Tương lai truyện ngắn – Bùi Việt Thắng

“Văn chương là nghệ thuật ngôn từ”. Định đề này không bao giờ cũ. Đọc truyện dự thi có cái cảm giác được biết thêm nhiều câu chuyện hơn là ngân rung lên trong lòng độc giả những cảm xúc tinh tế, lắng đọng, thấm thía, đôi lúc thăng hoa bởi vẻ đẹp của ngôn từ…

1. Cuộc thi truyện ngắn 2015-2017 của báo Văn nghệ như là một cú “huých” tạo đà đẩy thể loại tiến lên phía trước. Về phương diện thẩm mỹ, truyện ngắn phù hợp với cách cảm, cách thể hiện của nhà văn Việt Nam vốn nghiêng về cái đẹp có tính chất “phải khoảng” (từ dùng của nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Hượu). Cái “phải khoảng” là cái đẹp ở mức độ vừa phải, xinh xắn, gọn ghẽ, năng động và linh hoạt. Tất cả thuộc tính ấy chứa đựng trong thể loại truyện ngắn (vẫn được gắn với tính “xung kích”, hay vai trò “trinh sát viên” của văn chương). Thử so sánh với cuộc thi truyện ngắn 2011-2013 của báo Văn nghệ có 2.045 truyện gửi dự thi thì ở cuộc thi này có tới 3.300 truyện gửi dự thi, đã đăng tải 493 truyện. Tác giả trẻ nhất gửi truyện dự thi đang là học sinh phổ thông, tác giả cao niên nhất đã ngoài thất thập. Sáng tác văn chương thường đi theo đồ thị hình “sin”. Một tên tuổi nào đó giả sử lóe lên ở cuộc thi trước nhưng không hẳn ở cuộc thi này vẫn lấp lánh. Lại có người “chầm chậm tới mình” đi vào cuộc thi này tự tin và vững chãi dù cho trước đó ít được biết đến. Không có gì gây ngạc nhiên cho bạn đọc thưởng lãm văn chương ngày nay, vì đó là quy luật sàng lọc, chọn lựa, tỏa sáng.

Theo dõi sát sao cuộc thi này, chúng tôi thấy những cây bút mới xuất hiện trước đây đôi khi như ánh sao băng, lóe sáng chói lói song đến cuộc thi này  có vẻ như “chuội” dần đi và chỉ còn viết theo một quán tính. Trạng thái này chủ yếu rơi vào những cây bút 7X và 8X. Có nhiều lý do khiến họ lâm vào “bĩ cực” nhưng chưa biết đến ngày “thái lai” này. Một là, họ không được tiếp thêm năng lượng (hiểu là trải nghiệm sống, trải nghiệm văn hóa), khác nào một cái xe có động cơ đổ xăng chỉ một lần thật đầy. Cứ thế rồi gắng tới đích mà không trù liệu quãng đường về sau còn xa ngái, cheo leo hơn nhiều. Hai là, sau vinh quang buổi đầu có thể họ tự bằng lòng. Tâm thế này dễ dẫn đến chủ quan, tự mãn. Tất nhiên truyện dự thi của họ vẫn đọc được. Nhưng đọc được đồng nghĩa với dậm chân tại chỗ. Mới hay giữ được sức bền của ngòi bút là rất khó khăn. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là trong cuộc thi này trang lứa 7X và 8X đã vắng hẳn những tên tuổi khiến chúng ta hi vọng.

Theo quan sát của chúng tôi thì, lần này có một đội hình đóng vai “tiền đạo”, theo cách nói của môn thể thao bóng đá. Tập hợp này ở thế chủ động tiến công, quyết tâm “làm bàn” của những cây bút đứng tuổi. Mỗi người một vẻ, nhưng đã có thấy rõ nội lực và nỗ lực để cán đích cuộc thi chữ nghĩa. Nhà văn Nguyễn Trường, người đạt giải Nhất, tác giả của “Quà tặng tương lai”, “Vương quốc mộng mơ”, “Mùa thanh long” – những truyện giản dị mà xúc động, vững chãi chân đế văn hóa đã kiến tạo nên câu chuyện cảm động về nhân tâm thời đại. Văn hóa chính là ứng xử. Văn hóa chính là đạo lý. Dường như thời hiện đại con người sống theo tinh thần triết lý hiện sinh, trọng cái hôm nay, dễ quên quá khứ, thậm chí đôi khi còn coi nó như một thứ “bóng đè”, hưởng thụ và ích kỷ nên dễ quên đi cái nền tảng đạo đức truyền thống.  Con người dẫu trong hoàn cảnh đời sống nào vẫn cần cái chất lãng mạn, mộng mơ, bay bổng. Nhưng mộng mơ mà không thoát ly thực tại, không trở thành mộng du, không bén rễ vào đời sống. Phải giữ lấy niềm tin như một giá trị vĩnh cửu, như là động lực sống của con gười mọi thời đại.

Hai giải Nhì thuộc về Phan Đình Minh (với các truyện “Giữ nhà”, “Bệnh tự miễn”) và Lê Vạn Quỳnh (với các truyện “Chiếc bàn của cha”, “Cuối đường khuất gió”), đều ghi nhận sự thắng lợi tuyệt đối của truyền thống hiện thực trong văn chương Việt Nam.  Như vậy rõ ràng những giải cao nhất của cuộc thi đều thuộc về những cây bút đứng tuổi, trải nghiệm sống và trải nghiệm văn hóa, và đều viết theo phong cách truyền thống – đề cao nguyên tắc “cái đẹp là sự giản dị”. Không thấy bóng dáng của các “chủ nghĩa” (hậu hiện đại chẳng hạn). Viết như một hành động vì con người trong tất cả những quanh co, chìm nổi số phận của nó. Vẫn vang lên hai tiếng CON NGƯỜI  viết hoa. Những thể nghiệm của các cây bút trẻ trong cuộc thi đa số nghiêng về kỹ thuật thuần túy nên thiếu thuyết phục ban Giám khảo và bạn đọc. Bốn giải Ba và sáu giải Khuyến khích cho thấy nền của truyện ngắn ngày càng rộng chắc.

2. Truyện ngắn đang có xu hướng dài ra, còn tiểu thuyết trái lại nghiêng về tối giản, ngắn lại. Vì thế đọc truyện ngắn dự thi lần này không còn “đọc một hơi” như cách hiểu trước đây, sự tiếp nhận truyện ngắn trở nên “trường kỳ” và không dễ dàng. Nhưng nói như thế không có nghĩa là các tác giả đã khước từ khám phá những “mô-măng” (moment) tiêu biểu, theo cách nói của nhà văn Nguyễn Thành Long là “đặt nhân vật vào tình huống”. Vẫn có, nhưng ít, ít nhưng tiêu biểu và thành công như trường hợp Lê Ngọc Minh với “Khoảnh khắc thánh minh”. Một truyện lịch sử, những tưởng đầy ắp sự kiện và nới rộng không – thời gian nghệ thuật đến vô cùng. Nhưng rất khéo léo tác giả chộp được “khoảnh khắc” khi Lê Thánh Tông, vị vua anh minh đã giác ngộ (theo ý nghĩa của giáo lý Phật), sáng suốt giải oan cho Nguyễn Trãi, mặc dù cận thần khăng khăng phải thượng tôn pháp luật, án tại hồ sơ (!?). Không ai khác, tinh thần minh triết của một vị Hoàng đế, vừa là thi nhân Lê Thánh Tông, đã khẳng định “Ức Trai lòng sáng tựa sao Khuê”. Đúng là có những phút làm nên lịch sử. Truyện của Lê Ngọc Minh dẫu chớp lấy một “khoảnh khắc” nhưng nhờ đọc nó mà độc giả có thể sống với thời gian hai chiều. Đọc Lê Ngọc Minh chúng tôi thêm một cơ sở để tin tưởng vào truyện ngắn bởi với tinh thần khiêm tốn nhất vẫn có thể nói về nền truyện ngắn dân tộc có bề dày truyền thống và sức sống hiện tại, không hề thua kém bất kỳ nền truyện ngắn danh tiếng nào trong văn chương thế giới. Nói tương lai của truyện ngắn là có cơ sở.

Lối viết “bấu chặt” vào một kiếp người thường nhận ra trong hầu hết truyện dự thi. Dường như “khoảnh khắc” không còn đủ ôm chứa đời sống của một con người. Một truyện ngắn có cái khả năng ấy thì đó là mầm mống của tiểu thuyết. Thật thú thú vị khi bạn đọc tiếp nhận những “Vương quốc mộng mơ” của Nguyễn Trường, “Cái bàn của cha” của Lê Vạn Quỳnh, “Bánh cuốn Tám Rì” của Phan Đình Minh, “Trăng Tiên Yên” của Vũ Khánh, “Hoa trải trắng sông” của Đinh Phương, “Bạc màu áo ngự” của Lê Vũ Trường Giang, “Mộng thám hoa” của Đỗ Tiến Thụy, “Kiếp hoa” của Vũ Minh Nguyệt, “Chúa hoa” của Trần Thanh Cảnh,… như những thí dụ tiêu biểu của sự tương tác thể loại.

“Văn chương là nghệ thuật ngôn từ”. Định đề này không bao giờ cũ. Đọc truyện dự thi có cái cảm giác được biết thêm nhiều câu chuyện hơn là ngân rung lên trong lòng độc giả những cảm xúc tinh tế, lắng đọng, thấm thía, đôi lúc thăng hoa bởi vẻ đẹp của ngôn từ. Thậm chí đọc xong vẫn chưa thỏa mãn vì cái nhã thú văn chương do câu chữ đem lại còn chưa dư dả, còn như mờ nhạt. Xem xét kỹ sẽ thấy tình trạng trên một phần do tác giả chưa đầu tư cho phần văn. Vẫn nặng về kể mà xem nhẹ tả. Vẫn thích lối văn suồng sã hơn là trau chuốt. Vẫn cứ ào ào lướt tới mà thiếu những khoảng lặng, dư ba. Câu chữ còn nhiều thô ráp, đôi lúc ngẫu hứng nên rơi vào tự nhiên chủ nghĩa. Một lý do khiến văn chưa hay, theo chúng tôi, là sự chiếm lĩnh tiếng mẹ đẻ – tiếng Việt – của người viết còn thiếu hụt, nửa vời. Văn hóa của nhà văn trước hết là sự ứng xử với tiếng Việt. Trước mắt quý vị là cuốn sách “Quà tặng tương lai” (Tác phẩm vào chung khảo cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ 2015-2017). Rõ ràng đây là một văn phẩm đẹp cả nội dung và hình thức.

B.V.T

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder