Tổng biên tập tạp chí Sông Lam, chủ tịch Hội VHNT Nghệ An khi trả lời phỏng vấn báo điện tử Tổ Quốc về nhận định văn học khu vực và tiêu chí bầu đại biểu tham dự Đại hội Nhà văn lần thứ IX.
PV: Được biết, Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX là Đại hội đại biểu. Điều này có nghĩa là, ngay từ các đại hội cơ sở sẽ bầu các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc. Nhiều người khá tò mò, không biết trước khi bầu đại biểu tham dự Đại hội toàn quốc liệu có tiêu chí nào được đưa ra không, hay hoàn toàn dựa vào “cảm tính” của nhà văn, nhà thơ?
– Tôi chưa nghe nói gì về Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 9, nên cũng không rõ về tiêu chí bầu đại biểu dự Đại hội. Tuy nhiên, theo tôi, dù có tiêu chí gì thì “cảm tính” của mỗi người vẫn là cái có thật và mang tính quyết định. Lá phiếu là của tôi, vậy tôi sẽ thêm các tiêu chí của tôi.
PV: Bản thân nhà văn thì sẽ lựa chọn và bỏ phiếu cho những người có tiêu chí như thế nào để họ tham dự Đại hội đại biểu?
– Tôi sẽ chọn người mà tôi và bạn bè trong giới văn chương cho là tử tế, đàng hoàng- là người không “chơi” xấu (người Nghệ gọi là “nhởi nhớp”). Với bất cứ ai, dù hoàn cảnh nào, anh chơi xấu thì không đáng gọi là nhà văn! Văn tài thì có thể kẻ ít người nhiều – phần trời cho, và phần lao động; cái đọc, cái cảm ở mỗi người cũng khác nhau. Dẫu sao cũng phải là người “có tác phẩm” tức là có cái gì. Vài “cái viết” là biết thôi. Nhưng tôi cũng không quá đặt nặng tiêu chí này. Chỉ sợ nhất kẻ bất tài mà lại lưu manh. Chẳng gì họ không dám làm!
PV: Từng tham dự những kỳ đại hội khu vực để bỏ phiếu bầu đại biểu tham dự Đại hội toàn quốc, nhà văn có chứng kiến trường hợp nào “khó xử” không? Hoặc nhà văn có ý kiến gì?
– Vì số lượng đại biểu được chọn là có hạn, nên khó tránh khỏi những trường hợp đáng tiếc. Không ai muốn như vậy. Một số người không được đại hội khu vực bầu, nhưng được đặc cách – bản thân họ có thể cũng thấy không thoải mái khi đi dự Đại hội. Số “đặc cách” – không hiểu sao có những kỳ không hề ít! Tại sao không cho tăng chỉ tiêu số lượng để đại hội khu vực bầu? Số đặc cách, theo tôi, có thể có nhưng ít thôi, là những người thật sự xứng đáng nhưng vì lí do nào đó, hoặc do không dự Đại hội khu vực nên không được bầu. Và việc đó cần phải do Ban Thường vụ Hội quyết định, cần công khai, dân chủ. Có người, là “nhà văn Trung ương” mà không được các “nhà văn địa phương” nể phục – đó là sự thực, mà hoàn toàn không phải vì đố kỵ! Đây là điều, theo tôi, Hội Nhà văn Việt Nam cũng cần phải suy nghĩ.
PV: Nhà văn có tự bỏ phiếu cho mình không? Vì sao?
– Câu hỏi của nhà báo rất thẳng thắn. Vậy tôi cũng xin trả lời thẳng thắn: Có! Thứ nhất, là vì tôi cũng muốn đi dự Đại hội, để được gặp gỡ bạn bè. 5 năm mới có một dịp thế này. Cái tình trong giới văn nghệ là quý hơn cả.
Thứ hai, là vì tôi cũng thấy mình xứng đáng! (cũng tử tế, và cũng có cái để bạn bè đọc).
