Truyện ngắn“Bắt đầu và kết thúc” của tác giả Trần Quỳnh Nga đăng trên Báo Văn nghệ số 50, tháng 12 năm 2017, xây dựng hình ảnh Trần Ích Tắc kẻ bán nước cầu vinh thời Trần như một biểu tượng cao đẹp, lật ngược lại chính sử, đã gây bão trên văn đàn và mạng xã hội. Vậy sự thật là gì và những nguy cơ mang đến từ truyện ngắn này?…
Truyện ngắn“Bắt đầu và kết thúc” của tác giả Trần Quỳnh Nga đăng trên Báo Văn nghệ số 50, tháng 12 năm 2017, xây dựng hình ảnh Trần Ích Tắc kẻ bán nước cầu vinh thời Trần như một biểu tượng cao đẹp, lật ngược lại chính sử, đã gây bão trên văn đàn và mạng xã hội. Vậy sự thật là gì và những nguy cơ mang đến từ truyện ngắn này?…
Chiêu quốc vương Trần Ích Tắc là nhân vật lịch sử thời Trần, dưới góc nhìn đa chiều đây là một nhân vật tài năng nhưng đồng thời là kẻ phản bội tổ quốc căn cứ theo các nguồn sử liệu chính thống. Nhiều thông tin ngoài chính sử những năm đổi mới, bằng nhiều hình thức đã có ý tuyên truyền tạo ra hình ảnh một Trần Ích Tắc khác. Theo đó, tội của Trần Ích Tắc có thể được giảm nhẹ đi theo cách vì lầm lỡ nghe con rể xúi giục; hoặc đặt ra giả thuyết Chiêu Quốc hàng giặc chỉ là cái kế trá ngụy làm gián điệp cho nhà Trần. Thậm chí có giả thuyết cho đây là mưu kế để nhà Trần vẫn cai trị nước Nam dù có thua quân Nguyên trong cuộc xâm lược lần 2. Cũng có những thuyết bênh vực Trần Ích Tắc theo hướng cho rằng: đây là cách “cứu nước” với mục tiêu tránh binh đao máu lửa vì trăm họ… Chưa nói tới việc những giả thuyết nêu trên dựa trên những căn cứ mơ hồ, chủ quan võ đoán; chỉ nói tới việc giả thiết Trần Ích Tắc thành công với mưu đồ của ông ta, thì Đại Việt đã trở thành Châu, Quận của giặc ngoại xâm phương Bắc – điều mà suốt chiều dài lịch sử dân tộc ta luôn khước từ.
Dựa trên những thông tin mang tính giả thuyết, không chính thống này, đã xuất hiện những câu chuyện”văng mạng” mô phỏng kiểu kiếm hiệp Kim Dung ra đời. Chỉ tiếc truyện ngắn “ Bắt đầu và kết thúc” của tác giả Trần Quỳnh Nga là một tác phẩm văn học mà vẫn lại bám dựa vào nguồn sử liệu trôi nổi này. Nói vậy là để thấy, các nhà văn dù có điểm tựa trong sáng tác là quyền hư cấu và rằng văn khác sử… thì vẫn phải có những căn cứ xác thực, dựa vào đó mà xây dựng hình tượng nhân vật trả nó về đúng với những gì đúng với nó. Đành rằng nhà văn có quyền “giả tưởng”, nhưng “giả tưởng” không đồng nghĩa với xuyên tạc hiện thực khách quan đã được lịch sử kiểm chứng.
Trường hợp truyện ngắn “ Bắt đầu và kết thúc” của tác giả Trần Quỳnh Nga đã đi trệch nguyên tắc này. Truyện đã xây dựng hình ảnh Trần Ích Tắc là một nhân vật trung quân ái quốc, tài đức vẹn toàn, luôn ý thức được sứ mênh dòng máu vương triều và: ” Ta đã chọn lựa cách sống của riêng mình và ta không hổ thẹn với nó”. Nhưng cái “cách sống riêng” của Ích Tắc là hàng giặc để được phong chức “An Nam quốc vương”; con đường ông ta chọn được che dấu dưới chiêu bài không muốn chiến tranh để núi xương sông máu, dân tộc lầm than! Còn An Tư công chúa tự nguyện tiếp nhận và dâng hiến tình yêu cho tướng giặc Thoát Hoan. Cuộc tình ấy trong những ngày tháng ở Thăng Long được miêu tả đầy lãng mạn, thậm chí ngay cả cuộc tháo chạy nhục nhã của Thoát Hoan trong cái ống đồng cũng được thay bằng đoạn văn thẫm đẫm sự thơ mộng: “Trong đêm tối tĩnh mịch có hai người vội vã rời khỏi kinh thành. Ngựa phi nhanh như gió. Sau lưng họ, hoa đào rụng trắng như tuyết dưới ánh trăng đẫm sương ướt át. Mùi thơm còn đọng lại trên nhụy đài chan chát ngọt ngào”.
Viết về những góc khuất của lịch sử, hay dựng lại lịch sử (đặc biệt nhân vật lịch sử) với mục tiêu giải thiêng, giải ảo chúng ta đã gặp trong một số tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp. Đó cũng là khuynh hướng gây hứng thú cho người đọc trong những bộ tiểu thuyết lịch sử thời đổi mới. Song có một nguyên tắc rất rõ là dù làm gì cũng không được đánh tráo lịch sử, phải tôn trọng cái cốt lõi lịch sử từ nguồn sử liệu chính thống được kiểm chứng. Trong khi ở đây, nhân vật được ca tụng lại là kẻ phản bội đất nước và sống vong quốc Trần Ích Tắc, nhân vật đã trở thành biểu tượng kẻ tội đồ đi ngược lại ý chí và lợi ích dân tộc đã được lịch sử ghi chép và hằn in trong tâm lý người Việt gần 800 năm nay.
Văn học thời đổi mới phát triển đa chiều về nội dung và hình thức phản ánh, nhưng “ sợi chỉ đỏ” chi phối và xuyên suốt dòng văn học Việt Nam vẫn là tinh thần yêu nước bất khuất của dân tộc là không thể phủ nhận và đảo chiều, đặc biệt là âm vang hào khí Đông A (hào khí thời Trần)! Bởi vậy việc làm biến dạng nó sẽ rất khó khăn và không thể. Sự cố tình đánh tráo sự thật không khác việc để lại vết vân tay bẩn trên viên ngọc hoàn hảo long lanh.
Một vấn đề khác nguy hiểm cần bàn đến, đó là khi hình tượng văn học đi vào đời sống nó sẽ tạo ra những tác động dữ dội, nó có thể đắp bồi kiến tạo, hoặc phá hoại ghê gớm; sự tác động ấy, theo hướng nào là tùy thuộc vào tư tưởng chủ đề mà nhà văn muốn biểu hiện. Nếu hình ảnh Trần Ích Tắc và công chúa An Tư được hiểu, được biểu dương như trong truyện ngắn với tất cả người đọc thì sẽ tạo ra sự đảo chiều trong nhận thức về lịch sử thời Trần, về giá trị đích thực của lòng yêu nước theo đặc điểm truyền thống Việt Nam.
Chúng tôi không nghĩ tác giả Trần Quỳnh Nga có gửi gắm ý đồ chính trị gì như một số bài báo hoặc trao đổi trên fecebook với nội dung quá khích; và sự thật một truyện ngắn nhỏ nhoi giống như một cánh én chẳng làm nên mùa xuân. Dầu vậy, nếu các tác giả không trang bị lại nhận thức trước hết là nhận thức về lịch sử trung đại Việt Nam và giữ vững ngòi bút của mình hướng theo giá trị cốt lõi là chân – Thiện – Mỹ; nếu các nhà quản lý văn học không kịp thời có những giải pháp định hướng thì một cây cỏ độc vẫn có thể lan tràn…/.
———————————-
Phụ lục:
Trần Ích Tắc theo chính sử và tài liệu khác thời trung đại
Trần Ích Tắc là con thứ của Trần Thái Tông (1225-1258), em ruột của Trần Thánh Tông (1258-1278) và là chú ruột của Trần Nhân Tông (1278-1293). Ngay lúc còn nhỏ, Trần Ích Tắc đã nổi tiếng thông minh tài trí, lớn lên là trí thức tài hoa bậc nhất triều Trần; năm 1267 lại được phong Vương, nên gọi là Chiêu Quốc Vương. Theo triết tự từ tiếng Hán, danh xưng Ích Tắc (Ích 益: ích lợi; Tắc 稷: xã tắc, quốc gia), cũng như tước hiệu Chiêu Quốc (Chiêu 昭: làm rạng rỡ; Quốc 國: đất nước), được đặt ra với những dụng ý cao đẹp.
Bản thân Trần Ích Tắc trước thời điểm quân Nguyên xâm lược lần thứ 2 đã có những hoạt động ái quốc thật sự ý nghĩa. Trần Ích Tắc “từng mở học đường bên phải phủ đệ, chiêu tập văn sĩ bốn phương tới học tập, cấp cho đồ ăn mặc, đào tạo thành tài, như bọn Mạc Đĩnh Chi ở Bàng Hà, Bùi Phóng ở Hồng Châu, hai mươi người đều được sử dụng ở đời”- (Đại Việt sử kí toàn thư). Ích Tắc cũng là tác giả của nhiều bài thơ hay, đặc biệt những bài thơ cảm khái về đất nước về chí làm trai. Sau này, An Nam chí lược (bộ sách sử viết bằng văn xuôi chữ Hán do Lê Tắc biên soạn khi sống lưu vong ở Trung Quốc khoảng nửa đầu Thế kỷ 14) ghi nhận: “Trần Ích Tắc thông minh xuất chúng, ham học… thích đạo Phật, đạo Lão, giỏi làm thơ”. Còn học giả Trung Quốc thời Thanh trong Nguyên thi tuyển đánh giá: “Ích Tắc là vị vương đầu hàng, ngụ cư, mà thơ ca vẫn có thể sáng ngang với các văn sĩ Trung triều”.
Tuy nhiên, trước thềm cuộc xâm lược Trần Ích Tắc lại mang tư tưởng đầu hàng quân xâm lược. Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 5, tờ 47b và 48a) chép: “Ích Tắc đã từng gửi thư riêng cho khách buôn ở Vân Đồn, xin quân Nguyên xuống Nam. Đến nay, người Nguyên vào cướp, Ích Tắc xin hàng chúng để mong được làm vua. Người Nguyên phong cho Ích Tắc làm An Nam Quốc Vương”.
Cụ thể hơn, trong “An Nam chí lược” viết: ở thời điểm 1285, các tôn thất nhà Trần như Trần Kiện, Trần Lộng đều đã đầu hàng. Trần Kiện từng nói với Lê Trắc: “Thế tử bị triệu kiến mà không tới chầu, để đến nỗi bị chinh phạt, nguy nan trong sớm chiều, vẫn u mê không tỉnh ngộ, ông ta nỡ để nước mất nhà tan hay sao?”, Trần Ích Tắc đã cùng quan điểm này. Cần lưu ý rằng: đây chính là thời điểm mà 2 hội nghị lớn là “Bình Than” – hội nghị của Nhà Vua với các tướng lĩnh và hội nghị “Diên Hồng” – Hội nghị giữa triều đình với nhân dân diễn ra; tất cả đều một lòng quyết chiến với khí thế “sát thát” ngút trời.
Cuộc đầu hàng của Chiêu Quốc Vương được ghi nhận trong văn bản đời Nguyên. Theo đó, tháng 4 năm 1286 nhà Nguyên gửi tối hậu thư gây áp lực cho Vua Trần: “Nay nhân họ hàng gần của ngươi là Trần Ích Tắc, Trần Tú Viên, lo cho nước nhà tông miếu sụp đổ, tai vạ liên lụy đến những kẻ vô tội, nhiều lần khuyên ngươi tới triều đình, rốt không nghe theo, nên tự đầu hàng quy thuận.”(An Nam chí lược). Năm sau 1286, Trần Ích Tắc được vua Nguyên Hốt Tất Liệt trao ấn An Nam Quốc Vương. Năm 1287, An Nam Quốc Vương Trần Ích Tắc lại theo quân Nguyên sang đánh Đại Việt lần thứ 3. Sau khi quân Nguyên đại bại, Ích Tắc theo gót giặc chạy sang Trung Quốc và nhận chức quan hành tỉnh Hồ Quảng đẳng xứ, Hành Trung thư sảnh, Bình chương chính sự.
Một sự thật khác về Trần Ích Tắc được chính sử ghi nhận là sau khi quân Nguyên đại bại, Trần Ích Tắc đã theo gót giặc sống ở Trung Quốc và được giữ một chức quan ở tỉnh Hồ Bắc. Sách Đại Việt sử ký ghi, năm 1292, sứ thần Nguyễn Đại Phạp đến nước Nguyên, tới đất Ngọc Châu (thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) vào yết kiến các quan bình chương ở hành tỉnh và có gặp Trần Ích Tắc, do Đại Phạp phớt lờ không chào, “Ích Tắc hỏi: Ngươi không phải là tên biên chép ở nhà Chiêu Đạo Vương (con thứ của Trần Thái Tông, anh cùng mẹ với Ích Tắc) đó ư? Đại Phạp trả lời: Việc đời đổi thay, Đại Phạp trước vốn là tên biên chép cho Chiêu Đạo Vương nay là sứ giả, cũng như Bình chương xưa kia là con vua, nay lại là người đầu hàng giặc. Ích Tắc có vẻ hổ thẹn. Từ đấy về sau, sứ ta đến, hắn không còn ngồi ở tỉnh đường nữa”. Năm 1329, Ích Tắc chết tại Trung Quốc, thọ 75 tuổi.
Trong con mắt của Triều đình nhà Trần, khi cuộc chiến chống Nguyên kết thúc, Trần Ích Tắc bị xử nhẹ bởi vua Trần Thánh Tông, Nhân Tông lại “không nỡ đổi họ cũng như bỏ tên, chỉ gọi là “Ả Trần”, với ý bảo ông ta nhu nhược như đàn bà vậy.” (Đại Việt sử ký), trong khi các tông thất hàng giặc khác đều bị đổi họ xóa tên, bị xử tử hình. Có thể có rất nhiều bình luận về mức án này, nhưng ở đây chúng ta thấy rất rõ, chính sử đã khẳng định triều Trần đã kết tội không chấp nhận nhân cách của ông ta.
Các nhà nghiên cứu khi đi tìm sự thật về Trần Ích tắc đã đưa ra một chỉ số khảo sát đó là xem xét văn chương của ông ta với hy vọng tìm kiếm được tiếng nói sâu kín của nhân vật này. Sự thật, Trần Ích Tắc viết rất nhiều, một số bài thơ đều thể hiện ông ta như một chí sĩ yêu nước vậy. Đáng lưu ý là bài “Xuất Quốc”, sáng tác khi Ích Tắc đã về già, ở Trung Quốc, lấy tên hiệu là Thiện Lạc lão nhân (Ông già lương thiện vui vẻ): “Năm xưa vì việc nghĩa ra khỏi nước Nam. Lòng trung son sắt sáng rực đối diện với trời. Không phải Văn Công chạy trốn nạn nước Tấn. Như là Vi Tử cảm khái khi nhà Ân mất. Việc kế thừa sự nghiệp của cha ông chưa mai một, các bậc tiên vương oanh liệt. Sách vở hẳn còn lưu lại, đời sau còn truyền tụng. Nay là lúc bốn bể đã thống nhất. Việc thờ cúng ở quê nhà được nối dài hơn cả những rặng núi”.
Vấn đề “ việc nghĩa” mà Ích Tắc viết là gì? Và văn chương không phải là căn cứ pháp luật để phán xét, bởi một trí thức đầy mưu lược, xảo biện như Ích Tắc hoàn toàn có thể sử dụng văn học như một công cụ để che đậy mình! Để lật tẩy việc này và những giả thiết mang tính đồn đoán khác ta đặt ra câu hỏi nghi ngờ: Nếu Trần Ích Tắc yêu nước, phải gánh sứ mệnh làm “tình báo”, hoặc nhận thực hiện theo “ Mật chỉ” nào đó của Vua Trần, thì tại sao sau khi cuộc kháng Nguyên kết thúc, khi thế và lực của Đại Việt đang tràn đầy sức mạnh hùng cứ một phương… ông ta không trở về nước (chuyện không quá khó), để tôn tộc nhà Trần trả lại sự thật và vinh danh cho ông? Chỉ có một câu trả lời: ông ta là kẻ phản bội dân tộc và phản bội tôn tộc nhà Trần nói riêng.
Cần lưu ý rằng, đây là cách ứng xử hoàn toàn khác biệt của nhà Trần so với việc An Tư công chúa lấy Thoát Hoan. Chính sử Việt không viết gì về bà, dù sử Trung Quốc ghi rằng, bà theo quân Nguyên rút chạy về nước và có hai con với Thoát Hoan. Chúng ta có quyền nghĩ rằng chính An Tư mới là người gánh sứ mệnh “Điệp viên” của nhà Trần. Sự im lặng của chính sử Việt chính là giải pháp giữ bí mật cho Công chúa khi nàng vẫn lưu vong trong lòng địch. Song để trả lại sự trong sáng cho An Tư hàng loạt giai thoại được xây dựng và tung ra trong dân gian, theo đó, An Tư công chúa đã dám hy sinh cả danh tiết để thực hiện kế hoạch mỹ nhân kế của Vua Trần. Trong kháng chiến với những lời khuyên nhủ kìm sức tấn công và đưa ra những “mưu kế” có hại cho quân giặc; ví dụ như giai thoại về chiếc túi vải giúp quân Nguyên chống muỗi khi ngủ đã giúp quân Nhà Trần thực hiện nhiều trận đánh du kích tiêu hao lực lượng địch… Và với kênh truyền Fonclo này, An Tư công chúa trong tiềm thức của dân tộc, là một tấm gương dũng liệt, hy sinh vì dân vì nước. Những giai thoại này không hề bị cản ngăn nó như mạch ngầm thầm lặng chảy qua thời Trần, qua nhiều vương triều của các thời kỳ khác và mãi chảy trong lòng dân tộc.
Tài liệu tham khảo
– Đại Việt sử ký toàn thư – 1697, Sử quán thời Hậu Lê – Nhà xuất bản Khoa học xã hội 1993.
– An Nam chí lược- 1335 ( Lê Tắc) – Viện Đại học Huế- Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam 1961 (sách oline)
N.Đ.M