Truyện Kiều của Nguyễn Du đã thể hiện tính hiện thực và tinh thần nhân đạo sâu sắc. Truyện Kiều cũng là đỉnh cao thơ ca cổ điển của dân tộc. Vì vậy, Truyện Kiều luôn được nhân dân ta yêu mến…
Vanhaiphong.com xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Truyện Kiều của Nguyễn Du đã thể hiện tính hiện thực và tinh thần nhân đạo sâu sắc. Truyện Kiều cũng là đỉnh cao thơ ca cổ điển của dân tộc. Vì vậy, Truyện Kiều luôn được nhân dân ta yêu mến…
Vanhaiphong.com xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
PHẦN THỨ HAI
GIA BIẾN VÀ LƯU LẠC
(Từ câu 1715 đến câu 2126)
Thúy Kiều rơi vào tay Hoạn Bà, Hoạn Thư
Hoạn Thư hành hạ Thúy Kiều
1715. Hoàng lương chợt tỉnh hồn mai,
Cửa nhà đâu mất, lâu đài nào đây?
Bàng hoàng giở tỉnh, giở say,
Sảnh đường mảng tiếng đòi ngay lên hầu.
A hoàn trên dưới giục mau,
1720. Hãi hùng nàng mới theo sau một người.
Ngước trông tòa rộng dãy dài,
Thiên Quan Trủng Tể có bài treo trên.
Ban ngày sáp thắp hai bên,
Giữa giường thất bảo, ngồi trên một bà.
1725. Gạn gùng, ngọn hỏi, ngành tra,
Sự mình, nàng đã cứ mà gửi thưa.
Bất tình nổi trận mây mưa,
Mắng rằng: “Những giống bơ thờ quen thân!
Con này chẳng phải thiện nhân,
1730. Chẳng phường trốn chúa, thì quân lộn chồng.
Ra tuồng mèo mả gà đồng,
Ra tuồng lúng túng, chẳng xong bề nào.
Đã đem mình bán cửa tao,
Lại còn khủng khỉnh làm cao thế này!
1735. Nào là gia pháp nọ bay!
Hãy cho ba chục, biết tay một lần”!
A hoàn trên dưới dạ ran,
Dẫu rằng trăm miệng không phân lẽ nào!
Trúc côn ra sức đập vào,
1740. Thịt nào chẳng nát, gan nào chẳng kinh.
Xót thay đào lí một cành,
Một phen mưa gió, tan tành một phen.
Hoa nô truyền dạy đổi tên,
Buồng the dạy ép vào phiên thị tì.
1745. Ra vào theo lũ thanh y,
Dãi dầu tóc rối, da chì quản bao.
Quản gia có một mụ nào,
Thấy người, thấy nết, ra vào mà thương.
Khi chè chén, khi thuốc thang,
1750. Đem lời phương tiện, mở đường hiếu sinh.
Dạy rằng: “May rủi đã đành,
Liễu bồ mình giữ lấy mình cho hay.
Cũng là oan nghiệp chi đây,
Sa cơ mới đến thế này chẳng dưng.
1755. Ở đây tai vách mạch rừng,
Thấy ai người cũ cũng đừng nhìn chi.
Kẻo khi sấm sét bất kì,
Con ong, cái kiến, kêu gì được oan!”
Nàng càng giọt ngọc như chan,
1760. Nỗi lòng luống những bàng hoàng niềm tây:
Phong trần kiếp đã chịu đầy,
Lầm than, lại có thứ này bằng hai.
Phận sao bạc chẳng vừa thôi?
Khăng khăng buộc mãi lấy người hồng nhan!
1765. Đã đành túc trái tiền oan,
Cũng liều ngọc nát, hoa tàn mà chi!”
Những là nương náu qua thì,
Tiểu thư phải buổi mới về ninh gia.
Mẹ con trò chuyện lân la,
1770. Phu nhân mới gọi nàng ra dạy lời:
”Tiểu thư, dưới trướng thiếu người,
Cho về bên ấy theo đòi lầu trang”.
Lĩnh lời, nàng mới theo sang,
Biết đâu địa ngục, thiên đàng là đâu!
1775. Sớm khuya khăn mặt, lược đầu,
Phận con hầu, giữ con hầu, dám sai!
Phải đêm êm ả chiều trời,
Trúc tơ, hỏi đến nghề chơi mọi ngày.
Lĩnh lời, nàng mới lựa dây,
1780. Nỉ non, thánh thót, dễ say lòng người.
Tiểu thư xem cũng thương tài,
Khuôn uy dường cũng bớt vài bốn phân.
Cửa người, đày đọa chút thân,
Sớm ngơ ngẩn bóng, đêm năn nỉ lòng.
1785. Lâm Tri chút nghĩa đèo bồng,
Nước bèo để chữ “tương phùng” kiếp sau!
Bốn phương mây trắng một màu,
Trông vời cố quốc biết đâu là nhà.
Lần lần tháng trọn ngày qua,
1790. Nỗi gần, nào biết đường xa thế này?
Lâm Tri từ thuở uyên bay,
Buồng không thương kẻ tháng ngày chiếc thân.
Mày ai trăng mới in ngần,
Phần thừa hương cũ bội phần xót xa!
1795. Sen tàn, cúc lại nở hoa,
Sầu dài, ngày ngắn, đông đà sang xuân.
Tìm đâu cho thấy cố nhân?
Lấy câu vận mệnh khuây dần nhớ thương.
Chạnh niềm, nhớ cảnh gia hương,
1800. Nhớ quê, chàng lại tìm đường thăm quê.
Tiểu thư đón cửa giãi giề,
Hàn huyên vừa cạn mọi bề gần xa.
Nhà hương cao cuốn bức là,
Buồng trong, truyền gọi nàng ra lạy mừng.
1805. Bước ra, một bước, một dừng,
Trông xa, nàng đã tỏ chừng nẻo xa:
”Phải chăng nắng quáng, đèn lòa,
Rõ ràng ngồi đó chẳng là Thúc Sinh?
Bây giờ tình mới rõ tình,
1810. Thôi thôi đã mắc vào vành chẳng sai!
Chước đâu có chước lạ đời!
Người đâu mà lại có người tinh ma!
Rõ ràng thật lứa đôi ta,
Làm ra con ở, chúa nhà đôi nơi.
1815. Bề ngoài thơn thớt nói cười,
Mà trong nham hiểm giết người không dao.
Bây giờ đất thấp trời cao,
Ăn làm sao, nói làm sao, bây giờ”?
Càng trông mặt, càng ngẩn ngơ,
1820. Ruột tằm đòi đoạn như tơ rối bời.
Sợ uy, dám chẳng vâng lời,
Cúi đầu nép xuống sân mai một chiều.
Sinh đà phách lạc hồn xiêu:
”Thương ôi! chẳng phải nàng Kiều ở đây?
1825. Nhân làm sao đến thế này?
Thôi thôi, ta đã mắc tay ai rồi!”
Sợ quen, dám hở ra lời,
Không ngăn giọt ngọc sụt sùi nhỏ sa.
Tiểu thư trông mặt hỏi tra:
1830. “Mới về, có việc chi mà động dong?”
Sinh rằng: “Hiếu phục vừa xong,
Suy lòng trắc Dĩ đau lòng chung thiên”.
Khen rằng: “Hiếu tử đã nên!
Tẩy trần mượn chén giải phiền đêm thu”.
1835. Vợ chồng chén tạc chén thù,
Bắt nàng đứng chực trì hồ hai nơi.
Bắt khoan, bắt nhặt, đến lời,
Bắt quì tận mặt, bắt mời tận tay.
Sinh càng như dại, như ngây,
1840. Giọt dài, giọt ngắn, chén đầy, chén vơi.
Ngảnh đi, chợt nói, chợt cười,
Cáo say, chàng đã tính bài lảng ra.
Tiểu thư vội thét: “Con Hoa!
Khuyên chàng chẳng cạn, thì ta có đòn”.
1845. Sinh càng nát ruột tan hồn,
Chén mời phải ngậm bồ hòn ráo ngay!
Tiểu thư cười nói tỉnh say,
Chửa xong cuộc rượu, lại bày trò chơi.
Rằng: “Hoa nô đủ mọi tài,
1850. Bản đàn thử dạo một bài chàng nghe!”
Nàng đà tán hoán, tê mê,
Vâng lời ra trước bình the vặn đàn:
Bốn dây như khóc, như than,
Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng!
1855. Cùng chung một tiếng tơ đồng,
Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm!
Giọt châu lã chã khôn cầm,
Cúi đầu chàng những gạt thầm giọt Tương.
Tiểu thư lại thét lấy nàng:
1860. “Cuộc vui, gảy khúc đoạn tràng ấy chi?
Sao chẳng biết ý tứ gì?
Cho chàng buồn bã tội thì tại ngươi!”
Sinh càng thảm thiết bồi hồi,
Vội vàng gượng nói gượng cười cho qua.
1865. Giọt rồng canh đã điểm ba,
Tiểu thư nhìn mặt, dường đà cam tâm.
Lòng riêng khấp khởi mừng thầm:
”Vui này đã bõ đau ngầm xưa nay”.
Sinh thì gan héo ruột đầy,
1870. Nỗi lòng, càng nghĩ càng cay đắng lòng.
Người vào chung gối loan phòng,
Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài.
Bây giờ mới rõ tăm hơi,
Máu ghen, đâu có lạ đời nhà ghen!
1875. Chước đâu rẽ thúy, chia uyên,
Ai ra đường nấy, ai nhìn được ai.
Bây giờ một vực một trời,
Hết điều khinh trọng, hết lời thị phi!
Nhẹ như bấc, nặng như chì,
1880. Gỡ cho ra nữa còn gì là duyên!
Lỡ làng chút phận thuyền quyên,
Bể sâu, sóng cả, có tuyền được vay?
Một mình âm ỉ đêm chày,
Đĩa dầu vơi, nước mắt đầy, năm canh.
1885. Sớm trưa hầu hạ đài dinh,
Tiểu thư chạm mặt đè tình hỏi tra.
Lựa lời nàng mới thưa qua:
”Phải khi mình lại xót xa nỗi mình”.
Tiểu thư hỏi lại Thúc Sinh:
1890. “Cậy chàng tra lấy, thực tình cho nao!”
Sinh đà rát ruột như bào,
Nói ra chẳng tiện, trông vào chẳng đang!
Những e lại lụy đến nàng,
Đánh liều mới sẽ lựa đường hỏi tra.
1895. Cúi đầu quỳ trước sân hoa,
Thân cung nàng mới dâng qua một tờ.
Diện tiền trình với tiểu thơ,
Thoạt xem dường có ngẩn ngơ chút tình.
Liền tay trao lại Thúc Sinh,
1900. Rằng: “Tài nên trọng, mà tình nên thương!
Ví chăng có số giàu sang,
Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên!
Bể trần chìm nổi thuyền quyên,
Hữu tài, thương nỗi vô duyên lạ đời!”
1905. Sinh rằng: “Thật có như lời,
Hồng nhan bạc mệnh, một người nào vay!
Nghìn xưa âu cũng thế này,
Từ bi âu liệu bớt tay mới vừa.”
Tiểu thư rằng: “Ý trong tờ,
1910. Rắp đem mệnh bạc, xin nhờ cửa không.
Thôi thì thôi cũng chiều lòng,
Cũng cho khỏi lụy trong vòng bước ra.
Sẵn Quan Âm các vườn ta,
Có cây trăm thước, có hoa bốn mùa.
1915. Có cổ thụ, có sơn hồ,
Cho nàng ra đó giữ chùa chép kinh”.
Tàng tàng trời mới bình minh,
Hương hoa, ngũ cúng, sắm sanh lễ thường.
Đưa nàng đến trước Phật đường,
1920. Tam qui, ngũ giới, cho nàng xuất gia.
Áo xanh đổi lấy cà sa,
Pháp danh lại đổi tên ra Trạc Tuyền.
Sớm khuya sắm đủ dầu đèn,
Xuân, Thu, cắt sẵn hai tên hương trà.
1925. Nàng từ lánh gót vườn hoa,
Dường gần rừng tía, dường xa bụi hồng.
Nhân duyên đâu lại còn mong,
Khỏi điều thẹn phấn tủi hồng thì thôi!
Phật tiền, thảm lấp, sầu vùi,
1930. Ngày pho thủ tự, đêm nồi tâm hương.
Cho hay giọt nước cành dương,
Lửa lòng tưới tắt mọi đường trần duyên.
Nâu sồng từ trở màu thiền,
Sân thu trăng đã vài phen đứng đầu.
1935. Cửa thiền then nhặt lưới mau,
Nói lời trước mặt, rơi châu vắng người.
Gác kinh, viện sách, đôi nơi,
Trong gang tấc lại gấp mười quan san!
Những là ngậm thở nuốt than,
1940. Tiểu thư phải buổi vấn an về nhà.
Thừa cơ Sinh mới lẻn ra,
Xăm xăm đến mé vườn hoa với nàng.
Sụt sùi giở nỗi đoạn tràng,
Giọt châu tầm tã đẫm tràng áo xanh:
1945. “Đã cam chịu bạc với tình,
Chúa xuân để tội một mình cho hoa!
Thấp cơ thua trí đàn bà,
Trông vào đau ruột, nói ra ngạt lời.
Vì ta cho lụy đến người,
1950. Cát lầm ngọc trắng, thiệt đời xuân xanh!
Quản chi lên thác xuống ghềnh,
Cũng toan sống thác với tình cho xong.
Tông đường chút chửa cam lòng,
Nghiến răng bẻ một chữ đồng làm hai.
1955. Thẹn mình đá nát, vàng phai,
Trăm thân dễ chuộc một lời được sao?”
Nàng rằng: “Chiếc bách sóng đào,
Nổi chìm cũng mặc lúc nào rủi may!
Chút thân quằn quại vũng lầy,
1960. Sống thừa, còn tưởng đến rày nữa sao?
Cũng liều một giọt mưa rào,
Mà cho thiên hạ trông vào cũng hay!
Trót vì cầm đã bén dây,
Chẳng trăm năm cũng một ngày duyên ta.
1965. Liệu bài mở cửa cho ra,
Ấy là tình nặng, ấy là ân sâu!”
Sinh rằng: “Riêng tưởng bấy lâu,
Lòng người nham hiểm biết đâu mà lường?
Nữa chi giông tố phũ phàng,
1970. Thiệt riêng đó cũng lại càng cực đây.
Liệu mà xa chạy cao bay,
ái ân ta có ngần này mà thôi!
Bâu giờ kẻ ngược người xuôi,
Biết bao giờ lại nối lời nước non?
1975. Dẫu rằng sông cạn đá mòn,
Con tằm đến thác cũng còn vướng tơ!”
Cùng nhau kể lể sau xưa,
Nói rồi lại nói, lời chưa hết lời…
Mặt trông, tay chẳng nỡ rời,
1980. Hoa tì đã động tiếng người nẻo xa.
Nhẫn ngừng, nuốt tủi bước ra,
Tiểu thư đâu đã rẽ hoa bước vào.
Cười cười nói nói ngọt ngào,
Hỏi: “Chàng mới ở chốn nào lại chơi?”
1985. Dối quanh Sinh mới liệu lời:
”Tìm hoa quá bước, xem người viết kinh.”
Khen rằng: “Bút pháp đã tinh,
So vào với thiếp Lạn Đình nào thua!
Tiếc thay lưu lạc giang hồ,
1990. Nghìn vàng thật cũng nên mua lấy tài!”
Thiền trà cạn chén hồng mai,
Thong dong nối gót thư trai cùng về.
Nàng càng e lệ ủ ê,
Rỉ tai, hỏi lại hoa tì trước sau.
1995. Hoa rằng: “Bà đã đến lâu,
Rón chân đứng nép độ đâu nữa giờ.
Rành rành kẽ tóc chân tơ,
Mấy lời nghe hết, đã dư tỏ tường.
Bao nhiêu đoạn khổ, tình thương,
2000. Nỗi ông vật vã, nỗi nàng thở than.
Ngăn tôi đứng lại một bên,
Chán tai rồi mới bước lên trên lầu.”
Nghe thôi kinh hãi xiết đâu:
”Đàn bà thế ấy thấy âu một người!
2005. Ấy mới gan, ấy mới tài,
Nghĩ càng thêm nỗi sởn gai rụng rời!
Người đâu sâu sắc nước đời,
Mà chàng Thúc phải ra người bó tay!
Thực tang, bắt được dường này,
2010. Máu ghen ai cũng chau mày nghiến răng.
Thế mà im chẳng đãi đằng,
Chào mời vui vẻ, nói năng dịu dàng!
Giận dầu ra dạ thế thường,
Cười dầu mới thực khôn lường hiểm sâu!
2015. Thân ta, ta phải lo âu,
Miệng hùm nọc rắn ở đâu chốn này!
Ví chăng chắp cánh cao bay,
Rào cây lâu cũng có ngày bẻ hoa!
Phận bèo bao quản nước sa,
2020. Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh.
Chỉn e quê khách một mình,
Tay không chưa dễ tìm vành ấm no!”
Nghĩ đi, nghĩ lại quanh co,
Phật tiền, sẵn có mọi đồ kim ngân.
2025. Bên mình giắt để hộ thân,
Lần nghe canh đã một phần trống ba.
Cất mình qua ngọn tường hoa,
Lần đường theo bóng trăng tà về tây.
Mịt mù dặm cát đồi cây,
2030. Tiếng gà điếm nguyệt, dấu giày cầu sương.
Canh khuya, thân gái, dặm trường,
Phần e đường xá, phần thương dãi dầu!
Trời đông vừa rạng ngàn dâu,
Bơ vơ nào đã biết đâu là nhà!
2035. Chùa đâu trông thấy nẻo xa,
Rành rành Chiêu ẩn am ba chữ bài.
Xăm xăm gõ mái cửa ngoài,
Trụ trì nghe tiếng, rước mời vào trong.
Thấy màu ăn mặc nâu sồng,
2040. Giác Duyên sư trưởng lành lòng liền thương.
Gạn gùng ngành ngọn cho tường,
Lạ lùng, nàng hãy tìm đường nói quanh:
”Tiểu thiền quê ở Bắc Kinh,
Qui sư, qui Phật, tu hành bấy lâu.
2045. Bản sư rồi cũng đến sau,
Dạy đưa pháp bảo sang hầu sư huynh.”
Rày vâng diện hiến rành rành,
Chuông vàng, khánh bạc, bên mình giở ra.
Xem qua sư mới dạy qua:
2050. “Phải ni Hằng Thủy là ta hậu tình.
Chỉ e đường sá một mình,
Ở đây chờ đợi sư huynh ít ngày.”
Gửi thân được chốn am mây,
Muối dưa đắp đổi, tháng ngày thong dong.
2055. Kệ kinh câu cũ thuộc lòng,
Hương đèn việc cũ, trai phòng quen tay.
Sớm khuya lá bối, phướn mây,
Ngọn đèn khêu nguyệt, tiếng chày nện sương.
Thấy nàng thông tuệ khác thường,
2060. Sư càng nể mặt, nàng càng vững chân.
Cửa thuyền vừa tiết cuối xuân,
Bóng hoa đầy đất, vẻ ngân ngang trời.
Gió quang mây tạnh thảnh thơi,
Có người đàn việt lên chơi cửa già.
2065. Giở đồ chuông khánh xem qua,
Khen rằng: “Khéo giống của nhà Hoạn nương!”
Giác Duyên thực ý lo lường,
Đêm thanh, mới hỏi lại nàng trước sau.
Nghĩ rằng khôn nỗi giấu mầu,
2070. Sự mình, nàng mới gót đầu bày ngay:
“Bây giờ, sự đã dường này,
Phận hèn dù rủi, dù may, tại người!”
Giác Duyên nghe nói rụng rời,
Nửa thương, nửa sợ, bồi hồi chẳng xong.
2075. Rỉ tai nàng, mới giãi lòng:
“Ở đây cửa Phật là không hẹp gì;
E chăng những sự bất kỳ,
Để nàng cho đến thế thì cũng thương!
Lánh xa, trước liệu tìm đường,
2080. Ngồi chờ nước đến nên đường còn quê!”
Có nhà họ Bạc bên kia,
Am mây quen lối đi về dầu hương.
Nhắn sang, dặn hết mọi đường,
Dọn nhà hãy tạm cho nàng trú chân.
2085. Những mừng được chốn an thân,
Vội vàng nào kịp tính gần, tính xa.
Nào ngờ cũng tổ bợm già,
Bạc Bà học với Tú Bà đồng môn!
Thấy nàng mặt phấn, tươi son,
2090. Mừng thầm được mối bán buôn có lời.
Hư không đặt để nên lời,
Nàng đà nhớn nhác, rụng rời lắm phen.
Mụ càng xua đuổi cho liền,
Lấy lời hung hiểm, ép duyên Châu Trần.
2095. Rằng: “Nàng muôn dặm một thân,
Lại mang lấy tiếng dữ gần, lành xa.
Khéo oan gia, của phá gia,
Còn ai dám chứa vào nhà nữa đây!
Kíp toan kiếm chốn xe dây,
2100. Không dưng chưa dễ mà bay đường trời!
Nơi gần, thì chẳng tiện nơi,
Nơi xa, thì chẳng có người nào xa.
Này chàng Bạc Hạnh cháu nhà,
Cùng trong thân thích ruột rà, chẳng ai.
2105. Cửa hàng buôn bán châu Thai,
Thực thà có một, đơn sai chẳng hề.
Thế nào nàng cũng phải nghe,
Thành thân rồi sẽ liệu về châu Thai.
Bấy giờ ai lại biết ai,
2110. Dầu lòng bể rộng, sông dài thênh thênh.
Nàng dù quyết chẳng thuận tình,
Trái lời nẻo trước, lụy mình đến sau.”
Nàng càng mặt ủ mày chau,
Càng nghe mụ nói, càng đau như dần.
2115. Nghĩ mình túng đất sẩy chân,
Thế cùng nàng mới xa gần thở than:
“Thiếp như con én lạc đàn,
Phải cung, rày đã sợ làn cây cong!
Cùng đường dù tính chữ tòng,
2120. Biết người, biết mặt, biết lòng làm sao?
Nữa khi muôn một thế nào,
Bán hùm, buôn sói, chắc vào lưng đâu?
Dù ai lòng có sở cầu,
Tâm minh xin quyết với nhau một lời!
2125. Chứng minh có đất, có trời,
Bấy giờ vượt biển, ra khơi quản gì?”
N.D
_______
Ghi chú:
1715. Hoàng Lương: kê vàng. Xưa Lư Sinh đời Đường đi thi gặp ông già họ Lã cho mượn cái gối nằm ngủ. Chàng mơ thấy mình thi đỗ, làm quan vinh hoa phú quý hơn 20 năm. Lúc tỉnh giấc thì nồi kê của nhà hàng nấu chưa chín. Người sau bèn dùng hai chữ hoàng lương để chỉ giấc mơ.
Hồn mai: xưa có người gặp cô gái đẹp trong rừng, cùng uống rượu, sáng dậy thấy mình nằm dưới gốc cây mai. Ở đây tác giả dùng chữ hồn mai để cho câu văn thêm nhã, chứ không có ý dùng điển.
1719. Ả hoàn: tên gọi chung các đầy tớ gái trẻ tuổi.
1722. Thiên quang trủng tể: Thiên quang là loại quan đứng đầu sáu loại quan do nhà Chu đặt ra. Trủng tể tức là chức tể tướng.
1724. Thất bảo: bảy sản vật quý như vàng, bạc, lưu ly, xà cừ, mã não, san hô, trân châu. Ở đây chỉ cái giường có khảm các vật quý.
1731. Mèo mả gà đồng: mèo hoang sống ở mồ mả; gà hoang sống ở ngoài đồng, người ta thường dùng để ví với hạng người lông bông, giang hồ, không có chỗ nhất định.
1735. Gia pháp: phép tắc trong nhà. Gia đình phong kiến đời xưa thường đặt gia pháp thành ra một thứ phép luật riêng để trừng phạt gia nhân và tôi tớ.
1739. Trúc côn: gậy tre.
1741. Đào lý: cây đào, cây lý, thường dùng để chỉ phụ nữ.
1744. Phiên thị tỳ: thị tỳ ở nhà quyền quý rất nhiều, chia ra từng ban và từng phiên mà hầu hạ, nên gọi là phiên thị tỳ.
1745. Thanh ly: áo xanh. Đầy tớ gái các nhà giàu sang đời xưa đều mặc áo xanh, nên gọi là thanh y.
1747. Quản gia: trong gia đình quan lại phong kiến đời xưa thường dùng những người đàn bà đứng tuổi trông coi việc nhà và cai quản số hầu gái, gọi là quản gia.
1750. Phương tiện: Ở đây có nghĩa là đối đãi, xử trí mọi việc.
Hiếu sinh: qúy trọng sinh mệnh, ý nói tránh cho người ta con đường khổ sở chết chóc.
1752. Liễu và bồ là hai giống cây mềm yếu thường được dùng để chỉ phụ nữ.
1753. Oan nghiệp: tiền oan, nghiệp chướng, có ý nói có oan thù và tội lỗi từ thời trước để lại.
1755. Tai vách mạch rừng: do câu thành ngữ: Rừng có mạch vách có tai.
1761. Phong trần: nghĩa đen là gió bụi, thường được dùng để chỉ sự khổ sở mà người đời phải chịu.
1765. Túc trái tiền oan: nợ nần, oán thù từ kiếp trước để lại.
1768. Ninh gia: thăm nhà.
1774. Địa ngục: ngục tù ở dưới đất. Thiên đang hay thiên đường: cõi vĩnh viễn sung sướng ở trên trời. Theo giáo lý đạo Phật thì những người độc ác sau khi chết phải xuống địa ngục để chịu tội, còn hồn những người lương thiện thì được lên thiên đường. Ở đây ý nói nơi khổ ải và nơi sung sướng.
1778. Trúc tơ: Do chữ ti trúc: ti là tơ để làm dây đàn, trúc là tre để làm ống sáo. Hai chữ này thường được dùng để chỉ các thứ âm nhạc nói chung.
1786. Tương phùng: cùng gặp nhau. Ý nói: việc gặp gỡ lại Thúc Sinh để nối lại tình duyên thì hoạ chăng đợi ở kiếp sau..
1782. Ý nói: Thuý Kiều trông ra bốn bể thì thấy đâu cũng man mác một màu mây trắng mà không thấy quê nhà.
1788. Cố quốc: nguyên nghĩa là nước cũ, sau cũng dùng như chữ cố hương (quê cũ).
1791. Uyên: do chữ uyên ương, giống chim ở với nhau từng đôi, nên người ta thường dùng để chỉ vợ chồng. Uyên bay: ý nói Thuý Kiều không còn nữa (con chim uyên đã bay mất).
1793. Trăng mới: trăng non đầu tháng. Câu này ý nói: Thúc Sinh trông thấy mặt trăng lưỡi liềm đầu tháng giống như lông mày người gái đẹp mà tưởng nhớ đến Thúy Kiều.
1794. Câu này đại ý nói: Thuý Kiều không còn nữa. Thúc sinh trông thấy phấn hương của nàng còn sót lại đau đớn xót xa.
1796. Hai câu tả thời gian trôi đi, hết hạ, sang thu, đông qua, xuân tới, nhưng cũng ngụ ý tả tình cảnh vô vị, buồn bã của Thúc Sinh khi đã mất Thúy Kiều: Ngày lại ngày nỗi sầu muộn dài dằng dặc.
1797. Cố nhân: Người quen biết cũ. ở đây chỉ Thuý Kiều.
1798. Cả câu này ý nói Thúc Sinh tự an ủi đó là do số kiếp, vận mệnh để quên dần nỗi đau đớn nhớ thương.
1799. Gia hương: nhà và làng, tức quê hương, chỉ quê hương của Thúc Sinh và cũng là nơi Hoạn Thư đang ở.
1803. Nhà hương: tức là hương khuê: phòng hương, phòng ở của phụ nữ.
Bức là: bức màn làm bằng là.
1816. Thành ngữ: giết người không dao. Ở đây chỉ mưu mẹo rất độc ác của Hoạn Thư để đày đọa Thúc Sinh và Thúy Kiều.
1823. Phách lạc hồn xiêu: do chữ hồn phi phách tán, ý nói sợ hãi một cách ghê gớm.
1830. Động dong: biến đổi sắc mặt, ý nói động lòng.
1831. Hiếu phục: tang trở cha mẹ. Ở đây chỉ Thúc Sinh vừa hết tang mẹ.
1832. Trắc Dĩ: Kinh thi có câu Trắc bỉ Dĩ hề, chiêm vọng mẫu hề (lên núi Dĩ trông ngóng mẹ). Người sau bèn dùng hai chữ trắc Dĩ để nói thương nhớ mẹ.
Chung thiên: suốt đời, ý nói không bao giờ quên.
1833. Hiếu tử: người con có hiếu với cha mẹ.
1834. Giải phiền: làm cho khuây khoả sự phiền não.
1835. Thù: chén rượu do chủ nhà rót mời khách.
Tạc: chén rượu do khách rót cho người chủ để đáp lại. Ở đây nói vợ chồng Thúc Sinh uống rượu và mời mọc nhau.
1836. Trì hồ: bưng bầu rượu. Ý nói bắt Kiều đứng hầu một bên để rót rượu cho hai vợ chồng Thúc Sinh uống.
1846. Bồ hòn: giống quả rất đắng, nên người ta thường dùng câu Ngậm bồ hòn để ám chỉ người có việc buồn khổ mà không nói ra được. Ở đây ý nói: chén rượu Kiều đưa mời chàng thấy đắng như bồ hòn, nhưng vì sợ Kiều bị liên luỵ phải uống hết ngay.
1856. Người ngoài là người ngoài cuộc, chỉ Hoạn Thư, người trong là người trong cuộc chỉ Thúc Sinh và Kiều.
1865. Giọt rồng: có nghĩa là thời giờ, thời khắc.
1866. Cam tậm: thoả lòng, hả dạ.
1871. Loan phòng: phòng nằm của đôi vợ chồng;
1875. Thuý: chim chả. Uyên: chim uyên ương. Ở đây chỉ việc Hoạn Thư dùng mưu chia rẽ đôi lứa Thúc Sinh và Thuý Kiều.
1885. Đài dinh: đài các, dinh thự, chỉ chỗ ở của bọn quyền quý. Ở đây mượn để chỉ nhà ở của Thúc Sinh và Hoạn thư.
1896. Thân cung: cung khai, khai trình.
1897. Diện tiền: trước mặt.
1910. Cửa không: do chữ không môn. Vì đạo Phật cho mọi vật trên thế gian đều là “không” nên người ta gọi đạo Phật là “Không môn”.
1913. Quan âm các: cái chùa thờ Phật Quan Thế Âm Bồ tát. Đây là chùa riêng của nhà Hoạn Thư.
1915. Cổ thụ: cây lâu năm.
Sơn hồ: núi giả và hồ đào ra để làm cảnh.
1917. Tàng tàng: tang tảng sáng.
1918. Ngũ cúng: năm vật cúng Phật, tức hương, hoa, đăng, trà, quả.
1920. Tam quy: ba lễ “qui y” tức quy y Phật, quy y pháp, quy y tăng, nghĩa là đem cả tâm và thân mà theo đạo Phật.
Ngũ giới: năm điều răn, tức là răn sát sinh, răn ăn trộm, răn tà dâm, răn nói càn, răn uống rượu.
Xuất gia: ra khỏi nhà tức đi tu.
1921. Áo xanh: thanh y, áo các hầu gái mặc.
Cà sa: áo nhà sư mặc.
1922. Pháp danh: Tên đặt theo tập tục tôn giáo. Trạc Tuyền là pháp danh do Hoạn Thư đặt cho Kiều.
1924. Xuân, thu: tên hai người đầy tớ gái do Hoạn Thư sai đến Quan Âm các ở với Kiều để giúp việc hương đèn.
1926. Rừng tía: do chữ tư trúc lâm, chỗ ở của Phật Quan Âm bồ tát.
Bụi hồng: do chữ hồng trần, tức cõi trần tục, cõi đời.
1927. Nhân duyên: duyên vợ chồng. Ở đây chỉ duyên phận giữa Kiều và Thúc Sinh.
1930. Thủ tự: chữ viết tay.
Tâm hương: hương lòng. Nén hương dâng lên do tấm lòng thành kính.
1931. Giọt nước cành dương: Do chữ dương chi thuỷ. Theo sách Phật thì Phật Quan Âm có cành dương liễu và bình nước cam lộ, khi muốn cứu ai thì lấy cành dương liễu dúng nước trong bình mà rảy vào người ấy. Ở đây giọt nước cành dương dùng để chỉ phép màu nhiệm của Phật.
1932. Lửa lòng: do chữ tâm hoả, chỉ mọi thứ dục vòng do lòng người sinh ra.
Trần duyên: duyên nợ ở cõi trần.
1937. Gác kinh: cái gác viết kinh, chỉ chỗ ở của Kiều.
Viện sách: tức thư viện, phòng đọc sách, chỉ chỗ ở của Thúc Sinh.
1940. Vấn an: hỏi thăm sức khoẻ.
1944. Áo xanh: Do chữ thanh sam, chỉ thứ áo xanh mà các nhà nho sĩ xưa thường mặc.
1950. Cát lầm ngọc trắng: ý nói Kiều như “ngọc trắng” mà bị cát vùi dập.
1953. Tông đường: nhà tổ tông. Ở đây dùng với nghĩa: “nối dõi tông đường”. Ý nói Thúc Sinh nghĩ mình chưa có con trai để nối dõi tông đường.
1957. Dông tố: cơn mưa to gió lớn. Ở đây chỉ sự giận giữ ghê gớm của Hoạn Thư.
1987. Bút pháp: phép viết chữ.
1988. Thiếp Lan – đình: do chữ Lan-đình thiếp là bản bút tích rất tốt của nhà văn Vương Hy Chi, đời Tấn.
1991. Thiền trà: nước trà của nhà chùa.
Hồng mai: gỗ cây mai già dùng để nấu làm nước uống, sắc nước đỏ hồng, nên gọi là hồng mai.
1992. Thư trai: nhà đọc sách, cũng như thư viện.
2008. Bó tay: chữ hán là thúc thủ. Đặt hai chữ “bó tay” sau chữ “Thúc” là một cách chơi chữ của tác giả.
2011. Đãi đằng: Ở đây lại có nghĩa là nói năng, làm ầm ĩ lên.
2014. Cổ nhân có câu: Nộ giả thường tình, tiếu giả bất khả trắc, nghĩa là: Giận dữ là thói thường, cười thì không thể lường được. Câu này dùng ý ấy.
2018. Câu này ý nói: bị giam giữ ở đây lâu, thế nào cũng có ngày mình bị hành hạ điêu đứng hơn, hoặc bị trừ khử.
2020. Câu này ý nói: Thuý Kiều nghĩ thân phận của mình như cánh bèo trên mặt nước, ở đâu thì cũng là lênh đênh cả, không còn quản gì.
2024. Kim ngân: vàng bạc, chỉ các đồ thờ như chuông, khánh đúc bằng vàng bạc.
2036. Chiêu ấn: tên ngôi chùa, nghĩa là chiêu nạp những người ẩn dật.
2038. Trụ trì: cư trú và chủ trì mọi công việc trong một ngôi chùa.
2043. Tiểu thiền: cũng như tiểu tăng, là người đi tu nhỏ mọn (Lời Kiều tự khiêm).
2044. Qui sư, qui Phật: theo thầy, theo Phật, cũng như nói “qui tăng, qui phật”.
2045. Bản sư: vị sư thầy học mình.
2046. Pháp bảo: chỉ các đồ thờ cúng quý giá.
Sư huynh: vị sư đàn anh, lời xưng hô giữa các vị sư với nhau.
2047. Diện kiến: đem dâng ngày trước mặt.
2050. Hằng Thuỷ: tên hiệu một vị sư nữ khác mà Kiều mạo xưng là thầy học mình.
Hậu tình: tình nghĩa đối xử hậu hĩ, thân mật.
2053. Am mây: do chữ Vân phòng, chỗ ở nhà sư ở.
2059. Thông tuệ: thông minh, sáng suốt;
2062. Vẻ ngân: ánh bạc, ánh trăng sáng như bạc.
2064. Đàn việt: người đứng ra bố thí, thường thường để chỉ người có công với nhà chùa, hay người đi vãn cảnh chùa.
Cửu già: tiếng Phạn gọi chùa là già lam.
Ở đây ý nói ngồi chờ nước đến chân rồi mới nhảy là khờ dại.
2088. Đồng môn: cùng học một thầy, một trường, ý nói Bạc Hà cũng một phường chủ lầu xanh như Tú Bà.
2096. Tục ngữ: Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa. Ở đây mượn ý ấy để nói Thuý Kiều đã mang tiếng trốn chúa và ăn cắp, thế nào cũng bị người ta dị nghị.
2097. Oan gia: Bạc Bà bịa đặt ra mà nói Kiều là một oan gia kiếp trước vào nhà mình để chực gây tai hoạ cho mình.
Phá gia: phá nhà.
2099. Xe dây: cũng như xe tơ, nghĩa là lấy chồng.
2108. Thành thân: làm lễ hợp hôn, thành vợ chồng.
Châu thai: chỗ Bạc Hạnh buôn bán, thuộc tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc).
2118. Cổ ngữ: Thương cung chi điểu, kiến khúc mộc nhi cao phi, nghĩa là con chim đã bị thương vì cung thì thấy cái cong cũng sợ mà bay cao.
2123. Sở cầu: cầu đến, hỏi đến, ý nói muốn cưới làm vợ.
2124. Tân minh: lấy lòng thực mà thề với nhau.
(Theo bản Truyện Kiều – NXB Giáo dục 1984)