Trạng nguyên Lê Ích Mộc

TRẠNG NGUYÊN LÊ ÍCH MỘC – NHÀ PHẬT HỌC UYÊN THÂM

Thượng tọa Thích Thanh Giác[1]

Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi vào năm Nhâm Tuất, niên hiệu Cảnh Thống 5 (1502), đời vua Lê Hiến Tông, “Tháng 2, thi Hội các cử nhân trong nước. Số đi thi là 5.000 người, lấy đỗ bọn Trần Dực 61 người. Bộ Lại kê tên tâu lên. Vua thân ra đầu bài văn sách hỏi về đế vương trị thiên hạ. Sai Nam quân đô đốc phù tả đô đốc phò mã đô úy Lâm hoài bá Lê Đạt Chiêu và Hộ bộ thượng thư Vũ Hữu làm đề điệu; Bộ binh tả thị lang Dương Trực Nguyên và Ngự sử đài thiêm đô ngự sử Bùi Xương Trạch làm giám thị; Lễ bộ thượng thư Tả xuân phường Hữu dụ đức kiêm Đông các đại học sĩ Đàm Văn Lễ, Lễ bộ thượng thư kiêm Hàn lâm viện thị độc chưởng Hàn lâm viện sự Nguyễn Bảo, Lễ bộ tả thị lang kiêm Đông các đại học sĩ Lê Ngạn Tuấn, Quốc tử giám tế tửu Hà Công Trình, tư nghiệp Hoàng Bồi, thái thường tự khanh Nghiêm Lâm tiến đọc quyển thi. Vua xem xong, cho bọn Lê Ích Mộc (người xã Thanh Lãng, huyện Thủy Đường, khi trước làm đạo sĩ, đến khi đỗ, vua sai tuyên đọc lời chế thư, bưng lư đốt hương ra trước, bỏng tuột cả tay mà không biết), Lê Sạn, Nguyễn Văn Thái 3 người đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ; bọn Nguyễn Cảnh Diên, Lê Nhân Tế 24 người đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân; bọn Phạm Khiêm Bính, Nguyễn Mậu 34 người đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Vua ngự ở điện Kính thiên, Hồng lô tự truyền loa xướng danh. Hàng năm bảng vàng vẫn treo ở ngoài cửa Đông Hoa, đến nay vua sai bộ Lễ bưng ra, nổi nhạc rước đem treo ở cửa nhà Thái học. Bảng vàng treo ở cửa nhà Thái học bắt đầu từ đây[2].


Như vậy, khoa thi này, triều đình lấy đỗ 61 người có đủ Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa (Lê Ích Mộc, Lê Sạn, Nguyễn Văn Thái) và 58 vị Tiến sĩ (trong đó có Hoàng giáp Nguyễn Cảnh Diên). Theo sử sách, Lê Ích Mộc đỗ Trạng nguyên năm 44 tuổi, làm quan đến chức Tả thị lang, rồi về trí sĩ tại quê nhà. Sử còn chép ông xuất thân là đạo sĩ. Trong lễ xướng danh, Vua sai ông tuyên đọc lời chế thư, bưng lư đốt hương ra trước, hương cháy bỏng tuột cả tay ra mà không biết[3]. Theo “Công dư tiệp ký” của Vũ Phương Đề, Lê Ích Mộc tuổi đã cao mà chưa đỗ đạt thì tâm trạng cũng buồn. Ông thường đến chùa Diên Phúc (tức chùa làng Thanh Lãng) theo học thầy chùa đọc kinh Phật. Kỳ thi Đình năm ấy, toàn hỏi về Phật. Văn ông y tứ dồi dào, không bỏ sót tý nào. Kể rằng đề bài ra chín hàng chữ thì ông viết thành hai nhăm trang. Khi duyệt bài, vua Lê Hiến Tông sửng sốt thốt lên rằng: “Bài văn của Ích Mộc hơn hẳn mấy tầm so với các bạn đồng khoa Trẫm rất hài lòng duyệt cho người ấy xứng đáng bậc khôi nguyên”. Trong lịch sử khoa bảng Việt Nam, Lê Ích Mộc là người đầu tiên ở vùng đất Hải Phòng ngày nay thi đỗ Trạng nguyên.

Trong bài “Tiểu sử Thiền sư chùa Thanh Lãng” soạn năm 1597, sinh đồ Lê Tuấn Mậu nói cụ thể hơn: Dưới triều Lê Thánh Tông ở xã Thanh Lãng, huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương có một người nối nghiệp Nho, trì gia hiếu thảo, họ Lê tên Quang, vợ là Nguyễn Thị Lệ, cửa nhà dư dụ, kính sư sùng Phật và hay giúp đỡ người nghèo khó. Một đêm kia, bà Nguyễn Thị Lệ chiêm bao thấy Quan Thế Âm Bồ Tát hiển linh ban cho một đóa sen trắng và câu thơ rằng:

Phật cho Lê Thị một bông sen

Hiển hách nghìn thu dậy tiếng khen

Đích xác sang năm sinh quý tử

Danh lừng Tam giáo gội ơn trên.

Đến ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Nguyễn Thị Lệ sinh hạ được một con trai khôi ngôi, tuấn tú, mặt vuông, tai lớn. Ông bà Lê Quang – Nguyễn Thị Lệ rất là mừng rỡ đặt tên là Ích Mộc. Tục truyền, thuở nhỏ Lê Ích Mộc là một cậu bé thông minh, ham học và ngoan ngoãn được bà con làng xóm yêu quý. Hàng ngày, sau những buổi phụ giúp cha mẹ, Lê Ích Mộc thường tới chùa Ráng (tức chùa Thanh Lãng – Diên Phúc tự) nghe giảng kinh sách và mượn sách để đọc. Cảm động trước tấm lòng say mê hiếu học của Lê Ích Mộc, các nhà sư đã thay nhau chỉ bảo thêm cho cậu. Lê Ích Mộc thường lấy cát đổ lên mâm xoa phẳng, dùng ngón tay viết chữ lên để đọc, ghi nhớ rồi xoá đi. Đó là cách học “nhập tâm” giúp người ta nhớ lâu hiểu kỹ.  Một hôm, Lê Ích Mộc đang chơi ngoài đường gặp một vị sư già, nhà sư thấy Lê Ích Mộc có quý tướng bèn theo về nhà. Vị sư già nói với vợ chồng ông bà Lê Quang và Nguyễn Thị Lệ rằng: “Con trai ông bà có quý tướng, tương lai ắt đỗ đạt cao, vinh hiển gia phong, tiền đồ không thể hạn lượng được. Nếu ông bà đồng ý, bần tăng xin được kèm cặp, chỉ bảo thêm cho”. Ông bà Lê Quang – Nguyễn Thị Lệ đồng ý cho Lê Ích Mộc gánh sách theo thầy tu học ở trấn xa. Đó là chùa Yên Lãng (tức chùa Láng) ở Kinh thành Thăng Long. Ngờ rằng sử cũ chép Lê Ích Mộc vốn là đạo sĩ là có sự lầm lẫn vì chùa Láng – nơi Lê Ích Mộc tu học vốn là một sơn môn nổi tiếng của dòng thiền Tỳ ni đa lưu chi (Vinataruci). Các nhà sư dòng thiền Tỳ ni đa lưu chi (Vinitaruci) rất uyên thâm về đạo pháp và có uy tín với triều đình nhà Đinh, Tiền Lê, Hậu Lý. Tiêu biểu là các vị Pháp Thuận, Maha, Sùng Phạm, Từ Đạo Hạnh…Các thiền sư dòng Tỳ ni đa lưu chi (Vinitaruci) thường sử dụng hình thức tu tập “Tổng trì tam muội”, một lối tu tập nổi tiếng của Phật giáo Mật Tông, dùng thần chú kết hợp với ấn quyết trong trạng thái đại định để giữ được thân, khẩu, ý, mật. Ở Hoa Lư (Ninh Bình), giới khảo cổ học đã phát hiện được một cột kinh bằng đá dựng thế kỷ X có khắc bài thần chú “Phật đỉnh tối thắng đa la ni” là một thần chú phổ biến của Mật Tông. Các thiền sư kiêm pháp sư tu tập theo lối mật tông, dân gian dễ nhầm với các đạo sĩ.

Là những học vấn uyên bác, các vị cao tăng chùa Láng (Yên Lãng) đã dốc lòng dạy dỗ Lê Ích Mộc, trong khoảng 5 năm đã thông hiểu cả Tứ thư, Ngũ kinh lẫn giáo lý nhà Phật. Sách “Đại Việt đỉnh nguyên Phật lục” ca ngợi tài học của Lê Ích Mộc như sau: “Tam đông túc học chí Kim Cương” – nghĩa là 3 năm tu học đã thấu triệt tinh thần của Kinh Kim Cương. Như vậy, Lê Ích Mộc có sức đọc thiên kinh vạn quyển. Đề thi Hội năm ấy, vua Lê Hiến Tông thân ra đầu văn sách hỏi về đế vương trị thiên hạ, nhưng vào thi Đình, vua lại hỏi về Phật pháp. Đây là điều bất ngờ lớn đối với sĩ tử, nhưng lại là duyên kỳ ngộ đối với Lê Ích Mộc. Như mọi người đều biết, dưới thời vua Lê Thánh Tông, Nho giáo đã phát triển cực thịnh. Có ai ngờ rằng trước bao nhiêu đạo lý trị nước, bình thiên hạ cao siêu của các bậc quân vương và các nhà tư tưởng Nho giáo nổi tiếng như vua Nghiêu, vua Thuấn, Hạ Vũ, Thành Thang, Văn Vương, Vũ Vương, Chu Công, Khổng Tử, Mạnh Tử…mà nhà vua không hỏi, lại hỏi về Phật pháp. Với các Nho sinh suốt ngày đắm mình trong sách thánh hiền với “Tứ thư, ngũ kinh”, “Tam cương, ngũ thường”…gặp phải đề thi này chẳng khác nào sự đánh đố còn đối với Lê Ích Mộc thì lại là dịp may hiếm có. Ông thỏa sức trình bày những hiểu biết sâu rộng của mình về Phật pháp. Đạo Thiền chủ trương “Phật tại tâm”. Mọi chúng sinh đều có Phật tính trong mình. Con người chẳng qua bị lục căn, lục dục che mất Phật tính đi cho nên cứ phải đọa vào kiếp khổ luân hồi. Khổ là do mình tạo ra, cho nên muốn diệt được khổ thời chỉ có bản thân mình tự giải thoát cho mình thôi. Đạo Thiền dạy con người lấy tinh thần vô trứ (không mê, không chấp) mà chứng ngộ.

Bài Đối văn thi Đình trả lời về Phật pháp của Lê Ích Mộc là một tư liệu quý góp phần nghiên cứu lịch sử tư tưởng Việt Nam nói chung và lịch sử tư tưởng Phật giáo Việt Nam nói riêng. Trong lịch sử khoa cử thời phong kiến ở nước ta, đây là bài văn sách đình đối hỏi về Phật pháp độc nhất vô nhị, khẳng định sức sống mãnh liệt của tư tưởng Phật giáo. Đọc phần câu hỏi, hậu thế cũng khâm phục và ngạc nhiên hơn về kiến thức Phật giáo sâu rộng của nhà vua và triều đình Lê Hiến Tông. Để kiến giải thái độ mạnh dạn, táo bạo ra đề thi hỏi về Phật pháp tại kỳ thi cao nhất quốc gia – kỳ thi Đình, giữa lúc Nho giáo phát triển thịnh đạt nhất, đang ngự trị khắp trong triều ngoài nội và bất chấp việc giới hủ nho cho đạo Phật là dị đoan, ngoại đạo thì phải tìm hiểu về con người và sự nghiệp của vua Lê Hiến Tông.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, mẹ của vua Lê Hiến Tông là Trường Lạc thánh từ Hoàng thái hậu họ Nguyễn, húy là Hằng, người ở hương Gia Miêu ngoại trang huyện Tống Sơn, con gái thứ hai của Thái úy Trịnh quốc công Đức Trung. Trước đây, Lê Thánh Tông chưa có con nối dõi, Quang Thục hoàng thái hậu (mẹ vua Lê Thánh Tông) vẫn thường cầu đảo, sai Đức Trung đến cầu ở am Từ công (tức Từ Đạo Hạnh ở chùa Thầy) núi Phật tích, chiêm bao thấy đến trước mặt Thượng đế cầu hoàng tử, Thượng đế nói: Cho sao Thiên lộc làm con của Nguyễn Thị. Bèn ẵm đến ngồi ở phía trước. Bấy giờ Trường Lạc hoàng thái hậu ở cung Vĩnh Ninh, tức thì có mang. Đến đủ ngày tháng, vua sinh ra, dáng vẻ thiên tử, mũi cao, mặt rồng, vẻ người đứng đắn, đẹp đẽ khác thường, Thánh Tông yêu quý lắm. Xét bài ký chùa Thiên Phúc (chùa Thầy) của Nguyễn Bá Bằng nói: Trường Lạc hoàng thái hậu có điềm rồng vàng bay vào sườn bên tả. Năm Hồng Đức thứ 38, tháng giêng, Thánh Tông băng, vua lên ngôi hoàng đế. Tháng 4 năm Kỷ Mùi, niêu hiệu Cảnh Thống 2 (1499), vua Lê Hiến Tông sắc dụ cho Thượng thư Lễ bộ Vũ Hữu rằng: “Nhân tài là nguyên khí của nhà nước, nguyên khí mạnh thì trị đạo mới thịnh. Khoa mục là đường chính của các quan, đường chính mở thì chân nho mới nhiều. Cho nên ngày xưa dùng khoa thi lấy người giỏi, phải nghiêm quy chế chia vi, phải cẩn thể lệ dán tên, có lệnh cấm bảo nghĩa cho nhau, đổi sách cho nhau, cốt để ngăn giữ mầm gian, được nhiều người giỏi, để giúp cho sự dùng vô cùng của nhà nước. Phép chọn nhân tài của tổ tông ta, bắt chước đời xưa mà làm, đến nay quy mô rộng lớn, đã kỹ lại đủ. Song phép lập từ lâu, đã sinh ra tệ, người thường tài lại đỗ, kẻ thực học lọt vòng, lời bàn bạc sôi nổi, lòng học trò chưa thỏa. Trẫm giữ nghiệp lớn, rất tỏ đạo công; ưa chuộng thực thà muốn kéo lại phong tục thuần phác, vất bỏ phụ bạc, để trừ bỏ thói nết kiêu xa. Để cho người hiền triết tiến lên lũ lượt…”[4]. Chủ trương muốn kéo lại “phong tục thuần phác” đã được vua Lê Hiến Tông hiện thực hóa bằng cách khôi phục lối thi cử Phật giáo thời Lý, Tam giáo thời Trần.

Theo nhà nghiên cứu Mai Xuân Hải – Viện Nghiên cứu Hán Nôm[5], qua phần câu hỏi đã thống kê được đề thi gồm hơn 100 câu hỏi cụ thể, từ những câu hỏi thuộc phần “hình nhi hạ” (xuất xứ về cha mẹ, anh em, cô dì của Đức Phật) tới phần “hình nhi thượng” (triết lý, bản thể luận) của Phật giáo; từ những kiến thức về Phật giáo Ấn Độ, Trung Quốc tới Việt Nam; từ các bộ kinh cho tới lời chú, vv…có nhiều câu hỏi như những thách đố, ngầm có ý phê phán Phật giáo có nhiều thuyết dường như hoang đường, quái đản, nhằm đưa người trả lời vào chỗ bí, đi tới từ bỏ lòng tin đối với Phật pháp mà bấy lâu nay mình theo đuổi. Những câu hỏi từ đơn giản tới phức tạp, có dễ có khó, không dễ gì mà trả lời ngay được, nếu không nắm vững, không thông hiểu về tri thức Phật học, không có một “phông” văn hóa Phật giáo vững vàng. Qua cách ra đề thi chứng tỏ vua Lê Hiến Tông và các triều thần Nho sĩ nhà Lê Sơ có vốn tri thức Phật giáo sâu rộng. Hậu thế càng khâm phục và ngạc nhiên hơn về cách trả lời cứng cỏi, đanh thép, thẳng thắn, đầy sức thuyết phục, không né tránh bất kỳ câu hỏi nào, thể hiện nhân cách chân chính và kiến thức Phật pháp sâu rộng của Lê Ích Mộc. Ông bảo vệ thành công giáo lý nhà Phật trước những câu hỏi “hắc búa” như muốn thách đố của nhà vua, khiến vua Lê Hiến Tông tỉnh ngộ, nhận ra chân giá trị của bài văn và rất hài lòng lấy ông đỗ cao nhất “Đệ nhất giáp tiến sĩ đệ nhất danh” – Trạng nguyên.

Lúc bấy giờ, Nho giáo đang phát triển thịnh đạt, tư tưởng và học thuyết của nó đang là kim chỉ nam cho sĩ tử đi thi, hòng mong đỗ đạt, để được ra làm quan sau này. Hẳn ai nấy đều đoán giá đoán non rằng nhà vua sẽ hỏi về đạo trị nước của Nho giáo, bởi đây vốn là điểm mạnh, rất mạnh của Nho giáo, mà các triều đại phong kiến Trung Quốc và Việt Nam đã từng ứng dụng, vận dụng và đã nhiều lần đưa đất nước tới mức được coi là thịnh trị. Trong khi đó, Phật giáo là học thuyết có những thời kỳ mâu thuẫn kịch liệt với học thuyết Nho giáo, giành giật uy tín, lòng tin trong tâm thức của quần chúng với Nho giáo.

Qua đoạn bản dịch từ nguyên bản “Lịch triều đình đối văn”, ký hiệu Thư viện Hán Nôm VHv. 335/2 (tờ 37a – 58b) của nhà nghiên cứu Mai Xuân Hải – Viện Nghiên cứu Hán Nôm, đã được GS Trương Đình Nguyên hiệu đính và PGS Nguyễn Tuấn Thịnh đọc duyệt, bổ sung phần chú thích, giúp chúng ta hiểu biết phần nào về tư tưởng, tri thức Phật học của Trạng nguyên Lê Ích Mộc, về thực trạng Phật giáo thời vua Lê Hiến Tông. Theo các dịch giả, đây là một văn bản khó, việc dịch, chú khó tránh khỏi sai sót. Dưới đây là bản dịch một đoạn bài văn trên:

“Đáp: Ngu thần xin thưa rằng:

Phật pháp quảng đại không thể nghĩ bàn. Đệ tử tu đạo cốt ở giác ngộ lẽ không tịnh. Vì Phật pháp quảng đại không thể nghĩ bàn được vậy. Nếu đệ tử tinh thành tu đạo, mà không giác ngộ lẽ không tịch thì làm sao có thể diệt tội đắc phúc, chứng đạo thành Phật, vãng sinh sang thế giới Tây phương Cực lạc được! Biết được điều đó thì những chứng tích rõ rệt của Phật pháp có thể khảo chứng được, và đệ tử tu đạo, không lo gì không có chân đạo vậy.

Nay được bệ hạ tinh tường hỏi về Phật pháp, lời hỏi mới sâu sắc làm sao, thần tuy ngu dốt, đâu dám không hết lòng trả lời…

Kính nghĩ bậc thánh thiên tử Thánh triều ta, kế thừa các bậc vua thánh, gặp gỡ vận hội lớn lao để tâm nội điển, xoay chuyển pháp luân, trên có thánh từ Hoàng thái hậu và thánh Thái hậu, cõi Nam nuôi dưỡng công đức, Thiên Trúc ngưng hội tinh thần, vui sướng quê Trường lạc, siêng năng chăm đạo chí chân. Lại thêm có ngài Bình Cao Vương và các bậc đại thần trông coi việc nước, thảy đều tha thiết với việc thờ Phật, gió vua nhân thổi mãi, mặt trời Phật sáng lâu, tăng thêm vẻ sáng của tổ thành, giúp thêm thánh hóa của Hoàng triều. Cả những hạng đệ tử chúng tôi, sinh gặp đời thịnh trị, được học tập pháp môn, phát Bồ đề vô lượng đạo tâm, thụ Như Lai vi mật giáo pháp, phàm là Phật pháp, thảy đều thi hành. Song nay đấng thánh minh đã sách vấn, vì vẫn cầu đạo đấy, cho nên mới hỏi lũ hạ thần là hạng ngu muội. Xét sự tu đạo ở trong nước, những kẻ học được đạo này được mấy người? Thần tự xét biết mình là kẻ ngu đần, bàn luận nông cạn, kiến thức thô lậu, đâu đủ để làm nổi việc này. Nhưng thần đâu dám không tâu bày những ý kiến hẹp hồi của mình. Thần cho rằng: Chân đạo vô thể, nó tĩnh mịch, đạm bạc, bình thường, nhưng không thể một giây phút nào rời xa được. Nó mãi mãi ở ngay thân mình chăng? Nó mượn hai khí mà phôi thai, mượn ngũ hành mà nảy nở, là một thể với trời đất, phối hợp với ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, và tinh thần tiết khí đều thuộc vào đó, đều sinh ra từ đó, ở trong thì đủ cả Tam tài, ở ngoài thì là thứ linh thiêng của muôn vật. Và sự tài chế vận dụng của nó không ngoài một cái tâm mà thôi. Thế thì biết rằng: tâm kia là tính vậy. Tính tức là lý, cũng là khí vậy. Một khí linh quang, suốt cả cổ kim, tự nhiên vẫn chiếu dọi. Nói về sự cao thì trời cũng không thể hơn được. Nói về sự lớn, thì đất cũng không thể sánh được. Nói về sự rộng, thì hư không cũng không thể bằng được. Nói về sự nhỏ, thì sợi lông tơ cũng không thể đếm được. Nó tập hợp cả vạn tượng bời bời, thấu suốt cả vũ trụ trên dưới. Đó là vị chân Phật vậy. Song Phật chính là giác tính như hư không, thức là bình thường, tức là chân đạo. Nó không thuộc về sự biết và sự không biết. Biết là vọng giác, là vô ký. Nếu gặp đạo mà chẳng hề có chướng ngại gì thì nhìn nó như hư không. Vì vậy, hư không tức là pháp thân. Pháp thân tức là hư không vậy. Khác nào vầng mặt trời trên trời chiếu khắp bốn phương thiên hạ. Khi mặt trời lên chiếu sáng khắp thiên hạ, mà hư không chẳng từng sáng. Khi mặt trời lặn, tối tăm khắp thiên hạ, mà hư không chẳng từng tối. Cái gương sáng tối xâm đoạt lẫn nhau, cái tính của hư không thì vẫn là tự nhiên, biến thành các tâm tính của Phật vậy. Cái tâm tính của Phật cũng là như vậy, há chẳng thấy chữ “vô” của Khổng Tử ư? “Gom đạo như hư không” ! Nhan Hồi nhiều lần “không”, “tọa vong” mà là cái tâm của Lão Tử nói về “vô hữu” (không có) mà đắc được thuyết tu đạo. Thích Ca nói về “không” mà hợp với lời nói về “suất tính”[6]. Vì vậy ngày xưa, giác ngộ mà trở thành Phật thánh là như vậy. Huống hồ ngày nay là đệ tử thờ Phật, nếu không tu đạo thì thôi, còn nếu có thể hành đạo và có thể chứng được đạo không tịch thì đó mới là chân đạo vậy chăng. Như thế gọi là tu tịch tĩnh mà chứng không thường, đoạn trần lao mà thành chính giác, há chẳng phải là diệt tội được phúc, chứng đạo thành Phật, được vãng sinh sang thế giới Cực lạc Tây phương đó sao ? Ắt phải giác ngộ cái chân như bản lai, chứng ngộ cái không tịch. Đó là phong (gió), là thủy (nước), là hỏa (lửa) luyện thành một tính viên minh, là tinh, khí, thần hóa thành Tam bảo thường trụ. Đốt hương ngũ phận, chẳng mượn lục trần bên ngoài. Dâng hiến phẩm vật lục cúng đều quy vào trong một tuần. Tâm tính bên trong giác ngộ lẽ không, mà chư tướng cũng là không. Nội ngoại đều không, trong veo thường trụ. Được như vậy thì có thể chứng đắc mà dần dần nhập vào chân đạo. Và như thế đã được gọi là đắc đạo, thực ra là “vô sở đắc”. Đã là vô sở đắc thì tự nhiên có niềm vui về thiền vậy. Xuất nhập ẩn hiện đều giác ngộ lẽ không tịch, hào quang chiếu dọi, thanh tịnh viên minh, thì tự nhiên Đức Phật A Di Đà sẽ xuất hiện. Từng niệm là Thích Ca xuất thế, từng bước là Di Lặc hạ sinh. Khí độ là tâm của Văn Thù hiển hiện, vận dụng hợp với hạnh đại bi, rành rành đều là nước cam lồ, thảy thảy đều là vị đề bồ. Tất thảy không ngoài cây bồ đề[7], sinh trưởng trong pháp môn huyền diệu của Hoa tạng[8]. Đi, đứng, nằm, ngồi, mong ý tùy duyên, tuy ứng dụng có sai biệt mà thân thường thanh tịnh. Chẳng phải là tính giác ngộ cái tính của một mình, hoặc là cái tính giác ngộ cái tính của muôn người. Cái tính làm việc phúc đức ấy thật là to vậy, rộng vậy. Không hẳn phải tín chú pháp vị, bất tất là đạo quả tại gia viên thành. Từ đó mà tiêu trừ được tội khiên muôn ức kiếp, diệt tội đắc phúc. Từ đó mà thành ngôi tôn chính giác, chứng đạo thành Phật. Chỉ thấy không có một danh nào mà không truyền bá danh của Như Lai, chỉ thấy không một vật nào mà không nêu cao hình tướng của Giá Na[9]: đỉnh môn Tì lư, cao siêu độc bộ, hội Phật cõi không thể hiển hiện Kim thân, mặc ý ngao du, phóng tâm tự tại, đó là để được vãng sinh sang thế giới Tây phương Cực lạc. Nếu không thì là do đạo chưa được thi hành vậy. Đạo vô ngã thì là không. Sáu chữ chỉ có người đồng đạo mới có thể biết được. Kẻ kia chìm đắm vào trong cái tính không tịch, là rơi vào trong cái không, thì đâu có biết là đạo ở chỗ nào. Ngài Bàng Công[10] nói: “Kẻ phàm phu trí lượng hẹp hòi mê vọng, nói ly tướng có khó dễ, như hư không thảy đều khế hợp với Phật lý”. Ngài Viên Ngộ[11] nói: “Mười phương cùng tụ hội, nghìn nghìn người đều học vô vi. Đó là sự lựa chọn cái lý không tịch trong tận cùng Đệ nhất nghĩa đế mà Phật hằng tìm kiếm”. Đấy chính là nói về điều đó vậy.

Ngu tôi dùng phương pháp, dùng công cụ phương tiện, nhặt nhạnh trong lời kinh văn dạy về pháp hữu vi để quy vào chỗ vô tận, làm điều thiện đối với chân đạo vô chứng vô tu, làm việc giáo hóa chúng sinh cũng là bằng những lời này vậy. Vả lại văn lý lâu rồi không thực hành, nay thấy đề bài hớn hở bội phần. Vì vậy có câu thơ rằng:

Lộ phùng kiếm khách tu trình kiếm

Bất thị thi nhân mạc thuyết thi.

Nghĩa là:

Gặp người kiếm khách nên dâng kiếm

Chẳng phải nhà thơ chớ nói thơ!

Đó là điều muôn lần mong muốn của thần vậy.

Thần kiến giải hẹp hòi như vậy không biết có đúng hay không. Nguyện mong bệ hạ sáng suốt phát vấn, rủ lòng đại từ bi nói ra một lời”.

Trạng nguyên Lê Ích Mộc là nhà trí thức lớn đương thời. Về tư tưởng và văn hóa, Trạng nguyên Lê Ích Mộc tiếp tục phát triển quan niệm “tam giáo đồng nguyên”, “cư trần lạc đạo”, vừa tôn sùng Phật giáo, vừa coi trọng Nho giáo, Đạo giáo và các tín ngưỡng dân gian. Tiếc rằng là các tác phẩm của ông, các giai thoại về ông đều đã thất truyền, các di tích lưu niệm về cuộc đời và sự nghiệp của ông trên quê hương Quảng Thanh – Thủy Nguyên bị mai một, biến dạng như: Đền Diên Thọ, chùa Diên Phúc, Từ đường họ Lê, Văn chỉ xã Thanh Lãng, rừng lim Quan Trạng, đền Quảng Cư, chùa Nốt, Đền thờ Trạng nguyên Lê Ích Mộc, khu lăng mộ Quan Trạng, miếu Ông Mỏ…Hy vọng trong tương lai không xa, quần thể di tích văn hóa và tâm linh về Trạng nguyên Lê Ích Mộc sẽ được quy hoạch, phục dựng và tôn tạo để trở thành địa chỉ “vàng” tham quan, du lịch và chiêm bái của đông đảo du khách trong và ngoài nước.


[1] Ủy viên Hội đồng Trị sự  kiêm Phó trưởng ban thường trực Ban Hoằng pháp Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó trưởng ban thường trực Ban Trị sự  Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hải Phòng

[2] Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb KHXH HN. 1968, tập 4, tr 30 – 31

[3] Đại Việt sử ký toàn thư

[4] Đại Việt sử ký toàn thư  – Nxb KHXH HN. 1968, tập IV, tr 5 và tr 13

[5] Vài nét về bài Đối văn thi Đình trả lời về Phật pháp của Trạng nguyên Lê Ích Mộc (1458-1538) – Thông báo Hán Nôm – H. 1998

[6] Suất tính: Noi theo bản tính. Chữ có xuất xứ từ Trung dung: “Thiên mệnh chi vị tính. Suất tính chi vị đạo. Tu đạo chi vị giáo” (Cái trời ban cho gọi là “tính” nương theo tính gọi là “đạo”, tu đạo gọi là “giáo”.

7. Cây bồ đề: Cây tượng trưng cho sự giác ngộ của đạo Phật

[8]Hoa tạng: Tức Hoa tạng thế giới. Ở đây chỉ Đạo Phật.

[9] Tên gọi chung chỉ pháp thân Phật chỉ đức Đại Nhật Như Lai của Mật giáo

[10]Bàng Công: Tức Bàng cư sĩ, tên Uẩn, tự là Đạo Huyền, là một cư sĩ tinh thông Phật học thời Đường

11. Viên Ngộ: Tên nhà sư  thời Minh

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder