Vị Đời – Truyện ngắn của cố nhà văn – nhà giáo Nguyễn Anh Đào

Vanhaiphong: Nhân ngày nhà giáo Việt Nam VHP xin đăng một truyện ngắn của cố nhà giáo – nhà văn Nguyễn Anh Đào do chị Tuyết Mai là con gái của ông, đang sống ở Nhật gửi về…

Vanhaiphong: Nhân ngày nhà giáo Việt Nam VHP xin đăng một truyện ngắn của cố nhà giáo – nhà văn Nguyễn Anh Đào do chị Tuyết Mai là con gái của ông, đang sống ở Nhật gửi về…

VỊ ĐỜI

Tiến vi quan , thoái vi sư

Đó là con đường của tri thức, thời nào cũng vậy.

Thầy Phí Văn Ái về dạy học ở làng Nha Mon từ mùa thu năm ngoái. Cái mùa thu sụt sùi mưa bão, đất trời trái tính trái nết, thế sự cũng lại đảo điên, khiến cho mỗi con người dù là bậc hiền nhân quân tử hay thân phận chúng dân nơi thôn dã đều không tránh khỏi cảnh thăng trầm, chìm nổi.

Nơi thầy trọ là nhà cụ Trùm Thoi. Tuy không phải là bậc đại phú hào, nhưng cụ Trùm vốn là người trọng nghĩa, gia đình lại khá giả nên cụ đối xử với thầy Ái thật chu đáo. Cụ dành hẳn một gian nhà bên phải để thầy ngồi dạy học. Thầy bắt đầu dạy tam tự kinh cho 5 đứa trẻ, trong đó có một đứa là cậu con giai thứ của cụ Trùm. Ngoài ra còn cả cô Tuyết, em út của cụ, tuổi đã ngoài đôi mươi mắt đen lúng liếng, tóc vẫn đuôi lươn, thỉnh thoảng cũng đứng nép vào cột nhà chăm chú nhìn thầy, miệng lẩm nhẩm theo lời thầy giảng.

Trên cái sập gù chân quỳ, thầy Ái ngồi xếp bằng tròn chính giữa, cái áo the thâm đã buột hết cả gấu được vén gọn vào lòng. Năm đứa trẻ ngồi trên đòn tre, tay khoanh trước ngực, châu mắt nhìn vào quyển sách để mở đặt trên mép sập, miệng e a đọc theo giọng của thầy:

Nhân…i…a…chi…i…a…sơ…

Tính…i…a…bản…i…a…thiện…

Buổi đầu tuy náo nức, nhưng ê a mãi, chúng cũng mỏi miệng. Đứa thì ngáp ngắn, đứa thì sổ mũi, gãi tai… Thầy Ái cầm cái xe điếu cong vút bằng ngọn trúc gõ nhẹ vào chỏm tóc trên đầu từng đứa, nhắc nhở:

– Các con phải học hành cho tử tế. Đây mới chỉ là những câu vỡ lòng. Đạo lý của nho gia lĩnh hội được còn phải gian nan lắm chứ không dễ như và cơm vào miệng đâu.

Lũ trẻ vẫn ngơ ngác, chẳng đứa nào để ý vào lời nói của thầy.

Thầy gọi một đứa:

– Kìa thằng Thốn! Lần sau mà có ngáp con nhớ phải che cái miệng lại kẻo khó coi lắm. Lại thằng Giáp nữa kìa, chảy mũi xuống tới môi rồi, đi xỉ bỏ đi con.

Mỗi ngày hai buổi, trước lúc học bài, mấy đứa trẻ phải chia nhau công việc. Đứa cọ ấm chén. đứa đổ bã điếu, đứa mài mực… Hàng tháng thầy thu của mỗi đứa vài quan tiền. Số đó, thầy gửi tiền cơm cho cụ Trùm cũng coi là đủ. Tuy chỉ là ngồi dạy nhờ, nhưng thầy Ái vẫn được chủ nhà lo cho mọi việc ăn uống hàng ngày. Mỗi lần giỗ chạp ở nhà cụ Trùm, bao giờ thầy Ái cũng được mời ngồi cỗ trên cùng các vị cao tuổi hoặc chức sắc trong làng. Trước cửa nhà cụ Trùm là cái hồ sen rộng. Sáng sáng, khi mặt hồ còn mờ hơi sương, cụ Trùm đã sai cô Tuyết ngồi trên chiếc thuyền thúng bơi ra giữa hồ, khẽ khàng gạn lấy những giọt sương đêm đọng trên lá sen, óng ánh như những giọt thủy ngân vào một cái bình sứ đem về để pha trà, mời thầy Ái cùng uống.

Một lần thầy Ái ngập ngừng bảo với cụ Trùm:

– Nếu cụ không chê Ái tôi là một ông đồ quê kệch thì xin cụ cho phép chính tay được pha trà hầu cụ.

Cụ Trùm đáp:

– Tôi đâu dám. Xin mời thầy cứ việc .

Thày Ái dùng nước sôi tráng ấm,rồi lại nhòm kỹ vào trong xem có còn vướng chút cặn bã nào không, rồi thầy mới dùng hai ngón tay nhón từng hạt chè thả vào ấm. Thứ chè Phú Hộ búp khô kiệt, xoăn tít ướp hoa ngâu từ hai ngón tay thầy rơi xuống nghe ” roong roong” như rắc sỏi. Chờ cho siêu nước trên cái lò sôi sùng sục, nắp ấm gõ lạch cạch thầy mới nhắc ra. Để tin chắc là nước đã sôi già, thầy rót một ít xuống nền gạch. Sau tiếng “phùm phụp”, tín hiệu của sự giao hòa âm dương thì hơi nước tan, nền gạch lại khô bong. Như thế mới là nước sôi thật thầy mới rót ra ấm. Chừng dập bã trầu, chè được rót ra, hương ngâu thơm nức, thầy Ái mới dùng cả mười ngón tay nâng chiếc chén mắt trâu ánh màu da lươn lên ngang mặt mời cụ Trùm. Cụ Trùm hai tay đỡ lấy chén nước nói lời cảm ơn. Rồi chủ và khách cùng nhâm nhi, thưởng ngoạn cái hương vị đậm đà nơi đầu lưỡi cùng sự tinh khiết thanh nhã của thứ trà ngon mà có lẽ chỉ những bậc văn nhân quý phái mới cảm nhận hết.

***

Thầy Ái về dạy ở đây đã gần một năm, nhưng chủ nhà vẫn chưa biết rõ gốc tích của thầy, vì thầy không hề kể mà cụ Trùm cũng không hỏi. Nhưng cứ nhìn khuôn mặt thanh tú, phải cái hơi sạm nắng và cái búi tóc cuốn gọn của thầy cũng như cách thầy pha trà, cách thầy dạy dỗ học trò thì cụ trùm cũng đoán thầy là một người có bản lĩnh, từng trải và tiết tháo. Tuổi thầy tuy chưa cao, nhưng kiến thức thì uyên thâm, làu thông kinh sử. Thầy dạy kinh thi, kinh Xuân Thu cho học trò. Nhưng khi giảng, thầy lấy chuyện nhà Tây Sơn để so sánh với triều đình nhà Nguyễn, ngầm ý ca ngợi ông vua áo vải Quang Trung.

Vào một đêm trăng, ngồi uống rượu mai quế lộ với cụ Trùm, nhân chủ khách đàm đạo về thời thế, thầy bảo:

Anh Hùng trong thiên hạ không ai vượt được Bắc Bình Vương. Ngài ra quân trận nào thắng trận ấy. Võ công thì sánh với hạng Vũ, nhưng sự nghiệp thì hơn hẳn. Rồi nhân hứng khởi, thầy cất giọng ngâm:

Anh hùng thanh sất Bàn Sơn Cổ(1) Miếu mạo quang lưu Bạng hải Kim(2)

Cụ Trùm dâng cao chén rượu lên ngang mặt, tán thưởng.

Cụ Trùm Thoi tuy không phải là dòng dõi khoa bảng, nhưng trong làng, cụ là người vai vế nên lấy việc trọng đãi các bậc sĩ phu, nho học làm điều danh giá. Cụ giao hẳn cho cô em gái việc lo phục dịch, cơm nước cho thầy. Cứ hai ngày một lần cô Tuyết lại quảy đôi chĩnh vào tận giếng chùa gánh nước cho thầy tắm rửa. Theo người làng Nha Môn thì chỉ nước giếng ấy mới đủ độ trong mát, mang lại sự vệ sinh cho con người. Ấy là ý cụ Trùm muốn thế để lấy lòng thầy giáo, mong được thầy dạy bảo đến nơi đến chốn cho thằng con trai và cô em gái út chưa chồng có dịp gần gũi học lỏm lấy vài câu thánh hiền trước khi xuất giá để làm cái vốn hiểu biết ở đời. Thế là những ngày dạy học ở nhà cụ Trùm Thoi đối với thầy ái thật là những ngày đắc ý khiến thầy quên đi những thất vọng, bế tắc khi cùng Ngư Phong tướng quân Nguyễn Quang Bích(3) lo việc đánh đuổi giặc Pháp, trái với chủ trương cầu hòa của vua quan nhà Nguyễn. Song cũng bởi “lực bất tòng tâm”, lại khi vận giời không gặp nên vào trận chỉ những là thắng ít, bại nhiều.

Một hôm thầy Ái và cụ Trùm đang ngồi thưởng trà như thường lệ thì có người nhà của Chánh tổng đến nới với cụ Trùm :

– Cụ Chánh tôi có nhận được trát của quan Tri phủ Lâm Thao cho biết, ở làng này có một nho sĩ họ Phí, quán tổng Lũng Xuân bên Sơn Tây, vốn là đồng đảng với Nguyễn Quang Bích, hiện lẩn trốn ở đây. Chẳng hay cụ Trùm có chứa chấp trong nhà thì ra đình mà khai báo.

Cụ Trùm bàng hoàng hỏi:

– Chết nỗi, thế ông Nguyễn Quang Bích là người thế nào mà gây chuyện nhiễu nhương làm vậy, bác có biết không?

Người kia trả lời thủng thẳng:

– Tôi nghe cụ Chánh nói thì ông này đậu tiến sĩ, từng làm quan to trong triều ở Huế, rồi lại được phái ra làm Tuần phủ Hưng Hóa nhưng bỏ quan đi làm quân sư cho tướng Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc chống lại quan quân của nước Đại Pháp. Quân cờ Đen đã bắn chết tướng Pháp là Gácnhe(4) ở Cầu Giấy. Nay Hà thành đã thất thủ, thành Hưng Hóa cũng mất, ông Hoàng Kế Viêm đã bỏ về huế. Còn ông Bích thì vẫn lẩn lút quanh đây, trong đó có một ông họ Phí, tên Ái. Vậy, cụ Chánh tôi thừa lệnh triều đình báo để cụ và dân hàng tổng biết, không ai được chứa chấp người này…

Cụ Trùm Thoi lúng túng gần buông rơi chén nước, nhìn thầy Ái. Khi tên người nhà Chánh tổng đi rồi, cụ mới hỏi:

– Bây giờ thầy tính thế nào?

Thầy Ái vẫn ngồi yên, nét mặt không hề thay đổi. Đó là khí tiết của một con người từng đối mặt với gian nguy, thử thách.

Sau khi nhấp hết chén trà vừa đủ độ ngấm, thầy mới gật đầu nói:

– Có lẽ ngày mai thì tôi xin phép cụ đi khỏi đây.

– vậy thầy định đi đâu?

– Thôi thì, “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, tôi đành lại phải đến làng khác vậy.

Hôm sau, vào lúc canh ba, thầy Ái lại khăn gói lên đường. Cô Tuyết bịn rịn, cố giấu nỗi niềm thương nhớ của mình. Chờ cho lúc đám mây che khuất ánh trăng hạ tuần lạnh lẽo, cô mới dúi vào tay nải của thầy cái khăn vải tơ tằm, gói mấy miếng trầu têm sẵn và mấy đồng tiền kẽm, hai mắt cô long lanh:

– Thầy đi lần này em chỉ xin thầy giữ mình làm trọng. Em tiếc mình phận gái nên không thể theo thầy để sớm tối hầu hạ cơm nước cho thầy…

Nói chưa hết câu cô Tuyết đã sụt sùi, cô kéo vạt áo lên lau nước mắt. Thầy Ái dùng cả hai tay nắm lấy bàn tay nóng hổi của cô Tuyết, giữ chặt như giữ một con chim nhỏ, sợ nó bay đi mất. Đôi môi thầy lập bập:

– Kìa Tuyết, Tuyết đừng nói thế mà khiến lòng tôi thêm bận. Dù là trai hay gái thì Tuyết cũng không thể đi theo tôi được. Tuyết còn có gia đình, có mẹ già. Còn tôi thì… nay đây mai đó, bốn phương đều là nhà. Tuyết cứ để tôi đi, đừng bịn rịn. Rồi sẽ có ngày mình lại gặp nhau.

***

Vì “cuốc không hay, cày chẳng thạo” thầy Ái lại phải kiếm sống bằng nghề “gõ đầu trẻ”. Trong số người ăn, kẻ làm của cụ Trùm có một anh cũng muốn học lấy dăm ba chữ thánh hiền nên xin cụ Trùm cho đi theo thầy Ái để vừa cơm nước cho thầy, vừa nghe thầy giảng. Cụ Trùm lấy làm ưng ý, liền đưa cho một khoản tiền nhỏ để thầy trò vượt qua những ngày đầu gian khó. Anh này có tên là Đởm, vốn con nhà gia giáo, nhưng vì gặp năm lụt lội, đói kém, gia đình phiêu bạt, phải đến làm công cho cụ Trùm. Anh ta đón thầy về ở ngay trong căn nhà lụp xụp của mình. Làng anh cách cái nơi có quân Cần Vương lẩn lút một con sông, gần chân núi Tam Đảo. Ở đây, chẳng còn phải lo gì đến trát quan truy nã nữa.

Khoản tiền cụ Trùm chu cấp chẳng đáng là bao, nó chỉ là thứ quà tình nghĩa của người ở tặng người đi. Nhưng cái ân tình của nó thì giống như bát cơm Phiếu Mẫu đối với Hàn Tín. Cuộc sống của hai thầy trò những ngày sau đó quá đỗi chật vật, đến nỗi vắt mũi không đủ bỏ miệng. Số trẻ đến học chỉ có bốn đứa, toàn con nhà nghèo. Chúng hôi hám bẩn thỉu. Đứa nào đứa ấy mắt toét nhèm. Ngoài mấy đồng chúng góp lại, gọi là lương thầy, bố mẹ chúng chẳng ai có lễ lạt gì. Thầy Ái nhìn mấy đứa học trò lắc đầu: ” Chao ôi là cái chữ thánh hiền, sao mà nó rẻ rúng vậy!”

Giọt nắng đã nhảy múa ngoài hiên, thầy Ái gọi người đầy tớ:

– Anh Đởm này!

– Dạ, thầy gọi con?

– Liệu chừng gạo ăn còn đủ đến hết tháng không?

– Dạ đã hết từ chiều qua, sáng nay con đã phải đi vay rồi ạ.

– Vậy hả? Ồ! Nhưng sao bữa nào anh cũng nấu nhiều cơm thế, phải ăn rè chứ.

– Bẩm, có gì mà nhiều. Đáng lẽ phải nấu miệng bơ, con chỉ dám đong có bẩy lẻ. Thức ăn có vài cọng rau trong vườn, mấy con tôm kho mặn con mò được ngoài ruộng. Mà… con thấy dạo này thầy ăn mỗi ngày một kém đi. Thầy phải cố ăn để còn giữ lấy sức khỏe.

Thầy Ái ngồi đưa tay lên xoa xoa cái cằm nhẵn nhụi:

– Có cơm ăn với tôm rang là sang lắm rồi đấy. Chứ Uy Viễn Tướng công(5) khi cảnh bần hàn còn than thân: “Ngày hai bữa vào bụng rau bình bịch, người quân tử ăn chẳng cần no”. Không biết ta có phải người quân tử không đây?

Đúng như Đờm nhận xét, thầy Ái mỗi ngày một ăn ít. Không phải vì cái triết lý” kẻ sĩ thục bất cầu bão” mà vì thầy lo xa. Nhà chí sĩ vận cùng đang phải mai danh ẩn tích, lo cái lúc thằng đầy tớ ngập ngừng bảo: “Gạo đã hết mà vay chẳng được”. Vì thế nên thầy sống lần hồi qua bữa. Nhiều hôm thầy mệt lả, ruột cồn cào mà không dám kêu đói. Thầy liếc nhìn thằng Đởm thấy nó cứ lúi húi vào cái mẹt cũ đựng gì lổn nhổn màu thâm như đất thó. Thầy ngập ngừng muốn hỏi, nhưng lại e nó cho là tò mò, để tâm vào những việc vụn vặt không phải là của mình.

Một bữa trưa, bốn đứa trẻ đã về cả rồi. Bóng giọt ranh đã lùi ra nửa sân mà vẫn chưa thấy thằng Đởm bưng mâm lên. Thầy theo dõi thấy nó cứ ngập ngừng như có điều gì định làm rồi lại thôi, định nói rồi lại ngừng. Nhưng vì thầy đói, mà đã đói thì sinh mệt, nên thầy đi nghỉ. Thầy ngả người xuống giường, kéo gối nằm và ngủ thiếp đi. Một lúc sau thì Đờm bưng mâm lên đánh thức thầy dậy:

– Con mời thầy dùng bữa ạ!

Thầy Ái uể oải cầm đũa. Âu cơm nóng phả vào mũi thầy một mùi vị vừa như quen vừa như lạ. Nó bùi bùi, chua chua lại như hơi thum thủm… Còn hạt cơm thì đúng vẫn là thứ gạo mà thằng Đờm vẫn đổ ra trút vào ở cái mẹt hôm trước. Có điều thầy ăn rất ngon, bởi mùi vị đặc biệt của cơm với thức ăn là những lát chuối tiêu còn xanh nguyên cả vỏ chấm với muối nghiền ớt nướng. Ôi, thì ra cái vị ngon đâu cứ phải là cao lương mĩ vị! Nó đơn giản lắm, chỉ cần ta ăn khi ta đói, lúc ta cần ăn thì cái ngon sẽ đến tự nhiên như một vị khách quý không mời.

Ăn xong một cách ngon lành, thầy thư thả ngồi xỉa răng. Một tay che miệng, một tay thầy khẽ cậy những hạt bựa, mảnh cơm giắt trong kẽ răng rồi gạt lên tờ giấy bản đặt ở góc giường để sau đó thằng Đởm đem đi bỏ. Rồi thầy rút chiếc khăn trầu cô Tuyết trao cho cái đêm trăng suông thầy xách đãy ra đi đưa lên lau miệng, lau mũi. Kỷ vật đơn sơ ấy gợi lại cho thầy những ngày sống ở nhà cụ Tràm Thoi. Phải nói là đẹp! Hơn thế nữa, thầy lại thấy mùi trầu thơm của cô Tuyết trao, vẫn như còn nguyên vẹn trong chiếc khăn, cùng với đôi mắt lúng liếng của cô giống như hai vì sao nhỏ vừa từ trên dải Ngân Hà rơi lạc xuống náu dưới vành khăn mỏ quạ.

Vừa lúc thằng Đởm bưng nước lên. Thầy hỏi:

– Dư vị vẫn còn à?

– Còn. Thầy dùng tạm!

Chẳng là cái ấm quả lựu cụ Trùm biếu thầy làm kỷ niệm cùng với gói chè ướp sẵn hương ngâu, thầy mang theo. Chè thì hết đã lâu, nhưng cứ cho nước sôi vào rồi rót ra tách, nước vẫn có màu và thoảng hương chè. Lần đầu, thầy Ái cho đó là sự kỳ lạ. Thầy nhòm kỹ vào trong lòng ấm. Ồ, thì ra trong đó có những rãnh xoắn lượn sóng ngoằn ngoèo, chằng chịt. Cặn chè kết lại như một thứ keo. Khi có nước sôi đổ vào, cao chè thôi ra, uống còn bằng mấy những thứ nước lá tạp khác. Sau phát hiện thú vị này, thầy Ái vỗ vào đùi đánh “bụp” rồi nói một mình:” Đây mới thật là cái ấm quý, người thợ gốm Bát Tràng mới tinh quái làm sao!” Thảo nào khi tặng ấm cụ Trùm nói đi nói lại: “Thầy giữ lấy. Của gia bảo nhà tôi đấy, nên tôi tặng thầy làm kỷ niệm”. Ôi, thật biết ơn cụ Trùm! Không ngờ trên bước đường luân lạc, ta lại gặp được một con người tri âm tri kỷ, phú gia nhưng không ô trọc!

Nhấp chén trà “thôi” với một cảm giác thật mãn nguyện, thầy Ái nói:

– Đởm này, bữa nay anh vay gạo nhà ai mà cơm ngon lạ vậy? Nước Nam mình, ngoài tám thơm, gié mùa ra đâu có cái giống lúa quý ấy nhỉ?

Đởm lúng búng, nửa muốn nói, nửa không. Thầy giục:

– Thì cứ nói đi. Vay ai thì cũng phải trả người ta. Tiền nào của ấy lo gì.

– Dạ… không ai cho vay nữa đâu thầy ạ.

– Thế thì lấy ở đâu?

– Con… con cóp dần những hạt bựa thầy cạy ra lúc xỉa răng, sau đó đem phơi khô để vào cái ống tre, cài lên gác bếp. Bữa nay bí quá, con đành mạn phép thầy đem ra nấu. Xin thầy xá tội cho!

Thầy Ái lắc đầu, không nói gì, chỉ cố giấu một tiếng thở dài. Rồi thầy ngả người nằm nghỉ, như mọi khi sau bữa ăn. Nhưng lần này, thầy vắt tay ngang trán, hai mắt lim dim như người nhập định. Thầy tưởng tượng lại như để không bao giờ quên cái mùi vị của bữa ăn vừa rồi để mà chiêm nghiệm, để mà xót xa thân phận. Nhưng ngay sau đó, thầy nghĩ đến người đầy tớ, và thấy nặng trong lòng mình niềm biết ơn và kính trọng.

Chú thích:

(1) Bàn Sơn: Địa danh ở Huế, nơi Nguyễn Huệ lên ngôi

(2) Câu này có nghĩa là tiếng thét của người anh hùng vang dậy từ Bàn Sơn xưa/Đền miếu còn tỏa hào quang ở bể Bạng bây giờ. (Bể bạng thuộc xã Hải Thanh-Tĩnh Gia-Thanh Hóa, nơi có đền thờ Quang Trung).

(3) Nguyễn Quang Bích 1832-1890, là lãnh tụ của phong trào Cần Vương.

(4) F.Garnie

(5) Uy Viễn Tướng công tức Nguyễn Công Trứ.

N.A.Đ

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder