Tích tiểu thành đại, có khi nào thói xấu, sự vô cảm và cái ác của con người được (bị) gom góp từ những điều nhỏ nhặt kia không nhỉ?…
Tích tiểu thành đại, có khi nào thói xấu, sự vô cảm và cái ác của con người được (bị) gom góp từ những điều nhỏ nhặt kia không nhỉ?…
Tôi cứ tự hỏi, có đất nước nào trên thế giới này có cái trò man rợ là rải đinh ra đường cho xe bị cán để mình (thợ sửa xe) có việc làm không? Hình như trong sách đông tây kim cổ chưa thấy nhắc đến việc này. Những cây đinh ngày càng được làm tinh vi. Ban đầu chỉ là những cái đinh thường mua trong chợ, tiến lên tự cắt những cái đinh 3 cạnh bằng tôn, và hiện nay, “thị trường” đang xuất hiện loại đinh bằng sắt hoặc thép đến 4 cạnh, vô cùng sắc ngọt, vô cùng vững chãi, không bánh xe nào thoát nếu đã “được” nó xỉa vào.
Một miếng vá xe chỉ mấy chục ngàn đồng, nhưng tính mạng con người thì kinh khủng. Bọn “đinh tặc” chắc không, hoặc cố tình không biết, rằng nếu xe máy hoặc ô tô đang chạy mà bị đinh đâm rồi nổ lốp, nhất là lốp trước, thì tai họa khôn lường thế nào. Bất chấp tất cả, hàng đêm chúng vẫn sản xuất đinh, rồi đi rải, rồi ngồi chờ con mồi nộp mạng. Chúng kiếm ăn bằng cái trò man rợ, bẩn thỉu vừa rất mông muội lại vừa rất thất nhân tính mà không ai nghĩ lại có thể tồn tại ở thế kỷ 21.
Thế mà nó đã và vẫn hàng ngày tồn tại trên đất nước ta, suốt từ Nam chí Bắc, và chúng ta có vẻ như,… bất lực.
Nó bất lực từ cái cách có những nơi đoàn viên thanh niên, có cả công an nữa, chế ra những chiếc xe hút đinh rất thủ công và đầy chất đối phó. Sáng chiều cho tới đêm những chiếc xe này được thanh niên tình nguyện dùng xe máy kéo phía sau, và mỗi chuyến như thế thu về hàng mấy cân đinh.
Nó bất lực ở cả cái cách chúng ta, đã vài lần, phục bắt được những kẻ rải đinh ấy, và rồi đã dành cho họ những mức phạt nhẹ nhàng đến vô lý, dù khi bị bắt, chúng ta có đầy đủ lý do để thương cảm họ: Nghèo khổ, không có việc làm, thiếu hiểu biết, nuôi vợ dại con thơ…
Cũng tương tự như thế là nạn trộm chó và xử bọn trộm chó. Đến giờ mọi người mới té ngửa ra rằng, ở một đất nước mà rất đông người coi thịt chó là món khoái khẩu, mà các quán thị chó mở khắp hang cùng ngõ hẻm, mà có người còn nâng lên thành “quốc hồn quốc túy” thì té ra, thịt chó chưa bao giờ được coi là thực phẩm. Mỗi nhà nuôi một vài con chó để giữ nhà, làm… vệ sinh hoặc cùng lắm là cải thiện trong gia đình chứ không có ý thức nuôi để bán như nuôi gà vịt heo bò. Vậy mà, nhan nhản quán thịt chó, nhan nhản chó mẹt, theo thống kê mỗi ngày trên cả nước hàng chục tấn thịt chó được tiêu thụ. (Năm 2014 tổ chức bảo vệ chó Châu Á (ACPA) thống kê mỗi Nam tiêu thụ chừng 5 triệu con chó).
Vậy thì, thịt chó ấy ở đâu ra?
Nó là sản phẩm của… chó tặc, ít nhất 50 phần trăm là như thế, còn lại là nhập khẩu ở mấy nước làng giềng, tất nhiên cũng là nhập lậu, và cũng có thể là sản phẩm bắt trộm từ nước ấy.
Nếu người nuôi chó nghiệp dư bao nhiêu (nuôi làm bạn trong nhà mà) thì bọn bắt trộm chuyên nghiệp bấy nhiêu. Từ đơn giản mướp nướng, thòng lọng bao bố, bả thuốc độc, giờ tiến lên súng điện, từ thấy chủ nhà là co giò chạy bán sống bán chết giờ tiến lên tấn công chủ nhà, thậm chí bắn chết chủ nhà, từ lừa chủ nhà đi vắng mới bắt tiến lên nhốt chủ nhà trong nhà rồi bắt công khai, vừa bắt vừa… chửi chủ nhà ngu nên nuôi chó cho chúng bắt… Và chủ nhà, trong khả năng tự vệ có thể, với sự uất ức vừa bị mất của vừa bị làm nhục, đã… đoàn kết lại, bắt được trộm chó là xử, có những cuộc xử kinh hoàng như chúng ta đã biết, để rồi cả 2 phía cùng phạm tội, mà thường là, chủ nhà bị tội nặng hơn, bởi bắt trộm chó hình như chưa ai bị tù, mà chỉ phạt cảnh cáo rồi tha vì luật chưa quy định, còn đánh chết người, dù là kẻ trộm, dù là bị nó tấn công trước, thì luật đã khoanh là dứt khoát phải đi tù.
Vấn đề ở đây là, luật đã không song hành với đời sống. Một cái xe đạp hiện nay giá trị có thể ít hơn con chó nhiều, nhưng ăn trộm xe đạp thì có khung, còn chó thì không. Và vì thế mà những người nuôi chó uất ức, họ biết nếu bắt được giao cho nhà chức trách thì chả đâu xa, có khi tuần sau lại gặp ông “chó tặc” ấy đang nhởn nhơ ngó nghiêng cổng nhà mình, vậy nên, tốt nhất là… tự xử. Sự vô cảm và cái ác có khi bắt nguồn từ chính sự chưa cập nhật, sự lỏng lẻo của luật, khiến người dân không tin vào luật, đành thay luật mà hành xử trái luật.
Giờ dân chơi ven đường lại đang có thú vui mới, ấy là… ném đá xe khách. Sau khi tàu lửa bị ném đá dữ dội thì nhà tàu Việt Nam đã phải làm một việc mà hình như chưa đâu trên thế giới làm, là bịt các cửa sổ trên tàu bằng lưới sắt, khách ngồi trên tàu, kể cả tàu hạng sang nhất, nhiều lúc hình dung mình là… tù nhân đang được chuyển trại. Giờ ném tàu không ăn thua thì ném xe khách (nay thêm cả xe tải, xe con trên đường cao tốc). Thực ra cái thú vui bệnh hoạn này cũng có lý do của nó, mà một trong những lý do, theo tôi có thể những người trẻ tuổi ven đường thấy những chiếc xe khách chạy qua nhấp nháy đèn xanh đỏ thấy sang trọng quá, thấy đấy như một thế giới khác. Sao cùng kiếp người mà có người sướng thế, vi vu trên đường với lộng lẫy nhường kia mà mình thì tù túng ở đây. Có biết đâu, những người trên xe kia cũng đủ đầy thân phận. Tội ác có khi bắt nguồn từ những suy nghĩ vô căn vô cớ như thế. Nếu hai ví dụ phía trên (rải đinh và trộm chó) là bắt nguồn từ kinh tế, từ miếng ăn, thì việc ném đá tàu xe lại bắt nguồn từ tâm lý, đói quá cũng ném mà no rồi cũng ném. Nó là những hành động bột phát, tưởng như rất vu vơ nhưng hậu quả lại khôn lường.
Không biết tự bao giờ mà một số người Việt Nam ta lại ác đến như thế. Ác một cách hồn nhiên, ác vô căn cứ. Nhà tôi ở gần một trường mẫu giáo và một quảng trường lớn, hàng ngày chứng kiến nhiều ông bố bà mẹ trẻ không những không gương mẫu, xả rác bừa bãi, bóp còi xe vô tội vạ, lấn nhau từng nửa bánh xe để đón con trước, mà còn, khi con đưa rác cho bố mẹ, thì họ cầm và thả ngay xuống đường, trước mặt con nhỏ…
Tích tiểu thành đại, có khi nào thói xấu, sự vô cảm và cái ác của con người được (bị) gom góp từ những điều nhỏ nhặt kia không nhỉ?…
V.C.H