VHP: Tháng 7 vừa qua Nhà văn-dịch giả Ngọc Châu – Biên tập viên của Vanhaiphong được CLB Nghiên cứu văn chương Hải Phòng mời đến dự cuộc họp thường kì của Câu lạc bộ. Xin giới thiệu với bạn đọc bản tham luận của anh Nguyễn Khánh Thực về VĂN BIỀN NGẪU và THỂ PHÚ được các thành viên CLB hết sức quan tâm và trao đổi sôi nổi về hai thể loại Cổ Văn này…
VHP: Tháng 7 vừa qua Nhà văn-dịch giả Ngọc Châu – Biên tập viên của Vanhaiphong được CLB Nghiên cứu văn chương Hải Phòng mời đến dự cuộc họp thường kì của Câu lạc bộ. Xin giới thiệu với bạn đọc bản tham luận của anh Nguyễn Khánh Thực về VĂN BIỀN NGẪU và THỂ PHÚ được các thành viên CLB hết sức quan tâm và trao đổi sôi nổi về hai thể loại Cổ Văn này…
I/ Thể văn biền ngẫu (còn gọi là biền văn).
Chỉ câu văn có các vế sóng đôi đối nhau từng cặp.
Ví dụ:
“Đạo chứa chan, một bụng kinh luân
Văn tô điểm, đầy mình cẩm tú”
(Trích: “Văn tế Tuyết Giang Phu Tử” của Đinh Thì Trung)
Đây là lối văn có từ đời lục triều Trung Quốc với lối cổ thể, theo đó chỉ cần những cặp câu đối nhau không cần có sự hiệp vần, cũng không hạn chế số lượng từ và cách đặt câu.
Ví dụ:
“Ta thường nghe: Kỉ Tín đem mình chết thay, cứu thoát cho Cao Đế.
Do Vu chìa lưng chịu giáo, che chở cho Chiêu Vương.
Dự Nhượng nuốt than báo thù cho chủ.
Thân Khoái chặt tay cứu nạn cho nước”…
(Trích: “Hịch tướng sĩ” của Trần Hưng Đạo)
Đến đời nhà Đường, biền văn dần đi vào ổn định thành từng cặp câu mười từ, mỗi câu ngắt làm hai nhịp: 4/6 gọi là lối cận thể (để phân biệt với lối cổ thể nói trên). Lại cũng gọi là thể biền lệ. Lúc này câu văn chưa bắt buộc phải có niêm. Đến đời Tống mới đặt thêm yêu cầu niêm và đưa vào trường ốc gọi là thể tứ lục. “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi được viết theo thể tứ lục này:
…“Thừa thắng ruổi dài, Tây Kinh quân ta chiếm lại
Tuyển binh tiến đánh, Đông Đô đất cũ thu về”…
Trong văn biền ngẫu đối là yếu tố cơ bản bắt buộc. Nguyên tắc đối trong biền ngẫu có những yêu cầu rất chặt chẽ và phức tạp:
a) Đối ý: Phải tìm được hai ý có liên quan đến nhau nhưng lại đối nhau để đặt thành hai vế trong câu, hai ý này có thể trái ngược hoặc thuận chiều với nhau.
Ví dụ:
“ Đuốc ngọc chưa tàn ba ngọn, văn viết đã xong
Bảng vàng rộng mở năm mây, tên đà treo đó”
(Trích: “Văn tế Tuyết Giang phu tử”)
“Đến nay nước sông tuy chảy hoài
Mà nhục quân thù không rửa nổi” (Phép đối tương phản)
(Trích: “Bạch Đằng giang phú” của Trương Hán Siêu)
b) Đối thanh: trắc đối với bằng (nghịch đối)
c) Đối từ: đối theo nghĩa (cũng có nghịch đối và thuận đối)
d) Đối từ loại: thực từ đối với thực từ, hư từ đối với hư từ.
Thể văn biền ngẫu thường hay được dùng để viết hịch, cáo, phú, văn tế, hát nói. Câu văn thường trú trọng về hình thức; dùng những từ hoa mỹ, khách sáo. Nhược điểm lớn nhất của thể văn này là rất gò ép trong diễn tả tư tưởng, tình cảm.
Tuy nhiên với những cây bút lão luyện vẫn tạo ra những bài văn hay; Văn học Việt Nam đã chứng tỏ điều đó.
II. Thể phú.
Bàn về thể phú, đây là một chuyên đề lớn bao gồm nhiều nội dung như: lịch sử hình thành, quá trình phát triển, sự khác biệt giữa phú chữ Hán, chữ Nôm của Việt Nam với phú chữ Hán của Trung Quốc, chức năng, chất liệu nghệ thuật, các thể loại của phú, v.v… Đòi hỏi phải có thời gian, năng lực, trình độ chuyên sâu. Từ trước tới nay đã có nhiều học giả, nhiều công trình nghiên cứu về lĩnh vực này.
Trong khuôn khổ của một buổi trao đổi, thảo luận sinh hoạt thường kỳ của CLB. Trên cơ sở những tài liệu, kiến thức thu lượm được từ trường, lớp, sách, báo, trên mạng, xin đượcghi chép lại để các bạn cùng tham khảo về bố cục, cách đặt câu, phương pháp gieo vần và đối của một bài đường phú là thể phú thông dụng ở Việt Nam.
Một bài đường phú nhất thiết phải đảm bảo có đầy đủ hai yếu tố: là vần và đối. Một câu chia thành hai vế (như một liên thơ) phải đối nhau.
Phép đối trong đường phú cũng giống như trong thơ đường luật: có thể sử dụng các phép đương đối hoặc lưu thủy.
Cuối mỗi liên tức chữ cuối của vế thứ hai thì gieo vần.
Ví dụ:
“Quần là ống sớ, áo vận khuy vàng
Khăn lượt vành dây, ô che cán bạc” (vần)
“Bảnh bao lắm mốt, trời nắng mưa giày nọ giày kia
Lịch sự đủ vành, mùa rét nực mũ này mũ khác” (vần)
(Trích: “Phú thầy phán” của Tú Mỡ)
Hay:
“Quyền đệ tam viết đã xong rồi
Bảng đệ tứ chưa ra còn ngóng” (vần)
“Thầy chắc hẳn văn chương có mực, lễ thánh xem giò
Cô mừng thầm mũ áo đến tay, gặp người nói mộng” (vần)
(Trích: “Phú thi hỏng” của Tú Xương)
Vần trong thể phú có thể là vần bằng hoặc vần trắc dùng chính vận hoặc thông vận nhưng không được trùng vận; Nếu là từ đồng âm dị nghĩa thì được.
VỀ LUẬT VẦN:
Đường phú có thể áp dụng một trong bốn luật vần sau:
a) Độc vận: chỉ dùng một vần gieo từ đầu đến cuối bài cho mọi câu, của tất cả các đoạn.
b) Liên vận: bài phú có nhiều vần liên tiếp. Ví dụ:
…“Bởi chúng nó đem lòng bội nghịch, (vần) khiến dân mình gặp thuở loạn ly (vần)
Chẳng qua là trời bắt gian nguy, (vần) cho nên nỗi nước nhiều tai nạn (vần)
Đường trị loạn sách xưa còn bản, (vần) lẽ chánh tà đời trước treo gương (vần)
Làm người khôn nghĩ xét cho tường, (vần) thà đứa dại lỗi đường cũng đáng” (vần)…
(Trích: “Cáo thị Cần Vương”)
c) Hạn vận: Bài phú bắt buộc phải theo đúng thứ tự các chữ trong một câu cho sẵn để làm vần cho đủ không được gieo vần khác (mỗi đoạn dùng một vần riêng theo chữ đã cho)
d) Phóng vận: dùng vần nào cũng được.
LUẬT BẰNG TRẮC:
Những chữ ở cuối mỗi vế phải theo luật bằng trắc, nghĩa là:
a) Chữ cuối của vế trên là vần trắc thì chữ cuối của vế dưới phải là vần bằng hoặc ngược lại.
b) Trong một vế có nhiều đoạn nhỏ, thì chữ cuối của mỗi đoạn nhỏ ở trước gọi là chữ đậu câu phải nghịch thanh với chữ cuối cùng của vế ấy, nghĩa là nếu chữ cuối của vế là bằng thì các chữ đậu câu (chữ cuối của các đoạn nhỏ) trong vế ấy phải là trắc hoặc ngược lại.
Ví dụ:
“Thanh khí lẽ bằng, (B) hoa khôi tiếng mộ” (T)
“Ngày xuân mưa gió càng nồng, (B) đêm xuân đi về lắm độ” (T)
“Được một vài phân, (B) lan huệ một nhà sực nức (T)
Có ba trăm lạng, (T) yên oanh ngoài cửa xôn xao” (B)
CÁCH ĐẶT CÂU:
Số câu trong bài phú không nhất định, muốn đặt bao nhiêu cũng được, tùy theo sức của người viết. Căn cứ theo số chữ và cách cấu tạo mà ta có năm lối đặt câu như sau:
1. Câu tứ tự: mỗi vế có bốn chữ.
Ví dụ: “Tài sắc gồm hai
Phong lưu nhất mực”
2. Câu bát tự: mỗi vế có tám chữ chia thành hai đoạn bằng nhau.
Ví dụ: “Bàn vây điểm nước, hoa đàn đường tơ”
3. Câu song quan: mỗi vế có từ năm đến chín chữ đi liền một mạch.
Ví dụ: Cùng nhau vàng đá mấy lời
Dám tiếc tóc tơ một mối
Kiếp phong trần đã đến thế thì thôi
Nợ oanh yến phải lấy thân mà trả.
4. Câu cách cú: mỗi vế chia thành hai đoạn dài ngắn khác nhau:
Ví dụ: Chẳng ngờ Mã Giám Sinh, phong tình là đứa
Chung lưng con mụ tú, buôn bán quanh năm.
5. Câu hạc tất: mỗi vế có từ ba đoạn trở lên.
Ví dụ: Trên tường gấm, ơn lòng quân tử, mơ quạt đổi trao.
Dưới lầu son, vắng mặt tri âm, vò tơ bối rối.
BỐ CỤC MỘT BÀI PHÚ:
Nếu như trong bài thơ thất ngôn bát cú được chia làm bốn phần: đề, thực, luận, kết thì đối với một bài đường phú cách sắp xếp các đoạn mạch gồm có năm phần:
1. Lung: tức là phần mở bài. Thường được bắt đầu bằng một câu tứ tự hoặc bát tự hoặc song quan mà không nên bắt đầu bằng một câu cách cú hoặc hạc tất.
2. Biện nguyên: tức là xác nhận đầu bài, nêu rõ nguyên ủy, gốc tích, giải thích rõ ý của đầu bài mà chuyển vào bài.
3. Thích thực: mô tả hết ý nghĩa của đầu bài.
4. Phu diễn: tán rộng ý của đầu bài.
5. Kết luận: tóm tắt, đánh giá ý tứ của đầu bài.
Theo tác giả Phạm Đan Quế phần thứ năm là phần nghị luận rồi mới đến phần kết luận. Như vậy kết cấu của bài phú là sáu phần.
N.K.T