, sự đau khổ tột cùng cho mảnh hồn của đứa con trai cứ mãi lẻ bóng ngu ngơ tìm kiếm…

Là thi sỹ, nên con đường cuối cùng lại dẫn anh về cội, đó là thơ. Nhưng nơi dừng lại của anh lại là bến tình sầu của thi sĩ Hoàng Cầm. Tâm bệnh thì chữa bằng tâm dược, nhưng “Lá diêu bông” vốn không phải là thứ tâm dược mà anh cần có. Đến đây, căn bệnh dường như vô phương cứu chữa. Và chuyến đi đến ga cuối chẳng khác mộng du, mà dẫu có tỉnh thì lại nhìn thấy cái đích cô đơn run rẩy ghê gớm hơn vì… tình của người đi trước:  Về với nhà thơ Kinh Bắc / Tôi buồn/Ông khóc / Diêu bông ơi, diêu bông hời…

Trong cái không gian vùng Kinh Bắc- một không gian, hay một cái bến tình dựng bằng nước mắt ấy, đôi trái tim một già một trẻ đã chan hoà vào nhau và đồng điệu cất lên khúc bi thương về lá diêu bông. Một thứ lá tình hư ảo mà nhạc sỹ Phạm Duy đã phổ nhạc: Em đi trăm núi nghìn sông/ Nào tìm thấy Lá Diêu Bông bao giờ?

Trần Hoà Bình không nguôi sôi sục bền bỉ giữa cõi đời để đi tìm cái đẹp nguyên mẫu lung linh về người phụ nữ được trái tim anh dựng dậy và tạo thành lối riêng cho thơ tình của anh. Chỉ tiếc rằng, giữa cõi đời trần tục thì đó chỉ là một hình ảnh hư ảo. Trái tim nhà thơ đã ứa máu, rồi từ giã cuộc sống; Nhưng nó kịp để lại Tình khúc 2000 và nó rất cần được ngân lên.

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder