Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn – chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị làm nên bản sắc văn chương nước nhà, mới đây Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản Tuyển tập văn xuôi và Tuyển tập thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Kỳ này vanhaiphong.com xin được giới thiệu cùng bạn đọc truyện ngắn “Trong mưa” của nhà văn Đức Ban in trong Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn – chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị làm nên bản sắc văn chương nước nhà, mới đây Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản Tuyển tập văn xuôi và Tuyển tập thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Kỳ này vanhaiphong.com xin được giới thiệu cùng bạn đọc truyện ngắn “Trong mưa” của nhà văn Đức Ban in trong Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
ĐỨC BAN
PHẠM ĐỨC BAN. SINH NGÀY 10 THÁNG 01 NĂM 1949. QUÊ QUÁN: XÃ VĨNH LỘC, HUYỆN CAN LỘC, TỈNH HÀ TĨNH. DÂN TỘC: KINH. HIỆN THƯỜNG TRÚ TẠI: SỐ NHÀ 125 ĐƯỜNG NGUYỄN DU, TP, HÀ TĨNH. ĐẢNG VIÊN ĐẢNG CSVN. VÀO HỘI NĂM 1990. ĐI THANH NIÊN XUNG PHONG CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC NĂM 1967. SAU CHIẾN TRANH, NĂM 1975 VỀ CÔNG TÁC Ở HỘI VĂN NGHỆ HÀ TĨNH, RỒI NGHỆ TĨNH. NĂM 1982 VÀO HỌC KHOÁ 2 TRƯỜNG VIẾT VĂN NGUYỄN DU. TỪNG LÀ CHỦ TỊCH HỘI VHNT HÀ TĨNH, TỔNG BIÊN TẬP TẠP CHÍ HỒNG LĨNH, GIÁM ĐỐC SỞ VĂN HOÁ -THÔNG TIN HÀ TĨNH.
Nhà văn Đức Ban (Ảnh Internet)
TRONG MƯA
– Anh cho tôi ngồi cùng.
Tôi ngửng đầu và thấy một người đàn ông gầy, mặc một bộ quần áo sẫm màu, gương mặt mệt mỏi đứng bên kia bàn đang chỉ tay xuống cái ghế để trống.
– Quán còn bao nhiêu chỗ kia. Tôi nói.
– Biết thế, nhưng tôi muốn ngồi ở bàn này. Lâu nay tôi đã ngồi, đã quen.
– Thói quen lạ lùng. Tôi lẩm bẩm.
– Thì là thế, là tôi quen chỗ ngồi của tôi thôi, chỗ góc, khuất, ở gần cửa … Hắn nói, đôi mắt mở to hết nhìn cái ghế trống lại nhìn tôi như thể cái chỗ hắn từng ngồi là rất quan trong đối với hắn.
Lại thêm một kẻ không bình thường, tôi nghĩ thầm và nói xin mời. Hắn cảm ơn, rồi ngồi xuống và lắc lắc cái đầu tóc âm u.
Đấy là lần đầu tôi gặp hắn, không nhớ là bao giờ. Sau đó còn mấy lần nữa. Hầu như lần nào cũng ngồi im lặng bên cái bàn gỗ tròn đầy vết xước, chỉ đôi khi hắn giật mình và buông mấy tiếng: không chịu được, kèm theo cái lắc đầu.
Mãi giờ tôi vẫn chưa biết tên hắn và chắc hắn cũng không biết tên tôi. Những lần tôi hỏi, hắn im lặng hoặc lảng ra. Rồi thôi, cứ ông ông, tôi tôi cho đến lúc uống xong cà phê, ai về đường nấy.
Sáng nay, cạnh chỗ chúng tôi ngồi người ta mở thêm một cửa nhỏ nhìn ra con hẻm rải đá giăm dài hun hút. Từ hẻm vào quán phải qua mấy bậc thềm có lát những mảnh tôn trắng để đất bùn khỏi dính vào giày, dép của khách. Lúc này nước trên mái nhà nhỏ xuống mảnh tôn rỉ rách. Ngoài trời bàng bạc những sợi mưa bay lang thang và nghe tiếng gió thổi u u. Gian phòng rộng sâm sẫm, chốc chốc lại có một làn sương mờ mỏng tang lướt trên trần nhà. Mấy bức tường có treo lủng lẳng áo tơi, nón lá, sảo tre, hoa nhựa… Giữa tấm gỗ ốp trên tủ đựng rượu nơi quầy bar có một bức tranh sơn dầu vẽ một người đàn ông mặc com lê màu đen nhìn không rõ mặt, dẫn đầu đoàn người gồng gánh những vật gì đó dưới cờ và biểu ngữ rợp đỏ.
Tôi bắt chuyện
– Anh làm việc ở đâu?
Hắn lắc đầu.
Tôi hỏi:
– Nhà anh ở trong phố này à?
– Ngoài.
– Hôm nay anh nghỉ việc à?
– Thường xuyên. Hắn nói và ngồi thẳng người với một tư thế rất đẹp. Nhìn y phục và những ngón tay nhỏ nhắn trắng xanh thì biết là công chức thường, nhưng cả gương mặt toát ra một vẻ đàng hoàng khắc khổ. Hắn không hề nhìn tôi. Từ lúc tôi bắt chuyện với hắn đến giờ, hắn không hề nhìn tôi. Có vẻ như hắn đang dõi theo một điều gì đó trong lòng hắn? Và tôi như không tồn tại trước hắn. Thì là không liên quan, chẳng ảnh hưởng gì đến mình, nhưng hắn cứ ám ảnh tâm trí tôi.
Không khí im lặng như đang từ từ đông cứng lại.
– Mưa mà quán vẫn đông khách. Tôi nói và nhìn hắn chờ hắn nói tiếp.
– Thời buổi nhiều người rỗi việc, nhàn cư… Hắn bỏ lửng câu nói.
– Cũng như tôi, như anh ư? Tôi hỏi, lòng vẩn lên chút tự ái.
– Rỗi việc khác với không có việc. Rồi hắn nhìn tôi hồi lâu và tôi cảm thấy tựa hồ hắn muốn tôi đừng quấy rầy hắn với những câu hỏi vớ vẩn.
Một cô gái mặc quần bò, áo vải mềm cổ mở trễ nải, đặt lên bàn trước mặt chúng tôi hai phin cà phê. Giọt cà phê nhỏ ti tách đều đều, miệt mài. Hết tiếng ti tách, hắn nhấc phin, vẻ thận trọng đặt xuống mặt bàn, rồi nói là thấy màu vàng mật ong láng dính lên thành ly mới là cà phê ngon. Hắn nói vậy nhưng mắt lại nhìn lơ đãng ra ngoài trời mưa. Chẳng biết hắn đang nghĩ gì. Nhưng chắc là không phải nghĩ tới màu cà phê. Cái con người này cứ thăm thẳm, tôi thầm tự nhủ. Ngẫm lại, từ bữa gặp hắn đến nay tôi chỉ rõ được câu nói cửa miệng “không chịu được” và cái cử chỉ lắc đầu của hắn. Cứ như lắc đầu chữa khỏi cơn đau nào đó trong người hắn, như không lắc đầu hắn sẽ chết.
Tôi hỏi:
– Tính tình anh nó tẩm ngẩm vậy, hay anh không muốn chuyện trò với tôi?
Hắn nhíu mày vẻ như chưa hiểu tôi nói gì, rồi thì hiểu ra, hắn nói là tôi và hắn ngồi cùng bàn… nhưng tôi lại thuộc loại con người không biết loại con người như hắn.
– Anh đọc được ý nghĩ trong đầu tôi à? Tôi sẵng giọng.
– Cũng có thể. Nhưng suy cho cùng thì con người ta, tôi và ông và nhiều nhiều người khác đều là những cái lô cốt, trong đó nhốt đủ thứ tốt đẹp, xấu xa… lẫn vào nhau, chèn lên nhau.
Hắn im bặt, lắc đầu. Lần này sau cái lắc đầu hắn còn thở dài.
– Anh là nhà nghiên cứu văn hóa? Là nhà cổ nhân học? Tôi hỏi và ngoài ý muốn, tôi nhếch mép cười.
– Tôi chưa nói với ông tôi làm gì à? Mà thôi, ông biết chỉ thêm bận lòng và cũng chẳng quan trọng cái chuyện tôi làm gì.
Hắn nói vậy nhưng tôi nhận ra mặt hắn bỗng thoáng buồn.
Lúc ấy, một cô gái mặc váy ngắn, thấy rõ vòng tất thắt lằn mờ phía trên đầu gối đi vào sau quầy bar với tay bấm chỗ nào đó ở kệ hàng, ngay tắp lự nhiều ngọn đèn màu nhấp nháy trên trần nhà và nhạc giậm giật trùm lên căn phòng.
– Mở nhỏ với tắt bớt đèn đi. Hắn gằn lên.
– Ông không thích nghe nhưng người khác thích. Cô gái nói to.
– Biết là vậy.
– Đã biết thì đừng kêu lên nữa.
– Không chịu được.
– Nhễ. Cô gái nói.
Hắn lắc đầu.
Tôi nói:
– Phải chịu đựng và để quen với môi trường chung quanh.
– Giá mà quen được.
Nhạc lẫn tiếng rè rè, chắc vì màng loa, vẫn giậm giật và đèn vẫn nhấp nháy, cho dù trời sáng.
Cái ly đựng cà phê lăn giữa những ngón tay run run của hắn. Hắn đứng dậy rồi ngồi xuống và lắc đầu.
Như sợ sự gì đó sẽ xẩy ra sau động tác đứng dậy, ngồi xuống, lắc đầu của khách, cô nhân viên mặc váy ném về phía hắn cái nhìn chán nản rồi uốn cong tấm lưng mảnh cúi xuống dưới kệ hàng và nhạc nhỏ dần.
– Ở nhà anh cũng như thế à? Tôi hỏi.
– Là sao? Hắn hỏi, vẻ ngơ ngác.
– Là cứ lắc đầu và cáu kỉnh ấy.
– Nhà tôi cũng ở cõi này.
– Vậy ra anh cáu kỉnh với cả cõi cơ đấy.
– Đó là lời của ông, từ miệng ông. Giọng hắn đổi khác, nhỏ và mệt mỏi.
Lòng tôi bỗng trĩu nặng một nỗi niềm nào đó không gọi ra tên.
Tôi nhấp thêm ngụm cà phê, nhấm nháp vị đắng một lát rồi nói chẳng lẽ không có chuyện khác vui vẻ để nói với nhau sao. Hắn nói vui vẻ thì tốt hơn nhiều, nhưng lắc đầu và cáu kỉnh khiến hắn ra con người hơn. Ở nhà chỉ một mình hắn vẫn cứ cáu kỉnh, vẫn cứ lắc đầu.
– Một mình anh?
– Từ lâu tôi đã một mình.
Gió thổi xào xạc đâu đó và không còn nghe tiếng nước mưa nhỏ xuống tấm tôn. Căn phòng lại tràn ngập âm thanh: Tiếng nhạc xập xình, tiếng thanh niên cười, nói, hò hét, tiếng thìa lanh canh trong ly cà phê.
Tôi bỗng cảm thấy tiếc đã không được gặp hắn sớm hơn, cho dù là ngồi với hắn không khỏi cảm giác nặng nề. Chắc rằng, tôi cần thêm một cái gì nữa để hiểu hắn, để tôi và hắn không là người xa lạ mà tôi chưa đủ trải biết để thấy ra. Tôi chợt nghĩ và ngước nhìn gương mặt ưu tư của hắn, lòng bỗng dào lên một niềm thương cảm. Tôi mới khuyên hắn, tuổi già rồi, thanh thản làm thuốc bổ, nên bỏ qua những chuyện không như ý và cười lên.
– Sẽ cười. Lúc này gương mặt hắn thật khả ái.
– Sao lại không như thế chứ.
– Như thế là thế nào?
– Là tươi tỉnh lên.
Hắn cúi xuống, hai hàng lông mày giật giật.
– Từ nay tôi sẽ cười, lúc gặp ông tôi sẽ cười nếu mà cười được. Hắn ngoảnh nhìn ra ngoài trời giăng giăng mưa và cười. Lúc đầu nụ cười nom gượng gạo, rồi tươi tỉnh, rồi còn phát ra tiếng khanh khách nhè nhẹ nữa.
Đúng lúc ấy, một chiếc tắcxi dừng lại trước cửa chính. Từ trong xe một người đàn ông mặc com lê màu đen, bước ra và với vẻ nặng nề, chậm chạp đi vào quán. Ông ta đến ngồi ở cái bàn kê chính giữa phòng, hai tay khoanh trước ngực, ngước mắt nhìn bức tranh sơn dầu. Từ dáng người đến ánh mắt của ông lộ rõ một nỗi tiếc nuối không có chỗ bấu víu.
Lúc ấy, tôi thấy hắn dịch ghế, xoay nhanh người quay lưng về phía ông mặc com lê và lắc đầu.
Ông mặc com lê ho khan, ngoảnh nhìn chúng tôi.
Tôi hỏi
– Ông kia và anh biết nhau à?
Hắn lắc đầu. Khuôn mặt hắn bỗng nhăn nhó và với khuôn mặt nhăn nhó hắn cúi nhìn theo ngón tay trỏ của bàn tay phải đang vẽ cái gì đó trên mặt bàn gỗ đầy vết xước.
Tôi vươn người về phía hắn.
– Người ấy nhìn anh, cái nhìn lạ lắm. Như là có quen nhau ấy.
– Cũng có thể… Sáng nay cái bàn ấy vẫn trống phải không?
– Tôi không nhìn ngó chung quanh.
– Nên thế. Hắn nói, vẻ bí ẩn.
Rõ ràng tâm trí hắn đang dính tới ông mặc com lê mà hắn bảo không quen kia. Tôi nói:
– Chắc là anh đã quên ông ta.
– Có thể là ông ta, cũng có thể một người khác như ông ta. Hắn nói một mình rồi hắn đăm chiêu như thể có một lầm lỗi cần thú nhận.
Trong thời gian hắn im lặng, tôi ngắm vẻ mặt hắn và chợt nghĩ rằng, hắn đã trải biết nhiều lắm, già lắm rồi.
Im lặng, lúc lâu. Rồi hắn bỗng nói:
– Ông có biết là tôi đã từng lẩn mẩn ngồi tính những lần khóc, những lần cười của đời mình…
– Nhưng không làm được, tôi ngắt lời hắn.
– Tất nhiên. Mà xét cùng chẳng để làm gì. Con người ta thường làm những việc chẳng để làm gì. Lại thường làm những việc không biết nó sẽ đem lại cái gì. Tôi đưa vợ từ làng lên thành phố. Tôi vác giá vẽ theo sau một người có thói quen mặc com lê màu đen, lãnh đạo phong trào di dân lên vùng tái định cư ở các khu công nghiệp… Tôi đã vẽ ông ta đi giữa đám đông. Tranh có hình ông ta treo ở nhiều nơi. Trong nhà tôi đầy ứ những tập ký họa chì, những bức tranh thuốc nước, màu dầu và trên tường đỏ rực những tờ giấy khen, bằng khen. Mỗi lần tôi ra đi, vợ tôi cứ nhìn theo thở dài và khóc. Nghèo khổ, túng bấn quá. Hắn im bặt, mắt ngân ngấn.
– Một thời gian nan, vất vả… nhiều người cũng thế.
– Kéo dài trong, ngoài chục năm. Khi con cái lớn, có nghề nghiệp, vợ tôi đi vào đời sống, cô ta lên ngàn, xuống biển buôn bán. Bươn bả đến sắt người lại để có tiền. Và có tiền, cô ấy trẻ ra, khỏe ra, mơn mởn ra. Và thường xuyên dạy tôi lối sống, cách làm giàu. Rồi thì gia đình tôi giàu lên. Tôi được đề bạt làm Trưởng phòng một Sở loại II của tỉnh. Giám đốc Sở là một người mặt búng ra sữa, từ một công trường thủy lợi ở một vùng rừng chuyển về, năm bốn mùa mặc com lê màu đen thẫm. Vợ tôi bỏ buôn bán và thôi không dạy dỗ tôi nữa. Cô ta theo những người khác, bận rộn với công việc mới, đất đai, nhà cửa nào đó. Từ ấy, tính nết tôi bỗng nhiên thay đổi, nó cứ nhăn nhó, cáu kỉnh. Rồi vợ tôi bỏ tôi. Ai đi đường nấy. Và tôi thành ra một mình.
Hắn lắc lắc đầu, đôi mắt buồn không chịu được.
– Con người ta có số, có phận, nhiều sự cứ như từ trên trời rơi ụp xuống đầu mình, biết đấy, muốn tránh cũng không tránh được. Tôi nói, có ý chia sẻ nỗi niềm với hắn.
– Đời này là vậy. Nhiều người thì sẽ sinh ra nhiều sự mà mặt đất thì hẹp… Rốt cuộc như những trò chơi. Tôi đã lãnh nhiều trò chơi và chắc còn tiếp tục lãnh đủ. Tôi thêm sức mạnh để sống là nhờ nó. Anh chắc là không biết… Hắn không nói tiếp mà hỏi tôi một câu chẳng ăn nhập gì với những điều tôi và hắn vừa nói. Hắn hỏi là đám đông trong quán cà phê tôi biết được ai?
Tôi nói:
– Không biết được ai.
Thêm nhiều người vào quán. Đám thanh niên và cả trẻ em chơi Game onlie, ăn kem cốc, uống sữa tươi, lâu mỗi đông. Mấy ông đi xe lai xếp hai cái bàn vào nhau chụm đầu chơi phỏm ở cuối phòng. Lại thêm hai ông già và một chị phụ nữ tóc búi cao vào ngồi quay lưng lại với ông mặc com lê và đám thanh thiếu niên. Hai ông già cúi đầu trên ly cà phê, còn chị phụ nữ lặng lẽ nhìn bàn tay đeo nhẫn của mình, chẳng hiểu sao lại xòe rộng trên mặt bàn. Một đứa bé dắt tay một người thổi sáo mù không biết từ đâu đến, đứng trong cái ô dù, nép dưới gốc cây bằng lăng ngoài vỉa hè. Người thổi sáo rướn đôi mắt mù về phía quán, lúc này đã trở nên chật chội, ồn ào, không còn nhìn thấy, nghe ra một cái gì rành rẽ, rõ ràng.
– Trời mưa. Tôi bâng quơ.
– Ừ, mưa mãi. Hắn ngơ ngẩn.
Tiếng nước đã lại nhỏ rỉ rách xuống tấm tôn. Những sợi mưa bàng bạc lang thang dày đặc hơn. Hắn đứng dậy nói:
– Về thôi.
– Uống cho cạn ly, chờ tạnh mưa hẵng về.
– Mưa còn lâu mới tạnh.
– Ờ…
– Không chịu được. Hắn thốt lên.
– Lại không chịu được về cái gì? Tôi hỏi.
– Về cái không chịu được. Hắn lắc đầu, rồi ngoảnh nhìn chung quanh, cái nhìn nhớn nhác như phải đề phòng một cái gì đấy. Rồi hắn nói tiếp là hắn khổ lắm. Chỉ bởi hắn không vô tư được, hắn luôn suy nghĩ, luôn phải trả lời những câu hỏi do chính mình đặt ra. Hỏi, trả lời đày đọa hắn, không cho hắn một phút thảnh thơi. Hắn nhận biết sống vô tư mặc kệ sự đời thì sướng hơn, chung quanh đầm ấm hơn còn mình lại thanh thản và biết đâu gặp lộc, nhưng không làm nổi.
Giọng của hắn nghe day dứt và nao nao buồn. Tôi đưa cả hai tay nắm chặt những ngón tay lành lạnh của hắn và nói rằng, tốt hơn là anh cứ không làm nổi cái sự vô tư tệ hại ấy. Hắn mỉm cười, ngước nhìn tôi.
Nước không nhỏ trên tấm tôn nữa. Thay cho tiếng rỉ rách đều đều là tiếng lá rụng bay xào xạc dọc cái hẻm đá giăm buồn hiu. Còn trên đường phố, phía cửa chính của quán, người và người cúi đầu hì hụi bước lẫn giữa xe máy, xe ô tô ngược, xuôi, ồn ã.
Cuối phòng đám thanh niên đang cười, hét và hát.
Mấy ông đi xe lai, không hiểu sao tung vào khoảng không những con bài lẫn những tờ bạc nhàu nát.
Giữa phòng hai ông già gục đầu trên bàn, như ngủ còn chị phụ nữ vẫn đang nhìn xuống bàn tay đeo nhẫn xèo rộng trên mặt bàn.
Và bên gốc cây bằng lăng ngoài vỉa hè, người thổi sáo mù đang nâng cây sáo trúc lên…
Tôi nghĩ, mấy ai biết hắn? Lứa tuổi với hắn như tôi cũng không hiểu được cái sự không chịu được của hắn nữa là cô gái mặc váy, cô gái có cổ áo trễ nải với đám thanh thiếu niên. Chắc ông mặc com lê kia thì hiểu được sự không chịu được của hắn, nhưng lảng tránh, chối bỏ? Bất chợt tôi nhìn khuôn mặt hắn lắc lay trong đáy ly cà phê. Tôi bỗng thấy lòng rưng rưng.
Tôi hỏi:
– Nay anh đang làm gì?
Hắn không đáp, những ngón tay gầy, trắng xanh của hắn không thôi cựa quậy trong lòng bàn tay tôi.
Tôi ngước nhìn lên bức tranh sơn dầu. Là hắn vẽ hay người khác? Suy cho cùng, điều đó không quan trọng nữa.
Hắn đứng dậy, bước trầy trật để tránh giẫm lên mảnh tôn lát trên thềm đất. Đến mép đường hắn quay lại:
– Mai tôi không đến đây nữa đâu. Và không biết khi nào thì tôi lại đến đây. Không biết đến khi nào… Người ta đã vung tay ký ngoằng vào đơn xin thôi việc của tôi. Thế đấy. Thôi, chào ông.
Nói xong thì lắc đầu, bước tiếp.
Lúc ấy ông mặc com lê đi ra cửa, đứng trên mảnh tôn nhìn theo lối hắn vừa đi. Tôi thấy có một lần ông giơ tay lên như định vẫy, nhưng rồi lại buông thõng xuống.
Ông quay vào, đứng lại trước mặt tôi.
Tôi nhìn ông. Khoảng hơn sáu chục tuổi, béo tốt, thấp lùn, mặt lạnh.
– Này, người vừa ngồi đây tên gì? Ông ta nói, vẻ trịch thượng.
– Không biết – Tôi đáp.
– Hình như… Ông ta lẩm bẩm một mình, rồi đi về chỗ cũ, ngồi xuống ghế và ngước khuôn mặt đỏ gay về phía bức tranh sơn dầu.
Cô gái mặc váy nhìn ông mặc com lê, trút một tiếng thở dài.
Cô gái có cổ áo trễ nải khoát tay.
Tôi hỏi:
– Có chuyện gì vậy?
– Không dính dáng gì đến ông – Cô gái mặc váy nói.
– Không chịu được. Tôi lẩm bẩm và lắc đầu như một phản xạ.
2014
Đ.B