Vết thương thuở trước luân hồi còn đau – Nguyễn Long Khánh

Trong những đỉnh cao nghệ thuật của nhân loại, thi ca là một đền đài. Nàng thơ đã làm bạn với con người, giúp họ giãi bày cảm xúc gửi trọn tâm hồn cho cuộc sống, ca ngợi, chia sẻ, động viên con người sống tốt đẹp, bao dung, thương yêu nhau hơn… Chính vì thế xã hội nào cũng có nhiều người làm thơ để giải tỏa cảm xúc tâm hồn, nói lên tình yêu của họ với cuộc đời: Họ làm thơ tặng những người thân, tặng người mình yêu, tặng Tổ quốc vĩ đại và nhân dân mình. Cho nên có những nhà thơ đích thực, nhà thơ của phong trào, nhà thơ của các câu lạc bộ xã, phường, huyện, những nhà thơ Trung ương có thẻ hội viên Hội nhà văn, có các giải thưởng cao quý và có nhiều nhà thơ địa phương nhưng ấn tượng cũng chẳng thua kém các nhà thơ Trung ương… Và đặc biệt có những nhà thơ đã hy sinh cả cuộc đời sống chết với thơ, thơ là tất cả cuộc đời, tình yêu của họ. Họ không nghĩ đến bản thân mình, thơ chính là cuộc đời của họ… đó là những thi sĩ đích thực của thi ca.

Ở Hải Phòng, tôi xin mạo muội được tôn vinh các thi sĩ: Thanh Tùng, Nguyễn Thị Hoài Thanh và mới đây nhà thơ vừa mất: Nguyễn Đình Di.

Nguyễn Thị Hoài Thanh là một thi sĩ ngay từ hồi chị còn con gái 13 tuổi đã làm thơ, 20 tuổi có bài thơ Lán Mông Giăng được đăng ở báo Văn nghệ. Nói như nhà văn Bùi Ngọc Tấn viết về chị: Thời con gái chị vốn xinh đẹp “nhất dáng nhì da” nhưng  hồng nhan bạc mệnh, đời chị truân chuyên, gian nan, có đôi lúc còn nguy hiểm vì sắc đẹp của mình: 2 lần chị kết hôn, 2 lần  ly dị. Năm chị tốt nghiệp trường Công nhân kỹ thuật Hải Phòng lúc 20 tuổi, vừa kết hôn xong chị đã li dị , sinh cháu gái đầu lòng, chị xin làm ở Cẩm Phả để xa hẳn người chồng. Chị và con gái mới sinh ở ngay nhà đề bô rộng thênh thang đã từng có người chết ở đó, suốt đêm nghe gió gầm rít trên mái nhà, nghe tiếng mưa rơi trên mái tôn, nhìn nước đổ như thác cuồn cuộn bên ngoài trạm đề bô. Ở đó chị đã viết bài thơ Lán Mông Giăng (báo Văn nghệ đăng năm 1971):

Em tôi nào ngủ được

Bởi cô đơn

Bởi hoang vắng

Bởi nhà đề bô tối om từng có người chết ở liền bên.

Bởi những tia chớp rạch trời thoắt hiện

Những khóm lau chìm trong bóng tối…

Bởi bé đau viêm họng sốt cao không ngủ được

thì cứ nằm mơ ước

Từ Cẩm Phả mẹ con chị lại về Hải Phòng sang Kiến An, Vĩnh Bảo khi lòng chị dịu lại sau cơn sốc đầu đời. Còn việc gì chị không trải qua để kiếm sống: Công nhân xi măng, thợ điện Hải Phòng điện khí, thợ điện công ty xây lắp, công nhân bóc lạc công ty xuất khẩu, công nhân máy bào cuốn xí nghiệp gỗ Trương Công Định, công nhân công ty xếp dỡ, cấp dưỡng công ty vật liệu kiến thiết, công nhân súc sạc ắc quy xí nghiệp Đánh Cá Hạ Long v.v… Và còn  bao nghề phụ: đi giao bánh rán, bánh mì, kẹo lạc, làm và bán nước mắm… Cuộc sống của chị không còn thời gian mà thở và còn chấn thương tâm hồn bởi 2 lần li dị phải nuôi con một mình… Vậy mà chị vẫn làm thơ. Thơ là người bạn đồng hành chung thủy suốt đời, là chỗ vịn mỗi khi chị sắp gục ngã, thơ là cánh buồm giúp chị lúc con thuyền vượt qua giông bão cuộc đời. Chị là thi sĩ cần lao đích thực của đời thường. Nguyễn Thị Hoài Thanh làm thơ do nhu cầu nội tâm, chị làm thơ để trang trải nỗi lòng để động viên cho những con người đau khổ dưới đáy cuộc đời, lạc quan, vươn lên mà sống. Cho nên đời chị gian lao, sóng gió, vất vả là thế nhưng thơ chị vẫn hồn nhiên, trong trẻo, ấm áp lạ thường.

Cây trụi lá mầu chiều sang sắc trắng

Hàng dậu xô làng xóm xích gần nhau.

Đọc thơ chị qua bao năm tháng ta thấy chị yêu Hải Phòng biết mấy, dù Hải Phòng với chị là những thành kiến, nhọc nhằn, đau đớn khi chị phải đấu tranh kiếm sống để tồn tại, một Hải Phòng nhiều kỷ niệm buồn hơn kỷ niệm vui. Chị có 2 bài thơ về Hải Phòng, ai đọc cũng nhớ mãi:

Bài Cầu Xi măng như một bức thư gửi người anh (Nguyễn Xuân Vinh) đang sống ở Mỹ:

Anh đã xa cầu Xi măng

Ba mươi năm từ đó

Xa con sông nước lợ

Anh có mơ một lần

Sóng ở giấc mơ anh

Cầu Xi măng ơi cầu Xi măng

Thuở bé em nhìn sang bên sông

Trời đất một vùng chim bay, chim lượn

Anh ơi! Cầu có tự bao giờ?

Mẹ bảo tuổi cầu cùng với tuổi anh.

(Hải Phòng, năm 1982)

Chỉ có một tình yêu sâu sắc trở thành máu thịt mới viết được những bài thơ như thế.

Bài thứ 2 là “Chợ Cầu Rào”, chị khóc tặng người em Nguyễn Xuân Đăng mai táng ở nghĩa trang Ninh Hải (chị đến nghĩa trang phải đi qua chợ Cầu Rào).

… Em nằm bên kia sông

Chợ Cầu Rào chiều hôm nắng tái

Qua chợ dùng dằng

Nửa muốn đi nửa toan ghé lại

Định mua quà cho em

nhưng nào biết mua chi.

Em nằm ở bên kia

Bên đây chợ lao xao kẻ mua người bán.

Chỉ một thứ chẳng ai cần bán mua

là nước mắt.

Em mặc cả với đời mang nóđi theo.

… Đến thăm em chẳng cần vội vã

Ở nơi đó bao giờ cũng có thể có em

Đến thăm em rất cần vội vã

Ở nơi đó bao giờ cũng không thể có em.

Hải Phòng, 1990

 

Vì tình yêu sâu sắc với Hải Phòng, chị đã có những bài thơ hay, gan ruột, xúc động lạ kỳ như bài Tôi ở Hải Phòng chị viết năm 1979. “Kiếp sau” gửi lại:

Kiếp sau xin được làm chim

Tình thương trong trẻo bay tàn nơi xa

Giương cung, đừng nhớ người ơi

Vết thương thuở trước, luân hồi còn đau.

Vàở tuổi gần 80, bây giờ chị ước được như câu thơ chị viết:

Giờ thì ước được như mây

Núi cao biển rộng tháng ngày thung thăng

Giờ thì ước được như trăng

Bao nhiêu tuổi vẫn ngang bằng ngọn tre.

Chúc thi sĩ không bao giờ nhớ tuổi mãi như vầng trăng đẹp nhất của đời.

 

Tháng 4.2018

N.L.K

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder