Truyện Kiều – Nguyễn Du (Phần thứ hai, từ câu 1226 đến câu 1714)


Truyện Kiều của Nguyễn Du đã thể hiện tính hiện thực và tinh thần nhân đạo sâu sắc. Truyện Kiều cũng là đỉnh cao thơ ca cổ điển của dân tộc. Vì vậy, Truyện Kiều luôn được nhân dân ta yêu mến…
Vanhaiphong.com xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Truyện Kiều của Nguyễn Du đã thể hiện tính hiện thực và tinh thần nhân đạo sâu sắc. Truyện Kiều cũng là đỉnh cao thơ ca cổ điển của dân tộc. Vì vậy, Truyện Kiều luôn được nhân dân ta yêu mến…
Vanhaiphong.com xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.



PHẦN THỨ HAI

GIA BIẾN VÀ LƯU LẠC

(Từ câu 1227 đến câu 1714)


Nỗi lòng Thúy Kiều khi ở lầu xanh thương nhớ cha mẹ và người yêu,
đau xót nhân phẩm bị trà đạp.

Lầu xanh, mới rủ trướng đào,
Càng treo giá ngọc, càng cao phẩm người.
Biết bao bướm lả ong lơi,
1230. Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm.
Dập dìu lá gió cành chim,
Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh.
Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh,
Giật mình, mình lại thương mình xót xa.
1235. Khi sao phong gấm rủ là,
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường?
Mặt sao dày gió dạn sương,
Thân sao bướm chán, ong chường bấy thân?
Mặt người mưa Sở, mây Tần,
1240. Những mình nào biết có xuân là gì?
Đôi phen gió tựa, hoa kề,
Nửa rèm tuyết ngậm, bốn bề trăng thâu.
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ!
1245. Đòi phen nét vẽ câu thơ,
Cung cầm trong nguyệt, nước cờ dưới hoa.
Vui là vui gượng kẻo mà,
Ai tri âm đó mặn mà với ai?
Thờ ơ gió trúc mưa mai,
1250. Ngẩn ngơ trăm nỗi, giùi mài một thân.
Ôm lòng đòi đoạn xa gần,
Chẳng vò mà rối, chẳng dần mà đau!
Nhớ ơn chín chữ cao sâu,
Một ngày một ngả bóng dâu tà tà.
1255. Dặm ngàn nước thẳm, non xa,
Nghĩ đâu thân phận con ra thế này!
Sân hòe đôi chút thơ ngây
Trân cam, ai kẻ đỡ thay việc mình?
Nhớ lời nguyện ước ba sinh,
1260. Xa xôi ai có thấu tình chăng ai?
Khi về hỏi liễu Chương Đài,
Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay.
Tình sâu, mong trả nghĩa dày,
Hoa kia đã chắp cành này cho chưa ?
1265. Mối tình đòi đoạn vò tơ,
Giấc hương quan luống lần mơ canh dài.
Song sa vò võ phương trời,
Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng.
Lần lần thỏ bạc ác vàng,
1270. Xót người trong hội đoạn tràng đòi cơn!
Đã cho lấy chữ hồng nhan,
Làm cho, cho hại, cho tàn, cho cân!
Đã đày vào kiếp phong trần,
Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi!

 

Thúy Kiều được Thúc Sinh cứu ra khỏi lầu xanh và lấy làm vợ lẽ.
Hoạn Thư, vợ cả của Thúc Sinh, hành hạ và sỉ nhục Thúy Kiều.

1275. Khách du bỗng có một người,
Kỳ Tâm họ Thúc cũng nòi thư hương.
Vốn người huyện Tích, châu Thường,
Theo nghiêm đường mở ngôi hàng Lâm Tri.
Hoa khôi mộ tiếng Kiều Nhi,
1280. Thiếp hồng tìm đến hương khuê gửi vào.
Trướng tô giáp mặt hoa đào,
Vẻ nào chẳng mặn, nét nào chăng ưa?
Hải đường mơn mởn cành tơ,
Ngày xuân càng gió, càng mưa, càng nồng!
1285. Nguyệt hoa, hoa nguyệt, não nùng,
Đêm xuân ai dễ cầm lòng được chăng!
Lạ gì thanh khí lẽ hằng,
Một dây một buộc ai giằng cho ra.
Sớm đào tối mận lân la,
1290. Trước còn trăng gió, sau ra đá vàng.
Dịp đâu may mắn lạ dường,
Lại vừa gặp khoảng xuân đường lại quê.
Sinh càng một tỉnh mười mê,
Ngày xuân lắm lúc đi về với xuân.
1295. Khi gió gác, khi trăng sân,
Bầu tiên chuốc rượu, câu thần nối thơ .
Khi hương sớm, khi trà trưa,
Bàn vây điểm nước, đường tơ họa đàn.
Miệt mài trong cuộc truy hoan,
1300. Càng quen thuộc nết, càng dan díu tình.
Lạ cho cái sóng khuynh thành,
Làm cho đổ quán, xiêu đình như chơi.
Thúc Sinh quen thói bốc rời,
Trăm nghìn đổ một trận cười như không!
1305. Mụ càng tô lục chuốt hồng,
Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê.
Dưới trăng quyên đã gọi hè,
Đầu tường lửa lựu lập loè đâm bông.
Buồng the phải buổi thong dong,
1310. Thang lan rủ bức trướng hồng tẩm hoa.
Rõ ràng trong ngọc trắng ngà,
Dầy dầy sẵn đúc một tòa thiên nhiên!
Sinh càng tỏ nét càng khen,
Ngụ tình tay thảo một thiên luật Đường.
1315. Nàng rằng: “Vâng biết lòng chàng,
Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu.
Hay hèn lẽ cũng nối điêu,
Nỗi quê nghĩ một hai điều ngang ngang.
Lòng còn gửi áng mây vàng,
1320. Họa vần, xin hãy chịu chàng hôm nay”.
Rằng: “Sao nói lạ lùng thay!
Cành kia chẳng phải cỗi này mà ra?”
Nàng càng ủ đột thu ba,
Đoạn trường lúc ấy nghĩ mà buồn tênh:
1325. “Thiếp như hoa đã lìa cành,
Chàng như con bướm lượn vành mà chơi.
Chúa xuân đành đã có nơi,
Vắn ngày thôi chớ dài lời làm chi!”
Sinh rằng: “Từ thuở tương tri,
1330. Tấm riêng, riêng những nặng vì nước non.
Trăm năm tính cuộc vuông tròn,
Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông”.
Nàng rằng: “Muôn đội ơn lòng,
Chút e bên thú, bên tòng dễ đâu.
1335. Bình Khang nấn ná bấy lâu,
Yêu hoa, yêu được một màu điểm trang.
Rồi ra lạt phấn phai hương,
Lòng kia giữ được thường thường mãi chăng?
Vả trong thầm quế, cung trăng,
1340. Chủ trương đành đã chị Hằng ở trong.
Bấy lâu khăng khít dải đồng,
Thêm người thì cũng chia lòng riêng tây.
Vẻ chi chút phận bèo mây,
Làm cho bể ái khi đầy khi vơi.
1345. Trăm điều ngang ngửa vì tôi,
Thân sau ai chịu tội trời ấy cho?
Như chàng có vững tay co,
Mười phần cũng đắp điếm cho một vài.
Thế trong dù lớn hơn ngoài,
1350. Trước hàm sư tử gửi người đằng la.
Cúi đầu luồn xuống mái nhà,
Giấm chua lại tội băng ba lửa nồng.
Ở trên còn có nhà thông,
Lượng trên trông xuống biết lòng có thương?
1355. Sá chi liễu ngõ, hoa tường?
Lầu xanh, lại bỏ ra phường lầu xanh!
Lại càng dơ dáng dại hình,
Đành thân phận thiếp, ngại danh giá chàng.
Thương sao cho vẹn thì thương.
1360. Tính sao cho vẹn mọi đường xin vâng”.
Sinh rằng: “Hay nói đè chừng,
Lòng đây, lòng đấy, chưa từng hay sao?
Đường xa chớ ngại Ngô, Lào,
Trăm điều hãy cứ trông vào một ta .
1365. Đã gần chi có điều xa,
Đá vàng đã quyết, phong ba cũng liều”.
Cùng nhau căn vặn đến điều,
Chỉ non thề bể nặng gieo đến lời.
Nỉ non đêm ngắn tình dài,
1370. Ngoài hiên thỏ đã non đoài ngậm gương.
Mượn điều trúc viện thừa lương,
Rước về hãy tạm giấu nàng một nơi.
Chiến, hòa sắp sẵn hai bài,
Cậy tay thầy thợ mượn người dò la.
1375. Bắn tin đến mặt Tú Bà,
Thua cơ mụ cũng cầu hòa, dám sao!
Rõ ràng của dẫn, tay trao,
Hoàn lương một thiếp, thân vào cửa công.
Công tư đôi lẽ đều xong,
1380. Gót tiên phút đã thoát vòng trần ai.
Một nhà sum họp trúc mai,
Càng sâu nghĩa bể, càng dài tình sông.
Hương càng đượm, lửa càng nồng,
Càng sôi vẻ ngọc, càng lồng màu sen.
1385. Nửa năm hơi tiếng vừa quen,
Sân ngô cành biếc đã chen lá vàng.
Giậu thu vừa nảy giò sương,
Gối yên đã thấy xuân đường đến nơi.
Phong lôi, nổi trận bời bời,
1390. Nặng lòng e ấp, tính bài phân chia.
Quyết ngay biện bạch một bề,
Dạy cho má phấn lại về lầu xanh!
Thấy lời nghiêm huấn rành rành,
Đánh liều Sinh mới lấy tình nài kêu.
1395. Rằng: “Con biết tội đã nhiều,
Dẫu rằng sấm sét, búa rìu cũng cam.
Trót vì tay đã nhúng chàm,
Dại rồi còn biết khôn làm sao đây?
Cùng nhau vả tiếng một ngày,
1400. Ôm cầm, ai nỡ dứt dây cho đành!
Lượng trên quyết chẳng thương tình,
Bạc đen thôi có tiếc mình làm chi!”
Thấy lời sắt đá tri tri,
Sốt gan ông mới cáo quì cửa công.
1405. Đất bằng nổi sóng đùng đùng,
Phủ đường sai lá phiếu hồng thôi tra.
Cùng nhau theo gót sai nha,
Song song vào trước sân hoa lạy quỳ.
Trông lên mặt sắt đen sì,
1410. Lập nghiêm trước đã ra uy nặng lời:
”Gã kia dại nết chơi bời,
Mà con người thế là người đong đưa.
Tuồng chi hoa thải, hương thừa,
Mượn màu son phấn đánh lừa con đen!
1415. Suy trong tình trạng nguyên đơn,
Bề nào, thì cũng chưa yên bề nào.
Phép công chiếu án luận vào,
Có hai đường ấy muốn sao mặc mình:
Một là cứ phép gia hình,
1420. Một là lại cứ lầu xanh phó về!”
Nàng rằng: “Đã quyết một bề,
Nhện này vương lấy tơ kia mấy lần!
Đục, trong thân cũng là thân,
Yếu thơ, vâng chịu trước sân lôi đình”.
1425. Dạy rằng: “Cứ phép gia hình!”
Ba cây chập lại một cành mẫu đơn.
Phận đành chi dám kêu oan,
Đào hoen quẹn má, liễu tan tác mày.
Một sân lầm cát đã đầy,
1430. Gương lờ nước thủy, mai gầy vóc sương.
Nghĩ tình chàng Thúc mà thương,
Nẻo xa trông thấy, lòng càng xót xa.
Khóc rằng: “Oan khốc vì ta,
Có nghe lời trước, chẳng đà lụy sau,
1435. Cạn lòng chẳng biết nghĩ sâu,
Để ai trăng tủi hoa sầu vì ai?”
Phủ đường nghe thoảng vào tai,
Động lòng, lại gạn đến lời riêng tây.
Sụt sùi chàng mới thưa ngay,
1440. Đầu đuôi kể lại sự ngày cầu thân:
”Nàng đà tính hết xa gần,
Từ xưa nàng đã biết thân có rày!
Tại tôi hứng lấy một tay,
Để nàng cho đến nỗi này vì tôi!”
1445. Nghe lời nói, cũng thương lời,
Dẹp uy, mới dạy cho bài giải vi.
Rằng: “Như hẳn có thế thì
Trăng hoa song cũng thị phi biết điều!”
Sinh rằng: “Chút phận bọt bèo,
1450. Theo đòi vả cũng ít nhiều bút nghiên.
Cười rằng: “Đã thế thì nên,
Mộc già, hãy thử một thiên trình nghề”.
Nàng vâng cất bút tay đề,
Tiên hoa trình trước án phê, xem tường.
1455. Khen rằng: “Giá lợt Thịnh Đường
Tài này sắc ấy nghìn vàng chưa cân!
Thật là tài tử giai nhân,
Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn!
Thôi đừng rước dữ, cưu hờn,
1460. Làm chi lỡ nhịp cho đòn ngang cung.
Đã đưa đến trước cửa công,
Ngoài thì là lý, song trong là tình.
Dâu con trong đạo gia đình,
Thôi thì dẹp nỗi bất bình là xong”.
1465. Kíp truyền sắm sửa lễ công,
Kiệu hoa lướt gió, đuốc hồng điểm sao.
Bày hàng cổ xúy xôn xao,
Song song đưa tới trướng đào sánh đôi.
Thương vì hạnh, trọng vì tài,

1470. Thúc ông thôi cũng dẹp lời phong ba.
Huệ lan sực nức một nhà,
Từng cay đắng, lại mặn mà hơn xưa.
Mảng vui rượu sớm cờ trưa,
Đào đà phai thắm, sen vừa nẩy xanh.
1475. Trướng hồ vắng vẻ đêm thanh,
E tình nàng mới bày tình riêng chung:
”Phận bồ từ vẹn chữ tòng,
Đổi thay nhạn yến đã hòng đầy niên.
Tin nhà ngày một vắng tin,
1480. Mặn tình cát lũy, lạt tình tào khang.
Nghĩ ra thật cũng nên đường,
Tăm hơi ai dễ giữ giàng cho ta?
Trộm nghe kẻ lớn trong nhà,
Ở vào khuôn phép, nói ra mối giường.
1485. E thay những dạ phi thường,
Dễ dò rốn bể, khôn lường đáy sông!
Mà ta suốt một năm ròng,
Thế nào cũng chẳng giấu xong được nào.
Bấy chầy chưa tỏ tiêu hao,
1490. Hoặc là trong có làm sao chăng là?
Xin chàng kíp liệu lại nhà,
Trước người đẹp ý, sau ta biết tình.
Đêm ngày giữ mức giấu quanh,
Rày lần, mai lữa, như hình chưa thông!”
1495. Nghe lời khuyên nhủ thong dong,
Đành lòng Sinh mới quyết lòng hồi trang.
Rạng ra gửi đến xuân đường,
Thúc Ông cũng vội giục chàng ninh gia.
Tiễn đưa một chén quan hà,
1500. Xuân đình thoắt đã dạo ra cao đình.
Sông Tần một dải xanh xanh,
Loi thoi bờ liễu mấy cành Dương Quan.
Cầm tay dài ngắn thở than,
Chia phôi ngừng chén, hợp tan nghẹn lời.
1505. Nàng rằng: “Non nước xa khơi,
Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm.
Dễ lòa yếm thắm, trôn kim,
Làm chi bưng mắt bắt chim khó lòng!
Đôi ta chút nghĩa đèo bòng,
1510. Đến nhà trước liệu nói sòng cho minh.
Dù khi sóng gió bất tình,
Lớn ra uy lớn, tôi đành phận tôi.
Hơn điều giấu ngược, giấu xuôi.
Lại mang những việc tày trời đến sau.
1515. Thương nhau xin nhớ lời nhau,
Năm chầy cũng chẳng đi đâu mà chầy.
Chén đưa nhớ buổi hôm nay,
Chén mừng xin đợi ngày này năm sau”.
Người lên ngựa, kẻ chia bào,
1520. Rừng phong, thu đã nhuốm màu quan san.
Dặm hồng bụi cuốn chinh an,
Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh.
Người về chiếc bóng năm canh,
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.
1525. Vầng trăng ai xẻ làm đôi?
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.
Kể chi những nỗi dọc đường,
Buồn trong, này nỗi chủ trương ở nhà.
Vốn dòng họ Hoạn danh gia,
1530. Con quan Lại bộ tên là Hoạn Thư.
Duyên Đằng thuận nẻo gió đưa,
Cùng chàng kết tóc xe tơ những ngày.
Ở ăn thì nết cũng hay,
Nói điều ràng buộc thì tay cũng già.
1535. Từ nghe vườn mới thêm hoa,
Miệng người đã lắm, tin nhà thì không.
Lửa tâm càng dập, càng nồng,
Trách người đen bạc ra lòng trăng hoa:
”Ví bằng thú thật cùng ta,
1540. Cũng dung kẻ dưới mới là lượng trên.
Dại chi chẳng giữ lấy nền,
Hay chi mà rước tiếng ghen vào mình?
Lại còn bưng bít giấu quanh,
Làm chi những thói trẻ ranh nực cười!
1545. Tính rằng cách mặt khuất lời,
Giấu ta, ta cũng liệu bài giấu cho!
Lo gì việc ấy mà lo!
Kiến trong miệng chén có bò đi đâu?
Làm cho nhìn chẳng được nhau,
1550. Làm cho đầy đọa cất đầu chẳng lên!
Làm cho trông thấy nhãn tiền,
Cho người thăm ván bán thuyền biết tay”.
Nỗi lòng kín chẳng ai hay,
Ngoài tai để mặc gió bay mái ngoài.
1555. Tuần sau bỗng thấy hai người,
Mách tin ý cũng liệu bài tâng công.
Tiểu thư nổi giận đùng đùng:
”Gớm tay thêu dệt ra lòng trêu ngươi!
Chồng tao nào phải như ai,
1560. Điều này hẳn miệng những người thị phi”.
Vội vàng xuống lệnh ra uy,
Đứa thì vả miệng, đứa thì bẻ răng.
Trong ngoài kín mít như bưng,
Nào ai còn dám nói năng một lời!
1565. Buồng đào khuya sớm thảnh thơi,
Ra vào một mực nói cười như không.
Đêm ngày lòng những dặn lòng,
Sinh đà về đến lầu hồng, xuống yên.
Lời tan hợp nỗi hàn huyên,
1570. Chữ tình càng mặn, chữ duyên càng nồng.
Tẩy trần vui chén thong dong,
Nỗi lòng, ai ở trong lòng mà ra?
Chàng về xem ý tứ nhà,
Sự mình cũng rắp lân la giãi bày.
1575. Mấy phen cười nói tỉnh say,
Tóc tơ bất động mảy may sự tình.
Nghĩ đà bưng kín miệng bình,
Nào ai có khảo mà mình đã xưng?
Những là e ấp dùng dằng,
1580. Rút dây sợ nữa động rừng lại thôi.
Có khi vui chuyện mua cười,
Tiểu thư lại giở những lời đâu đâu.
Rằng: “Trong ngọc đá vàng thau,
Mười phần ta đã tin nhau cả mười.
1585. Khen cho những chuyện dông dài,
Bướm ong lại đặt những lời nọ kia!
Thiếp dù vụng, chẳng hay suy,
Đã dơ bụng nghĩ, lại bia miệng cười!”
Thấy lời thủng thỉnh như chơi,
1590. Thuận lời chàng cũng nói xuôi đỡ đòn.
Những là cười phấn, cợt son,
Đèn khuya chung bóng trăng tròn sánh vai.
Thú quê thuần hức bén mùi,
Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô.
1595. Chạnh niềm nhớ cảnh giang hồ,
Một màu quan tái, mấy mùa gió trăng.
Tình riêng chưa dám rỉ răng,
Tiểu thư trước đã liệu chừng nhủ qua:
”Cách năm, mây bạc xa xa,
1600. Lâm Tri cũng phải tính mà thần hôn”.
Được lời như cởi tấc son,
Vó câu thẳng ruổi, nước non quê người.
Long lanh đáy nước in trời,
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng.
1605. Roi câu vừa gióng dặm trường,
Xe hương, nàng cũng thuận đường quy ninh.
Thưa nhà huyên hết mọi tình,
Nỗi chàng ở bạc, nỗi mình chịu đen.
Nghĩ rằng: “Ngứa ghẻ hờn ghen,
1610. Xấu chàng mà có ai khen chi mình!
Vậy nên ngảnh mặt làm thinh,
Mưu cao vốn đã rắp ranh những ngày.
Lâm Tri đường bộ tháng chầy,
Mà đường hải đạo sang ngay thì gần.
1615. Dọn thuyền lựa mặt gia nhân,
Hãy đem dây xích buộc chân nàng về.
Làm cho cho mệt, cho mê,
Làm cho đau đớn ê chề cho coi!
Trước cho bõ ghét những người,
1620. Sau cho để một trò cười về sau”.
Phu nhân khen chước rất mầu,
Chiều con, mới dạy mặc dầu ra tay.
Sửa sang buồm gió, lèo mây,
Khuyển, Ưng lại chọn một bầy côn quang.
1625. Dặn dò hết các mọi đường,
Thuận phong một lá vượt sang bến Tề.
Nàng từ chiếc bóng song the,
Đường kia nỗi nọ như chia mối sầu.
Bóng đâu đã xế ngang đầu,
1630. Biết đâu ấm lạnh, biết đâu ngọt bùi?
Tóc thề đã chấm ngang vai,
Nào lời non nước, nào lời sắt son?
Sắn bìm chút phận cỏn con,
Khuôn duyên biết có vuông tròn cho chăng?
1635. Thân sao nhiều nỗi bất bằng?
Liều như cung Quảng, ả Hằng nghĩ nao?
Đêm thu gió lọt song đào,
Nửa vành trăng khuyết, ba sao giữa trời.
Nén hương đến trước Phật đài,
1640. Nỗi lòng khấn chửa cạn lời vân vân…
Dưới hoa dậy lũ ác nhân,
Ầm ầm khốc quỷ kinh thần mọc ra!
Đầy sân gươm tuốt sáng lòa,
Thất kinh, nàng chửa biết là làm sao.
1645. Thuốc mê đâu đã tưới vào,
Mơ màng như giấc chiêm bao biết gì!
Vực ngay lên ngựa tức thì,
Phòng đào, viện sách, bốn bề lửa dong.
Sẵn thây vô chủ bên sông,
1650. Đem vào để đó, lộn sòng ai hay?
Tôi đòi phách lạc, hồn bay,
Pha càn bụi cỏ, gốc cây ẩn mình.
Thúc Ông nhà cũng gần quanh,
Chợt trông ngọn lửa, thất kinh rụng rời.
1655. Tớ thầy chạy thẳng đến nơi,
Tơi bời tưới lửa, tìm người lao xao.
Gió cao, ngọn lửa càng cao,
Tôi đòi tìm đủ, nàng nào thấy đâu!
Hớt hơ hớt hải nhìn nhau,
1660. Giếng sâu, bụi rậm trước sau tìm quàng.
Chạy vào chốn cũ phòng hương,
Trong tro thấy một đống xương cháy tàn.
Tình ngay, ai biết mưu gian,
Hẳn nàng thôi lại còn bàn rằng ai!
1665. Thúc Ông sùi sụt ngắn dài,
Nghĩ con vắng vẻ, thương người nết na.
Di hài nhặt gói về nhà,
Nào là khâm liệm, nào là tang trai.
Lễ thường đã đủ một hai,
1670. Lục trình chàng cũng đến nơi bấy giờ.
Bước vào chốn cũ lầu thơ,
Tro than một đống, nắng mưa bốn tường.
Sang nhà cha, tới trung đường,
Linh sàng, bài vị, thờ nàng ở trên.
1675. Hỡi ơi, nói hết sự duyên,
Tơ tình đứt ruột, lửa phiền cháy gan!
Gieo mình, vật vã khóc than:
”Con người thế ấy, thác oan thế này!
Chắc rằng mai trúc lại vầy,
1680. Ai hay vĩnh quyết là ngày đưa nhau.
Thương càng nghĩ, nghĩ càng đau,
Dễ ai lấp thảm, quạt sầu cho khuây”.
Gần miền nghe có một thầy,
Phi phù tri quỷ, cao tay thông huyền.
1685. Trên tam đảo, dưới cửu tuyền,
Tìm đâu thì cũng biết tin rõ ràng.
Sắm sanh lễ vật rước sang,
Xin tìm cho thấy mặt nàng, hỏi han.
Đạo nhân phục trước tĩnh đàn,
1690. Xuất thần giây phút chưa tàn nén hương.
Trở về minh bạch nói tường:
”Mặt nàng chẳng thấy, việc nàng đã tra.
Người này nặng kiếp oan gia,
Còn nhiều nợ lắm, sao đà thoát cho?
1695. Mệnh cung đang mắc nạn to,
Một năm nữa mới thăm dò được tin.
Hai bên giáp mặt chiền chiền,
Muốn nhìn mà chẳng dám nhìn, lạ thay!”
Điều đâu nói lạ dường này!
1700. Sự nàng đã thế, lời thầy dám tin.
Chẳng qua đồng cốt quàng xiên,
Người đâu mà lại thấy trên cõi trần?
Tiếc hoa những ngậm ngùi xuân,
Thân này dễ lại mấy lần gặp tiên!
1705. Nước trôi hoa rụng đã yên,
Hay đâu địa ngục ở miền nhân gian!
Khuyển Ưng đã dắt mưu gian,
Vực nàng đưa xuống để an dưới thuyền.
Buồm cao, lèo thẳng, cánh suyền,
1710. Đè chừng huyện Tích, băng miền vượt sang.
Giã đò, lên trước sảnh đường,
Khuyển, Ưng, hai đứa nộp nàng dâng công.
Vực nàng tạm xuống môn phòng,
Hãy còn thiêm thiếp giấc nồng chưa phai.

______
Ghi chú:

1227. Trướng đào: màn màu đỏ, phụ nữ thường dùng.

1231. Lá gió cành chim: lá đưa gió, cành đón chim, chỉ sự đưa đón khách chơi.

1232. Tổng Ngọc: người nước Sở, đời Chiến Quốc, đẹp trai, có những bài Cao đường phú, Thần nữ phú, nói về chuyện “mây mưa” của thần núi Vu Sơn…

Tràng Khanh: (Chính là chữ Trưởng nhưng thường đọc là Trường hay Tràng): tên tự của Tư Mã Tương Như, người Hán, yêu sắc đẹp của Trác Văn Quân, gảy đàn cầm gợi tình, làm cho nàng đang đêm bỏ nhà chốn theo mình.

Tống Ngọc và Tràng Khanh đều giỏi từ phú, là hai người tài tử, do đó, câu này ngụ ý khách đến chơi toàn những hạng phong lưu quý phái.

1239. Mưa Sở mây Tần: Chỉ sự ái ân trai gái.

1240. Hai câu này ý nói mặc cho người ân ái, Thúy Kiều vẫn thờ ơ lạnh lùng không biết gì là hạnh phúc và ngược lại rất đau khổ.

1241 – 1242: Hai câu này tả bốn cảnh (gió, hoa, trăng, tuyết) mà Thúy Kiều cùng thưởng thức, ngắm nghía với khách làng chơi.

1246. Trong nguyệt: Trong bóng trăng.

Dưới hoa: dưới dàn hoa. Hai câu 1245-1246 tả bốn thú chơi: gẩy đàn, đánh cờ, ngâm thơ, vẽ tranh, (cầm, kỳ, thi, hoa).

1249. Gió trúc mưa mai: mưa gió chỉ sự ái ân (như nghĩa mưa gió dập vùi) trúc mai chỉ sự bạn. Đây tiếp ý trên: Kiều thờ ơ với tất cả những chuyện mưa gió, trúc mai…

1250. Giùi mài: như nói mòn mỏi, thui thủi. Cũng có ý như là bị dập vùi.

1253. Chín chữ: thơ Lục Nga ở Kinh Thi nói về công nuôi con khó nhọc của cha mẹ, có nêu lên chín chữ, người sau gọi là cửu tự cù lao (chín chữ khó nhọc).

1254. Bóng dâu: bóng mặt trời xế trên ngọn dâu. Sách Hoài nam nữ nói: Mặt trời xế về phía phương Tây, gác bóng trên ngọn cây. Người sau mượn chữ bóng dâu để ví tuổi già.

1255. Dặm ngàn: Tức nghìn dặm.

1257. Sân hoè: sân có trồng cây hoè. Vương Hựu đời Tống tự tay trồng ba cây hoè ở sân nhà và nói: “Con cháu ta sau này thế nào cũng làm đến chức tam công” (Thời xưa, ở phía trước sân chầu nhà vua, chỗ ngồi của tam công, có trồng ba cây hoè, nên Vương Đán làm đến tể tướng. Nhân đó, người ta thường nói sân hoè để chỉ những nhà có con cái hiển đạt).

Đôi chút thơ ngây: Chỉ Thuý Vân và Vương Quan.

1258. Trân cam: những thức ăn quý báu, ngon ngọt. Hai câu này, ý Kiều nói: cha mẹ mỗi ngày một già, mà con cái trong nhà, thì sau khi nàng đi iồi, chỉ còn hai em nhỏ dại, lấy ai là người phụng dưỡng trân cam thay mình.

1261. Chương Đài: theo sách Thái bình quảng ký: Hàn Hoành, đời Đường lấy một danh kỳ là Liễu Thị ở đường phố Chương Đài, Trường An, sau đi làm quan xa, để vợ ở lại đó ba năm, không đón đi được, có gửi cho Liễu Thị bài từ rằng: Chương Đài liễu, Chương Đài liễu, tích nhật thanh thanh kim tại phủ? Túng sử trường điều tự cựu thuỳ, dã ưng phan chiết tha nhân thủ! (Cây liễu Chương Đài, cây liễu Chương Đài, ngày trước xanh xanh, nay còn không? Cho dù cành dài vẫn buông rủ như cũ, song có lẽ đã vin bẻ vào tay người khác rồi!). Đây ý nói: Khi Kim Trọng đi Liêu Dương, hộ tang chú trở về, sẽ hỏi lại người tình nhân cũ (là Thuý Kiều).

1262. Cành xuân: cành xanh đẹp; tức cành liều; chỉ Thúy Kiều.

1263. Tình sâu: chỉ tình chị em. Nghĩa dày: chỉ nghĩa vợ chồng. Ý Kiều mong Thuý Vân lấy tình chị em thay mình, trả nghĩa cho Kim Trọng.

1264. Hoa kia, cành này: “Hoa kia” chỉ Thuý Vân, “cành này” chỉ Kim Trọng.

1266. Hương quan: quê hương

Giấc hương quan: giấc mộng về quê hương.

1267. Song sa: cũng như song the.

1269. Thỏ bạc, ác vàng: như nói “thỏ lặn, ác tà” tức ngày và đêm lần lượt qua đi.

1270. Đoạn tràng: đứt ruột, chỉ sự đau đớn, gian khổ, kiếp đoạn trường; Sổ đoạn trường ghi tên những người phụ nữ bạ mệnh (Lời Đạm Tiên nói với Kiều: “Mà xem trong sổ đoạn trường có tên”). Hội đoạn trường: những người cùng trong kiếp đoạn trường.

Bốn câu này biểu lộ sự uất hận của Thúy Kiều đối với cuộc sống. Thúy Kiều vẫn tin đó là do Mệnh nhưng mặt khác, lúc này cũng có thái độ uất ức, giận giữ, đay nghiến chứ không hoàn toàn cam tâm; chú ý cách dùng điệp ngữ của Nguyễn Du.

1275. Khách du: khách đi chơi, đi du lãm ở nơi đất khách xa xôi.

1276. Kỳ Tâm: tên của họ Thúc, theo truyện Thanh Tâm Tài Nhân thì Kỳ Tâm là tên tự của Thúc Sinh.

1277. Huyện Thích, Châu Thường: tức huyện Vô Tích, phủ Thường Châu, thuộc tỉnh Giang Tô (Trung Quốc).

1278. Nghiêm đường: tức cha. Cha tính nghiêm nghị, mẹ tính hiền từ, nên người ta gọi cha là “nghiêm đường”, “nghiêm phụ”, mẹ là “từ mẫu”, “từ thân”.

1279. Hoa khôi: đứng đầu các hoa, nguyên là một danh từ chỉ hoa mai, vì hoa mai nở trước mọi thứ hoa (mai nở hoa trước mùa xuân), sau mượn để chỉ người con gái có nhan sắc đứng đầu trong các bè bạn chị em.

1280. Thiếp hồng: do chữ hồng tiên, thứ thiếp hồng gửi thăm kĩ nữ.

Hương khuê: phòng hương, phòng ở của phụ nữ, tục xưa phụ nữ hay dùng hương thơm, nên gọi là “hương khuê”.

1281. Trưởng tô: do chữ lưu tô trưởng, thứ màn có tua kết bằng lông chim năm sắc.

1287. Lẽ hằng: lẽ thường.

1289. Đào mận: nói bóng sắc đẹp của người con gái đẹp.

1290. Câu này ý nói: trước chỉ là câu chuyện chơi bời, sau gắn bó sâu sắc.

1296. Bầu tiên: tức bầu rượu ngon, rượu quý. Chuốc: rót rượu mời nhau.
Nối thơ: Nối câu thơ, một lối chơi của các tao nhân mặc khách thời xưa, thường hai người, hoặc nhiều người nối lời nhau làm chung một bài thơ.

1297. Hương sớm, trà trưa: xông hương buổi sớm, uống trà buổi trưa.

1298. Bàn vây: bàn cờ vây. Trung Quốc có hai lối chơi cờ: Vi kỳ: cờ vây; Tượng kỳ:  cờ tướng.

1299. Truy hoan: theo đuổi sự vui chơi.

1301. Sóng khuynh thành: chỉ cái liếc nhìn của người đàn bà đẹp.

1303. Bốc rời: tiền rời cứ bốc từng nắm mà chi, không cần đếm là bao nhiêu, ý nói vung phí không tiếc tiền.

1306. Hơi đồng: tức mùi tiền bạc. Thời xưa, tiền tiêu đúc bằng đồng, nên nói “đồng” tức là tiền.

1308. Lửa lựu: hoa lựu khi nó nở trông đỏ chói như lửa chỉ cảnh mùa hè.

1312. ý nói Kiều có một thân thể đầy đặn xinh đẹp.

1314. Luật Đường: tức lối thơ ngũ ngôn luật (luật năm chữ) hay thất ngôn luật (luật bảy chữ), mỗi bài tám câu, năm vần, theo đúng niêm luật bằng trắc. Lối này có từ đời Đường, nên gọi là luật Đường.

1317. Nối điêu: nối đuôi con điêu. “Điêu” là một loài chuột ở rừng núi miền lạnh, đuôi to, lông dài đến một tấc, màu vàng hoặc đen tía. Đời Hán, theo quan chế, các quan hầu cận vua đều đội thứ mũ có cắm đuôi con điêu làm ngù. Đến đời Tần, Triệu Vương Luân cướp ngôi Huệ đế, phong quan tước cho bọn tôi tớ, mỗi khi triệu hội, ngồi đẩy những người đội mũ đuôi điêu, nên người thời ấy đã chê giếu: Điêu bất túc, cẩu vĩ tục (đuôi điêu không đủ, lấy đuôi chó nối vào). Người sau nhân chữ cẩu vĩ tục điêu (nối điêu) để chỉ sự việc gì có tính chất học đòi. Chữ “nối điêu” ở đây, là lời Kiều tự khiêm về việc họa lại thơ Thúc sinh.

1318. Nỗi quê: nỗi lòng nhớ quê hương.

1319. Mây vàng: nói ý nhớ nhà, do câu thơ cổ: Tần Trung đa bạch vân. Thục trung đa hoàng vân, cố tư gia giả vị chi cư hoàng vân (đất Tần nhiều mây trắng, đất Thục nhiều mây vàng, cho nên nhớ nhà gọi là nhớ mây vàng).

1322. Cành kia, cỗi này: chỉ Kiều và Tú Bà. Thúc Sinh tưởng Kiều là con đẻ của Tú Bà.

1323. Thu ba: sóng mùa thu, chỉ con mắt (nói con mắt trong suốt như suối mùa thu).

1327. Chúa xuân: người chủ vườn xuân, chủ hoa xuân, đây chỉ Thúc Sinh. Câu này ý nói: Thúc Sinh ở nhà đã có vợ rồi.

1329. Tương tri: hiểu biết nhau, thông cảm với nhau.

1330. Nước non: sông núi tức lời thề nguyền kết làm vợ chồng.

1334. Thú, tòng: Thú là “thú thiếp”: lấy vợ lẽ, chỉ bên Thúc sinh; tòng “tòng lương”: trở về lương, tức bỏ chỗ lầu xanh để trở về, đi lấy chồng, chỉ bên Kiều. Hai bên cùng gặp nhiều khó khăn.

1335. Bình Khang: Đời Đường, ở kinh thành Trường An, gần cửa Bắc, có một xóm gọi là Bình Khang cho kỹ nữ ở, sau nhân dùng làm danh từ chỉ chung xóm kỹ nữ.

1339. Thềm quế: thềm điện quế. Sách Dâu dương tạp chép: Trên mặt trăng có cây quế tiêu, cao năm trăm trượng, do đó, khi tả mặt trăng, người ta thường dùng chữ điện quế, cung quế.

1340. Chị Hằng: chị Hằng Nga, người chủ trương trong điện quế, nói bóng vợ cả Thúc Sinh.

1341. Giải đồng: giải đồng tâm.

1342. Thêm người, người cũng… chữ người chỉ Kiều, chữ người dưới chỉ Thúc sinh.

1343. Bèo mây: nói thân phận trôi nổi bất định như bèo mặt nước, mây trên không.

1344. Bể ái: bể ân ái, tức tình yêu vợ chồng.

1347. Vững tay co: cái tay co vững. Kiều nói: Nếu chàng có cứng tay, tức có quyền lực đối với vợ cả.

1349. Trong ngoài: chỉ vợ cả và Thúc Sinh. Theo lễ giáo xưa: Nam tự ngoại, nữ tự nội: Đàn ông trong coi việc bên ngoài, đàn bà trông coi việc trong nhà. Ý Kiều nói: Nếu thế lực vợ cả lớn hơn thế lực chàng.

1350. Hàm sư tử: như nói mieemgj sư tử, sư tử là loài thú dữ, ví với người đàn bà ghen tuông độc ác

Đằng la: Những loài dây leo (chính nghĩa là dây bim, dây tơ hồng). Đây dùng như chữ cát đằng, dây sắn dây bìm, ví với phận lẽ mọn.

1353. Nhà thông: nhà thung, đọc chệch ra, tức nhà xuân, do chữ xuân đường chỉ bố Thúc Sinh.

1355. Liễu ngõ, hoa tường: nói ví gái lầu xanh như liễu bên đường, hoa đầu tường, ai vin ai hái cũng được.

1363. Ngô, Lào: Nước Ngô (Trung Quốc), nước Lào (Ai Lao) tác giả dùng nghĩa bóng. Ý nói: Đừng nghĩ ngợi xa xôi, quanh quẩn làm gì.

1370. Non đoài: núi ở phía tây.

1371. Trúc viện: viện trúc, nơi nghỉ mát có trồng trúc xung quanh.

Thừa lương: hóng mát, nghỉ mát, Thúc Sinh mượn cớ là đưa Kiều đi hóng mát.

1373.Chiến, hoà: ở đây, chiến là dọa chuyện kiện cáo, hoà là lựa cách điều đình. Theo Kim vân Kiều truyện của Thanh Tâm: Thúc Sinh đưa Kiều về ở nhà Hoa Dương, một tay hào phú xứ ấy, rồi một mặt cậy Hoa Dương rêu rao về tội mua con gái nhà lương thiện về làm gái điếm, một mặt mượn Bộ Tần đến điều đình việc chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh.

1376. Thua cơ: thua mưu, thua mẹo của Thúc Sinh.

1378. Hoàn lương: gái đĩ bỏ nghề cũ trở về đời lương thiện.

1380. Trần ai: bụi bậm chỉ cảnh lầu xanh.

1381. Trúc, mai: chỉ sự giao kết thân mật của vợ chồng.

1383. Hương lửa: chỉ tình duyên vợ chồng.

1384. Ngọc sen:  chữ ngọc ở đây chỉ một đôi ngọc , chữ sen chỉ một đôi hoa sen ví với đôi vợ chồng hòa hợp. Hai câu trên tỏ ý “sum họp” mai trúc đã về một nhà.

1386. Sân ngô: sân có trồng cây ngô đồng. Ngô đồng là một loài cây cao, cành lá xanh biếc, nên thường gọi là bích ngô chen lá vàng giữa chòm lá xanh biếc, tức trời đã sang thu.

1387. Giậu thu: giậu hoa mùa thu.

Giò sương: giò hoa chịu được sương, ý chỉ hoa cúc.

1389. Phong lôi: gió, sấm, nói cơn giận nổi lên dữ dội như gió, như sấm.

1390. Nặng lòng e ấp: Thúc Ông trong lòng lấy làm e sợ về việc để cho con gái lầu xanh như thế, vì không những làm xấu thanh danh nhà mình, mà đối với Hoạn Thư cũng sẽ có chuyện lôi thôi.

1391. Biện bạch: ở đây nghĩa là phán bảo minh mạch, rành rọt.

1393. Nghiêm huấn: lời dạy của bố.

1396. Sấm sét: do chữ lôi đình, chỉ sự ra uy, như quát mắng đánh đập.

Búa rìu: do chữ phủ việt, chỉ sự gia hình; ý cả câu: Dẫu đánh mắng hay giết chết cũng xin chịu.

1397. Tay đã nhúng chàm: cái tay đã nhúng vào chàm, thì dù rút ra cũng bị nhuốm chàm xanh rồi. Ý nói đã lỡ lấy vợ thiếp.

1400. Đã lấy nhau thành vợ chồng thì nỡ nào lại lìa bỏ, cũng như nỡ ôm đàn cầm mà gẩy thì nỡ nào lại đứt dây cho được.

1404. Sốt gan: nóng gan, như nói nóng tiết.

Cáo quỳ: cáo là thưa trình, quì là quì gối, tức quì gối mà đề đơn thưa trình. Lệ xưa, ai vào quan thưa trình việc gì, phải quì gối trước công đường đầu đội lá đơn.

1406. Phủ đường: dinh quan phủ, ở đây chỉ quan phủ.

Phiếu hồng: tờ trát của quan.

Thôi tra: đòi lên, bắt lên mà xét hỏi.

1408. Sân hoa: sân phủ đường (chữ hoa ở đây chỉ đặt cho đẹp lời)

1409. Mặt sắt: do chữ thiết diện, mặt đen và cứng rắn như sắt, thường mượn để chỉ một vị quan cương trực, nghiêm nghị.

1415. Nguyên đơn: đơn của người nguyên cáo, tức Thúc Ông (Thúc Sinh và Kiều là bị cáo).

1419. Gia hình: gia hình phạt; ở đây là phạt trượng tức dùng trường (gậy) mà đánh.

1422. Ý Kiều nói: Đã quyết tình hoàn lương rồi, không muốn lại lần nữa mắc vào cảnh lầu xanh, như con nhện lại vướng víu vào lưới tơ thêm một lần nữa.

1424. Yếu thơ: yếu ớt, thơ dại.

Lôi đình: sấm sét, chỉ hình phạt.

1426. Ba cây: do chữ tam mộc là thứ hình cụ bằng gỗ thời xưa: cái gông cổ, cái kẹp tay và cái cùm chân. Ở đây, chữ ba cây có lẽ chỉ các hình phạt nói chung, vì Kiều chỉ bị phạt trượng.

Mẫu đơn: cành hoa đẹp, ví với Kiều.

1437. Phủ đường: đây là nói quan phủ.

1440. Cầu thân: cầu làm thân, nói việc định lấy nhau.

1446. Giải vi: cởi, gỡ vòng vây ra; đây ý nói gỡ cho ra lối thoát để giải quyết việc rắc rối này.

1452. Mộc gài: cái gông. Đầu đề bài thơ là vịnh cái gông.

1455. Giá lợt Thịnh Đường: ý nói làm mờ nhạt cả thơ Thịnh Đường.
Thịnh Đường:
là giai đoạn phồn thịnh nhất thơ của triều đại nhà Đường, Trung Quốc;

1458. Châu Trần: ở châu Từ, về huyện Phong, xưa kia có họ Châu và họ Trần, đời đời làm thông gia với nhau, về sau người ta dùng hai chữ Châu Trần để nói sự lấy nhau đẹp đôi xứng lứa.

1459. Rước dữ cưu hờn: mua rước lấy điều dữ và cưu mang lấy sự hờn giận.

1467. Cổ xuý: nhạc bát âm. Cổ là những nhạc khí dùng để đánh như chiêng, trống. Xuý là những nhạc khí để thổi, như kèn sáo.

1468. Trướng đào: màn hoa đào, đây tức là buồng cưới.

1470. Hoa huệ hoa lan, ngụ ý nói cảnh sum họp.

1473. Mảng: tiếng cổ. Một là có ý bất ngờ, bất chợt. Ví dụ câu: Mảng tin xiết nỗi kinh hoàng; hai là có ý nói mải mê về một việc gì mà quên đi. Ở đây là nghĩa này.

1474. Ý nói hết mùa xuân và bắt đầu sang mùa hạ

1478. Chim én (mùa xuân) chim nhạn (mùa thu), đổi thay nhau, ý nói từ mùa nọ sang mùa kia. Ở đây ý nói thời gian trôi thấm thoắt gần được một năm.

1480. Tao khang: bã rượu cám. Người vợ cùng ăn bã, ăn cám với nhau, tức là – người vợ cả lấy từ lúc còn hàn vi. Vua Quang Vũ nhà Hán muốn đem người chị gái mới goá là công chúa Hồ Dương gả cho Tống Hoằng, nhưng Hoằng đã có vợ. Vua hỏi ý Hoằng, Hoằng thưa: Tao khang chi thê, bất hạ đường, nghĩa là người vợ lấy trong lúc ăn tấm, ăn cám, không thể để xuống dưới nhà, ý nói không thể khinh rẻ, phụ bạc. Vua biết ý vậy, liền thôi.

1485. Phi thường: khác với người thường, ý nói người sâu sắc, hiểm độc.

1496. Hồi trang: về quê.

1498. Ninh gia: về thăm nhà.

1499. Quan hà: quan cửa ải, là sông. Chén quan hà: chén rượu tiễn biệt.

1500. Xuân đình: có thể hiểu là nơi xum họp, vui vẻ.

Cao đình: cổ thi: Cao đình tương biệt xứ, chỗ biệt nhau ở Cao đình.

1501. Sông Tần: sông ở đất Tần Xuyên, mạn tỉnh Cam Túc. Hai chữ này có nghĩa ước lệ, tượng trưng.

1502. Dương Quan: tên một cửa ải ở biên giới tỉnh Thiểm Tây, mạn tây bắc Trung Quốc.

1507. Yếm thắm trôn kim: đại ý câu này nói: Kiều cho rằng việc hai người lấy nhau là việc không thể giấu kín được.

1508. Bưng mắt bắt chim: bưng mắt lại thì không thể nào bắt được chim. Ý nói không thể nào che giấu nổi việc có vợ lẽ.

1509. Đèo bòng: có nghĩa là vương vít tình duyên.

1510. Nói sòng: Tức nói thẳng, nói trắng ra, không quanh co giấu giếm. Tiếng sòng dùng theo nghĩa sòng phẳng.

1519. Bào: áo. Thường thường trong khi ly biệt người ta hay nắm lấy áo nhau, tỏ tình quyến luyến. Chia bào tức là buông áo.

1520. Phong: một loại cây ở Trung Quốc, lá chia ra nhiều cành, gần giống lá cây thầu dầu ở bên ta, đến mùa thu thì sắc lá hoá đỏ.

Quan san: quan ải, núi non, thường được dùng để chỉ sự xa xôi cách trở.

1521. Dặm hồng: dặm đường đi giữa bụi hồng. Chinh là đi đường xa, an là yên ngựa. Người ta thường dùng hai chữ chinh an để chỉ việc đi đường xa.

1528. Buồng trong: chỉ vào người vợ. Câu này đại ý nói: Bây giờ hãy nói đến người vợ Thúc Sinh làm chủ gia đình ở quê nhà.

1530. Lại bộ: Bộ lại, tức là quan trọng nhất trong sáu bộ của triều đình phong kiến.

1531. Duyên Đằng: cổ thi: Thời lai phong tống Đằng Vương các (Thời vận đến, gí đưa lại gác Đằng Vương). Ý nói gặp cơ hội may mắn.

1534. Ràng buộc: có nghĩa là thắt buộc, cho người khác vào khuôn, vào phép của mình.

1535. Vườn mới thêm hoa: ý nói Thúc Sinh có thêm vợ lẽ.

1538. Đen bạc: cùng nghĩa như bạc bẽo, phụ bạc.

Trăng hoa: do chữ hoa nguyệt mà ra, ý chỉ sự chơi bời trai gái.

1541. Nền: nền nếp của người trên, tư thế của mình là người bề trên.

1551. Nhãn tiền: trước mắt.

1552. Tục ngữ: Chưa thăm ván đã bán thuyền. Ở đây chỉ Thúc sinh là người mới nới cũ.

1560. Thị phi: có nghĩa là việc phải thì nói thành trái, việc trái thì nói thành phải, thêu dệt phải trái làm cho người nghe mắc lầm.

1568. Lầu hồng: do chữ hồng lâu, nhà ở bọn quyền quý, cũng dùng để chỉ chỗ ở của hạng phụ nữ giàu sang.

1571. Tẩy trần: rửa bụi. Tục xưa, khi có người đi xa về thì đặt tiệc “tẩy trần”, ý nói rửa sạch bụi bặm trong lúc đi đường.

1580. Rút dây động rừng: tục ngữ, ý nói rút một sợi dây làm rung chuyển đến cả một khu rừng. Câu này ý nói: Thúc Sinh sợ nói lộ câu chuyện lấy Kiều ra sẽ gây nên sóng gió trong gia đình.

1583-1584: đại ý nói ngọc hay đã, vàng hay thau, đôi ta đều đã biết phân biệt rạch ròi, không thể nào lầm lẫn được.

1593. Thuần: là một thứ rau, hức là một thứ cá. Trương Hàn đời nhà Tấn, đang lúc làm quan ở xa, thấy cơn gió thu, sực nhớ đến canh rau thuần và chả cá hức ở quê nhà, bèn bỏ quan mà về. Vì thế, người ta thường dùng hai chữ thuần hức để chỉ thú vui chơi nơi quê nhà.

1594. Cổ thi: Ngô đồng nhất diệp lạc, thiên hạ cọng tri thu: (chỉ một lá ngô đồng rụng mà ai cũng biết là thu sang). Câu này đại ý nói: Thúc Sinh ở quê nhà vừa bén mùi rau cá thì trời đã bắt đầu sang thu.

1596. Quan tái: cũng như quan ải, chỉ nơi núi non bờ cõi.

1599. Mây bạc: Do chữ bạch vân mà ra. Địch Nhân Kiệt đời Đường đi làm quan xa, thường chỉ đám mây trên núi Thái Hàng mà nói: “Nhà cha mẹ ta ở đây”. Ở đây dùng để nói Thúc Sinh có cha ở xa.

1606. Xe hương: do chữ Hương xa, chỉ xe của phụ nữ.

Quy ninh là về hỏi thăm sức khoẻ của cha mẹ.

1609. Thành ngữ: Ngứa ghẻ hờn ghen, ý nói hai điều khó chịu nhất.

1614. Hải đạo: đường biển.

1621. Mầu: mầu nhiệm: mẹ Hoạn Thư khen cái mưu ấy rất điệu rất hay.

1623. Buồm: lá buồm. Lèo: dây treo buồm.

1624. Khuyển: chó, Ưng: chim cắt, hai loài vật dùng để đi săn. Ở đây dùng để đặt tên cho bọn tôi tớ trung thành của họ Hoạn.

Côn quang: cũng như côn đồ, dùng để chỉ bọn vô lại.

1626. Thuận phong: thuận gió. Một lá: một lá buồm, Kiều lúc ấy đang ở Lâm Tri, Lâm Tri nguyên là kinh đô nước Tề xưa, nên gọi là bến Tề.

1630. Ấm lạnh: Do chữ ôn sảnh (Đông ôn hạ sảnh), ngọt bùi do chữ cam chỉ, ý nói làm con phải quạt nồng ấm lạnh và phụng dưỡng những thức ngon lành cho cha mẹ.

1632. Lời non nước: lời chỉ non thề biển. Lời sắt son: lời trung thành vững chắc như sắt như son.

1633. Sắn bìm: do chữ cát đằng mà ra.

1636. Cung Quảng: cung Quảng Hàn trong mặt trăng, ả Hằng tức ả Hằng Nga trong cung. Hằng Nga là vợ Hậu Nghệ, trộm thuốc trường sinh của chồng rồi chạy lên ở một mình trên cung trăng; Câu này đại ý nói: Thôi thì liều sống một mình như Hằng Nga trong cung Quảng Hàn vậy.

1638. Ba sao: do chữ Kinh Thi: Tam tinh tại thiên (ba sao ở trời). Ở đây tác giả chỉ mượn câu ấy để nói đêm đó ngoài song gió thổi, giữa trời có trăng có sao v.v…

1642. Khốc quỷ kinh thần: quỷ thần khóc, thần phải sợ, ý nói rất ghê gớm, đáng sợ.

1667. Di hài: hài cốt sót lại.

1668. Khâm liệm: lễ mặc quần áo mới và bọc vải lụa cho người chết trước khi bỏ vào áo quan. Tang trai: lễ đưa ma và làm chay.

1670. Lục trình: đi đường bộ.

1673. Trung đường: nhà chính giữa.

1674. Linh sàng: giường thờ.

Bài vị: mảnh gỗ viết tên người chết để thờ.

1680. Vĩnh quyết: cũng như vĩnh biệt, từ biệt hẳn, không bao giờ gặp nhau nữa.

1684. Phi phù trí quỷ: đốt bùa mà gọi được quỷ đến.

Thông huyền: thông cảm được với cõi huyền bí, tức cõi quỷ thần.

1685. Tam đảo: Ba đảo tiên: Bồng Lai, Phương Trượng, Doanh Châu. Người ta thường dùng để chỉ cõi thiêng liêng hoặc cõi tiên.

Cửu tuyền: chín suối, tức là âm phủ.

1689. Đạo nhân: cũng như đạo sĩ, chỉ ông thấy pháp.

Tĩnh đàn: đàn thờ thần thánh của bọn thầy pháp.

1690. Xuất thần: linh hồn thầy pháp thoát ra ngoài thể xác để đi vào cõi thần linh.

1695. Mệnh cung: cung là bản mệnh, một trong 12 cung của số Tử Vi. Sách số có câu: Cung mệnh mà có sao Bột chiếu vào thì người ấy mắc nạn. Câu này đại ý nói: Xem số Thuý Kiều thì đang mắc nạn to.

1697. Chiền chiền: tiếng cổ, có nghĩa là rành rành, hoặc liền liền.

1701. Đồng cốt: Ông đồng, bà cốt, những người làm nghề câu đồng, câu bóng.

1709. Cảnh suyền: cánh buồm đi nhanh.


(Theo bản Truyện Kiều – NXB Giáo dục 1984).

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder