Trăng muôn – Truyện ngắn của nhà văn Đình Kính

Vanhaiphong.com: Nhà văn Đình Kính vừa dẫn đầu đoàn Nhà văn Việt Nam sang Mỹ giao lưu, tham gia một số hoạt động văn học theo lời mời của Viện William Joiner thuộc đại học Massachusetts. Trong ba tuần lưu lại Mỹ, đoàn nhà văn Việt Nam đã có các  buổi gặp gỡ, trao đổi, và giới thiệu về văn học Việt Nam với bạn…

 

Nhà văn Đình Kính vừa dẫn đầu đoàn Nhà văn Việt Nam sang Mỹ giao lưu, tham gia một số hoạt động văn học theo lời mời của Viện William Joiner thuộc đại học Massachusetts. Trong ba tuần lưu lại Mỹ, đoàn nhà văn Việt Nam đã có các  buổi gặp gỡ, trao đổi, và giới thiệu về văn học Việt Nam với bạn. Trong phần giới thiệu truyện ngắn Việt Nam, nhà văn Đình Kính cho rằng truyện ngắn Việt Nam không thua kém truyện ngắn thế giới, truyện ngắn Việt Nam thời kỳ đổi mới mặc nhiên đảm nhiệm vai trò là niềm tự hào của văn xuôi Việt Nam.

Truyện ngắn Trăng muộn nhà văn Đình Kính đọc trong buổi giao lưu được các bạn Mỹ hoan nghênh. Nhà văn George Kovach, Tổng biên tập tạp chí Conequence hứa sẽ in truyện ngắn Trăng muộn vào số gần đây nhất.

Vanhaiphong.com xin giới thiệu truyện ngắn đó.

 

Tiễn người khách cuối cùng ra ngõ, Thắm quay lại, khép nhẹ cổng, rồi liêu xiêu đi vào sân. Đã khuya lắm. Làng Hạ lỉm trong đêm.

Ông Hiểu, bố chồng Thắm vẫn ngồi lặng trơ bên bàn, đôi mắt mù loà hướng ra ngoài.

Thắm e dè bước vào, lặng lẽ thu dọn cốc chén trên bàn, trên giường, nơi bậc cửa. Hồi tối, nghe tin chị đi bốc mộ chồng về, họ hàng chòm xóm kéo tới rất đông. Mọi người đến để hỏi han; đến vì tình, vì nghĩa và đến cũng còn một chút tò mò, muốn biết việc lấy hài cốt người nằm lại chiến trường, xa hàng ngàn cây sổ trở về diễn ra thế nào. Nhưng khi biết rằng đã không có chuyện ấy mọi người trở nên khó xử, cuối cùng, sau khi hỏi han mấy điều cho phải lẽ, để tránh cho chủ nhà khỏi thêm hẫng hụt, họ lần lượt ra về.

– Ngồi xuống, bố hỏi đã – Khuôn mặt ông Hiểu đã dịu hơn và giọng nói đã tỏ ra thông cảm. – Từ trước đến nay bố vẫn tin con…

– Sao cơ ạ? – Thắm chột dạ. Chị sững lại, cố lấy giọng bình thản: Bố dạy gì con chưa rõ…

Đôi mắt ông Hiểu vẫn lơ trơ hướng ra ngoài.

– Bố muốn nói là… Thằng Thanh là đứa con trai duy nhất của bố, cũng là tộc trưởng của cả một dòng họ… Bố đã muốn đón nó về từ lâu. Đây là việc hệ trọng cuối cùng trong đời bố. Vậy mà… Hồi nãy con có nói rằng…

– Vâng, đúng vậy ạ. Vào trong đó, thấy nhà con mồ yên mả đẹp nên con đã nảy ra ý định không muốn khuấy động vào sư yên tĩnh của anh ấy. Với nữa… Với nữa đêm hôm trước nhà con báo mộng cho hay rằng… anh cũng muốn vậy… Lúc sống anh và đồng đội đã từng san ngọt sẽ bùi nên khi nằm xuống, không muốn xa nhau…

Thắm không ngờ mình lại có thể nói những điều ấy lưu loát như vậy. Nhưng sau đó chị chợt rùng người. “Anh ơi, em có tội!” – Chị chực nấc lên, nhưng đã kịp để cho nước mắt lặn vào trong.

Ông Hiểu chợt hỏi:

–  Nghĩa nó có báo mộng với con?

Sau tiếng “dạ” rất mỏng lăn ra một cách vô thức từ miệng, Thắm không sao ngăn được nước mắt nữa, chị gục xuống và nghẹn ngào.

– Mộ chồng con cao ráo không?

Thắm nuốt nhanh nước mắt đang tràn lên mi:

– Đất đồi, mát mẻ lắm ạ.

– Ờ!

Ông Hiểu gắng nén tiếng thở mạnh. Hình tẻ quạt nơi đuôi mắt dường như hằn sâu hơn. Ông thõng chân quờ dép, rồi rờ rẫm bước tới chiếc va ly hồi chiều Thắm để nơi góc nhà. Chiếc va ly này tự tay ông sắm cho con dâu hôm nó lên đương vào trong đó với ý định làm phương tiện đưa chồng về. Ông gác va ly lên tủ rồi lân lần men tới bàn thờ. Tay run run, ông xoa nhẹ lên bức ảnh bán thân của người con trai vẫn treo nơi đó.

– Con cũng đừng buồn phiền quá nữa… Việc đã rồi…- Ông quay qua Thắm và an ủi – Thằng Thanh có cái lý của nó…

 

… Thắm chột các cửa rồi đi vào buồng. Bé Hồng đã ngủ. Khuôn mặt con gái sao mà giống anh ấy! Thắm sẽ sàng thả mình xuống cạnh con. Lúc này chị mới thấy bải hoải, rã rời. Và nước mắt lại trào ra. Chị úp mặt xuống gối, tấm tức khóc. Thắm  thương chồng, thương bố và tủi thân. Hôm tìm được ngôi mộ có tấm biển khắc rõ tên tuổi, quê quán chồng, chị cuống lên. Đau đớn và sung sướng. Bao nhiêu năm chị mới lại được ở bên anh. Vậy mà khi những người dân địa phương tốt bụng lật lên thì, trời ơi, chị rụng rời, thót người:

– Lấp … lấp lại… – Giọng run run, chị thoảng thốt kêu rồi quỵ xuống, vô hồn.

Người nằm đó đâu phải chồng chị!

Xế chiều, khi tỉnh lại, chị đốt thêm nắm nhang nữa cắm vào mộ người bạc phận mang tên chồng mình, tạ lỗi.

Những ngày kế theo, cầm bó nhang trên tay, Thắm thất thởi lần khắp khu rừng, gặp ngôi mộ nào cũng quỳ xuống vái và kêu rằng, nếu phải anh nằm đây, xin báo mộng cho biết để được đón anh về. Và đêm nay, khi biết bố chồng đã vào màn, chị rón rén trở dậy, tìm bó nhang… “Anh nằm nơi nào, có thiêng hãy báo cho em biết, khổ em lắm, anh ơi…”

Gian nhà ngoài, ông Hiểu cũng đâu có ngủ. Ông thương con trai, đã đành, còn cảm thấy tội nghiếp cho con dâu. “Thanh ơi, con nằm đâu, báo cho vợ con biết, vợ con là người hiếu thảo, thật thà, bắt nó phải nói dối, tội lắm”.

Từ bấy đến lúc tôi viết những dòng này, dễ chừng đã trên mười lăm năm. Trong ngần ấy thời gian, chẳng sót đêm nào chị Thắm không thắp nhang và lầm rầm khấn khứa. Năm tháng qua đi, chị Thắm thêm tuổi thêm già mà chồng chị vẫn không báo mộng về.

Đ K

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder