Về một hiện tượng nghiên cứu tác phẩm “Văn chương và hành động”- Anh Chi

Về một hiện tượng nghiên cứu tác phẩm

Sau khi đọc tiểu luận Ý nghĩa một đời người của tôi trên tạp chí Nhà văn và Tác phẩm số Tết Giáp Ngọ 2014, nhà văn Nguyễn Ngọc Thiện đã viết bài Về các tiểu luận cho là của Lê Tràng Kiều trong “Văn chương và hành động” (NV&TP số tháng 3 và 4/2014), ghi là “trao đổi với Anh Chi”. Nhưng, nội dung bài viết đó cho thấy anh chỉ hành xử với nhà văn Lê Tràng Kiều, và cách hành xử vẫn như cũ. Do vậy, tôi thấy cần phải viết bài tiểu luận này để trao đổi lại.

Sau khi đọc tiểu luận Ý nghĩa một đời người của tôi trên tạp chí Nhà văn và Tác phẩm số Tết Giáp Ngọ 2014, nhà văn Nguyễn Ngọc Thiện đã viết bài Về các tiểu luận cho là của Lê Tràng Kiều trong “Văn chương và hành động” (NV&TP số tháng 3 và 4/2014), ghi là “trao đổi với Anh Chi”. Nhưng, nội dung bài viết đó cho thấy anh chỉ hành xử với nhà văn Lê Tràng Kiều, và cách hành xử vẫn như cũ. Do vậy, tôi thấy cần phải viết bài tiểu luận này để trao đổi lại.

Về một hiện tượng nghiên cứu tác phẩm

Tác phẩm Văn chương và hành động (VCVHĐ) của ba nhà văn Hoài Thanh, Lê Tràng Kiều và Lưu Trọng Lư xuất bản tháng 5 năm 1936 tại Hà Nội, ngay lập tức đã bị chính quyền thực dân cấm phát hành và thu toàn bộ, là một sự kiện văn chương lớn đương thời. Hơn nữa, nó còn mang màu sắc một sự kiện chính trị – xã hội, bởi sau đó chính quyền thực dân đã gọi Lê Tràng Kiều, người cầm đầu Nhóm Văn chương và hành động ra hầu tòa. Nội dung chính của VCVHĐ là những bài tiểu luận mang tính mỹ học cao, bày tỏ khát vọng làm nên thứ văn chương chân thực, đòi phải được tự do trong sáng tác; các tác giả luận về hiện trạng đời sống bức bí đương thời và kêu gọi cần phải hành động. Nội dung như vậy tất không hợp “khẩu vị” chính quyền lúc đó… Nhiều nhà văn, trí giả và người quan tâm thời ấy rất coi trọng VCVHĐ, một hiện tượng văn chương với tư tưởng phản kháng chính thể đương thời. Và rồi, theo thời gian, VCVHĐ chỉ còn là một ký ức văn học, thành nỗi tiếc nuối một tác phẩm thể hiện tư duy lý luận tiên phong của người Việt Nam mà đã không còn văn bản để đọc.

Nhưng rồi, nhờ sự giúp đỡ của các bạn Pháp, VCVHĐ đã được quay về với người Việt Nam ta, được Nhà xuất bản Hội Nhà Văn tái bản năm 1999. Đó là điều thật tốt đẹp. Tuy nhiên, cũng dịp này, đã nảy sinh một hiện tượng rất không bình thường là, nhà văn Nguyễn Ngọc Thiện tiến hành nghiên cứu VCVHĐ, chứng minh rằng nhà văn Hoài Thanh là tác giả chủ yếu tác phẩm này(!) Cụ thể, về phần nội dung chính có 11 bài tiểu luận, không tính chương Kết luận có ký tên ba tác giả bên dưới, nhà văn Nguyễn Ngọc Thiện tìm hết cách chứng minh riêng Hoài Thanh viết 4 bài, rồi đi đến khẳng định rằng nhà văn Hoài Thanh “có thẩm quyền cao nhất đối với bản quyền bài vở trong sách”. Trước hiện tượng “lạ” như vậy, là người từng nhiều năm sưu tầm và tìm hiểu sự nghiệp văn chương Lê Tràng Kiều, tôi đã viết bài tiểu luận Ý nghĩa một đời người, gần đây gửi đăng trên tạp chí Nhà Văn và Tác phẩm số Tết Giáp Ngọ 2014, ngõ hầu giúp bạn đọc hôm nay hiểu thêm về cuộc đời và lý tưởng văn chương của nhà văn Lê Tràng Kiều. Trong Ý nghĩa một đời người, tôi nhận xét rằng, Nguyễn Ngọc Thiện đã “làm một việc rất tổn thương đến tình bạn đã có từ hơn bảy mươi năm trước của Lê Tràng Kiều với Hoài Thanh mà đến nay nhiều người còn biết”. Và rồi, sau khi đọc bài tiểu luận của tôi trên tạp chí Nhà Văn và Tác phẩm, Nguyễn Ngọc Thiện đã viết bài Về các tiểu luận cho là của Lê Tràng Kiều trong VCVHĐ (VCTL…), để trao đổi lại với chúng tôi. Điều đó cho thấy, tiểu luận của tôi được anh quan tâm nhiều.t đời người, tôi viết về cuộc đời và văn chương của nhà văn Lê Tràng Kiều với chừng mực mà tôi biết, trong đó có quãng ngày ông và các bạn văn sáng tác VCVHĐ. Tôi không hề nêu vấn đề Lê Tràng Kiều có bao nhiêu bài tiểu luận trong VCVHĐ, bởi việc gì phải viết về điều đó, ông chính là tác giả VCVHĐ rồi. Ông cũng như Hoài Thanh và Lưu Trọng Lư đều có thể nói to: “Tác phẩm đó là của tôi!” (cũng như sau này Hoài Thanh viết trong Tự thuật: “… một cuốn sách của tôi là VCVHĐ”. Nhưng, vì thấy Nguyễn Ngọc Thiện lấy cớ có 4 bài trong VCVHĐ, hơn ba năm sau đã in lại trên tạp chí Tao Đàn chỉ ký một mình tên Hoài Thanh, để coi Hoài Thanh là “có thẩm quyền cao nhất đối với bản quyền bài vở trong sách”, nên tôi nêu giả định: “Nếu có người lại tính rằng, Lưu Trọng Lư đảm nhiệm phần dịch thuật trong VCVHĐ, vậy còn lại 6 bài tiểu luận là do Lê Tràng Kiều viết, thì nhà văn Nguyễn Ngọc Thiện sẽ nghĩ sao? Tuy nhiên, tôi nghĩ, tính toán thế cũng tổn thương đến người xưa, như Nguyễn Ngọc Thiện đã làm”. Nay, qua cái tên bài Nguyễn Ngọc Thiện mới viết, có vẻ như anh hơi nôn nóng bốc hỏa lên rồi, không nhìn rõ gì cả. Người ta mới nêu giả định mà anh đã muốn ứng chiến ngay với một người nào đó có ý cản trở việc anh tôn vinh Hoài Thanh. Giờ thì anh lại tiếp tục tìm hết cách “nghiên cứu”, tính toán xem ai viết nhiều, ai viết ít, để càng khẳng định thêm cho người “có thẩm quyền cao nhất đối với bản quyền bài vở trong sách”. Và nữa, trong bài VCTL…, không có một cứ liệu nào chứng minh mà anh viết như đinh đóng cột, không tự biết là mình đang hạ thấp Lê Tràng Kiều và Lưu Trọng Lư: “Ông (Hoài Thanh) chủ biên và chấp bút toàn bộ cuốn sách (VCVHĐ) sau khi trao đổi kỹ càng với Lê Tràng Kiều và Lưu Trọng Lư”(!)… Có một bạn văn cứ tiếp tục dấn sâu thêm vào một hướng nghiên cứu rất không bình thường như vậy, tôi thấy cần phải viết bài tiểu luận này, ngõ hầu giúp bạn đọc hiểu bản chất sự tình.

*

Phần chính yếu của tác phẩm VCVHĐ(1), từ Lời nói đầu cho đến Kết luận, chữ nghĩa thể hiện sáng rõ, là những tiểu luận của tập thể ba tác giả, trong tất cả 11 bài họ đều xưng danh là chúng tôi. Điều này, bất cứ bạn đọc nào, không cần nghiên cứu, cũng dễ dàng hiểu. Hãy nhìn nhận theo văn bản học: trong Lời nói đầu, viết rõ: “Chúng tôi chỉ đưa ra trình bày với công chúng những ý nghĩ của một bọn người thành thực và chờ sự phán đoán của thời gian”. Tiểu luận Ý nghĩa đời người viết: “Chúng tôi không thể chịu được cái sống miễn cưỡng như thế. Mục đích rõ rệt và tự nhiên của sự sống, là sự sống”. Trong Ý ng- hĩa văn chương, câu chữ sáng rõ: “Trái lại, chúng tôi tin rằng cái đẹp tự nhiên đã có ích rồi… Chúng tôi nhất thiết phản đối những tư tưởng phù phiếm”. Tiểu luận Cần phải hành động viết: “Những điều chúng tôi nói ở chương trên (là tiểu luận Nhà văn hoàn toàn – Anh Chi chú thích) không là đúng với số đông… Chúng tôi không muốn dài dòng mô tả cái tủi nhục của dân mình, cảnh cùng khốn của người mình. Trong Nhà báo và nhà văn tác giả viết: “Chúng tôi vẫn hiểu giá trị những bài báo đó, những tác phẩm nhất thời. Hơn nữa chúng tôi tin rằng trong công cuộc cải tạo xã hội không có những tác phẩm ấy là không xong”. Tiểu luận Thành thực và tự do trong văn chương có câu:“Ngoài ra, lại còn sự kiềm chế của xã hội, chúng tôi muốn nói những dây quan hệ quá chặt chẽ, nó ràng buộc mọi người trong xã hội”. Trong bài Những bài thơ không thành thực, các tác giả viết: “Chúng tôi cũng nghĩ vậy. Một nước mà có bao nhiêu người rung đùi làm thơ than việc nước thì không mất sao được?” Tiểu luận Nội dung và hình thức có đoạn: “Nội dung, theo chúng tôi là những tình, những cảnh, những hình tượng, những âm điệu, tất cả những gì thể hiện thiên tài Nguyễn Du… Nội dung Truyện Kiều chính là văn chương Truyện Kiều”. Trong tiểu luận Một cái họa, tác giả viết như tâm sự với bạn đọc đã đồng hành với họ qua từng trang sách: “Bạn đọc đã theo chúng tôi đến đây, chắc thấy rằng chúng tôi đã cho cái tài một địa vị danh dự”. Đến Kết luận, ba tác giả như viết lời tuyên ngôn của họ: “Chúng tôi nhận rằng trước tình thế ngày nay cần phải hành động”

Qua phần sáng tác của VCVHĐ, ta thấy rất rõ từ những suy tư trước thời cuộc, ý tưởng mỹ học, cho đến xúc cảm và văn phong, đều rất hòa đồng, ba người mà như một. VCVHĐ thể hiện rõ tầm mức văn chương cũng như tình bạn của các nhà văn Lê Tràng Kiều, Hoài Thanh và Lưu Trọng Lư mà người đời đã biết. Vậy mà, hơn sáu mươi năm sau khi VCVHĐ ra đời, (vì bị mẹ mìn bắt) mới vừa được trở về quê nhà, thì nhà văn Nguyễn Ngọc Thiện đã làm cái việc nghiên cứu theo kiểu tìm hết cách chứng minh để đi đến khẳng định rằng, chỉ có một người “có thẩm quyền cao nhất đối với bản quyền bài vở trong sách”(!). Về việc Nguyễn Ngọc Thiện kể ra 4 bài của riêng Hoài Thanh đăng trên Tao Đàn, chúng tôi sẽ có ý kiến trong phần sau của bài tiểu luận này. Trước tiên, chúng tôi thấy cần nêu vấn đề về nghiên cứu VCVHĐ rằng, liệu có nhà nghiên cứu nào đủ tư cách và tài năng dám đi làm cái việc chia tác giả VCVHĐ thành ba bộ phận, rồi tiến tới khẳng định một bộ phận có thẩm quyền cao nhất về bản quyền bài vở? Tôi chưa biết sẽ có ai dám làm việc đó không; chỉ thấy, có anh Nguyễn Ngọc Thiện đang làm. Nhưng tôi dám chắc, anh không thể làm nổi, bởi nhận thức có tính chìa khóa của anh lúc bắt tay vào nghiên cứu là lấy riêng một bộ phận tác giả VCVHĐ ra để tôn vinh, đã khiến anh sai lạc trong học thuật đến mức không hiểu được VCVHĐ là một chỉnh thể tác phẩm văn chương có phẩm giá đáng trân trọng trong văn học sử nước ta! Trong tiểu luận Ý nghĩa một đời người, tôi có nhận xét việc làm của Nguyễn Ngọc Thiện đã rất tổn thương đến tình bạn có từ hơn bảy mươi năm trước của Lê Tràng Kiều với Hoài Thanh mà đến nay nhiều người còn biết. Bây giờ, tôi muốn nói đầy đủ hơn, Nguyễn Ngọc Thiện đã làm tổn thương đến tình bạn nổi tiếng trong đời sống văn chương Việt Nam của Lê Tràng Kiêu, Lưu Trọng Lư với Hoài Thanh!

*

Qua những gì Nguyễn Ngọc Thiện viết, thấy rõ anh chưa hiểu biết kỹ lưỡng về đời sống của các tác giả VCVHĐ trong đời sống văn chương đương thời. Thấy dưới tên sách VCVHĐ tác giả ghi:“Thay lời tuyên ngôn của văn phái Phương Đông”, Nguyễn Ngọc Thiện hạ bút như không: “Văn phái Phương Đông do các ông thành lập”. Cơ sở nào để khẳng định Văn phái Phương Đông do các tác giả VCVHĐ thành lập? Không ít câu hỏi cần đặt ra với anh: Văn phái Phương Đông khởi lập thời gian nào? Các thành viên và người đứng đầu? Sinh hoạt ra sao, và tại địa điểm nào?… Cuối thế kỷ trước, tôi được nhà văn Phạm Văn Kỳ, nguyên thư ký tòa soạn báo Tiểu thuyết Thứ năm (TTTN), và nhà viết kịch Bùi Nguyên Cát, một trong bốn người đã cùng Lê Tràng Kiều sáng lập Ban kịch Hà Nội, đưa đến nơi ngày xưa nhà văn Lê Tràng Kiều làm việc, là tòa soạn TTTN, ở dãy bên số lẻ, phố Đỗ Hạnh. Hồi 1937, 1938, tháng hoặc dăm bảy tháng, một năm, nhà văn Hoài Thanh dạy học ở miền Trung ra Hà Nội vẫn đến gặp nhà văn Lê Tràng Kiều để cộng tác, đôi khi nghỉ lại tại đây. (Còn từ 1931 đến 1936, Hoài Thanh ở Huế “làm thợ sửa mo-rát cho nhà in Đắc Lập…” – theo Từ Sơn, báo Văn nghệ Công an 20/4/2009, và Wikipedia). Một diện tích nho nhỏ cho cả tòa báo làm việc, chỗ sinh hoạt cho nhà văn Trúc Đường và nhà thơ Nguyễn Bính, đôi khi cả nhà thơ Trần Huyền Trân, không thể là nơi sinh hoạt của một văn phái nào đó.

Thêm nữa, khi làm chủ nhiệm báo Tân Thiếu niên, ngay trên số 2 (ra ngày 16/2/1935) Lê Tràng Kiều cùng các bạn đồng chí hướng đã đăng thông tin rằng, sẽ công bố về một văn phái sắp ra đời, là “Tân Thiếu niên Văn đoàn”. Không may, sau số 3 (16/2/1935), Tân Thiếu niên đã bị nhà đương cục ra lệnh đình bản (vì đã đăng phóng sự của Vũ Trọng Phụng ca ngợi Ký Con Đoàn Trần Nghiệp). Cuối năm 1935, Lê Tràng Kiều làm chủ nhiệm báo Tiến hóa, và chỉ sau số 3 (7/12/1935), lại bị chính quyền đương thời thu hồi giấy phép. Đầu năm 1936, Lê Tràng Kiều lập nhà xuất bản Phương Đông. Tác phẩm Văn chương và hành động do Phương Đông xuất bản tháng 5/1936 có ghi dưới tên sách: Thay lời tuyên ngôn của văn phái Phương Đông. Những diễn tiến thực tế đó cho thấy, ý tưởng lập một văn phái đã được Lê Tràng Kiều và các bạn đồng chí hướng nung nấu từ trước tháng 1/1935. Qua bài tự thuật Những phút vinh nhục của nghề báo, đăng trên Hà Nội báo từ số 8 (ngày 26/2/1936) đến số 15 (ngày 15/4/1936), ta biết, những người bạn đồng chí hướng trong nhóm Lê Tràng Kiều gồm Lưu Thần (Lưu Trọng Lư) Vũ Vu (Vũ Trọng Phụng), Ba Huy (Nguyễn Văn Huy) và Huỳnh Cóc (?). Chưa thấy xuất hiện tên Hoài Thanh trong nhóm. Việc lập một văn phái Phương Đông chỉ là ý tưởng mà nhóm Lê Tràng Kiều nung nấu, rất tiếc, chưa thành hiện thực. Cách viết văn, làm báo của Lê Tràng Kiều đã luôn nằm trong “tầm ngắm” của chính quyền thực dân, nên khi xảy ra sự kiện VCVHĐ, họ đã dồn các “tội” cho ông: từ phóng sự ca ngợi Ký Con Đoàn Trần Nghiệp (một nhà yêu nước trẻ tuổi bị chính quyền đương thời xử tử hình); mục đích chính trị của báo Tiến hóa là “luôn đi bên cạnh những người nghèo khổ, những người bị áp bức”; việc đăng tải tiểu thuyết Giông tố qua mặt cả kiểm duyệt; đến VCVHĐ thì luận rất nhiều về hiện trạng bức bí trong đời sống xã hội, rồi viết như tuyên ngôn, Chúng tôi nhận rằng, trước tình thế ngày nay cần phải hành động. Đương nhiên, chính quyền đương thời coi Lê Tràng Kiều là kẻ cầm đầu nhóm VCVHĐ, và đưa ông ra tòa… Viết những dòng này, tôi nghĩ anh Nguyễn Ngọc Thiện ở chỗ này nghiên cứu mà lại hay đoán.

Để nhận định về các tác giả VCVHĐ, nhất thiết phải hiểu đời sống của họ trong đời sống văn chương, báo chí từ 1930 đến 1942. Lưu Trọng Lư sinh năm 1912, năm 1932 đã cùng một số người khởi xướng phong trào “Thơ mới”, và sớm nổi tiếng trên văn đàn, không chỉ về thơ mà còn bởi nhiều dịch phẩm, tiểu luận rất nhiệt thành về văn chương – nghệ thuật. Đương thời, Lê Tràng Kiều đã coi ông là nhà thơ đầu tiên gieo hạt giống “Thơ mới” trên đất Bắc,“một tâm hồn đầy âm nhạc, đầy mộng ảnh…” Lê Tràng Kiều sinh năm 1912, viết báo từ năm 1931, được chú ý nhiều từ những bài tiểu luận về văn chương trên Văn Học Tạp chí của Dương Tụ Quán và Dương Quảng Hàm. Đầu năm 1935 ông làm chủ nhiệm báo Tân thiếu niên, cuối 1935 là chủ nhiệm báo Tiến Hóa. Đầu năm 1936, là chủ bút tờ Hà Nội báo, Lê Tràng Kiều rất nổi tiếng với loạt bài khẳng định sự thành công mang tính lịch sử của “Thơ mới”, tham gia tranh luận bảo vệ giá trị của Truyện Kiều; càng nổi tiếng với những tiểu luận theo khuynh hướng Vị nghệ thuật, tranh luận với bên Vị nhân sinh(2). Hoài Thanh sinh năm 1909, năm 1930 bắt đầu viết báo. Từ năm 1931 vừa làm nghề sửa bản in cho nhà in Đắc Lập ở Huế vừa viết bài cộng tác với báo chí. Có thời gian ông làm trợ bút cho Phan Khôi ở báo Tràng An, Huế. Năm 1935, 1936 Hoài Thanh được dư luận chú ý nhiều khi viết các bài với khuynh hướng Vị nghệ thuật tranh luận với các tác giả có khuynh hướng Vị nhân sinh(3). Ba nhà văn này đã nảy nở một tình bạn văn chương, vào năm 1936, họ tiến tới hợp lực viết tác phẩm VCVHĐ. Là bạn đồng chí hướng, tất nhiên cuộc hợp sức hợp tài của ba người là tự nguyện, hơn thế, là chung một lý tưởng sống. Ba ông dốc lòng sáng tác. Đến khâu cuối cùng, “Lê Tràng Kiều hoàn thiện tất cả rồi đưa xuất bản tại Hà Nội”, (nghĩa là Lê Tràng Kiều vừa là người chấp bút, vừa là một tổng tài!). Khi tác phẩm VCVHĐ ra đời, lập tức trở thành một hiện tượng khá đặc biệt về văn chương lý luận của Việt Nam ta nửa đầu thế kỷ XX!

Quả thực, tôi đã rất bất ngờ khi thấy Nguyễn Ngọc Thiện khai thác việc nhà văn Hoài Thanh đem 4 bài tiểu luận trong VCVHĐ ra in trên báo chí khác chỉ một mình Hoài Thanh đứng tên, để tôn vinh Hoài Thanh lên trên Lê Tràng Kiều và Lưu Trọng Lư. Khi Nguyễn Ngọc Thiện nghiên cứu VCVHĐ, là lúc tôi đang tìm hiểu kỹ về con người và tác phẩm của Lê Tràng Kiều, nên phải đọc lại nhiều thư tịch cũ, trong đó có tạp chí Tao Đàn. Thưa thực với nhà văn Nguyễn Ngọc Thiện cùng bạn đọc quan tâm, tôi thấy thật bẽ bàng về việc Hoài Thanh chỉ ký mỗi tên mình là tác giả trên 4 bài tiểu luận đó… Nhưng còn Nguyễn Ngọc Thiện, anh nghĩ thế nào về một tình bạn văn chương như thế, một người tự tách bầy theo cách ấy? Có nên kể lể việc bốn bài tiểu luận trong VCVHĐ Hoài Thanh đem in lên báo chí khác như vậy? Đó là một việc đáng quên đi, sao còn lôi ra và coi như một thành tích trong nghiên cứu (!). Đôi lúc tôi đã tự hỏi, mục đích nghiên cứu của Nguyễn Ngọc Thiện là gì?… Chưa dừng lại. Một trong bốn bài sau này Hoài Thanh đem in và đứng tên tác giả, là tiểu luận Nội dung và hình thức, khi xuất hiện trên tạp chí Tao Đàn số 6 năm 1939 với cái tên Thế nào là nội dung và hình thức của một tác phẩm văn chương. Bản gốc in trong VCVHĐ năm 1936, trang 50, dòng 6 trên xuống, bài Nội dung và hình thức có chú thích (1): “Chúng tôi bực mình vì đã nhắc đến Truyện Kiều một lần rồi, bây giờ lại phải nhắc đến một lần nữa…” Trong VCVHĐ do Nxb. Hội Nhà văn tái bản năm 1999, Nguyễn Ngọc Thiện đã chú thêm dưới bài Nội dung và hình thức: “Bài này đăng lại trên Tao Đàn số 6 – 1939, dưới nhan đề Thế nào là nội dung và hình thức của một tác phẩm văn chương, ký tên Hoài Thanh”. Một “cái ý” Nguyễn Ngọc Thiện “nghiên cứu được” chỉ có thể công bố vào một bài viết nào đó của mình, anh lại đem in cài vào dưới văn bản gốc mà tiền nhân đã xuất bản hơn sáu mươi năm trước và đã rất nổi tiếng(!). Làm cái việc phi khoa học như thế, để làm gì? Chưa hết, đến tập khảo luận Tranh luận văn nghệ thế kỷ XX, Nguyễn Ngọc Thiện và Cao Kim Lan sưu tầm, Nxb. Lao Động ấn hành năm 2002, in bài Nội dung và hình thức ghi Hoài Thanh là tác giả, và cũng bỏ luôn chú thích (1) trong bản gốc, lại bỏ cả cái tên bài mà Hoài Thanh dùng in trên Tao Đàn(!). Có thể nói, ở đây có sự cố ý từng bước làm sai lệch văn bản gốc(4), là một lỗi rất nặng trong học thuật. Vậy mà trong bài viết VCTL… Nguyễn Ngọc Thiện còn tự khen mình: “Cho đến hôm nay, sau mười lăm năm, chúng tôi quan sát trong ngành xuất bản nhận thấy chưa có ai làm sách tái bản công phu, được thể hiện thành công như chúng tôi…”(!).

*

Viết bài tiểu luận Ý nghĩa một đời người, tôi đã nghĩ nhà văn Nguyễn Ngọc Thiện sẽ đọc và hy vọng anh điều chỉnh cách hành xử với nhà văn Lê Tràng Kiều. Nhưng tôi đã thất vọng. Anh viết ngay bài Về các tiểu luận cho là của Lê Tràng Kiều trong VCVHĐ, để trao đổi với tôi. Nhưng, qua nội dung bài viết thì thấy anh chỉ nhằm ứng xử với nhà văn Lê Tràng Kiều, và cách ứng xử của anh vẫn như cũ. Ngay đầu bài VCTL… anh đã coi như không cần để ý gì đến Lưu Trọng Lư, mà nêu vấn đề chỉ cần nghiên cứu để tìm cho ra, Lê Tràng Kiều hay Hoài Thanh là tác giả chủ chốt của VCVHĐ (mặc dù từ mười lăm năm trước anh đã khẳng định Hoài Thanh là người có thẩm quyền cao nhất về bản quyền rồi). Anh còn làm cái việc khảo chứng, tìm ra một số chữ của Hoài Thanh viết trên báo Tràng An đã xuất hiện ở một bài tiểu luận trong VCVHĐ, rồi coi cả bài tiểu luận đó là do Hoài Thanh viết, chứ không phải là Lê Tràng Kiều viết. Có lẽ, do mục đích gắt gao quá, anh quên mất một lẽ đương nhiên trong đời là, khi người ta đồng chí hướng và hòa đồng với nhau để cùng viết một tác phẩm, thì mỗi cá nhân đều đem vào công việc sáng tạo chung cả lý tưởng văn chương, những kinh nghiệm nếm trải trường đời, vốn liếng ngôn từ, cho đến khả năng văn học… Nếu Nguyễn Ngọc Thiện thấy vài ba câu chữ của Hoài Thanh trong VCVHĐ, đó là điều rất thường tình. Sao anh không tự hỏi, vô vàn câu chữ khác trong VCVHĐ của ai, từng có trong văn bản nào trước của tác giả nào?… Đến nay, tôi không hiểu động cơ nào khiến Nguyễn Ngọc Thiện lại thêm một lần nữa làm tổn thương đến những người khả kính như nhà văn Lê Tràng Kiều và nhà thơ Lưu Trọng Lư? Động cơ này, chỉ một mình anh biết!

Nguyễn Ngọc Thiện tìm hết cách khảo chứng một vài câu chữ trong một bài báo của Hoài Thanh để đòi hỏi bản quyền cho ông ở một tập tác phẩm mà người đời hơn bảy mươi năm nay đã coi ông cùng Lê Tràng Kiều và Lưu Trọng Lư là tác giả tác phẩm đó. Đòi phần quyền lợi cho người đã có quyền lợi đó, đúng là anh vẫn cố làm cái việc đấm bị bông. Tôi đồng thuận với anh rằng, việc khảo chứng câu chữ để làm minh bạch về bản quyền văn chương là rất cần thiết, vậy tôi cũng nêu một việc thấy cần khảo. Nhưng đây là khảo chứng về hai văn bản của hai tác giả khác nhau; không phải chuyện ngờ nghệch là khảo chứng hai văn bản của một tác giả để phân định nửa này hay nửa kia tác giả đã tạo nên nó:

Đoạn văn 1: “Ba năm qua…/ Với thi ca, văn học ta đã bước một bước dài. Một sự may mắn không ngờ! Chỉ trong vòng ba năm mà lần lượt đua nhau xuất hiện ra bao nhiêu tác phẩm có giá trị mà trong dĩ vãng rất bằng phẳng mấy ngàn năm chỉ lơ thơ một vài cái./ Từ bao giờ đến bây giờ, người ta đã có mấy lần một tâm hồn/ – hùng tráng như Huy Thông, – dồi dào như Thế Lữ, – huyền diệu như Thái Can, – âm thầm như Đông Hồ, – mơ màng như Leiba, – buồn não như Nguyễn Vỹ/ và một tâm hồn đầy âm nhạc đầy mộng ảnh như Lưu Trọng Lư??/ Ba năm qua…/ Mà như một thế kỷ đã qua!”
(Lê Tràng Kiều:Thơ mới, Hà Nội Báo số 14, 8 April 1936).

Đoạn văn 2: “Tôi quyết rằng trong lịch sử thi ca Việt Nam chưa bao giờ có một thời đại phong phú như thời đại này. Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kỳ dị như Chế Lan Viên, và thiết tha rạo rực như Xuân Diệu”.
(Hoài Thanh, Hoài Chân:Thi nhân Việt Nam 1932- 1941, theo bản in do Nguyễn Đức Phiên xuất bản tại Huế năm 1942).

Chỉ đọc, không cần biện luận gì nhiều cũng thấy sự tương đồng về nhận định và về cấu tạo câu văn của hai đoạn văn, một của Lê Tràng Kiều, in năm 1936, một là Hoài Thanh in năm 1942. Trong đoạn văn của Hoài Thanh có cả ý tưởng (nhận định) lẫn cấu tứ (cấu tạo câu văn) của Lê Tràng Kiều. Ông “dùng nó” một cách có sửa chỉnh, nhưng rõ ràng đã không thông tin về việc “dùng nó” từ nguồn nào, đã không hề ghi chú, không đặt trong ngoặc kép hay ngoặc đơn, mặc nhiên để người đọc từ đó đến nay (trên bảy mươi năm) đinh ninh tin rằng đó là sản phẩm tư tưởng và ngôn ngữ của mình(5). Nếu khảo chứng để phân định bản quyền thuộc về ai, sẽ phải nghiêm khắc hơn. Trong tiểu luận Ý nghĩa một đời người, viết về những người khả kính đã qua đời nên tôi chỉ coi đó là việc Hoài Thanh thừa kế trí tuệ, tư tưởng và xúc cảm thẩm mỹ của một người bạn ngay từ năm 1942, khi Lê Tràng Kiều còn sống thêm 35 năm trời nữa!

Viết thêm bài tiểu luận này, vẫn là những gì liên quan đến Lê Tràng Kiều, tôi mong anh Nguyễn Ngọc Thiện có thể hiểu, việc chúng ta làm, nếu có liên quan đến ông, thì cũng chỉ là làm cho chúng ta thôi. Lê Tràng Kiều đâu còn cảm thấy gì về những ứng xử nơi trần thế!… Khép lại bài viết, tôi muốn tâm sự với Nguyễn Ngọc Thiện rằng, nếu làm các việc khảo chứng mà không trân trọng văn bản gốc, nghiên cứu mà không nghiêm cẩn và khách quan, sẽ dễ dẫn đến việc khiến hậu thế có thể chỉ được tiếp nhận di sản của quá khứ một cách thiên lệch, méo mó!

Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội tháng 5/2014
A.C

(SH306/08-14)

—————
(1) VCVHĐ có phần tiếp theo là Phụ lục. Chính cái tên Phụ lục mà các tác giả đặt đã cho thấy,  đó không phải là sáng tạo văn chương, mà chỉ là để tham khảo thêm. Và tôi cũng nghĩ, đó là những thông tin cho người đọc tham khảo.
(2) Sau sự kiện VCVHĐ, Hà Nội báo bị đình bản, Lê Tràng Kiều lại chủ trì báo Tiểu thuyết Thứ năm. Từ 1940 trở đi ông vào miền Nam, là chủ bút của nhiều tờ báo yêu nước và ủng hộ kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, bà con miền Nam thân mật gọi Lê Tràng Kiều và các bạn ông là Nhóm ký giả kháng chiến.
(3) Trong kháng chiến chống Pháp, Hoài Thanh dứt khoát từ bỏ khuynh hướng Nghệ thuật vị  nghệ thuật, từ đó tận tâm với khuynh hướng phục vụ công nông binh. Ông trở thành Viện trưởng Viện Văn học, có được nhiều thành đạt và danh vọng cao trong đời sống văn chương Việt Nam.
(4) Khi tái bản VCVHĐ, bìa 4 chỉ in mỗi ảnh Hoài Thanh, không có ảnh Lê Tràng Kiều, cũng  không có cả ảnh Lưu Trọng Lư. Nguyễn Ngọc Thiện làm thế chẳng phải để lái người đọc theo hướng: Hoài Thanh là người có thẩm quyền cao nhất đối với bản quyền bài vở của VCVHĐ sao?!
(5) Xin tham khảo thêm báo Văn Nghệ trẻ số 39, năm 2004.

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder