Cũng chẳng hiểu tại sao mỗi khi cầm bút, ký ức tôi lại chảy về với cái làng nhỏ ven sông ấy, chảy về với những miên man, đau đáu một tuổi thơ. Trót dầm ướt mình trong một cơn mưa nào đấy chốn thị thành thì cũng đủ gợi lại cảm giác đang tắm trong dòng nước mát lạnh phù sa của quê hương.
Những hạt phù sa li ti, mịn màng lắng dần trong mùa lũ bồi lên bãi ngô non. Nhắm mắt lại, xa xa là rung rúc tiếng cười của lũ bạn chăn trâu. Và tôi còn day dứt mãi về những khắc nghiệt mà thiên nhiên dành cho làng quê vốn nghèo khó của tôi. “ Chiêm khê mùa thối” –người dân thường nói vậy khi lúa ngập ủng trong nước, cả làng phải rang thóc trên những cái chảo lớn rồi hì hục xay giã mới có gạo nấu cơm. Bọn trẻ con chúng tôi lội bì bõm cả ngày trên những con đường ngập lụt. Đường chính vào làng chỉ còn mảnh như dây đàn. Thứ dây đàn ấy bỗng thành vệt sáng lấp lóa trôi trong ánh trăng, run rẩy trước tiếng hát đón trung thu của trẻ làng. Còn người lớn thì ngủ không yên giấc, sợ vỡ đê. Những đêm như thế bập bùng huyền thoại, trở đi trở lại trong chuỗi giấc ngủ của tôi.
Hồi ấy, tôi học lớp một của cô giáo Khuyên ở làng bên. Gọi là làng bên nhưng chỉ cách làng tôi bằng tảng đá xanh to kê giữa lạch nước chảy, ngăn đôi hai cánh đồng trồng hành. Bước qua lạch nước ấy là cả một kỳ tích. Buổi học đầu tiên tôi đi theo hai mẹ con bác hàng xóm, bố mẹ bận không đưa được, nhưng tôi nhớ mãi cái xoa đầu ấm áp của ông tôi. Ông dặn: “ Học ở làng Bến đừng ra sông con nhé”. Dù còn rất bé tôi đã cảm nhận được những tình cảm và sự kỳ vọng lớn lao trong đôi mắt ông dành cho tôi. Bố là người đầu tiên của làng đi “thoát ly”, đã nhóm lên trong lòng ông ngọn lửa ước mong về một sự đổi thay. Ông trao cho tôi ngọn lửa ấy từ buổi làm học sinh đầu tiên của lớp 1A. Đêm, tôi ngập mình trong niềm tin thơ ngây về thế giới có Tiên, có Phật, và những câu chuyện cổ tích hấp dẫn.
Bà kể, xưa làng có ít người lắm, đất rộng, bờ bãi trải dài ven sông, rừng rậm rạp, hổ báo đi nghênh ngang không sợ người. Dần dần đông đúc ra, dân làng họp lại bàn nhau, ai muốn tắm sông thì ra ở khu đất phía đông ( nay là làng Bến), còn ai muốn ăn sấu thì ở lại những dải đồi ngập trong cây cối, sim mua. Ông bà tôi ở lại làng Sấu, nhưng chỉ đứng ra sân là nhìn hết được làng Bến bên kia, nhìn thấu cả bên kia sông. Đất ở đây vón thuộc tổng Tuy Lộc Sơn của miền Yên Thế hạ tỉnh Bắc Giang xưa kia. Bà hay nói về một loài sâm Nam quý hiếm tiến vua trên ngọn núi Dành. Hai cô sinh đôi của tôi khi được một tháng tuổi đã bỏ bú, mắt nhắm hờ, hy vọng sống mỏng manh như lá cỏ. Bà đã leo lên núi kiếm lá thuốc, bất ngờ gặp một thứ rễ cây thơm nức, ngọt lành, mang về thái mỏng hấp cơm cho hai cô uống. Kỳ diệu thay, hai đôi mắt chớp long lanh, hai cái tên có trên đời này đến tận ngày nay. Người quê tôi sớm biết ra đồng cắt cỏ và lên núi kiếm củi. Núi Dành trỏ thành quen thuộc vô ngần với mấy làng xung quanh. Mấy năm gần đây núi Dành trở thành khu du lịch tâm linh, rất nhiều người đến viếng thăm, cầu khấn.
Tuổi thơ tôi dù lam lũ, quê mùa nhưng có một ma lực nào đó sống một cách mãnh liệt như vị đắng hoăng hoẳng của cây cóc mẳn ngoài bờ ruộng. Mấy chị em Liệu, Ngà, chị Lý, chị Thương đã rủ nhau băng hết đồng này đồng khác tìm đám rau chăn vịt, rau khúc, rau mặt trời về cho lợn. Nhựa cỏ, nhựa rau dại bám xanh lẹt ngón tay, như những vết chàm bà Mụ quệt vào những đứa trẻ con nhà khuê các để dễ nuôi.
Tôi cứ nhớ mãi buổi chiều vàng rực như mơ, như hoang tưởng ấy. Trên đường đi học về, trời xâm xẩm tối, chỉ có khoảng trời chỗ ngôi đình Đanh bảy gian ngoài đồi Non Cộc là sáng lấp lánh, rực rỡ, mãi sau này tôi mới biết đấy là màu vàng sơn son trong những cung điện nguy nga. Giữa không gian đẹp mê hồn ấy là một con nghé con bằng vàng chạy quanh cột đình vì vướng dây chão. Tôi đứng ngây ra để xem. Một lúc sau con nghé biến mất. Không ai tin lời tôi nói, chỉ có bà nội tôi là xa xăm buông một câu: “ Đình thiêng lắm con ạ”. Sau nhiều năm đổ nát, nay trên nền đất cũ của đình làng đã được xây đình mới để thờ cúng và tổ chức hội làng.
Tôi gánh được nguyên vẹn cái vẻ đẹp của buổi chiều thơ ấy đến bây giờ, nhưng chính tôi cũng không biết tại sao tôi nhìn thấy cảnh tượng đó. Chỉ biết, đó là một trong những điều kỳ diệu nhất của tuổi non nớt. Non nớt lớn lên trong những lo toan có khi bấn loạn của bố mẹ. Dù làm giáo viên hay quan tòa thì bố vẫn phải thức cả đêm thái sắn, hay nhặt hành với mẹ. Vậy mà những giấc ngủ trẻ thơ của tôi và lũ em lớn lên yên lành cũng những trang giấy trắng cùng vô vàn giấc mơ thánh thiện. Tôi tập tọe làm bài thơ đầu tiên năm lớp 4, bố bắt gặp, tôi đã xấu hổ giấu tiệt đi đâu đó, giờ không còn nhớ được câu nào.
Sức nặng của những trang sách ngấm dần vào máu thịt tôi. Giữa cái gieo neo của cuộc kiếm tìm cơm áo, bố tôi lại đi tìm những quyển sách hay mang về cho chị em tôi. Mải mê đọc,nấu cơm cũng đọc, chăn trâu cũng đọc, những dòng chữ ấy chảy ào ạt vào lòng, khiến tôi thành ra yêu văn chương. Bố tôi hát ru em bằng truyện Kiều, kể cho tôi nghe truyện Tàu, truyện Tây đủ cả. Người làng cho là bố tôi khcs thường, chỉ có mẹ là hiền dịu, nhẫn nhịn đi chợ suốt tháng năm kiếm gạo nuôi bốn đứa con. Cảm giác phấp phỏng nhìn sang bờ sông bên kia mong mẹ về chợ dường như vẫn thức đâu đó trong đáy tâm hồn tôi.
Có lúc cơm chẳng đủ ăn, nhưng bố mẹ vẫn nhắc chúng tôi đừng làm người thất học. Có những ngày học tiểu học, trời mưa dữ dội, sấm chớp đùng đùng, bọn trẻ làng nghỉ cả, chỉ có tôi đội cái nón cũ, lù rù như cây nấm đến trường. Không may hôm nào trốn bố mẹ không ngủ trưa hay làm mất một thứ đồ đạc nào đó là bọn tôi phải nằm sấp xuống nền nhà chịu ngọn roi vô cùng nghiêm khắc của cha. Có lẽ, một phần cũng nhờ sự rèn giũa nghiêm khắc ấy mà chúng tôi mới có ngày nay.
Chỉ có cha tôi là buồn thầm, vì nhiều lẽ. Cuộc đời đi năm châu bốn bể, kinh qua trận mạc, chiến tranh rồi lại về góc làng xưa cũ cùng cây lúa củ khoai, hy sinh quá nhiều vì gia đình, nghỉ mất sức. Có thể đó là số phận. Chúng tôi càng lớn lên thì càng nhận ra những điều cha mẹ hy sinh cho mình thật lớn lao và cao cả.
Từ miền quê khắc nghiệt nhưng yêu dấu ấy chúng tôi được đi học từ tấm bé, lớn lên được sống trong dự định và tình yêu của riêng mình. Những mùa xuân xa nhà, những tháng ngày gắn bó với miền đất khác càng khiến lòng tôi tràn về với quê hương, với bao nhiêu khát vọng mà bố mẹ, ông bà đã cho mình.
Tôi không bao giờ nghĩ mình gắn bó với văn chương, có lẽ đó là một cuộc hội ngộ tình cờ, một cái duyên, nhưng rõ ràng, mảnh đất và con người ở nơi tuổi thơ tôi đã sống trở thành một niềm cảm xúc không giới hạn. Lâu lắm rồi tôi mới trở về với miền xúc cảm long lanh ấy.
Cái rét cuối đông còn sót lại trên đám cải vàng ngơ ngác. Quê tôi chuẩn bị đón xuân bằng những phiên chợ ồn ào đấy ắp hành tỏi và trẻ con đi sắm quần áo mới. Đường làng cơ man là những sọt, những xe ô tô lớn nhỏ cất hàng. Tấy cả đã đổi thay. Bến nước xưa nay thành bến cảng, xe chạy suốt ngày đêm. Giờ thì chẳng sợ vỡ đê, bởi đường làng đã rộng ra vững chãi hơn cái dây đàn ngày xưa. Khu chợ với dăm ba ngôi nhà lợp ngói ta ngày trước giờ thành một phố làng sầm uất. cũng nhà tầng, nền lát gạch hoa, ti vi, tủ lạnh, người làng được hưởng sinh hoạt của người thành phố.
Tha thẩn ra sông, chạm mặt với ngút ngát màu xanh, tôi hấy lại một phần sự đẹp đẽ thanh bình của chốn xưa. Lòng có gì bâng khuâng, nuối tiếc. Tôi muốn tìm lại cái ngõ quen hồi ấy, vương vất mùi hoa bưởi, có đám trẻ con áo xanh áo đỏ nhảy tung tăng. Tìm lại cái nhìn vừa thơ dại, vừa thích thú đầy mơ màng của một chàng trai dưới rặng hoa xoan… Đâu đấy đã như vệt sương tan đi theo thời gian mất rồi.
Đi trên đê lộng gió tôi thấy như cầm được trong tay mình những cảm xúc ào ạt. tuổi thơ đã ra đi nhưng đâu đây vóc dáng yêu thương của nó còn in trên mỗi con đường…
(Rút trong tập tản văn ” Về miền ký ức”)