Về thăm cô giáo – Truyện ngắn của Nguyễn Minh Ngọc

Vanhaiphong giới thiệu truyện ngắn của công tác viên từ Hôi VHNT Ninh Bình gửi tới.

Bên mộ cô chúng tôi ngồi rất lâu, rất lâu hết tuần hương này, tôi thắp tuần hương khác. Những làn khói hương quyện vào nhau, Vấn vít quanh chúng tôi. Lòng tôi ứ nghẹn xót xa!…

Vanhaiphong giới thiệu truyện ngắn của công tác viên từ Hôi VHNT Ninh Bình gửi tới.

Bên mộ cô chúng tôi ngồi rất lâu, rất lâu hết tuần hương này, tôi thắp tuần hương khác. Những làn khói hương quyện vào nhau, Vấn vít quanh chúng tôi. Lòng tôi ứ nghẹn xót xa!…

Nhận được điện của Doanh, anh bạn thân của tôi, tôi chợt bàng hoàng. Cô giáo của tôi đột ngột qua đời! Sững sờ hồi lâu, tôi mới nhớ ra  mình phải về, tôi vội vàng thu xếp đồ đạc, rồi ra ga lấy vé tầu. Trời Sài Gòn   cuối thu nắng chói chang, xe cộ ngược xuôi tấp nập, mà tôi thấy lòng quá đỗi bâng khuâng… Hơn một ngàn cây số đường tầu, xa xôi quá, biết rằng không thể về kịp, nhưng tôi vẫn mong cho tầu chạy thật nhanh, để được gặp cô giáo của tôi lần cuối.

Bước chân xuống ga tầu của thành phố quê hương, tôi về thẳng nhà Doanh.Tôi nói Doanh là bạn thân của tôi, thực ra cũng chưa đúng lắm, vì đã có thời gian hai chúng tôi là kẻ thù của nhau. Đấy là những năm học cấp hai, Doanh học lớp 7A, tôi học lớp 7B. Tôi không nhớ rõ vì lý do gì , hồi ấy một số nam lớp tôi, do tôi cầm đầu, và một số nam lớp 7A, do Doanh cầm đầu có mâu thuẫn, thường xuyên gây sự với nhau. Một hôm, được một thằng bạn cho biết bố Doanh làm công an Thành Phố máu nghen tức nổi lên, tôi liền họp nhóm bạn của tôi lại bàn bạc, giờ ra chơi tiết ba chúng tôi sang lớp 7A  gây chuyện. Rồi  như thường lệ, hội của Doanh và hội của tôi kéo nhau ra khu đất sau trường. Nơi đây  là ruộng hoa mầu của nhân dân, bên dưới có con kênh đào. Hàng cây phi lao tươi tốt ven kênh, che cho việc làm khuất tất của chúng tôi.

Hai bên dàn thành thế trận, tôi và Doanh như hai ông tướng  chỉ huy đội quân của mình. Tôi đang điểm quân, thì đầu bên kia đã vang lên tiếng hò: “ Vai cầy chẳng quản làm trâu/ Dong xe chẳng quản theo sau đít bò” Tôi giật mình quay lại, bọn chúng đang nhao nhao xỉa xói  sang chúng tôi.  À, chúng nó diễu bố mình làm nghề xe bò đây, tôi nghĩ. Máu nóng bốc lên đầu ngay lập tức tôi hét lên: “Hai, ba… a..”. Cả đội tôi đồng thanh gào to, “ Công an phơi nắng đen ròn / Bắt cướp, bị nó cho ăn đòn no nê! ” Vậy là, cuộc hỗn chiến bắt đầu, chúng tôi xông vào nhau.Trời đổ mưa rào, chúng tôi cũng không rời nhau. Trống vào lớp, chiến trận của chúng tôi vẫn không ngừng. Ruộng rau của nhà dân bị quần nát tươm, lầm trong đất nhão, người chúng tôi đứa nào cũng đẫm nước mưa và bê bết đất. Tệ hơn nữa, tôi còn bị thằng Doanh khoẻ hơn đẩy tùm xuống lòng kênh. Khi tôi lóp ngóp bò lên được thì  thầy hiệu phó đã có mặt,  thầy dồn chúng tôi về văn phòng kiểm điểm.

Sau trận ấy, tôi căm Doanh  lắm, luôn tìm cách trả thù Doanh. Tôi và Doanh  bị nhà trường xếp vào loại học sinh cá biệt, lười học, học dốt cả hai đứa đều phải ở lại lớp. Đầu năm học năm sau, những học sinh lưu ban chúng tôi được dồn cả vào học lớp 7C. Hai kẻ thù giờ lại ngồi chung một lớp, tôi mừng thầm sẽ có cơ hội trả thù, nhưng sợ Doanh, tôi kiếm một con dao nhỏ luôn để trong người phòng thân.

Chủ nhiệm lớp tôi là cô giáo Hạnh, dạy văn. Cô khoảng hơn ba mươi tuổi, đã có hai con. Người cô tầm thước, hơi gầy; mái tóc cô đen dài; đôi mắt hiền và trong sáng, ánh nhìn hơi nghiêm nghị; gương mặt cô phảng phất nét buồn, nhưng khi cô cười thì rất tươi và có duyên. Giọng cô trong  thanh, và truyền cảm cuốn hút chúng tôi trong giờ giảng. Mỗi khi cô bước vào lớp, học sinh đứng dậy chào, bao giờ cô cũng nở nụ cười dịu nhẹ chào lại chúng tôi. Bắt đầu vào giảng bài mới , cô viết đề lên bảng và cứ thế giảng bài , không mấy khi cô nhìn vào giáo án. Chỉ bằng những câu hỏi, cô gợi mở, dẫn dắt từng bước, giúp chúng tôi cảm nhận những  nét tinh hoa của các  áng văn, thơ. Những lời phân tích, giảng giải của cô ngắn gọn, nhẹ nhàng mà gieo vào lòng chúng tôi biết bao cảm xúc. Gợi niềm hứng thú và say mê học tập của chúng tôi,  khiến cho gian của  giờ học trôi qua nhanh. Lạ thay, lớp tôi tập trung nhiều học sinh cá biệt nhất trường, giờ học nào cũng bị các thầy, các cô kêu ca, nhưng giờ văn thì không. Không phải vì chúng tôi sợ cô  giáo chủ nhiệm, mà chủ yếu chúng tôi không có thời gian nghĩ đến chuyện riêng tư.

Một điều lạ nữa đến với tôi,  là ngay những ngày đầu vào lớp, tôi thấy cô giáo không phân biệt đối sử giữa chúng tôi, những học sinh lưu ban có tiếng nghịch ngợm, với các bạn học sinh trong lớp.  Hầu  như  học sinh nào cô cũng ân cần chỉ bảo như nhau, cô không  quát nạt, mắng mỏ học sinh bao giờ. Mỗi  khi lao động, cô thường làm với chúng tôi từ đầu cho đến hết buổi mới  nghỉ. Tuy nhiên, ngày ấy những học sinh như tôi, chưa đủ tri thức để cảm nhận được tấm gương trong sáng của cô. Thấy cô giáo hiền tôi được đà lấn tới, vả lại mối thù của tôi với Doanh vẫn còn đó. Sau mỗi ngày học chúng tôi vẫn thường tụ tập lại, gây sự với nhau.

Một hôm, tôi nhớ rõ hôm ấy là ngày thi tám tuần, thi xong môn toán.  Đến giờ nghỉ Doanh trèo tót lên cây ổi, ở vườn cây của một gia đình gần trường, ngồi vắt vẻo trên cành cao bất quả chín ăn, quả xanh nó cứ nhằm đầu tôi ném xuống. Chúng tôi tụ tập quanh gốc cây khá đông, chạy nhẩy đuổi nhau, nhưng những quả ổi vẫn ném trúng tôi. Quả là khả năng ném của nó rất tuyệt vời. Tức quá, tôi bốc đất ném lại,  Doanh đều tránh được. Tôi mang lòng cay cú Doanh vào giờ thi môn văn, vừa làm bài chúng tôi  vừa gầm ghè nhau. Hết giờ thi, học sinh ùa ra sân trường, Doanh khoác túi sách lên vai chạy một mạch, tôi chạy theo kêu to:

– Ê, cái thằng công an chết đâm, chết chém kia, định trốn hở.

– Tao đây. Doanh xoay người lại, vừa đi giật lùi vừa nói: Tao cóc sợ cái con bò mộng nhà mày đâu.

Chúng tôi lại dàn thành thế trận, lần này tôi quyết tâm rửa hận. Con dao nhọn trong tay, tôi  phăm phăm xông vào Doanh. Tay không, bị bất ngờ  Doanh không kịp tránh,  mũi dao của tôi đâm phập vào bả vai Doanh, máu chảy tràn. Vết thương không nặng lắm, nhưng bố Doanh cậy mình là công an, kiện tôi lên uỷ ban phường. Trong buổi sử kiện ở uỷ ban phường hôm ấy, có bố con Doanh, bố con tôi. Cô giáo chủ nhiệm cũng được mời đến.

Bố Doanh viện đủ mọi lý lẽ kết tội tôi, đòi bố con tôi phải bồi thường, và yêu cầu cô giáo kỷ luật đuổi học tôi. Các cán bộ của phường có mặt, đều nhất trí với đề nghị của bố Doanh. Bố con tôi yếu thế,  lo lắng tôi thầm nghĩ: “ Thôi, bị đuổi học lần này thì  toi rồi, Về nhà thế nào cũng bị trận đòn.” Căm thù Doanh tôi lại nghĩ: “Nếu tao bị đuổi học, tao sẽ không tha cho mày.” Ngay lúc ấy, cô giáo xin phát biểu.Trong cơn xúc động, tôi không nghe rõ từng lời cô nói, tôi chỉ nhớ đại khái mấy điều: cô công nhận việc làm của chúng tôi là sai trái, nhưng lỗi lầm của chúng tôi chỉ là nhất thời của tuổi trẻ hiếu động;  đầu năm nay, cả hai chúng tôi có nhiều tiến bộ; cô hy vọng chúng tôi sẽ là con ngoan, trò giỏi, nhất định sau này sẽ thành đạt và nhân nghĩa.vv…Cuối cùng, cô đã dàn hoà được cả hai bên. Xong buổi  họp,  bố Doanh đứng dậy vui vẻ đến bắt tay bố tôi. Và chúng tôi nhìn nhau, cái nhìn bớt hiềm khích hơn. Câu chuyện đánh nhau của tôi và Doanh kết thúc ở đây.

Hai hôm sau, cô gọi hai đứa đến nhà, cô đưa cho chúng tôi xem bài thi văn của mình, cả hai đều bị điểm kém. Cô nói: “ Cô đã xin các thày, các cô ưu tiên cho các em  sửa chữa lại bài của mình.” Cô phân tích đề, rồi đưa cho mỗi người một tờ giấy thi khác, và để thời gian cho chúng tôi làm bài. Cứ vài ngày một lần, cô lại mượn chúng tôi đến chép hộ cô những bài thơ hay, cô lựa ra từ các tạp chí văn nghệ. Những bài thơ nói về tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu thương con người. Đứa đọc, đứa chép, chúng tôi thường  đi đi, về về cùng nhau một đoạn đường khi đến gần nhà cô giáo. Có những hôm cô mang hoa quả ra, trong sự dịu dàng và quý mến của cô, cô trò chúng tôi ăn uống vui vẻ.

Thời gian này, Doanh và tôi không ai nói với ai điều gì, nhưng hình như chúng tôi đang thi đua ngầm với nhau, để tiến bộ hơn. Một hôm, cô giáo chúng tôi nghỉ,  giờ văn cô  khác dạy thay. Không biết nghe tin ở đâu,  sau tiết học thứ tư, tan trường  tôi đang lững thững đi về, Doanh đến gần tôi thì thầm: “  Đoàn ơi, cô giáo ốm đấy.” Tiếng của nó ấm áp thân tình, như chưa bao giờ chúng tôi có chuyện xích mích với nhau.  Tôi trố mắt nhìn Doanh,  vừa ngạc nhiên vì sao nó biết cô ốm, vừa ngạc nhiên trước sự thân mật của Doanh.  Lần đầu tiên, nhìn kỹ mặt Doanh  tôi cảm thấy trong khuôn mặt sạm nắng, thô thô của nó có một nét nhân từ, đôi mắt sáng ẩn chứa nhiều khí phách. Tôi chợt  nhận ra cái sự nhỏ nhen của mình, tôi  tránh mắt Doanh và nói: “ Cô giáo ốm thì làm sao.” Doanh nói: “  Mình có tiền, chúng mình đi mua quà vào thăm cô.” Bây giờ thì mặt tôi nóng bừng. Tôi  nghĩ: Nó còn biết thăm cô, vậy mà mình lại không nghĩ ra. Tôi thầm cảm phục Doanh,  từ hôm ấy chúng tôi thân nhau, làm việc gì tôi cũng hỏi ý kiến Doanh, học tập của chúng tôi tiến bộ. Lớp tôi cũng dần dần đi vào  nề nếp, trở thành lớp tiên tiến của trường.

Hôm bị gọi ra uỷ ban phường, những lời của cô nói  tốt về chúng tôi , tôi nghĩ: Chẳng qua là cô giáo động viên hai ông bố, và mọi người cho vợi bớt nỗi căng thẳng đi thôi, chứ học dốt, và cốc láo như chúng tôi thì làm được gì cho đời. Tôi không ngờ rằng, cô đã đoán được sức mạnh, một thứ nội lực tiềm ẩn trong mỗi đứa chúng tôi. Hết cấp hai, nhờ sự giúp đỡ của cô,  chúng tôi cùng thi được vào lớp chuyên văn. Học văn, nhưng chúng tôi vẫn giỏi đều các môn. Năm cuối phổ thông trung học, theo  nguyện vọng  của gia đình Doanh thi vào trường đại học An Ninh Hà Nội. Còn tôi, năm nay đang học khoa văn, trường đại học Sư Phạm Thành Phố Hồ Chí Minh, tôi mừng thầm chỉ vài năm nữa sẽ được làm đồng nghiệp của cô. Nào có ngờ lại đâu ra nông nỗi này! Bước chân vào nhà  Doanh, tôi thấy hai mắt Doanh còn đỏ. Doanh đã kịp về dự đám tang cô. Nhìn thấy tôi Doanh kêu lên:

– Chậm mất rồi, Đoàn ơi!

– Làm sao? Tôi ném vội chiếc ba lô vào góc nhà, và nói:  Làm sao, lại   như vậy hở Doanh?

–  Vào đầu giờ  của một buồi chiều. Doanh nói: cô đi lên lớp, cô vẫn thường đi bộ đến trường. Cô ra đến đường Quốc Lộ  Số 1, lúc này trên đường chỉ có một em bé học sinh cấp một, khoác cặp sách trên vai đang đi sang đường, chợt một chiếc xe con lao vút tới. Cô  hét lên : “ Xe..e…” và lao  vào  đẩy em bé ra khỏi xe. Em bé ngất đi hồi lâu rồi tỉnh lại, còn cô thì vĩnh viễn ra đi!..  Đám tang cô,  trong tiếng khóc xé lòng của người thân trong gia đình,  mọi người có mặt đều chan hoà nước mắt tiếc thương cô!.. Mình  cũng không cầm được nước mắt. Trong xót xa mình nhận ra rằng, cái chết của cô, cũng cao đẹp như cuộc sống của cô! Đoàn ạ.

Chúng tôi ngồi lặng đi, nước mắt tràn ngập bờ mi…Tôi chợt nhớ đến cuốn sách “ Trời có mắt” của nhà văn người Pháp,  Đờ Ban Dắc tôi vừa mượn ở thư viện mấy hôm trước. Tôi nghĩ: Trời làm gì có mắt, và nếu có thì cũng như không. Vì  lẽ ra, trời phải cấm chỉ “ thần chết” động đến cô giáo của tôi, và những người như cô.  Nhưng bằng cách nào? làm thế nào để có thể giảm thiểu được tai nạn giao thông? Trong dòng đời hối hả, xô bồ này, có biết  bao nhiêu những kẻ sống quá vô tình!

Buổi chiều, Doanh đưa tôi ra viếng mộ cô, đi gần đến nghĩa trang thì gặp một đoàn học sinh vác cuốc, xẻng ra về, Doanh nói: “ Các em học sinh lớp cô, đi đắp mộ cho cô đấy. Mấy năm nay, năm nào cô cũng có học sinh giỏi cấp tỉnh.” Mộ của cô, đã được các em đắp lên những tảng cỏ xanh, những tảng cỏ  nối với nhau rất khéo, nom như cỏ thật đã nọc non xanh. Các vòng hoa  được đựng lên uy nghiêm như một đoàn người cúi chào cô giáo. Bên mộ cô chúng tôi ngồi rất lâu, rất lâu hết tuần hương này, tôi thắp tuần hương khác. Những làn khói hương quyện vào nhau, Vấn vít quanh chúng tôi. Lòng tôi ứ nghẹn xót xa!…Đưa tay lau nước mắt, tôi quay sang bảo Doanh:

– Cô mãi mãi sống trong lòng chúng ta. Đừng quên, hàng năm phải về thăm cô giáo.

– Đúng. Mình cũng nghĩ vậy. Doanh trầm ngâm nói: Chúng ta phải về thăm cô giáo. Mình thấy rằng, cái chết của cô như một lời nhắn nhủ của người ra đi với người ở lại, hãy biết yêu cuộc sống, hãy biết yêu thương con người hơn nữa. Một bài học lớn lao, và đau xót biết chừng nào,  Đoàn ạ. Theo mình, thì việc hiểu và biết ứng sử sao cho có Văn hoá trong giao thông, cũng  là một hành động thiết thực của tình yêu cuộc sống đấy.

Tôi đưa mắt nhìn quanh khu nghĩa trang, chiều cuối thu mây giăng ảm đạm. Trong mờ mờ sương khói, tôi như thấy trước mắt tôi hiện lên hình bóng cô hiền từ, đáng kính, tai tôi văng vẳng lời dạy của cô  thân thiết và hấp dẫn lòng người!...

N.M.N.

 

 

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder