Tự do sáng tao – Hoàng Quốc Hải

Là nhà văn, tôi cho rằng việc tự do sáng tạo trong văn học nghệ thuật là lẽ đương nhiên, và nó tự nhiên như ta hít thở khí trời. Tự do là nguồn cảm hứng vô biên của nghệ thuật, thiếu nó nghệ thuật sẽ cáo chung.

Là nhà văn, tôi cho rằng việc tự do sáng tạo trong văn học nghệ thuật là lẽ đương nhiên, và nó tự nhiên như ta hít thở khí trời. Tự do là nguồn cảm hứng vô biên của nghệ thuật, thiếu nó nghệ thuật sẽ cáo chung…

Trên thực tế, không ai hạn chế và kiểm soát được nhà văn tự do tư duy trong sáng tạo. Vấn đề là ở chỗ tự do công bố tác phẩm kia. Mắc mớ chính là ở khâu này. Bởi khi công bố tác phẩm, nhà văn chịu sự chi phối của luật pháp. Nhiều lần bị nhắc nhở, bị cắt xén, thậm chí bị từ chối xuất bản, nhà văn bèn rút kinh nghiệm tự kiểm duyệt ngay trong khi viết. Và từ đó vô tình anh tự vẽ cho mình một vòng tròn, bán kính cứ hẹp dần, nó thít vào anh tới mức anh cảm thấy mất tự do không chịu nổi.

Trong khi sáng tác, tôi không thừa nhận bất cứ sự áp đặt nào, mà tự hướng tư duy của mình vào mục tiêu cao cả như Tổ quốc, nhân dân, và hướng vào cái Đẹp, cái Chân, cái Thiện; như thế thì tự do của tôi không còn biên độ nữa.

Văn chương của một dân tộc, chính là linh hồn của dân tộc đó. Vì vậy ngoài vẻ đẹp, nó phải ánh lên tầm tư tưởng, chất nhân văn, tựa như một chất men gợi lên niềm đam mê và khát vọng hướng về cái cao cả, nâng tâm hồn người đọc lên như cụ Phương Đình Nguyễn Siêu từng dạy: “Văn chương có loại đáng thờ, có loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người”.

Vâng, nếu ta cứ chuyên chú sáng tạo văn học nghệ thuật theo hướng vì con người, thì quyền tự do của ta hầu như là tuyệt đối.

Tuy vậy, xã hội nên có quan niệm cởi mở và chấp nhận các thiên chức của nhà văn được biểu lộ trong tác phẩm như là một thuộc tính tự nhiên. Đó là chức năng khai thị, khai trí, khai minh và khai phóng cùng chức năng dự báo. Đôi khi là dự báo xa xôi.

Nhà văn cũng có thể viết về một thì tương lai hay quá vãng nào đó, trên cơ sở của tư duy vô thức hay tiềm thức, khiến tác phẩm có vẻ xa lạ với người đương thời. Ngay cả khi việc đó có xảy ra, công chúng và xã hội nên chấp nhận, bởi cái ta chưa cảm nhận được không có nghĩa là nó không tồn tại. Có như thế mới tránh được sự va vấp không đáng có. Vả lại, một nền văn học muốn phát triển được, phải chấp nhận sự đa dạng, nếu không muốn nói là đa trường phái.

Còn như nói về tác phẩm văn học tuổi thọ ngắn dài là ở tính tư tưởng, tính nhân văn, tính nghệ thuật của nó. Dùng văn chương để trả thù đời hoặc dăm ba câu cạnh khóe là mục đích tối hạ, kẻ sĩ có nhân cách không bao giờ làm điều đó.

Với tất cả những sáng tạo lành mạnh, kể cả khám phá táo bạo của nhà văn mà còn bị gây cản trở trong việc công bố tác phẩm, thì lỗi ấy không thuộc về nhà văn.

Tôi nghĩ, lòng yêu nước và trách nhiệm công dân không chỉ biểu hiện trong hiện tại, tương lai mà nó còn ẩn chứa cả trong tiềm thức của mỗi nhà văn – đương nhiên là vậy.

H. Q. H

(Nguồn: NDĐT)

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder