Cứ mỗi lần cô Du thoát khỏi vòng giam hãm của phó Ngụ là làng Trằm lại có đám rước.Và lần nào đám rước cũng rã ở sân chùa...
Cứ mỗi lần cô Du thoát khỏi vòng giam hãm của phó Ngụ là làng Trằm lại có đám rước.Và lần nào đám rước cũng rã ở sân chùa...
Đám rước cô Du thật linh đình. Bọn trẻ con lau nhau, đầu để chỏm, mũi quệt ngang, áo hở rốn vừa hát vừa hộ tống cô Du suốt đầu thôn cuối làng.
Cô Du miệng tươi cười múa hát, đi đến đâu nơi đó ngát hương hoa. Quanh thắt lưng là chuỗi râm bụt đỏ chói. Tóc cô, óng ả hoa hiên, vành tai, ngất ngư mấy nhành hoa ngâu chín. Bao nhiêu kẽ ngón tay, bấy nhiêu bông hoa dại. Quần áo, chỗ nào có thể cài, giắt, là có hoa. Những ngày đẹp trời đám rước cô Du dài lắm. Người lạ có việc đi qua, ngỡ làng mở hội.
Bắt đầu từ đình làng, nơi có cái sân to rộng, cô Du đưa đám rước lên chùa Vọng.
Phó Ngụ sồng sộc tấn vào chùa, cầm tay đứa con gái duy nhất sềnh sệch kéo về. Đám rước rã ra…
Cứ mỗi lần cô Du thoát khỏi vòng giam hãm của phó Ngụ là làng Trằm lại có đám rước.Và lần nào đám rước cũng rã ở sân chùa.
Cô Du tự dưng hóa rồ. Độ ấy làng nhiều người điên điên, rồ rồ lắm. Kẻ thì rồ thật, kẻ lại vờ vĩnh. Cô Du rồ cả năm, làng mới tin thật. Có chị bị phụ tình, suốt ngày mếu máo khóc, cười, chẳng biết lạ quen, chẳng biết đói no. Có bà, chồng nướng hết sản nghiệp vào tổ tôm, cứ lông nhông ngoài đường, quần áo thì tung hê hết lên trời, như thể chẳng thiết tha gì nữa. Có mợ bị chồng đánh vào đầu mà phát bệnh, ra đường gặp gì cũng bỏ vào mồm, hễ thấy đàn ông là bưng đầu, cắm cổ chạy thục mạng.
Có chồng cũng rồ, mất chồng cũng rồ, yêu cũng rồ, hận cũng rồ. Đàn bà dễ rồ thật. Nhưng cô Du chưa yêu, chưa bị phụ bạc mà rồ thì cơn cớ gì nhỉ? Hay rồ vì tiền? Cô Du chưa được cầm tiền bao giờ, phó Ngụ giấu tiền vào chỗ hiểm, may chăng có con rận biết mùi tiền ông. Không tham tiền, không biết mùi tiền thì rồ sao được. Nhưng mà phải biết rõ căn nguyên thì mới hòng chữa khỏi chứ. Cứ có bệnh là có lang, lang nào cũng có thuốc cả …
Đúng là hoa rồi. Cô Du rồ hoa. Tại hoa thôi. Hoa cũng như người, có khôn có dại. Khôn thì mọc, thì nở ở chốn đắc địa. Dại thì mọc hoang vệ đường, chân đê, bờ ruộng. Hoa khôn là hoa thiêng. Phạm vào hoa thiêng là rồ chứ chẳng chơi.
Suy theo cách ấy thì hoa trên chùa Vọng là hoa thiêng nhất vì Chùa Vọng là nơi linh thiêng nhất làng Trằm … Cô Du lại hay lên chùa.
Làng đồn rằng cô Du lên chùa Vọng là do phải lòng chú tiểu. Ngơ ngẩn mãi ở sân chùa mà chú tiểu không buông chổi, không ngửng mặt. Lá cứ rụng, người cứ quét. Thế nên cô Du đánh bạo, kiễng chân, tay giữ tà áo, tay với cành cao nhón một vầng hoa màu xanh. Thấy động, chú tiểu ngừng quét, ngước nhìn, gặp ánh mắt của thiếu nữ hai mươi. Cô Du luống cuống để vầng hoa rơi xuống. Cô vội vàng chống thẹn:
– Bạch chú tiểu, cái đích của đường tu là chốn nào vậy?
Chú tiểu quay mặt đi. Cô Du ngượng ngùng. Vô tình, gót trần ai phạm phải nhành hoa thiêng.
Cô bị trừng trị là đúng rồi.
Nghe làng bắt bệnh, phó Ngụ cũng biện lễ lên chùa Vọng tạ tội cho con, nhưng xem ra bệnh tình mỗi ngày mỗi nặng. Càng giam càng nặng.
Thực ra, từ lúc chưa rồ, cô Du đã bị phó Ngụ giam lỏng. Phó Ngụ làm nghề bật bông. Cái tiếng pừng pưng, pừng pưng, người lạ nghe thì chối tai, thì tức ngực, nhưng nghe quen cũng thú đáo để. Thế nên bọn con trai, đêm xuống, mon men đến ngõ nhà phó Ngụ, dỏng tai nghe tiếng “đàn bông”. Nhưng nghe xong thì lặng lẽ bảo nhau chuồn. Con gái câm của xẩm mù còn lấy được chồng, đằng này… Lão Ngụ cũng thấy chua xót. Trà trật, chúng nó con bế con bồng cả rồi.
Đổ lỗi tất cho phó Ngụ cũng oan uổng. Làng xóm, có người khăng khăng, tại cô Du không thích người phàm thôi. Nếu cô cứ bước qua tiếng bật bông kia mà ra ngõ, phó Phụ có ngăn được không? Làng có đám nhốt con một tháng cả ba mươi ngày trong buồng kín, vẫn chửa đấy thôi…
Cô Du rồ mà thanh cao. Đến mức các lang trong vùng sợ, chẳng dám bốc thuốc, sợ thuốc mình không linh bằng thứ nọc hoa thiêng. Thầy cúng càng ngại, không dám nhí nhố bùa ngải.
Người ta rồ, ăn bẩn uống thỉu, người hôi hám, dữ tợn. Cô Du rồ mà sạch sẽ như tiểu thư, người thơm nức hương hoa. Người ta rồ gào thét, đập phá. Cô Du rồ thì múa hát, thì cười. Đàn bà đẹp mà cười mãi nhìn cũng sợ. Làng nhiều người sợ nhìn cô Du cười. Chỉ trẻ con chẳng sợ gì cả.
Xưa, mùa đông dài và lạnh lắm. Đêm ngồi bên than củi hay lò trấu người già chẳng muốn lên giường. Con cháu có giục thì cũng lên nằm để đấy. Nhiệt thân già sưởi ấm được quần áo, ấm được chăn thì trời cũng sáng.
Thương người già, người trẻ gọi thầy bật bông về. Có cái chăn mới, may ra.
Phó Ngụ có thằng cháu họ giúp việc rất ranh mãnh. Trước khi hành sự bao giờ cũng kiếm cớ lượn qua, liếc vào bếp xem bữa nay được gia chủ thết món gì, để mà lượng sức. Phải thực mục sở thị, chứ nghe thôi không đủ. Bị lừa như chơi. Thì đã có bài học xương máu rồi. Họ cứ dồn gà, đuổi vịt queng quéc, nhặng sị cả lên. Thầy trò bật bông hí hửng, tưởng bở thúc nhau nện thật lực, không dám thuốc nước. Khâu cho mau mắn, dày dặn. Lúc mâm bưng lên. Hỡi ôi. Rau muống luộc yếu lửa thâm thì, dai ngoách, cà muối mặn khét, nuốt chửng thì không được, nhá ra thì xót cả miếng cơm.
Cái lõi chăn cũ được tháo xổ ra, những cục bông cáu bẩn vàng khè chất thành đống trên chiếu. Dụng cụ bật bông, nhìn xa và khéo tưởng tượng thấy giống cây đàn khổng lồ. Nhìn gần, đàn có một dây bằng dù chắc khỏe, đàn này không phím, không cung. Đàn này không gảy bằng tay mà phải dùng gậy nện thật lực, vã mồi hôi, bở hơi tai, mới ra âm thanh.
Cái dây đàn, dưới sức nặng của gậy, của dùi sẽ rung lên, bập vào, đớp vào những cục bông vón, sau đó xé nhỏ chúng ra, làm tơi ra, cho bụi bẩn rơi xuống. Bật đi, bật lại vài lần đến khi nào bông sạch và xốp lên là được. Phó Ngụ trải vải màn mới lên giường, dàn bông ra, cán phẳng, sau đó phủ vải màn lên khâu và trần lại thành cái lõi bông mới. Rượu thịt tử tế thì chăn mịn, phẳng, nhom nhem dưa cà thì chăn lỏi, chỗ dày chỗ mỏng… Thế cả thôi, các phường làm thuê đều thế cả.
Tính toán kỹ mọi chi phí công cán, chè nước, cơm rượu, thì bật lại lõi cũ còn rẻ hơn mua lõi chăn mới. Một dạo bông đắt đỏ thế chứ. Thông thường, cứ bật hai cái lõi cũ được cái lõi mới. Nhà giàu thì chẳng nói làm gì, nhà nghèo thì phải bàn bạc chán rồi mới dám gọi thầy bật bông.
Phó Ngụ lắm mánh. Một bữa, trời đã sâm sẩm mà chưa thấy bếp gia chủ có động tĩnh gì. Phó Ngụ liền kể toáng chuyện nhà phó Cối. Nhà kia tiếp phó Cối bằng mắm tép chưng mặn với cơm độn khoai. Mấy ngày sau, lúc xay, gạo xuống giọt giọt, thóc xuống tồ tồ… Chủ nhà hiểu ý xua tay, ai lại thế. Đợi trời tối hẳn, gia chủ dắt thầy trò phó Ngụ qua nhà bố vợ ở làng bên. Đường xa mà rặt những đồi, những dộc, cỏ may, cỏ đĩ quất rát cả bắp chân. Dừng ở ngõ, thở hổn hển, thở ra, hít vào chán chê. Tiếng kèn trống, mùi hương nhang cúng tế rộn rạo cả cơn đói.
Ra thế, bố vợ chết còn tranh thủ gọi thầy bật bông về để trốn được bữa cơm rượu. Đã “ăn mày” người chết thì ăn thì uống cho bõ. Thầy bảo trò “vạng” thật lực, không hết thì đùm lại mang về…
Kiếm đồng tiền thiên hạ nó nhục thế, được miếng cơm thiên hạ nó đắng thế. Thành ra, phường nào xa nhà làm thuê, cũng ngay ngáy đa nghi. Nghi từ ông chủ đến đứa giúp việc, nghi từ con đến vợ. Mà nghi vợ nhiều nhất. Mình ngủ đường ngủ chợ. Ở nhà, được hay lại ôm thằng nào mà hú hí cho rồi …
Phó Ngụ nổi tiếng đa nghi và cả ghen.
Vợ phó Ngụ lại đẹp nổi tiếng trong vùng. Gái một con, mà cứ một con mãi thôi. Cô Du lên mười mà cũng chẳng có thêm em bé để bế…
Chuyến ấy, phó Ngụ theo phường bật bông đi ngược cả tháng. Lúc trở về, thấy vợ trẻ, đẹp và quyến rũ hơn thì đa nghi. Nghi rồi thì tức điên, thì lồng lộn. Đang đêm phó Ngụ lôi vợ ra tra hỏi, vợ quanh co chối tội. Phó Ngụ vớ dùi bật bông tẩn cho một trận thừa sống thiếu chết. Gậy bật bông mà nện bằng sức phó Ngụ thì xương thịt nào chịu được. Đau quá, vợ phó Ngụ nhận bừa. Phó Ngụ cười hả dạ. Tổ sư cái thằng đặt ống lươn, mày gan cóc tía hay sao?
Sáng ra… Nhưng phó Ngụ lại không đến nhà thằng đánh lươn mà đi thẳng ra chợ, chọn con lươn to nhất mua về. Vợ Ngụ bị lột trần truồng, tay trói quặt cánh khỉ, chân trói chụm chân gà, tóc xổ tung ra cột vào chân giường, bụng phơi trắng hếu. Phó Ngụ dùng hai tay túm con lươn kéo lê trên bụng vợ. Cái đuôi lươn đi đến đâu, mẹ cô Du gồng, vặn người tới đó. Cái khi đuôi thọc vào nách, ngoáy vào cổ, người đàn bà sợ chết khiếp la ôi ối. Cái đầu con lươn đặt ngay cạnh miệng, vợ phó Ngụ sợ quá mím môi, cắn răng thật chặt và mắt nhắm nghiền. Phó Ngụ chưa hài lòng cho lắm, quát đứa con gái chuyên bao che cho mẹ:
– Mày ra đây, hoặc mày nhìn, hoặc là mày vành mắt con mẹ mày ra.
Con bé lập cập tựa lưng vào cửa buồng, mở to mắt trân trối.
Phó Ngụ, tay trái cầm đầu con lươn dũi vào chỗ kín của vợ, tay phải cầm con dao sắc phạt ngay một khúc đuôi. Trong tận cùng đau đớn, con lươn cuống quýt đâm đầu tìm lối thoát thân. Phó Ngụ hú lên man rợ, con bé ngã vật xuống nền nhà. Người mẹ tội nghiệp, trong lúc bẽ bàng nhất, ê chề nhất đã chọn cách ấy. Chỉ còn cách ấy. Cắn lưỡi mà chết.
Cô Du lớn lên trong sự cô đơn trống trải và hận thù đàn ông tột bực. Đàn ông là giống ác nhất. Cô nghĩ, đàn ông đều giống nhau… Cô không phiền muộn vì sự giảm lỏng. Như thế càng tốt cho cô. Phó Ngụ nghĩ , con gái như bông hoa ấy mà, đến thì phải nở, khép mãi sao được.
Một sáng, bông hoa ấy nở giữa sân chùa. Phó Ngụ biết chuyện thì tức điên lên. Binh lửa, loạn lạc qua rồi, làm gì hiếm đàn ông đến nỗi phải lên chùa tơ tưởng chú tiểu. Đành rằng cốt cách người nhà chùa luôn luôn là sự thu hút khó hiểu đối với đàn bà, trẻ con làng này. Đồn rằng chùa Vọng có cái giếng trong vắt, cô nào trẻ đẹp mà cứ muốn soi nụ cười vào trong đó là y như rằng có vấn đề về tình duyên. Nói rồi, có nghe đâu. Thủa trước, phó Ngụ chột một mắt, mà vợ hắn phải nhanh tay lắm mới vớ được. Làng, có bao nhiêu đàn ông, thanh niên, lành lặn khỏe mạnh ra trận hết. Trở về, kẻ lành lặn lại càng hiếm hoi mà các cô cũng đã thu vén, gói gém hết cả rồi. Phó Ngụ lấy vợ vùng trung du, mang theo cái nghề bật bông gia truyền lên ở rể. Vợ chết. Con thì nông nỗi này. Ngoài đình, làng đang bàn tán um lên. Lâu lắm rồi, phó Ngụ chẳng mon men đến sân đình.
Tiếng cười rùng rợn của cô Du tra tấn phó Ngụ hàng đêm. Tra tấn đến chết. Làng xóm bắt đầu lánh xa, sợ sệt cô, cho dù cô vẫn hiền lành thế. Thậm chí, họ còn cấm trẻ con bám theo cô. Cô vẫn tung tẩy thả tiếng cười tự do khắp làng, cùng xóm. Đã tới lúc, dù cô có cười ở đám cưới thì người ta cũng xua đuổi, ném đất ném đá, chứ đừng nói đến đám ma…
Nhà cửa dột nát. Tiền phó Ngụ gửi họ hàng cho cô Du ăn cũng cạn. Cô Du kiếm hoa về dọi lại nhà. Cô lấy hoa làm đệm, kết hoa làm chăn đắp… và cô ăn hoa. Hoa vườn chùa lúc nào cũng thơm ngát, giếng chùa trong vắt, cô Du soi bóng mỗi ngày.
Không còn bài vè, không còn đám rước. Chỉ còn cô Du ở cõi không tuổi với gương mặt đẹp vô ưu.
Rằm ấy, làng phát hiện cô Du lên chùa không hái hoa nữa, không cười nữa mà khóc. Cô khóc dưới gốc thị như đứa trẻ lên ba bị người mẹ nghèo hèn đem bỏ. Cô khóc, cơn khóc sau mấy chục năm cười. Người ta ái ngại, cái kiếp rồ hoa thế đấy, hết hồi cười thì đến hồi khóc.
*
Quỳ dưới Tam Bảo, một vị phát tâm xuất gia đã luống tuổi cúi đầu, chắp tay dường muốn giãi bày tâm nguyện. Thầy bản sư nhẹ nhàng: “Bần tăng cũng đi từ đời vào đạo nên hiểu. Mấy mươi năm qua thực là thử thách lớn với ngươi. Nay nếu tâm đã quyết, thân không vương vấn, nhà ngươi có thể thanh thảnh quy y được rồi. Tiện đây bần tăng cũng xin được trả lời. Đường tu dài và gian nan, chỉ có một đích đến, đó là sự thoát tục vĩnh viễn, để rồi lấy kết quả tu tập ấy mà tiếp độ và giác ngộ chúng sinh thoát khỏi những nghiệp chướng, những trầm luân của kiếp luân hồi mà thôi”.
Không gian lễ thụ giới tĩnh lặng tuyệt đối. Chợt ngân vang trong cõi linh thiêng chùa Vọng một hồi chuông dài như cơn nức nở cuối cùng của nỗi thổn thức trần ai.
T.N.H