1. Năng lượng của chữ
Quan sát văn xuôi Việt Nam những năm gần đây, các sáng tác hư cấu (fiction) đang rơi vào tình trạng mất giá, như chiếc xe không tải lao xuống dốc. Một vài tác phẩm có khả năng cưỡng chống lại sự mất đà đó thì lại không được ra đời một cách chính danh như trường hợp “Mối Chúa” (Tạ Duy Anh) hay “Kiến, chuột và ruồi” (Nguyễn Quang Lập).
Tại sao lại có tình trạng này? Lý do chính vẫn thuộc về tài năng và ý thức dấn thân của mỗi người viết. Với một đất nước đang có những biến động dữ dội vô cùng phức tạp, cùng những hiểm họa khó lường, hiện trạng tinh thần xã hội xáo trộn, bất an…lẽ ra giới nhà văn phải là người cảm nhận cho hết và biểu đạt cho tốt hiện trạng này như cần phải vậy. Nhưng không, không có mối quan tâm tha thiết, không có nỗi đồng cảm sâu, không có những bi phẫn lớn, nên chỉ viết ra toàn những thứ nhợt nhạt, vu vơ, không đâu, bóng gió xa xôi, không thỏa mãn những truy cầu chính đáng của bạn đọc, không bám được vào ký ức của công chúng tiếp nhận.
Cho nên, như một sự đổi ngôi, văn xuôi phi hư cấu (non – fiction) đã và đang đảm đương tốt hơn nhu cầu biểu đạt hiện thể xã hội bằng sự đa dạng hình thức nghệ thuật.
“Phố Hoài”, nhìn như một tiểu thuyết, thì cái phần hư cấu như một phương thức biểu đạt bao trùm cần thiết đã nhường cho phần kể chuyện, nghiêng về phía biểu đạt phi hư cấu nhiều hơn. Bám sát hiện thực đời sống, lấy việc kể lại hiện thực ấy sao cho chân thực nhất làm phương châm xuyên suốt, Trần Thị Trường đã cung cấp cho chữ một năng lượng đủ để kéo người đọc vào câu chuyện của mình. Phải nói rằng, tính chất truyện kể là đặc điểm nổi trội, bao trùm toàn bộ tác phẩm của Trần Thị Trường.
Tác phẩm “Phố Hoài” là một tập hợp hàng loạt các câu chuyện nhỏ tương ứng với các kiểu nhân vật, mỗi nhân vật có một hoàn cảnh, số phận, phẩm giá khác nhau. Có lẽ tác giả ưu tiên vào mấy mối quan hệ nhân vật này: Nam và Thanh, Hằng và bà Tuyên, A Hòa và Liên, Quyết và Bích; ngoài ra thấp thoáng các mối quan hệ khác mà từ các quan hệ chính trên kia tỏa đi, bắt rễ vào: ông bà Ký (bố mẹ của Nam), Hùng và Thúy; Thanh và Thảo, Hằng và Thụy Mai; Hoàng, Toán, Đắc, Thành Nguyễn…Các mối quan hệ này cơ bản thuộc về đời sống chúng sinh, thường nhật, nằm ngoài các quan hệ hành chính, thể chế.
Xét về cấu trúc tự sự, các mối quan hệ nhân vật khá lỏng lẻo, ít va đập, không nhiều cộng hưởng, không nhiều xung lực đối thoại, bởi muốn đối thoại phải có sự chung sống của những cái khác biệt. Trong khi đó các nhân vật ở đây về cơ bản là đồng dạng, cùng chung một mô hình: những kẻ tài hoa, thanh lịch, cao quý bị chấn thương bởi một xã hội dung tục và thô bạo, cho dù có cố ý hay không. Đây là điểm hơi đáng tiếc của tiểu thuyết này. Nó tạo nên một cấu trúc nghĩa dẹt, sáng rõ, dễ nhận biết, ít tính gây hấn, ít được “mờ hóa”. Nó chưa đủ mạnh về phẩm tính tiểu thuyết để tạo ra những biểu tượng nghệ thuật có sức khái quát lớn, gợi nghĩa, chất chứa tiềm năng nghĩa. Vì thế, tác phẩm bị giảm khả năng ám thị độc giả. Nó là một cấu trúc nghĩa đã được biết trước, ổn định, ít tính tương tác, tạo sinh.
Nếu đối chiếu với con người tiểu sử tác giả, toàn bộ cái viết trong “Phố Hoài” về cơ bản tương ứng với những gì mà tác giả đã nếm trải, từ cái khung không – thời gian đời người và xã hội, từ thế giới nhân vật cho đến các câu chuyện được kể, thậm chí cả những mảnh tiểu sử có thật về một số nhân vật ngoài đời mà tác giả không ngần ngại giữ nguyên danh tính. Nhà văn Trần Thị Trường đã đem những mảng sống chân thực mà chị từng can dự, trải nghiệm hồi cố vào trang viết. Nếu cứ phải nhất thiết định danh cho tác phẩm này, có thể mạo muội gọi “Phố Hoài” là một kiểu “tiểu thuyết trải nghiệm”, nghĩa là viết về những cái mà chủ thể tác giả đã từng sống trải, nếm trải, thuộc về thì quá khứ từ điểm nhìn hôm nay.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, trong một bối cảnh văn xuôi hư cấu đang bị hụt hơi, thì những tác phẩm viết theo cách “thật thà” (chữ dùng của nhà văn Nguyễn Quang Lập) như “Phố Hoài” lại tạo ra được năng lượng chữ, đem đến cảm giác chân thực, tin cậy, đồng cảm cho người đọc. Nói như Phạm Thị Hoài về văn xuôi Việt Nam trong bối cảnh khoảng chục năm nay, rằng hư cấu xách dép cho hiện thực. Nếu xét đường dài, chưa dám tiên đoán sức sống của tiểu thuyết, nhưng xét ở thì hiện tại, bây giờ, “Phố Hoài” đã gây được chú ý đối với người đọc, kể cả những người khó tính.
2. Một Hà Nội hào hoa
Tôi nhớ có lần nhà văn Nguyên Ngọc nói cái ý về Hà Nội rằng: Hà Nội đẹp đến nỗi nó bị phá thế mà vẫn còn đẹp!
Hà Nội đẹp trong cảnh quan, trong trầm tích lịch sử và văn hóa, trong những con người Hà Nội thứ thiệt, làm nên một “chất Hà Nội”, phẩm tính riêng của Hà Nội. Những biến dạng, phôi pha đây đó của Hà Nội hôm nay không thể nào xóa nổi một chất “Hà Nội bất hoại” đã được hun đúc từ nghìn xưa, thậm chí xa hơn thế. Trong “Phố Hoài”, nhà văn đã muốn biểu đạt mạnh mẽ điều này. Hà Nội vẫn cứ đẹp đẽ, thanh lịch, hào hoa ngay cả trong khi đời sống đau thương và bát nháo, không gì có thể xóa nổi, vấy bẩn; không gì có thể làm cho đổi khác.
Thế giới nhân vật của Trần Thị Trường tập trung chủ yếu vào hai kiểu người: những thị dân và những người nghệ sĩ, trí thức. Cho dù khác nhau về nghề nghiệp, tính cách, địa vị xã hội, hoàn cảnh sống, nhưng cả hai đều chung phẩm chất yêu cái đẹp, tài hoa, sự ngay thẳng và lòng bác ái. Họ không mạnh về phản kháng. Thậm chí, xét về khía cạnh nào đó, họ còn là những người nhẫn nhịn, khuất phục. Nhưng trong thẳm sâu, những con người đó lại có sức đề kháng văn hóa rất mạnh, đủ để chống lại nguy cơ tập nhiễm những thứ lai căng, dung tục, thô lậu của đời sống bên ngoài.
Những nhân vật ấy thuộc lớp người tinh hoa Hà Nội, làm nên vẻ đẹp và sức sống của Hà Nội phố.
Các nhân vật của “Phố Hoài”, với nhiều tình huống khác nhau, đều lâm vào tình trạng bị xúc phạm, bị tước đoạt quyền hưởng thụ, biểu đạt cái đẹp thuộc về văn chương, nghệ thuật, văn hóa. Họ bị vào tù khi hát những bài hát gọi là “nhạc vàng”. Họ bị coi là đáng khả nghi và cảnh giác khi đọc và dịch sách nước ngoài. Họ bị lên bờ xuống ruộng với các nhà quản lý khi chụp ảnh nghệ thuật khỏa thân (nude). Họ bị coi là bất chính khi thưởng thức nhạc của Beethoven, Mozart, Rachmaninoff… Họ bị vấy bẩn và xúc phạm bởi những kẻ nhân danh công quyền hách dịch và ngu tối. Có nhân vật thuộc tín đồ Công giáo muốn giữ trọn đạo chân tu một cách thanh sạch, cao quý mà cũng bị nghi ngờ, bị hành cho khốn khổ.
Thế nhưng, cho dù họ bị xúc phạm, bị đầy đọa, dập vùi, tất cả vẫn vượt lên tình cảnh thực tại, vẫn nghe, vẫn đọc, dịch, viết, vẽ, vẫn trọn đạo, vẫn giữ những giá trị cao quý mà họ hằng theo đuổi, tôn thờ. Nhà văn đã khẳng quyết quyền uy và sức sống của Cái Đẹp.
Tôi muốn nói thêm điều này, thì ra ngoài đời, tác giả của “Phố Hoài” là người theo Công giáo chân truyền. Trong suốt tác phẩm, thỉnh thoảng Trần Thị Trường lại trở về với một nhân vật, chi tiết, khung cảnh, một cách nói nào đó liên quan đến tôn giáo mà chị thuộc về. Tác giả cho ta thấy có một tôn giáo đã từng bị định kiến, bị hiểu sai, bị thua thiệt, bị hứng chịu biết bao hệ lụy, thậm chí cho đến bây giờ chưa phải đã hết… Cách miêu tả của nhà văn mang một nhiệt hứng khẳng định những người công giáo là những công dân tử tế, có trách nhiệm với cộng đồng, đất nước; họ là những trí thức chân chính, giàu khát vọng sáng tạo và cống hiến, họ là những con người với những giá trị nhân tính phổ quát. Ngày hôm nay, trong quan sát của tôi, nhiều chuyện đáng sợ, vô pháp nhất lại xảy ra trong cộng đồng những người đã từng được gọi là “bên lương” (so với “bên đạo”), mà phần lớn không theo tôn giáo nào, hoặc theo Phật giáo dân gian một cách nông nổi, lệch lạc. Tác phẩm của Trần Thị Trường thể hiện những điều này như một ngụ ý nhiều day dứt.
Trong tác phẩm, nhà văn đã gom góp những mảnh đời nhỏ bé, những thân phận bị bầm dập, oan khuất, trao cho họ một sức sống, một vẻ đẹp làm người, cụ thể hơn – người Hà Nội. Đó là chất hào hoa của người Hà Nội, là sắc màu, âm hưởng Hà Nội, tất cả làm nên một không gian Hà Nội vừa sống động đổi thay, vừa bất biến trường tồn.
Chất hào hoa trước nhất phải là phẩm chất tài hoa, những người có tài và có khả năng tỏ cái tài ra trước người khác, trước cộng đồng. Nhưng cái tài hoa đó lại cộng thêm chất lãng mạn, niềm kiêu hãnh thầm lặng, sự vô tư phi vụ lợi, niềm khao khát được cống hiến… thì đó mới chính là sự hào hoa. Tài hoa thuộc về cá nhân. Hào hoa thuộc phẩm tính cộng đồng.
Trong văn chương của ta từ sau 1945 đến nay, Hà Nội được quan sát và biểu đạt chủ yếu về cái “hào hùng”, tức là những trận đánh, và chiến thắng với kích cỡ lớn. Cái “hào hoa” tuy có được nhắc đến nhưng vẫn nằm trong sự chi phối của cái hào hùng, bị cái hào hùng lấn át.
Những năm gần đây, chất ‘hào hoa” mới được quan tâm, biểu đạt trong cự ly gần, được là chính nó: chất hào hoa của cuộc sống thường ngày giản dị mà nhã lịch. “Phố Hoài” của Trần Thị Trường đi theo lối biểu đạt này. Một khi chất hào hoa thấm vào cuộc sống thường nhật, tự nó đã nói lên sức sống bền bỉ, khả năng bảo toàn cao nhất của một hào hoa Hà Nội trường tồn, bất hoại.
3. Một lối viết nữ khác biệt
Điều gây nên sức hút của cuốn sách này, ngoài những điều vừa nói ở trên, có lẽ còn nằm ở lối viết nữ, tức là lối viết mang dấu ấn chủ thể diễn ngôn thuộc về người nữ với tất cả ưu thế và giới hạn của nó.
Đọc vào “Phố Hoài”, người đọc bị cuốn theo những sự vụ, chi tiết muôn mặt của đời sống sinh hoạt thường ngày. Nhà văn kể say sưa, bất tận đủ thứ chuyện, từ chuyện vĩ mô tới chuyện vi mô, từ chuyện buồng ngủ đến chuyện tòa soạn, từ chuyện thời bình sang chuyện chiến tranh, từ chuyện trong nước ra chuyện ngoài nước, từ chuyện cải tạo sang chuyện vượt biên, từ chuyện chính trị đến chuyện tôn giáo… Nghĩa là búa xua, như một kẻ “lắm chuyện”, muốn kể, say sưa kể, không kể ra thì tiếc, không kể ra kẻo bị quên. Các câu chuyện gợi nhắc đến một không gian và một thời gian đủ rộng dài, cho phép người đọc cảm nhận được về bối cảnh thời cuộc trong quá khứ. Tuy nhiên, đôi khi nó cũng đưa lại cảm giác người viết tham lam, thiếu tiết chế, ham “kể đời sống” mà sao nhãng “dựng đời sống”. May mà tác giả vẫn là người “mặn chuyện”, kể chuyện không chán, một người kể dễ chịu, có duyên, khéo tạo ra nhiều trường đoạn thú vị, cuốn hút.
Điểm nữa, đúng như nhà nghiên cứu, nhà văn Phạm Toàn nhận xét (trong lời phi lộ đầu sách) rằng đọc “Phố Hoài” “thương lắm”, các nhân vật “người nào cũng hiền”. Quả là, trong suốt tác phẩm, Trần Thị Trường chỉ toàn nói về những chuyện yêu thương, yêu và thương, yêu mà thương, thương nên yêu, hoặc thương thôi. Thương yêu là một phẩm tính mà bất cứ người nghệ sĩ chân chính nào cũng có, tuy nhiên tương quan và mức độ ở mỗi người mỗi khác. Về điểm này, Trần Thị Trường có vẻ khác chút: vốn bản tâm đã sẵn yêu thương, lại được tinh thần bác ái Thiên chúa giáo đắp bồi từ tấm bé, nên nỗi yêu thương của chị bao giờ cũng đi kèm lòng vị tha, nhân từ, tuyệt đối vắng bóng ý niệm thù ghét, khinh khi, vùi dập. Các nhân vật của chị tuy cảnh ngộ khác nhau, tai ương khác nhau, nhưng bao giờ cũng giữ được bản tâm thiện lương, yêu thương, chở che, tha thứ…
Cũng vì yêu thương, không muốn làm cho người khác khổ, không muốn thấy nhân vật của mình khổ, nên ngay cả đối với nhân vật Bích, một nhân vật duy nhất được miêu tả theo cách “phản diện” (tiêu biểu cho cái xảo trá, thực dụng), tác giả đã để cho người kể chuyện không nỡ giày vò nhân vật, xử lý nhân vật bằng một giải pháp “ác giả ác báo” gọn ghẽ ở phần cuối truyện: bị an ninh tóm sống tại sân bay trước khi tẩu thoát (cùng với nhân vật Tùng). Đọc đến chỗ này, tôi không thể không tủm tỉm cười thầm về cái cách xử lý đơn giản của người viết, nhà văn đã bị dẫn dắt bởi cảm quan đạo đức, không ngần ngại xuất hiện như một vị quan tòa.
Có người vân vi, hoặc tán ra cái tên tác phẩm: “Phố Hoài”, mà “Hoài” lại mặc định viết hoa, thành tên riêng, có ý nhấn mạnh tu từ. Nhớ phố, phố của nỗi nhớ, phố của ngày xưa, của một thời chưa xa, thậm chí vẫn rất mới đây thôi, vẫn còn nhiều dây dưa, hệ lụy, mới trong ký ức. Hoặc là “nhớ khổ” (chữ dùng của Tạ Duy Anh), để rồi kể khổ. “Hoài” là một danh từ xác định, hoặc bị tính từ hóa, gợi lên trạng thái nỗi nhớ dài lên mãi, không thôi, âm vọng, thao thức…Tôi cho rằng tác giả muốn gửi gắm tất cả những nét nghĩa đó vào trong tên tác phẩm, một cái tên rất ngọt, gợi, hơi điệu bộ làm duyên, nghĩa là rất…đàn bà, một lối viết nữ.
Thì ra nguyên do nằm ở chỗ này: nữ nhà văn sống rất mạnh bằng cảm xúc yêu thương, mà chỉ có yêu thương mới làm nên nỗi nhớ; không yêu thương, hoặc dửng dưng vô cảm, hoặc thù ghét thì chẳng bao giờ làm nên nỗi nhớ, chẳng bao giờ muốn nhớ. Nhớ là dấu chỉ của yêu thương.
Bởi thế, “Phố Hoài” là tiếng của yêu thương miên man cất thành lời.
Hà Nội mùa Covid 19 (tháng 2/2020)
VG