Chủ nhật, ngày 25 tháng 4 năm 1920, sau hơn một tháng miệt mài tập luyện, với tất cả những khó khăn về sự phiên dịch kịch bản, lựa chọn diễn viên, bài trí sân khấu, diễn xuất, đạo cụ…Hội Khai trí Tiến Đức đã cho trình diễn ra mắt vở hài kịch “Bệnh tưởng” (Le malade imaginaire) của Moliére do Nguyễn Văn Vĩnh dịch,
Nam Phong tạp chí do Louis Marty sáng lập và chủ nhiệm kiêm chủ bút là Phạm Quỳnh tồn tại trong hơn 17 năm, từ tháng 7/1917 đến tháng 12/1934(1). Với chủ trương “thổ nạp Á-Âu, điều hòa tân cựu” và với mục đích “truyền bá các khoa học tư tưởng của Thái Tây, nhất là học thuật tư tưởng Đại Pháp”, tạp chí Nam Phong một mặt làm sống dậy nền văn chương cổ điển của dân tộc Việt Nam; mặt khác, tiếp thu và “nhập tịch” nhiều thể loại văn học mới từ phương Tây, đặc biệt là từ nền văn học Pháp để hiện đại hóa nền văn học Việt Nam, trong đó có thể loại kịch.
Chủ nhật, ngày 25 tháng 4 năm 1920, sau hơn một tháng miệt mài tập luyện, với tất cả những khó khăn về sự phiên dịch kịch bản, lựa chọn diễn viên, bài trí sân khấu, diễn xuất, đạo cụ…Hội Khai trí Tiến Đức đã cho trình diễn ra mắt vở hài kịch “Bệnh tưởng” (Le malade imaginaire) của Moliére do Nguyễn Văn Vĩnh dịch, đăng trên Đông Dương tạp chí ba bốn năm trước. Đây là vở kịch nói hiện đại đầu tiên, “tân kịch” được trình diễn trên sân khấu nước ta. Ngay sau buổi diễn, Phạm Quỳnh đã viết bài giới thiệu trên Nam Phong tạp chí số 34 (tháng 4/1920), với tựa đề “Một sự thí nghiệm đã nên công”, cho rằng ngày diễn này là “một ngày quan trọng” có ảnh hưởng “to lớn lắm” đối với nghề “diễn kịch” và quốc văn của nước Việt Nam. Vở diễn “đại thành công”, dư luận tán thưởng, khen ngợi, “không ngờ rằng người An-nam diễn tuồng tây được hệt, được khéo như vậy!”. Hệ quả, nhiều người yêu cầu nên “soạn ngay vở tuồng mới, mở ra một rạp hát mới và ra tay cải lương nghề diễn kịch ta tức thì”. Tuy nhiên, ông Phạm Quỳnh là một người thận trọng, đã nêu ý kiến như sau: “Trước khi cổ động việc soạn kịch mới, hẵng nên nghiên cứu cho thâm các vở kịch đã nổi tiếng trong “cổ bản” Pháp, và ai có tài riêng nên dụng công dịch ra tiếng ta cho quốc dân được thưởng giám”. Từ ý kiến này, sau đó đã có nhiều vở kịch cổ điển Pháp đã được dịch đăng trên Nam Phong tạp chí, không những chỉ để cho quốc dân nước ta được “thưởng lãm”, mà qua đó còn gợi ý rất nhiều cho các nhà soạn kịch nước ta thời đó bắt chước để viết kịch bản.
Tiếp đến số 35 (tháng 5/1920), Phạm Quỳnh lại viết bài “Lịch sử nghề diễn kịch ở nước Pháp”, giới thiệu về hài kịch của Moliére – “tị tổ của lối hí kịch”. Ông cho rằng, “Văn nghiệp của ông Moliére là một cái sự nghiệp “khách quan” và “vô ngã” (oeuvre objective et impersonnelle)”. Nghĩa là văn chương của Moliére không phải là tả cái sự nghiệp của ông, ít có cái quan hệ với bản thân ông, ông không vị mình, không dành cho mình. Vì cuộc đời của Moliére có quá nhiều đau khổ mà “ông được thấu hết thế thái nhân tình, rõ những thói điên cuồng, dồ dại, bỉ tiện, xấu xa của loài người”. Phạm Quỳnh còn nói đến cái “tài quan sát nhân tâm phong tục trác tuyệt”, “khéo tả cái đặc tính của các hạng người trong xã hội” trong sáng tác của Moliére. Những điều này là rất cần thiết đối với các nhà viết kịch của nước ta ở vào giai đoạn khởi thủy của thể loại kịch nói hiện đại nước nhà.
Tuy nhiên, vấn đề đã không thuận chiều, cũng trong NPTC số 35 này, có bài viết phản đối việc “nhập tịch” thể loại kịch Pháp vào nước ta. Người phản đối là tác giả Nam Minh, cho rằng: “Người ta ai cũng vậy, thấy cái hay thì khó theo, chớ cái dở thì dễ bắt chước, thế mà trong tấn hài kịch chỉ trông thấy những việc càn, nghe thấy những sự bậy, phô bày ra hết những cách lừa đảo hợm hĩnh thì tài nào mà không quen tập nhiễm những điều càn bậy ấy?” ( “Mấy lời bình luận về cuộc diễn kịch của Hội “Khai trí Tiến Đức”). Nhất là tác giả quy kết, cho rằng kịch đã làm phương hại đến đạo đức, phong hóa của xã hội: “Buồn thay cho luân thường đạo lý gặp lúc trái mùa, sắp từ giã đất Việt Nam này mà để cho lòng người sám như chì, đen như mực! cho đầu lưỡi sắc như gươm, độc như nọc rắn!”. Người viết bài bình luận này tư tưởng xem vậy có phần bảo thủ, nên đã phản đối việc đưa kịch Pháp vào sân khấu nước ta. Ông chủ bút Phạm Quỳnh đã sắc sảo phản bác lại bằng những dòng chú thích ở cuối mỗi trang bài viết của ông Nam Minh như sau: “Phô bày những cái dở cái càn là làm cho nó buồn cười khả ố, há phải là dạy cho bắt chước sao? Cười là một cách châm biếm. Một sự làm cho người ta buồn cười, là một sự khiến cho người ta kiêng kị rồi. Nhà triết học H. Bergson nói rằng sự cười cũng là một cách trừng trị của xã hội nghĩa là thế”. Ông còn nhấn mạnh và khẳng định thêm vai trò, tác dụng của kịch: “Bài bác được sự dở, tưởng cũng là một cái công to rồi. Hí kịch mà làm được công đó thời cũng không phải là vô ích. Nhưng bài bác sự dở, tức là khiến cho người ta yêu mến điều hay. Ông Chu Tử có câu rằng: “Trong trời đất có một thiện một ác, không thiện thời ác, không ác thời thiện, trừ ác thời thiện lộ ra, trừ thiện thì ác bày ra. Nếu diễn kịch làm được cho người ta ghét sự dở, thời cũng là gần khiến được người ta mến sự hay vậy”. Không những thế, trong bài viết này Phạm Quỳnh còn bàn nhiều đến việc sáng tác kịch bản: “Nhà soạn kịch phải diễn thế nào cho cái “kịch” ấy xuất hiện ra hiển nhiên như thực, hình như chung đúc cả sự sinh hoạt một đời vào trong một lúc đó, khiến cho cái “kịch” ấy nên được kịch liệt, mà người xem phải cảm động. Sự cảm động tức là cái hiệu quả của nghề diễn kịch: bài kịch mà cảm động được người ta nhiều ấy là bài kịch hay”(“Mấy câu trả lời bài lai cảo trên”). Ông khẳng định: “Đời xưa đời nay người ta vẫn coi diễn kịch là một cái lợi khí để giáo dục cho công chúng… Lắm bản kịch còn lưu lại như cái gương về thế sự lồng lộng vằng vặc, soi vào đấy mà rõ được cái chân tướng của người đời”. Có thể nói, mặc dù có những ý kiến phản đối, trái chiều, nhưng Phạm Quỳnh vẫn cổ súy và bảo vệ cho sự “nhập tịch” của kịch phương Tây vào nước ta ngay từ những năm 20 của thế kỷ trước.
Qua buổi trình diễn và những bài viết của Phạm Quỳnh trên tạp chí Nam Phong, từ đó người Việt ta đã bước đầu tiếp cận được với thể loại kịch Pháp vốn còn quá xa lạ với họ. Rồi như để quảng bá sâu rộng và muốn làm cho công chúng Việt Nam am hiểu sâu sắc hơn về thể loại kịch mới, “tân kịch”, khoảng một năm sau, Nam Phong tạp chí số 51 (tháng 9/1921) Thượng Chi (Phạm Quỳnh) đã viết bài tiểu luận dài 11 trang tạp chí “Khảo về diễn kịch”, trình bày khá chi tiết về thể loại kịch. Trong bài viết, tác giả trình bày khái niệm về thể loại kịch, cách lập ý, bố cục, thể hiện ngôn từ của kịch như thế nào và các thể loại bi kịch, hài kịch… Khái niệm về kịch, Phạm Quỳnh viết: “Diễn kịch tiếng Pháp là drame (genre dramatique), do chữ Hy-lạp mà ra, nghĩa đen là “hoạt động”. Diễn kịch là một lối văn chương bày diễn ra một việc gì hoặc có thực, hoặc đặt ra, bằng những vai người hành động và nói năng hiển nhiên như thực. Diễn kịch có ba lối chính: một là bi kịch (tragédie), hai là hí kịch (comedie), ba là nhạc kịch (opéra). Ông cho rằng: “Những vai trong kịch phải hành động nói năng hiển nhiên như thực”, vì “diễn kịch cốt là phải mô phỏng cho hệt như sự thực ở đời”. Về nhân vật, theo Phạm Quỳnh, “trong một bài kịch bao giờ cũng phải có một vai chính, các vai khác là phụ vào cho nổi vai chính lên; cái tính cách người đứng vai chính phải vẽ ra cho rõ rệt, và cả bài kịch chỉ là phát-siển cái tính cách ấy ra mà thôi”. Nghĩa là nhân vật chính trong kịch phải được “điển hình hóa” cao độ. Còn nói về bố cục, “Một bài kịch phải chia ra hồi (actes), hồi chia ra kịch (scèns). Mỗi hồi là một đoạn lớn trong bài kịch; còn các kịch là các phần trong một hồi”. Ngày nay, mỗi “hồi” ta gọi là mỗi “cảnh”. Việc tác giả bài viết dẫn giải ra như thế là rất cần thiết, bởi trước đây trên sân khấu truyền thống, chúng ta chỉ có tuồng, chèo hoặc cải lương. Trong công chúng nước ta ở thời kỳ đầu thế kỷ XX, sự nhận thức về “tân kịch” không phải ai cũng đã am tường, thấu hiểu. Những chỉ dẫn này sẽ giúp cho việc thưởng thức “tân kịch” của các khán giả chắc chắn sẽ thú vị hơn rất nhiều! Không chỉ có thế, trong kịch, chỗ gây tâm lý hứng thú cho người xem chính là những xung đột kịch. Phạm Quỳnh viết: “Trong bản kịch cũng như trong tiểu thuyết, cốt yếu là chỗ “thắt nút” (noeud dramatique), nghĩa là dấu cả những sự khó khăn ngăn trở và một chỗ, để rồi gỡ ra dần dần”. Còn như về ngôn ngữ nhân vật, đây là yếu tố quan trong nhất của kịch, tác giả cho rằng ngôn ngữ đối thoại “phải tự nhiên như nói chuyện thường, phải liên tiếp cho thành câu chuyện, phải hoạt bát mới có lý thú, lại phải cắt khúc cho khéo, không nên để một người nói dài quá như diễn thuyết”. Đặc biệt, “trong diễn kịch thời tác giả không được xuất lộ ra một chút nào, hình như đã sáp nhập mình vào các vai trong chuyện rồi”. Như thế là, qua mấy trang viết của bài báo, những khái niệm cơ bản về “tân kịch” Phạm Quỳnh đã định hướng cho những nhà viết kịch và công chúng nước ta nhận thức được khá rõ những vấn đề chủ đạo của kịch mới. Ông đã “lược khảo” khá đầy đủ về lý thuyết kịch bản để mọi người được biết về kịch mới là như thế nào.
Tiếp đến Nam Phong tạp chí số 67 (tháng 1/1923), Phạm Quỳnh viết thêm “Một bài kịch mới bằng chữ Pháp”, giới thiệu với công chúng bạn đọc Việt Nam vở “Kha-luân-bố võ sĩ” (Le chevalier de Colomb), viết bằng thể thơ, gồm 3 hồi, của Prancois Porche, diễn ở nhà Đại Pháp hí trường (commedie Franceise), Paris, ngày 20/10/1923. Mục đích của Phạm Quỳnh trong bài báo này là nhằm giúp các nhà văn Việt Nam thời đó “lấy những cái mẫu đẹp của nước Pháp mà bắt chước để cải lương nghề diễn kịch” của Việt Nam. Về kịch bản, Phạm Quỳnh cũng đã dịch và cho đăng trên Nam Phong tạp chí từ số 38 đến số 39 (tháng 8 và 9 năm 1920) vở bi kịch “Lôi-xích” (Le Cid) của Corneille, “một bản kịch hay nhất và có tiếng nhất trong văn chương nước Pháp”. Tiếp đến các số 73, 74, 75 (tháng 7, 8, 9 năm 1923), Nam Phong tạp chí lại cho đăng vở “Hòa-lạc” (Herace) cũng của Corneille, nhằm “giới thiệu lối cổ kịch nước Pháp cho quốc dân” nước Nam biết về “kết cấu lối tuồng cổ bên Tây thế nào”.
Rõ ràng, Nam Phong tạp chí và Phạm Quỳnh, bằng vào việc viết các bài giới thiệu về thể loại kịch và dịch đăng những vở kịch đặc sắc trong văn chương Pháp, đã đóng vai trò là một nhịp cầu nối giữa văn hóa-văn học-nghệ thuật của Pháp với văn hóa-văn học-nghệ thuật của Việt Nam ngay từ những năm 20 của thế kỷ XX. Từ đó, Nam Phong tạp chí và Phạm Quỳnh đã góp phần quan trọng đưa nền văn học-nghệ thuật của Việt Nam hòa nhập với nền văn học-nghệ thuật hiện đại của thế giới, nhất là của văn học-nghệ thuật Pháp. Nam Phong tạp chí và Phạm Quỳnh đã đóng vai trò “bà đỡ” trên cả hai phương diện: lược khảo lý thuyết và thực hành dịch kịch bản, nhằm “nhập tịch” thể loại kịch của Pháp vào Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung,(2) để từ đây trên sân khấu nước ta từ đó có sự hiện diện của một thể loại văn học-nghệ thuật mới, thể loại kịch hiện đại, “tân kịch”, có nguồn gốc từ phương Tây.
N.Đ.T
……………………………………………………………….
1) Nam Phong tạp chí, Văn học-Khoa học tạp chí, Đông Kinh ấn quán, Imprimerie tonkinoise 14-16, ru du Coton, Hanoi (từ tháng 7/1917 đến tháng 12/1934).
2) Xem Nguyễn Đức Thuận, Văn trên Nam Phong tạp chí (chuyên luận), VH, 2008.