Sau khi lễ tang mẹ xong, Huyền đi biệt tích, không ai biết nó đi đâu cả. Ngoài trời chiều nay những cơn mưa trước dãy trọ thật dữ dội, có phải chăng cơn mưa ấy đang gột rửa những nỗi niềm trong lòng Huyền. Nhưng còn vết xướt của cuộc đời của Huyền thì sao, liệu rằng thời gian có thể vá lành được vết thương ấy?
Nhìn đồng hồ đã 12 giờ đêm, tôi cố gắng hoàn thành nốt bài tập cuối cùng mà thầy giáo đã cho hôm nay để ngày mai kịp nộp lấy điểm học phần cuối kỳ. Giờ này Huyền vẫn chưa thấy về – Huyền là người bạn “bốn cùng” với tôi, đó là: Cùng quê, cùng lớp, cùng tuổi, cùng phòng trọ. Dạo này nó hay đi sớm về khuya thất thường, ít quan tâm đến việc học như trước.
Ở quê, nhà Huyền rất khó khăn, ba mẹ đều làm nông, quanh năm vất vả “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” kiếm từng đồng tiền để cho chị em Huyền ăn học. Huyền là đứa học rất khá ở làng tôi, hồi thi vào đại học nó đậu với số điểm khá cao. Lúc đấy tôi thấy trên khuôn mặt của ba mẹ nó vừa mừng lại vừa lo. Cái mừng, cái lo của ba mẹ nó là chính đáng. Huyền hiểu tất, lúc đó dù rất buồn nhưng nó vẫn xin ba mẹ để nó được nghỉ đi làm kiếm tiền phụ giúp để cho các em ăn học. Nhưng nhờ sự an ủi, động viên và giúp đỡ của bà con hàng xóm nên Huyền được lên thành phố học đại học cùng với tôi. Những năm đầu trên giảng đường đại học, Huyền học rất chăm và số điểm cuối kỳ luôn nằm ở trong top đầu của lớp. Nhưng không hiểu vì sao sang năm học thứ 3 sức học của Huyền đang dần tuột xuống, vả lại nó hay đi chơi đêm nhiều hơn, có lúc về rất khuya thậm chí sáng hôm sau cũng chưa thấy trở về, có hôm nó bỏ cả buổi học.
Biểu hiện này của nó bắt đầu từ khi mẹ nó dưới quê bị bệnh nặng. Ngày ba nó gọi điện lên, nó còn hí hửng tưởng ba nó gọi hỏi thăm con gái, nào ngờ nói vài ba câu với chú Bình (ba Huyền) thì chiếc điện thoại của nó trên tay tuột rơi xuống nền gạch lách cách, nước mắt nó cứ trào ra ướt ròng cả cổ áo. Tôi gặng hỏi mãi mà nó không trả lời. Nó vội vàng khăn gói đi về quê, tôi cũng không hiểu vì sao. Tôi gọi điện thoại về hỏi mẹ tôi thì mới biết mẹ nó ở dưới quê bị bệnh suy thận mãn tính, lại còn bị bệnh tim rất nặng, việc chạy chữa rất tốn kém, chú Bình phải đi chạy vay, chạy mượn mới có được số tiền ít ỏi để chi phí cho việc chữa bệnh cho mẹ Huyền. Huyền về quê săn sóc cho mẹ được một tuần, rồi nó lên chỗ trọ mấy hôm, sau đó quay về lại quê và đưa cho ba nó khoảng 10 triệu để lo cho mẹ, mà không biết số tiền đấy ở đâu ra, nó không nói, cũng không ai biết. Chỉ thấy trong tận sâu đôi mắt của nó hiện hữu lên một nỗi buồn sâu thẳm.
*
Tôi đang mơ màng tìm vào giấc ngủ, thì nghe tiếng gọi của Huyền ngoài cửa.
– Lan ơi!…Lan… Mở cửa cho tao với!
Tôi ngồi dậy vuốt lại mái tóc rối, nhìn đồng hồ đã hơn 1 giờ sáng. Tôi mở cửa cho Huyền vào, tôi ngửi thấy trên người của nó pha tạp đủ các loại mùi. Nào là nước hoa, mùi rượu lại còn có mùi gì đó hăng hắt. Nhìn người nó uể oải, mệt nhọc tôi hỏi:
– Mày đi đâu mà về khuya giữ vậy?
Huyền lặng thinh không nói, nó cởi bỏ một số nữ trang trên người rồi lăn đùng ra cái nệm dưới sàn, mắt nhắm lại.
– Mày đã ăn gì chưa? Hay để tao chế mì gói cho mày ăn nhé! – Tôi hỏi tiếp.
Huyền lấy cái gối che mặt vì ánh sáng chói của bóng đèn điện làm nó khó chịu, nó nghiêng người vào phía tường nói với giọng mệt mỏi:
– Không cần đâu! Hồi chiều tao đã ăn ngoài tiệm rồi! Bây giờ mày hãy để tao chợp mắt một chút.
Huyền nói vậy, tôi cũng không buồn hỏi thêm. Ở trọ với nó 3 năm học rồi, tôi hiểu tính nó quá rõ. Khi nó đã không muốn nói thì dù có làm bất cứ điều gì đi nữa nó cũng chẳng thốt ra câu nào. Chỉ có hành động gần đây của nó là kỳ quặc. Nó chẳng đến lớp thường xuyên, mà cái giờ giấc đi lại của nó nhiều lúc làm tôi phát cáu. Mà cũng lạ thật, nó đi học mà ai cho tiền nó nhỉ. Khoảng một tuần, nửa tháng thì nó lại gửi tiền về cho ba nó đôi ba triệu để mua thuốc thang chữa bệnh cho mẹ nó. Chú Bình nhiều lúc gặp hỏi tôi tiền đâu mà mà Huyền có nhiều vậy, tôi cũng không biết trả lời sao, vì nó làm gì, đi đâu không bao giờ nó cho tôi biết cả. Rồi đến một ngày, một ngày được xem là định mệnh trong cuộc đời nó, một ngày mà tôi vỡ lẻ ra tất cả nhưng hôm nó đi sớm về muộn, và cả số tiền mà nó có được là từ đâu.
Tôi và Huyền đang ngồi ăn cơm trưa trong phòng trọ, thì bổng nghe tiếng quát tháo um xùm ở phía trước. Tiếng người đàn bà dõng dạc la to:
– Con đỉ Huyền đâu rồi! mày cũng to gan lắm, dám giật chồng bà. Hôm nay bà cho mày biết tay cho chừa cái tội mày nghen con đỉ.
Tiếng la lối om xòm của người đàn bà khiến cả dãy trọ ngơ ngác, mọi người đều ra trước cửa trọ của mình thập thò nhìn bà ta và nhìn về phía phòng của tôi với ánh mắt dò xét. Tôi vội bỏ chén cơm đang ăn dở xuống mâm chạy ra xem thử, đó là một người đàn bà tuổi cũng chắc đã ngoài 40, người sang trọng nhưng vẻ mặt của bà ta thì không khác gì mụ Tú Bà khi xưa. Đi bên cạnh bà ấy là hai gã đàn ông lực lưỡng, tay đầy chạm trổ. Tôi phát hoảng lên vội chạy vào trong phòng đóng cửa lại hổn hển vội hỏi Huyền:
– Ai thế hả Huyền, mày đã làm ra chuyện gì vậy? Sao người ta lại đến tìm mày ngoài kia.
Mặt Huyền đang tái nhợt đi, đôi mắt nó ánh lên đầy vẻ lo lắng, nó khóc và nói trong khổ sở:
– Tao xin lỗi, tao xin lỗi…
– Xin lỗi việc gì? Mày làm gì mà phải xin lỗi – Tôi phát điên lên.
Huyền ấp a, ấp úng.
– Rồi…rồi tao sẽ kể cho mày nghe, bây giờ mày cứu tao với, chứ không tao chết với bà ta mất.
Dù rất giận nó, nhưng trong tình thế này không cho phép tôi kéo dài được thời gian với những câu hỏi không có câu trả lời thỏa đáng. Phòng trọ nhỏ, chẳng có chỗ nào cho nó trốn, chỉ còn một cách là giả vờ bị bệnh. Tiếng gõ cửa dồn dập phía ngoài. Tôi ra mở cửa, người đàn bà nhìn trân tráo tôi hỏi:
– Con đỉ Huyền đâu?
– Dạ, Huyền nào ạ! Cháu không biết – Tôi đáp
– Mày đừng bao che, có đứa chỉ là con đỉ Huyền ở phòng này, nếu mày không nói thì cả mày cũng đừng có trách số với bà – Người đàn bà hung hăng dọa dẫm.
Tôi cũng hơi sợ bà ấy, nhưng tôi cố lấy hết sức bình tĩnh để xử lí tình huống oái ăm, nghiệt ngã này. Tôi vẫn nói lễ phép với bà ta.
– Dạ, thưa cô, mấy hôm trước Huyền cũng có ở đây, nhưng hai hôm nay nó đi đâu không thấy về nữ!.
Bà ta không để tâm tới lời nói của tôi. Bà ấy lấy tay gạt tôi sang một bên liếc ngang dọc rồi lấy tay chỉ về phía Huyền đang nằm và nhìn tôi tra xét.
– Mày xạo tao à! Thế đứa nào đang nằm kia!
Thú thật, lúc ấy tim tôi đang đập thình thịch trong lồng ngực, tôi sợ mọi chuyện sẽ bại lộ và Huyền sẽ có kết cục thật đáng thương. Tôi nhắm mắt thở một hơi dài rồi lấy hết sức bình tỉnh trả lời bà ta:
– Dạ, thưa cô, đấy là đứa em cùng phòng trọ của cháu, nó đang bị bệnh truyền nhiễm. Nếu cô không tin thì có thể vào xem xét.
Nghe thế, bà ta và cả hai gã đàn ông kia lấy tay bịt mũi lại, và lùi lại hai ba bước. Bà ta cảnh cáo:
– Mày nói con đỉ Huyền liệu hồn, nếu để tao gặp được nó, chắc chắn người nhà nó không nhận ra đâu nhé!
Nói xong bà ta cùng mấy gã giang hồ kia đi về. Con tôi vẫn chưa hết hồi hộp. Con Huyền thì nằm im thin thít đắp chăn như người bị bệnh thật. Tôi đến bệnh cạnh nó thở một hơi dài:
– Haizz… bà ta về rồi! Mày ra đi!
Huyền giở chăn ra và từ từ ngồi dậy, mặt của nó vẫn còn tái nhợt, nước mắt Huyền giàn dụa thấm vào trong từng sợi tóc rối trên khuôn mặt của nó. Tôi đưa tay đặt lên vai nó vỗ về:
– Nào, bây giờ mày hãy kể mọi chuyện cho tao nghe đi!
Huyền đưa hai tay lên mặt vuốt lại mái tóc ra đằng sau. Nó lấy vài ngón tay chặm chặm những giọt nước mắt còn đọng lại trên mi, nó nhìn tôi nói trong cơn nấc:
– Chắc mày đang thắc mắc không biết vì sao mà lúc mẹ tao ngã bệnh tao đã có ngay 10 triệu đồng để đưa cho ba tao lo cho mẹ. Tao bán cái màng trinh đời con gái của tao đấy! Rẻ quá phải không, lẽ ra cái đó nó phải đáng giá nghìn vàng như người ta nói, nhưng với tao thì người ta trả giá 10 triệu thôi! Nhưng so với tính mạng của mẹ tao lúc ấy thì số tiền đó đang rất cần. Tao đành phải liều, phải liều… mày có biết không?
Huyền cố cười, nhưng cái cười của nó là cái cười trong đau khổ. Nó kể tiếp: Khi biết hoàn cảnh của nhà nó, một lão sở khanh giàu có nhưng keo kiệt ở thành phố đã gặp nó và ngã giá trực tiếp trắng trợn với nó. Ban đầu nó không đồng ý, nhưng trước sự nguy nan của mẹ nó, nó đành nhắm mắt liều thân. Lão sở khanh ấy đã khám phá, mân mê trên thân thể của nó như người ta đang khám phá một báu vật quý hiếm. Nỗi nhục nhã, ê chề mình nó gậm nhấm qua thời gian. Lão ấy hứa, hứa sẽ lo cho mẹ Huyền, nhưng lời hứa của lão cũng chỉ là hứa lèo. Chỉ khi nào Huyền làm cho lão thỏa mãn cơn khát dục trong lão thì lão mới quăng cho Huyền vài ba triệu chẳng khác nào người ta vụt xương cho một con chó khi đã gặm xong.
Câu chuyện của Huyền mọi người đồn đoán khắp phòng trọ, rồi đến cả trường ai cũng biết. Họ nhìn Huyền với ánh mắt khinh khi, nhạo bán. Huyền không chịu nổi nên đành nghỉ học hẳn. Nhưng vết thương đau nhất với Huyền là khi người yêu nó lặng lẽ rời xa ,mà không nói với với nó một lời nào. Mà cũng phải, Huyền không còn trong trắng nữa thì có người con trai nào còn dám yêu nó khi không phải là anh ta chọc được cái màng ấy. Hiếm lắm, thời này có mấy ai hiểu được cái chữ trinh vốn có “ba bảy đường” như cụ Nguyễn Du ngày xưa nói đến. Rồi ba của Huyền cũng biết chuyện, ba nó không trách mà chỉ thấy xót cho đứa con gái tội nghiệp, dại dột.
Sau khi lễ tang mẹ xong, Huyền đi biệt tích, không ai biết nó đi đâu cả. Ngoài trời chiều nay những cơn mưa trước dãy trọ thật dữ dội, có phải chăng cơn mưa ấy đang gột rửa những nỗi niềm trong lòng Huyền. Nhưng còn vết xướt của cuộc đời của Huyền thì sao, liệu rằng thời gian có thể vá lành được vết thương ấy?
N.H.Â