Nếu mình không tự thấy mình xứng đáng thì có ai tin mình xứng đáng, trước hết là ở sự tử tế! Làng văn là làng lớn. Ai thế nào, “dân làng” biết cả đấy. Khẩu phật, tâm xà thì chỉ lừa được những ai kém cỏi thôi. Thực sự là nhà văn có tầm – không ai lừa nổi anh ta. Còn nếu anh ta kém thì bị lừa cũng đáng. Đọc văn biết ngay mà! Như thể ông thầy giáo đứng trước học trò, hay-dở gì, chỉ cần một tiết dạy là biết. Trong văn chương, có thể chưa gặp bao giờ, thậm chí chưa được đọc gì nhiều của người nào đó, nhưng vẫn biết về người ấy – qua bạn bè. Các nhà văn rất tin bạn bè và nó lan toả; thành ra có khi chưa gặp bao giờ, nhưng rất quý, rất trọng nhau.
PV: Nói về văn học địa phương hoặc văn học khu vực của nhà văn thì bản thân nhà văn thấy còn có những vấn đề gì cần được khắc phục, xem xét?
– Khu vực (Bắc miền Trung) thì tôi không được đọc nhiều nên không dám lạm bàn. Văn học Nghệ An, nếu chỉ nhìn vào các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam sống tại Nghệ An, không khí đang có chút trầm lắng. Không phải vì số lượng ít. Trên 10 hội viên tại chỗ (không kể gần trăm hội viên có quê Nghệ An sống khắp nơi), là nhiều so với cả nước. Tuy nhiên, chưa có cái sôi động, trẻ trung, cái không khí đổi mới, tranh luận thảo luận về nghề. Nhà thơ Bùi Sĩ Hoa, (Chi hội trưởng) vừa Đại hội khu vực xong thì chuyển công tác ra Hà Nội, và đi một mạch. Chẳng thấy ai triệu tập họp hành bầu bán gì, đột nhiên thấy có quyết định của Chủ tịch Hội Nhà văn bổ sung uỷ viên BCH cho Chi hội, cử chi hội trưởng. Gần một nhiệm kỳ, từ Đại hội đến hôm nay, Chi hội họp có một cuộc, bàn cái chuyện ra tạp chí (nhiệm kỳ trước đã có), mà mấy tháng rồi vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Rất may là các nhà văn, nhà thơ chưa phải hội viên (Hội Nhà văn Việt Nam) ở Nghệ An khá đông đảo, chịu khó viết, và đã có những đóng góp đáng kể để góp phần làm nên diện mạo văn chương hôm nay ở Nghệ An.
Cái cần khắc phục nhất, có lẽ là sự “thương nhau”!
PV: Nếu như đã bầu được các nhà văn đại diện cho khu vực của mình tham dự đại hội đại biểu thì nhà văn sẽ hi vọng vấn đề nào của văn học địa phương, hoặc khu vực mình được đem ra bàn thảo tới Đại hội trung ương?
– Theo tôi, văn học Bắc miền Trung – về đội ngũ có thể nói rất giàu tiềm năng, nhưng chưa bứt phá được, gần như ai nấy tự mình “cày cuốc”, và tác phẩm rất khó đến với công chúng. Nó như còn thiếu một cú hích, thiếu đầu máy cái, cả thiếu sự quan tâm của Hội Nhà văn Việt Nam.
PV: Nhà văn mong muốn điều gì ở Đại hội Nhà văn lần thứ IX diễn ra năm 2015?
– Đại hội nào cũng cần có sự đổi mới; nếu không thì sẽ chỉ là cuộc “giao lưu” có vui vẻ và có đôi cãi vã, rồi xong xuôi ai về nhà nấy, và mọi chuyện vẫn như cũ. Mà muốn thật sự có đổi mới thì BCH khoá VIII cần dũng cảm, nhìn nhận đánh giá thật thẳng thắn. Còn các đại biểu thì cần có trách nhiệm trong việc chọn lựa người đại diện cho mình, chứ không làm ào ào cho xong việc. Tôi nhớ đại hội trước là nhớ câu chuyện “Quạ và công” (quạ vẽ cho công thì cầu kỳ, tỉa tót; đến lượt công vẽ cho quạ thì… hết giờ! Thế là quạ đen như bây giờ ta biết).
* Cảm ơn nhà văn!
H. N.