Trung tuần tháng 7 vừa qua, Dự án phim điện ảnh “Sơn Tinh – Thủy Tinh” đã được BlueR Production công bố tại Triển lãm Điện ảnh và công nghệ truyền hình (Telefilm 2016). Cùng thời điểm này, đoàn làm phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” của Ngô Thanh Vân cũng đã ra mắt trailer giới thiệu nội dung phim, hứa hẹn phim sẽ ra mắt vào giữa tháng 8…
Trước đó không lâu, bộ phim “Cuộc chiến với chằn tinh” – lấy ý tưởng từ truyện cổ tích Thạch Sanh – cũng đã ra mắt khán giả sau muôn vàn những khó khăn gặp phải… Dường như những câu chuyện cổ dân gian đang là một hướng khai thác mới của một số nhà sản xuất phim Việt trong nỗ lực kéo khán giả tới rạp.
1. Việt Nam tự hào có một kho tàng truyện cổ khá phong phú từ thần thoại, truyền thuyết tới truyện cổ tích, truyện về các danh nhân… Lâu nay, mảng phim hoạt hình dành cho thiếu nhi đã khai thác khá hiệu quả kho tàng này. Ngoại trừ một số phim gần đây mang màu sắc hiện đại từ nội dung tới hình thức thể hiện thì phần lớn phim hoạt hình được sản xuất ở thời điểm trước đều có ý tưởng từ những câu chuyện cổ. Tuy nhiên, một điều chắc chắn rằng, truyện cổ chưa khi nào là độc quyền của phim hoạt hình cả.
Lịch sử điện ảnh Việt Nam đã ghi dấu một số bộ phim lấy ý tưởng từ những câu chuyện cổ nổi tiếng để đưa lên màn ảnh rộng. Và hiện nay, những nhà sản xuất phim trẻ lại tiếp tục nghiên cứu, khai thác kho báu này.
Một trong những dự án phim hè được trông đợi nhất năm nay phải kể tới “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” của Ngô Thanh Vân. Dù dự kiến phim ra rạp khá muộn (trung tuần tháng 8) nhưng với một ê kip truyền thông chuyên nghiệp, mọi hình ảnh, hoạt động của đoàn làm phim từ khi bấm máy cho đến nay được cập nhật khá thường xuyên.
Ngô Thanh Vân cũng được đánh giá là người đẹp đa tài và nhiều đam mê. Từ hình ảnh một cô ca sĩ, diễn viên, Ngô Thanh Vân tiến sâu vào lĩnh vực điện ảnh với vai trò nhà sản xuất và giờ đây là đạo diễn. Được biết, dự án phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể ” của “đả nữ màn ảnh” này được đầu tư kinh phí lên tới 20 tỷ đồng.
Ngoài bộ ba mỹ nhân vào vai 3 nhân vật chính Ngô Thanh Vân (dì ghẻ), Lan Ngọc (Cám) và Hạ Vi (Tấm), phim còn quy tụ một dàn diễn viên là những nghệ sĩ tên tuổi như NSND Ngọc Giàu, NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu cùng những gương mặt trẻ như Isaac, Will, Ngọc Trai…
Qua trailer giới thiệu phim cho thấy “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” có sự vượt bậc đáng kể về mặt công nghệ. Phim sử dụng tới 70% công nghệ đồ họa của vi tính. Đây được coi là bộ phim thuộc thể loại thần thoại – giả tưởng. Ngoài việc chuyển thể nội dung quen thuộc của truyện cổ tích Tấm Cám, phim còn sáng tạo thêm nhiều tình tiết để tăng phần kịch tính cũng như phù hợp với tâm lý người xem hiện đại.
Với tư cách đạo diễn, Ngô Thanh Vân chia sẻ ngoài việc mang đến những sáng tạo mới từ một cốt truyện đã quá quen thuộc, những người sản xuất phim còn kỳ vọng công nghệ sản xuất phim hiện đại áp dụng ở phim này sẽ mang đến một bước tiến mới cho điện ảnh Việt Nam.
Được giới thiệu tại Telefilm 2016, dự án phim điện ảnh “Sơn Tinh – Thủy tinh” của BlueR Production tạo sự quan tâm của dư luận không chỉ vì lấy ý tưởng từ một truyền thuyết nổi tiếng của Việt Nam mà còn bởi sẽ được thực hiện bằng công nghệ kỹ xảo đồ họa CGI. Công nghệ này đã được các nhà sản xuất phim danh tiếng của thế giới áp dụng ở những phim bom tấn như “Avatar”, “The Jungle Book”…
Phía nhà sản xuất phim “Sơn Tinh – Thủy Tinh” cho biết, nội dung phim sẽ bám sát vào truyền thuyết nổi tiếng và cho đến thời điểm này, phim vẫn đang trong quá trình tìm kiếm, hợp tác với các nhà đầu tư trong và ngoài nước để có được sự đầu tư tốt nhất cho phim.
Trước đó không lâu, hẳn nhiều người yêu điện ảnh Việt Nam còn nhớ bộ phim “Thạch Sanh 3D” hay tên chính thức ra rạp là “Cuộc chiến với chằn tinh” của đạo diễn Đỗ Quang Hải Âu. Bộ phim nói về sự anh dũng của Vua Hùng thứ chín với nỗ lực xây dựng, mở mang, giữ gìn vương quốc Âu Lạc. Đan xen vào đó là cuộc chiến chống lại chằn tinh của chàng Thạch Sanh dũng cảm và mối tình lãng mạn với công chúa Quỳnh Nga.
Với kinh phí trên 10 tỷ đồng, thời gian sản xuất đến 3 năm, bộ phim với kịch bản vừa quen vừa lạ được đánh giá là có lời thoại khá tự nhiên, chân thực. Đặc biệt âm thanh chuẩn 5.1 và hình hảnh 3D sinh động cùng dàn diễn viên khá đều tay mang lại kỳ vọng khá lớn.
Được đầu tư khá kỹ lưỡng từ kịch bản, diễn viên, phục trang tới công nghệ sản xuất phim, tuy nhiên sự ra đi đột ngột của đạo diễn Đỗ Quang Hải Âu khi phim còn chưa hoàn thành thực sự là một thiệt thòi lớn cho phim. Ra rạp muộn hơn nhiều so với dự kiến, lại chịu sự cạnh tranh rất khốc liệt với những phim khác, “Cuộc chiến với chằn tinh” không đạt được doanh thu như kỳ vọng. Tuy nhiên, tại lần công chiếu lần thứ 2 đúng dịp giỗ Tổ Hùng Vương, với giá vé điều chỉnh hợp lý, phim đã tạo được sức hút bất ngờ tại phòng vé.
Ngoài những tác phẩm được chuyển thể từ truyện cổ Việt Nam còn có những phim lấy ý tưởng từ tác phẩm nước ngoài như “Nhật ký Bạch Tuyết”. Tuy nhiên, bộ phim chỉ có cái tên là mang hơi hướng truyện cổ, còn nội dung hoàn toàn mới. Phim kể về cô nàng mất trí tưởng mình là Bạch Tuyết. Không chỉ hoang tưởng, mẹ cô cũng thuê hoàng tử và 7 chú lùn về đóng kịch với Bạch Tuyết…
2. Không phải cho tới thời điểm này những câu chuyện cổ nổi tiếng trong dân gian mới được đưa lên màn ảnh. Chúng ta còn nhớ trước đó, anh chàng đốn củi hiền lành, dũng cảm đã từng được chuyển thể thành phim “Thạch Sanh – Lý Thông”. Phim “Thạch Sanh” ngày đó có nội dung bám sát theo truyện gốc, không đổi mới. Tuy công nghệ làm phim đơn giản, hiệu ứng hình ảnh còn sơ sài nhưng với diễn xuất khá chân thực của diễn viên, phim vẫn lấy được tình cảm của khán giả. “Tấm Cám” cũng đã từng được các đạo diễn chuyển thể thành phim điện ảnh khá trung thành với nguyên tác, chỉ bổ sung thêm một số chi tiết hài hước ở mẹ con Cám.
Ngoài ra, khán giả hẳn chưa quên phim “Thằng Bờm” cũng ra mắt lần đầu vào năm 1987 phỏng theo truyện cười dân gian nổi tiếng về nhân vật cùng tên. Bên cạnh việc khôi phục, dựng lại những giai thoại xung quanh nhân vật hài hước này thì phim còn hấp dẫn khán giả bởi đã mang tới một không gian làng quê Việt xưa với những sinh hoạt đời thường, các lễ hội và trò chơi dân gian sinh động.
Tương tự, một bộ phim cũng đã tạo được dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả là phim “Thằng Cuội” với sự tham gia diễn xuất của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, NSƯT Trịnh Thịnh… Nét diễn xuất tự nhiên, chân thực của các diễn viên, đặc biệt là những tình huống gây cười khéo léo đã khiến “Thằng Cuội” trở thành một trong những bộ phim hấp dẫn nhiều thế hệ khán giả.
Đặc biệt với các khán giả nhí, ngoài cốt truyện vui nhộn, phim còn mang đến những bài học ứng xử, giáo dục quý báu, nhân văn. Bên cạnh đó, một số câu chuyện khác đã từng được chuyển thể thành phim là “Ai mua hành tôi”, “Bụng làm dạ chịu”, “Ăn hến trả vàng”, “Người hóa dế”…
Một trong những đặc điểm nổi bật của dòng phim chuyển thể từ truyện cổ được sản xuất trước đây là các phim có nội dung bám sát cốt truyện, rất ít sáng tạo và cách làm phim giản dị. Sau này, với các nhà làm phim hiện đại, truyện cổ thường chỉ là cái cớ và cốt truyện được sáng tạo thêm với nhiều tình tiết. Đặc biệt, công nghệ hiện đại luôn được các đạo diễn đặt lên hàng đầu với mong muốn tạo được kỹ xảo đẹp mắt, những đại cảnh hoành tráng, kỳ bí…
Ngoài “Sơn Tinh – Thủy Tinh” mới bắt đầu những khâu đầu tiên, “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” sắp ra rạp, còn thì những phim như “Cuộc chiến với chằn tinh”, “Nhật ký Bạch Tuyết”, “Mỹ nhân kế”… không đạt được sức hút phòng vé như kỳ vọng. Vẫn biết những phim chuyển thể từ những truyện cổ một mặt có lợi thế là cốt truyện, nhân vật quen thuộc. Tuy nhiên, để làm phim hay lại không đơn giản. Nếu không khéo trong việc tạo tình huống, phim rất dễ bị lố.
Cũng như không có sự kết nối với những vấn đề của đời sống hiện tại, bộ phim dễ bị lạc lõng, kém thu hút. Chưa kể việc sản xuất những bộ phim này thường gặp nhiều khó khăn từ trang phục, bối cảnh tới chọn diễn viên… Dòng phim này, thực sự là một thách thức không nhỏ với các nhà làm phim. Nếu thành công, không chỉ mang tới những tác phẩm điện ảnh hấp dẫn mà còn là một cách mang lại tình yêu với những câu chuyện cổ cho khán giả trẻ.
Thảo Duyên
Nguồn văn nghệ Công an