Văn học địa phương đang hoạt động thế nào?

Văn học địa phương được xác định là một phần không thể thiếu trong đời sống văn học nghệ thuật nói chung. Tuy nhiên, trong dòng chảy yên bình đó vẫn thường có những “khúc quanh”, “khúc ngoặt” khiến chúng ta cần dừng lại nhìn nhận căn nguyên.

Văn học địa phương được xác định là một phần không thể thiếu trong đời sống văn học nghệ thuật nói chung. Tuy nhiên, trong dòng chảy yên bình đó vẫn thường có những “khúc quanh”, “khúc ngoặt” khiến chúng ta cần dừng lại nhìn nhận căn nguyên.

Nhìn từ các hoạt động thường niên

Nhìn chung các hoạt động văn học địa phương trong một năm bao gồm các hoạt động: Tổ chức Ngày thơ vào dịp đầu năm, tổ chức các trại sáng tác, đi thực tế, tài trợ tác phẩm, xét kết nạp hội viên, giải thưởng, ra sách, báo, tạp chí …

Điểm khác giữa các Hội văn học địa phương là căn cứ vào tình hình thực tế của mỗi nơi để triển khai cho phù hợp. Chẳng hạn, việc tổ chức Ngày thơ hàng năm ở các Hội Văn học nghệ thuật địa phương thì có nơi tổ chức vài ngày như Huế, Phú Yên, có nơi tổ chức một ngày và có nơi cùng liên kết tổ chức chung như Bạc Liêu và Sóc Trăng. Thậm chí có nơi không tổ chức như Đồng Tháp, Cà Mau, Tiền Giang. Tiền Giang chỉ hưởng ứng Ngày thơ bằng cách một buổi gặp gỡ giao lưu của một câu lạc bộ rồi có xen tiết mục đọc thơ chứ không tổ chức lớn như mọi năm. Như tỉnh Lào Cai, kết hợp trao giải cuộc thi thơ về Lào Cai thì sử dụng luôn các tác phẩm được giải, có chất lượng cho đêm thơ… Hoặc ở Huế, thì bên cạnh Ngày thơ còn có một dịp nữa thơ ca được tôn vinh tại các Festival. Trong khuôn khổ Festival sẽ có sân thơ trẻ, có viết thư pháp và thả thơ. Hay như Kon Tum dù các hoạt động văn học không có gì nổi trội hay mới mẻ hơn so với mọi năm nhưng không khí nhà văn nơi đây lại có vẻ… đìu hiu và nghe ngóng chờ… đại hội!

Tổ chức trại sáng tác và đi thực tế là hoạt động mà hầu như Hội văn học địa phương nào cũng có. Hai hoạt động này khác nhau ở chỗ; nếu đi trại sáng tác thì sau khi kết thúc trại viết người tham dự phải có tác phẩm nộp lại. Còn đi thực tế thì không bắt buộc nhà văn có tác phẩm nộp lại. Hay nói cách khác, kết thúc chuyến đi, thu lượm được thứ gì là do mỗi nhà văn. Đi thực tế vì thế cũng phong phú hơn. Ở Hội Nhà văn Hà Nội, bên cạnh việc tổ chức trại sáng tác và đi thực tế còn có các buổi sinh hoạt chuyên đề, các buổi xem phim. Trước nay, có nhiều ý kiến cho rằng thực chất của việc đi trại sáng tác và đi thực tế là đi chơi, đi tham quan du lịch của người cầm bút. Vì có đi trại thì hầu như các nhà văn, nhà thơ đã chuẩn bị tác phẩm sẵn ở nhà. Nên trại dài hay ngắn, kết thúc lúc nào là có tác phẩm lúc ấy. Còn đi thực tế thì làm sao biết được nhà văn “gặt hái” được nhiều hay ít, liệu sau này có tác phẩm được ra đời từ các chuyến thực tế này không? Nói như thế chưa thật đầy đủ. Bởi suy cho cùng, tác phẩm văn học không phải là sản phẩm được ra đời bằng những điều kiện, từ cái này, có cái này… sẽ cho ra tác phẩm tương ứng. Hơn nữa thực tế cuộc sống là cái kho dự trữ của người cầm bút không phải một chốc một lát được đem ra sử dụng ngay. Cũng có thể được sử dụng ngay hoặc sau này sẽ được nhà văn dùng đến.

Tài trợ sáng tác cũng là hoạt động văn học được các tác giả ở Hội văn học địa phương quan tâm. Tuỳ từng địa phương cũng như số lượng Hội viên, ngân sách được cấp… mà mức tài trợ các nơi khác nhau. Có hội chia ra Văn xuôi và thơ với các mức, từ 7-10 triệu và 5-7 triệu. Ở Huế có hai hình thức tài trợ là tài trợ xuất bản và tài trợ sáng tạo tác phẩm thì cả hai mức đều là 5 triệu. Ở An Giang – địa phương được đánh giá là có hoạt động văn chương khá sôi động trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long thì mỗi năm trung bình tài trợ 10 đầu sách, trong đó ưu tiên các tác giả trẻ 30%, tức khoảng được 4 đầu sách…  Tài trợ sáng tác chỉ dành cho các cây bút đã trở thành Hội viên của Hội Văn học địa phương. Tất nhiên, điều kiện đi kèm là bản thảo phải đạt chất lượng. Nếu chưa trở thành Hội viên thì không có ưu đãi này.

Báo chí Văn học nghệ thuật ở các địa phương cũng muôn hình vạn trạng. Ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thể hiện rõ là trung tâm văn học, có lực lượng tác giả hùng hậu thì ra tuần báo Người Hà Nội và Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố Hồ Chí Minh còn có website của Hội Nhà văn, tồn tại độc lập với tuần báo Văn nghệ. Hội Nhà văn Hà Nội cũng từng có website, nhưng rồi nhanh chóng chấm dứt hoạt động cũng chẳng thấy hội viên kêu thiếu, hay phàn nàn gì. Có địa phương hai tháng ra một tạp chí và nhiều địa phương là mỗi tháng ra một tạp chí văn nghệ.

Bên cạnh các hoạt động chính mang tính thường niên của các Hội văn học nghệ thuật địa phương còn có các hoạt động hướng tới các ngày lễ kỷ niệm thường gắn với sự hình thành và phát triển của tỉnh nhà, hoặc của đất nước. Các cuộc toạ đàm, các cuộc thi sáng tác văn chương, các tuyển tập văn chương… thường xuất hiện trong các dịp này.

Liệu cơm gắp mắm

Từ hoạt động văn chương ở các địa phương kể trên cho thấy rõ sự khác nhau và khá linh hoạt giữa địa phương này với địa phương khác. Tuy nhiên, qua đó cũng cho thấy một số vấn đề đã và đang tồn tại hiện nay mà các địa phương cần nhìn thẳng vào sự thật để có những thay đổi hợp lý.

Việc một số nơi ở Đồng bằng Sông Cửu Long quyết định không tổ chức Ngày thơ – một trong những hoạt động lớn diễn ra đầu năm là ví dụ đáng lưu ý. Ban đầu, có thể nhiều người sẽ xem đó là bất thường. Nhưng nếu bình tĩnh nhìn nhận thì cũng đáng suy nghĩ. Lâu nay, chúng ta luôn tự hào về một lễ hội thơ ca cùng đồng loạt diễn ra khắp trên cả nước. Chính điều này đã làm cho thơ ca trở thành lễ hội không giống, không lẫn với bất cứ lễ hội truyền thống nào. Nhưng chúng ta cũng quên rằng, công chúng và đội ngũ làm thơ ở các tỉnh thành trên cả nước là vô cùng khác nhau. Dường như chỉ ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Hải Phòng… thì nhà thơ và công chúng thơ ca mới đông đảo và có khả năng làm một lễ hội thơ.

Thực tế hiện nay, có những tỉnh thành mà Hội viên Hội nhà văn Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay, chưa kể, nếu chia tách ai thuộc lĩnh vực thơ thì còn ít nữa. Kể cả việc cộng gộp số nhà thơ thuộc Hội viên Hội văn học địa phương thì nhiều nơi cũng không thật nhiều. Chưa kể, công chúng nơi đó có thật sự thích thơ, thiết tha mặn mà với thơ không, có sẵn sàng bỏ một hai ngày để đến dự hội thơ không là điều khó kiểm chứng cụ thể lại dễ nhận nhận ra sau mỗi lần tổ chưc Ngày thơ. Cứ cho là không tính đến một con số cụ thể chi ly tỉnh thành này phải có bao nhiêu người làm thơ, bao nhiêu câu lạc bộ thơ mới được tổ chức Ngày thơ thì địa phương đó vẫn hoàn toàn làm được một Ngày thơ. Bởi thiếu nhân lực thì có thể mời ở các tỉnh bạn, liên kết các tỉnh bạn. Các tiết mục múa hát minh hoạ… có thể huy động các Hội viên, nghệ sĩ… ở tỉnh nhà cùng giúp sức. Tóm lại, nếu có một nguồn kinh phí thì bất kỳ địa phương nào cũng có thể tổ chức được một Ngày thơ, không cần tính đến công chúng thơ ca địa phương đó.

Nhưng nếu không có công chúng thơ ca, thiếu vắng công chúng thơ ca thì việc tổ chức một Ngày thơ là không thực sự cần thiết. Có thể chỉ cần 2,3 năm tổ chức một lần cũng được, tuỳ vào hoàn cảnh, nhu cầu thực tế của địa phương. Khi hỏi ý kiến tham khảo một số nhà văn, nhà thơ về Ngày thơ vừa được diễn ra tại tỉnh nhà, có không ít người thành thật chia sẻ rằng: “cảm giác như làm cho có”, còn có nhà văn thẳng thắn hơn: “Tôi thấy không chỉ cần xem lại cách tổ chức Ngày thơ mà ngay cả Hội Báo xuân của địa phương cũng nên xem lại”.

Một vấn đề nữa mà Hội viên ở Hội văn học địa phương đề cập đến là việc tài trợ tác phẩm. Với một mức tiền có hạn hàng năm được cấp cho các Hội Văn học nghệ thuật địa phương tưởng rằng đó là nguồn kinh phí… luôn thiếu vì nhu cầu in ấn của Hội viên cao. Thế nhưng thực tế lại nhiều nơi… thừa!. Thừa vì những bản thảo chất lượng, thuộc diện được tài trợ luôn thiếu. Còn những bản thảo khó được chấp nhận tài trợ thì luôn nhiều. Hay những Hội viên nào viết đều tay, hay ra tác phẩm, chất lượng cũng ổn định khiến cho vị đứng đầu Hội văn nghệ lúng túng. Không lẽ cứ quay đi quay lại chỉ có vài người này nhận được tài trợ sáng tác. Và để không mất lòng ai, thường các Hội có tâm lý “để dành” suất cho người khác, người chưa được. Nhưng khốn nỗi, người khác, người chưa được ấy cứ chờ mãi chờ mãi mà chất lượng bản thảo hoặc là không có, hoặc là… chưa đạt để có thể tài trợ. Thế nên mới có chuyện kinh phí tài trợ sáng tác thừa.

Về điểm này, có lẽ các Hội Văn học địa phương cũng nên rõ ràng hơn là để tâm lý “Dĩ hoà vi quý” tồn tại. Vì rằng, các hoạt động sử dụng kinh phí chung như đi thực tế, trại sáng tác là đồng đều rồi thì việc tài trợ sáng tác phải ưu tiên cho tất cả những ai có sáng tác chất lượng, bất kể người đó đã được nhận bao nhiêu lần tài trợ rồi. Như vậy mới tạo nên sự ganh đua lành mạnh, mới kích thích người cầm bút và nhắc nhở người cầm bút, số lượng cũng phải đi đôi với chất lượng…

Hà Anh

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder