Xã hội phong kiến phân biệt giai cấp rất nặng nề. Gia cấp thống trị tự xem mình là tầng lớp trên trốc của xã hội, có quyền cai trị tuyệt đối, được tầng lớp bị trị phục tùng, cung phụng, vì thế cũng có quyền đè đầu cưỡi cổ người dân. Tầng lớp bị trị là những người thấp cổ bé họng, luôn bị đối xử bất công nhưng vẫn phải cúi đầu cam chịu nên chịu nhiều thiệt thòi, khổ nhục.
Xã hội phong kiến phân biệt giai cấp rất nặng nề. Gia cấp thống trị tự xem mình là tầng lớp trên trốc của xã hội, có quyền cai trị tuyệt đối, được tầng lớp bị trị phục tùng, cung phụng, vì thế cũng có quyền đè đầu cưỡi cổ người dân. Tầng lớp bị trị là những người thấp cổ bé họng, luôn bị đối xử bất công nhưng vẫn phải cúi đầu cam chịu nên chịu nhiều thiệt thòi, khổ nhục.
Đáng thương hơn hết là những thân phận ở tầng lớp dưới của xã hội loài người. Đó có thể là những người nông dân nghèo khổ chân lấm tay bùn; có thể là những người làm nghề thấp hèn như nô bộc, đạc phu (còn gọi là giáp xách, tức thằng mõ); có thể là những kẻ hành khất lang thang, đói rét, bệnh tật, không cửa không nhà, không người thân thích; cũng có thể là nạn nhân của chế độ, của chiến tranh, bị bần cùng hoá… Họ thường bị người đời xa lánh, khinh bỉ. Nhiều khi họ phải sống kiếp sống không phải của con người. Những mảnh đời này có chăng thảng hoặc được nhắc đến trong thơ văn của một số tác giả có lòng quan tâm đến những phận người bất hạnh. Tuy nhiên, sự quan tâm đó thường cũng chỉ dừng lại ở thái độ cảm thương, ngoài ra thì ít khi có ai chú ý tới họ.
Đối tượng xuất thân thấp hèn xuất hiện sớm nhất trong văn tế đến nay là người nô bộc của Tiến sĩ Thượng thư Ngô Trọng Khuê (1744-?). Phạm Đình Tích là tên nô bộc tình nghĩa đã theo giúp từ thuở Ngô Trọng Khuê còn là một thư sinh hàn vi. Khoảng tháng 6 năm 1786, trong cơn biến loạn, Phạm Đình Tích tử nạn vì chủ. Cảm thương người nô bộc tình nghĩa, Ngô Trọng Khuê đã đưa về quê mai táng rất chu đáo, ông còn làm bài Tế nghĩa bộc Phạm Đình Tích văn (Văn tế người nô bộc tình nghĩa Phạm Đình Tích)(1) bằng chữ Hán với lời lẽ tiếc thương thống thiết.
Đối tượng thứ hai là thằng mõ. Thằng mõ là hạng người thấp hèn nhất trong một làng dưới chế độ phong kiến. An Nam phong tục sách của Đoàn Triển biên soạn năm 1908 nói về thân phận thằng mõ như sau: “Dưới hạng tuần đinh còn có đạc phu (thằng mõ), là kẻ nô lệ của một làng (…) Việc này là loại hèn hạ nhất, phần nhiều do kẻ bần cùng nhất ở làng khác đến làm.”(2)
Thông thường thằng mõ do dân làng lựa chọn trong số những kẻ hèn kém nhất làng hoặc của làng khác đến đảm trách. Công việc chủ yếu của nó là cầm mõ đi khắp làng rao báo những tin tức cần thiết cho mọi người biết. Những khi làng không có việc thì thằng mõ có thể đi làm thuê để kiếm thêm ít tiền, hoặc chạy việc cho các chức dịch trong làng. Thằng mõ tuy là người hèn hạ, song do mẫn cán nên được dân làng và các vị lí dịch yêu thương. Khi nó không may gặp nạn mất đi, mọi người cũng thật sự thương xót, có người còn làm bài Điếu đạc phu văn (Văn tế mõ)(3) bằng chữ Nôm, cho thấy tấm lòng của các bậc hương lí và dân làng dành cho nó thật là đáng quí.
Một đối tượng khác đặc biệt đáng thương là người thiếu niên lưu lạc được nói đến trong Ế lữ đồng văn (Bài văn tế chôn người trẻ tuổi lưu lạc) của Tiến sĩ Thượng thư Phan Thanh Giản(4). Lữ đồng tên thật là Nguyễn Văn Diễn, không biết người vùng nào. Vì đang mắc bệnh, được tác giả cho ở nhờ và chăm sóc thuốc thang, nhưng bệnh quá nặng, qua mười tám ngày thì chết. Tác giả đưa đi an táng và viết bài văn tế khi chôn. Bài văn tế thật sự là lời xót thương tận đáy lòng của tác giả dành cho một thân phận bần cùng trong xã hội. Tác giả bộc bạch về việc cứu giúp của mình: “Tuy trước sau không biết rõ về ngươi, nhưng bệnh tình của người thì thật đáng thương xót. Đã là con người, ai không có lòng trắc ẩn! Ta giúp ngươi cũng chính vì lòng trắc ẩn, vậy thì những việc khác đâu cần hỏi làm gì!” Thiếu niên lưu lạc không phải là người thân thích hay kẻ tay chân, cũng chẳng có bất kì một mối quan hệ nào, thậm chí không hề biết rõ gốc gác, nhưng Phan Thanh Giản vẫn tận tình giúp đỡ. Bởi vì hoàn cảnh bệnh tật đáng thương trước mắt, vì lòng trắc ẩn của một người với đồng loại, vì hạnh phúc của tha nhân, và quan trọng hơn hết là vì hạnh phúc của người cũng là sở nguyện của chính mình: “Vì biết rằng, nếu bỏ mặc ngươi một ngày là ngươi chết sớm một ngày. Lòng ta sao nỡ! Nếu giành được một phần sống trong chín phần chết, đó là phúc của ngươi, mà cũng là sở nguyện của ta.”
Đáng chú ý là có tác giả như Ngô Trọng Khuê, Phan Thanh Giản viết văn tế sau khi đối tượng chết đã 5 năm. Với Ngô Trọng Khuê, nguyên nhân vì trong cơn biến loạn không thể tìm được tung tích của người nô bộc. Mãi 5 năm sau, vong hồn người nô bộc nhập đồng giáng bút chỉ rõ nơi vùi thây mới tìm nhặt được nắm xương tàn mang về cải táng. Còn Phan Thanh Giản vì nguyên gì không thấy nói. Nhưng dù thế nào, trong khoảng thời gian ấy, các tác giả luôn cảm thấy day dứt không yên.
Điểm chung của các tác giả là xem người đã chết như người thân của mình, xem việc yêu thương, cứu giúp người hoạn nạn là trách nhiệm của bản thân, cao hơn nữa, điều đó có ngụ ý rằng thương yêu, cứu giúp người khác là việc nên làm, là trách nhiệm của mọi người, của toàn xã hội. Như chính Ngô Trọng Khê nói về mối quan hệ và cách đối đãi nhau giữa mình với người nô bộc: “Ngươi từ năm mới mười hai tuổi đầu, tổ phụ ngươi đã gửi gắm ngươi cho ta. Ta vốn coi trọng tình ngãi của tổ phụ ngươi mà xét thấy ngươi là đứa thực thà, bèn dạy bảo ngươi, nuôi dưỡng ngươi, cho ngươi mặc, cho ngươi ăn. Có lẽ ta không đối xử với ngươi như kẻ nô bộc tầm thường, nên ngươi cũng không xem ta là ông chủ tầm thường mà giúp ta bôn tẩu từ khi chưa đỗ đạt và cả sau khi ta đã ra làm quan, trước sau cả thảy hơn hai mươi năm, ấm lạnh no đói, giữ vững chẳng chuyền dời.” Ông quan niệm, trong cuộc sống, tình người với nhau thể hiện qua những sự việc hàng ngày, nếu ta đối xử tốt đẹp với mọi người thì ta sẽ nhận lại được cách đối xử tương ứng, cho dù người kia là kẻ thấp hèn. Vì thế mà một khi không lo chu toàn được cho người, không cứu sống được người, các tác giả đều thấy mình có lỗi. Phan Thanh Giản không cứu sống được thiếu niên lưu lạc thì tự dằn vặt, cho mình là người đức mỏng, vì thế mà bài văn tế cũng mang lời tự trách. Ngô Trọng Khuê khi từ trấn Thanh Hoa được lệnh gọi trở về triều (năm 1781), Phạm Đình Tích đang bệnh không thị tòng được, phải ở lại nhà. Trong khi tiền bạc trong nhà đã hết sạch vì “mấy tháng ra làm quan rồi lại phải chịu tang ba năm”, tình thế rất là eo hẹp. Về triều thụ mệnh mà lúc nào trong lòng ông cũng lấy làm áy náy, không biết người nô bộc của mình phải đối phó với bệnh tật và cuộc sống ra sao. Ông còn cho rằng người nô bộc vì mình mà bỏ mạng.
Nói thêm về thời điểm tháng 6 năm 1786 được Ngô Trọng Khuê nhắc đến trong bài văn tế. Ông nói: “Năm Bính ngọ có lệnh đòi [ta] trở lại triều, song ta chưa kịp nhận chức thì quốc gia đã không đứng vững được nữa. Ngày 21 tháng 6 năm ấy ta quay về quê hương bản quán, giao lại ngôi nhà ở kinh thành cho ngươi, cũng không liệu hết được sự biến lại xảy ra trong sớm tối.” Theo sách sử, ngày 16 tháng 6 năm 1786, Tây Sơn chiếm xong thành Phú Xuân, sau đó cấp tốc tiến đánh ra Thăng Long. Cuộc hành quân thần tốc của các cánh quân Tây Sơn làm cho chính quyền Lê – Trịnh khốn đốn, triều thần có người toan đưa vua Lê Hiển Tông chạy lên Sơn Tây lánh nạn. Ngô Trọng Khuê lúc bấy giờ đang giữ chức Thượng thư, là bậc đại thần triều Lê – Trịnh, ắt trực tiếp bị ảnh hưởng từ sự kiện khiến cho “quốc gia đã không đứng vững được nữa” này. Cũng vì sự kiện này, Ngô Trọng Khuê phải rời kinh thành trở về quê, giao ngôi nhà ở kinh thành cho nô bộc Phạm Đình Tích trông giữ. Qua đoạn văn trên, có lẽ người nô bộc vì cương quyết chống lại một số kẻ xấu nào đó nhân cơn biến loạn cưỡng đoạt tài sản người dân, bảo vệ tài sản của chủ không để chúng cưỡng đoạt mà bị chúng giết rồi quẳng xác ở một nơi nào đó. Sự việc này khiến tác giả cảm thấy day dứt khôn nguôi.
Hai bài Văn tế người nô bộc tình nghĩa và Văn tế mõ đã được Nguyễn Tá Nhí (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) giới thiệu trên Thông báo Hán Nôm học năm 2004 và 2006. Ở đây tôi giới thiệu thêm bài Ế lữ đồng văn của Phan Thanh Giản. Bài này viết bằng chữ Hán, chép trong Ước Phu tiên sinh thi tập, KH: A.468 Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, tr.24a-25b. Tạm dịch như sau:
“Bài văn tế chôn người trẻ tuổi lưu lạc
(Lữ đồng tên Nguyễn Văn Diễn, không biết người ở đâu. Vì đang mắc bệnh, được cho ở nhờ và chăm sóc thuốc thang, nhưng do bệnh nặng, qua mười tám ngày thì chết.)
Ôi thôi! Lữ đồng, ngươi là ai? Sao đột nhiên đến đây? Rồi sao lại đột nhiên đi mất? Ngày mồng 1 ngươi gặp ta nơi ngục thất. Ta hỏi tên gì, ngươi nói tên Thập, con trai Kì Quang, cháu nội Lệnh Ất, đều là những người đồng hương với ta. Nhân vì theo học thầy Nguyên tận xứ Thanh Hoa, sau đó chẳng may thầy mất, thân ngươi lại mang tật bệnh, chẳng được nhà thầy cưu mang, trong cơn hoạn nạn rất cần người cứu giúp.
Kì Quang và Lệnh Ất đúng là đồng hương với ta, nhưng Kì Quang không phải con trai Lệnh Ât, Lệnh Ất cũng không phải thân phụ Kì Quang. Mới biết rằng ngươi không phải đồng hương với ta. Ta lại hỏi, thì ngươi lại nói, là cháu ngoại của Cai tổng Hiến ở Quán La, con ruột của Đội trưởng Phái ở Đông Kiều. Tổng Hiến và Đội Phái, thật tình ta chẳng biết là ai. Thầy Nguyên, ta cũng chưa từng nghe tên người ấy. Chỉ vì thương ngươi tứ cố vô thân, nên mời thầy thuốc xem mạch. Ta cho tiền làm lộ phí, mua thêm thuốc thang rồi tiễn người trở về. Qua năm ngày sau ngươi trở lại, lúc này bệnh càng nguy cấp. Ta cho ngươi ở lại, mời thầy điều trị, nhưng ba bốn ngày bệnh tình không thuyên giảm. Lúc ấy, nhân có người ra Bắc, ta mới hỏi lại rõ ngọn ngành rồi viết thư gửi cho người nhà của ngươi. Ngươi mới nói họ Nguyễn tên Văn Diễn, Đội Phái cha ngươi chính là con nuôi của Thiếu Cáo(5).
Chao ôi! Ta lúc còn bé đã từng nghe danh Thiếu Cáo là người dũng mãnh, sao đến nỗi phiêu bạt thế này? Trước kia ngươi mạo nhận là đồng hương của ta, có lẽ định lấy tình làng nghĩa xóm gây xúc động lòng ta. Nhưng không hiểu sao ngươi không nói rõ tên họ. Lại không biết vì sao ngươi không khai thật những người thân thuộc. Sợ biết nhà ngươi giàu có mà đòi đền ơn trả nghĩa? Hay sợ để ngươi lưu lạc mà ông bà cha mẹ bị thiên hạ chê cười?
Ta biết được việc làm [đi học nơi xa] của ngươi, cha ngươi thì rày đây mai đó, còn mẹ ngươi cũng cho phép ngươi đi xa ngàn dặm tầm sư học đạo, quả thật đáng khen.
Những điều ngươi nói, những điều ta nghe, đều là sự thật chăng? Đều đúng chăng? Đều sai chăng? Đều không biết hỏi ai cho tỏ tường đen trắng. Tuy trước sau không thể biết rõ về ngươi, nhưng bệnh tình của người thì thật đáng thương xót. Đã là con người, ai không có lòng trắc ẩn! Ta giúp ngươi cũng chính vì lòng trắc ẩn, vậy thì những việc khác đâu cần hỏi làm gì!
Trước kia ta cho rằng bệnh ngươi chắc chắn chữa khỏi, trong vòng tuần nhật thuốc thang sức khỏe sẽ nhanh chóng phục hồi. Khi ngươi bình phục, xem có ai về Bắc, ta lo gạo nước gửi gắm đưa ngươi trở về, để cha con ngươi sớm ngày đoàn tụ. Thật là ý của ta muốn giúp ngươi đến nơi đến chốn. Sau đó bệnh của ngươi thuốc thang mỗi ngày vẫn không hiệu quả. Ta sợ ngươi không qua khỏi, vẫn tận tình chăm sóc. Vì biết rằng, nếu bỏ mặc ngươi một ngày là ngươi chết sớm một ngày. Lòng ta sao nỡ! Nếu giành được một phần sống trong chín phần chết, đó là phúc của ngươi, cũng là sở nguyện của ta.
Ôi thôi! Đã không thể cứu chữa ngươi, lại phải đưa ngươi về miền đất lạnh, ta thật vô dụng bất tài. Cho nên, 5 năm trôi qua, ta vẫn cảm thấy mình có lỗi vì chưa tận lực tận tâm cứu giúp người trong cơn hoạn nạn. Thương cho ngươi có tội tình gì mà sớm lọt vào vòng tay quỉ sứ? Tại ngươi mệnh bạc? Hay tại ta đức mỏng? Ngươi nương nhờ không đúng chỗ đúng người, nên không thể cứu ngươi được sống. Ôi thôi! Thương thay!”
Chú thích
(1) Nguyễn Tá Nhí (2007), “Văn tế người nô bộc tình nghĩa”, Thông báo Hán Nôm học 2006, tr.521.
(2) Nguyễn Tá Nhí (2005), “Văn tế mõ”, Thông báo Hán Nôm học 2004, tr.363.
(3) 祭文集 Tế văn tập (bản chữ Hán), Viện Nghiên cứu Hán Nôm, KH: A.524, tr.51b.
(4) 約夫先生詩集 Ước Phu tiên sinh thi tập (bản chữ Hán), Viện Nghiên cứu Hán Nôm, KH: A.468, tr.24a-25b.
(5) Chữ này nguyên văn viết chữ Nôm là ?, âm là “cháo” hoặc “gạo”, nhưng đọc không thông, ở đây chúng tôi tạm đọc theo thành phần cho âm
Từ Tạp chí Hán Nôm