Truyện Kiều của Nguyễn Du đã thể hiện tính hiện thực và tinh thần nhân đạo sâu sắc. Truyện Kiều cũng là đỉnh cao thơ ca cổ điển của dân tộc. Vì vậy, Truyện Kiều luôn được nhân dân ta yêu mến…
Vanhaiphong.com xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Truyện Kiều của Nguyễn Du đã thể hiện tính hiện thực và tinh thần nhân đạo sâu sắc. Truyện Kiều cũng là đỉnh cao thơ ca cổ điển của dân tộc. Vì vậy, Truyện Kiều luôn được nhân dân ta yêu mến…
Vanhaiphong.com xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
PHẦN THỨ NHẤT
GẶP GỠ VÀ ĐÍNH ƯỚC
(Tiếp theo từ câu 242 đến câu 362)
Kim Trọng tương tư Thúy Kiều thuê nhà ở vườn Thúy chờ cơ hội gặp gỡ
Kim – Kiều hẹn ước
Cho hay là giống hữu tình,
Đố ai dứt mối tơ mành cho xong!
245. Chàng Kim từ lại thư song,
Nỗi nàng canh cánh bên lòng biếng khuây.
Sầu đong càng lắc càng đầy,
Ba thu dồn lại một ngày dài ghê.
Mây Tần khóa kín song the,
250. Bụi hồng liệu nẻo đi về chiêm bao.
Tuần trăng khuyết, đĩa dầu hao,
Mặt mơ tưởng mặt, lòng ngao ngán lòng.
Phòng văn hơi giá như đồng,
Trúc se ngọn thỏ, tơ chùng phím loan.
255. Mành Tương phân phất gió đàn,
Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình.
Vì chăng duyên nợ ba sinh,
Làm chi đem thói khuynh thành trêu ngươi!
Bâng khuâng nhớ cảnh, nhớ người,
260. Nhớ nơi kỳ ngộ, vội dời chân đi.
Một vùng cỏ mọc xanh rì,
Nước ngâm trong vắt, thấy gì nữa đâu!
Gió chiều như gợi cơn sầu,
Vi lô hiu hắt như màu khơi trêu.
265. Nghề riêng nhớ ít tưởng nhiều,
Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang.
Thâm nghiêm kín cổng cao tường,
Cạn dòng lá thắm, dứt đường chim xanh.
Lơ thơ tơ liễu buông mành,
270. Con oanh học nói trên cành mỉa mai.
Mấy lần cửa đóng, then cài,
Đầy thềm hoa rụng, biết người ở đâu?
Tần ngần đứng suốt giờ lâu,
Dạo quanh chợt thấy mé sau có nhà.
275. Là nhà Ngô Việt thương gia,
Buồng không để đó người xa chưa về.
Lấy điều du học hỏi thuê,
Túi đàn, cặp sách, đề huề dọn sang.
Có cây, có đá sẵn sàng,
280. Có hiên Lãm Thúy, nét vàng chưa phai.
Mừng thầm chốn ấy chữ bài,
Ba sinh âu hẳn duyên trời chi đây!
Song hồ nửa khép cánh mây,
Tường đông ghé mắt, ngày ngày hằng trông.
285. Tấc gang động khóa nguồn phong,
Tuyệt mù nào thấy bóng hồng vào ra.
Nhẫn từ khách quán lân la,
Tuần trăng thấm thoắt nay đà thêm hai.
Cách tường phải buổi êm trời,
290. Dưới đào dường có bóng người thướt tha.
Buông cầm, xốc áo, vội ra,
Hương còn thơm nức, người đà vắng tanh!
Lần theo tường gấm dạo quanh,
Trên đào nhác thấy một cành kim thoa.
295. Giơ tay với lấy về nhà,
”Này trong khuê các đâu mà đến đây?
Gẫm âu người ấy, báu này,
Chẳng duyên chưa dễ vào tay ai cầm!”
Liền tay ngắm nghía biếng nằm,
300. Hãy còn thoang thoảng hương trầm chưa phai.
Tan sương đã thấy bóng người
Quanh tường ra ý tìm tòi ngẩn ngơ.
Sinh đà có ý đợi chờ,
Cách tường lên tiếng xa đưa ướm lòng:
305. “Thoa này bắt được hư không,
Biết đâu Hợp Phố mà mong châu về?”
Tiếng Kiều nghe lọt bên kia:
“Ơn lòng quân tử sá gì của rơi,
Chiếc thoa nào của mấy mươi
310. Mà lòng trọng nghĩa khinh tài xiết bao!”
Sinh rằng: “Lân lí ra vào,
Gần đây, nào phải người nào xa xôi,
Được rầy nhờ chút thơm rơi
Kể đà thiểu não lòng người bấy nay!
315. Bấy lâu mới được một ngày,
Dừng chân, gạn chút niềm tây gọi là…”
Vội về thêm lấy của nhà,
Xuyến vàng đôi chiếc khăn là một vuông
Thang mây rón bước ngọn tường,
320. Phải người hôm nọ rõ ràng chẳng nhe.
Sượng sùng giữ ý rụt rè,
Kẻ nhìn rõ mặt, người e cúi đầu.
Rằng: “Từ ngẫu nhĩ gặp nhau,
Thầm mong trộm nhớ, bấy lâu đã chồn,
325. Xương mai tính đã rũ mòn.
Lần lừa ai biết hãy còn hôm nay!
Tháng tròn như gửi cung mây,
Trần trần một phận ấp cây đã liều!
Tiện đây xin một hai điều,
330. Đài gương soi đến dấu bèo cho chăng?”
Ngần ngừ nàng mới thưa rằng:
“Thói nhà băng tuyết, chất hằng phỉ phong,
Dù khi lá thắm, chỉ hồng,
Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha.
335. Nặng lòng xót liễu, vì hoa
Trẻ thơ đã biết đâu mà dám thưa!”
Sinh rằng: “Rày gió mai mưa,
Ngày xuân đã dễ tình cờ mấy khi!
Dù chăng xét tấm tình si,
340. Thiệt đây mà có ích gì đến ai?
Chút chi gắn bó một hai,
Cho đành, rồi sẽ liệu bài mối manh.
Khuôn thiêng dù phụ tấc thành,
Cũng liều bỏ quá xuân xanh một đời.
345. Lượng xuân dù quyết hẹp hòi,
Công đeo đuổi chẳng thiệt thòi lắm ru!”
Lặng nghe lời nói như ru,
Chiều xuân dễ khiến nét thu ngại ngùng…
Rằng: “Trong buổi mới lạ lùng,
350. Nể lòng, có lẽ cầm lòng cho đang!
Đã lòng quân tử đa mang
Một lời, vâng tạc đá vàng thủy chung”.
Được lời như cởi tấm lòng,
Giở kim thoa với khăn hồng trao tay.
355. Rằng: “Trăm năm cũng từ đây,
Của tin, gọi một chút này làm ghi!”
Sẵn tay khăn gấm quạt quỳ
Với cành thoa ấy, tức thì đổi trao.
Một lời vừa gắn tất giao
360. Mái sau dường có xôn xao tiếng người.
Vội vàng lá rụng, hoa rơi,
Chàng về viện sách, nàng rời lầu trang.
(Còn nữa)
N.D
____________________
245. Thư song: chỗ cửa sổ phòng đọc sách.
246. Biếng khuây: không khuây, không khuây.
247. Sầu đong càng lắc càng đầy: ý nói mối sầu tương tư, càng ngày càng chồng chất lên mãi. Chú ý lối diễn tả cái trìu tượng bằng cái cụ thể. Ca dao:
Ai đi muôn dặm non sông,
Để ai chứa chất sầu đong vơi đầy.
248. Kinh thi (trung Quốc) có câu: “Nhất nhật bất kiến như tam thu hề” (Một ngày không trông thấy mặt nhau lâu như ba mùa thu).
249. Câu này ý nói: cửa sổ phòng Kiều như bị mây che phủ kín (chữ Tần ở đây chỉ là thêm vào cho đẹp lời văn).
251. Tuần trăng khuyết: khuyết hết cả một tuần trăng (cứ mỗi kì trăng tròn, gọi là một tuần trăng). Đĩa dầu hao: đĩa dầu thắp đêm bị cạn. Cả câu này ý nói tháng lại tháng, ngày qua ngày.
254. Ý nói Kim Trọng buồn tương tư, bỏ cả việc học hành và gẩy đàn.
255. Mạch Tương: mành làm bằng trúc núi Tương.
257. Ba sinh: do chữ Tam sinh, nghĩa là ba kiếp luân chuyển: “Quá khứ”, “hiện tại” và “vị lai” của con người.
260. Kỳ ngộ: sự gặp gỡ kì lạ.
264. Vi lô: cây lau, cây sậy.
266. Lam Kiều: vùng đất thuộc huyện Lam Điền, tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc). Bùi Hàng, đời Đường, khi thi hỏng về, gặp Vân Kiều tặng bài thơ, có câu:”Lam Kiều tiện thị thần tiên quật, hà tất khi (kì) khu thướng ngọc kinh” (cầu Lam là cái tổ tiên đó, hà tất phải vất vả lên đế đô để thi cử làm gì). Về sau, Hàng đi qua một nơi, gọi là Lam Kiều, khát nước, vào xin nước một nhà bà lão gần đấy thấy Vân Anh, (em Vân Kiều), cháu gái bà, người tuyệt đẹp, Hàng ngỏ ý cầu hôn, bà lão bảo: Bà cần dùng cối ngọc và chày ngọc để giã thuốc huyền sương (thứ thuốc tiên), nếu có những thứ ấy làm sính lễ sẽ gả con cho. Hàng về tìm được cối và chày ngọc đưa đến, lại ở đấy giã thuốc cho bà lão một trăm ngày, rồi lấy Vân Anh và sau hai vợ chồng cùng lên cõi tiên. Ở đây, Lam Kiều chỉ chỗ nhà ở của Kiều.
268. Lá thắm: do chữ Hồng diệp. Vu Hựu, đời Đường, một hôm đi chơi, bắt được chiếc lá đỏ trôi trên ngòi nước từ cung vua chảy ra. Trên lá có đề một bài thơ, Vu Hựu bèn để lại hai câu thơ vào chiếc lá đỏ khác, rồi đem thả nơi đầu ngòi nước, cho trôi vào cung vua. Hàn thị, người cung nữ thả lá đỏ khi trước, lại bắt được lá đỏ của Vu Hựu. Về sau, nhờ dịp vua phóng thích cung nữ, Vu Hựu lấy được Hàn thị.
Chim xanh: người ta thường gọi sứ giả đưa tin là “chim xanh” (thanh điểu). Câu này ý nói: Khó thông tin tức mối manh với Thuý Kiều.
257. Ngô Việt thương gia: nhà đi buôn ở nước Ngô, nước Việt (đi buôn xa, nay Ngô, mai Việt).
279. Đá: đây chỉ núi giả (ta thường gọi là núi non bộ) do những tảng đá xếp thành.
280. Lâm Thuý: tên cái hiên của nhà Ngô Việt thương gia. Vì có chữ Thuý trùng với một chữ trong tên Kiều nên Kim Trọng mới mừng thầm là có duyên số tiên định.
281. Bài: bày ra, xếp đặt sẵn, do chữ “an bài”.
283. Song hồ: cửa sổ dán giấy. Cánh mây: cánh cửa sổ.
285-286. Ý nói cửa động bị khoá, cửa nguồn bị ngăn, cho nên tuy nhà Kiều gần có ganh tấc, mà vẫn là xa xôi cách trở.
287. Nhẫn từ: kể từ khi (tiếng cổ).
293. Tường gấm: Do chữ cẩm tường, bức tường gạch có vẽ hoa như gấm (một cách tô điểm văn hoa).
294. Kim thoa: cái thoa gài tóc bằng vàng.
296. Khuê các: buồng lầu, nơi ở của con gái nhà sang trọng.
305. Hư không: bỗng không, tự nhiên.
306. Hợp phố: tên một quận, trước thuộc Giao Châu, nay thuộc tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Theo Hán sử: Nguyên xưa, ven bể quận Hợp Phố có loại trai sinh ra một loại ngọc quý, nhưng vì bọn quan tước tham nhũng, bắt nhân dân đi mò ngọc cho chúng, dân tình khổ cực, nên ngọc trai biến mất. Về sau, có vị quan thanh liêm, nhân hậu đến nhận chức, bãi lệnh mò ngọc, thì ngọc trai lại dần dần trở về. Do đó, người ta thường nói “Châu về Hợp Phố” để chỉ những trường hợp vật báu đã bị mất lại trở về với chủ cũ.
311. Lân lí: nguyên nghĩa là xóm và làng, đây ý nói bà con láng giềng.
316. Niềm tây: nỗi lòng, chút tâm sự riêng.
319. Thang mây: do chữ vân thê, nguyên là một khí cụ của quân đội thời xưa dùng để trèo vào thành bên địch (thanh cao, tưởng có thể bắc tới mây được).
320. Người hâm nọ: người gặp ở mồ Đạm Tiên.
Chăng nhe: (từ cổ) phải chăng là.
322. Kẻ: chỉ Kim Trọng. Người: chỉ Kiều, Kim Trọng nhìn tỏ mặt Kiều, mà Kiều thì e thẹn cúi đầu.
323. Ngẫu nhĩ: tình cờ, cũng như “ngẫu nhiên”.
324. Chồn: mệt mỏi, ý nói sốt ruột lắm.
325. Xương mai: xương vóc gầy. Cây mai, thân và cành nhỏ bé, nên người ta thường gọi những người xương vóc gầy là mai cốt (xương mai).
Rũ mòn: gầy mòn, ý nói tương tư mà gầy mòn đi.
327-328: Ý nói suốt tháng tâm thần như gửi ở cung trăng.
330. Đài gương: giá cao,, trên mặt chiếc gương lớn và hộp đựng đồ trang sức của phụ nữ. Trong văn cổ, thường mượn chữ đài gương để chỉ người phụ nữ.
Dấu bèo: ý nói thân phận hèn mọn như cánh bèo trôi nổi mặt nước. Ở đây là lời nói khiêm tốn của Kim Trọng. Cả cây ý nói Thúy Kiều có thấu cho nỗi lòng của Kim Trọng chăng?
332. Băng tuyết: ý nói trong sạch, thanh bạch. Chất hằng: Một thể chất lúc nào cũng như vậy.
Phỉ phong: hai thứ rau, người ta dùng lá và củ nấu canh hoặc muối dưa làm món ăn hàng ngày. ý cả câu: Gia đình vốn thanh bạch, mà tư chất thì cũng bình thường, không có tài sắc gì (Lời Kiều nói khiêm tốn). Bốn chữ trên nói gia đình, bốn chữ dưới nói bản thân).
Chỉ hồng: do chữ xích thằng (sợi dây đỏ) theo sách Tục U quái lục: Vì Cố, người đời Đường, đi cầu hôn, vào nghỉ quán trọn, gặp một ông già ngồi dưới bóng trăng, mở cái túi vải, đang kiểm sổ sách. Vi Cố hỏi, ông già trả lời: Đây là sổ sách hôn nhân, và chiếc túi vải này dùng đựng những dây đỏ (xích thằng) dùng để buộc chân đôi vợ chồng. Do điển này mà có những danh từ: “chỉ hồng”, “tơ hồng” để chỉ việc nhân duyên vợ chồng, và “Nguyệt lão” (ông già dưới trăng), “Trăng già”, “ông Tơ”, để chỉ người làm mối mai. Tục xưa: khi cưới vợ, thường làm lễ Tơ hồng, tức là tế ông Nguyệt lão xe dây đỏ đó.
339. Dù chăng: dù chẳng, nếu không.
343. Khuôn thiêng: khuôn Tạo hóa, chỉ trời. Khuôn do chữ quân, tức là cái khuôn dùng để nặn đồ gốm. Người xưa ví tạo hoá đúc nặn ra muôn vật như cái khuôn nặn ra các đồ gốm, nên gọi Tạo hoá là Hồng quân, Thiên quân, (khuôn trời).
Tấc thành: tấc lòng chân thành, thành thực.
345. Lượng xuân: nguyên nghĩa là tấm lòng tốt đẹp như mùa xuân. Còn có thể giải là tấm lòng của người phụ nữ trẻ tuổi, xinh đẹp.
348. Chiều xuân: như nói tứ xuân (Xuân tứ).
Nét thu: nét thu ba, nét sóng thu, tức con mắt.
352. Đá vàng: do chữ kim thạch. Kim đây là loài đồng, chỉ chuông đồng, vạc đồng; thạch là đá, chỉ bia đá. Thời xưa, những việc lớn, những công đức hay châm ngôn, thường được người ta khắc vào chuông đồng, bia đá, để lưu truyền thiên cổ. Do đó, người ta thường dùng danh từ kim thạch để chỉ cái gì có tính cách vĩnh cửu bền vững, không thay đổi được, như ghi tạc vào vàng đá. Đây nói: Kiều nhận lời gắn bó với Kim Trọng, và xin ghi tạc lời đó, như ghi tạc vào vàng đá.
357. Bả: bản Trương Vĩnh Ký chú Bả là cầm.
Quạt hoa quì: chiếc quạt bằng lá quì vẽ hoa.
359. Tất giao: sơn và keo, chỉ tình nghĩa gắn bó bền chặt với nhau như hai chất keo và sơn.
362. Lầu trang: lầu trang điểm, chỉ dùng lầu ở của phụ nữ.
(Theo bản Truyện Kiều – NXB Giáo Dục 1984)