Cái tin một tuyển tập những tác phẩm tiêu biểu nhất của văn học trẻ Việt Nam sẽ được xuất bản tại Mỹ trong nay mai khiến nhiều người khấp khởi. Dù người tuyển chọn – nhà nghiên cứu phê bình, Trưởng Khoa Sáng tác và lý luận phê bình trường Đại học Văn hóa Hà Nội, TS Văn Giá – đã rào trước với các tác giả rằng “nhuận bút rất khiêm tốn, chỉ mang ý nghĩa tượng trưng” do cuốn sách thuộc loại phải “đi chào hàng” chứ không được “đặt hàng” nhưng thế đã là điều mừng.
– PV: Từ khi mở cửa đến nay, nhiều mặt hàng Việt Nam đã xuất khẩu ra nước ngoài còn văn học thì vẫn cứ dè dặt mãi. Theo TS nguyên nhân do đâu vậy?
– TS Văn Giá: Không có gì khó hiểu cả khi không có một tổ chức của hội nhà văn hay nhà xuất bản nào chủ trương xuất khẩu văn học Việt Nam ra thế giới. Không có bất kỳ một hoạt động quảng bá, tiếp thị văn học nào một cách bài bản, hệ thống và có tầm chiến lược. Thế mới có chuyện anh Hoàng Hưng đi Mỹ về kể: “Bên Mỹ, người ta chỉ biết có mỗi Bảo Ninh”.
Dự án tuyển tập văn học trẻ này cũng hoàn toàn mang tính chất cá nhân, do Charles Waugh – TS Văn học giảng dạy Kỹ thuật sáng tác tại Đại học Utah State University – lập ra và mời tôi cùng GS Huy Liên tham gia.
– PV: Liệu đó có phải do hạn chế chung của ngành xuất bản trong nước hay do các hội nhà văn chưa thức thời?
– TS Văn Giá: Có nhiều nguyên nhân, nhưng đều là do thiếu tầm nhìn. Trước đây còn có NXB Thế giới chuyên làm việc này, và đã giới thiệu khá nhiều cuốn sách hay của Việt Nam ra các nước Âu – Mỹ, còn bây giờ thì không. Mặt khác, đây cũng là tình trạng chung của các sản phẩm Made in Vietnam, từ văn chương cho đến nước mắm. Nước mắm của ta thơm ngon là thế mà phải bán cho Thái Lan, để họ đóng cái mác Thái vào đấy rồi lại bán cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
– PV: Phải chăng lỗi cũng do chính các nhà văn trẻ còn “chưa quen” trong việc quảng bá tiếp thị sản phẩm, không dám dấn thân đi tìm “con đường tơ lụa” cho mình?
– TS Văn Giá: Các nhà văn trẻ của ta rất chịu khó tiếp thị và đã tiếp thị thành công, nhưng chỉ là trong nước. Ra nước ngoài họ chưa dám. Họ ngại ngần có thể vì sản phẩm văn chương mang tính đặc thù, không giống các lĩnh vực khác, khó tìm hiểu, khó nắm bắt.
Quan trọng nữa là vì họ không có điều kiện. Không phải ai cũng may mắn như Vi Thùy Linh, được hai dịch giả thuộc hàng cây đa, cây đề như Dương Tường, Trịnh Lữ chuyển thể tác phẩm sang tiếng Anh, tiếng Pháp. Hội đồng dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam thì lâu nay chỉ làm công việc dịch các tác phẩm văn học nước ngoài sang tiếng Việt còn ngược lại thì không.
– PV: Để xuất khẩu được văn học, một yếu tố vô cùng quan trọng quyết định thành bại là: sản phẩm có hợp khẩu vị độc giả hay không. Dự án này đã tính đến điều đó chưa?
– TS Văn Giá: Công việc của tôi chỉ là tuyển chọn. Còn toàn bộ khâu chào hàng, tìm đối tác xuất bản, tổ chức phát hành đều do TS Charles Waugh lo liệu. Ông ấy cũng không yêu cầu tôi phải chọn tác phẩm như thế này, thế kia thì người Mỹ mới thích đọc. Mục đích chính của dự án này là giới thiệu bộ mặt của văn học trẻ Việt Nam.
Dĩ nhiên, chúng tôi cũng đưa ra tiêu chí là tác phẩm phải phản ánh được trạng thái xã hội và tâm thức thời đại của Việt Nam. Tôi nghĩ dù là ở thị trường văn học nào, khi cầm một cuốn sách trên tay, người ta đều có nhu cầu tìm hiểu về văn hóa, đặc tính của dân tộc mà cuốn sách đó mang quốc tịch. Người Mỹ hẳn cũng thế. Hẳn họ không chỉ muốn tìm Việt Nam trong chiến tranh mà còn muốn thấy một Việt Nam trong hòa bình, biết được suy nghĩ của thế hệ trẻ Việt Nam đương đại.
– PV: Những cái tên nào TS đã nhắm đến cho tuyển tập này?
– TS Văn Giá: Chắc chắn sẽ có Đợi đò của Kiều Bích Hậu, Cơn mưa hoa mận trắng của Phạm Duy Nghĩa, Thung lam của Hồ Thị Ngọc Hoài, Lộc trời của Thế Hùng. Và không thể thiếu Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Dương Bình Nguyên, Đỗ Bích Thúy, Dili, Nguyễn Đình Tú, Cấn Vân Khánh, Đinh Ngọc Hùng, Nguyễn Vũ Nguyên. Giới hạn 400 trang nên ước tính chỉ có 20 tác giả sẽ được giới thiệu.
– PV: Nếu dự án này thành công, TS có nghĩ sẽ đứng ra thành lập 1 tổ chức chuyên quảng bá tiếp thị văn học Việt?
– TS Văn Giá: Tôi cũng đã nghĩ đến, nhưng chưa dám vì chưa đủ điều kiện. Thời gian tới, Khoa Sáng tác và lý luận phê bình Đại học Văn hóa sẽ nối lại mối quan hệ với trường viết văn Marxim Gorky của Nga, đồng thời sẽ mời các nhà văn dạy kỹ thuật sáng tác nổi tiếng thế giới đến giảng dạy. Hy vọng thông qua các tập thể và cá nhân này, “con đường tơ lụa” mang văn học trẻ Việt Nam đến với thế giới sẽ được thông thương.
Hoàng Hồng (Thực hiện)
Nguồn: An ninh Thủ đô