Văn học về đề tài công nhân: “Thiếu”, “yếu”, và… hy vọng!

Nhà văn gạo cội Ma Văn Kháng chia sẻ với các đồng nghiệp “bí kíp” khi ông viết về người công nhân và người lao động. Đó là ngoài niềm đam mê, người cầm bút cần có sự từng trải, kinh nghiệm thực tế để thấu hiểu được những khó khăn, vất vả và tâm tư nguyện vọng của người công nhân…

Nhà văn gạo cội Ma Văn Kháng chia sẻ với các đồng nghiệp “bí kíp” khi ông viết về người công nhân và người lao động. Đó là ngoài niềm đam mê, người cầm bút cần có sự từng trải, kinh nghiệm thực tế để thấu hiểu được những khó khăn, vất vả và tâm tư nguyện vọng của người công nhân…

Trong tổng thể nền văn học Việt Nam hiện nay, nổi lên một vấn đề rất đáng “báo động”. Đó là nền văn học Việt Nam hiện tại đang thiếu những tác phẩm lớn tương xứng với vai trò, sự phát triển của giai cấp công nhân trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chưa có nhiều tác phẩm gây hiệu ứng

Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhìn nhận rằng: Trong quá trình đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, giai cấp công nhân đang tiếp tục có những đóng góp to lớn vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội. Nhưng dường như văn học nghệ thuật vẫn chưa thực sự chạm sâu được vào những vỉa tầng đó để khai thác và cho ra đời những “kiệt tác”.

Thời kỳ trước đây, nền văn học Việt Nam đã có không ít những tác phẩm văn học đồ sộ về đề tài công nhân, gây được tiếng vang như bộ tiểu thuyết “Cửa biển” của nhà văn Nguyên Hồng; “Vùng mỏ” – giải nhất Giải thưởng Văn nghệ của Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1952 và “Những người thợ mỏ” của Võ Huy Tâm… Về sau này xuất hiện thêm nhiều tác giả tiêu biểu cũng rất thành công với đề tài này như nhà văn Ma Văn Kháng, Võ Khắc Nghiêm, Huy Phương, nhà báo – nhà văn Xuân Cang…

Nhà văn Ma Văn Kháng được xem là một trong những tác giả dành nhiều tâm huyết cho mảng đề tài viết về người công nhân, vốn là loại đề tài được nhận định rất “khó nhằn” và kén độc giả. Và ông đã rất thành công với tiểu thuyết “Mưa mùa hạ”, đặc biệt là tập truyện “Một chiều giông gió” – Tặng thưởng đặc biệt viết về đề tài công nhân và công đoàn giai đoạn 1999 – 2010.

Tuy nhiên, theo nhà thơ Hữu Thỉnh, hiện nay những tác phẩm viết về người công nhân như “Một chiều giông gió” chưa nhiều và cũng chưa thực sự gây được ấn tượng với đông đảo bạn đọc. Đã từ rất lâu, độc giả không được thưởng thức những trang viết đặc sắc, sâu lắng về người công nhân, thực sự gây được tiếng vang, tạo được hiệu ứng xã hội mạnh mẽ. Đây được xem là một thiếu sót lớn, sự mất cân đối trong đời sống văn học nghệ thuật nước nhà.

Nhà văn Ma Văn Kháng cũng đưa ra nhận định: “Tuy rằng những năm gần đây chúng ta vẫn có một số giải thưởng cho các tác phẩm về người công nhân, tuy nhiên để có một hệ thống tác giả đối với đề tài này thì chưa có. Thực tế, từ khi thống nhất đất nước, mảng đề tài này bị chìm xuống. Có nhiều lý do được đưa ra, nhưng rõ nét nhất là sự “hờ hững” của đội ngũ những người sáng tác văn học ở nước ta”.

“Mở hội” tìm “vàng”

Mới đây, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam – hai đơn vị đồng tổ chức cuộc thi “Sáng tác văn học viết về đề tài công nhân, công đoàn, giai đoạn 2010 – 2014”, đã công bố các quy chế cụ thể về giải thưởng này. Qua đây nhằm tìm ra những tác phẩm xuất sắc xứng tầm với hình ảnh giai cấp công nhân trong thời đại hiện nay.

Đối tượng tham gia cuộc thi này là tất cả các nhà văn, nhà thơ, nhà báo chuyên và không chuyên trong toàn quốc, các tác giả là Việt kiều ở nước ngoài. (Khuyến khích những đối tượng là công nhân viên chức, người lao động, cán bộ công đoàn, các tác giả trẻ đang sống và làm việc ở cơ sở).

Các tác phẩm dự thi viết về người công nhân và người lao động với các thể loại văn học là tiểu thuyết, bút ký, truyện ngắn, thơ (riêng tập truyện ngắn và tập thơ phải có ít nhất 60% số lượng bài phản ánh đúng chủ đề mới được đưa vào xét chọn). Với tiểu thuyết thì các nhân vật chính phải là công nhân và người lao động. Thời hạn nhận tác phẩm dự thi đến hết ngày 31/3/2013.

Các tác phẩm thơ và văn xuôi đều có cơ cấu giải thưởng riêng, xếp loại A, B, C và khuyến khích. Cơ cấu của từng thể loại như sau: Giải A: 1 Giải thưởng; Giải B: 3 Giải thưởng; Giải C: 5 Giải thưởng; Giải khuyến khích: Do ban tổ chức quyết định sau theo thực tế tác phẩm. Đáng chú ý, giá trị các giải thưởng sẽ được ban tổ chức công bố trong văn bản riêng. Lễ tổng kết trao thưởng dự kiến đúng dịp kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/5/2013.

Nhà văn gạo cội Ma Văn Kháng cũng chia sẻ với các đồng nghiệp “bí kíp” khi ông viết về người công nhân và người lao động. Đó là ngoài niềm đam mê, người cầm bút cần có sự từng trải, kinh nghiệm thực tế để thấu hiểu được những khó khăn, vất vả và tâm tư nguyện vọng của người công nhân. Ông cho rằng cuộc vận động sáng tác về đề tài công nhân và công đoàn giai đoạn 2010 – 2014 sẽ tạo ra một cú hích thật sự, thu hút sự quan tâm đối với đội ngũ những người sáng tác và sẽ có “tác phẩm vàng” để đưa đến tay độc giả.

Hoa Quỳnh

Thời báo Ngân hàng

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder