

Hội thảo nhà thơ Nguyễn Viết Lãm – Hải Phòng 14-6-2014
Sẽ có nhiều người trò chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của cố nhà thơ Nguyễn Viết Lãm. Cũng sẽ có nhiều người đề cập đến mảng thơ tình của ông và những câu chuyện xung quanh cuộc hôn nhân thứ hai khi ông 80 tuổi. Phu nhân của ông – nhà khảo cổ học Phan Thị Đoan Trang đang có mặt tại hội thảo này chính là nguồn cảm hứng để nhà thơ sáng tác nhiều bài thơ tình trong 13 năm cuối cuộc đời mình. Trong phần tham luận này, tôi xin được nói về sự tác động của tình yêu với thơ tình Nguyễn Viết Lãm. Để thấy, dù ở độ tuổi nào, trong hoàn cảnh nào, tình yêu luôn giúp nhà thơ thăng hoa và trẻ lại.
Không còn khái niệm tuổi trong thơ tình Nguyễn Viết Lãm ở giai đoạn 13 năm này. Tính từ lúc ông và bà Trang biết nhau. Mỗi bài thơ của ông từ khi biết bà đều có bóng dáng người bạn đời thứ hai. Và cũng là người đi cùng ông đến cuối hành trình cuộc đời. Trong bài thơ “Đi chơi Xuân” nhà thơ làm vào cái Tết đầu tiên gặp mặt bà Trang năm 1998, như thấy được sự rạo rực, bồi hồi, thổn thức của một người đàn ông yêu lại từ đầu. Không ai biết được, bài thơ này được viết khi nhà thơ đã ở tuổi “thất thật cổ lai hy”. 79 tuổi mà tâm hồn còn phơi phới:
“Đầu Xuân này, em đi cùng anh,
Hoa bên chân, sóng lúa ngoại thành,
Thảm biếc ven đường như đón đợi,
Trên đầu, nắng hửng gọi trời xanh.
Ruộng mông mênh, những con cò trắng
Lững thững bình yên đợi gió xa,
Lòng vui nao nức như thời nhỏ,
Em tựa vai anh, quên tuổi già…”
Nhận ra nhau, yêu nhau, nhà thơ Nguyễn Viết Lãm và bạn đời của mình cùng nhau quên đi tuổi tác để trẻ lại. Để sống hết mình với cảm xúc và tình yêu. Điều này, không phải ai cũng làm được. Và cũng không phải nhà thơ nào cũng ghi lại được. Đọc thơ Nguyễn Viết Lãm ở giai đoạn sau này, bắt gặp nhiều bài thơ tình với âm hưởng trẻ trung, mãnh liệt còn hơn cả thời gian khi ông còn trẻ. Tình yêu giúp họ đồng cảm, sẻ chia, kéo khoảng cách xa lại gần, biến nỗi buồn thành niềm hạnh phúc. Như trong bài thơ “Vượt cái vô thường” nhà thơ Nguyễn Viết Lãm làm vào ngày 31-7-1998. Khi ấy, họ chưa nên đôi. Bà Trang vẫn ở Nha Trang, chưa về Hải Phòng đoàn tụ cùng nhà thơ Nguyễn Viết Lãm. Dưới tựa đề bài thơ này, nhà thơ viết dòng “Tặng Phan Thị Đoan Trang” gần gũi, thân thương và thật dịu dàng. Dịu dàng như khổ thơ dặn dò, rủ rỉ dành cho người tri kỷ:
“Anh ở xa em cách ngàn dặm biển,
Nhớ thương nhau vượt cả cái vô thường,
Giữ cho lòng mình trong sáng như gương,
Như ánh trăng nối khoảng trời xa ấy!”
Tình yêu không chỉ giúp những vần thơ Nguyễn Viết Lãm trẻ lại. Mà sức trẻ ấy còn tiếp thêm những luồng sinh khí mới vào cuộc tình của ông, cuộc sống của ông. Và truyền thêm sức mạnh cho người tri kỷ của ông. Bài thơ “Giờ thiền” được nhà thơ Nguyễn Viết Lãm viết bằng 2 thứ tiếng Việt – Pháp. Ông sử dụng 2 câu thơ bà Phan Thị Đoan Trang sáng tác để làm đề từ của bài thơ này. Bài thơ ra đời vào tháng 10-1998. Như một lời bộc bạch, thừa nhận. Minh chứng cho tác động của tình yêu ở tuổi “xưa nay hiếm” giữa hai tâm hồn đồng điệu. Hai câu thơ ấy của bà Trang là:
“Đã tưởng đàn xưa im tiếng mãi
Đời vui lại hát khúc sinh ca…”
Đáp lại đề từ ấy, nhà thơ Nguyễn Viết Lãm viết 4 khổ thơ trong “Giờ thiền” để nói lên tình yêu của ông dành cho bà. Trong bài thơ, họ không liên lạc bằng điện thoại, thư tín mà bằng thần giao cách cảm. Họ nhập thiền để gặp nhau, gọi tên nhau:
“Giờ hẹn đến rồi!
Anh gấp sách, dừng công việc lại,
Quên hết ưu tư, ngồi tĩnh tại,
Ta nhập thiền, thầm gọi tên nhau…
Tiếng gọi của tình yêu, cách cảm thần giao,
Vòng sóng vô hình nối hai đầu thương nhớ.”
Đó chính là điều kỳ diệu chỉ có tình yêu mới làm được. Và trong thơ tình Nguyễn Viết Lãm, điều kỳ diệu ấy được vẽ lên bằng lời, bằng những tình cảm thật như có thể sờ được, cảm được. Đọc những vần thơ của ông dành cho bà, sẽ hiểu thêm ý nghĩa của tình yêu. Sự vĩnh cửu của tình yêu và sức mạnh không bờ bến vượt qua hàng thế kỷ. Nhà thơ chứng minh rằng, tình yêu dù ở thời đại nào vẫn là mạch kết nối tâm hồn siêu nhiên nhất. Trong “Giờ thiền”, trai gái yêu nhau có thể gặp nhau, dành cho nhau những gì tốt đẹp. Dù thực tế không hề ở gần nhau.
Có nhiều cách để thể hiện tình yêu. Và Nguyễn Viết Lãm thể hiện tình yêu bằng ngôn ngữ thơ của mình. Nước mắt hạnh phúc trong thơ ông cũng khác. Trong bài “Lệ vui” sáng tác năm 1998, tình yêu của ông vượt qua mọi ranh giới địa lý và không gian. Khiến cho, người đọc thơ ông cũng thấy cồn cào:
“Anh yêu em
Đất trời trở nên quá chật
Biển Đông cũng trở thành bất lực
Làm sao chứa hết tình anh?”
Rồi trong “Khoảng trời tinh khiết” sáng tác tháng 9-1998, khoảng cách về không gian cũng bị tình yêu ông xóa nhòa:
“Anh nhìn về phương em
Qua khoảng trời pha lê trong suốt,
Dù cách xa nhau
Anh vẫn thấy bàn tay em ấm áp,
Vẫn nghe nhịp đập trái tim yêu.”
Bài thơ “Sân bay chiều 30” được nhà thơ viết tặng riêng bà Trang ngày 30-12-1998 khi ông bà gặp nhau lần đầu, ông không giấu tiếng reo vui, niềm thổn thức khi ông bà thực sự có nhau. Đọc những vần thơ này, thấy Nguyễn Viết Lãm đang như tuổi đôi mươi, mới biết yêu. Hồi hộp, run rẩy đi tìm người thương giữa sân bay Nha Trang. Ngơ ngác và tràn đầy hạnh phúc.
“Anh từng biết Nha Trang
Nhưng chiều nay
Anh đã chờ một Nha Trang khác
Ga sân bay rộn ràng náo nức
Em ở đâu, em đứng nơi nào?”
Rồi khi gặp bà, cảm xúc trong ông vỡ òa, tràn lên trang giấy. Những vần thơ của “Sân bay chiều 30” như có lửa. Cứ như thể, nhà thơ muốn hét toáng lên với mọi người mình đã tìm được tri kỷ của mình.
“Giá sân bay chỉ có hai người
Chắc không tránh khỏi nỗi điên rồ hạnh phúc
Trong lòng anh Nha Trang đà khác trước
Vì có em, anh đã có em rồi!”
Sau này, trong bài thơ “Ngẩn ngơ” sáng tác tháng 1-1999, sự ngơ ngác đáng yêu đến bần thần của nhà thơ Nguyễn Viết Lãm khiến bất cứ ai đọc những câu thơ của ông cũng thấy mình dường như chưa biết yêu:
“Càng gần em
Anh càng thấy mình như nai vàng ngơ ngác,
Còn trẻ thơ đâu!
Tóc trên đầu đã bạc
Càng nhìn em càng không hết lạ lùng!”…
Và trong bài “Hồn nhiên” ra đời vào tháng 4-1999, nhà thơ thừa nhận:
“Anh chỉ là trẻ thơ,
Dù trên đầu tóc bạc
Tình yêu như trời đất,
Hồn nhiên và ngẩn ngơ…”
Tình yêu giúp người ta trẻ lại, điều đó luôn đúng. Với nhà thơ Nguyễn Viết Lãm, tình yêu xóa đi khái niệm về tuổi tác và thời gian. Không chỉ giúp ông trẻ lại về tâm hồn mà còn thổi những luồng sinh khí ấm nóng vào thơ ông. Giúp mỗi công chúng yêu thơ Nguyễn Viết Lãm khi đọc lên lại thấy thổn thức, run rẩy và mong được yêu như một phần cảm xúc của nhà thơ thôi. Thế cũng đủ để trẻ lại rồi./.
Hải Phòng, 5-6-2014