Tản văn Việt Nam hiện đại – một thể loại bị lãng quên

Tản văn nói chung hầu như hiếm có tác giả riêng, phần nhiều chỉ chiếm phần nhỏ trong sự nghiệp rộng lớn của một tác giả. Trên thế giới các nhà khoa học, toán học, triết học như Bacon, Pascal, Montaigne đều là tác giả tản văn nổi tiếng thế giới.

 

Trần Đình Sử

Tuyển tập  Tản văn hiện đại Việt Nam do Lê Trà My thực hiện là tập tuyển chọn đầu tiên về thể loại tản văn ở Việt Nam thế kỉ XX. Trong văn học Việt Nam hiện đại thế kỉ XX tản văn là thể loại hầu như bị quên lảng gần suốt cả một thế kỉ. Hầu như không một cuốn văn học sử hiện đại nào nhắc đến nó, không một giáo trình lí luận văn học nào nói đến nó, không một tuyển tập văn học nào chú ý đến nó như là một thể loại. Nhưng tản văn vẫn sống, âm thầm, dai dẳng mà mãnh liệt và hôm nay dường như đang ngày càng có vẻ khởi sắc lên: nhiều tờ báo có mục tản văn dưới các tên mục khác nhau: “đoản văn’, “tản văn”, “nói hay đừng”, “nhàn đàm”, “phiếm luận”… ; nhiều tập tản văn, tuyển tập tản văn của tác gỉả đã ra mắt và được bạn đọc quan tâm. Tuyển tập này ra mắt là nhằm bổ khuyết sự lãng quên ấy.

Tản văn nói chung hầu như hiếm có tác giả riêng, phần nhiều chỉ chiếm phần nhỏ trong sự nghiệp rộng lớn của một tác giả. Trên thế giới các nhà khoa học, toán học, triết học như Bacon, Pascal, Montaigne đều là tác giả tản văn nổi tiếng thế giới. Ở Trung Quốc, nối tiếp truyền thống của các đại gia Đường Tống, tản văn hiện đại của Lỗ Tấn, Chu Tác Nhân, Lâm Ngữ Đường, Chu Tự Thanh…rồi của Mạc Ngôn, Dư Thu Vũ, Giả Bình Ao…đều rất nổi tiếng. Ở Việt Nam nhiều nhà thơ như Tản Đà, Xuân Diệu, nhà văn như Nguyễn Tuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà tiểu thuyết như Nguyên Ngọc, Nguyễn Ngọc Tư, nhà báo như Phùng Tất Đắc.., nhà phê bình văn học như Vương Trí Nhàn, Nguyễn Đăng Mạnh… đều dành tâm huyết viết tản văn, đã chứng tỏ tầm quan trọng của thể loại. Dung lượng ngắn, cách viết đa dạng, có thể tự sự, trữ tình, bình luận, hoặc pha xen các cách viết khác nhau, tản văn nói được bao nhiêu điều suy nghĩ, nung nấu, cảm xúc trong lòng về con người, thế sự, đạo lí, về thiên nhiên, môi trường, chính trị, văn nghệ…Tản văn dễ đọc. Mỗi thiên phát hiện một hiện tượng, nêu một vấn đề, khắc ghi một hình ảnh, khêu gợi một suy nghĩ…khiến tâm hồn người ta rung động, phong phú, thích thú, biết chú ý đến những vấn đề tinh tế có ý nghĩa ở xung quanh ta. Tản văn có thể có nhiều phong cách: nghiêm túc, cười cợt, trữ tình, chính luận, triết lí…Tản văn là thể loại có vẻ dễ viết nhưng khó hay bởi nó cũng cần có cấu tứ, có tổ chức một cách nghệ thuật.

Để có tập tuyển chọn này Lê Trà My đã dày công sưu tầm, dọc, tuyển chọn những tác phẩm tiêu biểu nhất của thể loại nhằm bước dầu cung cấp cho bạn đọc một tập sách quý. Tập sách có thể còn bỏ sót một số áng văn hay, nhưng cũng cho ta thấy diện mạo chung của tản văn Việt Nam của hơn một thế kỉ. Ở đây không chỉ có tản văn của thế hệ nhà văn quốc ngữ đầu tiên như Tản Đà, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Bá Học…mà còn có thế hệ 30 -45 với Phan Khôi, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Phùng Tất Đắc, Nguyễn Tuân… Thế hệ thứ ba với Nguyễn Đình Thi, Thép Mới, Nguyên Ngọc, Giang Nam.

Đất nước đã thống nhất ba mươi lăm năm rồi. Một cuốn tuyển văn đương đại phải bao gồm cả những tác giả ở đô thị miền Nam trước năm 1975. Tác giả đã tuyển chọn tản văn của một số tác giả như Vũ Bằng, Thanh Tâm Tuyền, Tạ Tỵ, Võ Phiến, Mai Thảo, Nguyễn Xuân Hoàng…có thể chưa đầy đủ, nhưng cũng thể hiện lòng mong muốn bao quát văn học dân tộc ngày một trọn vẹn hơn, đầy đủ hơn. Đối với độc giả miền Bắc, lần đầu được đọc tản văn của các cây bút ở đô thị miền Nam hẳn không khỏi xúc động vì tình cảm yếu quê hương đất nước thiết tha cùng tài hoa nghệ thuật đặc sắc của họ. Độc giả miền bắc trước đây hầu như chỉ biết có Nguyễn Tuân, nay đọc thêm tác giả miền Nam như chọt phát hiện ngoài trời có trời, một cảm giác sảng khoái như đứng trước cánh đồng bao la xa rộng.

Thế hệ thứ tư các nhà tản văn Việt Nam hiện rất đông đảo, tản văn của họ khá đa dạng, phong phú, song diện mạo nhìn chung chưa được định hình rõ rệt.

Đọc tập tuyển này ta hình dung được bước đi của tản văn Việt Nam thế kỉ XX. Tản văn đầu thế kỉ không ai hơn được Tản Đà. Tản văn của ông ngắn gọn, cô đúc, lập luận chặt chẻ, sắc bén, bất ngờ, gây hứng thú tình cảm và trí tuệ. Mỗi bài chỉ vỏn vẹn từ 300 đến 1000 chữ mà nói được những điều thật sâu sắc như Giá người, Giá của hai đồng xu, Đời như canh bạc, Cái chứa trong bụng người, Luật thừa trừ của tạo hoá…Là nhà thơ nhưng tản văn của ông nặng về lí trí, gần với tản văn Trang Tử, nhưng không hề chỉ là chủ nghĩa tương đối kiểu “tề vật luận”mà đầy niềm tin vào giá trị thực, giá trị lớn của cuộc đời, mà lại không mang màu sắc giáo huấn như tản văn của Nguyễn Bá Học.  Đọc tập tản văn này độc giả có dịp gặp lại các áng tản văn nổi tiếng của thế kỉ, những Ông bình vôi của Phan Khôi, Phở của Nguyễn Tuân, Tâm sự đêm trăng của Nguyễn Huy Tưởng… Đọc tản văn của võ Phiến tuyển trong tập này bạn đọc có thể bắt gặp một cây bút lớn, một “Nguyễn Tuân” của miền Nam.

Có một điều tưởng nên chú ý trong các tập tuyển. Đó là phương diện chính tả. Bài viết rải rác trong suốt trăm năm, in tại các miền trung Nam Bắc, dưới các chính thể khác nhau, phép chính tả có nhiếu sai lỗi do cách phát âm, do thói quen, nay in vào một sách nên in theo chính tả hiện nay, nếu cần thì chú thích nguyên văn ở dưới. Ví dụ, không nên in bắt chước thành “bắt trước”.

Mặc dù tác giả đã rất cố gắng sưu tầm, nhưng chắc chắn còn khó tránh khỏi thiếu sót. Việc tuyển chọn hoàn toàn căn cứ theo chất lượng, không có tiêu chuẩn riêng cho một loại tác giả nào, cũng không bình quân chủ nghĩa.

Mong rằng tuyển tập tản văn hiện đại Việt Nam sẽ gây nhiều hứng thú cho bạn đọc yêu chuộng thể loại này.

TĐS

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder