Cũng tại tường nhà, thứ tường tiết kiệm đến mức giả dối và phi nhân đã làm cho thời thiếu nữ của con không ra làm sao cả….
Cũng tại tường nhà, thứ tường tiết kiệm đến mức giả dối và phi nhân đã làm cho thời thiếu nữ của con không ra làm sao cả.
Hồi ấy con mười sáu tuổi, mẹ nhớ không? Tuổi mười sáu của con như thế nào chắc mẹ không nhớ rõ nhưng con chắc mẹ nhớ buổi trưa mà con tin là mẹ không quên. Buổi trưa ấy con đi học về, áo dài và xe đạp, con đã hất xe vào góc sân và khóc ngay với mẹ:”Mẹ ơi hôm nay con được học Tây tiến rồi, người ta đã đưa Quang Dũng vào sách giáo khoa rồi mẹ ơi!”.
Câu chuyện con đang viết ra, thực sự không liên quan gì đến Tây tiến và Quang Dũng cả. Chỉ nhắc để mẹ nhớ là con hay khóc từ dạo đó. Con thấy trong lòng tràn ngập bất an và mềm yếu, không ra làm sao cả. Mẹ cứ trấn an, tại vì con đang tuổi lớn, con còn khuyết, cơ thể con xốp so với tâm tính vị thành niên và con hay bị rối loạn kinh nguyệt. Có hôm con còn bị hạ đường huyết do ăn uống thất thường. Mẹ góa con côi, con lớn lên dưới ngôi nhà thiếu nóc, mẹ mải lo cầm cự với đói nghèo, mẹ đâu biết có một nguyên do ngoài thức ăn và sự học làm cho con gái của mẹ thấy cuộc đời sao giống như một trận mưa, dai dẳng, dập bầm và vô cùng khó hiểu. Mẹ biết con đã chọn con đường sư phạm và nhất định, khi truyền dạy cho thế hệ sau bài thơ đáng kính ấy, con hình dung ra mình sẽ phiêu diêu với học trò những ngày của tuổi mười sáu rưng rưng này.
Hôm họ dọn đến, cặp vợ chồng ấy rất ít đồ đạc, như họ đi nghỉ chứ không phải dọn từ đâu đến để sở hữu một căn nhà. Người chồng khoảng gần bốn mươi còn cô vợ, chao ơi, con không đoán được tuổi. Chính mẹ cũng bảo chồng có vẻ quá già so với vợ, già một cách bí ẩn há con? Con không biết gì về chồng già vợ trẻ và ngược lại, con chỉ thấy cô ta không lớn hơn con, nói đúng ra, không già dặn hơn con mà đã phải lấy chồng. Một cô gái quá trẻ, chông chênh, ma mị, như từ trong những câu chuyện liêu trai trên giá sách nhà mình. Hình như cô ta không có việc làm, người đàn ông thì bận rộn cả ngày ở đâu đó, đến tối mới về với bữa cơm đang đợi sẵn.
Chung cư cho người thấp cổ bé họng như mẹ nên tường nhà quá mỏng. Những vuông sân được những khung sắt và những tấm lưới B40 ngăn ra khiến hàng xóm cứ phải nhìn thấy nhau. Mẹ có”tám giờ vàng ngọc” ở công sở như bao người ở trong guồng máy, mẹ phải để con ở nhà một mình vào những lúc không đến lớp. Mẹ có vẻ an tâm vì chung cư bèo bọt nhưng dù sao cũng liền tường liền sân, an ninh hơn nhà độc lập. Chẳng qua mẹ AQ với phận của mình, viên chức quèn thì tường nhà phải dính liền nhau, mỏng dính, không cách âm. Mẹ chỉ biết mình không thể sửa chữa hay muốn đóng một cây đinh lên tường chung là phải cân nhắc. Vì vậy, mẹ đâu biết con cứ chạm phải ánh nhìn của người đàn ông ấy qua những vuông lưới B40 ở sân rào. Anh ta thật đối trọng với cô vợ trẻ, như một con báo với một con thỏ. Da rám rất nam tính, mày rậm, bộ ria điệu nghệ và anh ta hay mặc quần jean để nhấn mạnh vóc dáng đàn ông của mình. Nếu con lớn thêm lên và con gặp một người như vậy săn đuổi thì mẹ sẽ cho ý kiến gì? Con thấy mẹ không mấy cảm tình với gã hàng xóm mới ấy và mẹ không quan tâm. Con thì rất quan tâm, vì con vừa sợ vừa tò mò, anh ta giống một tay săn hơn là một người chồng. Con không sợ cho con, con có mẹ để trú ẩn, nhưng con quá lo cho cô vợ trẻ ấy.
Những căn hộ cho người như mẹ thật khiêm tốn và giống hệt nhau. Như một đội quân răm rắp. Phòng khách, phòng ngủ rồi phòng ăn. Mẹ tháo vát, mẹ đã lấn được chỗ trống phía sau để làm thêm một phòng nhỏ, sát miệng cống. Mẹ bảo đó là chỗ của mẹ, con cần cái phòng ngủ khang trang hơn để yên tĩnh cho học hành, ngơi nghỉ. Bên kia cũng là phòng ngủ của họ và căn hộ bên phải mình cũng như vậy. Nhưng rủi ro thay, phòng ngủ của con áp với phòng ngủ của đôi vợ chồng bên trái hơn. Mẹ đi về, bao nhiêu việc làm thêm trong căn phòng cơi nới ấy, mẹ may gia công, thậm chí mẹ còn nhận vá và sửa quần áo cũ. Con học, con chơi và con thao thức. Con biết cơ thể của con đang lớn lên từng giây, như trái bầu trái bí, cụm từ ưa thích của mẹ. Nhưng hồi bằng tuổi con, mẹ ở thôn quê, nhà rộng vườn rộng, mẹ có cả bầu trời và những vòm cây bầu bạn. Theo lời mẹ, thôn quê cho con người ta sự lành mạnh, bình an. Mẹ được che chở bằng ý nghĩa cao quý nhất của từ này. Nhà lá, con nhớ rõ mái lá và vách lá của nhà ngoại, thênh thang và ấm áp, không phải cảnh liền tường mỏng dính không cách âm. Mẹ không phải lớn lên trong cảnh phập phồng thao thức một cách bệnh hoạn mà chỉ có con mới chịu đựng, như một bí mật của riêng mình.
Đôi tai thiếu nữ nhạy bén một cách tinh quái. Đêm nào cũng dội sang chỗ con những tiếng động con biết chắc là tiếng giường chiếu mẹ ơi. Nó kích động, nó nhấn mạnh, như thể nó cố tình. Hãi hùng nhất là tiếng rên và cả tiếng nấc của cô vợ trẻ ấy, như van cầu, như khiếp sợ. Con vừa muốn bỏ chạy, vừa muốn chôn chân tại chỗ để lắng nghe và lo sợ cho cô ấy. Đêm nào con cũng thiêm thiếp rồi bị đánh thức bằng tiếng động và tiếng khóc ấy vài ba lần. Con hao mòn, con nghĩ, thế nào ngày mai cũng tìm hỏi cho ra sự thật, chỉ cần cô ấy mở lời là con sẽ tố giác anh ta ngay.
Nhưng sáng sớm nào cô ta cũng tiễn chồng đi làm bằng vẻ mặt của một con búp bê sung sướng. Như kẻ chịu trận tối qua là người khác và sáng dậy là một người khác. Con không thể nào hiểu nổi. Rõ ràng mắt cô ta đỏ, gò má sưng sưng và hai cánh tay trần trắng muốt có những vết bầm. Sao cô ta có thể tươi cười với những”vết thương” như vậy chứ? Tiếng khóc ấy là của chính cô ta, nó ăn sâu vào óc con và con có thể hình dung đôi môi kia đã van xin và kêu rên như thế nào. Gã đàn ông thì khỏi phải nói, hả hê, sung mãn và có hôm còn đánh mắt với con như nói: có nghe không, ban đêm ấy?
Con thấy bất an quá đỗi. Làm sao con biết được thực hư của con người. Một gã đàn ông phong tình như gã thì dễ nhận ra, nhưng cô gái kia mới nhiều bóng tối. Sao cô ta không thoát ra, để đêm đêm không phải van xin và khóc lóc nữa? Hai con người khỏe mạnh, đi đứng nói năng bình thường nhưng sao ban đêm của họ thì tối tăm và bí ẩn như vậy? Mẹ biết dạo đó con xanh xao như một con ma nên những nhúm thuốc đông y điều kinh của mẹ càng khiến con buồn rầu. Con thấy mình bị nhấn chìm, bị quăng quật trong những câu hỏi hóc búa về con người và về cuộc sống lứa đôi mà sớm muộn gì con cũng trải qua. Con nhìn người lớn qua mẹ, tâm hồn và hành vi. Con nhớ đến ngoại, cũng góa bụa như mẹ và cũng mẫu mực, hiền hòa như mẹ. Nhưng ở hai con người kia, sau lớp quần áo trau chuốt và phẳng phiu kia sao lại là những nếp gấp không tài nào thấu nổi. Như vậy mới là đa dạng, mới là cuộc đời, hay đó mới là sự bệnh hoạn mà con phải biết tới và tự chủng ngừa cho mình?
Con bắt đầu cuộc chiến âm thầm với hai con người ấy. Con hay nhìn trực diện anh ta qua song rào vào những lúc anh ta mồi chài con. Ánh mắt con dọa dẫm và hằn thù. Con đánh tiếng với anh ta rằng con nghe thấy hết nhưng con không bị lây nhiễm, đừng có mà tra tấn tôi. Mỗi khi chỉ có con và cô vợ trẻ ấy ở trong sân, con còn hất mặt về phía chị ta khiêu khích:”Sao đêm nào cũng chết mà sống nhăn hoài vậy? Không dám chết luôn hả? Tui biết chị quá sợ anh ta, đúng không?”. Vài lần như vậy, chị ta thường bỏ đi vào trong và càng lúc càng ít ra sân để khỏi chạm mặt con nữa. Đêm đêm, đến lúc cô ta khóc là con lấy gót chân dộng vào tường, con báo với họ là con đang thức, con sẽ cứu chị ta, con không để anh chồng hành hạ vợ như vậy được.
Cuối cùng, đôi ấy nhanh chóng bán lại nhà. Mẹ thở phào, mẹ vui vì thoát được một gia đình không thể”bán bà con xa mua láng giềng gần” được. Một gia đình đông đúc, bình thường dọn tới. Trước khi đi, gã đàn ông còn đánh mắt với con và nói trắng ra:”Tường nhà ở đây mỏng quá, bất tiện!”. Dĩ nhiên con mừng hơn ai hết. Nhưng không hiểu sao con vẫn không nguôi nghĩ về người phụ nữ trẻ ấy. Con mong gặp lại cô ta, chỉ để hỏi vì sao cô khóc, vì sao cô vui và vì sao cô không chịu thoát ra? Nhưng chắc cô ta đã được cất ở đâu đó, với nỗi chờ đợi bữa cơm mỗi chiều muộn và những đêm tù nhân của mình.
Nhưng rồi con trở thành vợ, thành một người mẹ và thành láng giềng gần của rất nhiều đôi đủ sắc màu, tâm tính. Chừng như con đã hiểu ra. Khi con người ta hạnh phúc quá thì người ta cũng có thể khóc lên, mới thỏa. Hạnh phúc trong đau đớn, cũng là một kiểu hạnh phúc khác người, như cô vợ trẻ kia chăng? Ôi dào, cuộc sống muôn mặt, người thì thấy họ giống như tù nhân còn kẻ ở trong chăn thì thản nhiên, thậm chí tột cùng bình an và vui sướng.
Cũng tại tường nhà, thứ tường tiết kiệm đến mức giả dối và phi nhân đã làm cho thời thiếu nữ của con không ra làm sao cả
D.N.
(nguồn Vanhoc Family)