Truyện Kiều của Nguyễn Du đã thể hiện tính hiện thực và tinh thần nhân đạo sâu sắc. Truyện Kiều cũng là đỉnh cao thơ ca cổ điển của dân tộc. Vì vậy, Truyện Kiều luôn được nhân dân ta yêu mến…
Vanhaiphong.com xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
PHẦN THỨ HAI
GIA BIẾN VÀ LƯU LẠC
(Từ câu 907 đến câu 1056)
Rơi vào tay Mã Giám Sinh và Tú Bà, Thúy Kiều tự vẫn nhưng không chết.
Truyện Kiều của Nguyễn Du đã thể hiện tính hiện thực và tinh thần nhân đạo sâu sắc. Truyện Kiều cũng là đỉnh cao thơ ca cổ điển của dân tộc. Vì vậy, Truyện Kiều luôn được nhân dân ta yêu mến…
Vanhaiphong.com xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
PHẦN THỨ HAI
GIA BIẾN VÀ LƯU LẠC
(Từ câu 907 đến câu 1056)
Rơi vào tay Mã Giám Sinh và Tú Bà, Thúy Kiều tự vẫn nhưng không chết.
Đùng dùng gió giục mây vần,
Một xe trong cõi hồng trần như bay.
Trông vời, gạt lệ chia tay,
910. Góc trời thăm thẳm, đêm ngày đăm đăm.
Nàng thì dặm khách xa xăm,
Bạc phau cầu giá đen rầm ngàn mây.
Vi lô san sát hơi may,
Một trời thu để riêng ai một người .
915. Dặm khuya ngất tạnh mù khơi,
Thấy trăng mà thẹn những lời non sông!
Rừng thu từng biếc xen hồng,
Nghe chim như nhắc tấm lòng thần hôn.
Những là lạ nước lạ non,
920. Lâm Tri vừa một tháng tròn tới nơi,
Xe châu dừng bánh cửa ngoài,
Rèm trong đã thấy một người bước ra.
Thoắt trông nhờn nhợt màu da,
Ăn chi cao lớn đẫy đà làm sao?
925. Trước xe, lơi lả han chào,
Vâng lời nàng mới bước vào tận nơi.
Bên thì mấy ả mày ngài,
Bên thì ngồi bốn năm người làng chơi.
Giữa thì hương án hẳn hoi,
930. Trên treo một tượng trắng đôi lông mày.
Lầu xanh quen lối xưa nay,
Nghề này thì lấy ông này tiên sư,
Hương hôm hoa sớm phụng thờ,
Cô nào xấu vía có thưa mối hàng.
935. Cởi xiêm lột áo sỗ sàng,
Trước thần sẽ nguyện mảnh hương lầm rầm.
Đổi hoa lót xuống chiếu nằm,
Bướm hoa bay lại ầm ầm tứ vi!
Kiều còn ngơ ngẩn biết gì,
940. Cứ lời lạy xuống mụ thì khấn ngay:
”Cửa hàng buôn bán cho may,
Đêm đêm hàn thực, ngày ngày nguyên tiêu,
Muôn nghìn người thấy cũng yêu,
Xôn xao oanh yến rập rìu trúc mai!
945. Tin nhạn vẩn, lá thư bài,
Đưa người cửa trước, rước người cửa sau”.
Lạ tai, nghe chửa biết đâu,
Xem tình ra cũng những màu dở dang.
Lễ xong hương hỏa gia đường,
950. Tú Bà vắt nóc lên giường ngồi ngay.
Dạy rằng: “Con lạy mẹ đây,
Lạy rồi sang lạy cậu mày bên kia”.
Nàng rằng: “Phải bước lưu li,
Phận hèn vâng đã cam bề tiểu tinh.
955. Điều đâu lấy yến làm anh,
Ngây thơ chẳng biết là danh phận gì?
Đủ điều nạp thái vu qui,
Đã khi chung chạ, lại khi đứng ngồi.
Giờ ra thay mặt đổi ngôi,
960. Dám xin gửi lại một lời cho minh”.
Mụ nghe nàng nói hay tình,
Bấy giờ mới nổi tam bành mụ lên:
”Này này sự đã quả nhiên,
Thôi đà cướp sống chồng min đi rồi!”
965. Bảo rằng: “Đi dạo lấy người,
Đem về rước khách kiếm lời mà ăn.
Tuồng vô nghĩa, ở bất nhân,
Buồn mình, trước đã tần mần thử chơi.
Màu hồ đã mất đi rồi,
970. Thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma!
Con kia đã bán cho ta,
Nhập gia, phải cứ phép nhà tao đây!
Lão kia có giở bài bây,
Chẳng văng vào mặt mà mày lại nghe!
975. Cớ sao chịu tốt một bề,
Gái tơ mà đã ngứa nghề sớm sao!
Phải làm cho biết phép tao!”
Giật bì tiên rắp sấn vào ra tay.
Nàng rằng: “Trời thẳm đất dày!
980. Thân này đã bỏ những ngày ra đi!
Thôi thì thôi có tiếc gì”!
Sẵn dao tay áo, tức thì giở ra.
Sợ gan nát ngọc liều hoa!
Mụ còn trông mặt, nàng đà quá tay.
985. Thương ôi, tài sắc bậc này,
Một dao oan nghiệt, đứt dây phong trần!
Nỗi oan vỡ lở xa gần,
Trong nhà người chật một lần như nêm.
Nàng thì bằn bặt giấc tiên,
990. Mụ thì cầm cập, mặt nhìn hồn bay.
Vực nàng vào chốn hiên tây,
Cắt người coi sóc, chạy thầy thuốc thang.
Nào hay chưa hết trần duyên,
Trong mê dường đã đứng bên một nàng.
995. Rỉ rằng: “Nhân quả dở dang,
Đã toan trốn nợ đoạn trường được sao!
Số còn nặng nợ má đào,
Người dầu muốn quyết trời nào đã cho!
Hãy xin hết kiếp liễu bồ,
1000. Sông Tiền đường sẽ hẹn hò về sau”.
Thuốc thang suốt một ngày thâu,
Giấc mơ nghe đã dầu dầu vừa tan.
Tú Bà chực sẵn bên màn,
Lựa lời khuyên giải mơn man gỡ dần:
1005. “Một người dễ có mấy thân!
Hoa xuân đương nhụy, ngày xuân còn dài.
Cũng là lỡ một, lầm hai,
Đá vàng sao nỡ ép nài mưa mây!
Lỡ chân trót đã vào đây,
1010. Khóa buồng xuân để đợi ngày đào non.
Người còn thì của hãy còn,
Tìm nơi xứng đáng là con cái nhà.
Làm chi tội báo oán gia,
Thiệt mình mà hại đến ta hay gì?”
1015. Kề tai mấy mỗi nằn nì,
Nàng nghe dường cũng thị phi rạch ròi.
Vả suy thần mộng mấy lời,
Túc nhân âu cũng có trời ở trong.
Kiếp này nợ trả chưa xong,
1020. Làm chi thêm một nợ chồng kiếp sau!
Lặng nghe, thấm thía gót đầu,
Thưa rằng: “Ai có muốn đâu thế này?
Được như lời thế là may,
Hẳn rằng mai có như rày cho chăng?
1025. Sợ khi ong bướm đãi đằng,
Đến điều sống đục, sao bằng thác trong”.
Mụ rằng: “Con hãy thong dong,
Phải điều lòng lại dối lòng mà chơi!
Mai sau ở chẳng như lời,
1030. Trên đầu có bóng mặt trời rạng soi”.
Thấy lời quyết đoán hẳn hoi,
Đành lòng, nàng cũng sẽ nguôi nguôi dần…
Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân,
Vẻ non xa, tấm trăng gần ở chung.
1035. Bốn bề bát ngát xa trông,
Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia.
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya,
Nửa tình, nửa cảnh như chia tấm lòng:
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,
1040. Tin sương luống những rày trông mai chờ.
Bên trời góc bể bơ vơ,
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.
Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh, những ai đó giờ?
1045. Sân Lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử đã vừa người ôm?
Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa,
1050. Hoa trôi man mác, biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ dầu dầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt ghềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
1055. Chung quanh những nước non người,
Đau lòng lưu lạc, nên vài bốn câu.
N.D
_______
Chú thích:
907. Gió giục mây vần: Tả xe Kiều đi mau lẹ, vội vã, hô ứng với chữ “như bay” ở câu dưới.
908. Hồng trần: Hai câu này chuển xuống cuộ hành trình của Mã với Kiều, lời văn rất mạnh. Mã muốn gấp rút đưa Kiều về, nên khi đáp lời Vương Ông xong, thì cho xe đi ngay và đi rất nhanh.
912. Bạc phau: trắng phau, trắng xoá.
Cầu giá: váng sương đóng trên mặt cầu buổi sớm mai.
Ngàn mây: những đám mây ở những nơi rừng núi. Câu này tả cảnh cuối thu, bắt đầu sang đông.
913. Hơi may: hơi gió heo may.
915. Ngất tạnh: bầu trời cao ngất mà tạnh ráo.
Mù khơi: mù mịt xa khơi, tả sương thu ở chân trời.
916. Lời non sông: Kiều thấy trăng mà nhớ đến cái “vầng trăng” đêm nào đã chứng kiến cuộc thề nguyện của hai người.
917. Từng biếc xen hồng: rừng cây mùa thu có những lá úa màu đỏ xen giữa từng lá mùa xanh.
918. Thần hôn: sớm hôm, chỉ sự sớm hôm chăm sóc thăm hỏi cha mẹ.
920. Lâm Tri: tên huyện, thuộc tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc).
921. Xe châu: xe có rèm hạt châu, thứ xe phụ nữ ngồi.
927. Mày ngài: tức mấy ả gái điếm.
930. Tượng: bức tranh vẽ. Tượng trắng đôi lông mày tức tranh thần “Bạch Mi”. các nhà thanh lâu có tục thờ tranh thần “Bạch Mi”.
932. Tiên sư: tổ sư, ông tổ sáng lập ra một nghề. Chữ dùng hàm ý mỉa mai.
937. Đổi hoa: như nói thải hoa, tức như lấy hoa mới để thờ, thải hoa cũ lót xuống dưới chiếu nằm.
938. Tứ vi: bốn phía xung quanh.
942. Hàn thực: ăn lạnh, ăn đồ nguội.
Giới Tử Thôi giúp Tấn Văn Công khôi phục lại ngôi vua, nhưng lúc ân thưởng triều thần, Văn Công lại quên mất Tử Thôi, Tử Thôi bất bình trốn vào núi ở ẩn. Đến lúc Văn Công nghĩ lại, muốn vời Tử Thôi, nhưng Tử Thôi quyết chí ở ẩn, Văn Công ra lệnh đốt rừng. Tử Thôi quyết tâm chịu chết cháy ở trong núi. Văn Công hối hận vô cùng, ra lệnh hàng năm đúng ngày Tử Thôi chết, cấm không được đốt lửa. Do đó mà có tục hàn thực, cứ trước tiết thanh minh hai ngày (có sách chép một ngày) người ta cấm đốt lửa, ăn đồ nguội, và tổ chức nhiều cuộc vui: đá cầu, đánh đu, chọi gà, kết xe hoa đi dong chơi rất tưng bừng.
Nguyên tiêu: đêm tiết thượng nguyên, tức đêm ngày rằm tháng riêng đầu năm. Đây Tú Bà khấn thần phù hộ cho cửa hàng lầu xanh của mụ, ngày lại đêm, lúc nào khách chơi cũng ra vào đông đúc, tấp nập như những ngày hội hàn thực, nguyên tiêu.
945. Tin nhạn: Tô Vũ, người đời Hán, đi sứ sang Hung Nô, không chịu khuất phục, bị chúa Hưng Nô đầy lên Bắc Hải chăn dê, nhà Hán hỏi, thì bảo là chết rồi, sau sứ Hán phải nói thác là vua Hán săn được con chim nhạn ở vườn thượng lâm chân nó có buộc một bức thư lụa của Tồ Vũ gửi về, khi ấy Hưng Nô mới chịu trả lại Tô Vũ cho nhà Hán. Do đó, người ta thường nói “tin nhạn” để chỉ tin thư. Ở đây, tác giả dùng như nghĩa “tin tức” đơn thuần.
949. Hương hỏa gia đường: bốn chữ này nguyên chỉ nhà hay bàn thờ cúng gia tiên, đây tác giả dùng chỉ bàn thờ thần Bạch Mi, có nghĩa Tú Bà và Mã Giám sinh đã nhận tổ sư lầu xanh làm gia tiên của mình.
952. Cậu mày: tức cha mày, chỉ Mã Giám Sinh, Tú Bà bắt Kiều lạy nhận mụ là mẹ nuôi, Mã Giám Sinh là cha nuôi.
954. Tiểu tinh: sao nhỏ, chỉ vợ lẽ.
955. Lấy yến làm anh: ý nói sự thay bậc đổi ngôi, chẳng ra danh phận gì.
962. Tam banh: theo sách Đạo giáo “Trong người ta có ba thần thi: Thượng Thi, tên Bành Chất, ở bụng; Hạ Thi, tên Bành Kiệu, ở chân, thường làm hại người”. Do đó, người ta cho rằng: những sự hung ác giận dữ của người là do thần “Tam thi” hay”Tam Bành” làm ra, và thường dùng chữ tam bành để chỉ cơn tức giận.
964. Min: ta, tao (tiếng cổ).
978. Bì tiên: cái roi bằng da.
986. Phong trần: câu này ý nói một nhát dao oan nghiệt cắt đứt quan hệ với cuộc đời phong trần, tức là chết.
993. Trần duyên: nhân duyên cõi trần, cõi đời.
995. Quả kiếp nhân duyên: quả là kết quả, Nhân là nguyên nhân, ý nói duyên (tốt) hay kiếp (xấu) cùng có nhân với quả cả. Theo giáo lí đạo Phật: cái “quả” biểu hiện ra ở kiếp này là do cái “nhân” từ kiếp trước gây nên.
996. Đọan tràng: đoạn trường, đứt ruột, chỉ sự đau đớn bi thương.
999. Liễu bồ: bồ liễu, một loài dương ưa mọc gần nước. Cây bồ liễu rụng lá sớm hơn các loại cây, vì thể chất yếu đuối đó nên văn cổ thường dùng để chỉ phụ nữ.
1000. Tiền đường: tên một con sông chảy qua gần Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc).
1006. Hoa xuân đương nhuỵ: hoa xuân đương lên nhuỵ, tức mới nở. Ý nói Kiều còn trẻ trung.
1008. Đá vàng: chỉ lòng kiên trinh của phụ nữ. Ý nói Kiều kiên trinh thì Tú Bà không nỡ ép tiếp khách.
1010. Khoá buồng xuân: khoá kín vẻ xuân trong buồng, như nói cấm cung.
Đợi ngày đào non: đợi ngày lấy chồng.
1013. Tội báo: như nói là ác báo.
Oan gia: kẻ oán thù.
1016. Thị phi rạch ròi: lẽ phải, lẽ trái phân minh. Đại ý: Kiều nghe lời Tú Bà nói cũng có lý.
1017. Thần mộng: Lời báo mộng của quỉ thần (tức Đạm Tiên).
1018. Túc nhân: nhân duyên có sẵn từ trước, như nói duyên số tiền định.
1025. Đãi đằng: tiếng cổ, nghĩa là giãi bày.
Ca dao:
Cá buồn cá lội tung tăng
Em buồn em biết dãi dằng cùng ai.
Còn ở đây chưa thực rõ nghĩa. Bản Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim giải là “lôi thôi”.
1027. Thong dong: ở đây có nghĩa là khoan tâm, thư tâm.
1033. Ngưng Bích: tên cái lầu mà Tú Bà dành cho Kiều ở.
Ngưng Bích: nghĩa là đọng (tụ) lại màu biếc.
1034. Vẻ non xa, tấm trăng gần, ở chung: Kiều ở trên lầu cao nhìn thấy dãy núi xa và mảnh trawg như cùng ở trong một vòm trời, như cùng trong một bức tranh.
1036. Bụi hồng: đây chỉ những đám bụi bốc lên ở trên đường.
1037. Bẽ bàng: chán ngán, buồn tủi.
1039. Chén đồng: chén đồng tâm, tức chén rượu thề nguyền đồng tâm với nhau.
1040. Ý nói Kim Trọng không biết nàng đã bán mình đi xa, tới nay vẫn còn mong tin tức nàng thật là uổng công.
1042. Tấm son: tấm lòng son, đây chỉ tấm lòng thuỷ chung.
1044. Quạt hồng, ấp lạnh: chỉ sự con gái chăm sóc bố mẹ. Mùa hè thì quạt cho bố mẹ ngủ, mùa đông thì vào nằm trước trong giường để sau bố mẹ ngủ chỗ nằm đã ấm sẵn.
1045. Sân Lai: sân Lão Lai. Theo sách Cao Sĩ truyện: “Lão Lai Tử, người nước Sở, đời Xuân Thu, tuổi đã ngoài bảy mươi, mà còn cha mẹ già, ông thường mặc áo ngũ sắc sặc sỡ, ra múa ở trước sân, rồi giả cách ngã, khóc, như trẻ con, để làm cho cha mẹ vui“. Đây nói bóng sân nhà cha mẹ, tức nhà mình.
1046. Gốc tử: gốc cây tử (loài cây thị). Thơ Tiểu biền, Kinh Thi có câu: Tang dữ tử tất cung kính chi (kia cây dâu với cây tử tất phải cung kính), ý nói dâu và tử là những cây do tay cha mẹ trồng quanh nhà, người làm con phải biết quý trọng nó. Đây dùng chỉ cha mẹ, “gốc tử đã vừa người ôm” nói bóng cha mẹ đã già rồi.
1053. Ghềnh: vực sâu, vũng biển.
1054. Trong tám câu thơ tả cảnh thực nhưng cũng để ngụ tình. Toàn bộ đoạn này là một bức tranh thiên nhiên chân thực nhưng đồng thời cũng là một phúng dụ để tả tâm trạng buồn bã, cô đơn, hãi hùng của Thúy Kiều. Là một đoạn thơ tả cảnh nổi tiếng hay trong truyện Kiều.
1056. Ý nói Kiều làm thơ.
(Theo bản Truyện Kiều – NXB Giáo dục 1984).