Về vấn đề hư cấu và giải thiêng trong tiểu thuyết – Bình Nguyên

 

Một số tác phẩm tiêu biểu trong vấn đề giải thiêng lịch sử gần đây.

Sự thật lịch sử trong lịch sử chỉ là những tín hiệu chứa đựng những thông tin vô cảm nhưng trong tiểu thuyết lịch sử nó lại sống động. Đấy là nói đến những tiểu thuyết lịch sử đã được giải mã đúng hướng”….

Sự thật lịch sử trong lịch sử chỉ là những tín hiệu chứa đựng những thông tin vô cảm nhưng trong tiểu thuyết lịch sử nó lại sống động. Đấy là nói đến những tiểu thuyết lịch sử đã được giải mã đúng hướng”.

Tiểu thuyết lịch sử, tự bản thân tên gọi của nó đã thể hiện rõ đặc trưng thể loại, phản ánh tính chất kép: pha trộn giữa những sáng tạo, hư cấu vốn là đặc tính cố hữu của tiểu thuyết với những sử liệu, một thứ kí ức đã được ghi chép lại của nhân loại. Tận trong gốc tích xa xưa thì nó chính là sản phẩm thoát thai từ cuộc hôn phối đặc biệt giữa văn học và sử học (thời kì văn – sử – triết bất phân). Và đến nay thì tiểu thuyết lịch sử đã trưởng thành với đầy đủ tư cách là một thể loại văn học độc lập, có sức vóc vạm vỡ đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn học nói chung.

Mối quan hệ giữa hiện thực với văn học cũng như mối quan hệ mẫu – tử. Hiện thực luôn để lại dấu ấn trên tác phẩm văn học như cuống nhau nối kết giữa bà mẹ với đứa con. Dấu ấn hiện thực trong tiểu thuyết lịch sử chính là những sử liệu đã được nhà văn khai thác như là chất liệu để xây dựng tác phẩm. Vì lịch sử cũng là hiện thực, nhưng là thứ hiện thực đã từng xảy ra tại một phân đoạn trong dòng chảy bất hoàn của thời gian. Thuộc về quá khứ nên lịch sử có hai đặc tính: vừa là cái đã hoàn kết, đóng băng trong những giá trị đã được cộng đồng qua nhiều thế hệ chấp thuận, lại vừa “mù mờ”, khó minh định.
Lí do khiến lịch sử “mù mờ”, bất khả kiểm trong nhận thức của hậu thế là bởi xét đến cùng tất cả các pho sử, công trình sử học do các nhà chép sử chấp bút đều bị chi phối bởi một thể chế, thế lực nhất định, hay chí ít cũng bởi thiên kiến chủ quan của anh ta. Trong tình thế có tính thời đại thì lịch sử chỉ là một thứ văn bản bị quyền uy thao túng, là trò chơi của một số ít người. Nguyên tắc sử quan phải tôn trọng sự thật luôn luôn bị phá vỡ, bị vi phạm. Do đó yêu cầu các ghi chép lịch sử phải đạt đến độ “chân không” – chân thực, khách quan tuyệt đối – là một điều không tưởng. Vì thế tinh thần hoài nghi lịch sử là một trạng thái có thật. Những gì được ghi chép lại và truyền đến tận ngày nay rất có thể chỉ là phần nổi của tảng băng. Đặc điểm còn bỏ ngỏ này đã trao cho nhà văn cơ hội tuyệt vời để hư cấu, phục dựng, tái tạo lịch sử. Nếu như trong các thư tịch cổ, những nhân vật lịch sử chỉ được biết đến trong vài dòng ngắn ngủi ghi lại sự tích, công trạng, quê quán, và những sự kiện lịch sử chỉ được biết đến với những cột mốc ghi lại ngày tháng, thành, bại thì tiểu thuyết lịch sử giúp kéo gần khoảng cách giữa quá khứ và hiện tại. Nhờ thế mà lớp hậu thế có thể “nhận mặt cha ông của mình”, thấy họ gần gũi hơn trong những giá trị NGƯỜI phổ quát chứ không phải là những vĩ nhân mãi mãi ở trên bệ thờ để cháu con chiêm bái từ xa.

Hư cấu lịch sử
Hư cấu là một yếu tố không thể không có trong các tiểu thuyết lịch sử. Không chỉ bởi đặc quyền của tiểu thuyết là hư cấu và tưởng tượng, mà còn bởi ở chính bản thân chất liệu lịch sử đã chứa đựng, khơi gợi những khả năng cho phép tác giả hư cấu và tưởng tượng. Mối quan hệ giữa sự thật và hư cấu là mối quan hệ bình đẳng, giữa cái cần có và cái phải có. Đồng thời chúng cũng quy định, ràng buộc lẫn nhau. Là tiểu thuyết, đương nhiên nó phải được hư cấu; là lịch sử, đương nhiên nó phải mang dấu ấn hiện thực, phải chịu sự quy định của hiện thực. Mục đích của các công trình sử kí là tái hiện một cách chân thực những gì đã xảy ra trong quá khứ để chỉ ra tiến trình vận động và những quy luật của lịch sử. Còn mục đích của tiểu thuyết lịch sử lại là xây dựng nên những hình tượng nghệ thuật, qua đó khái quát nên những quy luật lịch sử, những bài học nhân sinh. Sử dụng các yếu tố hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử không những nhằm cung cấp cho người đọc một cái nhìn khác về lịch sử mà còn nhằm gia tăng chiều sâu cho cái nhìn đó. Người đọc sẽ thấy một bản diện tinh thần sống động đằng sau những cái tên đã bị đóng băng bởi thời gian, bị cố định trong những nhận định đã hóa thành chân lí của người đời. Nhà văn hướng tới một mục đích gần gũi hơn và thiết thực hơn là nắm bắt, thấu hiểu được những suy tư, trăn trở từng diễn ra trong tâm thức cha ông. Lấy nay để hiểu xưa và ngược lại, nhờ thế lịch sử mang ý nghĩa giáo dục của nó.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh phát biểu: “Đã gọi là tiểu thuyết thì phải hư cấu. Khi hư cấu người viết vận dụng toàn bộ văn hóa tinh thần của mình, toàn bộ kinh nghiệm sống của mình. Đó là sự tổng hợp, sự hòa trộn nhuần nhuyễn giữa thực và hư, giữa lịch sử và hiện tại, giữa tri thức và cảm thức”. Gần gũi với quan điểm đó, nhà văn Hoàng Quốc Hải cho rằng: “Tiểu thuyết nói chung kể cả tiểu thuyết lịch sử đều phải lấy hư cấu làm phương tiện nghệ thuật. Vấn đề là phải hư cấu như thế nào để đạt đến chân thực lịch sử và chân thực cuộc sống. Chân thực đến mức người đọc phải thừa nhận đây mới là lịch sử. Cũng không có nghĩa là sự bịa tạc, mà là sự tìm tòi đi đến chân thực. Và sự thật lịch sử trong tiểu thuyết lịch sử đáng tin cậy hơn vì nó được giải mã, nó có cuộc sống. Sự thật lịch sử trong lịch sử chỉ là những tín hiệu chứa đựng những thông tin vô cảm nhưng trong tiểu thuyết lịch sử nó lại sống động. Đấy là nói đến những tiểu thuyết lịch sử đã được giải mã đúng hướng”.

Giải thiêng lịch sử
Vấn đề hư cấu lịch sử luôn đi liền với vấn đề giải thiêng lịch sử. Có thể nói rằng thuật ngữ “giải thiêng lịch sử” gần đây đã không được hiểu một cách thấu đáo, hay bị người ta cố tình gán ghép những ý nghĩa thuần tiêu cực. Nhiều người luôn cho rằng giải thiêng lịch sử là bóp méo, xuyên tạc lịch sử bằng quyền hư cấu và tưởng tượng của người viết. Giải thiêng lịch sử, hiểu theo nghĩa tích cực, là quá trình làm cho các nhân vật lịch sử trở nên gần gũi với đời sống hơn. Các nhân vật lịch sử trong các tác phẩm văn học nói chung và tiểu thuyết lịch sử nói riêng được quyền đi lại, ăn nói, sinh hoạt như các cá nhân bình thường khác trong hoàn cảnh xã hội, thời đại của họ. Họ không phải những con người không có thực mà hoàn toàn là những cá nhân đã từng tồn tại trong một thời điểm nhất định. Giải thiêng lịch sử là quá trình thúc đẩy sự gần gũi, tiếp cận với các nhân vật lịch sử trong mối quan hệ với các thế hệ hậu sinh, để cho các nhân vật lịch sử không đơn thuần là những ông thánh, là những người cao xa vời vợi chỉ có thể đứng từ xa mà ngưỡng vọng… Nếu khai thác theo hướng tích cực này thì việc giải thiêng lịch sử tạo cơ hội cho người đọc hiểu và yêu quý hơn các nhân vật là thần tượng của mình, họ không những là các vĩ nhân, anh hùng trong các chiến trận mà còn là những cá nhân có một cuộc sống đời thường như những người khác. Quan sát họ, hiểu họ qua sự tái hiện, hư cấu, sáng tạo của nhà văn, từ đó nhiều bài học hữu ích, thiết thực được rút ra. Cách sống, cách xử thế của đời trước có ích cho đời sau và người đọc cũng có thể nhờ đó tránh được các lỗi lầm mà tiền nhân, dù là các vĩ nhân, cũng có khi mắc phải.
Trong các bộ tiểu thuyết lịch sử được chú ý gần đây như Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác, Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng ngàn, Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh, Bão táp triều Trần, Tám triều vua Lý của Hoàng Quốc Hải, Giàn thiêu của Võ Thị Hảo, Hội thề của Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Du, Thông reo ngàn Hống của Nguyễn Thế Quang, Sương mù tháng Giêng của Uông Triều… đã phần nào lí giải được các khuynh hướng đó. Người anh hùng Nguyễn Huệ trong Sông Côn mùa lũ không chỉ hiện lên như một bậc anh hùng có tài cầm quân bách chiến bách thắng mà còn là con người có những yêu ghét đời thường, có những tình cảm rất giản dị, tha thiết với một người con gái nơi quê nhà. Hồ Quý Ly trong tiểu thuyết cùng tên thì không chỉ là một con người túc trí đa mưu, một nhân vật đầy uy quyền khi triều Trần đã sắp suy tàn mà ông cũng canh cánh trong lòng những ý định cải cách quốc gia, sự buồn tủi vì không được nhân dân ủng hộ và có cả những đau buồn rất riêng tư với người vợ mà ông yêu quý. Nguyên phi Ỷ Lan trong Giàn thiêu thì ngoài những kì tích về tài nhiếp chính, bà cũng có những sai lầm, ghen tuông nhất thời mà đã phải ân hận cay đắng cả đời. Nguyễn Trãi trong cuốn tiểu thuyết Hội thề gây tranh cãi cũng có bao trăn trở, mâu thuẫn giữa phe trí thức, phe võ biền trong hàng ngũ nghĩa quân Lam Sơn. Còn Trần Khánh Dư trong Sương mù tháng Giêng là con người kiêu hùng, dũng mãnh trong chiến trận nhưng cũng là bậc đào hoa trong tình trường, mưu lợi trong việc công tư…


Có thể nói, qua những diễn giải mới, cách hiểu mới của các nhà văn, các nhân vật lịch sử đã hiện lên sống động hơn, người hơn. Các anh hùng thời đại đã không hiện ra với motif đơn điệu nhàm chán mà có xương có thịt, có tính cách, có sự yêu ghét, trăn trở như những người thực ngoài đời. Sự giải thiêng với chiều hướng tích cực đã mang lại nhiều cách tiếp cận, cách kiến giải lịch sử. Điều đó cũng góp phần đẩy lùi được khuynh hướng ca ngợi một chiều, thần thánh hóa quá mức, khiến cho các nhân vật lịch sử trở nên xơ cứng, ít mang ý nghĩa giáo dục hay người đọc có thể hoài nghi về sự tồn tại của chính các nhân vật đó. Ngoài ra, đối với nhà văn, khuynh hướng ca ngợi một chiều chính là lực cản, kìm hãm quá trình tìm tòi, sáng tạo.
Song song với quá trình giải thiêng lịch sử theo hướng tích cực nói trên là những lợi dụng, nhân danh giải thiêng, quyền hư cấu của tiểu thuyết để bôi nhọ hoặc khai thác quá mức các nhược điểm của các danh nhân. Nhân vật lịch sử đôi khi có một khuyết điểm, lỗi lầm nhỏ mà bị thổi phồng lên, quy kết về tư cách đạo đức hoặc phủ nhận các giá trị mà nhân vật mang lại. Những tác phẩm đó sẽ làm người đọc hoang mang, nghi ngờ, làm giảm sự kính trọng, tôn quý của họ đối với những người, những giá trị từ lâu đã đóng đinh trong tâm thức cộng đồng. Nhà văn có quyền hư cấu theo trí tưởng tượng của mình, thậm chí có quyền hư cấu hoàn toàn như một nhà văn lão thành chuyên viết tiểu thuyết lịch sử đã từng tuyên bố, nhưng vấn đề liều lượng và những giới hạn, những ngưỡng trong quá trình sáng tác cần được suy nghĩ thấu đáo. Giải thiêng lịch sử là một dòng chảy, một khuynh hướng không thể cưỡng lại nhưng làm cách nào để phát huy những mặt tích cực, hạn chế những mặt tiêu cực và có một thái độ khách quan đúng mực là điều quan trọng đặt ra đối với người cầm bút. Có một câu nói xưa cũ về vấn đề này nhưng vẫn còn nguyên giá trị cho những người viết hôm nay: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”. Có lẽ đó cũng là lời cảnh báo cho bất cứ ai có ý định xem xét, tiếp cận, diễn giải các nhân vật, vấn đề lịch sử bằng ngòi bút của mình. Giải thiêng nhân vật lịch sử không có nghĩa là hạ bệ, tầm thường hóa họ mà là kéo họ lại gần với hậu thế hơn

B.N

(nguồn Văn học quê nhà)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder