Truyện Kiều của Nguyễn Du đã thể hiện tính hiện thực và tinh thần nhân đạo sâu sắc. Truyện Kiều cũng là đỉnh cao thơ ca cổ điển của dân tộc. Vì vậy, Truyện Kiều luôn được nhân dân ta yêu mến…
Vanhaiphong.com xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Truyện Kiều của Nguyễn Du đã thể hiện tính hiện thực và tinh thần nhân đạo sâu sắc. Truyện Kiều cũng là đỉnh cao thơ ca cổ điển của dân tộc. Vì vậy, Truyện Kiều luôn được nhân dân ta yêu mến…
Vanhaiphong.com xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
PHẦN THỨ BA
ĐOÀN VIÊN
(Từ câu 2885 đến câu 3254)
Kim Trọng tìm Kiều. Gia định họ Vương đoàn tụ. Kim Kiều tái ngộ.
2885. Thăng đường chàng mới hỏi tra,
Họ Đô có kẻ lại già thưa lên:
“Sự này đã ngoại mười niên,
Tôi đà biết mặt, biết tên rành rành.
Tú Bà cùng Mã Giám Sinh,
2890. Đi mua người ở Bắc Kinh đưa về.
Thúy Kiều tài sắc ai bì,
Có nghề đàn, lại đủ nghề văn thơ!
Kiên trinh chẳng phải gan vừa,
Liều mình thế ấy, phải lừa thế kia…
2895. Phong trần chịu đã ê chề,
Dây duyên sau lại xe về Thúc Lang.
Phải tay vợ cả phũ phàng,
Bắt về Vô Tích, toan đường bẻ hoa.
Dứt mình nàng phải trốn ra,
2900. Chẳng may lại gặp một nhà Bạc kia .
Thoắt buôn về, thoắt bán đi,
Mây trôi, bèo nổi, thiếu gì là nơi!
Bỗng đâu lại gặp một người,
Hơn đời trí dũng, nghiêng trời uy linh.
2905. Trong tay mười vạn tinh binh,
Kéo về đóng chật một thành Lâm Tri,
Tóc tơ các tích mọi khi,
Oán thì trả oán, ân thì trả ân.
Đã nên có nghĩa, có nhân,
2910. Trước sau trọn vẹn, xa gần ngợi khen.
Chưa từng được họ, được tên,
Sự này, hỏi Thúc Sinh Viên mới tường”.
Nghe lời Đô nói rõ ràng,
Tức thì viết thiếp mời chàng Thúc Sinh.
2915. Nỗi nàng hỏi hết phân minh,
Chồng con đâu tá, tính danh là gì?
Thúc rằng: “Gặp buổi loạn li,
Trong quân, tôi hỏi thiếu gì tóc tơ.
Đại vương tên Hải, họ Từ,
2920. Đánh quen trăm trận, sức dư muôn người.
Gặp nàng khi ở châu Thai,
Lạ gì quốc sắc, thiên tài phải duyên.
Vẫy vùng trong bấy nhiêu niên,
Làm nên động địa, kinh thiên đùng đùng.
2925. Đại quân đồn đóng cõi đông,
Về sau, chẳng biết vân mòng làm sao?”
Nghe tường ngành ngọn tiêu hao,
Lòng riêng, chàng luống lao đao thẫn thờ:
“Xót thay chiếc lá bơ vơ!
2930. Kiếp trần, biết giũ bao giờ cho xong?
Hoa trôi nước chảy xuôi dòng,
Xót thân chìm nổi, đau lòng hợp tan!
Lời xưa đã lỗi muôn vàn,
Mảnh hương còn đó, phím đàn còn đây.
2935. Đàn cầm khéo ngẩn ngơ dây,
Lửa hương biết có kiếp này nữa thôi?
Bình bồng còn chút xa xôi,
Đỉnh chung sao nỡ ăn ngồi cho an!”
Rắp mong treo ấn từ quan,
2940. Mấy sông cũng lội, mấy ngàn cũng qua.
Dấn mình trong án can qua,
Vào sinh ra tử họa là thấy nhau.
Nghĩ điều trời thẳm vực sâu,
Bóng chim, tăm cá biết đâu mà nhìn!
2945. Những là nấn ná đợi tin,
Nắng mưa biết đã mấy phen đổi dờỉ?
Năm mây, bỗng thấy chiếu trời,
Khâm ban sắc chỉ đến nơi rành rành:
Kim thì cải nhậm Nam Bình,
2950. Chàng Vương cũng cải nhậm thành châu Dương.
Sắm xanh xe ngựa vội vàng,
Hai nhà cùng thuận một đường phó quan.
Xảy nghe thế giặc đã tan,
Sóng êm Phúc Kiến, lửa tàn Chiếc Giang.
2955. Được tin, Kim mới rủ Vương,
Tiện đường, cùng lại tìm nàng sau xưa.
Hàng Châu đến đó bây giờ,
Thật tin hỏi được tóc tơ rành rành.
Rằng: “Ngày hôm nọ giao binh,
2960. Thất cơ, Từ đã thu linh trận tiền.
Nàng Kiều công cả chẳng đền,
Lệnh quan lại bắt ép duyên thổ tù.
Nàng đà gieo ngọc trầm châu,
Sông Tiền đường đó, ấy mồ hồng nhan!”
2965. Thương ôi! Không hợp mà tan,
Một nhà vinh hiển, riêng oan một nàng!
Chiêu hồn, thiết vị, lễ thường,
Giải oan lập một đàn tràng bên sông.
Ngọn triều non bạc trùng trùng,
2970. Vời trông còn tưởng cánh hồng lúc gieo.
Tình thâm biển thẳm, lạ điều
Nào hồn tinh vệ biết theo chốn nào?
Cơ duyên đâu bỗng lạ sao?
Giác Duyên đâu bỗng tìm vào đến nơi!
2975. Trông lên linh vị chữ bài,
Thất kinh mới hỏi: “Những người đâu ta?
Với nàng thân thích gần xa?
Người còn sao bỗng làm ma khóc người?”
Nghe tin ngơ ngác rụng rời,
2980. Xúm quanh, kể lể rộn lời hỏi tra:
“Này chồng, này mẹ, này cha,
Này là em ruột, này là em dâu.
Thật tin nghe đã bấy lâu,
Pháp sư dạy thế, sự đâu lạ thường!”
2985. Sư rằng: “Nhân quả với nàng,
Lâm Tri buổi trước, Tiền Đường buổi sau.
Khi nàng gieo ngọc trầm châu,
Đón nhau tôi đã gặp nhau rước về.
Cùng nhau nương cửa Bồ Đề,
2990. Thảo am đó, cũng gần kề chẳng xa.
Phật tiền ngày bạc lân la,
Đăm đăm nàng cũng nhớ nhà khôn khuây…”
Nghe tin nở mặt nở mày,
Mừng nào lại quá mừng này nữa chăng?
2995. Từ phen chiếc lá lìa rừng,
Thăm tin luống những liệu chừng nước mây.
Rõ ràng hoa rụng hương bay,
Kiếp sau họa thấy kiếp này hẳn thôi.
Minh, dương đôi ngả chắc rồi,
3000. Cõi trần mà lại thấy người cửu nguyên!
Cùng nhau lạy tạ Giác Duyên,
Bộ hành một lũ, theo liền một khi.
Bẻ lau vạch cỏ tìm đi,
Tình thâm luống hãy hồ nghi nửa phần.
3005. Quanh co theo dải giang tân,
Khỏi rừng lau, đã tới sân Phật Đường.
Giác Duyên lên tiếng gọi nàng,
Buồng trong nàng đã vội vàng bước ra.
Nhìn xem đủ mặt một nhà:
3010. Xuân già còn khỏe, huyên già còn tươi.
Hai em phương trưởng hòa hai,
Nọ chàng Kim đó, là người ngày xưa!
Tưởng bây giờ là bao giờ,
Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao!
3015. Giọt châu thánh thót quẹn bào,
Mừng mừng, tủi tủi xiết bao là tình!
Huyên già, dưới gối, gieo mình,
Khóc than, mình kể sự tình đầu đuôi:
“Từ con lưu lạc quê người,
3020. Bèo trôi sóng vỗ, chốc mười lăm năm!
Tính rằng sông nước, cát lầm,
Kiếp này, ai lại còn cầm gặp đây!”
Ông bà trông mặt, cầm tay,
Dung quang chẳng khác chi ngày bước ra.
3025. Bấy chầy dãi nguyệt, dầu hoa,
Mười phần xuân có gầy ba bốn phần.
Nỗi mừng biết lấy chi cân?
Lời tan hợp, chuyện xa gần, thiếu đâu!
Hai em hỏi trước, han sau,
3030. Đứng trông, chàng cũng trở sầu làm tươi.
Quây nhau lạy trước Phật Đài,
Tái sinh trần tạ lòng người từ bi.
Kiệu hoa giục giã tức thì,
Vương Ông dạy rước cùng về một nơi.
3035. Nàng rằng: “Chút phận hoa rơi,
Nửa đời nếm trải mọi mùi đắng cay.
Tính rằng mặt nước, chân mây,
Lòng nào còn tưởng có rày nữa không?
Được rày tái thế tương phùng.
3040. Khát khao đã thỏa tấm lòng lâu nay!
Đã đem mình bỏ am mây,
Tuổi này gửi với cỏ cây cũng vừa,
Mùi thiền đã bén muối dưa,
Màu thiên ăn mặc đã ưa nâu sồng.
3045. Sự đời đã tắt lửa lòng,
Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi!
Dở dang nào có hay gì,
Đã tu, tu trót, quá thì, thì thôi!
Trùng sinh ân nặng biển trời,
3050. Lòng nào nỡ dứt nghĩa người ra đi?”
Ông rằng: “Bỉ thử nhất thì,
Tu hành, thì cũng phải khi tòng quyền.
Phải điều cầu Phật, cầu Tiên,
Tình kia, Hiếu nọ, ai đền cho đây?
3055. Độ sinh nhờ đức cao dày,
Lập am rồi sẽ rước thầy ở chung.”
Nghe lời nàng cũng chiều lòng,
Giã sư, giã cảnh, đều cùng bước ra.
Một nhà về đến quan nha,
3060. Đoàn viên vội mở tiệc hoa vui vầy.
Tàng tàng chén cúc dở say,
Đứng lên Vân mới giãi bày một hai.
Rằng: “Trong tác hợp cơ trời,
Hai bên gặp gỡ, một lời kết giao.
3065. Gặp cơn bình địa ba đào,
Vậy đem duyên chị buộc vào cho em.
Cũng là phận cải, duyên kim,
Cũng là máu chảy ruột mềm, chớ sao?
Những là rày ước mai ao,
3070. Mười lăm năm ấy, biết bao nhiêu tình!
Bây giờ gương vỡ lại lành,
Khuôn thiêng lừa lọc đã dành có nơi.
Còn duyên, may lại còn người,
Còn vầng trăng bạc, còn lời nguyền xưa.
3075. Quả mai ba bảy đương vừa,
Đào non sớm liệu xe tơ kịp thì”!
Dứt lời, nàng vội gạt đi:
“Sự muôn năm cũ, kể chi bây giờ?
Một lời tuy có ước xưa,
3080. Xét mình dãi gió dầu mưa đã nhiều.
Nói càng hổ thẹn trăm chiều,
Thà cho ngọn nước thủy triều chảy xuôi”!
Chàng rằng: “Nói cũng lạ đời,
Dẫu lòng kia vậy, còn lời ấy sao?
3085. Một lời đã trót thâm giao,
Dưới dày có đất, trên cao có trời!
Dẫu rằng vật đổi sao dời,
Tử sinh phải giữ lấy lời tử sinh!
Duyên kia có phụ chi tình,
3090. Mà toan sẻ gánh chung tình làm hai?”
Nàng rằng: “Gia thất duyên hài,
Chút lòng ân ái, ai ai cũng lòng.
Nghĩ rằng trong đạo vợ chồng,
Hoa thơm phong nhị, trăng vòng tròn gương.
3095. Chữ Trinh đáng giá nghìn vàng,
Đuốc hoa chẳng thẹn với chàng mai xưa.
Thiếp từ ngộ biến đến giờ,
Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa.
Bấy chầy, gió táp, mưa sa,
3100. Mấy trăng cũng khuyết, mấy hoa cũng tàn.
Còn chi là cái hồng nhan,
Đã xong thân thế, còn toan nỗi nào?
Nghĩ mình chẳng hổ mình sao?
Dám đem trần cấu dự vào bố kinh!
3105. Đã hay chàng nặng vì tình,
Trông hoa đèn, chẳng thẹn mình lắm ru!
Từ rày khép cửa phòng thu,
Chẳng tu thì cũng như tu mới là!
Chàng dù nghĩ đến tình xa,
3110. Đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ.
Nói chi kết tóc xe tơ,
Đã buồn cả ruột, mà dơ cả đời!”
Chàng rằng: “Khéo nói nên lời,
Mà trong lẽ phải có người, có ta!
3115. Xưa nay trong đạo đàn bà,
Chữ Trinh kia cũng có ba bảy đường:
Có khi biến, có khi thường,
Có quyền, nào phải một đường chấp kinh?
Như nàng lấy Hiếu làm Trinh,
3120. Bụi nào cho đục được mình ấy vay?
Trời còn để có hôm nay,
Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời.
Hoa tàn mà lại thêm tươi,
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa.
3125. Có điều chi nữa mà ngờ,
Khách qua đường để hững hờ chàng Tiêu”!
Nghe chàng nói đã hết điều,
Hai thân thì cũng quyết theo một bài.
Hết lời khôn lẽ chối lời,
3130. Cúi đầu nàng những vắn dài thở than.
Nhà vừa mở tiệc đoàn viên,
Hoa soi ngọn đuốc, hồng chen bức là.
Cùng nhau giao bái một nhà,
Lễ đà đủ lễ, đôi đà xứng đôi .
3135. Động phòng dìu dặt chén mồi,
Bâng khuâng duyên mới, ngậm ngùi tình xưa.
Những từ sen ngó đào tơ,
Mười lăm năm mới bây giờ là đây!
Tình duyên ấy, hợp tan này,
3140. Bi hoan mấy nỗi, đêm chầy trăng cao.
Canh khuya bức gấm rủ thao,
Dưới đèn tỏ rạng, má đào thêm xuân.
Tình nhân lại gặp tình nhân,
Hoa xưa ong cũ, mấy phân chung tình!
3145. Nàng rằng: “Phận thiếp đã đành,
Có làm chi nữa, cái mình bỏ đi!
Nghĩ chàng nghĩa cũ, tình ghi,
Chiều lòng gọi có xướng tùy mảy may.
Riêng lòng đã thẹn lắm thay,
3150. Cũng đà mặt dạn, mày dày, khó coi!
Những như âu yếm vành ngoài,
Còn toan mở mặt với người cho qua?
Lại như những thói người ta,
Vớt hương dưới đất, bẻ hoa cuối mùa.
3155. Khéo là giở nhuốc bày trò,
Còn tình đâu nữa là thù đấy thôi!
Người yêu, ta xấu với người,
Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau!
Cửa nhà dù tính về sau,
3160. Thì còn em đó lọ cầu chị đây!
Chữ Trinh còn một chút này,
Chẳng cầm cho vững, lại giày cho tan!
Còn nhiều ân ái chan chan,
Hay gì vầy cánh hoa tàn mà chơi?”
3165. Chàng rằng: “Gắn bó một lời,
Bỗng không cá nước, chim trời lỡ nhau.
Xót người lưu lạc bấy lâu,
Tưởng thề thốt nặng nên đau đớn nhiều!
Thương nhau sinh tử đã liều,
3170. Gặp nhau còn chút bấy nhiêu là tình.
Chừng xuân tơ liễu còn xanh,
Nghĩ rằng chưa thoát khỏi vành ái ân.
Gương trong chẳng chút bụi trần,
Một lời quyết hẳn muôn phần kính thêm!
3175. Bấy lâu đáy bể mò kim,
Là nhiều vàng đá, phải tìm trăng hoa?
Ai ngờ lại họp một nhà,
Lọ là chăn gối, mới ra sắt cầm!”
Nghe lời sửa áo cài trâm,
3180. Khấu đầu lạy tạ cao thâm nghìn trùng:
“Thân tàn, gạn đục khơi trong,
Là nhờ quân tử khác lòng người ta.
Mấy lời tâm phúc ruột rà,
Tương tri dường ấy mới là tương tri!
3185. Chở che đùm bọc thiếu chi,
Trăm năm danh tiết cũng vì đêm nay!”
Thoắt thôi tay lại cầm tay,
Càng yêu vì nết, càng say vì tình.
Thêm nến giá, nối hương bình,
3190. Cùng nhau lại chuốc chén quỳnh giao hoan.
Tình xưa lai láng khôn hàn,
Thong dong lại hỏi ngón đàn ngày xưa.
Nàng rằng: “Vì mấy đường tơ,
Lầm người cho đến bây giờ mới thôi!
3195. Ăn năn thì sự đã rồi!
Nể lòng người cũ, vâng lời một phen”.
Phím đàn dìu dặt tay tiên,
Khói trầm cao thấp, tiếng huyền gần xa.
Khúc đâu đầm ấm dương hòa,
3200. Ấy là hồ điệp, hay là Trang Sinh?
Khúc đâu êm ái xuân tình,
ấy hồn Thục Đế, hay mình đỗ quyên?
Trong sao châu nhỏ duềnh quyên?
Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông!
3205. Lọt tai nghe suốt năm cung,
Tiếng nào là chẳng não nùng xôn xao.
Chàng rằng: “Phổ ấy tay nào?
Xưa sao sầu thảm, nay sao vui vầy?
Thương, vui bởi tại lòng này,
3210. Hay là khổ tận đến ngày cam lai?”
Nàng rằng: “Ví chút nghề chơi,
Đoạn trường tiếng ấy hại người bấy lâu!
Một phen tri kỷ cùng nhau,
Cuốn dây từ đấy, về sau cũng chừa”.
3215. Chuyện trò chưa cạn tóc tơ,
Gà đà gáy sáng, trời vừa rạng đông.
Tình riêng chàng lại nói sòng,
Một nhà ai cũng lạ lùng khen lao.
Cho hay thục nữ chí cao,
3220. Phải người sớm mận, tối đào như ai?
Hai tình vẹn vẽ hòa hai,
Chẳng trong chăn gối, cũng ngoài cầm thơ.
Khi chén rượu, khi cuộc cờ,
Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên.
3225. Ba sinh đã phỉ mười nguyền,
Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy.
Nhớ lời lập một am mây,
Khiến người thân thích rước thầy Giác Duyên.
Đến nơi đóng cửa cài then,
3230. Rêu trùm kẻ ngạch, cỏ len mái nhà,
Sư đà hái thuốc phương xa,
Mây bay, hạc lánh, biết là tìm đâu ?
Nặng vì chút nghĩa xưa sau,
Trên am cứ giữ hương dầu hôm mai.
3235. Một nhà phúc lộc gồm hai,
Nghàn năm dằng dặc, quan giai lần lần.
Thừa gia chẳng hết nàng Vân,
Một cây cù mộc, một sân quế hòe.
Phong lưu phú quý ai bì,
3240. Vườn xuân một cửa, để bia muôn đời.
Ngẫm hay muôn sự tại trời,
Trời kia đã bắt làm người có thân.
Bắt phong trần, phải phong trần,
Cho thanh cao, mới được phần thanh cao.
3245. Có đâu thiên vị người nào,
Chữ Tài, chữ Mệnh, dồi dào cả hai,
Có Tài, mà cậy chi Tài,
Chữ Tài liền với chữ Tai một vần.
Đã mang lấy nghiệp vào thân,
3250. Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa.
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài.
Lời quê chắp nhặt dông dài,
Mua vui cũng được một vài trống canh.
_________
Ghi chú:
2885. Thăng đường: ra ngồi làm việc ở công đường.
2893. Kiên trinh: kiên quyết giữ gìn trinh tiết.
2894. Liều mình: chỉ việc Thuý Kiều tự vẫn lúc mới đến nhà Tú Bà.
Phải lừa: chỉ việc sợ bị Sở Khanh lừa đưa đi trốn.
2907. Tóc tơ: kẽ tóc chân tơ, ý nói hỏi rất tỷ mỉ.
2924. Động địa kinh thiên: sôi trời nổi đất.
2926. Vân mòng: tiếng cổ, nghĩa là tin tức, manh mối.
2927. Tiêu hao: cùng nghĩa với tăm hơi, tin tức.
2937. Bình: bèo, Bồng: cỏ bồng. Hai vật này thường hay trôi nổi theo nước và gió. Ở đây để chỉ tấm thân phiêu bạt của Kiều.
2938. Đỉnh chung: Đỉnh: cái vạc để nấu thức ăn. Chung: cái chuông để đánh báo hiệu giờ ăn. Đỉnh chung ở đây dùng để chỉ cảnh vinh hiển phú quý.
2941. Can qua: cái mộc và cái mác, chỉ việc chiến tranh.
2944. Năm mấy: do chữ ngũ vân, ý nói tờ chiếu có vẽ mây năm sắc; chiếu trời là chiếu nhà vua.
2948. Khâm ban: chữ Khâm, nguyên có nghĩa là kính, sau được dùng để chỉ nhà vua. Ví dụ: như nói khâm sai, khâm định…
Sắc chí: tờ sắc ban bố mệnh lệnh của nhà vua.
2949. Cải nhậm: đổi đi làm nơi khác. Nam Bình: tên huyện, thuộc tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc).
2950. Châu Dương: tức Dương Châu, tên phủ thuộc tỉnh Giang Tô (Trung Quốc), ở phía trên sông Tiền Đường và Hàng Châu.
2952. Phó quan: đi đến chỗ làm quan, đi nhậm chức.
2954. Phúc Kiến, Chiết Giang: Hai tỉnh phía đông nam Trung Quốc, nơi cát cứ cũ của Từ Hải.
2957. Hàng Châu: tên phủ, nay là thủ phủ tỉnh Chiết Giang.
2960. Thất cơ: để lỡ cơ mưu, làm sai quân cơ, tức là bị mắc mưu địch.
2962. Thổ tù: người tù trưởng ở địa phương, cùng như chữ Thổ quan.
2963. Ngọc và châu: thường được dùng để chỉ cái đẹp, cái quý giá:
“Gieo ngọc trầm châu” ở đây chỉ việc Thuý Kiều trầm mình.
2967. Chiêu hồn: gọi hồn.
Thiết vị: đặt bài vị viết tên hiệu người chết mà thờ cúng.
Đàn tràng: đàn làm lễ giải oan.
2970. Cánh hồng: cánh chim hồng. Người xưa thường dùng hai chữ cánh hồng để chỉ phong thái nhẹ nhàng của cô gái đẹp.
2972. Tinh vệ: tên một loài chim nhỏ, sống ở bãi bể. Theo sách Thuật dị ký: Xưa con gái vua Viêm Đế chết đuối ở biển, hồn hoá thành con chim tinh vệ, hàng ngày ngậm đá ở núi Tây Sơn vứt xuống biển để hòng lấp biển. Ở đây ví Thuý Kiều trầm mình nên mượn điểm ấy.
2973. Cơ. cơ trời. Duyên: duyên may. Câu này ý nói: cơ trời xui khiến, duyên số lạ lùng.
2975. Linh vị: bài vị thờ linh hồn người chết.
2984. Pháp sư: tiếng tôn xưng những tăng ni, đạo sĩ cấp trên.
2985. Nhân quả: ở đây có nghĩa như là nhân duyên, duyên nợ.
2989. Cửa Bồ Đề: cửa Phật.
2990. Thảo am: chùa lợp tranh.
2991. Phật tiền: trước bàn thờ Phật.
2999. Minh, dương: cõi tối và cõi sáng, tức âm phủ và dương gian.
3000. Cửu nguyên: tên một xứ ở tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc) đời Xuân Thu là chỗ chôn các quan khánh và đại phu nhà Tần, người sau bèn dùng chữ cửu nguyên để chỉ mộ địa nói chung.
3005. Giang tân: ven sông;
3011. Phương trưởng: khôn lớn và trưởng thành.
3020. Trần tạ: bày tỏ lòng tạ ơn.
Từ bi: thương người, chữ của nhà Phật.
3039. Tái thế tương phùng: gặp nhau ở đời thứ hai, ý nói thân Kiều như chết đi sống lại để gặp gỡ gia đình.
3049. Trùng sinh: đẻ lại lần thứ hai, ý nói làm cho mình sống lại. Chỉ vào ơn của Giác Duyên.
3051. Bỉ thứ nhất thì: do câu Bỉ nhất thì, thử nhất thì ý nói xưa kia là một thì, bây giờ là một thì, hoàn cảnh khác nhau không thể câu nệ được.
3052. Tòng quyền: theo quyền biến, ý nói phải thay đổi việc làm cho thích nghi, không thể nhất nhất giữ đạo thường được.
3055. Độ sinh: cứu cho sống lại.
3060. Đoàn viên: tròn vẹn, đông đủ.
3063. Tác hợp: do chữ Thiên tác chỉ hợp trong Kinh Thi, ý nói duyên trời xui khiến cho Kim Trọng, Thuý Kiều gặp gỡ và kết hợp với nhau.
3065. Bình địa ba đào: đất bằng nổi sóng, ý nói việc bất trắc không may.
3067. Phận cải duyên kim: hạt cải để gắn hổ phách thì bắt vào hổ phách, đá nam châm hút cái kim. Ý nói tình duyên gắn bó.
3068. Tục ngữ: Máu chảy ruột mềm, ý nói giữa bà con ruột thịt có sự tương quan mật thiết, như máu với ruột, hễ máu chảy thì ruột mềm.
3071. Gương vỡ lại lành: dịch chữ Phá kính trùng viên. Nguyên đời Trần (Trung Quốc) Từ Đức Ngôn lấy Lạc Xương công chúa. Khi biết nước nhà sắp bị diệt, vợ chồng thế nào cũng bị phân ly, bèn đập vỡ cái gương, mỗi người giữ một nửa, dùng làm của tin để tìm gặp nhau, sau quả nhiên hai người lại nối được tình nghĩa vợ chồng. Câu này dùng điển ấy.
3075: Kinh Thi: Phiếu hữu mai, kỳ thực nhất hề… Phiếu hữu mai, kỳ thực tam hề… (Mơ rụng xuống, quả còn bảy phần…, mơ rụng xuống, quả còn ba phần) ý nói tiết xuân đã muộn nên kíp lo liệu việc hôn nhân. Ở đây Thuý Vân muốn nói Kiều vẫn còn vừa tuổi đi lấy chồng.
3085: Thâm giao: giao ước gắn bó với nhau một cách sâu sắc.
3087: Vật đổi sao dời: ý nói mọi việc trên đời đều thay đổi.
3088: Câu thơ này ý nói: trước khi đã có lời thề sống chết với nhau thì dù sống, dù chết cũng phải giữ lấy lời thề ấy.
3091: Gia thất: tả truyện có câu: Nam hữu thất, nữ hữu gia. Nghĩa là con trai có vợ, con gái có chồng. Gia thất duyên hài: đẹp duyên vợ chồng.
3094: Câu này ý nói: con gái lấy chồng phải như là hoa còn phong nhị, vầng trăng chưa khuyết ý nói trinh tiết còn nguyên vẹn.
3096: Đuốc hoa: đuốc hoa, nến hoa. Chỉ ngọn nến thắp ở phòng vợ chồng trong đêm tân hôn. Câu này ý nói: Nếu trinh tiết còn nguyên thì đêm hợp hôn mới không hổ thẹn.
3097: Ngộ biến: gặp phải tai biến.
3104: Trần cấu: bụi nhơ.
3110: Cầm sắt: Kinh thi: Thê tử hảo hợp như cổ sắt cầm. (Vợ con hoà hợp như gảy đàn sắt, đàn cầm). Người sau bèn dùng hai chữ cầm sắt để chỉ tình vợ chồng.
Cầm cờ: khi bầu bạn gặp nhau thường gảy đàn, đánh cờ làm vui, cho nên người ta thường dùng hai chữ cầm kỳ để chỉ tình bạn hữu. Câu này ý nói: Nên đem tình vợ chồng đổi làm tình bầu bạn.
3118: Quyền: quyền biến, nghĩa là theo hoàn cảnh mà thay đổi các xử sự. Chấp kinh: giữ theo đạo thường, lê thường.
3126: Chàng Tiêu: do chữ Tiêu Lang, tiếng xưng hô của người con gái đối với tình nhân. Tình sử chép: Thôi Giao, đời Đường, có người yêu bị người ta bắt bán cho quan Liên suý. Chàng buồn rầu làm bài thơ, trong có câu: Hầu môn nhất nhập thâm tự hải, tòng thử Tiêu làng thị lộ thân (Cửa hầu vào rồi thấy sâu như biển, từ đấy chàng Tiêu là người khách qua đường). Câu này ý nói: Nỡ nào lại hững hờ không nhận người yêu cũ hay sao.
3140: Câu này ý nói: Kim Trọng, Thuý Kiều cùng nhau kể lể những chuyện buồn, chuyện vui mãi cho đến khi đêm đã khuya, trăng đã cao.
3148: Xướng tuỳ: do câu Phu xướng phụ tuỳ (Chồng xướng vợ nghe theo). Đấy dùng để thay cho chữ phu phụ (vợ chồng).
3160: Câu này ý nói: nếu Kim Trọng nghĩ đến việc sinh con đẻ cái để nối dõi tông đường về sau thì đã có Thuý Vân.
3161: Kiều ngầm ý nói rằng: nàng sở dĩ bị cảnh ong qua bướm lại là do hòan cảnh bắt buộc, chứ tâm hồn nàng thì vẫn trong trắng. Chữ Trinh đây hiểu về phương diện tinh thần chứ không phải về thể xác.
3175: Đáy bề mò kim: dịch câu Hải đề lao châm, ý nói làm một việc rất khó khăn, mất nhiều công phu.
3176: Câu này ý nói: bấy lâu đi tìm nàng là đeo đuổi lời thề vàng đá, không phải là tìm thú trăng hoa.
3180: Cao thâm: cao sâu, ý nói Kiều cảm tạ cái nghĩa cao ơn sâu của Kim Trọng.
3199: Dương hoà: khí dương đầm ấm của mùa xuân.
3200: Hồ điệp: con bướm.
Trang sinh: tức Trang Chu, hay Trang Tử đời Chiến Quốc. Xưa Trang Chu nằm chiêm bao thấy mình hoá thành con bướm tung bay nhởn nhơ, tỉnh dậy bàng hoàng tự hỏi: Không hiểu ta hoá thành bướm, hay chính bướm đương hoá thành ta. Ở đây nói khúc đàn tiêu dao, phiêu dật.
3202: Thục Đế: vua nước Thục.
Đỗ quyên: con chim quốc. Tương truyền xưa vua nước Thục buồn vì mất nước, chết hoá thành con chim đỗ quyên, tiếng kêu ai oán.
3203: Duềnh quyên: vũng nước biển sáng đẹp.
3204: Lam Điền: tên một hòn núi ở tỉnh Thiểm Tây, chỗ sản sinh nhiều ngọc quí.
3210: Khổ tận cam lai: đắng hết ngọt đến, ý nói vận khổ đã qua, vận sướng bắt đầu tới.
3219: Thục nữ chí cao: người con gái hiền thục có tâm chí cao thượng.
3220: Sớm mận tối đào: sớm ấp mận, tối ôm đào, ý nói người trăng gió, tình yêu không chuyên nhất.
3236: Quan giai: cấp bậc quan lại, ý nói Kim Trọng làm quan được lần lần thăng chức.
3237: Thừa gia: đảm đương việc nhà, cũng có nghĩa là sang dòng nối dõi tông đường.
3238: Cù mộc: chỉ vợ cả.
Quế hoè: Xưa họ Đậu, đời Tống, có năm người con trai đều hiển đạt, Vương Đạo có câu thơ khen: Đan quế ngũ chi phương (Quế đỏ năm cành thơm). Xem thêm điển Vương Hữu. Câu này dẫn mấy điển ấy để nói Kim Trọng có đông con cháu hiển đạt sau này.
3249. Nghiệp: ở đây dịch chữ “Kác-ma” của Phật giáo. Phật giáo quan niệm người nào sinh ra cũng có cái Nghiệp.
3251. Thiện căn: cái gốc của thiện.
3252. Câu này ý nói con người ta không nên cậy tài mà cốt giữ lòng mình cho tốt, cho đúng với luân lí đạo đức.
(Theo bản Truyện Kiều – NXB Giáo Dục 1984)