Nhân chuyện có những “lang y” con cháu Hoa Đà sang hành nghề chui ở ta VHP xin đăng một truyện vui mà khó cười được của cụ Ngô Tất Tố.
Thì ra họ dùng toàn ngón “bịp”, bịp bằng quảng cáo nói một cách vô liêm sỉ, bịp bằng cửa hàng đồ sộ, bịp bằng lọ thuốc, hộp thuốc chế theo kiểu Tây, bịp bằng lời nói khôn khéo quến rũ người bệnh. Mỗi lần họ bịp, ấy là mỗi mạng người chết. Chung quanh lưỡi dao cầu, bánh xe thuyền tán của họ, “đống xương vô tội đã cao bằng đầu…”
Nhân chuyện có những “lang y” con cháu Hoa Đà sang hành nghề chui ở ta VHP xin đăng một truyện vui mà khó cười được của cụ Ngô Tất Tố.
Thì ra họ dùng toàn ngón “bịp”, bịp bằng quảng cáo nói một cách vô liêm sỉ, bịp bằng cửa hàng đồ sộ, bịp bằng lọ thuốc, hộp thuốc chế theo kiểu Tây, bịp bằng lời nói khôn khéo quến rũ người bệnh. Mỗi lần họ bịp, ấy là mỗi mạng người chết. Chung quanh lưỡi dao cầu, bánh xe thuyền tán của họ, “đống xương vô tội đã cao bằng đầu…”
Hôm sau bệnh tôi đã khỏi, mới đến thăm bạn thì anh Xuân vẫn cứ bồ hôi ướt đầm, chân tay vật vã không lúc nào yên. ông bà hơi sợ, lại cho mời ông lang đến. Theo lệ, cụ lang ra bộ trầm tĩnh nắm vào cổ tay bệnh nhân, rồi bảo nhà chủ:
– Mạch cậu ta đã bớt nhiều lắm rồi đấy, còn cái bồ hôi thì không ngại gì, tôi cho uống một thang “Ngọc bình phong” là khỏi.
Ngài lại ngoảnh vào mặt tôi và tiếp: – Chắc là thầy cũng không biết thuốc “Ngọc bình phong” là thuốc cầm bồ hôi rất diệu. Nó chỉ có ba vị hoàng kỳ, phòng phong, cam thảo mà thôi, nhưng hay lắm, hay vì hoàng kỳ dùng với phòng phong:
Thánh nhân dạy rằng:
“Hoàng kỳ úy phòng phong, đắc phòng phong kỳ lực dũ đại” nghĩa là hoàng kỳ thì sợ phòng phong, mà được phòng phong thì sức nó càng lớn. Thầy tính tôi có nhớ sách không? Nếu làm thuốc mà không nhớ sách thì giết người ta đấy”.Rồi cụ lang mới sai lấy giấy kê đơn. Bấy giờ tôi cũng phục sách, tin rằng anh Xuân uống thang thuốc ấy sẽ khỏi. Chẳng ngờ anh ta rủi quá, không chịu theo sách mà ốm thành ra thuốc tuy cắt vào sách mà bệnh vẫn không chuyển, bồ hôi vẫn ra, nước vẫn khát, lưỡi sắp đổi ra màu đen và khô như ngói. Cái lo của cha mẹ cũng theo cái bệnh của con mà tăng lên, ông bà bàn nhau đổi tay, sai người mời thầy lang khác.
Thăm bệnh, thăm mạch xong rồi cụ lang này phải giữ đúng “luật” thầy lang, mắng luôn cụ lang trước không biết làm thuốc, bệnh là bệnh âm hư mà dám dùng những tứ tô, phòng phong, láo quá. Rồi cụ kê cho một cái đơn cụ gọi là bài lục vị, cụ dặn ba thang thì khỏi. Người nhà theo đúng lời cụ. Uống hết thang thứ nhất, chẳng biết thuốc trúng bệnh hay anh Xuân đã hết bồ hôi mà không thấy bồ hôi nữa, nước cũng đỡ khát nhưng lưỡi lại đen thêm, và cả ngày nằm lá bì không cựa. Đến thang thứ hai thì các chứng cũ vẫn nguyên, lại phát thêm chứng đầy, nhưng người nhà vẫn tưởng là bớt. Uống thang thứ ba thì bụng phát trướng, trước còn bí tiểu tiện, sau rồi bí cả đại tiện. Bấy giờ ông bà đã rối như canh hẹ, mới thải cụ lang ấy, đồng thời rước hai cụ lang khác. Cái lệ cụ lang đến sau vẫn phải công kích cụ lang chữa trước là cố nhiên rồi. Hai cụ này cũng không đồng ý kiến với nhau. Cụ thứ nhất bảo bệnh nhân mạch trầm vi, đó là hỏa suy, dương hư, theo như sách Phùng thị đã dạy, phải dùng Bát vị xung sâm, mà phải có quế thật tốt mới được.
Cụ thứ hai nói cả hai tay mạch đều khẩn thực, nó là nhiệt tà uất kết, phải hạ mới khỏi. ấy mưới rầy, cùng một cái phập phồng ở mạch máu, mà một cụ gọi là trầm vi một cụ gọi là khẩn thực, chính cái tay của người có bệnh lại không biết cãi, thì biết nghe ai bây giờ. Thế nhưng hai cụ vẫn cứ cãi nhau, cụ thứ hai bảo uống sâm quế thì chết, cụ thứ nhất bảo hạ thì không gỡ được. Rút cục, cụ thứ nhất thắng, vì đã nói đến sách Phùng thị, thứ sách mà nhà chủ nói là môn vương đạo. Vả lại, thuốc có sâm quế, nhiều vị trọng, khiến cho người nhà dễ tin. Uống một thang, chỉ thấy hai mắt đỏ ngầu, còn các chứng vẫn đâu đóng đấy. Uống một thang nữa, đại tiện vẫn bí như trước, lại thêm được chứng nói mê nói sảng, hơi thở cực to và mau. ông bà lúc này mới tin lời cụ lang thứ hai hôm nọ nói phải, lật đật sai người đi rước cụ đến. Đắc thế, cụ mắng chủ nhà, cụ mắng các bạn đồng nghiệp, tưởng như khí tức sắp bốc lên tận mây xanh. Nhà chủ nằn nì mãi, cụ mới hơi dịu nét mặt và rung đùi nói mát:
– Tôi kệ bài tiểu thừa khí mà dùng năm đồng phác tiêu, ba đồng đại hoàng, ông bà có bằng lòng không?
Nhà chủ lúc ấy chỉ một mực nâng cụ lên bậc cứu dân độ thế mà xin cụ cứu cho con mình, chứ còn dám nói gì nữa. Thuốc sắc rồi, anh Xuân không còn đủ sức mà húp, người ta phải lấy thìa mà đổ vào miệng cho anh. Hay lắm!
Thuốc đi khỏi họng độ ba tiếng đồng hồ, bụng anh Xuân thấy réo ầm ầm, rồi thì đại tiện cứ ra, trướng bớt, thở bớt.
Nhưng từ đó thì anh hóa ra người trống tràng, đại tiện cứ tự do mà chảy ra nhiều. Cụ lang xoay xỏa hết ba thang thuốc, mà cái quái vật ấy không nể mặt cụ, nó cứ luôn luôn tìm đường đi ra. Anh Xuân thì da thịt đã tiêu tan đi hết, trong bụng lại thấy đau. Ông bà hồn vía chẳng còn, không biết lấy thuốc đâu cho con. Nhân có người bạn đọc cái quảng cáo của dược phòng nọ, thấy nói ông chủ dược phòng giỏi lắm, chứng gì cũng chữa được hết, ông bà tức tốc cho mời đến ngay. Nắn cổ tay, sờ bụng, thấy nói đau bụng, ông chủ dược phòng bảo luôn là đau dạ dày phòng tích, không cần phải uống thuốc chén, chỉ dùng vài chục ve thuốc chữa dạ dày của mình là khỏi. ông bà nóng ruột, thấy nói sao thì vơ lấy vậy, sai ngay tôi đến dược phòng ấy mua 20 ve một lúc.
Tôi ngờ quá, trước khi cho anh Xuân uống, tôi hãy nếm thử, thấy nó mằn mặn như vị thuốc muối bicarbonate de soude, chua chua như vị sơn trà, thơm thơm như vị mạch nha, ngòn ngọt như vị cam thảo, thả vào nước thì nó vàng lòe như sắc hoàng liên. Anh uống hết ba ve, bệnh tình vẫn không giảm chút nào, nghĩa là đại tiện mãi không cầm được, mà người thì cực kỳ suy nhược. Lại vì một cái quảng cáo khác, ông bà cho mời một ông chủ y quán khác cứu cho con mình. ông này cả quyết là không việc gì, chỉ uống một liều thuốc viên là khỏi, nhưng thuốc đắt lắm, một đồng hai viên, một liều năm viên. Con như thế ai còn tiếc tiền, một đồng một viên chứ 10 đồng một viên, ông bà cũng lấy. Lấy thuốc về, tôi lại nhấm thử, thì toàn là xái thuốc phiện, anh Xuân uống hết năm viên thì đại tiện cầm hẳn, nhưng bụng lại trướng lên bằng cái trống. Thế rồi sau một ngày nữa bạn tôi tắt nghỉ. Thương hại thay! Tôi với bạn cùng chung một bệnh, kẻ không uống thuốc thì khỏi, một kẻ từng trải năm sáu ông lang, tống vào bụng bao nhiêu thứ thuốc thì phải bỏ cha bỏ mẹ mà đi…
Ai giết anh Xuân? Hẳn là những ông “cứu thế độ dân” ấy. Cái chết của anh Xuân đã định cho tôi một câu kết luận về bọn “dao cầu thuyền tán” hiện thời. Tôi kết luận rằng: vô số ông chủ của vô số “dao cầu thuyền tán” kia, họ chỉ cần có người ốm để bán thuốc, chứ họ không cần chữa bệnh, trái lại họ lại có tài làm cho bệnh lớn ra. Ai uống thuốc của họ mà khỏi, chỉ là sự ngẫu nhiên. Thế nhưng làm sao họ vẫn sống, sống một cách phát đạt? Trong lúc kinh tế khủng hoảng này, buôn bán nghề gì cũng bị thua lỗ, duá có những kẻ mở hàng thuốc thì đều “tấy” cả, “tấy” một cách không ai ngờ. Một kẻ kiết xác đóng vai ông lang trong vài năm, đã thấy họ có tiền mua nhà, mua đất, tậu ô tô, dấn vốn có hàng nghìn hàng vạn. Thì ra họ dùng toàn ngón “bịp”, bịp bằng quảng cáo nói một cách vô liêm sỉ, bịp bằng cửa hàng đồ sộ, bịp bằng lọ thuốc, hộp thuốc chế theo kiểu Tây, bịp bằng lời nói khôn khéo quến rũ người bệnh. Mỗi lần họ bịp, ấy là mỗi mạng người chết. Chung quanh lưỡi dao cầu, bánh xe thuyền tán của họ, “đống xương vô tội đã cao bằng đầu…”
N.T.T