Tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc và những hiểm họa khôn lường – Bài của Bích Ngọc

Các nhà giáo dục nước này cho rằng các nhân vật trong tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc hiện nay quá… “sến sẩm”, siêu thực khiến độc giả trẻ dễ có cách nhìn thiếu thực tế, thậm chí sai lệch về tình yêu và cuộc sống…

Trung Quốc có số người sử dụng Internet khổng lồ khiến dòng văn học mạng dần nắm vị trí thống lĩnh ở nước này. Văn học mạng Trung Quốc gắn liền với dòng tiểu thuyết ngôn tình. Hiện nhu cầu dành cho tiểu thuyết ngôn tình ở Trung Quốc là rất lớn.

Mạng Internet giúp các nhà văn trẻ dễ dàng đưa tác phẩm của mình đến với số đông độc giả. Khi văn học mạng bắt đầu bùng nổ, những tiểu thuyết ăn khách nhất Trung Quốc đã xuất hiện ở đây.

Ngày càng nhiều tiểu thuyết trên mạng của Trung Quốc ăn khách đến mức được chuyển thể thành phim truyền hình, điện ảnh, được dựng thành game online… Các nhà văn xuất bản sách theo lối “chính thống” giờ đây cũng phải tìm đến mạng Internet để quảng cáo cho tác phẩm mới của mình.

Văn học mạng Trung Quốc bắt đầu xuất hiện từ năm 1998, khi đó việc viết văn trên mạng chỉ đơn giản là một thú vui của những người thích viết. Thời kỳ này, viết chỉ để cho vui và hoàn toàn miễn phí, dần dần, từ đây đã hình thành nên hẳn một dòng văn học mạng và bắt đầu xuất hiện những tác giả, tác phẩm ăn khách.

Những trang văn học mạng kiếm tiền bằng cách tính phí đối với người đọc, mỗi 100.000 chữ, độc giả trả từ 2-3 tệ (7.000-10.000 VNĐ), hoặc độc giả cũng có thể trả chọn gói theo tháng.

Ngoài ra, tiền tác quyền mà những nhà thiết kế game online, các nhà làm phim truyền hình, điện ảnh… phải trả cho các trang web văn học này cũng không hề nhỏ mỗi khi muốn sử dụng lại những tác phẩm được đăng tải trên đó.

Bất kỳ ai cũng có thể đăng ký làm người sáng tác trên các trang web văn học để giới thiệu những tác phẩm của mình. Theo tính toán của trang văn học Shanda – một trang văn học mạng lớn nhất Trung Quốc – mỗi quý, có khoảng 1,5 triệu người đăng ký làm tác giả trên trang của họ và viết ra hơn 4 triệu kỳ truyện.

Những tác phẩm ăn khách sẽ được trang quảng cáo rầm rộ hơn hẳn. Mỗi ngày có khoảng 10 triệu lượt tài khoản thường xuyên ra vào đọc tiểu thuyết, đó là chưa kể hàng triệu lượt khách vãng lai khác. Vì giá tiền chi trả cho việc đọc tiểu thuyết trên mạng rất rẻ nên giới trẻ Trung Quốc ngày càng ưa chuộng văn học mạng.

Ảnh hưởng khó lường của tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc

Việc phát triển dòng văn học mạng cũng đồng thời gây ảnh hưởng tới tương quan giữa các thể loại văn học ở Trung Quốc. Trong hơn một thập kỷ qua, văn học mạng Trung Quốc đã đi từ thể loại văn học “thực tế” sang thể loại ngôn tình, đậm chất lãng mạn, mang nhiều yếu tố giả tưởng, siêu thực, để đáp ứng thị hiếu của số đông độc giả trẻ Trung Quốc.

Dù tiểu thuyết ngôn tình trên các trang web văn học của Trung Quốc không được tin là sẽ tồn tại lâu dài, vĩnh viễn, nhưng hiện tại, trước sự thống trị của nó trong đời sống văn hóa đọc của giới trẻ Trung Quốc, nhiều nhà văn hóa, nhà giáo dục của nước này đã thể hiện những lo ngại.

“Ngôn” là ngôn ngữ, “tình” là tình yêu. “Ngôn tình”, rất dễ hiểu, là thể loại văn chương dùng ngôn ngữ chỉ để nói về tình yêu. Có hàng chục thể loại ngôn tình, ví dụ: xuyên không (nhân vật vượt giới hạn thời gian – không gian), cung đấu (đấu đá, tranh đoạt trong cung đình), huyền huyễn (truyện có yếu tố phép thuật, kỳ ảo), võng du (truyện miêu tả song song cuộc sống ảo trên mạng và ngoài đời thực của nhân vật), đam mỹ (truyện về tình yêu đồng tính nam)…

Ở Trung Quốc, tiểu thuyết ngôn tình đặc biệt thu hút giới trẻ. Những truyện ăn khách nhất được chuyển thể thành phim. Ngay từ công tác tuyển chọn diễn viên cho phim chuyển thể từ tiểu thuyết ngôn tình đã đặc biệt khiến khán giả quan tâm, bình luận. Điều này cho thấy đất sống của tiểu thuyết ngôn tình trong giới trẻ Trung Quốc mạnh như thế nào.

Các nhà giáo dục nước này cho rằng các nhân vật trong tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc hiện nay quá… “sến sẩm”, siêu thực khiến độc giả trẻ dễ có cách nhìn thiếu thực tế, thậm chí sai lệch về tình yêu và cuộc sống.

Bên cạnh đó, các nhà văn trên mạng giờ thường đưa yếu tố tình dục vào tác phẩm như một gia vị không thể thiếu với mong muốn gia tăng số lượng người vào đọc tác phẩm của mình.

Nhiều khi “tác phẩm văn học” trở nên không lành mạnh, không khác gì truyện khiêu dâm. Đây chính là mầm mống của những hành động băng hoại đạo đức, làm mất đi những ý niệm đẹp về tình yêu, hôn nhân và gia đình.

Các nhân vật trong tiểu thuyết ngôn tình cũng thường được tạo dựng quá hoàn hảo, được đặt trong những bối cảnh lãng mạn, hoàn toàn mang tính chất tưởng tượng, không thể nào có trong thực tế, khiến người đọc như lạc vào một thế giới cổ tích lãng mạn, đánh trúng tâm lý thích mộng mơ, khiến nhiều người đọc rồi là “nghiện”, không thể nào ngừng đọc ngôn tình.

Tiểu thuyết ngôn tình có thể đưa độc giả đến với hai thái cực, hoặc nhìn đời một màu hồng, hoặc nhìn đời một màu xám.

Ở đó, có những chuyện tình đẹp lung linh, những nhân vật đẹp hoàn hảo, dễ khiến người trẻ vì quá “thần tượng” nhân vật và thế giới trong truyện mà buông mình trong thế giới ảo. Khi rời trang sách để trở lại với thế giới thực, người đọc lại dễ cảm thấy chán nản, tự ti khi cuộc sống xung quanh mình và cả bản thân mình không đẹp như tiểu thuyết.

Có thể nói tiểu thuyết ngôn tình không dành cho những ai dễ có cảm giác buồn chán, tính cách có phần bi lụy, vì nếu không có đủ sự tỉnh táo và một bản lĩnh vững vàng, bạn đọc sẽ dễ trở nên u mê, không còn phân biệt được đâu là tiểu thuyết, đâu là đời thực, dẫn đến để công việc – học tập, cuộc sống, các mối quan hệ… bị ảnh hưởng bởi những ảo tưởng sinh ra từ việc đọc tiểu thuyết ngôn tình.

Tiểu thuyết ngôn tình trên mạng Trung Quốc hiện nay cũng không được kiểm duyệt chặt chẽ, vì vậy, có không ít truyện tạp nham nhưng lại được độc giả trẻ đón đọc nồng nhiệt, lan truyền rộng rãi.

Tại Việt Nam, đã có không ít nhà giáo dục lên tiếng cảnh tỉnh về thể loại sách “độc dược” này đối với giới trẻ.

B.N

(Nguồn Dân Trí)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder