Nguyễn Khuyến (1835-1909) đã từng 3 lần đỗ đầu trong các kỳ thi (Hương – Hội và Đình) thời Nguyễn, triều Tự Đức nhưng trong tấm bia được người cháu 4 đời của Cụ sưu tầm và lưu giữ tại Hải Phòng hiện nay, lại xác định Cụ đỗ “Nhị giáp tiến sỹ”. Rất nhiều người đến thưởng lãm đều băn khoăn vì lẽ ra Cụ phải đạt danh hiệu Trạng Nguyên?
Nguyễn Khuyến (1835-1909) đã từng 3 lần đỗ đầu trong các kỳ thi (Hương – Hội và Đình) thời Nguyễn, triều Tự Đức nhưng trong tấm bia được người cháu 4 đời của Cụ sưu tầm và lưu giữ tại Hải Phòng hiện nay, lại xác định Cụ đỗ “Nhị giáp tiến sỹ”. Rất nhiều người đến thưởng lãm đều băn khoăn vì lẽ ra Cụ phải đạt danh hiệu Trạng Nguyên?
Nguyễn Khuyến, nhà thơ của đồng quê Việt nam với chùm thơ thu nổi tiếng không xa lạ với mọi thế hệ học trò, nhưng ít ai biết rằng ngay giữa lòng thành phố Hải Phòng, ngõ 53 – Đường Lạch Tray lại có một từ đường thờ phụng cụ Nguyễn Khuyến cho chính cháu đời thứ 4 của Cụ chăm sóc, đó là Bác sỹ Nguyễn Thị Thu Hiền. Có rất nhiều di vật nguyên bản của Cụ được lưu giữ, trong số ấy có bản sao tấm bia tiến sỹ đời Tự Đức thứ 24 là di vật mới được chính Bác sỹ Hiền lấy từ Huế về. Bản chính bằng đá của tấm bia này hiện đang được lưu giữ tại Nhà bia Văn Miếu thành phố Huế. Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, cháu bốn đời của Nhà thơ đã lặn lội sưu tầm với sự trợ giúp của Ban bảo tồn di tích Huế và nhà nghiên cứu Phan Thuận An đã thu lại nội dung bằng các phương pháp chuyên môn.
Toàn bộ tấm văn bia được viết bằng chữ Hán. Đây là kiểu Văn bia lập với mục đích thông báo và tóm tắt các nội dung trích ngang tiêu biểu của các thí sinh đỗ khoa thi Đình năm 1871. Phần nói về Nguyễn Khuyến được ghi ngay trên đầu tấm bia, tạm dịch: “ Bia đề tên Tiến sỹ khoa thi Tân vị (Tân mùi 1871), niên hiệu Tự Đức thứ 24 của Bản Triều. Ban cho người đỗ Nhị giáp Tiến sỹ xuất thân là Nguyễn Khuyến cử nhân trường Giám; sinh năm Ất mùi 1835, 37 tuổi người xã Yên Đổ, tổng Yên Đổ, huyện Bình Lục, phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nội”. Các phần tiếp nối ghi trích ngang của các tiến sỹ khác cùng đỗ trong kỳ thi.
Tấm bia này cùng với 2 tấm biển vua Tự Đức ban “Ân tứ vinh quy”, “Nhị giáp tiến sĩ”, treo tại từ đường Cụ ở huyện Bình Lục đều có một chi tiết khó lý giải, đó là Nguyễn Khuyến đỗ đầu cả ba kỳ thi (Thi Hương, thi Hội và thi Đình) theo lý sẽ được phong là Trạng Nguyên, nhưng thậm chí còn không được ghi danh “Nhất giáp tiến sỹ” mà chỉ là “Nhị giáp tiến sĩ”? Điều này, ngay cả ông Nguyễn Văn Tùng cháu đời thứ 5 và hiện trông coi khu từ đường tại Bình Lục cũng lý giải: “ Sở dĩ như vậy là theo quy định thời đó, dòng họ Nguyễn trước đó đã có 1 người đỗ tiến sỹ và Nguyễn Khuyến là người thứ 2. Biển này không phải chỉ Cụ là người đỗ thứ nhì của kỳ thi.”. Những lý giải này không tường minh và không có căn cứ. Theo bác sỹ Nguyễn Thu Hiền thì cũng có nhiều người thắc mắc về điều này, chị đang nhờ các nhà nghiên cứu lý giải và sẽ trả lời sau.
Tuy nhiên, ngày 15 tháng giêng vừa qua, dòng họ Nguyễn tại Bình Lục đã làm lễ trao tặng tấm biển quý này cho Trường THPT Nguyễn Khuyến của thành phố khi cán bộ giáo viên và học sinh của trường vào dự kỷ niệm 105 năm ngày mất của Cụ. Xem tường tận nội dung của văn bia kết hợp với tài liệu về lịch sử giáo dục Việt Nam thời kỳ trung đại chúng ta có thể lý giải tường minh được sự thật này.
Theo đó, trong các kỳ thi Đình từ thời nhà Trần ( năm Kiến Trung thứ 8 (1232) đời vua Trần Thái Tông), xếp các thí sinh đỗ Tiến sỹ thành 2 bảng: Chính bảng gồm 3 danh hiệu: trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa ở 3 vị trí đầu tiên sau đó là các tiến sỹ có điểm số cao và Phụ bảng gồm các tiến sỹ đạt chuẩn điểm thi.
Đến triều nhà Hậu Lê, năm 1484 (niên hiệu Hồng Đức 15), Lê Thánh Tông phân định lại bảng xếp hạng tiến sỹ thành 3 bảng. Theo đó, Bảng 1 dành cho danh hiệu đệ nhất giáp (tiến sĩ cập đệ), đây là 3 vị trí cao nhất của khoa thi ( Trạng nguyên -Bảng nhãn – Thám hoa); Đệ nhị giáp (tiến sĩ xuất thân), gồm các tiến sỹ nằm trong chính bảng; và Đệ tam giáp (đồng tiến sĩ), bao gồm các tiến sỹ nằm trong phụ bảng và khắc bia tiến sĩ.
Đến thời Nguyễn, triều đình không lấy hạng đệ nhất giáp, nên người đỗ tiến sỹ đứng đầu bảng thi cũng chỉ gọi là Đệ nhị giáp; Tất cả thí sinh đỗ cũng chỉ xếp 1 Bảng không chia bậc, mà xếp thứ tự, ai đỗ cao hơn được xếp ở trên. Khi bổ quan được lĩnh chức có hàm tòng thất phẩm.
Từ đây có thể thấy, tấm bia ghi danh Nguyễn Khuyến là “Đệ nhị giáp tiến sỹ” không phải xác định Ông đỗ ở vị trí thứ 2, mà nguyên do là Nhà Nguyễn bỏ các danh hiệu ở bảng Nhất giáp tiến sỹ mặc dù Nguyễn Khuyến nếu theo các Vương triều trước sẽ đạt danh hiệu Trạng Nguyên.
Về một số chi tiết khác gây thắc mắc, có thể chú giải thêm như sau: Nguyễn Khuyến sau đỗ đầu thi Hội đỗ cử nhân đã được chọn vào học tại trường Quốc Tử Giám (Huế) sau đó mới tham gia thi Đình, nên mới có cụm từ ghi là “ cử nhân trường Giám” ; còn địa danh quê quán của nhà thơ ghi là Hà Nội bởi vì thời điểm ấy huyện Bình Lục vẫn thuộc Hà Nội và chỉ tách về Hà Nam năm 1890.