Chúng tôi về xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng khi dư âm của cơn áp thấp nhiệt đới vẫn đang còn bao trùm khắp cả một vùng biển Đông Bắc. Trên chiếc xe U- oát của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 đi về cảng Mắt Rồng hôm nay, ngoài tôi, đồng chí lái xe ra còn có một người rất quan trọng cho buổi gặp gỡ của chúng tôi, đó là Thượng úy Đinh Văn Thành, chính trị viên của tàu CSB 1012. Thành quê Gia Viễn- Ninh Bình, tốt nghiệp sĩ quan chính trị, lấy vợ, sinh con, xây nhà riêng tại thành phố Bắc Ninh, hiện công tác tại Hải Phòng. Thành nói vui, em giờ một chốn vô số quê nên cứ hay phải “chạy sô” giữa cái tam giác Ninh Bình- Bắc Ninh- Hải Phòng, kể cũng hơi oải anh ạ! Câu nói của Thành làm tôi phì cười trước cái chất rất chi là “thanh niên tính” của anh.
Phải chờ đến hôm nay, kế hoạch đi về Lập Lễ của chúng tôi mới trở thành hiện thực. Chính Thành là người đứng ra sắp xếp cuộc gặp gỡ này. Người mà tôi muốn được gặp là Đinh Khắc Thương, chủ tàu cá HP 90021 TS. Thành gọi cho Thương không biết bao nhiêu cuộc điện thoại nhưng toàn ngoài vùng phủ sóng, con tàu của Thương vẫn đang còn lênh đênh ngoài khơi. Sở dĩ phải chọn tìm gặp Thương vào đợt áp thấp nhiệt đới là vì theo suy đoán của chúng tôi, dịp này tàu thuyền ngư dân sẽ phải chạy vào bờ tránh gió. Chiều qua nhận được cái hẹn của Thương qua điện thoại, chúng tôi khấp khởi vui và sáng nay lên đường ngay để sang tranh thủ gặp gỡ tìm hiểu, lấy ít tư liệu phục vụ công tác tuyên truyền cho đơn vị.
Ngồi trên xe, tôi đang nhớ lại những thông tin ngắn gọn được đăng tải trên Trang Thông tin điện tử Cảnh sát biển Việt Nam. Đây chính là lý do thúc giục tôi phải về để tìm gặp bằng được Thương:
Vào hồi 05h55 phút ngày 12/01/2015, trực ban Tác chiến Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 nhận được tin của người dân báo tin tại khu vực biển Đông- Đông Bắc cách Cồn Vành (Giao Thủy- Nam Định) 25 hải lý, tàu HP 90021 TS đang hành trình trên biển thì bị sự cố chết máy, có nguy cơ bị chìm và khẩn thiết yêu cầu lực lượng Cảnh sát biển cứu giúp. Nhận được tin báo, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 đã điều động tàu CSB 1012 đang làm nhiệm vụ trực tại khu vực đảo Cát Bà khẩn trương cơ động đến vị trí tàu bị nạn để làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn.
Đến 09h20, tàu CSB 1012 đã tiếp cận được tàu bị nạn. Cán bộ, chiến sĩ của tàu CSB 1012 đã nhanh chóng sang kiểm tra tình hình. Qua kiểm tra sơ bộ được biết, tàu HP 90021 có 3 thuyền viên do anh Đinh Khắc Thương, sinh năm 1985 quê quán xã Lập Lễ- Thủy Nguyên- Hải Phòng làm chủ bị sự cố hỏng bơm cao áp từ lúc 3h sáng ngày 12/01 trong điều kiện sóng cấp 7 và không khắc phục được. Các thuyền viên trên tàu bị nạn đã được tàu CSB 1012 chăm sóc y tế, động viên tin thần và làm công tác cứu hộ.
Đến 10h cùng ngày, tàu CSB 1012 bắt đầu lai dắt tàu HP 90021 về đảo Cát Bà để tiếp tục khắc phục sửa chữa.
*
Người đầu tiên mà chúng tôi gặp không phải Đinh Khắc Thương mà là mẹ của anh, bà Đinh Thị In tại ngôi nhà của bà nằm ngay cảng Mắt Rồng. Bà In nhận ra Thượng úy Thành khi anh vừa bước xuống xe và cất tiêng chào bà. Bà cứ lắp bắp mấy tiếng khi cầm lấy tay Thành “Chú Thành, chú Thành, ông ơi, chú Thành sang chơi này…!”.
Hóa ra suy đoán của chúng tôi có phần thiếu chính xác. Tàu của Thương hiện đang nằm tránh gió ở Quảng Ninh. Thương đang chạy xe máy từ ngoài đó về Lập Lễ để gặp chúng tôi. Mẹ Thương bảo:
– Mặc dù cảng cá Mắt Rồng ở ngay nhà nhưng tàu thằng Thương rất ít khi về đây đậu lắm chú ạ! Nó đi biển quanh năm, tàu khi thì nằm ở Quảng Ninh, lúc ở Đồ Sơn, rất ít khi về nhà. Khi về bờ thì vội vàng bán cá rồi mua dầu, đóng đá xong lại tiếp tục đi!
– Thế nhà Thương có gần đây không ạ?- Tôi hỏi.
– Nhà nó cách đây một đoạn, chỗ phía ngoài đê kia kìa- Bà In khoát tay chỉ cho tôi- Các chú cứ ngồi đây xơi nước chờ em nó một lúc nữa, em nó đang về đấy ạ!
Chúng tôi ngồi uống nước ngoài hiên vừa nói chuyện với mẹ Thương vừa ngắm nhìn người qua lại giữa cái chợ cóc ngay trước cửa nhà của bà cùng những âm thanh rộn rạo từ phía cảng cá Mắt Rồng vọng lại. Ngôi nhà của bà In nằm giữa trung tâm ngã ba đường xuống cảng nên cũng tương đối đông vui. Phía trước sân nhà bà hiện đang cho một cậu thanh niên 26 tuổi chưa vợ, tên là Đinh Khắc Nguyên mở quán bán cháo dinh dưỡng. Nguyên cũng là một ngư dân có nhiều năm đi biển nhưng rồi cũng bỏ biển, đi làm thuê chán chê, bây giờ mở quán cháo dinh dưỡng bán cho bà con trong xã. Nguyên lý giải nguyên do bỏ biển của mình bằng một câu ngắn gọn: “Đi biển giờ quá vất vả, sóng gió quá nên em chấp nhận bỏ nghề!”.
Khi nghe tôi hỏi về cuộc sống của bà và các con hiện nay, bà In kể cho tôi nghe bằng chất giọng đặc trưng của vùng biển “Lập- Phục- Phả” (các xã Lập Lễ, Phục Lễ, Phả Lễ của huyện Thủy Nguyên).
– Ông nhà tôi cũng là ngư dân, chẳng may mất sớm, để lại cho tôi 6 đứa con trứng gà trứng vịt gồm 3 trai, 3 gái. Cuộc sống khốn khó, vất vả rồi cũng qua đi. Giờ chúng nó đều có gia đình và cũng ở xung quanh đây cả. Gia đình chúng tôi làm nghề biển được nhiều đời rồi trên mảnh đất này. Tôi sống ở ngôi nhà này cùng với thằng út. Ba anh em trai chúng nó đều có tàu riêng, quanh năm suốt tháng lênh đênh trên biển, chẳng mấy khi ở nhà. Chẳng giàu có gì cả nhưng đây là cái nghề do ông bà tổ tiên để lại nên phải theo để kiếm bát cơm mà sống. Mỗi lúc biển có giông gió tôi lại như ngồi trên đống lửa, lo cho các con lắm chú ạ!
Có lẽ trong sáu đứa con mà bà dứt ruột đẻ ra thì Thương là người có hoàn cảnh khó khăn, tội nghiệp nhất nên bà thương anh hơn cả. Bao nhiêu năm lăn lộn dọc ngang trên biển chủ yếu là đi bạn với các chủ tàu của địa phương thì cuối cùng Thương chạy vạy khắp nơi, thế chấp ngân hàng vay mượn được một khoản tiền để mua được con tàu nhỏ cho riêng mình trị giá 500 triệu đồng. Đó là một con số quá lớn và hiện nay anh cũng chưa trả nợ được bao nhiêu. Con tàu chỉ vẻn vẹn có ba người, Thương vừa là chủ tàu, vừa là nhân công và thuê thêm hai người quê Thanh Hóa cùng làm việc biển với anh. Bà In chép miệng:
– Biển giả ngày càng kém, các con tôi làm ăn cũng không được như ngày xưa. Như thằng Thương đây, sửa chữa tàu còn phải ghi nợ, nhiều lúc phải vay tiền để đổ dầu mà đi, khó khăn lắm chú ơi!.
Nhớ lại cái thời khắc kinh hoàng mà Thương vừa trải qua trên biển tháng trước, đôi mắt bà In rơm rớm nước. Chúng tôi đều lặng đi khi nhìn thấy giọt nước mắt đang lăn dài trên gương mặt nhăn nheo, phúc hậu của bà mẹ ngoài sáu mươi tuổi này.
– Cả đêm hôm trước không hiểu sao tôi không tài nào chợp mắt được, như có điềm gì báo vậy- Bà xúc động kể- Y như rằng, đến bốn giờ sáng tôi nhận được điện thoại của thằng Thương gọi về, giọng nó mếu máo “Mẹ ơi, tàu con vừa ra đến nơi, kéo được hai nhát chã thì bị chết máy từ ba giờ chiều hôm qua, không tài nào sửa được, bây giờ mới có sóng điện thoại để liên lạc. Tàu con đang trôi vào gần cửa Cát Bà, cách 24 hải lý, nếu có người cứu thì con sống, nếu không có ai cứu thì con làm mồi cho cá ăn! Mẹ nhờ ai cứu con đi, mẹ ơi!”. Nghe con gọi câu được câu mất qua điện thoại mà tim tôi muốn rụng. Linh cảm của người mẹ thúc giục tôi bằng mọi cách phải cứu được con mình. Tôi bấm điện thoại gọi ngay cho thằng con trai lớn ở Hạ Long. Nó cũng vừa biết được tin của thằng Thương báo về. Nó bảo, nếu bây giờ chạy từ Hạ Long ra chỗ em gặp nạn thì mất khoảng 8 tiếng, sóng gió to quá. Nó đang liên lạc với Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát biển để nhờ cứu giúp. Tôi vẫn run lắm, nếu nó có mệnh hệ gì thì làm sao tôi sống nổi đây? Trong lúc đó, tôi chỉ biết thắp hương lên ban thờ kêu với ông nhà tôi và liên tục đọc kinh niệm Phật phù hộ độ trì cho con mà thôi. Mãi đến tầm trưa thì tôi nhận được điện thoại của thằng anh lớn ở Hạ Long gọi về, giọng nó òa lên vui sướng “Mẹ ơi, thằng Thương được các anh Cảnh sát biển cứu rồi, bây giờ đang kéo tàu nó về Cát Bà!”. Nghe con báo vậy mà tôi khóc hu hu như một đứa trẻ. Vậy là bố nó và Đức Phật cứu nó rồi, vậy là phúc nhà tôi còn to lắm. Tôi vội vội vàng vàng thu xếp ít đồ đạc, mua con gà cho vào làn rồi bảo thằng cháu chở sang Hải Phòng để đi tàu cao tốc ra Cát Bà gặp con ngay. Đến ba giờ chiều thì ra đến nơi. Gặp được Thương, mẹ con ôm nhau mừng mừng tủi tủi. Tôi thương nó vô cùng. Tôi mừng lắm các chú ạ, cảm ơn các anh Cảnh sát biển đã làm phúc cứu giúp con tôi!”.
Hai chiếc xe máy lao vội vào sân. Thương và người bạn của anh. Anh chào mẹ rồi chạy đến ôm Thành và xin lỗi vì để chúng tôi phải chờ lâu. Thương đây ư? Tôi không hình dung là anh lại già hơn cái tuổi ba mươi nhiều đến thế. Nước da đen cháy, gương mặt khắc khổ, nhàu nhĩ, tóc đỏ quạch, dựng tua tủa, người nhỏ thó. Cũng phải thôi, quanh năm suốt tháng, những ngư dân như Thương phải trằn mình trong nắng gió khắc nghiệt của đại dương để kiếm kế sinh nhai đều phải chấp nhận tất cả, miễn là kiếm được con tôm con cá đem về nuôi sống gia đình. Thương mặc chiếc áo ấm quân trang và đi đôi dép rọ đỏ của bộ đội. Thành ghé tai tôi bảo, đây là những thứ anh em tặng Thương hôm cứu nạn trên biển. Hôm đó thấy cậu ấy và hai bạn thuyền mong manh lắm, mặt mũi thì tái xanh tái ngắt vì lo lắng. Giờ thì trông khá hơn nhiều rồi.
Câu chuyện về cuộc sống của gia đình Thương qua lời kể của bà In coi như tôi đã nắm được cơ bản. Chúng tôi đề nghị Thương đưa mọi người về nhà riêng để hiểu thêm về hoàn cảnh của anh. Thương và bạn nhảy lên xe máy chạy đi trước, chúng tôi mời bà In lên xe lăn bánh về phía bờ đê.
Ngôi nhà tuềnh toàng nằm yên ắng bên cạnh con đê. Đồ đạc trong nhà hầu như không có gì giá trị lớn cả. Thấy chúng tôi vào, vợ Thương bước ra chào lí nhí rồi lại quay xuống chái bếp nhỏ bên cạnh. Hai đứa con mắt lấm la lấm lét nhìn khách. Vợ chồng Thương có hai đứa con. Cháu trai đầu năm nay 6 tuổi, bị thiểu năng trí tuệ. Niềm hi vọng của hai vợ chồng bây giờ dồn cả vào đứa con gái út năm nay vừa tròn 4 tuổi. Thương là lao động chính trong gia đình, vợ anh là chị Cao Thị Sâm, 24 tuổi, quê xã Ngũ Lão ở ngay cạnh. Từ khi đẻ đứa con đầu ra, biết con mình bị như vậy, Sâm cũng đã từng rơi vào tuyệt vọng. Giờ đẻ thêm đứa thứ hai, thấy nó bình thường, vợ chồng anh cũng thấy an ủi phần nào. Quanh năm Thương tất tả trên biển, được đồng nào nếu không về nhà được thì lại gửi cho bà con cầm về cho vợ nuôi con. Vợ Thương cũng chẳng làm được gì hơn vì phải ở nhà theo dõi, chăm sóc đứa con đầu tật nguyền. Bà In ôm thằng cu vào lòng thở dài “Thấy hoàn cảnh của con khó khăn, khốn khổ như vậy nhưng tôi cũng chẳng biết làm cách nào để giúp đỡ con cháu được. Tội chúng nó lắm các chú ạ!”.
Thương nhìn chúng tôi, ánh mắt như vừa biết ơn vừa buồn buồn: “Hôm đó, chúng em xác định, nếu cứ đà này có khi phải nằm lại đáy biển mất thôi, nhưng khi thấy tàu Cảnh sát biển từ xa chạy đến, lúc ấy tự nhiên em thấy thót hết tim, thấy mình được sống rồi. Thâm tâm em không biết nói gì hơn, cảm ơn các anh đã sinh ra em lần thứ hai để em được trở về với vợ con, gia đình của em!”.
Thượng úy Đinh Văn Thành ôm lấy đôi vai của Thương và nói để mọi người biết thêm: “Khi nhận được lệnh lên đường là chúng tôi khẩn trương nhổ neo đi luôn. Tôi nhớ, khi tiếp cận được tàu của Thương sóng lớn lắm, phải cập hai lần mới được. Anh em trên tàu nhanh chóng nhảy sang để kiểm tra tình hình sức khỏe các thuyền viên và phương tiện. Sau đó đưa dây mồi sang để buộc tàu và tiến hành lai dắt về khu vực đảo Cát Bà an toàn!”.
Bạn Thương, anh Lê Khắc Khuyên, công nhân công ty đóng tàu Nam Triệu nãy giờ ngồi cạnh cũng cho biết, hôm nghe tin tàu Thương bị nạn trên biển, anh đã thông báo hết cho bạn bè và ai cũng lo lắng cho Thương. Khi biết tàu Thương đã được các anh Cảnh sát biển cứu kéo thành công thì anh rất vui. Không ngờ hôm nay gặp các anh ở đây, xin được cảm ơn các anh nhiều lắm!
Vợ Thương bê một khay bề bề còn nghi ngút khói lên, Thương lấy túi bóng xanh treo ở xe máy vào, trong ấy đựng mấy lon bia chắc vừa mua ở gần nhà. Chúng tôi ái ngại nhìn vợ chồng Thương. Như hiểu được ý định, Thương vội nói:
– Cũng trưa rồi, nếu các anh không ở lại ăn cơm với gia đình em thì mời các anh uống với em một ít bia. Chiều nay em lại ra Quảng Ninh để chuẩn bị cho chuyến đi mới rồi. Coi như đây là lời cảm ơn của vợ chồng em đối với các anh Cảnh sát biển. Các anh đã trở thành chỗ dựa để cho bà con ngư dân mỗi khi ra khơi vào lộng được an tâm!
Câu nói của Thương làm tôi cảm động bởi cái tình người chân chất trong anh. Với những người lính biển, cứu giúp nhân dân bị nạn là mệnh lệnh xuất phát từ trái tim. Mặc cho bão tố, hiểm nguy rình rập, tính mạng của nhân dân luôn được đặt lên hàng đầu. Dẫu phải hi sinh thân mình để cứu bằng được dân, người lính chẳng bao giờ so đo tính toán thiệt hơn.
Chia tay gia đình Thương để trở về đơn vị, trong cái ôm thật chặt của anh, tôi như thấy nhịp tim của Thương đập mạnh hơn. Chắc anh đang nhớ lại cái thời khắc được trở về đoàn tụ cùng gia đình sau những phút giây tuyệt vọng giữa biển cả bao la…
L.M.T