Trường Sơn nghe tiếng chim chiều – Nỗi niềm xúc động khôn cùng (Bài bình của Trần Thúy Hoàn)

 

TRƯỜNG SƠN NGHE TIẾNG CHIM CHIỀU
Đinh Thường 

Tìm con về với Trường Sơn
Tiếng chim khắc khoải… Chắc cơn cớ gì?
Đài cao vạt nắng nhu mì
Chiều xô bóng mẹ vân vi lẽ đời.

Ngổn ngang lòng lá xanh rơi
Khói nhang mẹ thắp ngát nơi anh nằm
Tuổi tên lạc bấy nhiêu năm
Rừng xa quần tụ xót đằm thời gian.

Mẹ như trôi giữa đại ngàn
Vớt cơn bóng xế gắn hàn nỗi đau
Lặng thầm kẻ trước người sau
Tạc vào sông núi sắc màu kiên trung.

Trường Sơn mưa xối, nắng nung
Mỏng manh dáng mẹ, trập trùng phù vân
Bàn chân lần lữa bàn chân
Chim chiều giãi tiếng mấy lần xót xa…

Quảng Trị, tháng 8/2012.

 

Tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần bài thơ này trong tập Chạy đâu khỏi nắng – NXB Hội Nhà văn 2020 của nhà thơ Đinh Thường. Mỗi lần đọc lại thêm vỡ vạc, tâm đắc với tác phẩm, càng trân trọng sự chân thành, da diết mà xúc tích, tinh tế của nhà thơ. Thông qua ngôn ngữ thơ gần gũi, mượt mà, chắt lọc, tác giả đâu chỉ đơn thuần mô tả sự việc một người mẹ già lặn lội đường xa đi tìm đứa con bấy lâu nằm lại Trường Sơn, mà còn gợi lên nỗi niềm nhân thế. “Trường Sơn nghe tiếng chim chiều” – Tự dòng tên bài thơ đã gợi bao  điều trắc ẩn, vời vợi, xót xa đến nao lòng.
Tìm con về với Trường Sơn
Tiếng chim khắc khoải… Chắc cơn cớ gì?

Ngay khổ thơ đầu tiên đã khiến tâm khảm người đọc đau đáu, buốt nhói cùng tiếng chim khắc khoải. Phải chăng đó là dự cảm của thiên nhiên trước tình mẫu tử âm dương tái hợp, mừng mừng tủi tủi!? Nước mắt của mẹ đã cạn khô vì khóc, giờ nhìn thấy dòng tên của con trong trùng trùng bia mộ liệt sĩ, lại khơi dòng nức nở, thổn thức nghẹn ngào, vỡ òa cảm xúc… Hay linh hồn người chiến sĩ vận vào bóng chim, mà tở mở, thiết thao, nương theo ngọn khói trầm mẹ thắp để được bảng lảng, quấn quýt yêu thương. Đôi tay mẹ gầy gò, chai rám đã bao lần vuốt lên mái tóc đỏ hoe của thằng con trai hiếu động mà cưng nựng, ấp iu, chở che khi xưa, nay lại lần rờ trên rêu phong bia mộ mà ngỡ rằng da thịt con đây.
Đài cao vạt nắng nhu mì
Chiều xô bóng mẹ vân vi lẽ đời

Đài cao >< nhu mì

Sự đối lập của ngôn từ đâu có vô tình mà là sự sắp đặt có chủ ý khiến ta liên tưởng đến tính nhân văn sâu sắc của tình mẫu tử thiêng liêng, tình hiếu lễ của người con đối với mẹ. Đài cao là sự kỳ vĩ, linh thiêng, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, tượng trưng cho sự bất tử, kiêu hãnh… để thế giới phải nghiêng mình. Vậy mà đã phải nghiêng “vạt nắng nhu mì”, dịu dàng che cho mẹ trước bóng chiều nắng xế. Xúc động biết bao! Đến đây tôi lại nhớ tới hồi nhỏ, được đọc thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa viết về mẹ yêu thương, khi mẹ đi cấy dưới nắng hè gay gắt “Ước gì em hóa làm mây/ để che cho mẹ suốt ngày bóng râm “! Những người mẹ vĩ đại của chúng ta và sự hy sinh cao cả của họ, xứng đáng được trân trọng, tôn vinh như thế!
Ngổn ngang lòng lá xanh rơi
Khói nhang mẹ thắp ngát nơi anh nằm
Tuổi tên lạc bấy nhiêu năm
Rừng xa quần tụ xót đằm thời gian.

Phải chăng ở đây lại là một ẩn dụ nữa mà tác giả đã khéo léo vận dụng từ câu ca dao: “Lá vàng còn ở trên cây/ Lá xanh rụng xuống trời hay chăng trời?”, gợi niềm đau thắt, xót xa không thể cầm lòng!
Bao nhiêu năm mẹ nén đau thương, mải miết kiếm tìm tin tức của con. Qua bao kênh thông tin, qua bao dòng địa chỉ. Giờ đây, dẫu có muộn màng, tìm được con là như tìm được nguồn an ủi, thỏa vơi đầy tâm nguyện cuối chiều. Lòng mẹ như vô thức giữa những linh hồn bất tử:
Mẹ như trôi giữa đại ngàn
Vớt cơn bóng xế gắn hàn nỗi đau
Lặng thầm kẻ trước người sau
Tạc vào sông núi sắc màu kiên trung.

Dẫu mất mát riêng lớn lao, đau xót đến vậy nhưng khi đến nghĩa trang Trường Sơn, mẹ và tất cả chúng ta mới thật sự thấy được sự khốc liệt, dữ dội của chiến tranh. Biết bao người con của quê hương đất nước đã hy sinh tuổi thanh xuân cho giang sơn nối liền một dải, cho cuộc sống thanh bình. Bao nhiêu gia đình phải chia xa, cha mẹ mất con, vợ mất chồng, bao nhiêu đứa trẻ thèm hai tiếng gọi “Cha ơi”!
Trường Sơn mưa xối nắng nung
Mỏng manh dáng mẹ trập trùng phù vân
Bàn chân lần nữa bàn chân
Chim chiều giãi tiếng mấy lần xót xa…

Tìm được con đã khó, giờ lại phải gửi con giữa lòng Tổ quốc, sao lòng mẹ không bịn rịn, bùi ngùi. Liệu còn hẹn được lần sau, mẹ đến thăm con và đồng đội nữa hay không khi mà quỹ thời gian của mẹ “mỏng manh”,”phù vân” như thế?
Nghĩa trang Trường Sơn và bao nhiêu nghĩa trang liệt sĩ khác trên mảnh đất này đã minh chứng cho tinh thần yêu nước quả cảm, quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, mãi mãi lưu dấu son lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Là điểm đến tôn nghiêm, thiêng liêng để gia đình, đồng chí đồng đội và đồng bào cả nước đến chiêm bái, dâng hương, tỏ lòng tri ân thành kính.
Gấp bài thơ lại nhưng tiếng chim chiều “mấy lần xót xa…” cứ neo vào lòng người đọc nỗi niềm xúc động khôn cùng.
Cảm ơn nhà thơ Đinh Thường – người lính biên phòng khi xưa đã bao năm dày dạn với thử thách gian nan trên những nẻo đường biên cương của Tổ quốc để đúc kết, trau giồi cho ra bài thơ lục bát mượt mà, qua hình ảnh người mẹ và khung cảnh chiều tà bi tráng của nghĩa trang Trường Sơn. Bài thơ đã đem đến cho chúng ta rất nhiều cung bậc cảm xúc. Sự thấu cảm của nhà thơ chiến sĩ trước tấm tình cao cả của mẹ và những hi sinh bất khuất của đồng chí, đồng đội đã lan tỏa tình yêu thương và niềm biết ơn vô hạn để chúng ta soi mình vào đó mà vượt qua khó khăn thử thách, sống có ý nghĩa ở đời.

Hải phòng, ngày 13/6/2021
T.T.H

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder