Tố hữu và ngọn đèn cô đơn đã tắt – Nguyễn Quang Thiều

Những năm cuối đời, thơ Tố Hữu buồn và cô đơn tuy ông vẫn gắng sức trong nhiều câu thơ để tìm lại không khí náo nức ngày xưa. Nhưng những câu thơ lúc đó đã không nghe theo ý muốn của ông. Nói cho chính xác, những câu thơ lúc đó sinh ra từ cá nhân một Tố Hữu đơn thuần là một con người đang đi những bước cuối cùng về nơi cát bụi…

Những năm cuối đời, thơ Tố Hữu buồn và cô đơn tuy ông vẫn gắng sức trong nhiều câu thơ để tìm lại không khí náo nức ngày xưa. Nhưng những câu thơ lúc đó đã không nghe theo ý muốn của ông. Nói cho chính xác, những câu thơ lúc đó sinh ra từ cá nhân một Tố Hữu đơn thuần là một con người đang đi những bước cuối cùng về nơi cát bụi

Cuối cùng, như mọi kiếp người, ông đã giã từ đời sống về nơi cát bụi trong một ngày mùa đông giá rét. Ông không còn được lưu lại trên thế gian để đón thêm một mùa xuân nữa. Từ đây, những câu thơ viết về mùa xuân của ông mà có thời rất nhiều người đọc Việt Nam chờ đợi khi xuân tới sẽ chẳng bao giờ sinh ra. Một lần, tôi gặp ông trong một cuộc hội thảo, ông bảo tôi: “Hôm nào tới nhà mình chơi, mình kể cho ông mấy chuyện hay lắm. ông có khả năng viết tư liệu đấy.” Nhưng cuộc trò chuyện ấy không bao giờ có được. Có thể sau này, khi tôi cũng thành người thiên cổ và gặp ông ở cõi vĩnh hằng thì có thể tôi sẽ được ông kể cho nghe. Nhưng tôi nghĩ trong cõi vĩnh hằng, những chuyện dở, chuyện hay chẳng còn quan trọng gì nữa. Vì nơi ấy, mọi đau khổ đều được chữa chạy, mọi tăm tối đều được chiếu sáng, mọi lầm lỗi đều được tha thứ, mọi sợ hãi đều được che chở, mọi tuyệt vọng đều được cứu vớt… Giờ đây, linh hồn ông đang mỉm cười hay đang suy ngẫm, thở phào nhẹ nhõm hay dằn vặt khổ đau.

Dăm năm trước đây, tôi đã có một cuộc trò chuyện với ông vào một buổi sáng mùa xuân trong ngôi nhà của ông. Cuộc nói chuyện ấy đề cập biết bao điều thú vị. Lúc đó, lần đầu tiên trong tôi hiện lên một Tố Hữu khác. Một Tố Hữu của một chút cô đơn, một chút mệt mỏi, một chút giày vò, một chút yếu đuối… Khi ra về, tôi dừng lại trong sân như tìm kiếm một cái gì thân thuộc đã rời xa đâu đấy. Chính tôi cũng không nhớ ngay được đó là cái gì. Nhưng rồi tôi cũng nhớ ra. Đó là cây táo trong thơ ông xưa kia. Không có một cây táo nào trong sân lúc đó. Bên chân tường là một số chậu cây, đất còn mới và cây còn non nớt. Tôi hỏi ông sao ông không trồng một cây táo. Ông không nói gì. Im lặng. Một cây táo nhiều quả ngọt và nhiều gai sắc mọc lên đâu đó trong tâm trí tôi. Tôi đã đọc những câu thơ đẹp về những quả táo chín, tôi đã nghe câu chuyện buồn về cây táo. Nhưng thời gian đã xoá đi mọi chuyện. Tôi chỉ biết lúc đó tôi đã ở trong ngôi nhà của ông mà mới hơn mười năm trước đó tôi không bao giờ nghĩ là mình có thể. Tôi đang đứng trước ông mà cũng hơn mười năm trước kể cả một ông Bộ trưởng cũng không phải lúc nào muốn gặp ông cũng được. Thời gian vô hình mà thật quyền uy. Thời gian nhân ái và cũng thật độc ác: lặng lẽ xoá đi tất cả những gì cần xoá, cân bằng lại tất cả những gì phải cân bằng và phục sinh tất cả những gì đáng được phục sinh.

Những năm cuối đời, thơ Tố Hữu buồn và cô đơn tuy ông vẫn gắng sức trong nhiều câu thơ để tìm lại không khí náo nức ngày xưa. Nhưng những câu thơ lúc đó đã không nghe theo ý muốn của ông. Nói cho chính xác, những câu thơ lúc đó sinh ra từ cá nhân một Tố Hữu đơn thuần là một con người đang đi những bước cuối cùng về nơi cát bụi. Ông là nhà thơ nhiều bạn đọc nhưng ít bạn bè. Khi ông nghỉ hưu, những người cần ông nhất thời không đến với ông nữa hoặc là rất ít. Những người yêu thơ ông vẫn mang mặc cảm trong lòng dù chỉ là mang máng: ông là một quan chức cao cấp. Ngay cả nhà thơ Phùng Quán, một người họ hàng của ông, cũng chỉ đến thăm ông khi ông trở về vị trí khởi đầu: Vị trí của một nhà thơ. Cuộc gặp gỡ này đã được báo Tiền Phong nhiều năm trước đây miêu tả. Với tôi, đấy là một cuộc gặp buồn của hai người họ hàng máu mủ, nhưng buồn hơn vạn lần là cuộc gặp của hai nhà thơ. Tại sao thi ca lại làm hai nhà thơ này chia cách? Vậy thì trong trường hợp này có gì đó lầm lẫn, thi ca lầm lẫn hay con người lầm lẫn? Hình như sau cuộc gặp đó, Tố Hữu và Phùng Quán chẳng bao giờ gặp nhau nữa. Chốn vĩnh hằng họ có gặp nhau không? Nếu họ gặp nhau, tôi tin cả hai không nói gì mà chỉ khóc. Cuối cùng thì cái chết và cõi vĩnh hằng cũng giúp họ hiểu ra tất cả và quên đi tất cả.

Tố Hữu có phải là nhà thơ cách mạng lớn nhất không? Tôi đặt ra câu hỏi này nhưng lại không cần phải trả lời. Tôi chỉ biết ông là nhà thơ có nhiều bạn đọc nhất trong thời đại của ông. Tôi chỉ biết rằng ông đã sinh ra đúng thời. Giọng nói của ông là giọng nói của thời đại ấy. Có hai người làm thơ sinh đúng thời nhất: Tố Hữu và Trần Đăng Khoa. Tôi không hiểu nếu những năm tháng này, Tố Hữu đang 20 tuổi trai trẻ và Trần Đăng Khoa đang 8 tuổi ấu thơ thì giọng nói của họ sẽ vang lên như thế nào. Họ có tài và họ sẽ làm thơ. Nhưng họ sẽ viết những câu thơ ra sao? Tôi luôn luôn nghĩ Tố Hữu là người nghệ sĩ nhân dân. Thơ ông là bài ca vui bất tận. Khi thơ ông bước vào cái tuổi sung sức nhất lại chính là lúc dân tộc Việt Nam sau bao năm làm thân phận nô lệ đã thành người tự do. Ai sống trong thời đại ấy cũng sẽ quên đi những nỗi buồn cá nhân để cất cao tiếng hát của mình trong bài ca độc lập của dân tộc. Trong niềm vui lớn lao của những năm tháng như những ngày hội lớn ấy, chỉ cần vỗ tay hay gõ hai cái thanh tre vào nhau chúng ta cũng có thể hát theo say đắm chứ cần chi đến một dàn nhạc lớn với những bản giao hưởng đồ sộ. Tố Hữu đã trở thành người lĩnh xướng trong dàn đồng ca ấy. Không ai vui như Tố Hữu, không ai đắm say như Tố Hữu và cũng không ai tin tưởng như Tố Hữu trong những năm tháng ấy. Theo tôi, ông là nhà thơ chân thành nhất và hiện thực nhất trong các nhà thơ cùng thời. Tôi nghe từ ngày còn rất trẻ một câu chuyện về việc nhà thơ Trần Đăng Khoa chữa thơ Tố Hữu. Trần Đăng Khoa nói câu thơ “Đường ta rộng thênh thang tám thước” phải viết là “Đường ta rộng thênh thang ta bước”. Nhiều người nghe chuyện chữa thơ đó thì trầm trồ thán phục cậu bé Khoa ngày ấy. Nhưng theo tôi, ngày ấy Trần Đăng Khoa còn quá nhỏ để hiểu con đường tám thước kia nó rộng đến nhường nào và hiện thực đến nhường nào. Ngày ấy, dân ta mới được độc lập, khát vọng của người dân gần trăm năm làm nô lệ thì một con trâu, một miếng ruộng, một gian nhà nhỏ quả là sự không tưởng bấy lâu nay của họ. Lúc đó chúng ta không thể hão huyền hứa cho họ cả một tòa lâu đài nguy nga hay những trang trại bát ngát. Cách mạng dù ở quốc gia nào cũng phải mang đến cho nhân dân những quyền lợi cụ thể chứ không phải là lời hứa gió mây. Bởi thế con đường tám thước là một hiện thực có lương tâm. Mặc dù cái số đo, số đếm trong thơ không phải số đo, số đếm của một kỹ sư cầu đường. Còn con đường thênh thang ta bước lúc ấy có nguy cơ rơi vào sự hão huyền vô tâm. Trần Đăng Khoa lúc ấy còn nhỏ quá, anh có khả năng thiên bẩm với ngôn ngữ, nhưng anh không biết chi về nỗi thống khổ của dân cày. Trái tim anh lúc đó là trái tim của một đứa trẻ, có thể buồn vui tự bản năng chứ làm sao có thể sưng tấy bởi đau buồn những nỗi nhân gian.

Nhưng khi niềm vui ngây ngất của độc lập đã trở nên bình lặng hơn và chúng ta phải đương đầu với những thách thức mới thì tôi cảm thấy giọng thơ của Tố Hữu nhiều lúc trở nên lúng túng. Lúc đó, ông vẫn say đắm hát ca như thuở ban đầu trong khi nhiều trái tim của những người quanh ông đã có những nỗi buồn nhân thế. Những năm cuối đời, giọng thơ Tố Hữu càng buồn bã hơn và pha cả sự cay đắng trong khi xã hội ngày càng giàu có hơn, văn minh hơn và dân chủ hơn. Bởi có lẽ lúc đó, Tố Hữu mới có thời gian để suy ngẫm về kiếp người nhiều hơn bao giờ hết. Đời ông có quá nhiều quan hệ bởi ông đã từng giữ những chức vụ quan trọng. Có lần ông thú thực rằng có những bài thơ của ông không hay mà nhiều người cứ viết khen đến ngượng.

Tố Hữu bắt đầu cô đơn từ khi nào? Thật khó mà biết được. Nhưng dựa theo “lý lịch của những văn bản” thì ông hình như chỉ bắt đầu cảm thấy cô đơn sau khi nghỉ hưu. Nhiều bài thơ ông viết trong thời gian đó không còn hay như trước nữa nhưng buồn. Đấy là một thay đổi rất khác biệt trong thơ ông. Những câu thơ buồn và phảng phất hoang mang chính là một cuộc “cách mạng” của tâm hồn ông. Tôi thấy hiện lên những năm tháng ấy trong những đêm khuya khoắt của Hà Nội một nhà thơ già khó ngủ vì tuổi tác và cả nỗi ưu phiền nào đấy. Ông ngồi một mình trong đêm trong ánh sáng một ngọn đèn đơn độc mà ông đã viết trong thơ. Không còn chuông điện thoại của các ngành các bộ gọi tới, không còn phải đọc những công văn giấy tờ quan trọng, không còn những cuộc đi thăm địa phương này, trung tâm nọ; không còn phải dự hội nghị này, hội thảo kia, không còn kẻ nhờ việc này, người xin việc nọ… Trong một cuộc hội thảo, ông nói với người chủ tọa rằng quy định mỗi người chỉ phát biểu năm phút nhưng hãy cho ông thêm hai phút nữa. Người chủ tọa trẻ cười và nói ông được nói thêm năm phút chứ không phải là hai. Lúc đó, tôi thấy ông đã khác xưa nhiều quá. Lòng tôi chợt se se một nỗi thương cảm. Ông đã bắt đầu suy ngẫm về uy quyền của thời gian và về chính bản thân ông. Ông từng là một quyền uy nhưng với thời gian thì ông hay bất cứ sinh linh nào sống trên mặt đất này cũng chỉ là một hạt bụi. Ông là một nhà thơ nhưng không đủ sức sống một mình trong im lặng. Ông là một nghệ sĩ hát lên niềm vui của số đông nhưng lại không đủ sức hát về số phận của riêng mình. Khi bước vào tuổi tám mươi, ông mới thốt lên trong một hội nghị: Đến giờ tôi thừa nhận câu nói Bài ca hay nhất là bài ca tuyệt vọng là một chân lý để nói về nghệ thuật. Nhưng theo tôi, ông đâu phải là người tuyệt vọng. Ông chỉ là một người mang nỗi “cô đơn xã hội”. Đây là cụm từ của tôi nhằm nói về nỗi cô đơn của một con người thấy vắng vẻ bạn bè, vắng vẻ người giao tiếp, vắng vẻ những quan hệ hành chính. Còn nỗi cô đơn thi sĩ, theo tôi, ông vẫn chưa kịp chạm tới. Nỗi cô đơn ấy là nỗi cô đơn ngay trong chính đám đông, trong chính sự giàu có và quyền lực, trong chính sự tôn vinh và khiếp sợ của vạn người. Nhưng bây giờ thì tôi tin chắc ông đã hiểu khi ông đã thành một hư vô trong thế giới hư vô. Ở nơi chốn ấy, mọi linh hồn đều được thấu hiểu.
Hồi tôi còn trẻ, tôi đã nhiều lần rủ một người bạn đạp xe trên đường phố nơi có ngôi nhà của ông để nhìn vào ngôi nhà ấy. Khi đến gần nhà ông, tôi đạp xe rất chậm và sát vào lề đường, mắt rướn lên nhìn vào bên trong với hy vọng một lúc nào đó bất chợt nhìn thấy ông, người mà bố mẹ và anh chị tôi và tôi rất ngưỡng mộ. Nhưng tôi không một lần nào nhìn thấy. Ngôi nhà lớn của ông được bao bởi bức tường cao đầy uy nghi cùng với những người lính gác nghiêm nghị nhìn chúng tôi. Tôi kể chuyện ấy cho anh tôi nghe, anh tôi liền đe lần sau không được làm như thế nữa. Tôi cười vì nỗi sợ vu vơ của anh. Anh tôi là người hay sợ những nỗi sợ vu vơ. Bây giờ đã 65 tuổi, anh tôi vẫn hay sợ như thế. Vào những năm cuối đời ông, có những đêm đi chơi khuya về qua nhà ông, tôi thấy ngôi nhà im lìm. Không có ai gác ở đấy nữa. Mặc dù những năm tháng gần đây tôi càng thấy những bài thơ của ông tôi vốn yêu thích mỗi ngày càng trở nên xa cách với tôi. Một sự xa cách mà tôi không muốn nhưng không làm sao cưỡng lại. Nhưng tôi vẫn dừng lại bên kia đường nhìn về phía ngôi nhà ông ở. Tôi hình dung trong im lặng của ngôi nhà trong đêm Hà Nội về khuya, trong một căn phòng trống vắng, bên một ngọn đèn nhỏ, ông vẫn thức, không phải để viết về những quả táo lung linh, về những niềm vui náo nức… mà về nỗi cô đơn nào đấy mà ông chỉ mới vừa nhận thấy. Những đêm như thế, tôi cứ nghĩ rằng ông đã bị bỏ quên ngay giữa đám đông quen thuộc. Tôi không thể đến gõ cửa nhà ông như từng làm ở nhà một vài người bạn. Tôi muốn chia sẻ với ông nhưng những mặc cảm về một khoảng cách xã hội nào đó giữa tôi và ông vẫn mơ hồ tồn tại đâu đó trong tôi cũng như trong nhiều người khác như một nguyên tắc và như một nỗi sợ mơ hồ. Tôi đứng đó một hồi lâu rồi khẽ thở dài và nhích ga. Chiếc xe máy đưa tôi từ từ rời xa ngôi nhà của ông. Ngôi nhà dần dần chìm vào trong bóng tối và những vòm cây cổ thụ bên phố và ngọn đèn cô đơn mà ông đã từng viết trong một số bài thơ cuối đời của một nhà thơ một thời tôi yêu tắt dần trong lặng lẽ.

N.Q.T

(Nguồn: Lethieunhon.com)

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder