Đã bao đời nay, hàng triệu người Việt Nam không tiếc mồ hôi, xương máu để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trong giờ phút thiêng liêng giao thừa sắp điểm, nhớ về đồng bào chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi biên giới, hải đảo. Vanhaiphong.com trân trọng giới thiệu bút ký “Trường Sa nơi đầu sóng ngọn gió” của Nguyễn Hoàn.
Đã bao đời nay, hàng triệu người Việt Nam không tiếc mồ hôi, xương máu để bảo vệ chủ quyền, biển đảo. Trong giờ phút thiêng liêng giao thừa sắp điểm, nhớ về đồng bào chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi biên giới, hải đảo. Vanhaiphong.com trân trọng giới thiệu bút ký “Trường Sa nơi đầu sóng ngọn gió” của Nguyễn Hoàn.
Con tàu HQ 561 chở đoàn công tác Bộ Thông tin và Truyền thông ra thăm và làm việc tại quần đảo Trường Sa bắt đầu rời quân cảng Cam Ranh, băng băng lướt sóng ra khơi. Bên sắc áo lính hải quân quen dầu dãi với con tàu, với sóng biển là những sắc áo “dân sự” của đoàn công tác với thành phần đến từ nhiều ban, ngành: Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh có biển và Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh Hậu Giang… trong đó phần lớn là những người đến với Trường Sa lần đầu. Ngắm từng chùm sóng trắng nở tung lấp lánh trong nắng quanh thân tàu, tôi bồi hồi nghĩ tới hải trình vươn ra Hoàng Sa, Trường Sa đầy vất vả, gian lao nhưng cũng đầy sự khám phá, mở đường của cha ông thuở trước, từ thế kỷ XVII trở đi. Một nỗi bâng khuâng, một niềm cảm khái chợt dâng trào, khi cảm nhận rằng, con tàu HQ 561 hiện đại được định vị, được dẫn dắt bởi hải trình cha ông đã mở bằng mồ hôi, nước mắt và máu từ những thế kỷ trước. Hải trình này dưới thời các chúa Nguyễn còn in dấu rõ nét trên những trang “Phủ biên tạp lục” của nhà bác học Lê Quý Đôn. Dưới thời các chúa Nguyễn, đội Hoàng Sa được thành lập để vươn ra Hoàng Sa, Trường Sa. “Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng năm chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ bắt chim bắt cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu, như là gươm ngựa, hoa bạc, tiền bạc, hòn bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiên cùng là kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm hột ốc vân rất nhiều. Đến kỳ tháng 8 thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp” (1). Ngoài đội Hoàng Sa, chúa Nguyễn đặt thêm đội Bắc Hải để khai thác sản vật ở quần đảo Trường Sa. Đội Bắc Hải đặt dưới sự quản lý của đội Hoàng Sa: “Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên, tìm lượm vật của tàu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản” (2).
* “Đảo là nhà, biển là quê hương”
Sau nhiều ngày vượt trùng khơi, hình ảnh Tổ quốc vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió hiển hiện đầu tiên trước mắt tôi qua dáng vẻ của đảo Đá Lớn, một đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa, với hai dãy nhà xây đang trấn giữ giữa mênh mông trời nước, với cái cột trụ vút lên cho cánh quạt gió gắn nơi đầu cột xoay tít để lấy điện gió về cho đảo. Mọi người trên tàu mặc áo phao, lần lượt rời tàu, xuống ca nô theo từng chuyến để vào đảo. Trời nóng, mặc áo phao vào mồ hôi chảy ròng ròng, nóng bỏng sau lưng nhưng ai nấy đều quên mệt, lòng trào dâng cảm xúc và hứng khởi khi được đặt chân lên đảo. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng, Trưởng đoàn công tác cùng đoàn đi một vòng quanh đảo, cả đoàn như thể ôm trọn đảo vào lòng trong một vòng ôm thật lâu, thật sâu, thật nồng nàn, tha thiết. Đoàn cùng cán bộ, chiến sĩ quây quần bên nhau trao đổi, trò chuyện công việc. Ai cũng mừng vui khi thấy đảo chìm đã thể hiện rõ vai trò phên giậu của Tổ quốc giữa trùng dương. Ai cũng cảm động khi biết rằng, đảo chính là chỗ dựa cho ngư dân bám biển, mở rộng ngư trường đánh bắt hải sản. Trong niềm xúc động dạt dào và cả niềm tri ân sâu sắc, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng và đại diện các ban, ngành, cơ quan, đơn vị trong đoàn đã trao tặng cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo những món quà của đất liền gửi ra, thể hiện tấm lòng gắn kết với những “trái tim của biển”. Thế rồi, “từ đảo chìm (i) đảo nổi, từ đảo gần đến đảo xa, ôi Trường Sa, quê hương ta, Tổ quốc ta” (Huyền tích Trường Sa – Nhạc của Đức Trịnh, lời của Thượng tướng Bùi Văn Huấn), đoàn rời đảo Đá Lớn, tiếp tục hành trình đến với các đảo Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Cô Lin, Trường Sa Đông, Đá Tây, Trường Sa, Đá Lát và hai nhà dàn thuộc khu vực Phúc Tần là nhà dàn DK1/17 và nhà dàn DK1/18.
Đến các đảo, điều tôi quan tâm nhất là về điều kiện sống thiết yếu như rau xanh, nước uống, tắm giặt… Đảo chìm không có đất nên chiến sĩ ta phải trồng rau xanh trong các chậu cây, các khay đất. Tôi hỏi trung tá Nguyễn Hữu Hòa, Chính trị viên đảo Đá Lớn về “chất xanh” trong bữa ăn của lính. Anh cho biết: “Đảo được tiếp phẩm nhiều đợt hàng năm từ đất liền. Thực phẩm được cung cấp là các loại để lâu được như bầu, bí, khoai tây, còn rau xanh mau hư nên không cung cấp được. Rau xanh trên đảo có trồng để ăn “thoang thoảng” vậy”. Ở đảo chìm Cô Lin cũng tương tự, rau không nhiều nhưng cũng đủ “tươi đời” qua lời kể của Thượng úy Nguyễn Văn Ba, Chính trị viên đảo Cô Lin: “Rau xanh trên đảo nấu canh ăn được 3 bữa mỗi ngày, còn luộc ăn thì thi thoảng”. Ở các đảo nổi, có điều kiện về đất đai, chăm bón, vườn rau tăng gia của chiến sĩ xanh tốt hơn, phong phú hơn với nhiều loại như rau cải, rau muống, rau dền… Tản bộ trên đảo Sơn Ca, tôi như được sống với khung cảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam, khi tần ngần đứng bên giàn bầu đã đơm quả ngọt. Thân bầu vươn ra cả ngoài giàn, ngoài hàng rào như thể “ngóng cổ” sang chuồng nuôi vịt, gà cạnh đó để chia sẻ cùng nhau nỗi xôn xao về sự cựa mình lớn dậy từng ngày. Nước uống trên đảo dùng nước mưa, khi khô hạn phải chở nước từ đất liền ra. Để tiết kiệm nước ngọt, có những nơi, chiến sĩ ta phải giặt quần áo bằng nước mặn, biết là giặt như thế, quần áo sẽ mau hư nhưng đành vậy. Nước ngọt ở đảo quý là thế nhưng khi đón khách từ đất liền ra thăm, các cán bộ, chiến sĩ trên đảo vẫn “hào phóng” đặt một dãy thau nước ngọt cho khách rửa tay, rửa mặt. Điều này làm ai cũng xúc động đến nghẹn lòng.
Khác với đảo chìm, đảo nổi, cuộc sống của những người lính ở nhà giàn DK1/17 (thuộc Cụm kinh tế – khoa học – dịch vụ trên thềm lục địa phía Đông Nam) là sống trên… trời. Nhà giàn được dựng trên những trụ sắt, một đằng cắm sâu vào lòng biển, một đằng vươn cao lên trời xanh, đứng ngạo nghễ trước thử thách của biển cả, bão táp. Bám vào từng bậc, từng bậc chiếc thang sắt, chúng tôi lần lượt leo lên với nhà giàn. Leo lên, leo lên để thấy thấm thía, để cảm nhận đủ đầy về hai tiếng “thiêng liêng” của chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Leo lên, leo lên để thấy lòng mình dâng đầy những niềm hướng thượng. Leo lên, leo lên để nuôi dưỡng chí khí. Giữa trời nước mênh mông, trên nhà giàn vẫn trồng được nhiều loại rau xanh lên mơn mởn, vẫn nuôi được những con heo béo mông đỏ da. Trên mặt biển dưới chân nhà giàn, nổi lên từng đàn cá lấp lánh trong nắng mai, tung tăng với sóng biển, những đàn cá đã quen quần tụ với nhà giàn. Cuộc sống của những người lính giữa trùng dương xa xôi dẫu còn bao gian lao, vất vả, thiếu thốn nhưng các anh vẫn vượt lên tất cả để giữ vững biển trời Tổ quốc. Vì tình yêu Tổ quốc, các anh đã xếp lại mối riêng tư. Anh Chu Văn Hùng, Chính trị viên nhà giàn DK1/17 là người chiến sĩ trẻ, chưa lấy vợ nhưng rất thấu tỏ và chia sẻ với những niềm riêng của lính. Anh tâm sự: “Có những trường hợp anh em gặp lúc vợ yếu, con đau, người thân từ trần, người yêu đi lấy chồng, mình đều động viên anh em vượt qua khó khăn. Mình còn xin số điện thoại người yêu của chiến sĩ để động viên”. Tình yêu Tổ quốc đã thắp sáng trong các anh niềm lạc quan, yêu đời cháy bỏng. Tôi đã thấy trên giường nằm của một chiến sĩ ở đảo Đá Tây có một cuốn sách “gối đầu giường”, đó là tập ca khúc “Miền xa thẳm” của Đức Trịnh, do Nhà xuất bản Âm nhạc xuất bản năm 2014. Lần giở tập ca khúc, các khúc thức, giai điệu nồng nàn, thiết tha về biển đảo quê hương trong đó như “Huyền tích Trường Sa”, “Ánh mắt Song Tử Tây”… cứ ngân vọng trong tôi. Lính đảo thích hát và hát với cả hồn mình. Và vì thế, tiếng hát của các ca sĩ Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh Hậu Giang, tiếng hát của các thành viên trong đoàn, của các chiến sĩ hải quân đã vang vọng trên boong tàu HQ 561, trên đảo Sơn Ca, Nam Yết, Cô Lin, Trường Sa, nhà giàn… ngân lên những giai điệu bỏng cháy vì biển đảo Tổ quốc như “Nơi đảo xa”, “Huyền tích Trường Sa”, “Tổ quốc gọi tên mình”…
Những người lính giữ đảo, giữ biển trời Tổ quốc cũng chính là những người góp phần xây dựng, phát triển kinh tế, trong đó có kinh tế biển đảo. Trò chuyện với anh Nguyễn Hồng Vân, Trạm trưởng Trạm ra đa 57, Quân chủng Phòng không Không quân ở đảo Nam Yết, anh nhắc đến “vùng thông báo bay” (Flight Information Region – viết tắt là FIR), tức là một vùng trời có giới hạn xác định trong đó có cung cấp dịch vụ thông báo bay và dịch vụ báo động. Anh cho biết, có những FIR nay đã thuộc quyền quản lý của Việt Nam và máy bay các nước bay quá cảnh qua FIR Việt Nam phải trả tiền cho Việt Nam. Đến thăm đảo chìm Đá Tây, đoàn đã được nghe anh Đặng Văn Bình ở Hải đoàn 129 giới thiệu về mô hình nuôi cá lồng bè ở đảo này. Việc nuôi cá lồng bè thực hiện ở đây đã được 8 năm, theo công nghệ nuôi của Na uy. Cá chim trắng là loại được nuôi thích nghi tốt nhất.
Cũng như những loài cá biển, những loài cây đảo như cây phong ba, cây bão táp, để trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió, những người lính đảo vừa biết thích nghi với hoàn cảnh sống đặc thù ở đảo, vừa tôi luyện bản lĩnh dạn dày qua thử thách. Điều đặc biệt là các anh được tiếp nhận cội nguồn sức mạnh từ truyền thống lịch sử của cha ông hàng nghìn năm giữ nước và dựng nước. Trong phòng truyền thống của Trung tâm Văn hóa đảo Nam Yết còn trưng bày tư liệu về “những chiến thắng tiêu biểu của quân thủy Việt Nam trong lịch sử chống giặc ngoại xâm”, cạnh đó là hình ảnh những cọc nhọn Bạch Đằng của đội quân Trần Hưng Đạo vút lên trong sóng nước, đánh tan quân Nguyên Mông xâm lược năm 1288. Nhằm cùng quân dân trên các đảo vun bồi, phát huy sức mạnh từ cội nguồn, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức lễ trao tặng bản đồ và tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử” tại đảo Nam Yết, lễ khai mạc triển lãm bản đồ và tư liệu về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam tại đảo Trường Sa. Nguồn bản đồ, tư liệu được triển lãm khá phong phú, dựng kín không gian xung quanh bia chủ quyền đảo Trường Sa như ôm lấy tấm bia thiêng liêng đứng hiên ngang, vững chãi trước sóng gió, bão táp. Nguồn bản đồ, tư liệu này được sưu tầm, tập hợp từ nhiều nguồn, trong đó có cả nguồn của Trung Hoa chứng minh rõ ràng Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
* Những khúc tưởng niệm trên biển
Đến với đảo Sinh Tồn, tên đảo thể hiện khát vọng hòa bình và sự trường tồn bất diệt của người Việt Nam, tôi đến thăm và dâng hương tại chùa Sinh Tồn. Từ cổng chùa vào, phía bên phải chùa có dựng bia ghi danh 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988, với họ tên, năm sinh và quê quán khắc trên bia như sau:
- Trần Đức Thông, 1944, Thái Bình,
- Trần Văn Phương, 1965, Quảng Bình,
- Nguyễn Mậu Phong, 1959, Quảng Bình,
- Đinh Ngọc Doanh, 1964, Khánh Hòa,
- Hồ Công Đệ, 1958, Thanh Hóa,
- Phạm Huy Sơn, 1963, Nghệ An,
- Nguyễn Văn Phương, 1969, Thái Bình,
- Bùi Bá Kiên, 1967, Hải Phòng,
- Đào Kim Cương, 1967, Hà Tĩnh,
- Nguyễn Văn Thành, 1967, Hà Tĩnh,
- Đậu Xuân Tứ, 1964, Hà Tĩnh,
- Lê Bá Giang, 1968, Nghệ An,
- Nguyễn Thanh Hải, 1967, Hà Tĩnh,
- Phạm Văn Dương, 1967, Nghệ An,
- Hồ Văn Nuôi, 1967, Nghệ An,
- Cao Đình Lương, 1967, Nghệ An,
- Trương Văn Thịnh, 1966, Phú Yên,
- Võ Văn Tuấn, 1968, Khánh Hòa,
- Phan Tấn Dư, 1966, Phú Yên,
- Vũ Phi Trừ, 1955, Thanh Hóa,
- Vũ Văn Thắng, 1962, Thái Bình,
- Phạm Gia Thiều, 1956, Nam Định,
- Lê Đức Hoàng, 1959, Thanh Hóa,
- Trần Văn Minh, 1963, Nghệ An,
- Đoàn Khắc Hoành, 1963, Hải Phòng,
- Trần Văn Chức, 1965, Thái Bình,
- Hán Văn Khoa, 1962, Phú Thọ,
- Nguyễn Thanh Hải, 1968, Hải Phòng,
- Nguyễn Tất Nam, 1966, Nghệ An,
- Trần Khắc Bảy, 1967, Hà Nam,
- Đỗ Viết Thành, 1966, Thanh Hóa,
- Nguyễn Xuân Thủy, 1967, Nam Định,
- Nguyễn Minh Tân, 1965, Thái Bình,
- Võ Minh Đức, 1966, Quảng Bình,
- Trương Văn Hướng, 1966, Quảng Bình,
- Nguyễn Tiến Doãn, 1966, Quảng Bình,
- Phan Hữu Tý, 1966, Quảng Bình,
- Nguyễn Hữu Lộc, 1968, Đà Nẵng,
- Trương Quốc Hùng, 1967, Đà Nẵng,
- Nguyễn Phú Đoàn, 1968, Đà Nẵng,
- Nguyễn Trung Kiên, 1968, Nam Định,
- Phạm Văn Lợi, 1968, Đà Nẵng,
- Trần Văn Quyết, 1967, Quảng Bình,
- Phạm Văn Sỹ, 1968, Đà Nẵng,
- Trần Tài, 1969, Đà Nẵng,
- Lê Văn Xanh, 1967, Đà Nẵng,
- Lê Thể, 1967, Đà Nẵng,
- Trần Mạnh Việt, 1968, Đà Nẵng,
- Trần Văn Phòng, 1960, Thái Bình,
- Trần Quốc Trị, 1965, Quảng Bình,
- Mai Văn Tuyến, 1968, Thái Bình,
- Trần Đức Hóa, 1966, Quảng Bình,
- Phạm Văn Thiềng, 1967, Quảng Bình,
- Tống Sỹ Bái, 1967, Quảng Trị,
- Hoàng Anh Đông (bia không ghi năm sinh), Quảng Trị,
- Trương Minh Phương, 1963, Quảng Bình,
- Hoàng Văn Thúy, 1966, Quảng Bình,
- Võ Văn Tứ, 1968, Quảng Bình,
- Phan Hữu Doan, 1960, Phú Thọ,
- Bùi Duy Hiển, 1966, Thái Bình,
- Nguyễn Bá Cường, 1962, Quảng Nam,
- Hiền Văn Lập, 1963, Hà Tây,
- Lê Đình Thơ, 1957, Thanh Hóa,
- Cao Xuân Minh, 1966, Thanh Hóa.
Tôi thắp hương, kính cẩn nghiêng mình trước tấm bia ghi công các liệt sĩ. Tên các anh ghi danh ở đây, còn hình hài các anh đã hòa cùng biển cả của Tổ quốc. Rời đảo Sinh Tồn, trên đường đến với đảo Cô Lin, một đảo chìm cách không xa đảo Gạc Ma, nơi xảy ra trận chiến bi hùng của hải quân Việt Nam đánh trả quân Trung Quốc xâm chiếm đảo này năm 1988, đoàn đã tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại quần đảo Trường Sa, cùng nhau ôn lại câu chuyện cảm tử của những người lính hải quân Việt Nam trong nỗi nghẹn ngào thống thiết và trong niềm tự hào chất ngất. Đoàn đã dâng hương, thả vòng hoa rồi từng người lần lượt thả từng cành hoa tưởng niệm xuống biển. Hoa như máu thắm của các anh ngày nào đã quyện đỏ lòng son cùng biển đảo đất nước. Ngày 14/3/1988, trên vùng biển đảo Gạc Ma đã diễn ra trận chiến ác liệt, không cân sức giữa một bên là những cán bộ, chiến sĩ hải quân Việt Nam đang làm nhiệm vụ xây dựng đảo, trong tay chỉ có cuốc, xẻng, xà beng và súng bộ binh với quân Trung Quốc gồm những tàu chiến hiện đại, vũ khí tối tân. Trước sự hung bạo của địch, nhiều tấm gương mưu trí, quả cảm, kiên cường của quân ta đã xuất hiện. Đó là Trung tá Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Đại úy Vũ Phi Trừ, Thuyền trưởng tàu HQ-604 đã bình tĩnh chỉ huy các chiến sĩ kiên cường chiến đấu, sẵn sàng xả thân vì chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Đó là Thiếu úy Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma trước lúc hy sinh đã quấn cờ Tổ quốc quanh thân mình và động viên đồng đội: “Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng”. Đó là anh hùng Nguyễn Văn Lanh bị thương nặng vẫn không rời vị trí chiến đấu, quyết giữ đảo đến cùng. Đó là Thiếu tá Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ, chỉ huy tàu HQ-505 đã có một quyết định táo bạo, mưu trí, sáng suốt. Lúc đó, tàu HQ-505 bị quân Trung Quốc bắn hỏng máy, trôi ra xa đảo Cô Lin (đảo Cô Lin cách không xa đảo Gạc Ma) và có nguy cơ bị chìm. Nếu tàu HQ-505 không nhanh chóng trở lại với đảo Cô Lin, tàu sẽ chìm, các chiến sĩ trên tàu sẽ hy sinh và đảo Cô Lin sẽ bị địch chiếm mất. Trước tình thế nguy kịch, ngàn cân treo sợi tóc, Thiếu tá Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ đã chỉ huy tàu HQ-505 vừa đánh trả địch, vừa tiến về phía đảo Cô Lin, rồi nhanh chóng cho tàu lao lên bãi ngầm đảo này, biến con tàu thành pháo đài vững chắc để giữ đảo Cô Lin. Do lập nên chiến công tuyệt vời này, Thiếu tá Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Trong số 64 liệt sĩ đã ngã xuống tại vùng biển đảo Gạc Ma, có 2 liệt sĩ ở Quảng Trị. Trong số 2 liệt sĩ ở Quảng Trị, liệt sĩ Tống Sỹ Bái là chú ruột của Tống Văn Cường, nhân viên Trung tâm Công nghệ Thông tin và Truyền thông Quảng Trị, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Trị, nơi tôi công tác. Sau “khúc tưởng niệm trên biển” cùng với đoàn, khi trở về đất liền, nhờ Cường, tôi đã có riêng “khúc tưởng niệm liệt sĩ Tống Sỹ Bái”. Cường dẫn tôi đi thăm mộ liệt sĩ Tống Sỹ Bái đặt trên đất làng Phổ Lại Phường, Cam An, Cam Lộ, Quảng Trị. Anh Bái ngã xuống khi chỉ mới 21 tuổi. Mộ anh đặt cạnh mộ của người cha và mộ của những người thân. Anh đã hiến thân mình cho đảo Gạc Ma nên mộ anh không có thi hài mà chỉ có hình nhân được táng vào đó, thay cho anh. Viếng mộ anh Bái về, tôi đến thăm gia đình bố mẹ Cường, bà nội Cường (tức mẹ của anh Bái). Anh Tống Sỹ Kỳ, 63 tuổi, bố Cường, bùi ngùi kể: “Năm 1988, gia đình nhận được giấy báo tử, nhưng phải 5 năm sau, gia đình mới dựng mộ cho chú Bái, do có người nói chú chưa mất hoặc chú đang bị Trung Quốc bắt. Năm 1993, gia đình mới mời thầy pháp về để luyện cốt, chiêu hồn cho chú. Cốt là hình nhân, lấy sọ dừa làm đầu, lấy sáp làm thân, lấy cây dâu làm đốt xương, lấy máu từng người trong nhà giọt vào cây dâu, táng vào tiểu ván. Áo quần của chú còn lại cho vào trong tiểu luôn”. Bà Hoàng Thị Giỏ, 85 tuổi, người đã chịu đựng nỗi đau tột cùng mất con, mất cả hình hài con, nghẹn ngào nhớ lại buổi anh Bái lên đường tòng quân: “Hắn nói mạ để cho con đi. Trước sau, con cũng đi nghĩa vụ. Lúc đó, tên hắn chưa đến lượt gọi đi”. Anh Kỳ nhớ như in về dáng vóc, tâm tính đứa em liệt sĩ: “Chú Bái người cao, đẹp trai. Tính tình dễ thương, không làm mất lòng ai. Trước khi vào hải quân, chú đã có người yêu. Chú nói, em đi nghĩa vụ đợt này về rồi tính chuyện vợ con”. Anh Kỳ kể thêm rằng, cách đây ba năm, bên quân đội đã cử người đến lấy mẫu máu của anh Kỳ, mẹ anh Kỳ và một người em gái anh Kỳ để đối chiếu với những mẫu hài cốt liệt sĩ đã tìm được. Sau đó, anh được báo tin mẫu máu của anh và những người thân trong gia đình anh không khớp với mẫu hài cốt nào cả. Ôi! Gạc Ma đau thương, Gạc Ma bi hùng, Gạc Ma phẫn hận!
Sau khi Trung Quốc xâm chiếm một số bãi đá ngầm và đảo Gạc Ma của Việt Nam năm 1988, việc tăng cường bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc, trong đó có thềm lục địa đặt ra bức bách. Ngày 5/7/1989, Hội đồng Bộ trưởng chính thức tuyên bố thành lập Cụm kinh tế – khoa học – dịch vụ (DK1) tại thềm lục địa phía Đông Nam nhằm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền vùng biển Việt Nam. Nhiều nhà giàn đã được dựng nên trên biển cả. Do bão táp hung dữ hoành hành, một số nhà giàn đã bị đổ trong những năm từ năm 2000 trở về trước. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã kiên cường chống chọi cùng sóng gió bão táp, sống chết với nhà giàn đến hơi thở cuối cùng. Trên hành trình đến với các nhà giàn, đoàn đã tổ chức lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trên thềm lục địa phía Nam. Trong hương hoa tưởng niệm ngát thơm mặt biển, lời tri ân của đoàn đối với các liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp nhà giàn được xướng lên thiết tha, vang vọng như thấu tận thẳm sâu lòng biển: “Một cái chết để muôn ngàn lần sống, một cái chết rực khí phách kiên cường, sáng lên lòng quả cảm, tình thương yêu đồng chí, đồng đội, trong trắng, thủy chung, sáng ngời”. Trong nỗi ngậm ngùi tiếc thương và niềm cảm khái dâng đầy, đoàn đã cùng nhau ôn lại những tấm gương xả thân vì đồng đội, vì Tổ quốc. Trong bão táp nguy kịch, Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng, Bí thư Chi bộ Nhà giàn DK1/3 Phúc Tần vẫn nhường miếng lương khô cuối cùng và chiếc phao cá nhân của mình cho người chiến sĩ yếu nhất, nhường sự sống cho đồng đội để rồi thanh thản chìm vào lòng biển khơi. Đại úy, Trạm trưởng Vũ Quang Chương, Chuẩn úy Lê Đức Hồng, Chuẩn úy Nguyễn Văn An của Nhà giàn DK1/16 Phúc Nguyên đã anh dũng hy sinh. Khi nhà giàn đổ, Chuẩn úy Lê Đức Hồng chỉ kịp gửi lời chào “vĩnh biệt đất liền” rồi chìm vào sóng biển. Chuẩn úy Nguyễn Văn An để lại người vợ trẻ và đứa con đỏ hỏn mới chào đời mà anh chưa kịp biết mặt. Thượng úy Phạm Tảo, Thượng úy Trần Văn Là, Chuẩn úy Lê Tiến Cường, các chiến sĩ Tạ Ngọc Tú, Hồ Văn Hiền đã chấp hành mệnh lệnh, dũng cảm hy sinh để tìm kiếm, cứu vớt đồng đội bị nạn.
Qua thử thách, trải nghiệm với thời gian, những nhà giàn bị đổ đã được dựng lại, gia cố trụ dàn chắc chắn hơn, vững chãi hơn. Ngồi trên nhà giàn DK1/17 lộng gió, Chuẩn đô đốc Nguyễn Ngọc Tương, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân, Phó đoàn công tác chạnh niềm nhớ lại lúc anh đến với những nhà giàn đã bị đổ. Năm 1997, lúc đó anh đang là Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 171, Quân chủng Hải quân ở Vũng Tàu, khi đến nơi một nhà giàn bị đổ, bao cảm xúc nghẹn ngào, nhớ tiếc trào dâng trong anh, khiến anh động bút làm bài thơ “Những cánh thư màu tím” để tưởng niệm những người đã ngã xuống vì biển đảo Tổ quốc. Tứ thơ của bài thơ này sau đó được dựa vào để dựng nên một tiết mục hoạt cảnh và tiết mục này đã nhận được Huy chương Vàng tại hội diễn của Quân chủng Hải quân năm 1988. Anh khẽ đọc bài thơ, đúng hơn là anh đang đọc lại lòng mình quặn thắt cho tôi nghe, với giọng đọc trầm lắng, giàu suy tưởng:
Tàu đi đảo thư vẫn nhiều hơn cả
Những cánh thư mực tím tựa hoa đào
Hơi biển ấm xuân về hương cỏ mật
Thơm góc trời nơi anh ở xôn xao
Các anh sống gần mây hơn gần đất
Sóng mênh mông nửa nước với nửa trời
Trời với nước chia đôi nhà ở giữa
Thành chiến hào đảo thép giữ giàn khoan
Nhà giàn trong mây canh một hướng tây nam
Khi nước triều lên nằm ngang mặt sóng
Biển có bao giờ im lặng
Để lòng thu xếp chút riêng tư
Tàu đến dần tọa độ hiểm nguy
Thuyền trưởng không tin ngỡ mình đi chệch hướng
Nhà giàn đâu rồi chỉ một trời gió biển
Các anh về đâu các anh ở đâu
Người chiến sĩ thả chồng thư xuống biển
Gửi theo sóng những lời đưa tiễn
Nước mắt nhòa trong sóng vấn vương
Nước mắt nhòa trong sóng biển quê hương
Anh bỗng thấy ngàn cánh thư màu tím
Rơi tím chiều Tổ quốc phía đường biên.
* Lắng tiếng chuông chùa
Nhiều đảo ở quần đảo Trường Sa mà tôi được đến thăm như Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa… đều có chùa. Giữa mênh mông trùng dương, giữa sóng gió, bão táp, những ngôi chùa Việt đứng đó với phong thái cổ kính, thanh thoát, an nhiên tự tại. Đến với chùa Trường Sa trên đảo Trường Sa, tôi đã được thấy tượng Phật ngọc màu xanh biếc do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tặng cho chùa. Đây là tượng Phật ngọc do Liên đoàn Phật giáo Thế giới tặng Thủ tướng tại chùa Vàng Shwedagon, thủ đô Yangon, Myanmar, trong dịp Thủ tướng thăm chính thức Myanmar. Tôi đã gặp đại đức Thích Giác Nghĩa, người đã từng trụ trì hai năm ở chùa Trường Sa, dù đã hết thời gian trụ trì ở chùa này, đại đức vẫn ra lại với Trường Sa vì còn lo một số công việc nhưng cái chính hẳn là vì duyên nợ không dứt được. Nhân thầy Thích Giác Nghĩa ra trụ trì ở chùa Trường Sa, thầy Thích Tâm Trí ở chùa An Dưỡng, tỉnh Khánh Hòa đã làm thơ tiễn. Bài thơ với từng câu không dài, chỉ một, hai, ba chữ, chắc nịch, ngắn gọn, như lời niệm câu thần chú, như lệnh truyền từ tâm qua tâm, chất chứa bao niềm thiết tha, gửi gắm, niềm thúc giục lên đường vì sứ mệnh thiêng liêng:
Đi
Hãy ra đi
vì biên cương
biển đảo
Đi
ra đi
Cỡi sóng
Vượt trùng dương
Đi
Đi đi
Cho yên bình
hiện hữu
Đi
bước đi
để ổn cố sơn hà
Chùa Trường Sa luôn gắn liền với mạch nguồn truyền thống, với linh khí của đất nước đã hun đúc và trao truyền. Năm 2013, thầy Thích Giác Nghĩa đã rước tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông ra thờ ở chùa này. Năm 2014, gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trao di ảnh Đại tướng cho chùa để thờ.
Sau khi thầy Thích Giác Nghĩa thôi trụ trì ở chùa Trường Sa, đại đức Thích Pháp Đạt, Ủy viên Ban Hoằng pháp, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Khánh Hòa đã đến trụ trì ở chùa này. Cùng với thầy Đạt, còn có đại đức Thích Như Đạo, phó trụ trì. Một sớm thong thả, thư thái, tôi ngồi đàm đạo việc đời, việc đạo với đại đức Thích Pháp Đạt bên chén trà tỏa hương ngào ngạt, trong sân chùa Trường Sa, dưới tán cây rợp mát. Đại đức tâm sự:
– So với đất liền, ở đây thiếu thốn nhiều thứ. Nhưng chúng tôi khắc phục khó khăn. Tùy duyên mà làm việc. Hai anh em chúng tôi ra đây là phát nguyện đi vùng sâu, vùng xa. Nơi nào cần, nơi nào khó khăn, mình đến. Sau này, mình đến với những nơi khác sẽ cảm thấy dễ hơn. Khó khăn lớn vượt qua được thì những khó khăn khác cũng sẽ nhẹ nhàng hơn.
Đại đức Thích Pháp Đạt quê ở Phan Thiết, từng tu học ở thành phố Hồ Chí Minh, hành đạo ở Nha Trang, Khánh Hòa. Theo đại đức cho biết, đại đức có hướng sẽ ra tu ở miền Bắc, sau này. Nhân chuyện thầy Nghĩa rước tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông ra thờ ở chùa Trường Sa, chuyện thầy Đạt dự định mai kia sẽ ra đất Bắc, tôi và thầy Đạt cùng nhớ về truyền thống giúp đời, góp phần dựng nước của Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo thời Trần nói riêng, nhớ về công lao to lớn của vua Trần Nhân Tông, người đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai và thứ ba thắng lợi, cũng là vị Phật hoàng đã lập ra dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Thầy Đạt như thăng hoa trong dòng mạch cảm khái, giọng tha thiết:
– Yêu nước là niềm tự hào của người con Phật. Đạo pháp luôn đi cùng dân tộc, đồng hành cùng dân tộc.
Mỗi sáng, mỗi chiều và khi đêm xuống, tôi nghe tiếng chuông chùa Trường Sa ngân nga, thao thức, đồng vọng cùng tâm nguyện của quân dân Trường Sa một lòng son sắt với Tổ quốc, gìn giữ hòa bình, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Một trong những biểu hiện đặc biệt, đầy cảm động của tâm nguyện đó thể hiện qua nghĩa cử cao đẹp của ông Hoàng Văn Sáu, quê ở làng Nam Thượng, xã Tây Hồ, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, trú tại quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh. Ông Sáu đã cung tiến xây dựng trên đảo Trường Sa công trình Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, với tổng số tiền là 9.986.681.000 đồng, khánh thành ngày 28/6/2010. Đài xây hình tháp thanh thoát, vút cao trên nền trời hòa bình xanh ngắt của đảo Trường Sa. Ở bên ngoài khuôn viên, phía trước Đài tưởng niệm, một tượng Phật Quan Âm được dựng lên để chung niềm sẻ chia, thấu tỏ và đồng vọng với cõi yên nghỉ vĩnh hằng của Đài tưởng niệm. Nét đặc biệt ấn tượng của kiến trúc tượng Phật này là, khác với các bức tượng Phật thường tạc tay Phật cầm bình nước cam lồ, Phật Quan Âm ở đảo Trường Sa không cầm bình nước cam lồ mà chính xác hơn là nâng trên tay cánh chim bồ câu như nâng niu, gìn giữ niềm vui hòa bình. Đứng trước tượng Phật Quan Âm mang hình ảnh biểu trưng cho hòa bình này, nghe tiếng chuông chùa gióng giả vì quốc thái dân an, thiết tha cùng vận nước ở Trường Sa, tôi nhớ đến hình ảnh tượng Phật Quan Âm ở quần đảo Hoàng Sa mà tôi đã xem trong một tài liệu về Hoàng Sa, xuất bản tại Sài Gòn, tháng 3/1974. Theo tài liệu này, khoảng cuối năm 1938, ông André Faucheux, Trưởng Ty Công chánh tỉnh Quảng Nam và thị xã Đà Nẵng cùng một phái bộ của chính quyền Pháp đã đến dựng bia chủ quyền của triều đình Huế trên quần đảo Hoàng Sa. Ông André Faucheux cho biết: “Chúng tôi lại nhận thấy có một tượng Phật Quan Âm bằng đá cao lối 4 tấc. Sau đó chúng tôi được biết tượng Phật Quan Âm do các ngư phủ Việt Nam thường đến quần đảo để săn rùa dựng lên”. Ông khẳng định: “Chúng tôi không hề thấy một người Tàu nào trên quần đảo cả. Vả lại, sau khi trồng bia chủ quyền xong, tôi cũng không hề nghe có chính phủ Trung Hoa hoặc bất cứ chính phủ nào khác phản đối. Như thế, theo tôi nghĩ Hoàng Sa phải là một phần đất của Việt Nam”. Ông nói rằng ông sẵn sàng nêu sự thật như trên trước một tham cấp (instance) quốc tế, nếu được yêu cầu. Vậy đó, những câu chuyện, những kỷ niệm, những hình ảnh về chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa không chỉ nằm sâu trong tâm thức của người Việt mà còn nằm sâu trong ký ức và lương tri của cả nhiều người nước ngoài.
* Thắm tình quân dân
Trong những ngày ra khơi, đánh vật cùng sóng gió và bao bất trắc khôn lường của biển cả, những người ngư dân đã có đảo làm chỗ dựa vững chắc để bền lòng, miệt mài bám biển. Các đảo là cơ sở “hậu cần” cho ngư dân trong khai thác, đánh bắt hải sản như sửa chữa tàu cho ngư dân, san sẻ nhu yếu phẩm… , đặc biệt, các đảo còn là nơi khám, điều trị, cấp thuốc, kể cả cấp cứu cho ngư dân khi bị ốm đau hoặc thương tích, tai nạn trên biển. Đến đảo Trường Sa Đông, tôi đã tỉ tê chuyện trò khá lâu với anh Ngô Công Tuấn, Bác sĩ Chuyên khoa 1, Bệnh xá trưởng Bệnh xá Trường Sa Đông và vì vậy ít nhiều hiểu thêm chuyên môn sâu về cấp cứu ngư dân của quân y trên đảo. Anh kể: “Trong năm qua, chúng tôi đã cấp cứu các trường hợp ngư dân bị giảm áp do lặn sâu, bị quặn thận do sỏi, bị ruột thừa. Nặng nhất là ngư dân bị giảm áp, sau khi cấp cứu, các ngư dân đều ổn định sức khỏe và trở lại tàu”. Phần vì say với chuyện nghề, phần do xúc động nhớ lại những lúc chứng kiến cơn nguy kịch của ngư dân, phần do tôi hỏi tỉ mẩn, anh Tuấn nói với tôi mà như thể nói với người có chuyên môn sâu về cấp cứu trong nghề y vậy: “Khi lặn sâu cứ 10 m thì làm tăng thêm 1 lít khí ni tơ ứ đọng trong cơ thể. Có người lặn đến 80 m. Có những trường hợp bị liệt nửa người, đau đầu dữ dội do khí ni tơ ứ đọng, không thoát ra được, chèn mạch máu. Tùy triệu chứng mà xử lý”. Anh cho biết, trên đảo có máy ô xy cho bệnh nhân thở. Máy này hút khí trời, lọc ra ô xy nguyên chất truyền qua ống thở cho bệnh nhân có dưỡng khí mà hồi phục sức khỏe. Đến đảo Đá Tây, ở điểm B, trong một gian phòng của đảo, tôi đọc thấy trên tường có ghi các “phác đồ cấp cứu đuối nước”, “phác đồ cấp cứu sốc phản vệ” để chiến sĩ ta thuộc nằm lòng mà áp dụng cho ngư dân, lúc gặp bất trắc.
Ở đảo Trường Sa, đảo có bệnh xá với phòng mổ khá tốt, được trang bị các thiết bị X quang, siêu âm, gây mê, máy xét nghiệm máu… Tôi hỏi anh Lê Minh Phong, Bệnh xá trưởng Bệnh xá đảo Trường Sa về chuyện khám chữa bệnh cho dân. Anh vừa trả lời bằng trí nhớ rõ mồn một về từng loại ca bệnh đã chữa khỏi cho dân, vừa in từ máy vi tính ra cho tôi những trang dữ liệu theo kiểu “nói có sách mách có chứng”. Từ đó, tôi biết rõ được vừa tổng quan, vừa cụ thể về các trường hợp khám, điều trị, cấp cứu, phẫu thuật… trên đảo. Trong năm 2013, quân y đảo đã khám và điều trị cho dân 361 trường hợp, ngư dân 334 trường hợp; cấp cứu 64 trường hợp, trong đó dân 12 trường hợp sốt cao, hạ canxi huyết, rối loạn thần kinh phân ly, viêm dạ dày cấp, vết thương rách da đầu do tai nạn lao động, ngư dân 18 trường hợp, chủ yếu là viêm phúc mạc ruột thừa, cơn đau quặn gan, chấn thương sọ não có lún sọ hôn mê độ II, chấn thương gối, chấn thương bàn tay, loạn thần sau tai nạn, nhiễm trùng uốn ván, loạn thần do sét đánh gần, áp xe ổ bụng, gãy xương cánh tay; phẫu thuật thành công 54 trường hợp, trong đó có 4 trường hợp đại phẫu (1 ngư dân viêm phúc mạc do ruột thừa hoại tử, 1 ngư dân do tai nạn lao động bị dập nát nửa trước ngoài bàn tay trái và các trường hợp ghép da, chuyển vạt da), 10 trung phẫu (dập nát bàn tay trái do tai nạn lao động ở tàu cá, cụt đốt 3 ngón 3 bàn tay phải do tai nạn lao động, áp xe mu chân do gai cá đâm vào, khâu nối gân duỗi ngón tay… ). Quân y đảo Trường Sa đã thu dung cấp cứu, điều trị đảm bảo an toàn và chuyển vào bờ đúng quy định cho các trường hợp cần cứu chữa.
* Những nụ mầm mới
Đến các đảo ở quần đảo Trường Sa, vui nhất là được thấy trẻ con xúng xính áo mới, có những cháu nhỏ mang sắc phục hải quân lon ton theo bóng áo dài truyền thống thướt tha của mẹ, hớn hở đi đón đoàn từ đất liền ra thăm đảo. Trong số các cháu, có những cháu sinh ra ở đất liền rồi theo cha mẹ ra đảo, đặc biệt, có những cháu được sinh ra trên đảo. Hay tin trên đảo Sinh Tồn vừa có một cháu gái mới chào đời cách lúc tôi đến đảo này chỉ mới hơn hai mươi ngày, tôi đã đến thăm cháu với niềm mừng rỡ như bắt được vàng, không một chút e ngại hay kiêng cữ rằng đi thăm như thế là dễ bị mắc “phong long”, nghĩa là mắc cái hơi xấu, vía xấu của người phụ nữ mới sinh, theo cách nghĩ dân gian xưa nay. Chị Phan Thị Thương, vợ anh Nguyễn Minh Châu đã sinh bé gái Nguyễn Phan Ngọc Hân ngày 2/4/2014 tại Bệnh xã xã đảo Sinh Tồn. Bồng trên tay cháu bé còn đỏ hỏn, chị Thương ngồi tiếp chúng tôi với nét vẻ tươi cười, niềm nở, dường như không còn chút gì là dấu hiệu mệt mỏi của một sản phụ chỉ vừa mới qua cơn “vượt cạn”, mang nặng đẻ đau. Nâng niu và ngắm nghía tấm giấy khai sinh của cháu Hân đỏ chót màu quốc huy và tươi rói màu con dấu thị thực, tôi như được cảm nhận sâu hơn về sức sống và vẻ đẹp của những đóa hoa phong ba nở giữa lòng biển cả. Tôi hỏi anh Châu đôi điều về chuyện nghề, chuyện đời của vợ chồng anh. Anh kể chuyện nghề: “Ra sống ở đảo, mình làm nghề đánh cá, đi mủng. Mình đánh các loại cá thu, cá mó, cá bè, bạch tuộc, mực… ”. Tôi hỏi về việc đáp ứng các nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống trên đảo như nước uống, rau xanh, những nhu cầu mà việc giải quyết gặp khó khăn bội lần so với nơi đất liền, anh vẫn trả lời vui vẻ như không có chuyện gì: “Nước ngọt thì xài nước mưa. Rau xanh tự trồng được”. Tôi không hỏi về các nhu cầu vật chất nữa, mà xoay sang hỏi về “lĩnh vực tinh thần”: “Xa người thân, xa quê hương, ra lập nghiệp ở đảo, vợ chồng anh cảm thấy thế nào?”. Câu hỏi đã ướm và ra khỏi lòng rồi, tôi còn e làm anh Châu chạnh niềm. Nhưng tôi bỗng vui và thấy yên lòng, khi anh Châu giải tỏ: “Vợ chồng tôi đã quen dần với cuộc sống ở đảo. Sống đâu quen đó mà!”.
Đến thăm Trường Tiểu học Trường Sa, gặp các em học sinh tiểu học ở đây, tôi được sống với những cảm giác vừa quen thuộc, vừa mới mẻ. Quen thuộc là được sống lại với thế giới tuổi thơ êm đềm của đời người ai cũng có. Mới mẻ là được chứng kiến một tuổi thơ Trường Sa lớn lên giữa trùng dương, biển cả. Nhìn các em đang gò lưng trên bàn để làm bài, trên mình mặc áo quần mang sắc phục hải quân, tôi hiểu về sứ mệnh bảo vệ biển đảo thiêng liêng mà các em sẽ mang vác, ngày mai. Thầy giáo Đồng Minh Hiệp quê ở huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, 24 tuổi, ra đảo làm giáo viên dạy lớp 1, Trường Tiểu học Trường Sa “khoe” với tôi rằng học sinh của thầy sớm có những kiến thức, hiểu biết về biển: “Gia đình các em là ngư dân. Các em biết về các loại cá rất nhanh: cá bò, cá dìa… Các em phân biệt được những con cá thuộc loại cá gì, biết được từng loại cá khi đánh lưới lên”. Khi tôi hỏi thầy rằng làm một thầy giáo ở đảo thì có gì khác với ở đất liền, thầy liền bộc bạch về tâm nguyện của mình với đảo Trường Sa: “Ra với đảo, trách nhiệm của mình nặng hơn, vì ở nơi đầu sóng ngọn gió mà. Nhưng mình thấy phấn khởi, vinh dự vì được công tác ở Trường Sa”. Tôi gợi chuyện tiếp: “Cho dẫu xa nhà nhưng chắc thầy nhận được những niềm vui, niềm động viên từ phía các em học sinh và phụ huynh học sinh ở đảo chứ?”. Đôi mắt thầy chớp chớp ánh lên niềm vui, thầy nói cả bằng mắt lẫn bằng lời tha thiết: “Các em có tinh thần học tập, nhạy và sáng ý, như chuyện phân biệt nhanh từng loại cá mà tôi vừa kể đó. Phụ huynh ở đây thường quan tâm đến nhà trường. Đánh cá lên, phụ huynh thường tặng cho các thầy, mà toàn là những loại cá ngon như cá thu bè, cá hồng, cá đỏ… ”. Vui gặp những công dân tý hon của Trường Sa sớm mang sắc phục hải quân, biết thuộc từng loại cá biển như thuộc từng bài tập đọc, thuộc từng phép toán thầy giảng mỗi ngày, ôi thật đáng cảm mến và yêu thương quá đỗi, ôi thật đầy ước hẹn và tin tưởng cho ngày mai, hỡi những nụ mầm mới!
Rồi cũng đến lúc con tàu chở chúng tôi ra quần đảo Trường Sa phải nhả từng bờm sóng đuôi tàu quẫy đạp trào dâng một nỗi gì da diết lắm để tạm biệt Trường Sa, trở về đất liền. Ở Trường Sa, tôi thấu hiểu nỗi lòng của những người lính, người dân đảo luôn hướng về đất liền. Những ngày Bưu điện tỉnh Khánh Hòa tổ chức khai trương các điểm bưu điện văn hóa đảo Sinh Tồn, đảo Trường Sa, mọi người trên các đảo cùng nô nức quây quần bên nhân viên bưu điện để mừng phiên giao dịch đầu tiên của bưu điện, để hân hoan gửi những cánh thư đầu tiên về đất liền. Ai cũng mừng rỡ khi tự tay mình được nắn nót lên bì thư những dòng tên và địa chỉ người thân ở đất liền, chắc trong đó có những người mang cảm giác ngỡ ngàng pha lẫn mơ mộng, bồi hồi như khi được đề tên người thương lên cánh thiếp hồng. Anh Trịnh Công Lý, Chủ tịch UBND xã đảo Sinh Tồn xúc động nói: “Nhân khai trương Bưu điện Văn hóa xã đảo Sinh Tồn, đề nghị ngành bưu điện chuyển thư ngay vào đất liền cho thỏa niềm mong đợi của mọi người”. Về với đất liền, đi bằng “đôi chân trần” trên mặt đất, trong tôi vẫn sống với cảm giác bồng bềnh như khi đang còn ở trên con tàu lướt sóng vạn lý Trường Sa. Tôi nhớ hoài câu nhắc của anh phát thanh viên trên tàu, nhắc chúng tôi qua hệ thống loa tàu, mỗi sớm mai khi mọi người còn chìm trong giấc ngủ: “Toàn tàu báo thức! Báo thức toàn tàu!”. Vâng! “Tổ quốc tôi như một con tàu”. Đất nước Việt Nam là một con tàu vươn ra biển lớn trong bối cảnh tình hình biển Đông có những tranh chấp, diễn biến phức tạp, trong bối cảnh hội nhập quốc tế nhiều thời cơ nhưng cũng đầy thách thức càng phải luôn luôn ở trong trạng thái “báo thức” vậy.
N.H
(Nguồn vanvn.net)
__________
(1) Lê Quý Đôn toàn tập, Tập I, Phủ biên tạp lục, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr. 119, 120.
(2) Lê Quý Đôn toàn tập, sđd, tr. 120.