Kiến trúc sư, Nhà thơ Minh Trí
Trại sáng tác Tam Đảo 2018 do Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng kết hợp với Nhà sáng tác Tam Đảo được tổ chức trong thời gian 15 ngày từ 15/3 đến 29/3/2018. Có 15 văn nghệ sĩ Hải Phòng tham gia trại sáng tác ở các chuyên ngành: Văn học, Âm Nhạc, Kiến trúc, Điện ảnh Truyền hình, Nhiếp ảnh, Sân khấu, Mỹ thuật, Múa, Văn nghệ dân gian. Trong 15 ngày diễn ra trại sáng tác, các văn nghệ sĩ Hải Phòng đã đi thực tế tại một số địa danh ở tỉnh Vĩnh Phúc, thành phố Vĩnh Yên, thị trấn Xuân Hòa, hồ Đại Lải, đặc biệt là các điểm tham quan văn hóa, lịch sử, kiến trúc, tâm linh, du lịch, phong cảnh… tại thị trấn Tam Đảo. Các văn nghệ sĩ Hải Phòng cũng đã giao lưu với một số văn nghệ sĩ các tỉnh thành bạn bè, như: Nhà thơ Nguyễn Ngọc Tung- nguyên Chủ tịch Hội VHNT Vĩnh Phúc, Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh- Chủ tịch Hội VHNT Thái Nguyên, Tổng Biên tập Báo Văn nghệ Thái Nguyên, ông Trần Ngọc Khởi- Giám đốc NST Tam Đảo, ông Đỗ Quảng Chung- Phó Giám đốc NST Tam Đảo, Nhà thơ Hải Thanh- Chủ tịch Hội VHNT Vĩnh Phúc; Đại tá Nhà văn Vũ Hải Đăng- Chi hội phó Chi hội văn xuôi Hội VHNT Vĩnh Phúc; Nhạc sĩ Lại Thế Cường- hội viên Hội Âm nhạc Việt Nam, hội viên Hội VHNT Vĩnh Phúc…
Đây là trại đầu tiên trong năm 2018 của Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng và cũng là trại đầu tiên của Nhà sáng tác Tam Đảo trong năm 2018, vì thế ngay từ hôm khai mạc, BTC đã có ý thức thông tin về việc đổi mới cách làm việc tới các trại viên. Ngoài ngày khai mạc 15/3 và ngày tổng kết bế mạc 29/3; Trại đã tổ chức 3 đợt sơ kết vào các ngày 18/3; 23/3 và 26/3. Các buổi sơ kết là dịp để các trại viên nhìn lại quá trình sáng tác của mình, trình bày tác phẩm mới, trao đổi kinh nghiệm, giao lưu với lãnh đạo và cán bộ Nhà sáng tác, qua đó phấn đấu hơn nữa trong sáng tạo nghệ thuật và tăng thêm tình cảm bạn bè cũng như tình cảm của các văn nghệ sĩ trại viên với lãnh đạo và cán bộ Nhà sáng tác. Sau 15 ngày tham dự trại, các văn nghệ sĩ đã sáng tác được 68 tác phẩm, trong đó: Thơ: 27 bài thơ; văn học dịch và văn xuôi: 4 tác phẩm; Nhiếp ảnh: 20 bức ảnh; Âm nhạc: 6 bài hát; Mỹ thuật: 5 bức tranh; Kiến trúc: 1 đồ án kiến trúc; Kịch bản sân khấu: 2 kịch bản; Kịch bản điện ảnh truyền hình: 1 kịch bản; Kịch bản múa: 1 kịch bản; Nghiên cứu văn nghệ dân gian: 1 tập nghiên cứu.
Đã có 27 bài thơ được sáng tác trong trại của các tác giả: Minh Trí, Hải Quỳnh (tức Nguyễn Ánh Nguyệt), Quang Đạo, Trọng Thái, Xuân Thấm. Nhìn chung các tác phẩm đã nói lên tình yêu quê hương đất nước con người, ca ngợi cái đẹp, phê phán cái xấu, hướng tới chân thiện mỹ, khai thác các tình huống nội tâm, biểu đạt ý nguyện tác giả. Đặc biệt có nhiều tác phẩm ca ngợi đất và người Vĩnh Phúc, Vĩnh Yên và Tam Đảo. Trong các đợt sơ kết, có một số tác phẩm được hội viên tâm đắc như bài thơ “Nghĩ về Thủy Tinh” của tác giả Hải Quỳnh được bình luận thú vị. Một số bài thơ được các nhạc sĩ phổ nhạc ngay trong trại sáng tác này. Về văn học dịch và văn xuôi: có 4 tác phẩm, trong đó dịch giả Nguyễn Hữu Vỹ đã dịch thành công 2 truyện ngắn là: “Chuyện về người đánh xe ngựa” (tiếng Pháp) của tác giả Ivannytchout; và Tấm hình bị xé rách (tiếng Pháp) của tác giả Roman Ivanytchouk.
NSNA Phạm Sỹ Hải đã chụp và chọn ra 10 bức ảnh gửi trại; NSNA Nguyễn Phúc Nguyên đã chụp và chọn ra 10 bức ảnh gửi trại. Những bức ảnh là những lát cắt phong cảnh thị trấn Tam Đảo mùa xuân; Tam Đảo bồng bềnh sương khói; Tam Đảo đông vui du khách; Tam Đảo là đại công trường xây dựng; Tam Đảo với những góc nhìn khác biệt. Để có tác phẩm độc đáo, các nghệ sĩ nhiếp ảnh đã phải tìm kiếm góc chụp, đợi lúc quang cảnh thay đổi theo thời tiết, không gian ngày đêm mong được bức ảnh như ý.
Nhạc sĩ Nguyễn Kim đã sáng tác 3 bài hát: Chợ đêm Tam Đảo; Phố mây; Đêm Đầm Vạc; phổ thơ Nguyễn Ngọc Tung và Minh Trí, 3 bài hát đã được Nhạc sĩ Nguyễn Kim thể hiện trong 3 đợt sơ kết được bạn bè tán thưởng và có những câu hát về Tam Đảo đã luyến láy trong tâm hồn mọi người suốt dịp đi trại sáng tác. Nhạc sĩ Đức Chính đã sáng tác 3 bài hát: Nụ cười em Tam Đảo; Hành khúc người lao động; Thành phố của những cây cầu; trong đó bài hát: “Thành phố của những cây cầu” đã ca ngợi sự đổi thay đặc sắc của thành phố Hải Phòng.
Họa sĩ Lê Văn Lương đã vẽ 2 bức tranh, họa sĩ Đức Phạm vẽ 3 bức tranh. 5 bức tranh sơn dầu do hai họa sĩ đang độ sung sức thể hiện đã gửi gắm tâm tình với phố núi Tam Đảo. Đó là con đường lên núi quanh co nhưng đầy phấn chấn; đó là cây trên núi với khí phách cương thường; đó là ngôi nhà ẩn hiện trong mây như mời như gọi; đó là xóm núi tháng ba hoa xoan vương vấn, và những ngôi nhà hạnh phúc ấm cúng mùa xuân. Vẽ bằng cả tâm tình, vẽ để nói hộ trái tim yêu thiên nhiên, khát vọng cùng mây trời khí núi, đó cũng là những gửi gắm của hai họa sĩ Đất Cảng khi lên với thị trấn tam Đảo những ngày xuân Mậu Tuất này.
KTS Minh Trí thiết kế đồ án Bảo tàng Văn học Nghệ thuật Hải Phòng dự kiến xây dựng trên khu đất nhà tù cũ ở đường Nguyễn Đức Cảnh hoặc trong khuôn viên Cung Văn hóa Thiếu nhi thành phố. Quần thể công trình có: Khối trưng bày chính; Nhà kho; Khu giải khát và bán đồ lưu niệm. Khối nhà chính có: Tầng trệt là nơi làm việc của cán bộ bảo tàng. Tầng 1 có sảnh đón giới thiệu tổng quan, có 3 phòng lớn mỗi phòng rộng hơn 100m2 là nơi trưng bày của các Hội: Nhà văn, Nhiếp ảnh, Mỹ thuật. Tầng 2 có hội trường ở trung tâm; có 3 phòng trưng bày của các Hội: Kiến trúc, Sân khấu, Điện ảnh Truyền hình. Tầng 3 có các phòng họp; có 3 phòng trưng bày của các Hội: Âm nhạc, Múa, Văn nghệ dân gian. Tầng thượng có hội trường lớn, khu trưng bày ngoài trời kết hợp cây xanh. Bảo tàng Văn học Nghệ thuật Hải Phòng sẽ là nơi lưu trữ, tái hiện lịch sử phát triển văn học nghệ thuật, chân dung tác giả tác phẩm, hiện vật gắn bó với văn nghệ sĩ có nhiều thành tựu đóng góp cho thành phố.
NSND Xuân Thấm đã viết 2 kịch bản múa rối: “Cây đàn kỳ diệu” và “Vua Heo”. Vở kịch “Cây đàn kỳ diệu” tái hiện xóm chài ven biển Duyên Hải Bắc Bộ, người thợ đàn nhị sau khi học thành tài về quê, cây đàn nhị đã rung động lòng người, dụ được cả bầy ong, dẫn đến chiến thắng chúa đảo và chàng trai đã lấy được công chúa con vua thủy tề. Vở kịch “Vua Heo” tái hiện câu chuyện cổ tích về chàng Heo ở nhà phú ông suýt bị đầu độc, nhờ có cô hầu tên là Tâm cứu giúp gửi vào nhà chùa, sau này chàng Heo trở thành Vua Heo đã quay lại trả ơn Sư ông, cưới cô Tâm và trừng phạt lão Phú ông độc ác. Vở kịch có nhiều tình tiết dí dỏm như: Các pho tượng nghe lời chàng Heo, hay cảnh hát ca trù khi Vua Heo gặp lại cô Tâm.
NSUT Đặng Kim đã viết 1 kịch bản điện ảnh truyền hình với tựa đề “Cháy mãi ngọn lửa tình yêu” thể loại phóng sự tài liệu. Kịch bản giới thiệu về nghệ sĩ Hoàng Nguyên- ca sĩ của Đoàn nghệ thuật Quân chủng Hải Quân khi mới 19 tuổi, đã 38 năm trôi qua, nay Hoàng Nguyên 57 tuổi nhưng anh đã mang lời ca tiếng hát đến các vùng biển đảo, tiêu biểu là quần đảo Trường Sa để phục vụ cán bộ chiến sĩ những người lính biển. Không những thế, trong công tác đối ngoại, tiếng hát Hoàng Nguyên đã bay đến vùng biển các nước trên thế giới giao lưu văn hóa đảm bảo tính chính trị, tính nghệ thuật cao. Không chỉ là ca sĩ, Hoàng Nguyên còn là một cán bộ xốc vác, anh đã được nhiều tặng thưởng ý nghĩa của các cấp. Kịch bản điện ảnh truyền hình “Cháy mãi ngọn lửa tình yêu” của NSUT Đặng Kim là kịch bản hay.
Biên đạo múa Lệ Thủy đã viết 1 kịch bản múa ballet đương đại với tựa đề “Con cò”. Kịch bản dành cho 20 diễn viên trên sân khấu. Dựa vào ý tưởng đàn cò và đầm sen, tác phẩm ca ngợi tình yêu thương con người, qua tình yêu cò mẹ với cò con, lầm lũi canh 3 thức giấc kiếm mồi. Từ xa xưa tiếng ru cất lên từ tình yêu thương của con cò cũng như con người. Tác giả sáng tạo và thể hiện bằng ngôn ngữ múa, hình tượng ấp ôm, nâng niu che chở cho đứa con của mình, một con cò đau, con cò mẹ khóc. Tác giả đã nhân cách hóa bằng ngôn ngữ múa là con cò nhưng cũng là con người, Mẹ là người cả cuộc đời yêu thương nâng niu chắp cánh cho mỗi chúng ta. Tác phẩm múa lấy hình tượng con cò để nhắc nhở mỗi người hãy luôn biết hiếu thảo thương yêu kính trọng cha mẹ của mình.
Nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Bùi Quang Đạo đã viết bài nghiên cứu về “Sự liên kết múa rối cổ truyền với dân ca và chèo”. Tác giả nhận xét: Múa rối cổ truyền hiện ở huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng nói riêng và một số vùng miền trên toàn quốc nói chung có nhiều khởi sắc, dành được nhiều thành tích cao ở hội diễn trong nước và quốc tế phục vụ đông đảo các tầng lớp nhân dân và du khách. Đặc biệt sự kết hợp giữa múa rối cổ truyền với dân ca và chèo, làm cho trò diễn sinh động, thông qua những vở chèo cổ, những hoạt cảnh dân ca. Bài nghiên cứu chỉ rõ những đặc thù của múa rối, những hoạt cảnh dân ca, những điệu chèo cổ đưa vào tiết mục rối sao cho hợp cảnh hợp tình, đây cũng là loại hình văn nghệ dân gian cần được gìn giữ phát triển.
Để có được kết quả trên, các văn nghệ sĩ trại viên trại sáng tác Tam Đảo cám ơn sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng, lãnh đạo Nhà sáng tác Tam Đảo; Hội VHNT tỉnh Vĩnh Phúc, các văn nghệ sĩ bạn bè các tỉnh thành: Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên… đã có những động viên về tinh thần và vật chất dành cho đoàn văn nghệ sĩ Hải Phòng tham dự trại sáng tác Tam Đảo 2018 dịp này.
MT